Chương IVHÂN TÍCH NGÔN NGỮ THƠ VỀ MẶT NGỮ NGHĨA
I. Dẫn nhập:
Mục đích của việc phân tích thơ là phải nắm nội dung biểu đạt của ngôn ngữ thơ. Nội dung ấy không đơn giản là phép cộng nghĩa các từ ngữ mà còn là do mối quan hệ chặt chẽ giữa các tín hiệu ngôn ngữ trong thi phẩm tạo nên. Bình diện ngữ nghĩa thứ hai trong thơ là rất quan trọng, đóng vai trò chính và quyết định sự thành bại của thi phẩm. Thực tế cho thấy, nghĩa tình huống (lâm thời, nghĩa thứ hai) của ngôn ngữ thơ rất đa dạng, sinh động và tinh tế, khiến đôi lúc độc giả chúng ta lúng túng. Ta thử xem xét các trường hợp dẫn dụ sau đây:
Trường hợp 1: Ca dao viết:
“Thân em như tấm lụa đào
Phất phơ giữa chợ biết vào tay ai?” ( 1 )
và
“Thân em như tấm lụa đào
Không dưng xé lẻ vuông vào cho ai” ( 2 )
Hình ảnh “tấm lụa đào” trong hai câu ca dao trên có nghĩa biểu hiện khác nhau. Ở câu 1, hình ảnh “tấm lụa đào” có quan hệ với hình ảnh “chợ” và do đó “tấm lụa đào” được biểu hiện là một món hàng. Còn ở câu 2 “tấm lụa đào” có quan hệ với từ “xé lẻ” nên “tấm lụa đào” được hiểu là một cái gì nguyên vẹn không thể phân chia. Và rõ ràng từ “thân em” câu ( 2 ) được hiểu là “tình em”.
Trường hợp 2: Bà Huyện Thanh Quan viết:
“Một mảnh tình riêng ta với ta” (1)
(Qua đèo ngang)
Nguyễn Khuyến viết:
“Bác đến chơi đây ta với ta” (2)
(Bạn đến chơi nhà)
Hai câu thơ trên đều dùng cụm từ “ta với ta”. Nhưng nghĩa biểu đạt của cụm từ ấy trong hai câu lại hoàn toàn khác nhau. Ơ câu 1, “ta với ta” biểu hiện sự cô đơn của tác giả, nhưng ở câu 2, nó lại thể hiện tình bạn chân thành sâu sắc của Nguyễn Khuyến với bạn của mình.
Hai ví dụ trên cho thấy, nội dung biểu hiện trong ngôn ngữ thơ phần lớn xuất phát từ mối quan hệ chằng chịt giữa các tín hiệu ngôn ngữ thơ.
Có được những mối quan hệ ấy là do người nghệ sĩ biết cách vận dụng những thủ pháp nghệ thuật tổ chức, sắp xếp các tín hiệu ngôn ngữ thơ thành một hệ thống chặt chẽ. Phát hiện được những mối quan hệ ấy, nghĩa là ta đã tìm được chiếc chìa khoá vàng để bước vào thế giới lung linh huyền ảo của tác phẩm thơ. Ơ chương này, chúng tôi tập trung vào cách khai thác tổ chức quan hệ ngữ nghĩa trong thơ.
II. Chủ đề của tác phẩm thơ:
Trước khi phân tích văn học nói chung, thơ nói riêng ta cần phải nắm chủ đề của tác phẩm. Xác định được chủ đề của thi phẩm sẽ góp phần định hướng, chi phối mọi thao tác phân tích của chúng ta.
Thơ ca thuộc loại tác phẩm trữ tình, do vậy chủ đề của bài thơ luôn là cảm xúc, tâm trạng, thái độ,... của nhân vật trữ tình đối với một sự vật, sự việc, con người nào đó. Nói cách khác, thơ là sản phẩm của trái tim, tâm hồn người nghệ sĩ, nên dù muốn hay không nó phải mang hơi ấm tâm hồn, nhịp đập trái tim người nghệ sĩ.
Tóm lại, chủ đề tác phẩm thơ là tâm trạng của nhân vật trữ tình trước một vấn đề nào đó trong hiện thực đời sống.
Muốn tìm hiểu chủ đề của một thi phẩm, ta cần làm các bước sau:
1- Xác định nhân vật trữ tình trong bài thơ:
Như đã trình bày, nhân vật trữ tình là con người đang cảm xúc, rung động trong thơ.
Nội dung trữ tình trong thơ luôn được thể hiện thông qua nhân vật trữ tình. Sâu xa hơn, tác giả cũng chỉ có thể thể hiện xúc cảm của mình thông qua nhân vật trữ tình.
Độc giả cần phân biệt nhân vật trữ tình và nhân vật tự sự. Sự phân biết ấy dựa vào việc đối lập những nét đặc trưng của loại tác phẩm trữ tình và tự sự. Sự phân biệt này giúp ích rất lớn trong quá trình phân tích thơ.
Nhân vật trữ tình là con người, nhưng đó là con người của tâm trạng, của cảm xúc... chứ không phải con người hành sự, đi đứng, nói năng,... như nhân vật tự sự. Do đó, khi phân tích nhân vật trữ tình ta cần phải tập trung khai thác thế giới tâm trạng của nhân vật. Phân tích thơ mà không nói được tâm trạng của nhân vật trữ tình thì coi như không phân tích được gì cả!
Trước khi phân tích thơ, ta phải xác định cho được nhân vật trữ tình. Công việc này có khi đơn giản nhưng nhiều lúc phức tạp.
Ví dụ 1: Nhân vật trữ tình trong bài “Mời trầu” (Hồ Xuân Hương) rất dễ xác định. Đó chính là tác giả.
Ví dụ 2: Nhân vật trữ tình của câu ca dao:
“Nhớ ai ra ngẩn vào ngơ
Nhớ ai ai nhớ, bây giờ nhớ ai?”
Có thể là một cô gái hay một chàng trai. Nói chung là một người đang yêu, đang tương tư. Nhân vật trữ tình trong câu ca dao này không là ai cụ thể, và cũng nhờ vậy mà nhiều người tìm thấy mình, đúng hơn là tâm trạng của mình trong câu ca dao đó.
Ví dụ 3: Nhân vật trữ tình trong bài “Tiếng hát con tàu” (Chế Lan Viên) vừa là tác giả vừa là thế hệ trẻ Việt Nam trong thời điểm kiến thiết đất nước sau cuộc kháng chiến chống Pháp thắng lợi.
Ví dụ 4: Bài thơ “Bóng cây khơ nia” (Anh Ngọc) thì nhân vật trữ tình là một cô gái miền sơn cước chứ không phải tác giả.
Ví dụ 5: Bài thơ “Tống biệt hành” (Thâm Tâm) có nhiều nhân vật trữ tình (người đi, kẻ ở). Bài “Việt Bắc” (Tố Hữu) cũng vậy...
...
Nhân vật trữ tình suy cho cùng là một sản phẩm của thời đại, hoan cảnh lịch sử. Do vậy, việc phân tích, đi tìm tâm trạng nhân vật trữ tình đôi lúc cần thiết gắn với tâm lý thời đại, hoàn cảnh ra đời của bài thơ.
2- Xác định tứ thơ:
Tứ thơ là một sự việc hay hiện tượng nào đó trong đời sống được đề cập trong bài thơ và nhờ các sự việc, hiện tượng ấy mà nhân vật trữ tình bộc lộ cảm xúc. Nhiêu khi tứ thơ chỉ là cái cớ nghệ thuật, là giả định nhưng có lúc nó là một sự kiện, sự việc có thật trong cuộc sống.
Trong bài “Mồng hai tết viếng cô Ký”(Trần Tế Xương), tác giả mượn cái chết của cô Ký làm tứ để bày tỏ thái độ trước hiện thực giao thời của xã hội Việt Nam mà những chân giá trị cuộc sống bị đảo lộn. Nhưng, bài “Khóc Dương Khuê”, Nguyễn Khuyến lại bày tỏ nỗi đau, niềm cô đơn khi mất bạn, và qua đó ông còn thể hiện một tình bạn sâu sắc chân thành.
Người làm thơ muốn diễn đạt tốt cảm xúc (ý) thì phải chọn tứ. Tứ hay là tứ mới lạ, diễn tả trọn vẹn, độc đáo, sâu sắc cảm xúc của nhà thơ.
Thực tế cho thấy, một bài thơ hay cũng nhờ một phần ở tứ thơ. Khi tìm hiểu tứ thơ trong mối quan hệ với nội dung cảm xúc,độc giả cần tỉnh táo và linh hoạt, không cứng nhắc, máy móc. Bởi lẽ, có nhiều bài thơ cùng chung một tứ nhưng nội dung cảm xúc khác nhau và nhiều bài khác nhau về tứ nhưng nội dung cảm xúc có nhiều điểm giống nhau.
Ví dụ 1: Giống nhau về tứ nhưng khác nhau về nội dung cảm xúc.
Cùng lấy tứ là “chia ly” nhưng bài thơ “Hương thầm” (Phan Thị Thanh Nhàn) thì thể hiện một tình yêu vừa đằm thắm kín đáo vừa mãnh liệt dữ dội của cô gái (nhân vật trữ tình). Trong khi đó bài “Hoàng Hạc lâu Tống Mạnh Hạo Nhiên chi Quảng Lăng”, Lý Bạch lại thể hiện nỗi buồn khi thức nhận về thân phận nhỏ bé hữu hạn của kiếp người trước sự mênh mông, vĩnh hằng của vũ trụ.
Ví du 2 : Khác nhau về tứ nhưng tương đồng về nội dung cảm xúc.
Cùng thể hiện tình bạn chân thành, sâu sắc nhưng trong hai bài thơ “Khóc Dương Khuê” và “ Bạn đến chơi nhà” sử dụng hai cái tứ khác nhau. Bài “Khóc Dương Khuê” lấy tứ từ cái chết của người bạn, bài “Bạn đến chơi nhà” lấy tứ từ việc một người bạn đến thăm Nguyễn Khuyến.
Tóm lại tứ thơ là một đối tượng cụ thể để nhà thơ bộc lộ cảm xúc thái độ tư tưởng của mình (đúng hơn là của nhân vật trữ tình ). Xác định tứ thơ mới dễ dàng nắm bắt mạch cảm xúc của bài thơ. Cần thấy tứ thơ là phương tiện để tìm hiểu giá trị cảm xúc của bài thơ chứ không phải là mục đích việc phân tích thơ.
3. Xác định mạch tâm trạng chính của bài thơ (Cảm nhận sơ bộ nội dung cảm xúc của bài thơ):
Nội dung cảm xúc trong thơ luôn được thể hiện một trong hai hình thức sau: Trực tiếp và gián tiếp trên ngôn ngữ thơ.
+ Thể hiện trực tiếp bởi các từ ngữ chỉ tâm trạng.
Ví dụ: "Sóng gợn Tràng Giang buồn điệp điệp
Con thuyền xuôi mái nước song song
Thuyền về nước lại sầu trăm ngả
Củi một cành khô lạc mấy dòng"
(Tràng Giang - Huy Cận)
Khổ thơ có hai từ "buồn", "sầu" trực tiếp thể hiện tâm trạng nhân vật trữ tình. Nỗi buồn sầu ấy là mạch cảm xúc của khổ thơ này nói riêng và bài Tràng Giang nói chung.
Hay
"Rặng liễu đìu hiu đứng chịu tang
Tóc dài buông xuống lệ ngàn hàng
Đây mùa thu tới mùa thu tới
Với áo mơ phai dệt lá vàng"
(Đây mùa thu tới - Xuân Diệu)
Từ "buồn" trực tiếp thể hiện cảm xúc của Xuân Diệu trước mùa thu chia ly.
+ Gián tiếp thể hiện cảm xúc thông qua hình tượng ngôn ngữ thơ:
Ví dụ:
"... Cử bôi yêu minh nguyệt
Đối ảnh thành tam nhân"
(Nâng chén mời trăng sáng
Với ảnh thành ba người)
(Lý Bạch)
Câu thơ không có từ ngữ nào trực tiếp miêu tả tâm trạng của Lý Bạch, nhưng hình tượng thơ lại thể hiện rõ nét nỗi cô đơn của tác giả, hay:
"Nghe càng đắm, ngắm càng say
Lạ thay mặt sắt cũng ngây vì tình"
(Kiều - Nguyễn Du)
Sự việc được tả trong câu thơ là sự đắm đuối, ngây ngất của Hồ Tôn Hiến trước tiếng đàn và nhan sắt của Kiều. Nhưng điều quan trọng trong câu thơ là Nguyễn Du dùng hình ảnh hoán dụ "mặt sắt" (chỉ Hồ Tôn Hiến) để bày tỏ thái độ khinh bỉ, mỉa mai cái bản tính háo sắc, tâm hồn khô cằn của vị tổng đốc trọng thần này.
Thực tế cho thấy, trong một bài thơ hay một câu thơ, thường có sự kết hợp cả hai cách thể hiện nội dung cảm xúc. Như:
- "Sao xót xa như rụng bàn tay"
(Bên kia sông Đuống - Hoàng Cầm)
- "Đau xé lòng anh chết nửa thân người"
(Quê hương - Giang Nam)
Trong trường hợp này, các cảm xúc chính được thể hiện trực tiếp qua các từ "xót xa", "đau", và các từ ngữ còn lại "rụng bàn tay", "chết nửa thân người" tạo nên những hình tượng ngôn ngữ, vừa nhấn mạnh, vừa tạo sắc thái cụ thể cho từng loại cảm xúc ấy.
Dựa vào những điều vừa trình bày trên, ta dễ dàng xác định chủ đề của một bài thơ. Ví thử xác định chủ đề bài Tràng giang (Huy Cận).
+ Nhân vật trữ tình: tác giả (Một người khách tha phương).
+ Tứ thơ: Không gian mênh mông của dòng Tràng giang, của vũ trụ.
+ Cảm xúc chính: Nỗi buồn sầu, sự cô đơn.
Vậy chủ đề của bài Tràng giang là: Bài thơ thể hiện nỗi buồn sầu, sự cô đơn của tác giả trước không gian mênh mông.
Tuy nhiên, để phân tích, tìm hiểu đầy đủ giá trị nội dung và nghệ thuật của một thi phẩm ta cần đi sâu vào việc phân tích hình tượng ngôn ngữ thơ.
II. Hình tượng ngôn ngữ thơ:
1. Khái niệm:
Hình tượng thơ là một hình ảnh vừa có khả năng thể hiện cái cụ thể sinh động của đời sống, vừa mang ý nghĩa biểu trưng về cuộc sống thông qua sự xử dụng ngôn ngữ tài tình, trí tưởng tượng, óc sáng tạo và cách đánh giá của người nghệ sĩ.
Từ định nghĩa này, ta thấy điều kiện cần của hình tượng trước hết phải là một hình ảnh về cuộc sống và điều kiện đủ là hình ảnh ấy phải có ý nghĩa biểu trưng về cuộc sống. Nếu chỉ dừng lại ở mức độ tái hiện cuộc sống thì ngôn ngữ thơ chưa trở thành hình tượng. Ví dụ như câu "Quá niên trạc ngoại tứ tuần" thì chỉ tạo ra hình ảnh một con người có tuổi ngoài 40 . Câu thơ này chỉ mới kể sự chứ chưa tạo ra ý nghĩa biểu trưng cho một vấn đề nào trong đời sống. Song đến câu: "Mày râu nhẵn nhụi áo quần bảnh bao" thì không những tạo ra hình ảnh con người có hình dung chải chuốc, mà còn gợi nên nét nghĩa biểu trưng: Thái độ không tôn trọng của tác giả về hạng người điểm tô ngoại hình nguỵ trang cho sự nhuộm đen tâm hồn và nhân cách.
Để thấy được ý nghĩa biểu trưng của hình tượng, điều cơ bản, ta phải xem xét đến tài năng sử dụng ngôn ngữ (Nghệ thuật dùng ngôn ngữ) của người nghệ sĩ. Bởi lẽ, mọi quá trình, cách thức phân tích thơ đều phải xuất phát từ ngôn ngữ văn bản thơ. Vì vậy, để ngôn ngữ thơ có tính hình tượng, người nghệ sĩ luôn phải biết tổ chức, sáng tạo ngôn ngữ từ đơn vị cơ bản của ngôn ngữ là từ đến những đơn vị lớn hơn là cụm từ, tổ hợp từ, câu, đoạn, ...
Vậy, ta có thể khẳng định hình tượng thơ là nơi kết tinh cao độ giá trị nội dung và nghệ thuật của thi phẩm.
2. Các phương thức sử dụng ngôn ngữ tạo nên hình tượng thơ:
a. Chất liệu thơ (thi liệu):
Là hệ thống hình ảnh, sự vật được ngôn ngữ gọi tên có cùng một đặc điểm tính chất và có mối quan hệ tương cận với nhau.
Từ cách hiểu như vậy, ta thấy những từ ngữ tạo nên chất liệu thơ thường là các danh từ hay ngữ danh từ. Và cũng vì các hình ảnh sự vật được ngôn ngữ gọi tên có nét tương đồng và quan hệ tương cận nên có thể hiểu chất liệu thơ là hệ thống các danh từ, ngữ danh từ cùng trường.
Ví dụ:
Các từ: thuỷ tinh, pha lê, gương hồ, xà cừ, san hô, lưu ly, ngọc, ... là những từ chỉ các sự vật có cùng những đặc điểm, tính chất: Cứng, dễ vỡ, trong, phản quang, ...
Để nghiên cứu sâu về chất liệu thơ, ta thấy rõ mỗi một dạng chất liệu được dùng trong thơ chứa đựng đậm nét cá tính sáng tạo (quan niệm nghệ thuật, quan niệm thẩm mỹ, thái độ tình cảm, ...) và ý đồ nghệ thuật của nhà nghệ sĩ. Do vậy, việc tìm và phân tích được chất liệu thơ sẽ giúp độc giả mở thêm một cánh cửa để bước vào khám phá thế giới cảm xúc độc đáo của từng thi phẩm hay cả sự nghiệp sáng tác của một nhà thơ.
Ví dụ 1:
Thế giới nghệ thuật bài “Nguyệt cầm” (Xuân Diệu) được tạo dựng từ hai thực thể: tiếng đàn và ánh trăng. Song, trong bài thơ tiếng đàn và ánh trăng ấy được bao bọc trong không gian trong suốt tĩnh lặng, băng giá, ngợp sáng, dễ vỡ của: Đêm thuỷ tinh, biển pha lê, sương bạc, ... Qua đó là một không gian đẹp gợi cái băng giá, cô đơn trong lòng người.
Ví dụ 2:
Bích Khê là nhà thơ có nhiều bài, nhiều câu thơ sử dụng chất liệu thơ có tính chất trong suốt, dễ vỡ, ...
- Lầu ai ánh gì như lưu ly.
- Thuỷ tinh ai để lòng vương hồ
- Không gian xà cừ hay san hô
...
Ví dụ 3:
Thơ Hàn Mặc Tử thường sử dụng cụm 3 thực thể: Trăng - Hồn - Máu.
- Gió rít tầng cao trăng ngã ngửa.
Vỡ tan thành vũng đọng vàng khô.
Ta nằm trong vũng trăng đêm ấy
Sáng dậy cuồng điên mửa máu ra.
- Kìa ai gánh máu đi trên tuyết
Manh áo da cừu ngắm nở nang
- Người đi một nửa hồn tôi mất
Một nửa hồn tôi bỗng dại khờ.
- Sao bông phượng nở trong màu huyết
Nhỏ xuống lòng tôi những giọt châu.
Với Tử, trăng đồng nghĩa với thế giới cái đẹp, cái vĩnh hằng, thế giới huyền ảo, hồn - máu là nỗi ám ảnh về cái chết từ thực tại nỗi đau bệnh tật. Trăng - hồn - máu làm nên sự cân bằng tâm trạng, cảm xúc trong thơ Hàn Mặc Tử.
Ví dụ 4:
Chất liệu thơ của Nguyễn Bính thường là các hình ảnh, sự vật gắn liền với đời sống làng quê Việt Nam. Đó là thi liệu dân gian: Trầu, cau, đền, đò, chè, mẹ già, thầy u, hoa xoan, luỹ tre, cây bàng, đầu đình, hội làng, ...
Theo Nguyễn Nhã Bảng và Hồ Xuân Bình thống kê thì trong tuyển tập thơ Nguyễn Bính có đến 452 từ chỉ về làng quê. Đây là một trong những yếu tố khiến người ta gọi Nguyễn Bính là nhà thơ chân quê.
Đặc biệt, người ta còn phát hiện trong thơ Nguyễn Bính các từ ngữ liên quan đến chế độ khoa cử thời phong kiến:
- “Tưng bừng vua mở khoa thi
Anh đỗ quan trạng, vinh qui về làng
Võng anh đi trước võng nàng
Cả hai chiếc võng cũng sang một đò”
- “Mới rồi mãn khoá thi hương
Ngựa điều võng tía qua đường những ai ?”
...
Có lẽ, vì tác giả bất bình trước hiện thực cuộc sống đương thời, nên tìm về ngày xưa với cái hồn dân tộc.
Ví dụ 5:
Ca dao ra đời từ trong đời sống sinh hoạt của người bình dân nên chất liệu của nó cũng gắn liền với đời sống của người bình dân. Hầu hết hình ảnh, sự vật, hiện tượng xuất hiện trong ca dao đều mộc mạc, dễ hiểu, bình dị, thân quen. Điều đó làm nên sức sống lâu bền của ca dao (Theo các nhà nghiên cứu, chỉ có số ít câu ca dao do trí thức phong kiến sáng tác nên có cùng điển cố, từ hán - việt, các hình ảnh tượng trưng ước lệ nên nó có tính uyên bác, hàn lâm mà thiếu tính dân gian).
Ví dụ 6:
Chương “Đất nước” (Trích trường ca Mặt đường khát vọng - Nguyễn Khoa Điềm) sử dụng thi liệu là văn hoá dân gian, như: các câu ca dao, tục ngữ, thành ngữ, truyện cổ tích, thần thoại, truyền thuyết, ... giúp tác giả thể hiện thành công hình tượng đất nước.
“ Đất là nơi “ con chim phượng hoàng bay về hòn núi bạc
Nước là nơi “ con cá ngư ông móng nước biển khơi
Thời gian đằng đẵng
Không gian mênh mông
Đất nước là nơi dân mình đoàn tụ
Đất là nơi chim về
Nước là nơi rồng ở
Lạc Long Quân và Âu Cơ
Đẻ ra đồng bào ta trong bọc trứng...”
Đất nước là những gì thân thuộc, gần gũi với mỗi chúng ta. “Đất nước là đất nước của nhân dân, đất nước của ca dao thần thoại”.
b. Hình tượng không gian và thời gian trong thơ:
Không gian và thời gian là hai phạm trù luôn có mặt trong mọi hoạt động, sinh hoạt của con người. Nhiều lúc không để ý nhưng nó vẫn thường trực chi phối, ám ảnh chúng ta. Người ta thường nói rằng họ xúc cảm về một điều gì đó mà quên đi yếu tố không gian và thời gian làm nên sự tồn tại, xác định của điều đó. Do vậy, tư duy, xúc cảm của con người cũng nằm trong và chịu sự chi phối của một hệ không gian, thời gian nào đó.
Trong thơ, hai phạm trù này thường xuyên xuất hiện, nhưng hẳn đó không phải là sự ngẫu nhiên của việc miêu tả hiện thực, cảm xúc. Phạm trù không gian và thời gian trong thơ luôn được các thi sĩ ý thức sâu sắc nên nó hiện lên trong thơ như những hình tượng chứa đựng suy tưởng, cảm xúc của thi sĩ về cuộc đời. Vì vậy, phân tích thơ không thể bỏ qua việc tìm hiểu cảm thức của nhà thơ về không gian, thời gian.
Mọi người đều có nhận thức giống nhau về không gian, thời gian vật lý. Đó là thứ không gian 3 chiều, thời gian tuyến tính. Đó là nhận thức bằng lý trí, khách quan, khoa học. Nhưng về mặt tâm lý, tình cảm quá trình nhận thức ấy diễn ra không như nhau ở nhiều người. Vẫn xuất phát từ cơ sở khoa học, nhưng các thi sĩ nhận thức, biểu hiện không gian, thời gian trong thơ theo chiều tâm lý tình cảm chủ quan. Cho nên thông qua hình tượng không gian và thời gian ta sẽ tìm thấy cách cảm, cách nghĩ của nhà thơ về cuộc đời.
Kinh thi có câu:
“Nhất nhật tại tù
Thiên thu tại ngoại”
(Một ngày trong tù (bằng) thiên thu ở ngoài).
Đã thể hiện cảm thức của người xưa về không gian (tại tù/tại ngoại), vấn đề thời gian (nhất nhật/thiên thu). Không gian và thời gian trong câu thơ mang đậm dấu ấn tâm trạng của con người, nên ta thường gọi là không gian tâm trạng, thời gian tâm trạng.
Để tiện theo dõi, chúng tôi lần lược đi vào từng phạm trù trong thơ:
Đầu tiên là vấn đề thời gian nghệ thuật trong thơ. Không như thời gian vật lý vận động liên tục, đều đặng theo chiều tuyến tính, thời gian trong thơ bị cắt xén, kéo dài hay dồn nén theo tâm trạng, cảm xúc nhân vật trữ tình. Thời gian vừa là cơ sở, vừa là cái cớ để con người suy tư về thân phận, cuộc đời hay bày tỏ nỗi niềm.
“Sầu đông càng lấp càng đầy
Ba thu dọn lại một ngày dài ghê”
(Kiều - Nguyễn Du)
Một ngày dài như ba thu là vì nỗi đau trong ngày ấy quá nhiều. Thời gian tâm lý của nỗi đau luôn dài hơn niềm vui vì thế mà ngày đau đớn ấy dài như ba thu cộng lại. Hình tượng thời gian trong câu thơ trên dùng để thể hiện nỗi đau đớn tột độ mà Kiều phải gánh chịu. Phương thức tư duy của câu thơ: “Một ngày bằng ba thu” đã được sử dụng trong câu “Nhất nhật tại tù/Thiên thu tại ngoại” (Kinh thi).
Nếu với câu thơ trên, Nguyễn Du dùng thời gian làm thước đo nỗi đau của Kiều, thì Xuân Quỳnh lại dùng thời gian làm thước đo nỗi nhớ người yêu, nỗi nhớ thường trực đến mức vô thức, nên nó tự nhiên thấm vào ý tứ, câu chữ:
- “Lòng em nhớ đến anh
Cả trong mơ còn thức”
(Sóng)
- “Khi anh vắng bàn tay em biết nhớ
Lấy thời gian đan thành áo mong chờ
Lấy thời gian em viết những vần thơ”
(Bàn tay em)
- “Dù cùng một thời gian, cùng một không gian
Ngoài cánh cửa với em là quá khứ
Còn hiện tại của em là nỗi nhớ
Thời gian ơi sao không đổi sắc màu”
(Thời gian trắng)
Dưới góc độ triết học, mọi vật đều tồn tại và vận động biến đổi theo thời gian. Cho nên, thời gian vô tình, cần mẫn làm cho mọi thứ đổi thay kể cả lòng người. Như Xuân Diệu đã viết:
“Gấp đi em anh rất sợ ngày mai
Đời trôi chảy lòng ta không vĩnh viễn”
Do vậy, thời gian xuất hiện trong thơ thường mang ý nghĩa biểu trưng, là đối tượng nhận thức cho những đổi thay, còn mất, có không, hợp tan, ... của cuộc đời. Và sự đổi thay ấy làm rung động trái tim vốn dễ run rẩy của nhà thơ:
“Tích niên kim nhật thử môn trung
Nhân diện đào hoa tương ánh hồng
Nhân diện bất tri hà xứ khứ
Đào hoa y cựu tiếu đông phong”
(Đề đô thành Nam Trang - Thôi Hộ)
Bài thơ đề cập đến hai sự: Có người và vắng người, ở hai thời điểm: Ngày này năm xưa và ngày này năm nay. Quy lại cho cùng đó là sự đổi thay (sau một năm). Nếu không có đổi thay của thời gian thì làm gì có cảnh “nhân diện bất tri hà xứ khứ”, làm gì có nỗi nhớ tiếc của kẻ phong lưu đa tình ấy.
Thời gian trôi khiến đấng trượng phu đầu bạc “Bạc đầu với chiếc áo xanh ta già mất rồi” (Cao Bá Quát), khiến thiếu nữ hao gầy nhan sắc “Suối khô dòng lệ chờ mong tháng ngày/ Sương mai một nắm hao gầy/Tóc mây một mái đã đầy tuyết sương” (Tản Đà). Hình tượng thời gian như một thứ kẻ thù số một đeo bám, huỷ diệt những gì tốt đẹp, quý giá của con người và tạo nên vô số giới hạn trong cuộc đời.
“Ngán nỗi xuân đi xuân lại lại
Mảnh tình san sẻ tí con con”
(Tự tình - Hồ Xuân Hương)
Ngán là không ưa nhưng không loại bỏ được. Thời gian cứ trôi, mùa xuân đi rồi trở lại nhưng tuổi xuân của con người đi mãi không về, trong khi cái hồng nhan vẫn ê chề ra đó cùng với những khát khao hạnh phúc. Thời gian vô tình, lạnh lùng đáng ghét.
Người xưa đã thấy thời gian như bóng câu qua cửa sổ, đời người cũng theo bóng câu ấy nhanh chóng vụt qua:
“Xuân đương tới nghĩa là xuân đương qua
Xuân còn non nghĩa là xuân sẽ già
Và xuân hết nghĩa là tôi cùng mất”
(Vội vàng - Xuân Diệu)
Dòng chảy thời gian cuốn trôi tất cả. Với Xuân Diệu, thời gian là một dòng chảy liên tục, vĩnh hằng. Trên cái dòng chảy ấy, con người trở nên nhỏ bé, hữu hạn, bị cuốn trôi và nhấn chìm. Hình tượng thời gian xuất hiện trong thơ Xuân Diệu có tính chất đối lập với thân phận con người, để thể hiện thức nhận về sự hữu hạn của kiếp người. Và từ trong cái “ba vạn sáu ngàn ngày là mấy” ấy, con người cựa quậy, khao khát nới rộng hay vượt ra khỏi vòng cương toả chật chội của thời gian. Tự sự nhận thức ấy, Xuân Diệu đã lao vào cuộc chạy đua với thời gian bằng thái độ sống gấy, sống cuống quýt (một giải pháp tình thế mang tính nhân bản).
Thời gian cũng là một nỗi ảm ảnh trong thơ Hàn Mặc Tử. Vì theo Tử:
“Chỉ có trăng sao là bất diệt
Những gì tất cả thảy qua đi”
Nên “Chúng ta biến em ơi thành thanh khí”
Hay “Không gian dày đặc toàn trăng cả
Tôi cũng trăng mà nàng cũng trăng”
Hình tượng thời gian trong thơ Hàn Mặc Tử cũng mang ý nghĩa biểu trưng cho sự huỷ diệt, nên thi nhân luôn khao khát biến thành trăng sao, thanh khí để tận hưởng cái đẹp vĩnh hằng.
Không kém phần sinh động, bên cạnh hình tượng thời gian, trong thơ ta còn bắt gặp rất nhiều hình tượng về không gian, không phải là không gian Đề-cát ba chiều mà là thứ không gian được xác lập theo chiều tâm trạng.
Ý thức tìm hiểu, khám phá không gian đã có từ xa xưa trong những câu chuyện thần thoại:”Thần trụ trời”, “Nữ Oa vá trời”. Khám phá không gian đồng nghĩa với việc khám phá tự nhiên vũ trụ. Vì không gian có vai trò quan trọng trong đời sống con người. Khám phá nhận thức vũ trụ là một nhu cầu thường trực, thể hiện khát vọng chinh phục của con người. Như vậy, thông qua hình ảnh không gian được con người mô tả, ta sẽ hình dung được nhận thức cũng như những suy tư, nỗi niềm của họ.
Không gian luôn có mặt ở trong thơ (Phải chăng vì nó cụ thể, hữu hình hơn thời gian). Nó tồn tại ở dạng tiềm thức và cả ở dạng ý thức. Nhưng dù sao, nó vẫn góp phần thể hiện cá tính sáng tạo cũng như những sắc thái cảm xúc của người nghệ sĩ. Có lúc không gian là đối tượng thẩm mỹ, có khi nó là cái cớ của cảm xúc, ... Việc lĩnh hội tiếng nói thì thầm từ hình tượng không gian trong thơ không phải là dễ.
Trong thơ cổ, các thi sĩ phương đông nhận thức không gian là mênh mông, vô tận để từ đó ý thức về sự nhỏ bé hữu hạn của kiếp người. Không gian trong thơ cổ thường là sông, núi, mây, bầu trời, ... được miêu tả trong sự đối lập với con người. Sự đối lập ấy thường đẩy nhân vật trữ tình vào trạng thái rợn ngợp cô đơn.
“Cô phàm viễn ảnh bích không tận”
(Lý Bạch)
Con người nhỏ bé, cô đơn, lẽ loi trong hình ảnh “cô phàm” trước không gia bao la “bích không tận”. Và như thế, con người có nghĩa lý gì trong cõi mênh mông thiên địa này. Nỗi buồn và sự cô đơn cứ thế thấm dần vào con người để rồi người ta vượt lên trên thói thường cơm áo.
Không gian trong câu thơ trên được nhận thức ở góc độ triết học nên nó có tính khách quan, và mang ý nghĩa phổ quát. Chân lý từ không gian ấy còn được thể hiện trong thơ ca hiện đại Việt Nam sau này. Tiêu biểu là trường hợp Huy cận.
Huy Cận được mệnh danh là nhà thơ không gian, thơ ông luôn thể hiện nỗi khắc khoải về không gian, cụ thể là: sầu vũ trụ, buồn sông núi, buồn tràng giang, nhớ quê hương... Bài thơ Tràng giang là một ví dụ:
Không gian trong bài “Tràng giang” trước hết là một không gian tự nhiên, cụ thể là không gian nông thôn được xác định từ các chất liệu: cồn, bãi, bến, ... Cồn thì lơ thơ, bãi thì lặng lẽ, bến thì cô liêu. Nét độc đáo là không gian ấy được khắc hoạ ở trạng thái tĩnh, gần với cách sống hướng nội, suy tư, buồn lặng của nhà thơ. Thứ hai quan trọng hơn cả, nhà thơ miêu tả không gian mênh mông của Tràng giang bằng các tính từ: sâu, rộng, cao, dài, các động từ mở rộng biên độ không gian: xuống, lên, gợn, dạt, và bằng những vật thể bé nhỏ như: củi, cồn, bèo tạo nên sự đối lập giữa con người và không gian làm hiện lên cảm giác rợn ngợp cô đơn của tác giả.
Và cuối cùng, người đọc còn nhận ra không gian tràng giang là một không gian chết, thiếu vắng hơi ấm của sự sống. Tất cả những hình ảnh về con người, liên quan đến con người và sự sống đều không thấy:
- Thuyền về nước lại sầu trăm ngả
- Đâu tiếng làng xa vãn chợ chiều
- Mênh mông không một chuyến đò ngang
Không cầu gợi chút niềm thân mật
Cái mênh mông kết hợp với băng giá càng đẩy người thơ vào tình trạng cô đơn tột độ. Hồn thơ không còn nơi nương tựa nào ngoài một nỗi nhớ quê.
Thời hiện đại, thơ ca ít còn cảm thức về không gian ở góc độ vĩ mô như vậy. Các nhà thơ hiện đại thường cắt xén không gian theo cảm xúc, và hình tượng không gian trong thơ hiện đại thường hiện lên ở tầm mức vi mô.
“Anh đứng trong cửa sắt
Em đứng ngoài cửa sắt
Gần nhau trong tấc gang
Mà biển trời cách mặt”
(Hồ Chí Minh)
Bài thơ có hai mảng không gian rõ ràng “trong cửa sắt” và “ngoài cửa sắt”. Đường ranh của không gian ấy chỉ đơn giản là cánh cửa sắt như vệt cọ ngăn giữa hai mảng màu của bức tranh hiện thực .Dưới góc độ vật lý ,hai không gian này cách nhau “gang tấc”, nhưng về mặt xã hội ,tâm lý nó là “biển trời” Đơn giản ,không gian “trong cửa sắt ”là không gian nhà tù ,còn không gian “ngoài cửa sắt” là không gian tự do.
Kinh nghiệm phân tích thơ cho thấy , trong thơ nếu có hai mảnh không gian cùng xuất hiện gắn liền với hai con người cụ thể thì hình tượng không gian ấy dùng để diễn tả nỗi nhung nhớ ,tương tư , niềm yêu thương thao thức trăn trở ...của nhân vật trữ tình như: tương giang đầu và tương giang vĩ (Tương tư - Kinh thi), không gian trong này và ngoài kia trong thơ Hàn Mặc Tử , bên này và bên kia sông ( Bên kia sông Đuống - Hoàng Cầm), Tây phong lĩnh và Nam thiên (Tân xuất ngục, học đăng sơn - Hồ Chí Minh)...
Không gian trong bàiTây Tiến (Quang Dũng) là vùng núi rừng thượng nguồn sông Mã. Một trong những chất liệu để xây dựng hình tượng không gian ấy là những địa danh có khả năng gợi lên những vùng đất xa lạ hoang vu và đầy nguy hiểm : Sài Khao, Mường Lát, Pha Luông, Mường Hịch, Mai Châu,...Những địa danh ấy còn gợi lên địa bàn hoạt động rộng lớn của binh đoàn . Cho nên hình tượng không gian trong bài Tây Tiến trước hết mang tính đối nghịch, uy hiếp con người. Xây dựng hình tượng không gian này, Quang Dũng muốn đề cập đến những khó khăn, thử thách, hiểm nguy mà lính Tây Tiến thường xuyên phải đối mặt, phải vượt qua và từ đó nhấn mạnh vẻ đẹp bi tráng của người lính.
Mưa xuân của Nguyễn Bính là bài thơ đặc sắc về nhiều phương diện và cũng là bài thơ tiêu biểu cho phong cách thơ Nguyễn Bính. Hình tượng không gian trong bài thơ khá đặc sắc. Khi trong tâm trạng hào hứng đi xem hát, gặp người yêu thì hình ảnh con đê (hiểu là đường trên đê) là: “Thôn Đoài cách có một thôi đê”. Nhưng khi đến hội hát, cô gái “mãi tìm anh chả thiết xem” và cuối cùng không gặp người yêu thì “Mình em lầm lụi trên đường vê / Có ngắn gì đâu một dải đê!”.
Không gian vật lý không thay đổi, nhưng không gian tâm trạng thì thay đổi, khi thì nó ngắn ngủi “một thôi đê”, khi thì bị kéo dài ra “một dải đê”.
Nhiều trường hợp, trong một thi phẩm, có cả hình tượng không gian lẫn thời gian. Hai hình tượng này thống nhất, bổ sung và chiếu sáng cho nhau để làm rõ nội dung biểu đạt của thi phẩm .
Trong chương trình trung học, bài thơ “Tảo giải ”(Hồ Chí Minh) là một ví dụ. Hình tượng không gian và thời gian trong bài thơ được tác giả nhận thức, miêu tả theo sự vận động tích cực từ đêm sang ngày, từ u ám sang tươi sáng .Sự vận động ấy thể hiện niềm tin, lạc quan của người tù Hồ Chí Minh vào tương lai tươi đẹp. Và nó cũng chính là nguồn thi hứng của bài thơ.
Hay trong bài “Xúc cảnh” (Trích ngư tiều y thuật vấn đáp- Nguyễn Đình Chiểu):
“Mây giăng ải bắc trông tin nhạn
Ngày xế non nam bặt tiếng hồng”
Hình ảnh “mây giăng” gợi nên sự ảm đạm của không gian. Hình ảnh “ngày xế” biểu trưng cho sự trễ nãi. Cả hai hình tượng tập trung nhấn mạnh niềm mong đợi trong tuyệt vọng của “hoa cỏ” đối với “chúa xuân”.
c - Các thủ pháp dùng từ trong thơ:
Lựa chọn và sử dụng từ ngữ là công việc cần thiết, mang tính đặc trưng của người làm thơ. Từ ngữ phải dùng đúng thanh, đúng nghĩa,vừa có tính tạo hình vừa có tính biểu hiện. Dùng từ độc đáo, sáng tạo, có tính nghệ thuật sẽ góp phần rất lớn vào sự thành công của thi phẩm. Từ ngữ chính xác là con mắt, là ánh sáng đưa ta thâm nhập vào thế giới cái đẹp của thơ ca. Có được chìa khoá để vượt qua cánh cửa từ ngữ, người đọc sẽ bước vào và sống với vũ trụ huyền ảo của thơ.
Giai thoại về nhà thơ Giả Đảo giúp ta hiểu hơn về nghệ thuật dùng từ trong thơ:
“Một hôm, Giả Đảo (1779-1843)-một nhà thơ hoàn tục - cưỡi ngựa về Tràng An. Ông đương bận nghĩ đến hai câu thơ vừa mới sáng tác:
“Điểu túc trì biên thụ
Tăng thôi nguyệt hạ môn”
(Chim đậu ở cây (cạnh) bờ ao
Nhà sư đẩy cửa dưới trăng)
Giả Đảo phân vân chưa biết nên để chữ “thôi” (đẩy cửa) hay “xao” (gõ cửa). Ông bèn buông cương ngựa, huơ tay bắt chước nhà sư lúc đẩy cửa, lúc gõ cửa.Con ngựa đi vào đám quân của một ông quan đi kinh lý. Quân lính bắt người cưỡi ngựa có vẻ điên cuồng kia đem nạp quan. May qua, ông quan này chính là Hàn Dũ. Giả Đảo tỏ bày sự thực. Hàn Dũ góp ý rằng nên dùng chữ “xao”(gõ cửa), có lẽ gõ tạo nên một hình tượng về âm thanh. Người đời sau hay dùng chữ “thôi, xao” với ý nghĩa cân nhắc từng chữ để sửa chữa bài thơ, bài văn cho tốt ”.
C1: Nghệ thuật sử dụng động từ:
Động từ là từ miêu tả trạng thái vận động của con người và sự vật. Động từ luôn làm cho sự vật có sinh khí, câu thơ sống động.
Trong thơ Bác, trăng hiện lên như một người bạn tri âm. Lúc ở tại nhà tù Tưởng Giới Thạch, Người và trăng như giao cảm với nhau:
Nhân hướng trong tiền khán minh nguyệt
Nguyệt tòng song khích khán thi gia
(Vọng Nguyệt)
Động từ “khán” tạo nên mối quan hệ mật thiết giữa tác giả với trăng. Tuy nhiên, hai người bạn còn cách xa nhau trong không gian tĩnh lặng. Đến câu thơ “Nguyệt thôi song vấn: “Thi thành vị ?”” thì trăng thực sự trở thành người bạn. Các động từ “thôi” “vấn” đã nhân hoá hình ảnh ánh trăng và khiến nó trở thành tri âm tri kỷ với Bác.
Để lên án tội ác dã man của thực dân Pháp, Nguyễn Đình Thi viết:
“Bát cơm chan đầy nước mắt
Bay còn giằng khỏi miệng ta
Thằng giặc Tây, thằng chúa đất
Đứa đè cổ, đứa lột da”
(Đất nước)
Ba động từ: giằng, đè, lột là những động từ mạnh đặc tả những hành động thô bạo, dã man của bọn giặc. Cũng theo phương thức thể hiện này, Hoàng Cầm viết:
“Chợt lũ quỷ mắt xanh trừng trợn
Khua giày đinh đạp gãy quán gầy teo
Xì xồ cướp bóc “
(Bên kia sông Đuống)
hay
Giang Nam trong bài quê hương có viết:
“Giặc bắn em rồi quăng mất xác”
Các động từ mạnh vừa lột tả tội ác dã man của kẻ thù, vừa làm tăng thêm nỗi đau và lòng căm thù của tác giả.
Câu văn 14, 15 trong tác phẩm “Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc”( Nguyễn Đình Chiểu) sở dĩ có chất lượng hình ảnh cao, diễn tả tinh thần hăng hái dũng cảm của các nghĩa sĩ cũng nhờ vào các động từ: đạp, lướt, bắn, xô, xông, liều mình, đâm, chém, hè, ó..
“Chi nhọc quan quản gióng trống kỳ, trống giục, đạp rào lướt tới, coi giặc như không;
Nào sợ thằng Tây bắn đạn nhỏ đạn to, xô của xông vào liều mình như chẳng có.
Kẻ đâm ngang, người chém ngược, làm cho mã tà, ma ní hồn kinh;
Bọn hè trước, lũ ó sau, trối kệ tàu thiếc, tàu đồng, súng nổ.”
Trong bài thơ Tây tiến của Quang Dũng, động từ làm nên nội lực cho các câu thơ. Ví như: “Heo hút cồn mây súng ngửi trời”. Câu thơ miêu tả độ cao của địa hình mà người lính chinh phục được trên bước đường hành quân của mình. Nếu nói về độ cao thuần tuý thì có thể thay chữ “ngửi” bằng chữ “chạm”. Nhưng chữ “chạm” làm cho ý thơ yếu đi, chữ “ngửi” mới là yếu tố làm cho câu thơ sinh động hẳn lên. Với động từ này, chí ít người ta có thể cảm nhận được 3 tầng nghĩa: Thứ nhất, đó là độ cao chóng mặt. Thứ hai nó thể hiện cách nhìn tinh nghịch của những chàng trai Hà Nội vừa hào hoa thanh lịch, vừa phong trần dãi dầu. Thứ ba, nó thể hiện ý chí, sức mạnh vượt lên trên mọi thử thách, gian nan của người anh hùng vệ quốc.
Vương Hàn đã từng viết: “Cổ lai chinh chiến kỷ nhân hồi” (Xưa nay chinh chiến mấy ai trở về). Trong chiến tranh, những hy sinh, mất mát là điều không thể tránh. Nhưng miêu tả cái chết là “Gục lên sũng mũ bỏ quên đời” hay “Áo bào thay chiếu anh về đất ” thì không phải là điều thường thấy. Động từ “gục”, “về” có tính chất tạo hình và biểu cảm. Quang Dũng không né tránh hiện thực đau thương của chiến tranh, đó là chết chóc. Song chết chỉ là “gục”, là “về” nhẹ nhàng như một giấc ngủ quên. Có đau thương nhưng không hề bi luỵ, phẩm chất ấy chỉ có ở những chàng trai ngang tàng dám xả thân vì nghĩa lớn.
Thử xem một câu thơ tả cảnh đặc sắc trong truyện Kiều:
“Một vùng cỏ moc xanh rì
Nước ngâm trong vắt thấy gì nữa đâu”
Động từ “thấy” đã liên kết tất cả các từ và làm bật lên toàn bộ nội dung câu thơ. Nó chính là con mắt thơ, linh hồn thơ hiện diện trong 13 chữ kia. Thấy một vùng cỏ mọc, thấy xanh rì, thấy nước ngâm trong vắt và cũng thấy gì nữa đâu. Cái thấy an nhiên tĩnh lặng về cái sắc sắc không không. Đó là cái “thấy” của sự kiến tánh.
Bức tranh thiên nhiên trong bài “Tảo giải” (Hồ Chí Minh) được miêu tả trong trạng thái đang vận động. Các động từ lột tả bản chất luôn vận động của tự nhiên vũ trụ, vừa thể hiện nhận thức thâm trầm, tinh tế của Bác - như một hiền triết Phương Đông. Thử xét câu thơ: “Quần tinh ủng nguyệt thướng thu san”. Ba tạo vật của tự nhiên là: tinh (sao), nguyệt (trăng), san (núi) đi liền với ba động từ: quần (tụ hội), ủng (nâng đỡ), thướng (đi lên). Vũ trụ đang trong cuộc đại hành trình - hành trình từ đêm tối hướng đến bình minh tươi sáng. Bức tranh thiên nhiên trong bài thơ chứa đựng một sự giao hoà cảm xúc của bậc đại nhân, sự mẫn tiệp của bậc đại trí và chất thép của bậc đại dũng.
Bồng bột chất đời hơn, trong tác phẩm “Tiếng hát con tàu”, Chế Lan Viên đã sử dụng hàng loạt động từ liên quan đến việc ẩm thực:
- Ngoài cửa ô ? Tàu đói những vầng trăng.
- Như đứa trẻ thơ đói lòng gặp sữa.
- Mắt ta thèm mái ngói đỏ trăm ga.
- Lấy cả những cơn mơ ! Ai bảo con tàu không mộng tưởng.
Mỗi đêm khuya không uống một vầng trăng.
Các động từ “đói”, “thèm”, “uống” đã diễn tả được khát vọng mạnh mẽ của thế hệ trẻ nói chung và tác giả nói riêng vươn đến và chiếm lĩnh cái đẹp trong cuộc sống. Hơn nữa, đó không chỉ là những khát vọng mà còn là những nhu cầu thường trực, tối thiểu cần được đáp ứng.
C2: Nghệ thuật sử dụng tính từ:
Tính từ là những từ miêu tả tính chất, đặc điểm của sự vật hiện tượng. Tính từ góp phần tạo nên những đường viền giới hạn, nét khác biệt cho sự vật hiện tượng. Nói cách khác, nó có chức năng định tính cho các danh từ.
“Bên kia sống Đuống” (Hoàng Cầm) là bài thơ độc đáo trong việc sử dụng các tính từ chỉ màu sắc. Hoàng Cầm sử dụng gần 20 màu để thêu dệt bức tranh quê hương Kinh Bắc từ quá khứ thanh bình đến hiện tại đau thương và tương lai tươi sáng.
Quá khứ thanh bình, dòng sông Đuống êm đềm trôi xuôi, rực rỡ trong sắc màu trắng tinh khiết:
- “Ngày xưa cát trắng phẳng lì
Sông Đuống trôi đi một dòng lấp lánh”
Các cô gái làng quan họ thì:
- “Những cô hàng xén răng đen
Cười như mùa thu toả nắng”
Ngày giặc đến, quê hương đầy “lũ quỷ mắt xanh”, nhuốm màu tang tóc đau thương bởi máu, lửa.
- “Chó ngộ” một đàn
Lưỡi dài lê sắc máu
Nhưng đến ngày mai, dòng sông Đuống cuộn trào quật khởi. Tương lai huy hoàng tươi sáng được mở ra. Con người nối lại giấc chiêm bao bị dứt quãng. Bức tranh tương lai là một ngày hội lễ rực rỡ sắc màu:
- “Em mặc yếm thắm
Em thắt lụa hồng
Em đi trẩy hội non sông
Cười mê ánh sáng muôn lòng xuân xanh”
Cũng chính vì vậy mà Phạm Tiến Duật đã nói đọc “Bên kia sông Đuống” ta dễ bị vấy phải màu - những sắc màu tươi nguyên truyền thống của làng Hồ, của dân tộc Việt Nam.
Để xây dựng hình tượng đất nước giàu đẹp, rộng lớn, bên cạnh việc sử dụng điệp từ “những”, Nguyễn Đình Thi còn sử dụng các tính từ có chất lượng tạo hình cao.
- “Những ngả đường bát ngát
Những cánh đồng thơm mát
Những dòng sông đỏ nặng phù sa”
(Đất nước).
Ở bài “Các vị la hán chùa Tây Phương”, Huy Cận chú tâm dùng tính từ trong việc đặc tả chân dung các pho tượng. Nhờ đó mà các pho tượng hiện lên đầy những nét khu biệt, cá thể hoá. Ví như:
“Có vị xương trần chân với tay
Có chi thiêu đốt tấm thân gầy
Trầm ngâm đau khổ sâu vòm mắt
Tự bấy ngồi y cho tới nay”
Ví thử, ta bỏ các tính từ trong đoan thơ trên thì hình ảnh pho tượng la hán ấy còn gì là sống động, cụ thể. Rõ ràng cái hồn, cái thần thái của pho tượng thể hiện qua những tính từ đặc sắc ấy.
C3. Nghệ thuật sử dụng từ láy.
Trong tiếng Việt, từ láy là loại từ có chức năng tạo hình và biểu cảm cao. Có nhiều loại từ láy và có nhiều phương thức láy, mỗi loại mỗi phương thức đảm đương chức năng biểu hiện riêng. Từ láy không chỉ góp phần tạo nên nhạc điệu, mà còn có vai trò quan trọng trong việc biểu đạt nội dung của bài thơ (phần này chỉ đi sâu vào khai thác mặt ngữ nghĩa của từ láy).
• Danh từ láy hoàn toàn: Có chức năng gợi lên nhiều sự vật hiện tượng.
Ví dụ:“ Kìa non non, nước nước, mây mây
Đệ nhất động hỏi rằng đây có phải”
(Hương Sơn phong cảnh ca - Chu Mạnh Trinh)
Bức tranh tổng thể ở Hương Sơn hiện lên hoành tráng, hùng vĩ, đẹp đẽ nhờ các từ láy “non non, nước nước, mây mây”. Từ đó ta nhận ra vẻ đẹp tự nhiên do hoá công khéo tay xếp đặt.
* Động từ láy hoàn toàn: Gợi ra sự lặp đi lặp lại, đều đặn buồn tẻ, chán ngắt của hành động.
Ví dụ: “Ngán nỗi xuân đi xuân lại lại
Mảnh tình san sẻ tí con con”
(Tự tình - Hồ Xuân Hương)
“Lại lại” là một động từ láy hoàn toàn (xét trong mối tương quan với tính từ láy hoàn toàn “con con”), diễn tả thái độ nhàm chán, ngán ngẫm của tác giả trước vị khách không mời, mỗi năm đến một lần để chồng chất sự già nua lên cái hồng nhan thiếu nữ.
* Tính từ láy hoàn toàn: Có chức năng giảm nhẹ tính chất được đề cập, nhưng lại gợi ra một tính chất khác của sự vật hiện tượng.
Ví dụ 1: “Xanh xanh” chỉ màu xanh nhưng sắc độ nhạt hơn sắc độ do từ “xanh” gợi nên. Tuy nhiên nó lại gợi ra một không gian rộng lớn mà cái sắc xanh ấy bao phủ:
“Xanh xanh bãi mía bờ dâu”
(Bên kia sông Đuống - Hoàng Cầm)
Ví dụ 2: “Buồn buồn” là nỗi buồn không nặng nề, sâu sắc như từ “buồn”, nhưng nó gợi ra tính chất dai dẳng, triền miên của nỗi buồn.
“Nghe trời nằng nặng, nghe ta buồn buồn”.
*
* *
Trong thực tế, từ láy hoàn toàn ít được sử dụng hơn từ láy vần, láy phụ âm đầu. Có nhiều khổ thơ, bài thơ mà sự đặc sắc chủ yếu về nghệ thuật sử dụng ngôn ngữ thể hiện ở chỗ sử dụng nhiều kiểu từ láy.
Sử dụng từ láy gây ấn tượng nhất trong thơ Việt Nam phai kể đến Hồ Xuân Hương:
“Lẽo đẽo chiếc gàu ba góc chụm
Lênh đênh một ruộng bốn bờ be
Xì xòm đáy nước mình nghiêm ngửa
Nhấp nhổm bên ghềnh đít vắt ve”
(Tát nước)
Bốn câu thơ có đến 6 từ láy (12 âm tiết) khung cảnh tát nước cụ thể sinh động hơn nhờ các từ láy này.
“Trời đất sinh ra đá một hòn
Nứt làm đôi mảnh hỏm hòm hom”
(Hang cắc cớ)
Láy ba “hỏm hòm hom” làm hiện rõ mồn một cái hang cắc cớ: sâu, tròn, nhỏ, tối... khích thích trí tò mò, tính hiếu kỳ của người xem.
Nguyễn Du là bậc thầy về ngôn ngữ thơ, trong đó, nghệ thuật sử dụng từ láy của ông đạt đến mức điêu luyện. Miêu tả Hoạn Thư , nhà thơ viết:
“Bề ngoài thơn thớt nói cười
Bề trong nham hiểm giết người không dao”
Chân dung Tú Bà và cả sức sống của câu thơ cốt ở từ “thơn thớt” ấy.”Thơn thớt”vừa biểu hiện dáng vẻ bên ngoài vừa còn là sự che đậy, nguỵ trang cho một bản chất nham hiểm đáng sợ.”Thơn thớt ”là cái ngọt ngào thơm tho của mật đối với ruồi. Một chữ ấy thôi mà tác giả đã khắc hoạ đầy đủ từ diện mạo đến tính cách của một con người, hơn nữa còn tạo cho người đọc thái độ ghê tởm và xa lánh kiểu con người ấy.
Còn với Mã Giám Sinh, Nguyễn Du dung ba từ láy như ba nét vẽ chủ đạo tạo nên chân dung đặc sắc một kẻ lưu manh thất học: “sỗ sàng ”,”nhẵn nhụi”,”bảnh bao”trong hai câu thơ sau:
"Ghế trên ngồi tót sỗ sàng”
và
“Mày râu nhẵn nhụi áo quần bảnh bao”
Nguyễn Du vừa tả vừa đánh giá tính cách của Mã Giám Sinh. Khi phân tích, ta cần thấy sự tinh tế của nhà thơ và sự hàm súc của ngôn từ mà tác giả sử dụng .
Ngoài từ láy âm, trong tiếng việt còn có lớp từ láy nghĩa hay còn gọi là láy sắc thái như: xanh rì, đỏ lòm, trắng lốp, đen sì...Đây là lớp từ có giá trị tạo hình và biểu cảm cao. Từ láy sắc thái xuất hiện tương đối nhiều trong thơ.
Ví dụ 1:
”Bữa thấy bòng bong che trắng lốp muốn tới ăn gan, ngày xem ống khói chạy đen sì muốn ra cắn cổ”.
(Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc -Nguyễn Đình Chiểu )
Hai màu “trắng lốp “và “đen sì” gây ấn tượng thị giác rất mạnh. Tác giả dùng hai sắc màu này phương dụ để chỉ hình ảnh bọn giặc Pháp, và rõ ràng nó chẳng đẹp đẽ gì. Qua đó, tác giả bày tỏ nỗi căm ghét của mình đối với bọn thực dân.
Ví dụ 2:
" Chẳng phải Ngô, chẳng phải ta
Đầu thì trọc lóc áo không tà."
(Sư hổ mang- Hồ Xuân Hương)
Chỉ với từ “trọc lóc” thôi, Hồ Xuân Hương đã bỡn cợy không chút kiêng dè, thậm chí cay độc, bóc trần bản chất giả dối tu hành của nhà sư hổ mang. Chữ “trọc lóc”đã hạ bệ một nhà sư xuống hàng kẻ phàm phu tục tử.
C4-Nghệ thuật sử dụng số từ:
Số từ là từ chỉ số lượng sự vật hiên tượng được đề cập. Trong tiếng Việt có rất nhiều số từ, như: một, một ít, dăm, vài,dăm ba, mấy, những...Số từ cũng tham gia vào việc tạo hình, miêu tả sự vật, sự việc nào đó.
Với ba số từ chỉ số ít: dăm, mấy, vài, Hoàng Cầm đã giúp ta hình dung cái gánh hàng của người mẹ trong bài “ Bên kia sông Đuống”.
“Mẹ già nua còm cõi gánh hàng rong
Dăm miếng cau khô
Mấy lọ phẩm hồng
Vài thếp giấy đầm hoen sương sớm “
Gánh hàng rong ít ỏi ấy là gia tài, là kế sinh nhai của người mẹ. Hình dung được gánh hàng ta lại càng thấy thương hơn người mẹ già một đời cực nhọc .
Trong bài “Đây mùa thu tới”,Xuân Diệu cũng sử dụng số từ để xây dựng bức tranh mùa thu trong khoảnh khắcgiao mùa:
“Hơn một loài hoa đã rụng cành
Trong vườn sắc đỏ rũa màu xanh
Những luồng run rẩy rung rinh lá
Đôi nhánh khô gầy xương mỏng manh”
Mùa thu cảnh vật tan tác, hiu quạnh: hoa rụng, sắc đỏ rũa màu xanh, luồng run rẩy, nhánh khô gầy. Song đây là bức tranh lúc chớm thu nên sự tàn tạ ấy chưa nhiều. Các số từ “hơn một”, “đôi nhánh”là những số từ chỉ số ít đã nói lên điều đó.Bức tranh thu hiện lên rất chính xác, từ đó ta nhận ra sự cảm nhận tinh tế của Xuân Diệu trước bước đi của thời gian, trước biến thái của tạo vật.
Các số từ: cặp, đôi...thường được nhà thơ sử dụng trong những bài thơ viết về tình yêu, quan hệ nam nữ.Ví dụ :
- ” Cây me ríu rít cặp chim chuyền”
- “ Anh với em như một cặp vần”
(Thơ duyên - Xuân Diệu )
hay:
“Bảy năm về trước em mười bảy
Anh mới đôi mươi trẻ nhất làng
Xuân Dục, Đoàn Đông hai cánh lúa
Bữa thì em tới, bữa anh sang”
“Núi chồng núi vợ đứng song đôi “
Các số từ : hai, đôi, song đôi... xuất hiện nhiều trong bài Núi đôi (Vũ Cao) gợi lên sự tương xứng của đôi trai gái, sự cân đối của bức tranh thiên nhiên. Nó làm nên vẻ đẹp của bức tranh, gợi nên tình yêu hạnh phúc của đôi nam nữ. Nó là siêu tứ của bài thơ.
Số từ chỉ số nhiều:”những “đã góp phần làm nên sự thành công cho bài “Đất nước “(Nguyễn Đình Thi). Bài thơ có mười một lần sử dụng từ “những”(Tần số xuất hiện nhiều). Nó đứng trước các hình ảnh của đất nước trong cuộc kháng chiến chống Pháp. Những con sông, những ngả đường, những cách đồng ... để thể hiện một hình tượng đất nước hoành tráng, đẹp đẽ, anh hùng, bất khuất.
Trong thơ tiếng Việt, số từ chỉ cái duy nhất “một ”cũng thường xuất hiện. Số từ này gợi lên tính ít ỏi của sự vật, tính ngắn ngủi của thời gian..
“Một tiếng trên không ngỗng nước nào?”
(Thu vịnh- NguyễnKhuyến)
“Năm mới vừa sang được một ngày”
(Mồng hai tết viếng cô ký -Tú Xương)
"Một giã gia đình một dửng dưng"
(Tống biệt hành - Thâm Tâm)
"Đường lên thăm thẳm một chia phôi"
( Tây tiến - Quang Dũng)
Chữ “một” trong bài thơ “Thu vịnh”giúp ta cảm nhận cái tĩnh lặng của bức tranh thu. Chữ “một” trong bài “Mồng hai tết viếng cô ký” có chức năng rút ngắn thời gian: Mùa xuân, đời xuân mà cô Ký được hưởng.Và từ đó, gợi lên số phận hẩm hiu của cô. Còn chữ “một” trong hai trường hợp còn lại tạo nên tính duy nhất của cuộc chia ly. Những cuộc chia ly ấy chưa hẳn có ngày trở lại. Dù vậy, người ly khách vẫn quyết chí ra đi “ Chí lớn chưa về bàn tay không / Thì không bao giờ nói trở lại / Ba năm mẹ già cũng đừng mong “. Còn người lính Tây Tiến thì:” Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh”. Hiểu vai trò chức năng của từ “một” trong các câu thơ trên, ta sẽ lĩnh hội được nội dung tinh tế sâu sắc của từng bài thơ đó.
C5-Nghệ thuật sử dụng các lớp từ giàu sắc thái:
Trong tiếng Việt có một số lớp từ rất giàu sắc thái biểu cảm, như lớp từ Hán - Việt (vang về âm, nhoè về nghĩa), lớp từ khẩu ngữ...Thơ ca cũng khai thác triệt để các lớp từ ấy.
“Thăng Long thành hoài cổ” ( bà Huyện Thanh Quan) là một bài thơ hay, có không khí hoài niệm, trang nghiêm cổ kính.Có được điều này là nhờ sự dụng công của bà Huyện trong việc kết thúc mỗi câu thơ bằng từ Hán-Việt (2 âm tiết)
“Tạo hoá gây chi cuộc hí trường
Đến nay thấm thoát mấy tinh sương
Lối xưa xe ngựa hồn thu thảo
Nền cũ lâu đài bóng tịch dương
Đá cũng trơ gan cùng tuế nguyệt
Non còn cau mặt với tang thương
Nghìn năm gương cũ soi kim cổ
Cảnh đấy người đâu luống đoạn trường”
Không phải ngẫu nhiên mà bài thơ Tây Tiến của Quang Dũng xuất hiện nhiều từ Hán - Việt, như: đoàn binh, biên cương, viễn xứ, độc hành...Ta biết, những ngày nơi thượng nguồn sông Mã, binh đoàn Tây Tiến gặp nhiều khó khăn, gian khổ, chết chóc. Miêu tả hiện thực ấy mà dùng từ thuần Việt thì nó sắc nét, và bi thương quá. Các từ Hán - Việt xuất hiện nhoè về nghĩa vang về âm và có sắc thái cổ kính, trang trọng nên đã góp phần khoả lấp những bi thương , xoá đi sắc màu ảm đạm của chết chóc. Nó lấn át cái thực tế khắc nghiệt và bắc nhịp cầu liên tưởng cho độc giả về hình ảnh các anh hùng đại trượng phu thời phong kiến.
“Rải rác biên cương mồ viễn xứ
Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh
Ao bào thay chiếu anh về đất
Sông Mã gầm lên khúc độc hành”
(Tây Tiến)
Trong truyện Kiều, không có ông quan nào được Nguyễn Du giới thiệu trịnh trọng như Hồ Tôn Hiến. Giới thiệu đầy đủ chức danh, họ tên, tài năng bằng những từ Hán- Việt sang trọng.
“Có quan tổng đốc trọng thần
Là Hồ Tôn Hiến kinh luân gồm tài”
Giới thiệu bề ngoài bệ vệ, oai phong như vậy nhằm để tác giả đối lập nhấn mạnh bản chất xảo quyệt, tráo trở, hèn hạ, dâm ô, tàn bạo của vị quan này. Các từ Hán - Việt xuất hiện để làm nền, để tác giả thực hiện phép đối lập.
Trong thơ, lớp từ khẩu ngữ (dùng trong giao tiếp hàng ngày)cũng được dùng khá phổ biến. Sự xuất hiện của các từ thuộc lớp này làm cho câu thơ trở thành lời tâm sự, thủ thỉ, chuyện trò, như:
"Em ơi buồn làm chi
Anh đưa em về sông Đuống
(Bên kia sông Đuống - Hoàng Cầm)
"Nước non hội ngộ còn luôn
Bảo cho non chớ có buồn mà chi"
(Thề non nước -Tản Đà)
Sự chân thành, tha thiết về tình cảm đã được các từ ngữ đối đáp ấy lột tả trọn vẹn.
C6:Nghệ thuật sử dụng ngôn ngữ biểu tượng
Ngôn ngữ thơ luôn được sử dụng theo cơ chế tiết kiệm nhất.Càng tiết kiệm thì thơ càng hàm súc. Sử dụng các biểu tượng ngôn ngữ giúp cho thơ thực hiện tốt cơ chế tiết kiệm này.
Biểu tượng chính là ẩn dụ được sử dụng rộng rãi, mang tính kí hiệu, tính quy ước. Ý nghĩa biểu trưng của biểu tượng không hoặc ít phụ thuộc vào văn cảnh trong thi phẩm mà phần lớn phụ thuộc vào phong tục tập quán, quy ước chung của cộng đồng sử dụng ngôn ngữ. Phạm vi hoạt động của biểu tượng rộng.
Hệ thống biểu tượng trong thơ tiếng Việt rất phong phú. Bộ phận văn học dân gian đã tạo ra nhiều biểu tượng và tác động đến cả văn học viết. Có thể chia biểu tượng ngôn ngữ thơ tiếng Việt thành nhiều loại: biểu tượng đơn (cò, hạt mưa...), biểu tượng kép (non - nước, mận - đào, trúc - mai, thuyền - bến..)
(Còn nữa)