"Khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ" của Nguyễn Khoa Điềm, em hãy viết một bài văn với nhan đề "Lời ru với cuộc sống con người".

Thandieu2

Thần Điêu
Từ hai bài thơ "Con cò" của Chế Lan Viên, "Khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ" của Nguyễn Khoa Điềm, em hãy viết một bài văn với nhan đề "Lời ru với cuộc sống con người".

BÀI LÀM

Mỗi con người sinh ra đều mang tâm hồn ươm ủ bởi hoa thơm trái ngọt của tình yêu trần thế. Tâm hồn trẻ thơ của chúng ta như tấm lụa bạch trinh trắng, đón nhận những giọt sương rơi, những trồi non lộc nõn, cây cỏ vườn nhà, cảm thấm nguyên lành nghĩa tình với gia đình, đồng bào, quê hương, đất nước ... Đời sống của mỗi con người, mỗi gia đình luôn gắn bó thắm thiết với đời sống chung của cả dân tộc. Linh hồn giống nòi được nương giữ trong thơ ca dân gian của dân tộc như một di sản nhiệm màu. Trong kho tàng quí giá này, có một thứ làm nguồn sống cho tâm hồn, giúp di dưỡng tinh thần con người từ thủa ấu thơ, đó là những bài hát ru. Những lời ru đã nuôi nấng tình thương yêu nhân loại của mỗi người trong cõi trần ai mênh mông, có khả năng âu yếm đến từng kiếp phận nhỏ nhoi tội nghiệp.

Có lẽ ai cũng gắn bó tuổi thơ mình với những lời hát ru nào đó của bà, của mẹ, của làng xóm quê hương hoặc âm vang từ văn hoá cội nguồn. Mỗi dân tộc mỗi vùng miền đều có một điệu hát ru mang sắc thái riêng, lắng sâu vào tâm thức duy cảm mỗi người con xứ sở. Từ những khúc hát ru con Lào : “Ngủ ngon nhé, ngủ trên tay má ru hời ...” đến những bài ru con Nam Dương âm vang sóng biển, dân ca ru con Nga thầm thì lời hát bạch dương ... những bài hát cứ lãng đãng bay qua miền trần gian nổi trôi vô định. Lời ru nồng ấm thiết tha, đằm thắm tình mẫu tử, gợi niền u uẩn của kiếp nhân sinh, những cảnh ngộ thương tâm ... Bài hát ru là những làn sương ấp ủ cho tâm hồn trẻ thơ xanh mướt như trái quả đầu mùa, và dệt gấm thêu hoa cho những giấc mơ giấc mộng thần tiên. Người Việt Nam được nuôi dưỡng bởi tình yêu thương từ thủa còn thơ như vậy, nên biết trải hồn ra mà đón nhận những vang động của đời. Biết yêu từ “cái bống cái bang”, “con cò con vạc” nhỏ nhoi mà yêu sang những người quen thuộc gần gụi xung quanh. Biết nhớ từ “bậc cầu ao”, “bát canh rau muống” mà nhớ về những người khách tha hương. Hình ảnh “cái cò bay lả bay la” trong khúc hát ru đồng bằng Bắc bộ, “Gió mùa thu mẹ ru con ngủ” của những miệt vườn xanh mướt phương Nam, “Em ơi em ngủ cho ngoan - Để chị đi thăm cây lúa trên nương” của dân ca ru em miền núi ... mỗi vùng, miền mang một bản sắc khác nhau nhưng đều có chung một phong thái là giai điệu ngân nga, êm dịu. Hát ru không chỉ chú ý đến chất lượng thẩm mĩ mà trước hết chú ý đến mục đích ru cho bé ngủ. Bé ngủ ngon nhé ... để bà, để mẹ, để chị còn lên nương làm rẫy, ra đồng cấy gặt, để làm trăm công nghìn việc trong nhà hay được nghỉ ngơi sau một ngày làm việc vất vả. Trẻ em thích được ru ngủ vỗ về. Bởi trong vòng tay âu yếm, chở che của bà của mẹ, các em cảm nhận được tình yêu thương nhân hậu, hiền hoà. Miền không gian yên bình với chiếc võng đu đưa dưới luỹ tre xanh, chiếc nôi đặt bên khung cửa sổ, xa xa là cánh cò dập dìu trên biển lúa vàng ... tất cả như được bao bọc trong một nguồn sáng dịu dàng, mang lại chất tươi thắm nguyên khôi cho tâm hồn trẻ thơ.

Bởi thế, nếu coi hát ru là một thể loại thơ thì đây là thứ thi ca thuần khiết và trinh bạch nhất. Khi lớn lên, nặng nợ với cuộc sống trần tục, phải gánh bao nỗi nhục lụy của kiếp sống, con người sẽ khao khát biết bao được trở về với cõi thanh tịnh của lòng. Đôi khi, trong nhịp đời chảy trôi miên viễn, những lời hát ru thủa xưa của bà của mẹ đưa hồn lịm đi vào cõi trong. Dường như ở đó, phần thiên tính của mỗi đời người bồi hồi thức đập và thiết tha gợi nhớ, nó chẳng thể nguôi ngoai, dẫu có khi chỉ là một khoảnh khắc thoáng qua vô cùng bình dị. Từ nỗi luyến nhớ về cái ngày xửa ngày xưa của mình, con người được thanh lọc trong một nỗi buồn phảng phất mà trong sáng lạ lùng. Tinh hoa của những bài hát ru sẽ còn được đầu thai vào những thành quả nghệ thuật khác, trong đó đặc biệt là những thi phẩm của các nhà thơ hiện đại. Người đọc đã nhớ nằm lòng những bài thơ có sử dụng chất liệu hoặc mang hơi thở hát ru của Nguyễn Duy: Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa, Tre Việt Nam ; của Xuân Quỳnh: Lời ru trên mặt đất, Tuổi thơ của con ..., hay Đồng Đức Bốn : Trở về với mẹ ta thôi ... Đặc điểm chung của các bài thơ trên là đều sử dụng hình thức thơ lục bát từ thơ ca dân gian cổ truyền. Vì vậy khi đến với hai bài thơ Con cò của Chế Lan Viên và Khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ của Nguyễn Khoa Điềm, chúng ta như được đón nhận hơi gió mát trong lành và lạ lẫm bởi sự cách tân đổi mới nhiều mặt cả về nội dung và hình thức tác phẩm. Hai bài thơ này là hai khúc hát ru hiện đại, chảy theo một nhánh khác ... trong thi mạch dân tộc nhưng vẫn giữ được tinh chất Việt Nam thuần tuý, nguyên vẹn.
Trong những bài hát ru dân gian (những bài hát ru vốn sinh ra là để hát ru cho bé ngủ), cấu trúc của nó thường có hai phần. Phần đầu để đáp ứng chức năng thực hành ru bé ngủ “Cái ngủ mày ngủ cho ngoan”, “Con ơi đừng khóc mẹ sầu”... vừa để dỗ dành, vừa vẽ ra một thế giới sự vật, hiện tượng đơn giản trong cuộc sống như một bài học vỡ lòng để dạy trẻ. Phần hai là những nỗi niềm thẳm sâu, trắc ẩn của người mẹ, nên lời ru như còn đầm đìa nước mắt thở than về trăm nỗi đoạn trường. Phần đầu là bề nổi, phần sau mới là chiều sâu, thường mang ý nghĩa xã hội cao. Có thể thấy, ở hai bài thơ Con còKhúc hát ru những đứa con lớn trên lưng mẹ có nhiều điểm tương đồng. Trước hết, hai bài thơ đều có kết cấu ba đoạn chặt chẽ, mặt khác, hai phần vốn có trong ca dao hát ru ở đây không phân định ranh giới mà hoà nhập, xuyên thấm vào nhau. Hai bài thơ là hai khúc hát ru hiện đại, làm theo lối thơ tự do, có những biến tấu làm thành những điểm nhấn thú vị. Mỗi thi phẩm có những đặc sắc riêng nhưng đều cho thấy khả năng tiếp thu sáng tạo của nhà thơ hiện đại đối với di sản thơ ca dân gian, và rộng hơn là ảnh hưởng sâu sắc của văn học dân gian đối với nền văn học viết.


Bài thơ của Nguyễn Khoa Điềm gây ấn tương ngay từ tiêu đề : Khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ. Như vậy bài thơ chính là một bài hát ru thực sự, được hoài thai từ tình yêu thương của người mẹ miền núi trong hoàn cảnh đất nước đang kháng chiến chống Mĩ. Hình tượng “Những em bé lớn trên lưng mẹ” gợi cảm giác thiêng liêng và kì vĩ, nhưng cũng thật bình yên ấm áp. Điểm mới mẻ đầu tiên, có thể coi là một cách tân của tác giả, đó là có hai người ru em Cu Tai : nhà thơ và người mẹ Tà ôi. Hai người ru, hai lời ru - những lời ru ấy quấn quýt vừa ru em nhưng cũng vừa ca ngợi mẹ em, vừa gửi gắm tâm tình, ước mơ của mẹ, vừa kể về những sự vật, thiên nhiên xung quanh - đúng như hai phần nội dung của một khúc hát ru cổ truyền. Lời hát ru có ba khúc, mỗi khúc đều mở đầu bằng hai câu : “Em Cu Tai ... đừng rời lưng mẹ”. Điệu thơ nhịp nhàng, đều đặn, điệp khúc mở đầu và giữa bài được nhắc đi nhắc lại như một lời hát thiết tha, âu yếm.

Bài thơ là bài hát ru đằm thắm, dịu dàng, cất lên từ trái tim đôn hậu, đầy thương yêu của người mẹ dân tộc Tà ôi. Bà mẹ Tà ôi được nhà thơ khắc hoạ chủ yếu qua những công việc truyền thống : giã gạo, địu con, tỉa bắp ... giống như bao người phụ nữ, bao bà mẹ Việt Nam chịu thương chịu khó. Hình ảnh “giọt mồ hôi” của mẹ, “vai mẹ gầy nhấp nhô”, “lưng đưa nôi” gợi sự thương cảm trìu mến trong lòng người. Những hình ảnh ấy phảng phất từ trong ca dao xưa viết về người phụ nữ nhưng không phải là người phụ nữ bị đè nén, áp bức, vắt kiệt sức lực trong những lời ca dao than thân. Hình tượng người mẹ dân tộc miền núi được nâng lên thành hình tượng người mẹ Tổ quốc, mẹ đi làm nhiệm vụ nuôi bộ đội, tham gia kháng chiến, mẹ đến chiến trường... Tình mẹ thiết tha đằm thắm như tình mẫu tử thiêng liêng hằng có, nhưng mang nét cao cả rộng lớn của thời đại cách mạng. Vì thế người mẹ đã trở thành người mẹ chiến sĩ, người mẹ Tổ quốc. Tình thương sâu nặng của mẹ dành cho bộ đội, cho dân làng, cho đất nước hoà quyện vào tình thương con vô bờ. Đất nước Việt Nam như đẹp hơn, như được tăng thêm sức mạnh khi có những người mẹ địu con để tham gia kháng chiến với lời ru nồng ấm ngọt ngào. Từ trên lưng mẹ con đã lớn lên ...

Bài thơ của Nguyễn Khoa Điềm với biểu tượng “những em bé lớn trên lưng mẹ”, người mẹ trở nên vĩ đại như Trái Đất và đứa con thần kì như Phù Đổng. Bài thơ Con cò của Chế Lan Viên cũng mang ý nghĩa biểu tượng sâu sắc. Hình ảnh “Con cò” đã trở thành một phần máu thịt trong tâm hồn người Việt, đó là hình ảnh đậm nét văn hoá của một đất nước có nền sản xuất nông nghiệp cổ truyền. Cánh cò trắng muốt gợi cho ta những hoài niệm về một cái đẹp thanh bình, êm ả, ngân lên trong lòng ta những nhịp rung cảm sâu lắng, vời vợi chất thơ. Con cò đã làm bạn với người nông dân bao đời, gợi hứng cho họ hát lên những câu hát mộc mạc dân dã. Cánh cò trắng cũng bay mê mải trong lòng thơ Việt, và đôi cánh mỏng manh của nó đã phủ bóng xuống lòng trắc ẩn thẳm sâu của thi sĩ. Tác giả Chế Lan Viên mượn lời người mẹ để hát ru con bằng những vần thơ lãng đãng khói sương văn hoá dân gian. Những vần thơ trinh bạch, trong veo như nước hồ thu mà nhìn suốt đáy bỗng ánh lên vẻ đẹp tinh thần. Bài Con cò sử dụng những câu hát ru viết về con cò quen thuộc, những câu hát ru này cũng được đặt giữa từng phần của khổ I giống câu hát ru : “Ngủ ngoan A kay ơi ...” đặt giữa những khổ của bài thơ Khúc hát ru của những em bé lớn trên lưng mẹ, tạo cho lời thơ âm hưởng nhịp nhàng, luyến láy như đã được dân gian hoá. Trong lời mẹ hát ru con có cánh cò bay lả bay la, con cò bé bỏng thơ dại trên cánh tay của mẹ, con làm sao biết được nỗi đời truân chuyên làm gánh nặng số phận cho mỗi kiếp người. Cuộc đời con như cái nhụy còn nguyên sơ phong kín, con đâu có biết những thân cò nhỏ nhoi như phận người lặn lội chốn trần ai đầy bất trắc, nổi trôi vô định, sắc sắc không không ... Con chưa biết, bởi vì “Con có mẹ”. “Ngủ yên ! Ngủ yên !...” con nhé ... Những câu thơ cuối đẹp một cách vi diệu mà rất mực giản dị, nó như đã thâu nhận tất cả tất cả nhan sắc trần gian khiến cho người bình cảm thấy bất lực. “Cành có mềm mẹ đã sẵn tay nâng !”, “Lời ru của mẹ thấm hơi xuân”, “Những cành mềm mẹ hát”... từng câu chữ như ấp ủ hơi ấm, như hàm dưỡng một sinh mệnh. Mẹ chắt chiu sự sống cho con trong từng lời ru dịu dàng êm ái, giúp con cảm nhận được nhịp sống nơi trái tim bé nhỏ của mình. Chất thơ trầm dịu trong trẻo, đẹp thuần khiết và thanh cao, đưa người đọc trầm mình vào miền sâu khuất, kín nhiệm của tâm hồn.

Điệp khúc “Ngủ yên ! Ngủ yên !...” ru con được lặp đi lặp lại ở cả khổ hai, ba, như láy lại nỗi thương yêu khiến ta phải se lòng. Những tưởng tượng thi vị, ngộ nghĩnh về cò và con khiến đoạn thơ tựa như một câu chuyện cổ tích : “cò trắng đến làm quen”, “cò đứng ở quanh nôi”, “cò vào trong tổ”, “cánh của cò hai đứa đắp chung đôi”... Bề sâu của những mơ mộng ấy là ước muốn đầy tính nhân văn về sự hoà hợp giữa con người với thiên nhiên, ngoại vật. Nhưng đặc biệt hơn cả là mơ ước của mẹ về tương lai của con : “Lớn lên, lớn lên, lớn lên ... Con làm gì ? Con làm thi sĩ !”... Ngoài tính chất riêng tư, thì có thể hiểu, khát khao ấy là khát vọng hướng thiện nhất. Con sẽ làm thi sĩ để mang lòng từ tâm như một thứ hương hoa nhuần khiết dâng cho cõi người, để lưu giữ cội nguồn nhân bản cho cuộc đời. Cánh cò trong trắng của con lại bay hoài trong cõi giới thơ mênh mông đánh thức những xao động tế vi và ngọt ngào của tâm hồn ... Câu thơ này của bài Con cò cũng như câu thơ “Mai sau con lớn làm người tự do” trong Khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ thực sự là một bước tiến dài trong tình cảm và nhận thức. Khát vọng lớn nhất của người mẹ Tà ôi là độc lập, tự do cho đất nước, cho con mẹ, không phải là ước vọng tầm thường về vật chất. Còn mong ước của người mẹ trong bài thơ Con cò là con mẹ sẽ làm thi sĩ, thoát khỏi những toan tính trần tục để đắm chìm vào thế giới nội cảm của tâm hồn.

Hai khúc hát ru hiện đại này đều hướng tới tương lai khi con lớn lên, đồng thời cũng mở ra sự phát triển cho những khúc hát ru cổ truyền trong thi mạch dân tộc. Bài Khúc hát ru ... của Nguyễn Khoa Điềm có hiện tượng các câu thơ gối lên nhau, quấn quýt vào nhau, đối chiếu, liên hệ nhau như “nhịp chày nghiêng - giấc ngủ em nghiêng” “lưng núi - to” - “lưng mẹ - nhỏ” “Mặt trời của bắp” - “Mặt trời của mẹ”. Biểu tượng xuyên suốt cả bài là “lưng mẹ”, “lưng mẹ” làm nôi nuôi dưỡng em thơ lớn lên thành dũng sĩ, thành “người tự do”. Còn biểu tượng của bài thơ kia là “Con cò”, và “cái nôi” để ấp ủ cho con lại là chiếc “nôi thơ”. Từng kiếp người mở mắt để nhìn cánh cò đang vỗ cánh qua miền không gian riêng của mình - một đường bay vô thuỷ vô chung tìm về cõi tâm linh. Nơi đó trú ngụ những kí ức về bà, về mẹ, về tuổi thơ trên mảnh đất chôn rau cắt rốn. Dù đi qua dâu bể đa đoan của cuộc đời thì “Con dù lớn vẫn là con của mẹ - Đi suốt đời lòng mẹ vẫn theo con”. Hai câu thơ của Chế Lan Viên dường như được gọi lên từ thế giới nội tâm sâu kín của mỗi người. Những câu thơ của Chế Lan Viên không gối lên nhau mà miên man dằng dặng Hơi thơ chảy trôi tha thiết theo nhịp điệu tâm tưởng. Âm hưởng của bài “Khúc hát ru ...” đều đặn như tiếng chày giã gạo của người mẹ Tà ôi , câu thơ bảy, tám chữ đan xen tạo cảm giác vững chãi như hình ảnh về tấm lưng của mẹ. Còn những câu thơ “Con cò” thì nhẹ nhàng thanh thoát như từng nhịp vỗ cánh của con cò quyến luyến với hồn phách quê hương, da thịt quê hương ...

Hát ru đã gắn bó lâu bền với cuộc sống con người ở mọi thời đại, ở mỗi dân tộc. Đó là dòng sữa mẹ ngọt ngào nuôi dưỡng tâm hồn con người bao đời nay. Thể loại nghệ thuật “Hát ru” đã góp phần bảo lưu truyền thống văn hoá dân tộc. Hồn thiêng dân tộc còn nương giữ trong từng lời hát trữ tình sâu thẳm. Vậy mà trong cuộc sống hiện đại ngày nay, “hát ru” cùng với bao vốn liếng văn hoá của ông cha ta dường như đang bị mai một, bị lãng quên. Những người mẹ trẻ không còn biết hát ru con bằng ca dao dân ca mà ru con bằng dàn nhạc hiện đại. Những người già muốn nghe hát dân ca, tuồng, chèo thì không đồng điệu cùng con cháu ... Con người xoay vòng trong cuộc sống bận rộn, đầy biến động, đôi khi giật mình vì sự trống trải của tâm hồn, vì những thiếu vắng nhân bản. Trong những bước đi của thời gian, con người lại muốn ngược nước, ngược dòng trở về nguồn cội. Những bóng cò nổi trôi giữa cõi dương lại chập chờn hiện về trong tiềm thức. Cuộc sống có qui luật phát triển của nó, sẽ bỏ lại những gì lạc hậu và không cần thiết. Nhưng trong hành trang của con người hiện đại, những khúc hát ru mãi mãi là di sản tinh thần quí giá. Con người chúng ta cần biết cách dung hoà giữa truyền thống và hiện đại. Bởi tinh hoa dân tộc bắt nguồn từ đời sống của mỗi con người. “Sữa nuôi phần xác, hát nuôi phần hồn” (Nguyễn Duy), hãy để cho những trẻ thơ còn được ru vỗ trong quầng sáng nhân văn tinh khiết và ngọt ngào ấy. Người Việt Nam yêu thương giống nòi, nên những câu ca dao đằm thắm, tình tứ, những câu tục ngữ, thành ngữ giúp tu tâm dưỡng tính, những chuyện cổ tích, thần thoại nhắc nhớ ta về cội nguồn con Lạc cháu Hồng... sẽ còn mãi như đưa đường dẫn ta về miền tâm linh của mình. Hai bài thơ Khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ của Nguyễn Khoa Điềm và Con cò của Chế Lan Viên là minh chứng cho sức sống bền bỉ của thơ ca dân gian. Từ đó chúng ta tin tưởng rằng, hát ru sẽ được tái sinh mãi mãi, chừng nào con người còn sinh ra và mất đi.


Sưu tầm
 

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top