Khu vườn mùa đông
Ảnh: Internet
Ảnh: Internet
ĐẶNG THỊ HẠNH
Về cái thị xã cỏn con mà chúng tôi đến vào cuối đông năm ấy, ký ức tôi giữ lại còn bị giới hạn hơn nữa, do bao giờ không gian về một nơi nào đó ta giữ lại từ ngày này qua ngày khác, năm này qua năm khác, cuối cùng cứ hẹp dần lại để chỉ còn rút lại ở không gian ta quen thuộc nhất.
Cũng có thể đôi khi tôi còn nhớ về cả một không gian rộng. Đó là vào những buổi sáng đầy sương mù, bởi khi đó tôi ra khỏi nhà để đi chợ, và tôi biết rằng đúng như lời chị Sơn, người bạn mới của tôi, buổi sáng sương mù càng dầy, thì gần trưa ở chợ "trên là trời dưới cá thu", người bạn mới cùng tuổi với tôi lúc ấy, bao giờ cũng chỉ phát biểu bằng ngôn ngữ của người nội trợ.
Nhưng tựu trung qua nhiều năm tôi chỉ nhớ về một nếp nhà nhỏ, hai phòng, có hành lang đằng trước, phía sau có vườn, căn nhà phụ gắn vào ngôi nhà chính mà ông chủ nghe nói giầu có - đã dành cho gia đình tôi khi câụ mẹ tôi tản cư từ Hà Nội về. Những sáng ông AB đến chơi với cậu tôi, tôi ngồi trong căn phòng nhìn ra khu vườn, cửa phòng mở ra cả phía ấy. Cây của vườn - mơ hay đào, và tại sao vào cuối đông sang xuân nó lại không ra hoa? - cũng vẫn còn nhỏ, cao chỉ xâm xấp đầu người, và trên tán lá, tôi nhớ bao giờ cũng chờn vờn một ít sương. Ông AB đang ngồi trước bàn kê gần cửa, ông cũng nhìn ra vườn đầy sương và đọc cho cậu tôi nghe một bài thơ, lúc ấy tôi không biết của ai: Cụ Hồ đi lâu quá chưa về, phố chợ làng quê, từ buổi tinh sương Cụ Hồ đi. Vượt trùng dương ngàn dặm, sao mà ngó tháng ngày lê chậm lắm.Cụ Hồ đi, mang theo lòng tới giữa nắng Pari. Cả cuốn ruột già non dài bất tận... (Tôi ghi theo trí nhớ, từ bấy giờ đã 50 năm không rõ có chính xác không, bài này hình như không có trong các tuyển tập. Giọng miền Trung của ông biến dấu ngã thành dấu nặng và cuộn tròn các âm tiết uột thành uộc, on thành oong và uốn thành uống... Ngay lúc đó, tôi bị ấn tượng mạnh về ngữ đoạn Cả cuốn ruột già non... gắn với chữ lòng ở câu thơ trên, tôi hiểu lòng đây hẳn là lòng Bác, còn cuốn ruột già non là của nhân dân thật là một cách hiểu của trẻ con: thực sự không thể có một sở hữu rõ ràng như vậy trong cái gọi là thơ, lòng đây có thể là nhân dân, mà cuốn ruột già non chỉ là bổ ngữ. Dù sao ngữ đoạn rất văn xuôi đó cũng thật đặc biệt khi cài giữa những từ trang trọng cổ kính kiểu tinh sương; trùng dương, ngàn dặm. Tôi vẫn thích văn phong trang trọng cổ kính, nó đồng nghĩa với thơ: Trữ tĩnh - cách mạng - tuổi hoa niên, một bộ ba đi liền nhau mà khi về già một nhà văn Tiệp, Milan Kundera, đã có những lời bàn khiến ta phải suy nghĩ, dù sao ưa thích trữ tình vẫn là bệnh của tôi khi ấy và cũng là bệnh chung của cả một thời lãng mạn.
Từ bé, ngồi trong phòng của cậu tôi, tiếng Pháp còn chưa thông, tôi đã có thói quen "xem" từ điển, có nghĩa là xem tranh ảnh. Trước tiên tôi chỉ xem những bảng to, tranh của các họa sĩ qua các thế kỷ, hoa lá, cây cỏ... Dần dần tôi đọc được và bắt đầu xem chân dung những nhân vật nổi tiếng của lịch sử, vua chúa nhà văn, nghệ sĩ. Riêng các nhà thơ - như thể điều đó phải tất yếu khi họ làm được thơ - tôi thấy bao giờ họ cũng đẹp. Byron, Musset, Chateaubriand, Lamartine... Nếu là danh tướng thì có lẽ chỉ một mình Napoléon, và phải là ông khi còn trẻ, trong bức tranh Napolélon trên cầu Arcole, mặt mỏng mắt đầy ánh chớp tóc tung bay như lời Hugo miêu tả binh lính nền Cộng hòa thứ nhất, không phải là ông Hoàng đế bụng phệ sau này. Vào lúc ấy, đối với tôi, phải cao và mảnh dẻ mới đẹp, lại một klisê nữa của văn học lãng mạn. Ông AB không cao, nhưng vì ngồi trước bàn nên điều đó không lộ ra, nhìn nghiêng, bán diện của ông thanh tú, đúng như của một nhà thơ. Ông nhìn ra khu vườn mùa đông đầy sương và đọc thơ. Ngoài vườn cây chỉ cao vừa tầm đầu người, và sương vẫn phủ trên ngọn. Cuối vườn, có một cái ao, thiếu cái đó một ngôi nhà thời ấy không sao hoàn chỉnh được: Làn sương bò trên mặt ao bao giờ cũng dầy hơn ở nơi khác. Một khung cảnh nên thơ hoàn hảo!
- Tương lai sung sướng sẽ thuộc lớp tuổi này, chúng ta thì còn phải khổ, ông nói và chỉ vào tôi, vẻ nghiêm nghị.
Tôi lúc ấy 16 tuổi: trước ông khi ấy đã là một chính trị gia lão luyện, tôi chỉ là một đứa trẻ, và bây giờ nhớ lại tôi có cảm giác khi nói câu trên, giọng ông đã chuyển sang giọng thuyết lý của các chính khách khi phát biểu về các chân lý vĩnh cửu. Cười, nụ cười của riêng ông khi trò chuyện với bè bạn. Chẳng ai vào lúc ấy có thể nghĩ rằng chiến tranh lại sẽ dài đến thế. Còn lâu tuổi chúng tôi mới được hưởng tương lai sung sướng ông dự báo. Vả chăng vấn đề không phải ở gian khổ của chiến tranh, chiến tranh là chiến tranh, và những người lúc nào cũng ở sâu trong một hậu phương xanh um những cây, và yên lành như chúng tôi thời ấy, còn có gì để nói, khi hàng năm mươi năm sau trên vô tuyến và trên báo vẫn còn ảnh những thanh niên trẻ măng nhìn chúng tôi bằng cái nhìn nghiêm trang thuở ấy: "hy sinh ở mặt trận phía Nam"... Chỉ có điều trong nhiều năm dài hậu chiến và sau đó nữa, "những đứa trẻ ngây ngất trong phòng xanh mát rượi" lại vẫn chưa nhiều như ta ước vọng... Bao lời dự báo không thành của các nhà thơ...
Mới rời khỏi Hà Nội, sách chưa kịp kéo về quanh cậu tôi, suốt mấy tháng ròng ở cái thị xã buồn chán ấy, tôi chỉ có trong tay một tập thơ Tố Hữu mà tôi hầu như đã thuộc lòng. Nói theo mỹ từ văn học, đó là những vần thơ đã ru tuổi trẻ của tôi. Chúng êm ái du dương lạ thường. Có những lời hùng biện nhưng xen vào đấy lập tức có những cảnh thiên nhiên thật nên thơ. Mãi sau này tôi mới biết cái đối nghịch tạo nên cái đẹp, còn lúc ấy tôi chỉ cảm nhận được màu sắc và nhạc tính: Đào xuân thắm dâng hương ngoài cửa sổ, Bạc xuân trong rắc trắng mái hành lang... Đầu xuân 47 ở thành phố tôi mới đến có một cái gì đó của câu thơ. Bạc xuân rắc trên ngọn cây trong vườn ông chủ nhà, tôi đoan chắc phải là cây mơ, cây mận, vì thân cao, cành khum khum đâm lên trời thành hình chéo - ta biết dáng cây mơ thanh tú như thế nào - lá nhỏ và dài, nếu là cây cam cây quýt hẳn cây phải thấp, lá tròn. Có điều vào cuối đông đầu xuân mà chẳng thấy lăn tăn hoa trắng trên nhành non lá mới. Tôi thích những bài thơ "tươi sáng" kiểu Xuân bước nhẹ trên nhành non lá mới, đọc câu thơ mở đầu này tôi đã nghĩ ngay tới bức tranh Mùa xuân của Boticelli. Khi còn ở Hà Nội tôi đã ngắm nghía nó rất kỹ trong từ điển: trong bức tranh, khác hẳn Ba Nàng diễm lệ, những nữ thần cổ đại của cái Đẹp (nhưng đối với tôi, cái đẹp của họ có cái gì quá ư trần tục, eo của họ hẳn bằng số đo vòng ngực của người mẫu hiện đại). Ngược lại Nàng Xuân, người mảnh dẻ, cài một vòng hoa trên đầu, hoa năm cánh mầu trắng trên nền lá sẫm, trên áo rải rác những bông hoa cánh dài như hoa Macgơrit, tay rắc hoa đựng trong vạt áo, viền áo bay thấp thoáng, chân thon, với bước đi dìu dặt của mùa xuân trong thơ Tố Hữu. Còn ba tôi thích nhất một bài giọng rất Huế: Rứa là hết chiều ni em đi mãi... Ba tôi nói người trong thơ rất có thể là một cô gái, một cô gái nghèo, người Huế, điều không bao giờ xuất hiện trong đầu tôi, dù có đọc trầm nhiều lần câu ấy trong óc, tôi vẫn nghĩ đó chỉ có thể là một em bé trai tội nghiệp, một thằng nhỏ như thời Pháp thuộc vẫn gọi. Ba tôi còn bảo đó rất có thể là một mối tình đầu. Rất lâu sau này vào những năm cuối thế kỷ khi thế hệ cách mạng tháng tám đã già và đã có thể bàn về mọi sự một cách thoải mái, tôi nghe nói có trao đổi về vấn đề này, không rõ có thật không hay lại chuyện vỉa hè? Phước trong bài thơ là một cô gái? Đó có phải là một mối tình đầu không? Nghe nói nhà thơ thích giữ im lặng về vấn đề này. Gần đây nhân dịp sáu mươi năm sáng tác của nhà thơ, nói về bài này, ông nói thêm: đứa trẻ đó thật ra tên là Quít. Đứa trẻ (từ ông dùng) thuộc giống trung, còn về tên của người Việt Nam, Quít thường là tên của con trai, Cam là tên con gái. Nhưng cũng không hẳn thế: vậy là tấm màn của bí mật vẫn chưa được vén lên.
Ngoài việc đọc thơ và nghe đọc thơ, tôi có một chức trách mới so với thời ở Hà Nội: theo chị Sơn, người bạn gái mới, cháu ông chủ, đi chợ và về nấu thức ăn. Cũng lại chị Sơn hướng dẫn tôi - giống như cậu tôi rất ít khi dạy tôi học, mẹ tôi rất ít khi dạy tôi nấu ăn. Và có một thay đổi rất cơ bản trong thực đơn gia đình. Trước đây gia đình tôi ăn cơm theo một cách nấu rất tự do nhưng trước tiên phải đảm bảo theo đúng gu ba tôi: "Tau ăn cá bể kho một lượt, còn ba mi ăn cá đồng kho kỹ", mẹ tôi nói với tôi như vậy: vẫn là vấn đề cội nguồn, một người trên núi lấy một người dưới biển. Ngoài ra vì ba tôi đau dạ dày và khảnh ăn nên vào thời kỳ sung túc nhất, gia đình tôi hay ăn xúp. Tôi có thể liệt kê ra đây mấy loại xúp liền, giống như đối với một thị trấn tôi chỉ còn giữ ký ức về một ngôi nhà, về những bữa ăn gia đình khi còn sống ở Hà Nội, tôi chỉ còn nhớ những món xúp: Xúp gà nấu sữa tươi, rưới lên những ô bánh mì nhỏ rang dòn, xúp tapioca với những viên bột nhỏ trong trong; xúp măng tây với những thanh dài có đốt màu ngà, đôi lúc còn có cả xúp actisô, tôi nhớ mẹ tôi mua về cả một bông to, có cánh màu tím sẫm (tôi có nhớ sai màu không?) còn chị Sơn lại là một chuyên gia về các món hấp: thịt băm trộn đậu phụ, hấp, thịt băm trộn trứng, hấp, bí xanh hay cà chua nhồi thịt, hấp, món sau này còn được gọi là phá xi cà chua vì rán rồi mới hấp, sau này tôi biết là dịch từ chữ farci)... Cứ thế! Một hôm đi chợ xong, chị Sơn dẫn tôi đến nhà thờ đạo của thị xã, chúng tôi đứng ngoài hàng rào nhìn vào, một nhà thờ với gác chuông, rất đơn sơ giống như mọi nhà thờ ở quê. Tôi cảm thấy sự yên tĩnh ở nơi đó, phố xá chung quanh cũng vậy. Từ nhỏ sống với cậu tôi và mẹ tôi không có cầu cúng bao giờ nên tôi không tin ở một tôn giáo nào, dù chúa là ai. Nhưng còn một ngôi nhà chùa, một nhà thờ yên tĩnh, điều đó bao giờ cũng mang lại cho tôi một sự bình thản kỳ lạ. Chị Sơn đứng tần ngần hồi lâu bên hàng rào. Chị mồ côi từ bé, chỉ là người cháu họ nghèo được nuôi nấng trong nhà, chắc các bác chủ đối xử tốt với chị, nhưng mồ côi vẫn là mồ côi, bằng tuổi tôi, tôi đã thấy hai bên khóe miệng của chị có nếp nhăn như ở người lớn. Còn đầu óc tôi vào lúc ấy mông lung và vô lo tới mức đọc thơ, nghe đọc thơ, và đi chợ, nấu cơm, đều là những việc chẳng khác gì nhau, tôi không hề nghĩ có lúc nào lại phải xa mẹ tôi, sự hiện diện của bà hiển nhiên gần gũi tới mức gần như vô hình, chỉ có sau này khi đã xa bà, tôi mới biết bà chính là sức mạnh che chở cho tôi suốt bấy nhiêu năm, kể từ khi dì tôi rồi chị tôi đi lấy chồng. Ba người phụ nữ đã che chở cho tuổi thơ của tôi, rồi tuổi mới lớn, sau này ngẫm lại, tôi đều thấy họ giống nhau ở chỗ thật hồn nhiên, ngây thơ, và trừ dì tôi chết trẻ, mẹ tôi và chị tôi cho đến khi rất nhiều tuổi, vẫn nguyên như vậy. Ít nói và hay nghĩ như tôi, đôi khi tôi còn thấy họ hồn nhiên hơn cả tôi nữa. Vậy mà tôi vẫn núp dưới tấm lòng che chở của họ và khi lần lượt phải xa rời họ, vẫn như một đứa trẻ, tôi cảm thấy hoàn toàn không được bảo vệ trước cuộc đời.
Trước tết âm lịch năm đó, Bác về thăm tỉnh. Trời ấm mặc dù chỉ mới chớm sang xuân. Tôi và Ân một cô bạn thân từ thời Hà Nội mặc áo dài lụa trắng để đi đón Bác. Bác gặp dân ở một ngọn đồi thưa cây gần thị xã (không hiểu đó có phải là nơi có "mấy cây lố nhố, gọi là rừng thông" không?) Vẫn dáng đi rất nhanh, vẫn giọng Nghệ pha Bắc vang như chuông. Nói chuyện xong, Bác lại gần một đứa bé bà mẹ bế trên tay, đứng trong đám đông. Bác hôn nó và cho nó một quả cam: mọi người đều cảm thấy sung sướng như thể chính mỗi người đều được chia phần.
Sau đó ít lâu, Tỉnh hội phụ nữ mở một lớp huấn luyện. Tôi xin ba mẹ tôi được đi dự. Hoàn toàn ngẫu nhiên tôi được tham dự với tư cách "quan sát viên" vào một bi kịch tình yêu thời hiện đại, vậy mà chẳng khác là bao so với thời cổ đại, cuộc đời qua các thế kỷ, có nhiều lặp lại hơn ta tuởng. Chúng tôi ở thành từng tổ trong nhà dân, thường đó là những nhà gạch cao, rộng, có giường phản mát mẻ, chúng thuộc tầng lớp nào, phải mấy năm sau mọi sự mới rõ, tới lúc ấy lại phải tìm tới nhà tranh vách đất, còn lúc bấy giờ, không có phân biệt gì.
Chị Hồng Nhung, người phụ trách lớp, đưa tôi về ở cùng nhà. Tôi là học sinh, vẻ lại rất ngoan (mà cũng ngoan thật) nên đi đâu cũng được các chị lớn yêu. Chị Hồng Nhung, người vùng Đa Nê, nghe nói vùng đó con gái đẹp vì họ chuyên nghề dệt vải, không phải ra đồng, một nắng, hai sương. Chị cũng đẹp như tên chị, người mảnh dẻ, mắt rộng sáng dịu dàng, miệng ăn trầu cắn chỉ, răng đen nhưng nhức. Chị chít khăn nhung đen, mặc áo lụa màu ngà, không chít khăn nâu và mặc áo vải rồng như các chị khác. Buổi tối ngồi dưới ánh đèn chị lại càng đẹp hơn và nhỏ nhẹ nói với tôi về các bài giảng (chị không hề biết tôi rất khó nhập tâm các bài chính trị).
Cơm tập thể, dọn ngay ngoài sân đình, sáu người một mâm, ngồi xổm quanh chiếc mâm gỗ, mỗi bữa chỉ có một món ăn thôi mà tôi thấy đặc biệt ngon, món cùi dừa già để cả vỏ nâu, thái mỏng kho nước hàng, thỉnh thoảng lắm mới có lẫn vài miếng thịt ba chỉ. Theo thói quen tôi không nhớ gì về các bài huấn luyện, còn cái vị bùi bùi thơm thơm của cùi dừa kho mặn, tôi lại giữ rất lâu trên lưỡi. Trong lớp, tôi ngồi gần chị Nguyệt, học sinh Đồng Khánh Huế, quê ở tỉnh này. Chị có gì đẹp hơn chị Hồng Nhung không? Không có gì, tôi ngẫm nghĩ, những rõ ràng chị trẻ hơn, tân tiến hơn, chị búi tóc lộn, mặc áo sơ mi màu trứng sáo, khác hẳn các chị cán bộ phụ nữ khác. Người chị hơi to nhưng lúc chị giơ tay phát biểu, tôi thấy bàn tay chị đặc biệt nhỏ và trắng. Giữa lớp, một cán bộ tỉnh, ông An Bình, vào loại sau này người ta thường gọi là cấp côi, đến giảng bài. Xong bài, buổi chiều gần tối, cả lớp ra sân tiễn ông, tôi kinh ngạc thấy cả ông và chị Nguyệt đều nai nịt gọn gàng, khoác ba lô, đi dép cao su. Họ cùng lên Việt Bắc, nghe nói Bác gọi ông An Bình ra ngoài đó công tác. Lúc đó tôi mới vỡ nhẽ ra rằng hai người vừa tiến hành lễ cưới., và như vậy mối quan hệ đã có từ lâu, trước đó, chứ không phải mới. Vậy mà tôi vẫn loáng thoáng nghe nói rằng giữa chị Hồng Nhung và ông An Bình có một mối thiện cảm nào đó. Tối hôm ấy tôi mới hiểu sự nén chịu và nỗi đau đớn âm thầm lâu nay của chị Hồng Nhung. Chị chỉ hơi xanh đi một chút và hôm sau vẫn tiếp tục điều khiển lớp học, trước những chị em mà tôi hiểu không ai là không biết chuyện riêng của chị. Vẫn bình tĩnh, mềm mại, đôi mắt vẫn lặng như nước hồ thu, giọng nói dịu dàng, rành rọt mà âm sắc hầu như chỉ chịu ảnh hưởng rất ít của cái vùng có giọng nói chua chua này, có lẽ chỉ vừa đủ để lời của chị có duyên hơn mà thôi.
Câu chuyện đã bắt đầu từ lâu trước khi mọi người rời cái thành phố "trầm lặng" nổi tiếng về những tà áo tím ấy để đi ra kháng chiến. Giống hệt như trong tiểu thuyết: một người yêu một người, nhưng người này lại yêu một người khác, cứ thế mà tiếp tục, cũng giống hệt như trong bi kịch cổ đại Hy Lạp, chỉ thiếu những điều ghê gớm được gọi là nghiệp chướng. Ngay từ khi còn ở Hà Nội, giảng vở Andromaque cho hai chị em tôi, ba tôi đã viết công thức: APHO gồm các chữ cái đầu tên nhân vật để tóm lược cốt chuyện. Phải đi từ chữ cái cuối cùng: Oreste yêu Hermione nhưng Hermione lại yêu Pyrrhus nhưng Pyrhus lại yêu Andromaque. APHO hoặc đúng ra là OHPA nhưng đảo lại, dễ đọc hơn. Ông Dũng cũng là một cán bộ lúc ấy đã vào loại cấp côi, yêu chị Hồng Nhung nhưng chị Nhung lại yêu ông An Bình nhưng ông An Bình lại yêu chị Nguyệt (DNBN hoặc ngược lại, đều khó đọc, khó làm thành công thức dễ nhớ cho trẻ con, nhưng theo tôi đó chỉ vì ở tiếng Việt, tên bắt đầu bằng nguyên âm, ít hơn nhiều so với tên bắt đầu bằng phụ âm). Nhưng ở đây, khác với bi kịch cổ đại, chẳng có gì ngăn trở ông An Bình lấy chị Nguyệt, và cũng chẳng thể có các vụ giết người và trả thù nhau vì tình, bối cảnh của chiến tranh chẳng bao giờ để con người có thể dành cái gì nhiều cho tình cảm riêng tư. Ngay từ trước khi rời thành phố ra kháng chiến, biết chị Nhung không nhận lời lấy mình, ông Dũng đã yêu cầu giới thiệu cho ông một người vợ, chỉ cần tốt, không cần một điều kiện nào khác. Như một nhà cách mạng ở buổi bình minh ta hiểu ông Dũng đã chôn vùi cái được gọi là tình yêu trong đáy sâu của kỷ niệm, như vậy ông vẫn là người duy nhất trong tình cảm, và sau này cũng vậy cho đến khi qua đời ở tuổi 45, không hề có rạn nứt nào trong quan hệ của ông với người vợ ông đã chọn mà không yêu: những tính cách "một phiến" của thời kỳ đầu cách mạng! Tôi còn có thể nói thêm ít lời về chị Hồng Nhung, người còn lại một mình sau tất cả các sự cố trên, với bi kịch riêng của chị. Chị sẽ lấy chồng muộn vào lúc ngoài 30 tuổi, chị lấy một trí thức cộng sản và tôi có dịp gặp chị sau này ở tuổi 50, không gầy mảnh xanh xao buồn bã như trước, tất nhiên không còn đẹp như trước, nhưng gương mặt đầy hơn, rạng rỡ hơn và như vậy dường như đã có một happy end dành cho đời chị sau câu chuyện tình giống như trong tiểu thuyết kia. Chồng chị là một người rất tốt: "Họ đã sống hạnh phúc và sinh được nhiều con". Đó là lời kết của các chuyện thần tiên Pháp. Nhưng cuộc đời thực luôn thích lật ngược các lá trập của nó như trong kịch baroque. Gần đây vào tuổi 77, 78, nghe nói chị đã trở thành một người đàn bà già nua, khó tính đến mức khắc nghiệt. Người con trai lớn của chị đã biến mất tăm ở một nơi nào đó trong vùng Kadắctăng mù mịt, xa tít tắp, sau một chu kỳ nhiều lần lặp lại - giầu lên đột ngột rồi lại mất hết - chu kỳ điển hình cho số phận nhiêù người Việt Nam thế kỷ XX đi kiếm cách làm giầu ở Nga, vợ anh ta đưa đứa cháu nội của chị đi tìm một hạnh phúc khác và con gái út của chị chết vì ung thư ở tuổi 40, vẫn còn độc thân... May cho tôi không gặp lại chị ở thời kỳ cuối này để hình ảnh chị trong tôi vẫn nguyên là của một thiếu phụ đẹp vừa đằm thắm vừa xa cách, vừa dịu dàng vừa can đảm. Khi đã về già, bao giờ ta cũng chỉ muốn giữ được ký ức êm ả về người và cảnh thời tuổi trẻ. Tưởng như những gì ta đã gặp trong cuộc đời cũng đã quá đủ để khỏi muốn biết thêm về những bất hạnh của bạn bè.
Còn vai diễn chính trong tấn kịch tôi vừa kể, sau đó tôi chỉ được chứng kiến từ xa bước đi lên ngoạn mục của ông. Tận năm 1985 tôi lại được nghe truyền miệng (vì vậy không gì chắc chắn) một bài thơ mà tính phiếm định của đại từ nhân xưng được phát huy rất tài tình: "Lắng nghe quan họ đêm thâu, Mênh mang sông nước thấm sâu lòng người, Đắm say gió gọi trăng mời. Vấn vương ánh mắt nụ cười duyên quê, Người ơi, người ở đừng về, Bâng khuâng giã bạn tái tê mạn thuyền, Ai về, ai nhớ, ai quên, Mình về đến hẹn lại lên cùng người..."
Bối cảnh bài thơ hoàn toàn không phải là một cuộc chia tay "quan họ" như ta nghĩ. Dù sao câu kết cũng vẫn thuộc loại một dự báo,không thành của các nhà thơ.
Trở lại với thời đầu xuân 47, tôi phải cùng gia đình rời thị xã, đi sâu hơn về nông thôn, bỏ quên lại ở nơi ở cũ, tập sách của nhà thơ mà các vần du dương đã mê hoặc tuổi mới lớn của tôi.
Chuyển về nơi tản cư mới, sách vở lại kéo đến quanh ba tôi, đó là thời điểm của những chuyện Liên Xô dịch ra tiếng Pháp và những nhân vật lý tưởng mới của tôi có gương mặt của Pavel Koocsaguin, Valia, Tania, Cô thiếu nữ thành Kachine... Giai đoạn Từ ấy trong tôi có thể coi là đã chấm dứt nhưng mấy tháng ở khu vườn mùa đông cuối 46 đầu 47 cũng đủ để sau này, từng đoạn thơ Tố Hữu có thể hiện ra bất kỳ lúc nào trong óc tôi nếu có ngoại cảnh gợi nhớ. Mới biết thơ ông đã đến với tôi đúng lúc - Trữ tình, Cách mạng, Tuổi hoa niên - Và khó có thể quên chúng. Nhưng giai đoạn của tiểu thuyết đã bắt đầu, nói đúng hơn nó tiếp tục, sau một thời kỳ đứt quãng, với ảnh hưởng tốt lành và cả tác hại của nó: chỉ có nó mới khắc họa được gương mặt của con người lý tưởng. Vẫn là gương mặt gầy mảnh xanh xao của Hamlet nhưng vẻ sắt đá kiên nghị của Pavel Koocsaguin trong ký họa mở đầu cuốn Thép đã tôi thế đấy đã mang sắc thái của khói lửa chiến tranh, một cái gì đó thật hấp dẫn đối với những người ở sâu trong hậu phương yên lành là Thanh Hóa thời kháng chiến chống Pháp.
Cái làng nhỏ ven sông, gia đình tôi đến ở, hoàn toàn ngẫu nhiên, có tên là Yên Lộ.
Đ.T.H
(142/12-00)
Tạp Chí Sông Hương