PHÚC KEYNES
New member
- Xu
- 0
Tạp chí Tia Sáng (Online)
Ngày 30-01-2011
--- o0o ---
Milan Kundera, với tiểu thuyết Sự không biết (L’ignorance), tiếp tục trở lại với nỗi băn khoăn từ bao đời nay đã ám ảnh những kẻ suy tư và tìm cách giải đáp câu hỏi: con người có thể biết gì? Tác phẩm này có những mối bận tâm của nó: “con người muốn biết điều gì?”, “con người không muốn biết điều gì?”, “con người biết được gì về cuộc sống và về tương lai của mình?...
Chúng ta biết là tác phẩm văn chương của Kundera khai phá những mảnh đất mà triết học cày xới, đề cập tới những chủ đề mà triết học quan tâm, điều này biểu hiện ngay trong nhan đề tác phẩm: Sự bất tử, Bản sắc, Sự nhẹ tênh của đời sống, Sự chậm rãi… Sự không biết cũng nằm trong chuỗi này.
Trong bài “Di sản bị mất giá của Cervantes”, Kundera còn cho rằng trong lịch sử có những giai đoạn triết học đã bỏ rơi những vấn đề mà văn chương tận lực khám phá: “Có lẽ hai nhà hiện tượng học lớn [Husserl và Heidegger] đã không coi trọng đúng mức Cervantes trong sự phán xét của họ về Thời Hiện Đại. Tức là tôi muốn nói: nếu quả thật khoa học và triết học đã bỏ quên bản thể con người, thì càng rõ ràng là với Cervantes đã hình thành một nền nghệ thuật châu Âu vĩ đại mà thực chất không có gì khác hơn là khảo sát chính cái bản thể bị bỏ quên đó. Quả vậy, tất cả các đề tài hiện sinh lớn mà Heidegger phân tích trong tác phẩm Bản thể và Thời gian, cho rằng chúng đã bị toàn bộ nền triết học châu Âu trước đó bỏ rơi, thì lại đã được khám phá, phô bày, soi sáng bởi bốn thế kỷ tiểu thuyết châu Âu.”[1]
Tiểu thuyết Sự không biết tiếp tục công cuộc khảo sát bản thể ấy. Ta có thể bắt đầu cuộc phiêu lưu với cuốn sách này bằng trích đoạn được chọn in ở bìa bốn: “Tất cả mọi người đều nhầm lẫn về tương lai. Con người chỉ có thể chắc chắn về thời điểm hiện tại. Nhưng có thật vậy không? Con người có thể thực sự biết về hiện tại không? Đương nhiên là không. Vì làm sao mà một kẻ không biết được tương lai lại có thể hiểu được ý nghĩa của hiện tại? Nếu ta không biết hiện tại sẽ dẫn ta tới tương lai nào, làm sao ta có thể nói rằng cái hiện tại này là tốt hay xấu, làm sao ta có thể nói rằng nó xứng đáng để ta tham dự vào, để ta phải ngờ vực hay để ta phải căm ghét nó?”[2] Có thể xem đây là một “định hướng” khả dĩ để tiếp cận cuốn sách. Nếu con người không nhận thức được về hiện tại của mình sẽ không biết được tương lai nào đang chờ đón mình. Và như vậy sẽ có nguy cơ đánh mất toàn bộ ý nghĩa của sự tồn tại. Trong ý nghĩa này, cuốn tiểu thuyết Sự không biết là câu chuyện về tất cả những ai chối từ quá khứ, đánh mất hiện tại và vô vọng trước tương lai.
Sự không biết (l’ignorance) là một chủ đề của triết học. Có lẽ nó được bắt đầu với câu nói lạ lùng của Socrate giờ đây đã trở nên nổi tiếng: “Tôi chỉ biết một điều, đó là tôi không biết gì cả”. Câu này được diễn giải như sau: Socrate tự nhận mình là người vô học và không hiểu biết, tự nhận là mình không biết gì. Đó là khởi điểm để ông trở thành thông thái. Triết gia là người không biết gì và dám thừa nhận sự thiếu hiểu biết của mình [chúng tôi nhấn mạnh từ “dám”] [3]. Nhờ thái độ dám thừa nhận sự ngu dốt, sự không biết này mà con người đi tới chỗ khám phá rất nhiều bí mật của vũ trụ và của đời sống, con người thu hẹp dần giới hạn của những điều mình không biết, mở rộng biên giới của hiểu biết và phát triển khoa học.
Kant là một trong những người đã phát triển các nghiên cứu về sự không biết. Trong cuốn “Logic học” ông phân biệt hai kiểu không biết: sự không biết bác học (ignorance savante) và sự không biết tầm thường (ignorance vulgaire). Trường hợp thứ nhất thuộc về những người ý thức được những điều mình không biết, chẳng hạn như các nhà khoa học, họ biết rằng họ đã biết những gì và còn chưa biết những gì. Và họ tiếp tục tìm hiểu, khám phá để chinh phục những điều chưa biết. Trường hợp thứ hai thuộc về những người không biết rằng mình không biết, tức là không ý thức được về những điều mình không biết. Tuy nhiên trong bài viết này, chúng tôi không có chủ ý đi sâu vào khoa học về sự không biết. Chúng tôi chỉ muốn đặt tác phẩm của Kundéra trong bối cảnh tư tưởng và văn học phương Tây. Các vở kịch của Molière như “Các bà thông thái” (Les femmes savantes) hay “Trưởng giả học làm sang” (Le bourgois gentilhome) được xem là các tác phẩm văn học đề cập đến chủ đề này. Chúng ta thử xem, với cuốn tiểu thuyết của mình, Kundera còn có thể đóng góp gì vào những suy tư về vấn đề này.
Sự trở về của những người lưu vong là một trong những chủ đề căn bản của cuốn sách, được đánh dấu ngay từ đầu bằng cụm từ viết hoa: Grand Retour (Sự Trở Về Vĩ Đại) với những suy tư về nhân vật Ulysse [4]. Irena và Josef, hai nhân vật chính, được xây dựng như là phiên bản của Ulysse thời hiện đại. Tác phẩm đặt song song những trường đoạn xen kẽ giữa Ulysse và các nhân vật. Họ, cũng như chàng, có hai mươi năm lưu lạc và một Cuộc Trở Về Vĩ Đại. Họ cũng trải nghiệm những bi kịch hồi hương giống như Ulysse. Chính xác hơn thì phải nói rằng bi kịch trở về của họ khiến cho cuộc hồi hương lớn lao của người anh hùng Hy Lạp cũng nhuốm màu ảm đạm, vì câu chuyện về Ulysse được Kundera nhìn nhận lại, đánh giá lại dưới góc nhìn của những người lưu vong đương đại. Ulysse giờ đây mang thân phận hiện đại của kẻ tha hương, với một cuộc trở về bất hạnh. Sự bất hạnh có quan hệ với cái biết và cái không biết.
Cả Ulysse huyền thoại, Josef và Irena của thời đương đại, đều trở về theo tiếng gọi của cái đã biết, và họ muốn biết điều gì xảy ra ở quê hương họ. Kundera diễn giải về cuộc hồi hương của Ulysse: “Ở vương quốc của Calypso Ulysse biết đến một dolce vita thực sự, một cuộc sống dễ chịu, cuộc sống vui vẻ. Nhưng giữa dolce vita ở nước ngoài và cuộc trở về nhà rủi ro, chàng đã chọn trở về. Chàng thích tôn sùng cái đã biết (cuộc trở về) hơn là đam mê thám hiểm cái không biết (cuộc phiêu lưu). Chàng thích cái hữu hạn (vì cuộc trở về chính là sự hòa giải với tính chất hữu hạn của cuộc đời) hơn là cái vô hạn (vì cuộc phiêu lưu không bao giờ có ý định kết thúc)” (12-13). Đối với Ulysse và các nhân vật của Kundera, cuộc trở về gắn với bất hạnh, vì ý muốn biết của họ đụng độ với ý muốn không biết, với sự không biết của người khác và của cả chính họ.
Sự trở về, nỗi luyến nhớ quê hương (nostalgie), ký ức, sự biết và sự không biết, có thể xem đấy là những từ khóa của tác phẩm, đương nhiên là chúng có liên quan chặt chẽ với nhau[5]. Ở đây, như đã nói, chúng tôi đặc biệt tập trung làm sáng tỏ một phương diện: sự không biết.
Không muốn biết
Trong tác phẩm về sự không biết này, các nhân vật lên đường về nhà, mang trong mình “niềm ngây ngất dành cho cái đã biết” và muốn biết về những gì đã xảy ra với quê hương, sẽ nhanh chóng đụng phải một thực tế: ở đó người ta không muốn biết gì về họ. Từ trong sử thi, Ulysse đã gặp phải bi kịch đó. Trở về nhà, Ulysse hiểu rằng những gì tốt đẹp nhất của cuộc đời chàng thuộc về hai mươi năm lưu lạc, chàng chỉ có thể tìm lại quãng thời gian đó bằng cách nói về nó, kể về nó, nhưng “không ai có ý định nói với chàng: kể đi” (43), người dân Itact, khác với người dân Phéacie, không muốn biết đến quá khứ của chàng, không muốn biết đến cuộc phiêu lưu và những gì đã đến với chàng.
Irena và Josef cũng ở trong hoàn cảnh tương tự. Khi đón mẹ sang Paris chơi, Irena đã gặp phải chính nỗi đau này. Irena gặp lại mẹ sau hai mươi năm và có cảm giác chưa hề có gì thay đổi. Bất chấp quãng thời gian xa cách, bất chấp sự trưởng thành của cô, bất chấp sự già đi của bà mẹ, bản chất mối quan hệ giữa họ không thay đổi: một quan hệ giữa kẻ áp chế (bà mẹ) và kẻ bị áp chế (Irena).
Bà mẹ không quan tâm đến Paris. Đứng trước những bức tranh của Picasso, bà nói đến những tranh của một người họa sĩ Séc, bạn bà; đứng trước tượng của Rodin, bà bình luận về bức tượng David của Michel-Ange ở Florence. Đến mức Irena không chịu nổi phải gào lên hỏi tại sao lại như thế. Và người kể chuyện cũng đặt câu hỏi: “Tại sao Michel-Ange, mà bà đã từng xem cùng một nhóm du khách Séc, lại thu hút sự chú ý của bà hơn là Rodin? Và tại sao, suốt cả năm ngày đó, bà không hỏi cô câu nào. Không một câu hỏi nào về cuộc sống của cô, cũng không câu hỏi nào về nước Pháp, về nghệ thuật bếp núc, về văn chương, về pho mát, rượu vang, chính trị, sân khấu, điện ảnh, ô tô, nghệ sĩ piano, nghệ sĩ violon, hay các cầu thủ bóng đá của Pháp? Thay vì vậy, bà không ngừng nói về Praha…” (26) Bà không muốn biết gì về Paris, tức là không muốn biết những gì thuộc về cuộc sống của con gái bà. Bằng cách đó bà áp chế Irena. Và người kể chuyện cho độc giả thấy đó không phải là sự áp chế thuộc dạng vô thức. Bà mẹ đầy ý thức khi tạo ra một mối quan hệ như vậy, bà cố tình duy trì nó, nó giúp bà cảm nhận sức mạnh của mình, nó giúp bà cảm thấy mình trẻ lại. “Khi thấy con gái ở bên cạnh, bị áp chế và bị hạ thấp, bà kéo dài hết mức có thể những khoảnh khắc lúc bà chiếm ưu thế.” (28) Và với Irena, đúng như bà mong muốn, sự hiện diện của bà mẹ luôn khiến cô “cảm thấy mình xấu xí hơn và kém thông minh hơn” (28). Ở đây ta có một lý giải của tác giả, từ góc độ tâm lý, về việc tại sao người ta thích áp chế người khác, một lý giải về những khoái cảm được kích thích từ việc áp chế người khác, hạ thấp người khác.
Rồi khi trở về Praha, Irena mời những người bạn cũ ăn trưa để nối lại những mối dây thân thuộc, để họ có thể cùng tâm tình. Và rốt cuộc là cô đã không thể mở miệng nổi. Chỉ có họ tâm tình mà thôi. Cũng giống như bà mẹ, các bạn cô nói liên tục và không để cho cô kể bất kỳ điều gì về cuộc sống của cô. Rốt cuộc là hai mươi năm đời cô trôi qua ở nước ngoài, cũng giống những chai rượu vang cô mang từ Pháp xa xôi về để mời họ, bị gạt sang một bên. Cô tha hồ nghe họ nói về quá khứ của họ, và tha hồ im lặng. Vấn đề là ở chỗ, trước khi mời cơm họ, Irena đứng trước hai khả năng: hoặc là họ chấp nhận cô như chính cô với toàn bộ nghiệm sinh của hai mươi năm lưu lạc, hoặc là cô sẽ trở lại là một người trong số họ, là người của họ. Để trở về với họ, cô phải quên đi tất cả những gì thuộc về quãng đời trước kia của mình. Và bữa cơm là một hoạt cảnh tuyệt diệu để những người bạn Irena biểu hiện sức mạnh và sự tước đoạt của họ đối với cô. Irena, cũng như chàng Ulysse xưa kia, chờ đợi cái từ đó: “kể đi”, cái từ không bao giờ được thốt ra với họ. “Kể” là cách duy nhất để nối liền cái quá khứ lưu vong của họ và cái hiện tại hồi hương, là cách duy nhất để họ còn có thể tiếp tục những gì họ đã từng có trước đó. Nhưng cây cầu nối ấy hoàn toàn bị triệt tiêu. Không ai muốn biết đến cuộc đời lưu vong của Irena. Điều mà họ muốn biết là cô còn nhớ gì về quá khứ chung mà cô có với bọn họ thời trẻ khi cô chưa ra đi. Tất nhiên rồi, bằng cách đó họ sẽ sáp nhập cô vào với họ một lần nữa. Irena chống lại ý muốn đó, cô không thể ở lại. Cô sẽ quay về Pháp [6].
Chỉ có duy nhất Milada hiểu tâm trạng cô, duy nhất Milada nghe cô nói, nghe cô kể. Nhưng bà khuyên cô rằng chẳng nghĩa lý gì khi kể lại cho những người bạn quá khứ lưu vong của cô khi mà “ai cũng muốn chứng tỏ là mình đau khổ nhiều hơn người khác dưới chế độ cũ. Mọi người đều muốn được nhìn nhận như là nạn nhân.” (50) Vì thế họ không muốn biết những gì đã xảy ra với Irena, không muốn biết gì về cái thế giới trong đó Irena đã sống, một thế giới đương nhiên rất khác với thế giới của họ. Không muốn biết tức là không có sự tò mò đối với cái khác biệt, không chấp nhận sự tồn tại của những cái khác biệt. Cứ như thể trên đời này không có cái gì khác hơn ngoài thực tại của chính mình.
Không biết quá khứ
Không biết quá khứ biểu hiện trên hai phương diện: sợ hãi quá khứ và chối bỏ quá khứ.
Irena và tất cả những người lưu vong khác đều có chung một cơn ác mộng: bị săn đuổi bởi những cảnh sát cầm vũ khí và bị bao vây bởi những người đồng hương tươi cười lịch sự trên tay cầm một thứ đặc sản của đất nước họ. Giấc mơ đó trở thành một thứ “tài sản chung” của những người nhập cư, hay nói cách khác gần như trở thành một thứ vô thức tập thể của nhóm người đó. Irena sợ quá khứ tới mức mà cô đã không thể chịu nổi cái bộ váy cô mua ở Praha vào ngày đầu tiên cô trở về thăm Tổ quốc. Do sự thay đổi đột ngột của khí hậu, Irena đã không chuẩn bị quần áo mùa hè, nên cô phải mua một bộ váy trong một cửa hiệu. Khi mặc nó vào cô đã vô cùng sợ hãi vì cô không còn là cô nữa mà “là một người khác, hoặc, khi tự ngắm mình lâu hơn trong cái váy mới, đó là cô nhưng đang sống trong một cuộc đời khác, cuộc đời lẽ ra đã là của cô nếu cô ở lại đất nước này.” (39) Cô sợ hãi vì “cô thấy mình bị giam cầm trong một cuộc đời mà cô không muốn và cô sẽ không thể thoát ra được.” (40)
Kundera đặt Irena vào cái tình huống khiến cho cô có thể nhìn thấy rõ những khả năng của đời cô, nó có thể đi theo hai hướng. Cô đã từ bỏ một hướng để lựa chọn hướng khác, và giờ đây bộ váy đã cho cô hiểu rằng cô đã có thể thành ra một người như thế nào, cuộc đời cô đã có thể thành ra như thế nào. Cái váy trở thành cơn ác mộng giữa ban ngày, nó săn đuổi cô từ quá khứ và hình như chưa bao giờ biến mất. Nỗi sợ đó, những người nhập cư như Irena đều phải trải nghiệm.
Nỗi sợ hãi khiến người ta không muốn biết gì về quá khứ nữa.
Và rồi quá khứ bị chối bỏ. Josef chối từ quá khứ, chối từ cái phần đã tạo nên anh trong những năm tháng của tuổi thơ và tuổi hoa niên, chối từ gia đình, và cuối cùng, chối từ Tổ quốc. Anh thờ ơ ném tất cả các kỷ vật của tuổi thơ vào sọt rác, cả kỷ vật tặng mẹ anh, không thương tiếc, không cảm xúc. “Người mắc bệnh không có khả năng luyến nhớ” (87). Hoặc là Josef có một “thứ trí nhớ khổ dâm”. Anh bị người kể chuyện gọi là một “bệnh nhân đau đớn vì sự biến dạng khổ dâm của trí nhớ” (87). Josef chỉ có thể nhớ những gì tồi tệ trong quá khứ. Anh có cảm giác là ký ức bôi bẩn mình, nó không cho phép anh yêu nó. Lý do để Josef bỏ ra nước ngoài là anh không chấp nhận được, không chịu đựng được cảnh đất nước anh “bị chế ngự, bị làm nhục” (89) sau khi quân đội Nga đổ vào, năm 1968. Anh không thể vừa chịu đựng sự nhục nhã đó mà vẫn yêu quý bản thân mình. Nghĩa là anh sẽ căm ghét bản thân nếu ngồi giương mắt nhìn đất nước bị làm nhục. Rồi anh ra đi, và sự ra đi của anh sẽ không được những người ở lại tha thứ, anh biết như vậy. Hành động xé bỏ cuốn nhật ký có thể xem như là một cách để giết chết những gì còn sót lại từ quá khứ, vứt bỏ các dấu vết của quá khứ, đề phòng có lúc nó sẽ trỗi dậy, một sự khước từ triệt để. Sự chối từ quá khứ cho phép anh rơi vào trạng thái quên lãng, để có thể thoát khỏi áp lực của kỷ niệm.
Không biết hiện tại
Trong tác phẩm có một nhân vật chỉ sống với quá khứ, đó là Milada, người đã từng bị Josef - mối tình đầu của cô - bỏ rơi. Ở tuổi hoa niên, tràn trề thất vọng vì bị phụ bạc, cô đã thử tự tử và bị mất một tai nên suốt đời chỉ để mỗi một kiểu tóc duy nhất nhằm che cái phần bị mất ấy. Milada bị ám ảnh bởi quá khứ và luôn sống trong nỗi ám ảnh có tên là luyến nhớ ấy. Với nhân vật này, những gì xảy ra trong hiện tại đều mang hình bóng của quá khứ, đều bị xâm lấn bởi quá khứ: cái hôn đầu tiên của người yêu mới xảy ra đúng tại địa điểm nơi người yêu cũ hôn cô lần đầu; người yêu mới có một cái áo vest màu xanh và người yêu cũ cũng có một cái vest xanh như vậy; và kỳ lạ là người yêu mới cũng nói những điều tương tự như người yêu cũ (85). Dường như cuộc sống chỉ lặp lại những gì đã diễn ra trong quá khứ, dường như nhân vật chỉ sống với những ngày tháng cũ. Hiện tại đối với Milada là một hiện tại “bị khuất phục, bị cầm tù, bị chiếm đoạt bởi quá khứ” (91). Và quá khứ đối với cô có một quyền lực kinh khủng, cái thứ quyền lực lôi tuột cô về phía nó. Hiện tại của Milada chỉ là một sự kéo dài của quá khứ.
Theo một cách nào đó thì Josef cũng là người không biết đến hiện tại. Josef không biết Irena là ai, không biết cô bé con riêng của vợ cũ vì sao muốn gặp mình. Anh than phiền rằng giờ đây con người không còn quan tâm đến nhau, không ai muốn biết anh đã trải qua những gì. Josef trách cứ người thân không muốn biết gì về cuộc sống của anh. Nhưng anh đối với họ cũng như vậy, anh cũng không thoát khỏi điều đó. Anh không chắc là anh trai mình còn làm ở bệnh viện không, không biết anh mình đã trải qua những gì cho đến tận hôm đó. Những người anh em gặp mặt nhau nhưng lúc nào cũng ở trong hai thế giới hoàn toàn khác nhau, họ mang cả hai thế giới ấy vào trong từng khoảnh khắc của cuộc gặp gỡ, và cái không gian chung nơi họ gặp nhau nứt toác, đổ vỡ không có cách gì hàn gắn. Giữa hai anh em là cả khoảng trống mênh mông của sự không biết, người này không biết gì về người kia, không biết gì về các cảm xúc, cảm giác của người kia, không biết gì về mong muốn của người kia.
Irena cũng ở trong tình trạng tương tự. Cô không hiểu rõ hiện tại của mình. Cô không biết rằng cô đã mất Gustav, người đang chung sống với cô, vào tay bà mẹ đẻ. Và cô ngộ nhận về Josef. Kỷ niệm về cuộc gặp gỡ chớp nhoáng trong quá khứ được Irena nâng niu gìn giữ trong suốt những năm tháng lưu vong, như đã gìn giữ cái gạt tàn thuốc lá mà Josef đã đánh cắp trong quán bar để tặng cô. Và cô cấp cho cuộc tái ngộ vào ngày trở về một huyễn tưởng đẹp đẽ: “Cô có cảm giác là chuyện tình của họ, được bắt đầu hai mươi năm trước, được hoãn lại chỉ để đợi thời điểm cả hai cùng tự do” (115). Cô đã cấp cho câu chuyện của họ một ý nghĩa chỉ có trong tưởng tượng, cô không hề nắm bắt được thực tại của mình. Để rồi tràn trề thất vọng khi phát hiện ra rằng Josef không nhớ gì hết, rằng cô chẳng có ý nghĩa gì với anh hết, cái quá khứ rất quan trọng đối với cô thì đối với anh chỉ là một khoảng trống mà thôi. Cả tên cô anh cũng không biết. Đối với anh cô hoàn toàn xa lạ.
Các nhân vật được đặt vào những cảnh trạng nghịch lý như vậy: Josef không còn biết quá khứ liên quan đến Irena, và Irena không biết thực chất Josef của hiện tại là như thế nào. Irena đặt cược rất nhiều vào cuộc tình với Josef. Cô muốn một tình yêu đích thực, một cuộc phiêu lưu đích thực. Bởi tình cảm với những người đàn ông mà cô có trong đời luôn gắn với lòng biết ơn. “Điều mà từ nay cô muốn có, đó là tình yêu không một chút biết ơn. Và cô biết rằng cần phải trả giá cho một tình yêu như thế bằng một hành động táo tợn và liều lĩnh. Bởi vì trong cuộc sống tình cảm của mình, cô chưa bao giờ táo tợn, thậm chí cô còn chưa biết điều đó có nghĩa là gì.” (158) Và cô đã thử táo tợn liều lĩnh để rồi nhận thấy rằng điều đó chỉ là vô ích mà thôi. Có quá nhiều khoảng tối của hiện tại mà Irena không biết tới.
Không biết tương lai
Milada không chỉ biến hiện tại thành quá khứ. Vì quá trình hiện tại hóa quá khứ ấy không bao giờ chấm dứt nên quá khứ đó sẽ trải dài tới tận tương lai. Không có bất kỳ một thay đổi nào, không có bất kỳ một điều mới mẻ nào, giống như mái tóc chỉ để mỗi một kiểu suốt từ thời thiếu nữ. Không một cơ hội nào cho tương lai. Đời sống của Milada khiến tương lai trở thành vô vọng.
Còn Irena, cô lầm tưởng Josef là tương lai của mình. Có thể cô có lý riêng: hai người đều có cảnh ngộ giống nhau, cùng có những tình cảm yêu mến trong quá khứ, đều có những cảm nhận giống nhau về cuộc trở về, và đều tự do. Irena ngộ nhận khi, ở lần gặp lại đầu tiên tại sân bay, nghe Josef tuyên bố rằng anh tuyệt đối tự do. Cô tưởng rằng đấy là điều kiện đủ để hình thành một tương lai. Và rồi họ có một quan hệ tình dục hòa hợp, người này thỏa mãn người kia. Vậy mà như thế vẫn chưa đủ để có một tương lai. Josef đã đẩy Irena vào tình trạng tuyệt vọng. Anh đã làm nhục cô bằng việc không nhận ra cô, và anh hủy hoại cô bằng việc chối từ đồng hành cùng cô vào tương lai. Tác phẩm kết thúc bằng cảnh Josef bỏ đi để lại Irena trần truồng đơn độc trong khách sạn đang lạc sâu vào một giấc ngủ tuyệt vọng. Trong nỗi tuyệt vọng ấy cô cũng không hề hay biết rằng, người tình Gustaf của cô đang cùng bà mẹ xây dựng một tương lai mới. Cô nằm đó, trong khách sạn, đắm chìm trong tình trạng không biết.
Còn Josef thì sao? Cùng với Irena, anh “có một cơ hội, chắc chắn là cơ hội cuối cùng, được có ích, được giúp một ai đó và, giữa đám đông những kẻ xa lạ dày đặc trên hành tinh này, tìm thấy một người chị em gái” (205). Nhưng anh đã chối bỏ cơ hội cuối cùng đó, chối bỏ người phụ nữ đã tin tưởng rằng anh là tương lai của cô. Có thể Josef có một tương lai, đó là ở bên cạnh vợ mình. Có một câu trong tác phẩm diễn đạt điều này: “khi cô đã ở trong nấm mồ của hai người (nấm mồ dành cho hai người, giống như một xe ngựa dành cho hai người) anh thoáng nhận thấy […] một tia sáng mong manh của hạnh phúc. Hạnh phúc vì đã không làm cho người yêu dấu thất vọng; vì đã đảm bảo được tương lai, cho nàng và cho chính mình.” (134-135) Một tương lai nằm dưới mộ.
Nhưng tương lai đó là một tương lai chung cho tất cả mọi người. Cái mà ta cần là biết được điều gì sẽ diễn ra trên hành trình dẫn tới nó, dẫn tới nấm mồ của mỗi chúng ta.
Như vậy có thể thấy cuốn sách trình bày quan niệm mang tính bản thể học của Kundera về sự không biết, Kundera xem sự không biết như là một yếu tố nằm trong cấu trúc của bản thể. Con người cần có ý thức về nó để nhận thức được sự tồn tại của mình, để nhận thức được ý nghĩa của tồn tại, để nhận thức được quá khứ, hiện tại và tương lai của mình.
Nguồn: https://www.tiasang.com.vn/Default.aspx?tabid=115&CategoryID=41&News=3806
[1] Milan Kundera, Tiểu luận, Nguyên Ngọc dịch, NXB Văn hóa thông tin & Trung tâm văn hóa Đông Tây, 2001, tr. 11.
[2] L’ignorance, Milan Kundera, Gallimard, collection Folio, 2005, tr.165. Trích đoạn này được chọn để in ở bìa bốn, như là tóm tắt của tác phẩm. Kể từ đây, các đoạn trích từ cuốn sách này sẽ có chú thích về số trang để trong ngoặc kép, chúng tôi dịch từ nguyên bản tiếng Pháp.
[3] Tham khảo tài liệu “La sagesse et l’ignorance”, https://sergecar.perso.neuf.fr/cours/sagesse_ignorance.htm
[4] Nhân vật nổi tiếng trong thần thoại và sử thi Hy Lạp và đã trở thành một mẫu gốc của văn học nghệ thuật phương Tây.
[5] Kundera đã chiết tự từ nostos (sự trở về) trong tiếng Hy Lạp để nói rằng “nỗi luyến nhớ quê hương là nỗi đau đớn sinh ra từ việc mong muốn trở về không được thỏa mãn” (9), và rằng “Được soi sáng bởi từ nguyên học, nỗi luyến nhớ xuất hiện như là sự đau khổ vì không biết. Em ở xa và tôi không biết bây giờ em như thế nào. Đất nước tôi ở xa và tôi không biết điều gì đang diễn ra ở đó.”
[6] Giữa Ulysse và những người lưu vong hiện đại như Irena hay Josef có một sự khác biệt quan trọng: Ulysse lưu lạc trên con đường trở về, một sự lưu lạc mà chàng không lựa chọn, mang tính ngẫu nhiên. Lưu lạc chỉ là một giai đoạn của hành trình trở về. Ulysse chỉ có một mục đích duy nhất: tìm về Itact, quê hương chàng. Và sự lưu lạc của chàng chỉ là vấn đề riêng của chàng, không liên quan gì đến Itact. Hoặc có liên quan nhưng theo kiểu: sự vắng mặt của chàng khiến cho hòn đảo quê hương lâm nguy. Chính là chàng trở về để giải quyết các vấn đề của nó. Còn Irena và Josef buộc phải từ bỏ quê hương, trong suốt quãng đời lưu vong họ không nghĩ tới chuyện trở về, cho đến khi có những thay đổi căn bản trên quê hương họ. Cuộc lưu đày của họ gắn liền với số phận và biến cố của đất nước họ, họ lưu đày vì đất nước họ lâm nguy, và họ trở về khi nó đã bình an, khi nó đã tự tìm lại được chính nó sau cuộc cách mạng. Kundera gọi biến cố 1989 ở châu Âu là một cuộc cách mạng, ông đặt nó trong đối sánh với cuộc cách mạng 1789. Nỗi luyến nhớ của Ulysse và con người lưu vong hiện đại, vì thế, vừa giống vừa không giống nhau. Ulysse trở về và tìm lại được cảm giác thân thuộc từ mọi vật xung quanh: vũng biển, ngọn núi, cây ô liu, cả cái giường đặc biệt của vợ chồng chàng. Còn Irena và Josef đều có chung một cảm giác: họ trở nên xa lạ với chính quê hương mình, họ trở thành người ngoại quốc ngay trong nhà mình, họ trở về là để lại ra đi, để tìm kiếm cuộc đời của chính họ. Họ là những kẻ lưu vong vĩnh viễn.
Ngày 30-01-2011
--- o0o ---
KHÔNG BIẾT VÀ KHÔNG MUỐN BIẾT
Nguyễn Thị Từ Huy
Milan Kundera, với tiểu thuyết Sự không biết (L’ignorance), tiếp tục trở lại với nỗi băn khoăn từ bao đời nay đã ám ảnh những kẻ suy tư và tìm cách giải đáp câu hỏi: con người có thể biết gì? Tác phẩm này có những mối bận tâm của nó: “con người muốn biết điều gì?”, “con người không muốn biết điều gì?”, “con người biết được gì về cuộc sống và về tương lai của mình?...
Chúng ta biết là tác phẩm văn chương của Kundera khai phá những mảnh đất mà triết học cày xới, đề cập tới những chủ đề mà triết học quan tâm, điều này biểu hiện ngay trong nhan đề tác phẩm: Sự bất tử, Bản sắc, Sự nhẹ tênh của đời sống, Sự chậm rãi… Sự không biết cũng nằm trong chuỗi này.
Trong bài “Di sản bị mất giá của Cervantes”, Kundera còn cho rằng trong lịch sử có những giai đoạn triết học đã bỏ rơi những vấn đề mà văn chương tận lực khám phá: “Có lẽ hai nhà hiện tượng học lớn [Husserl và Heidegger] đã không coi trọng đúng mức Cervantes trong sự phán xét của họ về Thời Hiện Đại. Tức là tôi muốn nói: nếu quả thật khoa học và triết học đã bỏ quên bản thể con người, thì càng rõ ràng là với Cervantes đã hình thành một nền nghệ thuật châu Âu vĩ đại mà thực chất không có gì khác hơn là khảo sát chính cái bản thể bị bỏ quên đó. Quả vậy, tất cả các đề tài hiện sinh lớn mà Heidegger phân tích trong tác phẩm Bản thể và Thời gian, cho rằng chúng đã bị toàn bộ nền triết học châu Âu trước đó bỏ rơi, thì lại đã được khám phá, phô bày, soi sáng bởi bốn thế kỷ tiểu thuyết châu Âu.”[1]
Tiểu thuyết Sự không biết tiếp tục công cuộc khảo sát bản thể ấy. Ta có thể bắt đầu cuộc phiêu lưu với cuốn sách này bằng trích đoạn được chọn in ở bìa bốn: “Tất cả mọi người đều nhầm lẫn về tương lai. Con người chỉ có thể chắc chắn về thời điểm hiện tại. Nhưng có thật vậy không? Con người có thể thực sự biết về hiện tại không? Đương nhiên là không. Vì làm sao mà một kẻ không biết được tương lai lại có thể hiểu được ý nghĩa của hiện tại? Nếu ta không biết hiện tại sẽ dẫn ta tới tương lai nào, làm sao ta có thể nói rằng cái hiện tại này là tốt hay xấu, làm sao ta có thể nói rằng nó xứng đáng để ta tham dự vào, để ta phải ngờ vực hay để ta phải căm ghét nó?”[2] Có thể xem đây là một “định hướng” khả dĩ để tiếp cận cuốn sách. Nếu con người không nhận thức được về hiện tại của mình sẽ không biết được tương lai nào đang chờ đón mình. Và như vậy sẽ có nguy cơ đánh mất toàn bộ ý nghĩa của sự tồn tại. Trong ý nghĩa này, cuốn tiểu thuyết Sự không biết là câu chuyện về tất cả những ai chối từ quá khứ, đánh mất hiện tại và vô vọng trước tương lai.
Sự không biết (l’ignorance) là một chủ đề của triết học. Có lẽ nó được bắt đầu với câu nói lạ lùng của Socrate giờ đây đã trở nên nổi tiếng: “Tôi chỉ biết một điều, đó là tôi không biết gì cả”. Câu này được diễn giải như sau: Socrate tự nhận mình là người vô học và không hiểu biết, tự nhận là mình không biết gì. Đó là khởi điểm để ông trở thành thông thái. Triết gia là người không biết gì và dám thừa nhận sự thiếu hiểu biết của mình [chúng tôi nhấn mạnh từ “dám”] [3]. Nhờ thái độ dám thừa nhận sự ngu dốt, sự không biết này mà con người đi tới chỗ khám phá rất nhiều bí mật của vũ trụ và của đời sống, con người thu hẹp dần giới hạn của những điều mình không biết, mở rộng biên giới của hiểu biết và phát triển khoa học.
Kant là một trong những người đã phát triển các nghiên cứu về sự không biết. Trong cuốn “Logic học” ông phân biệt hai kiểu không biết: sự không biết bác học (ignorance savante) và sự không biết tầm thường (ignorance vulgaire). Trường hợp thứ nhất thuộc về những người ý thức được những điều mình không biết, chẳng hạn như các nhà khoa học, họ biết rằng họ đã biết những gì và còn chưa biết những gì. Và họ tiếp tục tìm hiểu, khám phá để chinh phục những điều chưa biết. Trường hợp thứ hai thuộc về những người không biết rằng mình không biết, tức là không ý thức được về những điều mình không biết. Tuy nhiên trong bài viết này, chúng tôi không có chủ ý đi sâu vào khoa học về sự không biết. Chúng tôi chỉ muốn đặt tác phẩm của Kundéra trong bối cảnh tư tưởng và văn học phương Tây. Các vở kịch của Molière như “Các bà thông thái” (Les femmes savantes) hay “Trưởng giả học làm sang” (Le bourgois gentilhome) được xem là các tác phẩm văn học đề cập đến chủ đề này. Chúng ta thử xem, với cuốn tiểu thuyết của mình, Kundera còn có thể đóng góp gì vào những suy tư về vấn đề này.
Sự trở về của những người lưu vong là một trong những chủ đề căn bản của cuốn sách, được đánh dấu ngay từ đầu bằng cụm từ viết hoa: Grand Retour (Sự Trở Về Vĩ Đại) với những suy tư về nhân vật Ulysse [4]. Irena và Josef, hai nhân vật chính, được xây dựng như là phiên bản của Ulysse thời hiện đại. Tác phẩm đặt song song những trường đoạn xen kẽ giữa Ulysse và các nhân vật. Họ, cũng như chàng, có hai mươi năm lưu lạc và một Cuộc Trở Về Vĩ Đại. Họ cũng trải nghiệm những bi kịch hồi hương giống như Ulysse. Chính xác hơn thì phải nói rằng bi kịch trở về của họ khiến cho cuộc hồi hương lớn lao của người anh hùng Hy Lạp cũng nhuốm màu ảm đạm, vì câu chuyện về Ulysse được Kundera nhìn nhận lại, đánh giá lại dưới góc nhìn của những người lưu vong đương đại. Ulysse giờ đây mang thân phận hiện đại của kẻ tha hương, với một cuộc trở về bất hạnh. Sự bất hạnh có quan hệ với cái biết và cái không biết.
Cả Ulysse huyền thoại, Josef và Irena của thời đương đại, đều trở về theo tiếng gọi của cái đã biết, và họ muốn biết điều gì xảy ra ở quê hương họ. Kundera diễn giải về cuộc hồi hương của Ulysse: “Ở vương quốc của Calypso Ulysse biết đến một dolce vita thực sự, một cuộc sống dễ chịu, cuộc sống vui vẻ. Nhưng giữa dolce vita ở nước ngoài và cuộc trở về nhà rủi ro, chàng đã chọn trở về. Chàng thích tôn sùng cái đã biết (cuộc trở về) hơn là đam mê thám hiểm cái không biết (cuộc phiêu lưu). Chàng thích cái hữu hạn (vì cuộc trở về chính là sự hòa giải với tính chất hữu hạn của cuộc đời) hơn là cái vô hạn (vì cuộc phiêu lưu không bao giờ có ý định kết thúc)” (12-13). Đối với Ulysse và các nhân vật của Kundera, cuộc trở về gắn với bất hạnh, vì ý muốn biết của họ đụng độ với ý muốn không biết, với sự không biết của người khác và của cả chính họ.
Sự trở về, nỗi luyến nhớ quê hương (nostalgie), ký ức, sự biết và sự không biết, có thể xem đấy là những từ khóa của tác phẩm, đương nhiên là chúng có liên quan chặt chẽ với nhau[5]. Ở đây, như đã nói, chúng tôi đặc biệt tập trung làm sáng tỏ một phương diện: sự không biết.
Không muốn biết
Trong tác phẩm về sự không biết này, các nhân vật lên đường về nhà, mang trong mình “niềm ngây ngất dành cho cái đã biết” và muốn biết về những gì đã xảy ra với quê hương, sẽ nhanh chóng đụng phải một thực tế: ở đó người ta không muốn biết gì về họ. Từ trong sử thi, Ulysse đã gặp phải bi kịch đó. Trở về nhà, Ulysse hiểu rằng những gì tốt đẹp nhất của cuộc đời chàng thuộc về hai mươi năm lưu lạc, chàng chỉ có thể tìm lại quãng thời gian đó bằng cách nói về nó, kể về nó, nhưng “không ai có ý định nói với chàng: kể đi” (43), người dân Itact, khác với người dân Phéacie, không muốn biết đến quá khứ của chàng, không muốn biết đến cuộc phiêu lưu và những gì đã đến với chàng.
Irena và Josef cũng ở trong hoàn cảnh tương tự. Khi đón mẹ sang Paris chơi, Irena đã gặp phải chính nỗi đau này. Irena gặp lại mẹ sau hai mươi năm và có cảm giác chưa hề có gì thay đổi. Bất chấp quãng thời gian xa cách, bất chấp sự trưởng thành của cô, bất chấp sự già đi của bà mẹ, bản chất mối quan hệ giữa họ không thay đổi: một quan hệ giữa kẻ áp chế (bà mẹ) và kẻ bị áp chế (Irena).
Bà mẹ không quan tâm đến Paris. Đứng trước những bức tranh của Picasso, bà nói đến những tranh của một người họa sĩ Séc, bạn bà; đứng trước tượng của Rodin, bà bình luận về bức tượng David của Michel-Ange ở Florence. Đến mức Irena không chịu nổi phải gào lên hỏi tại sao lại như thế. Và người kể chuyện cũng đặt câu hỏi: “Tại sao Michel-Ange, mà bà đã từng xem cùng một nhóm du khách Séc, lại thu hút sự chú ý của bà hơn là Rodin? Và tại sao, suốt cả năm ngày đó, bà không hỏi cô câu nào. Không một câu hỏi nào về cuộc sống của cô, cũng không câu hỏi nào về nước Pháp, về nghệ thuật bếp núc, về văn chương, về pho mát, rượu vang, chính trị, sân khấu, điện ảnh, ô tô, nghệ sĩ piano, nghệ sĩ violon, hay các cầu thủ bóng đá của Pháp? Thay vì vậy, bà không ngừng nói về Praha…” (26) Bà không muốn biết gì về Paris, tức là không muốn biết những gì thuộc về cuộc sống của con gái bà. Bằng cách đó bà áp chế Irena. Và người kể chuyện cho độc giả thấy đó không phải là sự áp chế thuộc dạng vô thức. Bà mẹ đầy ý thức khi tạo ra một mối quan hệ như vậy, bà cố tình duy trì nó, nó giúp bà cảm nhận sức mạnh của mình, nó giúp bà cảm thấy mình trẻ lại. “Khi thấy con gái ở bên cạnh, bị áp chế và bị hạ thấp, bà kéo dài hết mức có thể những khoảnh khắc lúc bà chiếm ưu thế.” (28) Và với Irena, đúng như bà mong muốn, sự hiện diện của bà mẹ luôn khiến cô “cảm thấy mình xấu xí hơn và kém thông minh hơn” (28). Ở đây ta có một lý giải của tác giả, từ góc độ tâm lý, về việc tại sao người ta thích áp chế người khác, một lý giải về những khoái cảm được kích thích từ việc áp chế người khác, hạ thấp người khác.
Rồi khi trở về Praha, Irena mời những người bạn cũ ăn trưa để nối lại những mối dây thân thuộc, để họ có thể cùng tâm tình. Và rốt cuộc là cô đã không thể mở miệng nổi. Chỉ có họ tâm tình mà thôi. Cũng giống như bà mẹ, các bạn cô nói liên tục và không để cho cô kể bất kỳ điều gì về cuộc sống của cô. Rốt cuộc là hai mươi năm đời cô trôi qua ở nước ngoài, cũng giống những chai rượu vang cô mang từ Pháp xa xôi về để mời họ, bị gạt sang một bên. Cô tha hồ nghe họ nói về quá khứ của họ, và tha hồ im lặng. Vấn đề là ở chỗ, trước khi mời cơm họ, Irena đứng trước hai khả năng: hoặc là họ chấp nhận cô như chính cô với toàn bộ nghiệm sinh của hai mươi năm lưu lạc, hoặc là cô sẽ trở lại là một người trong số họ, là người của họ. Để trở về với họ, cô phải quên đi tất cả những gì thuộc về quãng đời trước kia của mình. Và bữa cơm là một hoạt cảnh tuyệt diệu để những người bạn Irena biểu hiện sức mạnh và sự tước đoạt của họ đối với cô. Irena, cũng như chàng Ulysse xưa kia, chờ đợi cái từ đó: “kể đi”, cái từ không bao giờ được thốt ra với họ. “Kể” là cách duy nhất để nối liền cái quá khứ lưu vong của họ và cái hiện tại hồi hương, là cách duy nhất để họ còn có thể tiếp tục những gì họ đã từng có trước đó. Nhưng cây cầu nối ấy hoàn toàn bị triệt tiêu. Không ai muốn biết đến cuộc đời lưu vong của Irena. Điều mà họ muốn biết là cô còn nhớ gì về quá khứ chung mà cô có với bọn họ thời trẻ khi cô chưa ra đi. Tất nhiên rồi, bằng cách đó họ sẽ sáp nhập cô vào với họ một lần nữa. Irena chống lại ý muốn đó, cô không thể ở lại. Cô sẽ quay về Pháp [6].
Chỉ có duy nhất Milada hiểu tâm trạng cô, duy nhất Milada nghe cô nói, nghe cô kể. Nhưng bà khuyên cô rằng chẳng nghĩa lý gì khi kể lại cho những người bạn quá khứ lưu vong của cô khi mà “ai cũng muốn chứng tỏ là mình đau khổ nhiều hơn người khác dưới chế độ cũ. Mọi người đều muốn được nhìn nhận như là nạn nhân.” (50) Vì thế họ không muốn biết những gì đã xảy ra với Irena, không muốn biết gì về cái thế giới trong đó Irena đã sống, một thế giới đương nhiên rất khác với thế giới của họ. Không muốn biết tức là không có sự tò mò đối với cái khác biệt, không chấp nhận sự tồn tại của những cái khác biệt. Cứ như thể trên đời này không có cái gì khác hơn ngoài thực tại của chính mình.
Không biết quá khứ
Không biết quá khứ biểu hiện trên hai phương diện: sợ hãi quá khứ và chối bỏ quá khứ.
Irena và tất cả những người lưu vong khác đều có chung một cơn ác mộng: bị săn đuổi bởi những cảnh sát cầm vũ khí và bị bao vây bởi những người đồng hương tươi cười lịch sự trên tay cầm một thứ đặc sản của đất nước họ. Giấc mơ đó trở thành một thứ “tài sản chung” của những người nhập cư, hay nói cách khác gần như trở thành một thứ vô thức tập thể của nhóm người đó. Irena sợ quá khứ tới mức mà cô đã không thể chịu nổi cái bộ váy cô mua ở Praha vào ngày đầu tiên cô trở về thăm Tổ quốc. Do sự thay đổi đột ngột của khí hậu, Irena đã không chuẩn bị quần áo mùa hè, nên cô phải mua một bộ váy trong một cửa hiệu. Khi mặc nó vào cô đã vô cùng sợ hãi vì cô không còn là cô nữa mà “là một người khác, hoặc, khi tự ngắm mình lâu hơn trong cái váy mới, đó là cô nhưng đang sống trong một cuộc đời khác, cuộc đời lẽ ra đã là của cô nếu cô ở lại đất nước này.” (39) Cô sợ hãi vì “cô thấy mình bị giam cầm trong một cuộc đời mà cô không muốn và cô sẽ không thể thoát ra được.” (40)
Kundera đặt Irena vào cái tình huống khiến cho cô có thể nhìn thấy rõ những khả năng của đời cô, nó có thể đi theo hai hướng. Cô đã từ bỏ một hướng để lựa chọn hướng khác, và giờ đây bộ váy đã cho cô hiểu rằng cô đã có thể thành ra một người như thế nào, cuộc đời cô đã có thể thành ra như thế nào. Cái váy trở thành cơn ác mộng giữa ban ngày, nó săn đuổi cô từ quá khứ và hình như chưa bao giờ biến mất. Nỗi sợ đó, những người nhập cư như Irena đều phải trải nghiệm.
Nỗi sợ hãi khiến người ta không muốn biết gì về quá khứ nữa.
Và rồi quá khứ bị chối bỏ. Josef chối từ quá khứ, chối từ cái phần đã tạo nên anh trong những năm tháng của tuổi thơ và tuổi hoa niên, chối từ gia đình, và cuối cùng, chối từ Tổ quốc. Anh thờ ơ ném tất cả các kỷ vật của tuổi thơ vào sọt rác, cả kỷ vật tặng mẹ anh, không thương tiếc, không cảm xúc. “Người mắc bệnh không có khả năng luyến nhớ” (87). Hoặc là Josef có một “thứ trí nhớ khổ dâm”. Anh bị người kể chuyện gọi là một “bệnh nhân đau đớn vì sự biến dạng khổ dâm của trí nhớ” (87). Josef chỉ có thể nhớ những gì tồi tệ trong quá khứ. Anh có cảm giác là ký ức bôi bẩn mình, nó không cho phép anh yêu nó. Lý do để Josef bỏ ra nước ngoài là anh không chấp nhận được, không chịu đựng được cảnh đất nước anh “bị chế ngự, bị làm nhục” (89) sau khi quân đội Nga đổ vào, năm 1968. Anh không thể vừa chịu đựng sự nhục nhã đó mà vẫn yêu quý bản thân mình. Nghĩa là anh sẽ căm ghét bản thân nếu ngồi giương mắt nhìn đất nước bị làm nhục. Rồi anh ra đi, và sự ra đi của anh sẽ không được những người ở lại tha thứ, anh biết như vậy. Hành động xé bỏ cuốn nhật ký có thể xem như là một cách để giết chết những gì còn sót lại từ quá khứ, vứt bỏ các dấu vết của quá khứ, đề phòng có lúc nó sẽ trỗi dậy, một sự khước từ triệt để. Sự chối từ quá khứ cho phép anh rơi vào trạng thái quên lãng, để có thể thoát khỏi áp lực của kỷ niệm.
Không biết hiện tại
Trong tác phẩm có một nhân vật chỉ sống với quá khứ, đó là Milada, người đã từng bị Josef - mối tình đầu của cô - bỏ rơi. Ở tuổi hoa niên, tràn trề thất vọng vì bị phụ bạc, cô đã thử tự tử và bị mất một tai nên suốt đời chỉ để mỗi một kiểu tóc duy nhất nhằm che cái phần bị mất ấy. Milada bị ám ảnh bởi quá khứ và luôn sống trong nỗi ám ảnh có tên là luyến nhớ ấy. Với nhân vật này, những gì xảy ra trong hiện tại đều mang hình bóng của quá khứ, đều bị xâm lấn bởi quá khứ: cái hôn đầu tiên của người yêu mới xảy ra đúng tại địa điểm nơi người yêu cũ hôn cô lần đầu; người yêu mới có một cái áo vest màu xanh và người yêu cũ cũng có một cái vest xanh như vậy; và kỳ lạ là người yêu mới cũng nói những điều tương tự như người yêu cũ (85). Dường như cuộc sống chỉ lặp lại những gì đã diễn ra trong quá khứ, dường như nhân vật chỉ sống với những ngày tháng cũ. Hiện tại đối với Milada là một hiện tại “bị khuất phục, bị cầm tù, bị chiếm đoạt bởi quá khứ” (91). Và quá khứ đối với cô có một quyền lực kinh khủng, cái thứ quyền lực lôi tuột cô về phía nó. Hiện tại của Milada chỉ là một sự kéo dài của quá khứ.
Theo một cách nào đó thì Josef cũng là người không biết đến hiện tại. Josef không biết Irena là ai, không biết cô bé con riêng của vợ cũ vì sao muốn gặp mình. Anh than phiền rằng giờ đây con người không còn quan tâm đến nhau, không ai muốn biết anh đã trải qua những gì. Josef trách cứ người thân không muốn biết gì về cuộc sống của anh. Nhưng anh đối với họ cũng như vậy, anh cũng không thoát khỏi điều đó. Anh không chắc là anh trai mình còn làm ở bệnh viện không, không biết anh mình đã trải qua những gì cho đến tận hôm đó. Những người anh em gặp mặt nhau nhưng lúc nào cũng ở trong hai thế giới hoàn toàn khác nhau, họ mang cả hai thế giới ấy vào trong từng khoảnh khắc của cuộc gặp gỡ, và cái không gian chung nơi họ gặp nhau nứt toác, đổ vỡ không có cách gì hàn gắn. Giữa hai anh em là cả khoảng trống mênh mông của sự không biết, người này không biết gì về người kia, không biết gì về các cảm xúc, cảm giác của người kia, không biết gì về mong muốn của người kia.
Irena cũng ở trong tình trạng tương tự. Cô không hiểu rõ hiện tại của mình. Cô không biết rằng cô đã mất Gustav, người đang chung sống với cô, vào tay bà mẹ đẻ. Và cô ngộ nhận về Josef. Kỷ niệm về cuộc gặp gỡ chớp nhoáng trong quá khứ được Irena nâng niu gìn giữ trong suốt những năm tháng lưu vong, như đã gìn giữ cái gạt tàn thuốc lá mà Josef đã đánh cắp trong quán bar để tặng cô. Và cô cấp cho cuộc tái ngộ vào ngày trở về một huyễn tưởng đẹp đẽ: “Cô có cảm giác là chuyện tình của họ, được bắt đầu hai mươi năm trước, được hoãn lại chỉ để đợi thời điểm cả hai cùng tự do” (115). Cô đã cấp cho câu chuyện của họ một ý nghĩa chỉ có trong tưởng tượng, cô không hề nắm bắt được thực tại của mình. Để rồi tràn trề thất vọng khi phát hiện ra rằng Josef không nhớ gì hết, rằng cô chẳng có ý nghĩa gì với anh hết, cái quá khứ rất quan trọng đối với cô thì đối với anh chỉ là một khoảng trống mà thôi. Cả tên cô anh cũng không biết. Đối với anh cô hoàn toàn xa lạ.
Các nhân vật được đặt vào những cảnh trạng nghịch lý như vậy: Josef không còn biết quá khứ liên quan đến Irena, và Irena không biết thực chất Josef của hiện tại là như thế nào. Irena đặt cược rất nhiều vào cuộc tình với Josef. Cô muốn một tình yêu đích thực, một cuộc phiêu lưu đích thực. Bởi tình cảm với những người đàn ông mà cô có trong đời luôn gắn với lòng biết ơn. “Điều mà từ nay cô muốn có, đó là tình yêu không một chút biết ơn. Và cô biết rằng cần phải trả giá cho một tình yêu như thế bằng một hành động táo tợn và liều lĩnh. Bởi vì trong cuộc sống tình cảm của mình, cô chưa bao giờ táo tợn, thậm chí cô còn chưa biết điều đó có nghĩa là gì.” (158) Và cô đã thử táo tợn liều lĩnh để rồi nhận thấy rằng điều đó chỉ là vô ích mà thôi. Có quá nhiều khoảng tối của hiện tại mà Irena không biết tới.
Không biết tương lai
Milada không chỉ biến hiện tại thành quá khứ. Vì quá trình hiện tại hóa quá khứ ấy không bao giờ chấm dứt nên quá khứ đó sẽ trải dài tới tận tương lai. Không có bất kỳ một thay đổi nào, không có bất kỳ một điều mới mẻ nào, giống như mái tóc chỉ để mỗi một kiểu suốt từ thời thiếu nữ. Không một cơ hội nào cho tương lai. Đời sống của Milada khiến tương lai trở thành vô vọng.
Còn Irena, cô lầm tưởng Josef là tương lai của mình. Có thể cô có lý riêng: hai người đều có cảnh ngộ giống nhau, cùng có những tình cảm yêu mến trong quá khứ, đều có những cảm nhận giống nhau về cuộc trở về, và đều tự do. Irena ngộ nhận khi, ở lần gặp lại đầu tiên tại sân bay, nghe Josef tuyên bố rằng anh tuyệt đối tự do. Cô tưởng rằng đấy là điều kiện đủ để hình thành một tương lai. Và rồi họ có một quan hệ tình dục hòa hợp, người này thỏa mãn người kia. Vậy mà như thế vẫn chưa đủ để có một tương lai. Josef đã đẩy Irena vào tình trạng tuyệt vọng. Anh đã làm nhục cô bằng việc không nhận ra cô, và anh hủy hoại cô bằng việc chối từ đồng hành cùng cô vào tương lai. Tác phẩm kết thúc bằng cảnh Josef bỏ đi để lại Irena trần truồng đơn độc trong khách sạn đang lạc sâu vào một giấc ngủ tuyệt vọng. Trong nỗi tuyệt vọng ấy cô cũng không hề hay biết rằng, người tình Gustaf của cô đang cùng bà mẹ xây dựng một tương lai mới. Cô nằm đó, trong khách sạn, đắm chìm trong tình trạng không biết.
Còn Josef thì sao? Cùng với Irena, anh “có một cơ hội, chắc chắn là cơ hội cuối cùng, được có ích, được giúp một ai đó và, giữa đám đông những kẻ xa lạ dày đặc trên hành tinh này, tìm thấy một người chị em gái” (205). Nhưng anh đã chối bỏ cơ hội cuối cùng đó, chối bỏ người phụ nữ đã tin tưởng rằng anh là tương lai của cô. Có thể Josef có một tương lai, đó là ở bên cạnh vợ mình. Có một câu trong tác phẩm diễn đạt điều này: “khi cô đã ở trong nấm mồ của hai người (nấm mồ dành cho hai người, giống như một xe ngựa dành cho hai người) anh thoáng nhận thấy […] một tia sáng mong manh của hạnh phúc. Hạnh phúc vì đã không làm cho người yêu dấu thất vọng; vì đã đảm bảo được tương lai, cho nàng và cho chính mình.” (134-135) Một tương lai nằm dưới mộ.
Nhưng tương lai đó là một tương lai chung cho tất cả mọi người. Cái mà ta cần là biết được điều gì sẽ diễn ra trên hành trình dẫn tới nó, dẫn tới nấm mồ của mỗi chúng ta.
Như vậy có thể thấy cuốn sách trình bày quan niệm mang tính bản thể học của Kundera về sự không biết, Kundera xem sự không biết như là một yếu tố nằm trong cấu trúc của bản thể. Con người cần có ý thức về nó để nhận thức được sự tồn tại của mình, để nhận thức được ý nghĩa của tồn tại, để nhận thức được quá khứ, hiện tại và tương lai của mình.
TP HCM, 6/1/2011
Nguồn: https://www.tiasang.com.vn/Default.aspx?tabid=115&CategoryID=41&News=3806
[1] Milan Kundera, Tiểu luận, Nguyên Ngọc dịch, NXB Văn hóa thông tin & Trung tâm văn hóa Đông Tây, 2001, tr. 11.
[2] L’ignorance, Milan Kundera, Gallimard, collection Folio, 2005, tr.165. Trích đoạn này được chọn để in ở bìa bốn, như là tóm tắt của tác phẩm. Kể từ đây, các đoạn trích từ cuốn sách này sẽ có chú thích về số trang để trong ngoặc kép, chúng tôi dịch từ nguyên bản tiếng Pháp.
[3] Tham khảo tài liệu “La sagesse et l’ignorance”, https://sergecar.perso.neuf.fr/cours/sagesse_ignorance.htm
[4] Nhân vật nổi tiếng trong thần thoại và sử thi Hy Lạp và đã trở thành một mẫu gốc của văn học nghệ thuật phương Tây.
[5] Kundera đã chiết tự từ nostos (sự trở về) trong tiếng Hy Lạp để nói rằng “nỗi luyến nhớ quê hương là nỗi đau đớn sinh ra từ việc mong muốn trở về không được thỏa mãn” (9), và rằng “Được soi sáng bởi từ nguyên học, nỗi luyến nhớ xuất hiện như là sự đau khổ vì không biết. Em ở xa và tôi không biết bây giờ em như thế nào. Đất nước tôi ở xa và tôi không biết điều gì đang diễn ra ở đó.”
[6] Giữa Ulysse và những người lưu vong hiện đại như Irena hay Josef có một sự khác biệt quan trọng: Ulysse lưu lạc trên con đường trở về, một sự lưu lạc mà chàng không lựa chọn, mang tính ngẫu nhiên. Lưu lạc chỉ là một giai đoạn của hành trình trở về. Ulysse chỉ có một mục đích duy nhất: tìm về Itact, quê hương chàng. Và sự lưu lạc của chàng chỉ là vấn đề riêng của chàng, không liên quan gì đến Itact. Hoặc có liên quan nhưng theo kiểu: sự vắng mặt của chàng khiến cho hòn đảo quê hương lâm nguy. Chính là chàng trở về để giải quyết các vấn đề của nó. Còn Irena và Josef buộc phải từ bỏ quê hương, trong suốt quãng đời lưu vong họ không nghĩ tới chuyện trở về, cho đến khi có những thay đổi căn bản trên quê hương họ. Cuộc lưu đày của họ gắn liền với số phận và biến cố của đất nước họ, họ lưu đày vì đất nước họ lâm nguy, và họ trở về khi nó đã bình an, khi nó đã tự tìm lại được chính nó sau cuộc cách mạng. Kundera gọi biến cố 1989 ở châu Âu là một cuộc cách mạng, ông đặt nó trong đối sánh với cuộc cách mạng 1789. Nỗi luyến nhớ của Ulysse và con người lưu vong hiện đại, vì thế, vừa giống vừa không giống nhau. Ulysse trở về và tìm lại được cảm giác thân thuộc từ mọi vật xung quanh: vũng biển, ngọn núi, cây ô liu, cả cái giường đặc biệt của vợ chồng chàng. Còn Irena và Josef đều có chung một cảm giác: họ trở nên xa lạ với chính quê hương mình, họ trở thành người ngoại quốc ngay trong nhà mình, họ trở về là để lại ra đi, để tìm kiếm cuộc đời của chính họ. Họ là những kẻ lưu vong vĩnh viễn.