Khói bếp không tan
Càng trôi qua bao tháng ngày càng thấm sâu từng thớ thịt làn da trong thân thể của mình. Cái mà tôi mang theo ấy! Lạ thay – đó là mùi bếp núc của má.
Sau mấy mươi năm xa cách, tôi trở về thăm cha mẹ. Không phải thăm lại tuổi thơ bên sông quê Gành Hào. Nơi ấy có bao buồn vui biến động để cho tôi mang theo trên đường đời thuở tuổi mười lăm, bắt đầu cuộc phiêu liêu đầy may mắn, luôn gợi nhớ quê nhà nơi cha mẹ sinh tôi. Càng trôi qua bao tháng ngày càng thấm sâu từng thớ thịt làn da trong thân thể của mình. Cái mà tôi mang theo ấy! Lạ thay - đó là cái mùi bếp núc của má. Cái mùi của người đàn bà đảm đang quán xuyến. Mùi của mẹ từ trong thơm tho mà má tôi - như một dược sĩ tài ba của rau đồng, cái ruộng, của tôm tép trên bến sông quê, của rùa rắn, cua ốc, của dưa bắp má trồng hái vô còn vướng vít mùi đất nồng, mốc thích phấn trắng bắp chuối non, lún phún lông tơ bầu bí cuống tươi xanh.
Nhưng chinh chiến đã rượt đuổi cái bếp của má chạy giặc hoài. Chạy riết lên tới Sài Gòn, chui vô một ngõ hẻm, mà từ mặt đường bước xuống cái số "sự" đổi mới, hình như xoáy ốc loanh quanh, đang ứ đọng tiếng ứ hự ray rứt nỗi thăng trầm "lửa khói" từ tay má nhóm bếp một đời.
Không phải là mùi lửa của lá dừa cháy hỏa hào để nướng bánh phồng, càng không phải cái mùi sủi bọt nhựa hăng hắc, hừng hực của mùi trâm bầu, nóng hơn than đước đến nỗi mà nghe em tôi nằm trong bụng má kêu nóng quá má ơi, nó còn gò bên này, thụi bên kia, nhưng mà phải hầm khổ qua dồn thịt, má phải liu riu kho tàu, nước thịt, nước dừa tươi, nước mắm Hòn trong veo màu hổ phách, hay nồi giò heo hầm được "đặc cách", chỉ chạy ra sau hè xắn một mụt măng mạnh tong, thì chao ôi! Cái mùi, cái sức hấp dẫn của thực đơn cúng cơm ông bà, làm cho ai ai cũng chỉ biết ngậm mà nghe!
Còn có bếp có cái tên rất đẹp là bếp Hoàng Cầm, lại có bếp có cái tên thật tội nghiệp là "bếp lang thang" đi tìm hoài mùi khói bếp của má. Ảnh: nguoihoian. info
... Nhưng, giờ đây má tôi đang đứng bên cái bếp dầu lửa, gió con hẻm nhỏ luôn nhiều chuyện, lén lút chui qua các khe cửa gỗ mục, làm cho mấy cái lưỡi lửa le ra liếm đít nồi, kêu khè khè, ông táo lắc lư trên cái giàn bếp xiêu vẹo lúc nào cũng chực té ngã, đổ ụp.
Má tôi vẫn đứng bên bếp lửa do mình nhóm lên. Và, chảo thịt ram, bì, da, thính, tỏi cứ mặc sức trổ tài nghệ, mấy cái thố dưa đầu heo cứ sẵn sàng giòn tan như từ thuở...
Và, những đứa con tụ về từ các nẻo chiến chinh vẫn ôm chầm cái áo túi kiểu bà già Nam bộ may bằng vải batít trắng, biết mồ hôi dính khắn trên ngực vú vung; chỗ của chúng tôi chui vào rúc rỉa, chép miệng nuốt ực phủ phê cho tới ngày đủ lông đủ cánh... thành cá nước chim trời, để rồi mang cái bếp núc của má đi khắp muôn phương, lúc thì bày bố những món ngon miệng cho cuộc hành trình từ cái bếp núc thân thương của má, bằng sự lặp lại mùi bắp nướng trong khe đá chiều mưa, thay vì chờ má rế cơm, bớt lửa cà ràng, tụi tôi chạy ra vườn hái bắp má trồng vô nướng thành cái mùi bếp cà ràng, củi trâm bầu của má. Rồi có những lúc cái bếp thời huy hoàng kia! Cái bếp có bốn chân bằng cây tràm giống như gian hàng, nhưng được nện đất sét, cầu kỳ lót lên bằng gạch tàu đỏ au, má đặt lên bếp đủ cỡ cà ràng, ông táo, còn ưu tiên ông táo nhỏ nhỏ, dành để bắc lên cái ơ kho quẹt, không thể nào thiếu được. Hai bên bếp, thợ mộc đóng cho má hai cái mép phụ để giắt dao, để nắp xoong. Rồi chạn để chén bát, tủ lưới để đồ ăn; bộ nhấc nồi, quạt tàu cau... Nói theo bây giờ là trận địa, là sàn diễn, là cuộc sống, là gia cang của má, từ hừng đông cho tới chiều tối, từ ngày này cho tới ngày khác, má chỉ nhóm bếp làm lửa khói của mình. Cái lửa khói không phải chiến tranh mà là lửa khói của bếp ngon gia đình.
Có những tháng ngày dài, cái bếp không tan khói của má, chúng tôi dời dạt khắp nơi, học má, chúng tôi làm dược sĩ pha chế lá bép trên rừng Trường Sơn, đổi lấy chân cứng đá mềm; học má chúng tôi đóng hai đầu nạng giàng thun rồi gác cây trên hănggô tòn teng, hứng chí hát hò với mùi bông điên điển nấu với cá tràu bắt trong bọng cây, lấy trái giác leo dây trên cây bằng lănglàm chất chua, rồi ngồi tựa bìa rừng hít thở mùi của má! Phưởng phất, lởn vởn, quấn quít hơi hướm mùi canh lòng gà nấu rau húng cây, đó là món bà nội thích; mùi hầm vỉ chưng bằng khô cá mặn bằm chung với thịt heo, có tròng đỏ phết lên mặt, đó là món ba thích, món cá trê vàng hay cá rô mề ướp muối chiên giòn, đó là món cho hai đứa con không ăn nước mắm, được ngồi riêng một góc... cho nên, dù chiến tranh, mỗi lần má lén bọn giặc đi thăm đứa nào thì má làm món đó, tép rang gởi rừng U Minh, tôm càng kho tàu gởi lên Sài Gòn...
Cho nên, khi quãng đời làm "chị nuôi"cũng vậy, bắt chước má, tuy làm dâu trăm họ mắm muối rau rừng, đọt vừng, đọt choại, tôi thường nhớ má. Sao mà má tạo được cái mùi dậy tình đời, tình người, để ai ăn tôi nấu, cũng chép miệng khen ngon: nào là dế mèn kho tiêu, cào cào lăn bột chiên, nấm mối nấu cháo, rắn chàm oạp bằm làm như bánh xèo...
Má ơi! Ngày xưa giặc đuổi cái bếp má chạy tản cư tuốt lên Sài Gòn, cho tới ngày gặp má, má gói cái bếp dầu hôi và cái ơ kho quẹt tặng con làm gia tài... Lúc đó, con muốn khoe má, con cũng có những cái bếp để nhóm lửa cho riêng mình, giống một đời bếp núc của má, tuy không kịp nữa rồi; nhưng con sẽ vẫn kể má nghe về những cái bếp treo lơ lửng giữa trời, những cái bếp ẩn sâu trong lòng đất, những bếp rừng, bếp núi, bếp mạt cưa, bếp trấu, bếp rơm, bếp lá khô, bếp giấy... Còn có bếp có cái tên rất đẹp là bếp Hoàng Cầm, lại có bếp có cái tên thật tội nghiệp là "bếp lang thang" đi tìm hoài mùi khói bếp của má, đó là mùi nưới hoa tình mẫu tử luôn đẫm trước vạt áo túi của bà già Nam bộ, có mồ hôi pha sữa mẹ, có thơm - tho - thèm - nhớ khắp nẻo đời mình.
ST