Bút Nghiên
ButNghien.com
- Xu
- 552
Khoa học trở thành lực lượng sản xuất trực tiếp
Khoa học vốn là sản phẩm của tư duy, của trí tuệ. Nếu không thông qua hoạt động của người lao động (công nhân, nông dân, tầng lớp trí thức…), mà chỉ tự bản thân nó thôi, thì như Mác nói khoa học không thể biến thành cái gì cả, không thể sinh ra tác động tích cực hay tiêu cực.
Từ những năm 70 và 80 của thế kỷ trước, trong giới triết học và lý luận chính trị - xã hội ở Liên Xô đã xuất hiện nhiều ý kiến cho rằng, khoa học đang biến thành lực lượng sản xuất trực tiếp. Ở Việt Nam, trong những năm gần đây, cũng dã có khá nhiều cán bộ nghiên cứu, giảng dạy triết học nói riêng, lý luận chính trị nói chung, hoặc là tán thành, tiếp thu, hoặc là có ý kiến không tán thành các ý kiến trên. Xin trích dẫn một số sách báo ở nước ta để giúp những ai có nhu cầu tìm hiểu về vấn đề này:
"Ngày nay, khoa học đang ngày càng trở thành lực lượng sản xuất trực tiếp" (Từ điển triết học giản yếu. Hữu Ngọc chủ biên. Nxb Đại học và Trung học chuyên nghiệp, Hà Nội, 1987, tr.282). "Sự tiến bộ của cách mạng công nghệ lại thúc đẩy khoa học phát triền nhanh hơn nữa và đưa khoa học trở thành lực lượng sản xuất trực tiếp" (TS. Trần Quang Lâm. Tác động của cách mạng khoa học và công nghệ đối với sự ra đời của nền kinh tế tri thức trong thời đại toàn cầu hoá. Tạp chí Sinh hoạt lý luận, Số 6, 2001, tr.37).
"Khoa học thực sự đã trở thành lực lượng sản xuất" (Đan Tâm, Hoà đồng công nhân và trí thức. Tạp chí Khoa học và Tổ quốc, Số 21, 2000, tr.13).
Nhiều tác giả ở Việt Nam còn nói rõ, các nhà kinh điển của chủ nghĩa Mác - Lênin đã dự đoán (dự kiến) rằng khoa học sẽ trở thành lực lượng sản xuất trực tiếp.
Trong bài Kinh tế tri thức - sự phát triển cao của lực lượng sản xuất đăng trên Tạp chí Giáo dục lý luận và chính trị quân sự, Số 1, 2002, tr. 64, TS. Phùng Văn Thiết viết: C. Mác và Ph.Ăngghen "đã dự đoán rằng, khoa học sẽ trở thành lực lượng sản xuất trực tiếp". (Xin được nói thêm: TS. Phùng Văn Thiết viết như trên sau khi dẫn và bình luận hai luận điểm của Ph.Ăngghen in trong C.Mác và Ph.Ăngghen, Toàn tập, T.1, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1995, tr.762, hoàn toàn không nói gì về khoa học trở thành lực lượng sản xuất trực tiếp).
Tác giả chương X bộ Giáo trình triết học Mác – Lênin, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1999, tại trang 437, viết: "C.Mác dự kiến rằng khoa học trở thành "lực lượng sản xuất trực tiếp", trở thành "lực lượng sản xuất độc lập" (nhưng không ghi xuất xứ của những cụm từ này)...
Trong bài Có phải khoa học đang trở thành lực lượng sản xuất trực tiếp đăng trên Tạp chí Triết học, Số 2, 2002, tr.58 - 62, TS. Nguyễn Cảnh Hồ khắng định: "Trong các tác phẩm của C.Mác, chưa thấy chỗ nào đưa ra dự báo nói trên" (tr.58). TS. Nguyễn Cảnh Hồ còn nhấn mạnh: "Việc đưa ra nhận định sai lầm "khoa học đang trở thành lực lượng sản xuất trực tiếp” sẽ gây ra những tác hại... vô tình truyền bá quan điểm duy tâm.... Cũng từ đó, người ta có thêm căn cứ để phủ nhận lý luận về hình thái kinh tế - xã hội của chủ nghĩa Mác" (tr.62).
Như vậy, trong giới nghiên cứu, giảng dạy lý luận ở nước ta đã có nhiều loại ý kiến khác nhau về vai trò, tác động của khoa học trong sản xuất, về quan điểm của C.Mác đối với vấn đề này. Nhưng tựu trung lại, có ba loại ý kiến cơ bản: 1) khẳng định khoa học đã trở thành lực lượng sản xuất trực tiếp, 2) nhận định khoa học đang trở thành lực lượng sản xuất trực tiếp và cho rằng C.Mác đã dự báo điều này, 3) phản bác lại nhận định khoa học đang trở thành lực lượng sản xuất trực tiếp và cho rằng C.Mác không dự báo như vậy.
Trong các tác phẩm của C.Mác và Ph. Ăngghen đã được dịch ra tiếng Việt rõ ràng là các ông có khẳng định rằng, tri thức (khoa học) đã trở thành lực lượng sản xuất trực tiếp. Cụ thể, trong Phê phán khoa kinh tế chính trị, bản sơ thảo đầu tiên của bộ Tư bản, dược viết trong những năm 1807 - 1858, C.Mác đã nhấn mạnh: "Sự phát triển của tư bản cố định là chỉ số cho thấy tri thức xã hội phổ biến [Wissen knowledg] đã chuyển hoá đến mức độ nào thành lực lượng sản xuất trực tiếp do đó nó cũng là chỉ số cho thấy những điều kiện của chính quá trình sống của xã hội đã phục tùng đến mức độ nào sự kiểm soát của trí tuệ phổ biến và đã được cải tạo đến mức độ nào cho phù hợp với quá trình ấy, những lực lượng sản xuất xã hội đã được tạo ra đến mức độ nào không những dưới hình thức tri thức, mà cả như là những cơ quan thực hành xã hội trực tiếp, những cơ quan trực tiếp của quá trình sống hiện thực".
Như vậy, theo quan điểm của C.Mác, tri thức (khoa học) đã làm cho tư bản cố định (nhà máy, máy móc, công cụ… được dùng trong sản xuất) chuyển hoá đến mức độ nhất định nào đó thì trở thành lực lượng sản xuất trực tiếp. Do đó theo chúng tôi, ý kiến cho rằng C.Mác dự báo (dự kiến, dự đoán) khoa học trở thành lực lượng sản xuất trực tiếp là không chính xác, không đúng với quan điểm của chủ nghĩa duy vật lịch sử, còn ý kiến cho rằng, ngày nay khoa học đang ngày càng trở thành lực lượng sản xuất trực tiếp là đúng với tinh thần, tư tưởng của Mác. Bởi tri thức khoa học khi được con người ứng dụng, sử dụng trong sản xuất, được "chuyển hoá" , vật chất hoá thành máy móc, công cụ sản xuất thì nó trở thành lực lượng sản xuất. Ngày nay, khi mà quá trình ứng dụng khoa học vào sản xuất diễn ra một cách mau chóng, kịp thời thì rõ ràng là khoa học đang trở thành lực lượng sản xuất trực tiếp. Nói Mác không dự báo khoa học trở thành lực lượng sản xuất trực tiếp là đúng vì như trên đã dẫn chứng, điều đó đã được Mác khẳng định, chứ không phải mới chỉ được ông dự báo. Và như vậy, ý kiến cho rằng, nếu nhận định khoa học đang trở thành lực lượng sản xuất trực tiếp sẽ gây ra những tác hại, là không có sức thuyết phục. Rõ ràng, ngày nay khoa học ngày càng đóng vai trò to lớn trong nền sản xuất xã hội nói riêng, trong đời sống nhân loại nói chung. Nói đúng về một sự thật hiển nhiên về vai trò, tác dụng tích cực, to lớn của khoa học và kỹ thuật (gần đây người ta thường nói và viết là "khoa học công nghệ") thì tại sao lại có chuyện "gây ra những tác hại", "vô tình truyền bá quan điểm duy tâm" như T S. Nguyễn Cảnh Hồ đã nêu trong bài đăng trên Tạp chí Triết học, Số 2, 2002 (?). Nhận đinh khoa học trở thành lực lượng sản xuất trực tiếp là nhận định đúng đắn, dựa trên quan điểm của chủ nghĩa duy vật lịch sử.
Cũng trong bản sơ thảo đầu tiên của bộ Tư bản, C.Mác đã nhiều lần nói đến điều kiện để khoa học trở thành lực lượng sản xuất trực tiếp. C.Mác viết: "Sự phát triển của hệ thống máy móc trên con đường ấy chỉ bắt đầu khi nền đại công nghiệp đã đạt đến một trình độ phát triển cao hơn và tất cả các bộ môn khoa học đều được đưa vào phục vụ tư bản, còn bản thân hệ thống máy móc hiện có thì có những nguồn lực to lớn. Như vậy, phát minh trở thành một nghề đặc biệt, và đối với nghề đó thì việc vận dụng khoa học vào nền sản xuất trực tiếp tự nó trở thành một trong những yếu tố có tính chất quyết định và kích thích". Qua đoạn nghị luận không dài đó, chúng ta thấy, để vận dụng được khoa học vào sản xuất trực tiếp, tức là để khoa học trở thành lực lượng sản xuất trực tiếp thì phải có phát minh, sáng tạo, phải có sự phát triển của hệ thống máy móc. Hơn nữa, C.Mác còn chỉ rõ: "Có một lực lượng sản xuất khác mà tư bản có được không mất khoản chi phí nào, đó là sức mạnh của khoa học... Nhưng tư bản chỉ có thể chiếm hữu được sức mạnh ấy của khoa học bằng cách sử dụng máy móc (phần nào cả trong quá trình hoá học). Sự tăng dân số là một lực lượng sản xuất mà tư bản có được không phải chi phí gì cả... Nhưng vì để có thể được sử dụng trong quá trình sản xuất trực tiếp, bản thân những lực lượng ấy cần đến một bản thể do lao động tạo ra, nghĩa là tồn tại dưới dạng lao động vật hoá". Như vậy, theo C.Mác, khoa học chỉ trở thành lực lượng sản xuất trực tiếp khi tồn tại dưới dạng lao động được vật hoá thành máy móc.
Như thế, chỉ trong bản sơ thảo đầu tiên của bộ tư bản, chúng ta đã thấy nhiều lần Mác bàn về vai trò của khoa học dối với sụ phát triển của lực lượng sản xuất và điều kiện để khoa học trở thành lực lượng sản xuất trực tiếp. C Mác còn bàn luận rất nhiều về bản chất và vai trò của khoa học trong tác phẩm được viết rất công phu, mang tựa đề Các học thuyết về giá trị thặng dư. C Mác viết: "Khoa học trực tiếp làm cơ sở đặc biệt cho nông nghiệp nhiều hơn cho công nghiệp"... Cũng trong tác phẩm trên, C.Mác đã bàn về tác dụng tích cực của khoa học tự nhiên thông qua nhận thức và vận dụng của con người: "Khoa học tự nhiên dạy cho người ta không nhờ vào máy móc, hay chỉ nhờ vào máy móc như trước kia... mà thay thế lao động của con người bằng các lực lượng tự nhiên".
Trong điếu văn đọc tai Lễ an táng C.Mác, Ph.Ăngghen đã khẳng định: "Đối với Mác, khoa học là một động lực lịch sử, một lực lượng cách mạng". Qua đây, chúng ta thấy, Mác đã đề cao vai trò của khoa học trong lịch sử phát triển xã hội loài người. Về bản chất, vai trò của khoa học, Mác còn viết: "Tư bản có tính chất sản xuất... với tư cách là một lực lượng thu hút và chiếm hữu các sức sản xuất của lao động xã hội... và lực lượng sản xuất xả hội chung, như khoa học chẳng hạn. Trong luận điểm này, Mác khẳng định khoa học là một lực lượng trong lực lượng sản xuất.
Như vậy, ngay từ những năm giữa thế kỷ XIX. C.Mác - vị lãnh tụ vĩ đại nhất của nhân dân lao động toàn thế giới, đã khẳng định khoa học có vai trò cực kỳ to lớn đối với sự phát triển của lực lượng sản xuất, và nó trở thành lực lượng sản xuất trực tiếp khi được "chuyển hoá"', ứng dụng ở một mức độ nhất định nào đó.
Những luận điểm nổi tiếng sau đây của C.Mác tiếp tục làm rõ thêm quan điểm của ông về vai trò của tư tưởng, lý luận khoa học. Trong Gia đình thần thánh (tác phẩm viết chung với Ph.Ăngghen), C.Mác đã nói rõ rằng, "tư tưởng căn bản không thể thực hiện được cái gì hết. Muốn thực hiện tư tưởng thì cần có những con người sử dụng lực lượng thực tiễn". Tư tưởng nói ở đây là tư tưởng khoa học. Như vậy, theo C.Mác, tự bản thân khoa học không thể tạo ra bất kỳ một tác động nào, mà phải thông qua sự vận dụng và hoạt động thực tiễn của con người thì nó mới phát sinh tác dụng. Ý tưởng này còn được C.Mác diễn giải trong Lời nói đầu Góp phần phê phán triết học pháp quyền của Hêgen bằng một câu có âm hưởng mạnh mẽ và có sức hấp dẫn, nói cuốn độc giả: "Vũ khí của sự phê phán cố nhiên không thể thay thế được sự phê phán của vũ khí, lực lượng vật chất chỉ có thể bị đánh đổ bằng lực lượng vật chất, nhưng lý luận cũng sẽ trở thành lực lượng vật chất, một khi nó thâm nhập vào quần chúng". Ở đây, "Vũ khí của sự phê phán" và "lý luận" là khoa học, tư tưởng khoa học, lý luận khoa học, còn "sự phê phán của vũ khí” và "lực lượng vật chất" là hoạt động vật chất, hoạt động thực tiễn của con người. Như vậy, C Mác đã giải trình rất rõ răng, lý luận khoa học phải thông qua hoạt động của con người thì mới trở thành lực lượng vật chất.
Khoa học vốn là sản phẩm của tư duy, của trí tuệ. Nếu không thông qua hoạt động của người lao động (công nhân, nông dân, tầng lớp trí thức…), mà chỉ tự bản thân nó thôi, thì như Mác nói khoa học không thể biến thành cái gì cả, không thể sinh ra tác động tích cực hay tiêu cực.
Ngày nay, muốn xây dựng và phát triển kinh tế tri thức với những đặc trưng cơ bản, quan trọng và quyết định nhất hàm lượng khoa học, trí tuệ, chất xám kết tinh rất nhiều ở sản phẩm lao động thì phải ra sức đẩy mạnh công tác nghiên cứu và ứng dụng khoa học vào sản xuất một cách triệt đế hơn, trực tiếp hơn so với các nền kinh tế trước đó.
(Theo Lê Huy Thực-Tạp chí Triết học)