Khi học sinh chán ghét môn văn - Nguyễn Thuý Ái

  • Thread starter Thread starter Tuyền Nguyễn
  • Ngày gửi Ngày gửi
T

Tuyền Nguyễn

Guest
Khi học sinh chán ghét môn văn

View attachment 15455

Bây giờ, giả sử Bộ Giáo dục và đào tạo công bố bỏ thi môn văn trong kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông, liệu các em học sinh lớp 12 sẽ reo mừng và xé bỏ đề cương ôn tập môn này trắng sân trường… như số phận môn sử gần đây?


Ở Việt Nam hiện nay hiếm có nhà văn nào sống được bằng nghề viết văn thuần túy, hàng ngàn hội viên trong hội nhà văn, may ra chỉ có một vài người sống được, khấm khá bằng nghề viết văn. Làm thơ thì càng khó. Đa số, kể cả những nhà văn có chút danh tiếng, may mắn sống bằng nghề có liên quan đến chữ nghĩa như nghề dạy học, viết báo, biên tập. Số còn lại làm đủ các nghề, kể cả được xem như… thất nghiệp. Với dân số cả nước hiện nay gần 100 triệu dân nhưng mỗi đầu sách trung bình chỉ in 1, 2 nghìn cuốn so với trước đây ở miền Nam chỉ hơn 20 triệu dân, mỗi tác phẩm văn chương thường in tới 5 hay 10 nghìn bản. Ở miền Bắc trước đây cũng vậy, những cuốn sách in với giấy xấu nhưng số lượng cũng 5, 10, 20 nghìn hay hơn nữa.

Hiện nay, có nhiều nguyên nhân được đưa ra lý giải cho việc khiến người ta ít đọc sách, như văn hóa nghe nhìn lấn át, internet cuốn hút, khâu phát hành sách kém và thiếu sách hay… Những lý do này cần phải xem lại… Nhưng có một nguyên nhân không thể chối cãi là người ta không còn tha thiết với văn chương nữa, nhất là giới trẻ. Bởi bao nhiêu năm học văn trong nhà trường đã “giúp” họ chán ghét thơ văn rồi và đương nhiên sách văn học cũng bị vạ lây! Vì những cường quốc văn hóa trên thế giới, họ còn có nhiều phương tiện nghe nhìn sớm hơn chúng ta nhưng người ta vẫn đọc sách. Khi thăm thú các nước Âu, Mỹ tôi vẫn thấy bày bán những tác phẩm xuất bản đã lâu lắm rồi, như “Of mice and men” của J.Steinbeck hay tập thơ “Les fleurs du mal” của Bauderlaire… Và khi đến thăm, theo tôi biết, thư viện đồ sộ Martin Luther King ở San Jose, California thấy rất đông các bạn trẻ ngồi yên lặng xem sách. Còn ở khu dành cho thiếu nhi thì quả là một thiên đường sách. Đọc ở đây chưa đủ, các em cùng với ba mẹ khệ nệ vác cả đống sách mượn về nhà đọc. Nhìn cảnh này tôi nhớ có lần ngồi nói chuyện ở một tòa soạn báo với các nhà văn, nhà thơ, nhà báo về chuyện dạy văn trong nhà trường rồi chuyện học sinh hiện nay chán môn văn ra sao.

Một nhà văn, nhà phê bình nổi tiếng của ta thú nhận con mình cũng… dốt môn văn, thế là tất cả cười xòa bảo rằng con họ cũng chẳng thích thú gì môn văn, thậm chí còn… thù ghét môn văn nữa. Dù rằng chúng là “con nhà nòi”, được cha mẹ hun đúc tình yêu văn chương từ tấm bé, chúng cũng chỉ đọc khi cha mẹ ấn vào tay quyển sách họ cho rằng hay, đọc xong chúng cũng có những cảm nhận về cuốn sách ấy khá tinh tế, có những nhận xét sắc sảo nhưng ở trường chúng không thích học văn và… chê thầy cô dạy không hay! Ngay cả các con tôi đứa nào cũng nói “Con thấy học tiếng Anh còn dễ hơn học tiếng Việt!”. Nhiều khi xem những câu hỏi trong bài tập môn văn lớp 7, lớp 8 của con, tôi cũng thấy rằng có lẽ những người soạn sách giáo khoa muốn đào tạo các em thành những nhà nghiên cứu văn học sau này hơn là những người bình thường biết cảm nhận vẻ đẹp của văn chương. Có lần, khi học lớp 12 con nhờ tôi giảng bài “Tùy bút sông Đà” của nhà văn Nguyễn Tuân. Giảng xong nó hỏi lại tôi “Mẹ thấy bài văn này hay không?”. Tôi bảo “Thật ra văn Nguyễn Tuân hay lắm, có dịp con đọc tác phẩm “Chiếc lư đồng mắt cua” hay “Vang bóng một thời” của ông, con mới thấy văn của ông tuyệt vời như thế nào. Ông là một nhà văn lớn…”. Con tôi bỗng la lên “A! Con hiểu rồi, chắc người soạn sách này có mối thù nào đó với Nguyễn Tuân nên lựa một bài văn dở của ông cho học sinh học để tụi con không ai thèm đọc nguyễn Tuân nữa!” Tôi quá bất ngờ trước sự hài hước lẫn độ hiện thực trong câu nói đùa của con.

Tôi chợt thấy mình may mắn hơn, khi còn nhỏ, vào lớp 6, được học một đoạn văn ngắn của nhà văn Tô Hoài, tôi tìm đọc các tác phẩm khác của ông; học một trích đoạn của nhà văn Khái Hưng tôi tìm đọc gần hết sách của Tự Lực văn Đoàn. Nhờ đọc những bài đọc thêm trong sách giảng văn, tôi thuộc nhiều bài thơ dài của Vũ Đình Liên, Đoàn Văn Cừ,... Lên trung học đệ nhị cấp, tức là trung học phổ thông bây giờ tôi may mắn gặp được một người thầy dạy văn nho nhã, uyên bác, đọc nhiều, dạy văn với một tình yêu văn chương sâu sắc. Thầy giới thiệu quyển sách nào là lớp tôi tìm đọc quyển đó... Bạn học tôi, có người dù không giỏi văn, sau này, có theo đuổi những công việc khác nhau nhưng vẫn dành cho văn chương một tình yêu không dễ gì phai nhạt… Một may mắn nữa là hồi đó, thời tôi học trung học, khoảng 1967-1974, cái thị xã Quảng Ngãi nhỏ bé, nghèo nàn của tôi lại có khá nhiều tiệm sách, cả chục tiệm sách lớn nhỏ với nhiều loại sách rất phong phú, kể cả những tác phẩm mới in từ Sài Gòn cũng sớm đưa ra. Những tiệm sách thực sự chứ không phải bán toàn tạp hóa như bây giờ.

Tóm lại, có thể nói, người thầy không thể cho học sinh cái mà họ không có. Nhiều thầy cô dạy văn nhưng không yêu văn chương, có người dạy như một cái máy, khô khan không cảm xúc… Nhưng cũng không thể đổ lỗi hết cho người dạy khi mà môn văn trong sách giáo khoa có quá nhiều vấn đề. Trước hết là ngành giáo dục đã “chính trị hóa” văn chương, bằng cách thông qua môn văn để các em thấy được chế độ và con người XHCN là tốt đẹp nhất trong mọi thời đại một cách khiên cưỡng, thô thiển, thay vì dạy theo một cách khôn ngoan và tinh tế hơn là là nên “văn chương hóa” chính trị, cho các em dễ nuốt. Rồi không chỉ trong nhà trường mà mà những hoạt động văn hóa có tính cộng đồng cũng được chính trị hóa như ngày Hội sách, chủ yếu để quảng bá cho người đọc sách về các nhân vật chính trị, những chiến công, những ưu việt...

Môn văn trong nhà trường không chỉ là một là môn học, đó là ngón tay để chỉ mặt trăng, hướng các em đến chân thiện mỹ… Càng không thể là một công cụ thô thiển phục vụ cho mục đích trước mắt, nhất là khi “những điều trông thấy…” mà ai cũng biết.
Hậu quả của việc dạy văn, học văn lạc hậu, đày đọa cả thầy lẫn trò như thế trong nhà trường nay cũng đã rõ rồi, thiếu chất văn chương nên ca từ trong nhiều ca khúc ngày nay chỉ toàn dùng những ngôn ngữ sáo mòn, thô thiển, nhảm nhí. Không hiếm những kịch bản phim nông cạn, lời thoại tầm thường, có không ít những vở kịch nói với những lời thoại rỗng tuếch, cũ mèm… Học sinh nhiều nơi không chỉ nói với nhau mà còn nói với thầy cô những lời lẽ thô lậu, hỗn láo, một số ca sĩ, người mẫu nói năng phản cảm, vô lễ với người lớn tuổi… Ở một nơi nổi tiếng thanh lịch như …hoa nhài, người ta tranh nhau vặt trụi hoa đào để mang về nhà trong một lễ hội văn hóa mà con cháu Thái Dương Thần Nữ cất công mang từ nghìn dặm sang cho Con Rồng Cháu Tiên thưởng ngoạn… Nhiều bạn trẻ yêu nhau không thành thì tạt acid, thiêu đốt, giết nhau không gớm tay, thay vì biết ơn nhau “Dù đến rồi đi, tôi cũng xin tạ ơn đời, tạ ơn người, ta ơn ai đã cho tôi tình sáng từ trời như sao sáng từ trời ” như một câu hát của TCS…
Văn hóa đọc chi phối nhiều ứng xử trong đời sống lẫn sáng tác của nhiều bộ môn nghệ thuật khác…
 
Sửa lần cuối:

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top