Bút Nghiên
ButNghien.com
- Xu
- 552
Khí hậu với sự phát triển kinh tế - xã hội
Đặc điểm chung của khí hậu nước ta là nhiệt đới - ẩm - gió mùa và có sự phân hoá phức tạp cả về thời gian và không gian.
1. Tính chất nhiệt đới - ẩm - gió mùa
- Tính chất nhiệt đới của khí hậu được qui định bởi vị trí nước ta nằm trong vùng nội chí tuyến Bắc Bán Cầu. Hàng năm nhận được lượng bức xạ mặt trời lớn do Mặt Trời luôn đứng cao trên đường chân trời và ở nơi trong năm đều có 2 lần Mặt Trời qua thiên đỉnh. Tổng lượng bức xạ nhiệt cao (120 - 140 kcal/cm2/năm). Cán cân bức xạ trên 75 kcalo/cm2/năm. Nhiệt độ trung bình năm dao động từ 22 - 270C (tiêu chuẩn của vùng nhiệt đới 210C). Tổng nhiệt độ hoạt động năm 8.000 - 10.0000C. Tổng số giờ nắng trên 1.400 giờ/năm.
- Tính chất ẩm thể hiện ở lượng mưa trung bình/năm 1.500 - 2.000mm (sườn đón gió của nhiều dãy núi lượng mưa lên tới 3.500 - 4.000mm). Độ ẩm không khí luôn luôn ở mức 80% - 100% (trừ một vài vùng khô hạn như Ninh - Bình Thuận lượng mưa thấp ~ 700 - 800mm).
- Tính chất gió mùa: do nằm trong vùng nội chí tuyến BBC nên ở nước ta Tín phong nửa cầu Bắc có thể thổi quanh năm. Tuy nhiên, khí hậu nước ta chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của các khối khí hoạt động theo mùa với 2 mùa gió chính: gió mùa mùa đông và gió mùa mùa hạ. Gió mùa đã lấn át Tín phong, vì vậy Tín phong chỉ hoạt động mạnh vào các thời kì chuyển tiếp giữa 2 mùa gió.
+ Gió mùa mùa Đông: Từ 160B trở ra Bắc: Khối không khí cực đới (NPc) thống trị từ tháng X - IV, phạm vi ảnh hưởng của nó vào đến vĩ độ 160B (Bạch Mã). Nửa đầu mùa Đông (lạnh - khô). Nửa sau mùa đông (lạnh-ẩm). NPc thổi vào nước ta không liên tục mà chỉ từng đợt, ảnh hưởng mạnh ở miền Bắc và hình thành ở đây có một mùa đông lạnh (2 - 3 tháng). Khi di chuyển về P.Nam, khối không khí này bị biến tính và suy yếu dần và dường như kết thúc bởi bức chắn dãy Bạch Mã. Từ vĩ độ 160B trở vào Nam: tín phong TBD Bắc Bán Cầu (Tm) cũng thổi theo hướng Đông Bắc trở nên chiếm ưu thế làm hình thành "gió mùa mùa Đông" ở miền không có mùa đông này, thời tiết thường mát và ẩm.
+ Gió mùa mùa Hạ. Trong mùa này các luồng gió thổi vào lãnh thổ nước ta lại rất phức tạp, đặc biệt là sự chanh chấp trong thời gian chuyển mùa làm cho thời tiết rất thất thường. Có 2 luồng gió cùng hướng tây nam thổi vào: Nửa đầu mùa Hạ, dòng khí từ vịnh Bengan (TBg) thổi vào nước ta theo hướng tây nam, mang nhiều hơi nước gây mưa lớn cho Tây Nguyên và đồng bằng Nam Bộ, sau đó vượt qua dãy Trường Sơn, khối khí trở nên khô nóng tràn xuống vùng đồng bằng ven biển miền Trung và phần phía nam của khu vực Tây Bắc; đôi khi áp thấp Bắc Bộ sụt sâu tạo nên sức hút mạnh làm xuất hiện gió Tây tại đồng bằng Bắc Bộ, thời kỳ này nhiệt độ lên tới 370C, độ ẩm xuống < 50%. Nửa giữa và cuối mùa Hạ, gió mùa Tây Nam (Em) xuất phát từ áp cao cận chí tuyến nửa cầu Nam hoạt động, hình thành gió mùa mùa Hạ chính thức ở Việt Nam. Khi vượt qua vùng biển Xích Đạo khối không khí này đổi hướng tây nam vào lãnh thổ nước ta lại theo hướng các hướng khác nhau: hướng tây nam (Tây Nguyên và đồng bằng NBộ), hướng nam (miền Trung), hướng đông nam (Bắc Bộ). [Nguyên nhân làm cho khối không khí (Em) thổi vào lãnh thổ nước ta theo các hướng khác nhau là do ở miền Bắc lúc này hình thành một hạ áp (xoáy tụ) hút gió làm đổi hướng]. Khối không khí này gây mưa cho cả hai miền nước ta (riêng ở miền Trung mưa vào tháng IX). Đặc biệt, khi gặp các nhiễu động khí quyển như bão, hội tụ nhiệt đới sẽ gây mưa lớn kéo dài, đây cũng là mùa mưa bão của nước ta.
2.Sự phân hóa của khí hậu nước ta
- Theo tác giả Phạm Ngọc Toàn - Phan Tất Đắc (1978, 1993) đã phân chia phần đất liền nước ta thành 3 miền khí hậu: (1) Miền khí hậu phía Bắc (từ vĩ độ 180B-dãy Hoành Sơn trở ra Bắc), đây là miền khí hậu đặc biệt: “Nhiệt đới-gió mùa, có một mùa đông lạnh”, miền này lại được chia làm 5 vùng khí hậu (vùng núi Đông Bắc; vùng núi Việt Bắc-Hoàng Liên Sơn; vùng đồng bằng Bắc Bộ; vùng núi Tây Bắc; vùng Bắc Trung Bộ). (2) Miền khí hậu phía Nam, bao gồm lãnh thổ Trung Bộ ở sườn Tây thuộc dãy Trường Sơn, Tây Nguyên, Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long. Khí hậu có 2 mùa khô - mưa, càng về phía nam tính chất này càng thể hiện rõ. Miền này chia làm hai vùng khí hậu (Tây Nguyên và Đông Nam Bộ - Đồng bằng sông Cửu Long). (3) Miền khí hậu Đông Trường Sơn, bao gồm phần Đông Trường Sơn từ vĩ độ 180B (phía Nam dãy Hoành Sơn) đến vĩ độ 120B (Bình Thuận). Đây là miền khí hậu chuyển tiếp giữa hai miền khí hậu trên và được chia làm 3 vùng khí hậu (vùng Bình - Trị - Thiên; vùng Trung Trung Bộ và vùng Nam Trung Bộ).
- Theo Atlát khí tượng thủy văn Việt Nam - 1994, sơ đồ phân vùng khí hậu nước ta gồm 2 miền (ranh giới 160B):
Miền khí hậu phía Bắc có 4 vùng khí hậu (Đông Bắc, Tây Bắc, Đồng bằng sông Hồng và Bắc Trung Bộ).
Miền khí hậu phía Nam có 3 vùng khí hậu (Duyên hải Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ).
3. Thuận lợi:
▪ Đối với sản xuất nông nghiệp: Do nằm trong khu vực khí hậu nhiệt đới gió mùa nóng - ẩm, nhiệt độ TB/năm cao, độ ẩm TB lớn cùng với sự phân hóa đa dạng cả về thời gian và không gian là một thuận lợi lớn cho phát triển một nền nông nghiệp nhiệt đới với nhiều loại nông sản phong phú (cây lương thực, cây công nghiệp, cây ăn quả, rau đậu...; chăn nuôi đại gia súc, gia súc, gia cầm, thủy sản). Cho phép trồng các loại cây có nguồn gốc nhiệt đới, cận nhiệt và ôn đới. Cho phép tăng vụ, xen canh, gối vụ (nếu điều kiện ẩm được thỏa mãn).
▪ Đối với các ngành công nghiệp chế biến lâm sản, rừng nhiệt đới với nhiều loại lâm sản khác nhau là nguồn nguyên liệu có giá trị đối với các ngành công nghiệp chế biến gỗ, giấy, dược liệu, thủ công mĩ nghệ... Ngoài ra, lượng mưa trung bình hàng năm cao, nguồn nước ngầm phong phú cùng hệ thống sông ngòi dày đặc đủ để cung cấp nước cho sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, giao thông vận tải, sinh hoạt của dân cư.
4. Hạn chế:
▪ Đối với sản xuất nông nghiệp: Sự phân phối ẩm không đều trong năm gây hạn chế cho việc khai thác nhiệt. Chính vì vậy, dù cho điều kiện kĩ thuật có tiến bộ đến đâu, thì ở nước ta thủy lợi vẫn là vấn đề hàng đầu trong sản xuất nông nghiệp, đặt ra cho hầu hết các vùng nhất là trong mùa khô (đặc biệt là các tỉnh phía nam) yêu cầu là phải tiết kiệm nước, phải tính đến việc thay đổi cơ cấu cây trồng cho phù hợp (ví dụ, trong mùa khô có thể hạn chế diện tích trồng lúa nước, hoặc những loại cây có nhu cầu về nước lớn). Trong điều kiện thời tiết nóng - ẩm, sâu bệnh dễ phát sinh và lây lan trên diện rộng gây hại cho cả cây trồng lẫn vật nuôi. Các hiện tượng thời tiết cực đoan, nhiễu động thời tiết thường xảy ra vào thời gian chuyển mùa làm cho sản xuất nông – lâm - ngư thêm bấp bênh. Bão, lụt, thiên tai hạn hán,... cũng xảy ra ở hầu hết các vùng lãnh thổ nước ta, gây thiệt hại lớn cả về người và của cho nhân dân. Bão thường tập trung vào tháng VI-XI, dịch dần từ Bắc vào Nam, có năm bão đổ bộ vào sớm, có năm muộn. Bão thường kèm theo gió giật, mưa lớn kéo dài, nước sông sẽ dâng cao ở vùng cửa sông, ven biển uy hiếp các công trình thủy lợi, đê điều. Nếu mưa lớn lại trùng với lúc triều cường thì lại càng nguy hiểm hơn. [Theo thống kê của đài Khí tượng - Thuỷ văn thì từ 1884 - 1989, mỗi năm TB có 4,7 cơn bão đổ bộ vào lãnh thổ nước ta ( vào Bắc Bộ 30%; Thanh – Nghê - Tĩnh 19%; Bình - Trị - Thiên 18%; Quảng Nam - Bình Định 24%; Từ đèo Cả trở vào 9%). Gần đây, do những biến động của khí hậu mà bão lũ xảy ra rất thất thường. Cơn bão Linda (12/1997) đổ bộ vào Đồng bằng sông Cửu Long, tốc độ gió lên tới 150 km/giờ (cấp gió 14), là một trường hợp mà hàng trăm năm mới gặp, 4500 người chất, hư hại 200.000 ha căn nhà và 325.000 ha ruộng. Ở Đồng bằng sông Hồng, lũ do bão Frankie (24/07/1999), cấp gió 11 làm chết 100 người, 194.000 căn nhà hư hại và ngập úng 177.000 ha ruộng. Ở miền Trung, lũ lụt năm 1996 làm chết 400 người, năm 1998 chết 450 người, năm 1999 hai trận lũ liên tiếp xảy ra ngày 03/11/1999 và 02/12/1999 trên diện rộng suốt từ Quảng Bình- Bình Định (nặng nhất là Thừa Thiên-Huế), đây là trận lụt mà hàng trăm năm mới thấy xảy ra, làm chết 750 người, tổn thất lên tới 300 triệu USD (~ 4,8 nghìn tỉ đồng VN]...
▪ Đối với sản xuất công nghiệp: độ ẩm cao dễ làm cho những thiết bị, máy móc bị ăn mòn, ẩm mốc; Các ngành công nghiệp khai thác (khoáng sản, rừng, hải sản) cũng phải tuân theo nhịp điệu mùa, tính chất mùa của nguồn nguyên liệu cung cấp cho công nghiệp chế biến cũng phải tuân theo lịch thời vụ.
▪ Đối với giao thông vận tải: Mưa, bão gây ách tắc giao thông cả đường sắt, bộ, đặc biệt là những tuyến đường từ đồng bằng lên miền núi.
▪ Đối với hoạt động du lịch, nghỉ dưỡng, tham quan,.v.v. Tính chất gió mùa cũng ảnh hưởng khá sâu sắc, hiệu quả khai thác giảm hẳn mà rõ nhất là ở miền Bắc.
(Sưu tầm)