Khi cha mẹ sợ... con
Chọc tức cha mẹ, thậm chí đòi “thượng đài” với bố… nhiều cô cậu học trò đang gây phiền lòng cho chính những người sinh thành.
“Càng răn dạy, con càng cãi lại và tỏ thái độ bất cần. Có lúc tôi giận đến mức không chịu nổi vì càng phân tích thì cháu càng chọc tức, nhái lại lời, lấy bông gòn nhét vào tai, vừa bỏ đi vừa ngênh mặt lên trời…”, đó là lời than thở của chị Nguyễn H.L, ngụ TP Vũng Tàu về đứa con trai đang học lớp 12 tại một trường tư thục ở quận 9, TP HCM.
Chọc tức cha, mẹ
Chị H.L, cho biết trước đây, Thắng, con trai chị rất ngoan. Trong suốt 8 năm học, Thắng đều đạt danh hiệu học sinh khá giỏi. Nhưng đến gần cuối năm học lớp 9, Thắng có biểu hiện khác lạ, học hành sa sút. Thấy lo nên chị H.L quan tâm nhiều hơn về việc học cũng như quản lý chặt chẽ giờ giấc vui chơi của con. Nhưng trước sự quản lý của mẹ, Thắng càng trở nên cộc cằn và có thái độ chống đối. Chưa hết, thời gian ở nhà, hầu như câu nói nào của mẹ, Thắng đều phản bác. “Có khi tôi chỉ la vài câu thì con bịt tai lại, chạy vô nhà vệ sinh đóng chặt cửa, đến khi nào không nghe mẹ nói nữa thì mới bước ra. Đó còn chưa kể có khi Thắng còn lấy mền trùm kín đầu như để thoát khỏi lời dạy bảo của mẹ, dù lúc đó trời nắng nóng”, chị H.L kể.
Cũng giống như chị H.L, chị Hồng, ngụ huyện Bình Chánh, TP HCM cũng đang gặp rắc rối khi dạy con. Con gái chị tên Hằng, đang học lớp 10 nhưng cứ vài ngày lại đổi một mẫu tóc, lúc nhuộm xanh, lúc nhuộm vàng, thích ăn diện, nói năng thiếu từ tốn… Thấy vậy, chị cùng chồng thường xuyên giáo huấn, cắt nghĩa cho con nghe. “Nhưng lần nào con cũng cự lại. Có lúc giận bố mẹ, Hằng còn bỏ nhà đi 1 - 2 ngày mới về”, chị Hồng chia sẻ.
Mỗi lần đưa Hằng đến trường, chị Hồng dặn dò con vài câu thì Hằng cự lại: “sao mẹ nói hoài vậy, có muốn con nghỉ học không?”… Thấy vậy chị Hồng chẳng biết làm sao và dù thấy con có lỗi chị cũng không dám la rầy.
Chưa hết, có trường hợp con cái còn đòi “hạ đo ván” cha. Anh Hùng, nhà ở quận 8, TP HCM, người đã trải qua những giây phút đau lòng đó kể: “Nhiều bữa la con, nó còn liếc háy lại. Có khi mình giận, đánh, con giật roi và nói: ông muốn đánh thì ra sân đi, tôi lớn rồi, không sợ ông nữa đâu. Nghe câu nói đó của con mà tôi như đứt từng đoạn ruột!”.
ha mẹ nên gần gũi, nhẹ nhàng chia sẻ để hiệu rõ cảm xúc của con. Ảnh L.Bình
Đi tìm nguyên nhân
Làm một cuộc khảo sát nhỏ với các bậc phụ huynh, chúng tôi nhận được thông tin, các cô cậu học trò 14 - 16 tuổi (giai đoạn gần cuối THCS và bắt đầu THPT) đều rất khó bảo. Theo các chuyên gia tâm lý, ở độ tuổi 14 -16 thường có sự thay đổi lớn về tâm sinh lý. Ở thời kỳ này, các em muốn khẳng định bản thân và muốn làm người lớn nên nhiều khi có những hành vi, cử chỉ thể hiện cá tính.
TS Mai Ngọc Luông, Phó chủ tịch Hội Khoa học tâm lý giáo dục TP HCM cho rằng, để giáo dục tốt cho trẻ trong giai đoạn này không hề đơn giản. Nếu phụ huynh càng la rầy, ràng buộc, áp đặt các em vào khuôn khổ nề nếp thì càng rất khó dạy. Hơn nữa, việc này còn gây ức chế tâm lý ở trẻ. Chuyện gì cũng có nguyên nhân của nó. Vậy, quan trọng là chúng ta đi ra nguyên nhân để có cách giải quyết tốt nhất.
Để dạy con biết vâng lời, TS Mai Ngọc Luông nêu vấn đề: Chúng ta nên gần gũi chia sẻ với con. Vì khi gần gũi, các con mới có thể tâm sự cảm xúc thật. Những lúc con thất bại, hay có lỗi lầm, chúng ta nên chia sẻ và tha thứ hơn là bắt tội. Ngay bản thân chúng ta vẫn thế, nếu khi phạm sai lầm mà được người khác quan tâm, chia sẻ và tha thứ, chúng ta sẽ cảm thấy hạnh phúc. Mặt khác, dù cảm thấy bực bội đến đâu, thì các bậc cha mẹ cũng nên nhớ rằng, chúng ta không thích việc làm, cách cư xử của con chứ không nên ghét bỏ con.
Theo Đất việt.