Y Nắng Tình
New member
- Xu
- 0
KHÁNH HÒA: KINH TẾ PHÁT TRIỂN NHANH
CôngThương - Hiện nay, Khánh Hòa là một trong những tỉnh có tốc độ phát triển nhanh, có đóng góp ngân sách Trung ương, cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa và đang trên đà xây dựng trở thành một trung tâm kinh tế, du lịch, văn hóa lớn của cả nước.
Đặc biệt, trong những năm gần đây, tốc độ phát triển kinh tế của Khánh Hòa tương đối cao. Mặc dù chịu ảnh hưởng lớn do suy giảm của nền kinh tế thế giới, nhưng tổng sản phẩm nội địa (GDP) tăng trưởng bình quân hàng năm đạt 10,85%, cao hơn mức tăng bình quân của cả nước; GDP bình quân đầu người năm 2010 đạt 1.500 USD. Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng ngành công nghiệp- xây dựng, dịch vụ- du lịch và giảm tương đối tỷ trọng ngành nông- lâm- thủy sản.
Năm 2010, công nghiệp- xây dựng chiếm 43,5%, dịch vụ- du lịch chiếm 43,5% và nông- lâm- thủy sản chiếm 13% trong GDP. Năm 2010 thu ngân sách của Khánh Hòa đạt hơn 7.000 tỷ đồng, tăng gấp 2 lần so với năm 2005. Tỷ lệ huy động ngân sách trên GDP năm 2010 chiếm 22,20%; huy động vốn đầu tư phát triển toàn xã hội đạt trên 39,5% GDP. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội trong 5 năm đạt trên 47.000 tỷ đồng (cao gấp 3 lần so với giai đoạn 2000 - 2005).
Đối với tỉnh Khánh Hòa, du lịch là một ngành kinh tế mũi nhọn. Một trong những quan tâm hàng đầu của các nhà chức trách địa phương là làm sao đảm bảo nhu cầu đổi mới và hưởng thụ ngày càng cao của khách du lịch, tạo điểm nhấn kích cầu, thu hút các nhà đầu tư trong, ngoài nước. Nhiều sự kiện văn hóa, chính trị tầm cỡ quốc gia và quốc tế đã tổ chức ở Khánh Hòa cũng chính là thành quả của những bước đột phá kích cầu du lịch, thương mại, dịch vụ,...
Ngoài những quà tặng quý báu của thiên nhiên ban tặng: thành phố biển Nha Trang xinh đẹp nằm bên bờ vịnh đẹp nổi tiếng thế giới với nhiều đảo lớn, nhỏ và nhiều sản phẩm du lịch độc đáo, thú vị, Khánh Hòa còn được biết đến là xứ sở của loài chim yến sản xuất ra “vàng trắng”,… Vì vậy, Khánh Hòa đã, đang và sẽ luôn là một trong những điểm đến hấp dẫn của du khách trong nước và quốc tế.
Dịch vụ- du lịch phát triển nhanh và chiếm tỷ trọng ngày càng cao trong cơ cấu kinh tế của tỉnh. Giá trị sản xuất dịch vụ- du lịch tăng bình quân hàng năm 16,3%. Các ngành dịch vụ tiếp tục phát triển, với nhiều loại hình dịch vụ mới, được đầu tư hiện đại, mở rộng quy mô. Đầu tư phát triển du lịch khá sôi động, sản phẩm du lịch phong phú với nhiều dự án lớn, chất lượng cao đã đưa vào hoạt động. Đến nay, Khánh Hòa có trên 400 khách sạn, với trên 10.000 phòng, trong đó hơn 2.000 phòng đạt tiêu chuẩn 4- 5 sao. Tổng lượt khách du lịch năm 2010 đạt trên 1,76 triệu người, doanh thu du lịch đạt 1.750 tỷ đồng.
Nhằm khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế của tỉnh, tạo ra năng lực sản xuất mới, các nhà quản lý địa phương còn chú trọng hình thành một số ngành công nghiệp mũi nhọn như công nghiệp đóng tàu, chế biến thực phẩm, khai thác chế biến khoáng sản, sản xuất vật liệu xây dựng, dệt may. Giá trị sản xuất công nghiệp tăng bình quân hàng năm là 12,4%. Các dự án lớn về công nghiệp đang được triển khai như: Tổng kho xăng dầu ngoại quan Mỹ Giang, Nhà máy nhiệt điện than, Tổ hợp lọc hóa dầu, các khu công nghiệp lớn... khi các dự án trên hoàn thành sẽ tạo ra thế và lực mới cho sự đột phá kinh tế, xã hội của tỉnh.
Ngoài ra, các nhà quản lý kinh tế địa phương cũng đã tạo môi trường thuận lợi cho hoạt động thương mại, xuất nhập khẩu phát triển. Năm 2010 tổng giá trị xuất khẩu đạt 600 triệu USD, sản phẩm của các doanh nghiệp trong tỉnh được xuất đi trên 100 nước và vùng lãnh thổ. Hoạt động nhập khẩu cơ bản đáp ứng nhu cầu phục vụ sản xuất và xây dựng hạ tầng kỹ thuật.
10 chương trình kinh tế- xã hội trọng điểm do Tỉnh ủy Khánh Hòa đề ra trong nhiệm kỳ qua đã tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy các ngành, lĩnh vực và các địa phương trong tỉnh có bước phát triển mới về mọi mặt y tế, giáo dục, văn hóa, an ninh quốc phòng, tạo chuyển biến trên các lĩnh vực kinh tế, xã hội và môi trường. Đẩy nhanh nhịp độ tăng trưởng kinh tế; phát triển toàn diện, nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh của các ngành kinh tế. Nổi bật nhất là các chương trình phát triển du lịch; đào tạo nghề, giải quyết việc làm, giảm nghèo; phát triển kinh tế- xã hội miền núi; huy động vốn đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng 3 vùng kinh tế trọng điểm.
Trong nhiệm kỳ 2010-2015, quyết tâm của toàn Đảng bộ tỉnh Khánh Hòa là phát huy tối đa năng lực lãnh đạo của Đảng; quản lý và điều hành luôn năng động, sáng tạo, đề ra được những chủ trương sát đúng, vừa hợp lòng dân, vừa tạo được sự đồng thuận trong xã hội; tăng cường xây dựng cơ sở hạ tầng, tập trung tiềm lực để phát triển các vùng kinh tế trọng điểm của tỉnh, đẩy nhanh tốc độ đô thị hóa; phát triển văn hóa- xã hội gắn với phát triển kinh tế và thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội; nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân; giải quyết có hiệu quả những vấn đề xã hội bức xúc...
Đó chính là động lực khơi dậy, phát huy ý chí, nguồn lực của địa phương, tăng cường sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân, đủ sức khắc phục khó khăn tồn đọng, đương đầu với thách thức trở ngại, thực hiện chiến lược phát triển toàn diện, bền vững, tiếp tục đổi mới mạnh mẽ, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, khai thác hiệu quả hơn tiềm năng của địa phương, đưa Khánh Hòa hội nhập sâu hơn vào nền kinh tế khu vực và thế giới.
Sưu tầm
Sửa lần cuối bởi điều hành viên: