KHÁM PHÁ NAM THIÊN ĐỆ LỤC ĐỘNG
Nam thiên đệ lục động (động thứ sáu trời Nam) là danh xưng do vua Lê Thánh Tông (1446 - 1497) phong tặng động Kính Chủ thuộc thôn Dương Nham, xã Phạm Mệnh, huyện Kinh Môn, tỉnh Hải Dương.
Đến đây, du khách sẽ được khám phá những mê cung động bằng đá có niên đại hàng ngàn năm, đồng thời thưởng ngoạn vẻ đẹp sơn thủy hữu tình của “sông Kinh Thầy, núi Thạch Môn” huyền thoại.
Toàn cảnh khu vực động Kính Chủ nhìn từ đỉnh núi An Phụ
Vác balô trên vai, tôi tìm về động Kính Chủ. Đứng từ đỉnh núi An Phụ thấy dãy núi Thạch Môn (còn gọi là núi Dương Nham) như con rồng khổng lồ nằm bên vựa lúa mênh mông, vàng óng. Phía bắc dãy Thạch Môn là dòng sông Kinh Thầy cong cong, lượn sát chân núi, tạo thành thế sơn thủy hữu tình và trục giao thông thuận tiện.
Nhìn sang phía tây nam là làng quê Kính Chủ thanh bình, nơi chôn rau cắt rốn của những người thợ đá xứ Đông. Có cảm tưởng nếu đứng từ trên không trung thu vào tầm mắt thì cả núi non, sông nước và làng mạc Kính Chủ chẳng khác một bức tranh cẩm tú tráng lệ. Thật đúng với những điều người Kinh Môn vẫn ca tụng:
“Kề sông ngọn núi đứng chơi vơi,
Chùa ẩn lùm xanh, động khuất vời.
Lối đá điểm hoa không vết tục,
Nghe bầy chim hót, phủi rêu ngồi”
Theo ghi chép của người Kinh Môn, vào thời kỳ kháng chiến chống quân Nguyên - Mông, vua Trần Nhân Tông đã đóng quân trên núi, ngăn chặn mũi tiến công đường thủy của giặc. Sườn núi phía nam có một động lớn gọi là động Kính Chủ, trong động có cảnh đẹp, rộng rãi, không khí thoáng mát, được nhà vua phong là Nam thiên đệ lục động.
Năm 1950, giặc Pháp tràn về Kinh Chủ đóng quân trong động và phá hoại nhiều di vật quý. Đến năm 1967 giặc Mỹ tiếp tục ném bom trước cửa động, phá hủy những công trình kiến trúc và cây cảnh nơi đây. Rất may sau ngày đất nước thống nhất, động Kính Chủ đã được tu tạo lại và vẫn giữ được những di sản văn bia, dấu tích về người tiền sử quý giá đến ngày nay.
Trời về trưa hửng nắng, tiếng ve sầu tấu lên những bản nhạc hè inh ỏi… làm khu di tích động Kính Chủ thêm nguyên sơ, xao động. Men theo những bậc đá chênh chếch lượn quanh sườn núi Thạch Môn là có thể đến cửa động chính.
Động này có độ cao 20m so với mặt đất, không khí quang đãng và mát mẻ. Trong động có các ban thờ thờ Phật, vua Lý Thần Tông, Huyền Quang tôn giả và nhiều bức tượng đá mô tả những sự kiện điển hình trong kinh Phật. Đáng chú ý là 53 văn bia, được tạc khắc ngay trên các vách núi đá. Theo người dân xã Dương Nham, đó là bút tích đã tồn tại hơn bảy thế kỷ ghi lại cảm xúc, suy nghĩ của các bậc vua, chúa, quan lại từng đến thăm động.
Cách động Kính Chủ không xa, trên độ cao khoảng 70m so với mặt đất là khu Động Tiên, trong động cũng lưu giữ tấm bia quý giá có niên đại năm 1630. Từ động này, trèo qua một bãi đá lởm chởm ta sẽ lên đến đỉnh núi Thạch Môn, nơi vẫn còn hai lô cốt của thực dân Pháp đã đóng quân năm 1950. Trên đỉnh núi Thạch Môn có thể phóng tầm mắt nhìn xuống những hang Luồn, hang Trâu, làng mạc Kính Chủ, sông Kinh Thầy...
Rẽ trái chân núi Thạch Môn là động Mẫu, nơi có những phiến đá phủ rêu xanh kỳ lạ và có hai lỗ thủng giữa núi, hội tụ những chùm ánh sáng tạo nên những thác nắng tuyệt đẹp tựa như “cổng trời” ở hang Cắc Cớ (chùa Thầy, Quốc Oai, Hà Nội).
Đối diện với động Mẫu là hang Vang mà người dân vẫn gọi đây là hang nước vì mùa mưa nước chảy từ các mạch trên núi xuống, cung cấp nước sinh hoạt cho nhân dân trong vùng, nhưng mùa khô lại là một hang động tuyệt đẹp có thể đi sâu vào lòng núi tới 30m.
Phiến đá xanh kỳ lạ trong động Mẫu
“Cổng trời” ở động Mẫu
Tượng đá hình voi trong hang Vang
Cũng tại đây, đi men theo lòng núi có thể bắt gặp vô số nhũ đá kỳ vĩ như hình con voi, hình rùa vàng, những khối đá xanh lấp lánh như kim cương và cuốc bộ dưới dòng nước chảy từ khe núi trong veo và mát lạnh… Cảm giác như bước vào một thế giới tiên cảnh.
3 giờ lang thang, khám phá những hang, ngách của động, tưởng như lạc trong một “mê cung” động, hết động này đến động kia mà cái nào cũng đẹp và mát mẻ.
Nếu là lữ khách thích khám phá, tìm tòi cảm giác mạnh thì một chuyến tham quan động Kính Chủ chắn chắn sẽ là một trải nghiệm thú vị.
Cửa hang động Kính Chủ
Những hình thù kỳ lạ bằng đá, thạch nhũ trong động Kính Chủ
Văn bia trong động
Đường lên đỉnh Thạch Môn
Sông Kinh Thầy uốn lượn quanh núi
Du khách khám phá hang Kim Cương
Một góc yên bình trong khu di tích động Kính Chủ
Bài, ảnh: TIẾN THÀNH - TTO