Khái quát nội dung "Quân trung từ mệnh tập" - Nguyễn Trãi
1. Tinh thần yêu nước, không đội trời chung với kẻ thù
Những bức thư mà Nguyễn Trãi viết cho kẻ địch không phải chỉ là những điều suy nghiệm thuần lí trí mà còn ẩn chứa những tình cảm cháy bỏng, tha thiết với đất nước, nhân dân Việt Nam. Dù rằng trong tập văn luận chiến, lí lẽ là chủ đạo, phương pháp lập luận là quan trọng nhưng thấm trong từng câu văn Ức Trai là một ước vọng quật ngã kẻ thù xâm lược, giành lại độc lập tự do cho đất nước.
Với Nguyễn Trãi, yêu nước trước hết là nỗi thương xót muôn dân phải chịu cảnh đọa đầy dưới sự thống trị hà khắc của quân giặc. Trong nhiều trang thư, ông đã thống thiết nói lên điều đó: “ Song không làm cho nước đã diệt được phục hưng, dòng đã tuyệt được kế nối, mà lại muốn cùng binh độc vũ, khiến người vô tội liền năm thiệt mạng dưới gươm đao, dân hiền lành liền năm dầm gan ở ngoài nội cỏ. Lẽ nào bụng dạ bực nhân nhân quân tử lại như thế ư?” (Lại thư cho Vương Thông). Những câu hỏi ông đặt ra cho người đối diện, kẻ nắm giữ biết bao sinh mạng con người như xoáy sâu vào tâm can y, khiến y không thể thờ ơ: “Nước các ngươi trước đây nhân khi họ Hồ lỗi đạo, mượn tiếng thương dân đánh kẻ có tội, kì thực làm việc bạo tàn, lấn cướp nước ta, bóc lột nhân dân ta, thuế nặng hình phiền, vơ vét của quý, dân mọn nơi làng quê không được sống yên. Lòng nhân nghĩa mà lại thế ư?” (Lại thư trả lời Phương Chính). Câu hỏi như muốn dồn kẻ đối thoại vào đường cùng của cuộc đấu trí.
Nguyễn Trãi không chỉ là một nhà quân sự, chính trị, ông còn là một nhà văn, nhà thơ, nhà văn hóa lớn. Chính vì thế, yêu nước với ông còn là niềm tự hào về giá trị văn hiến vững bền của dân tộc. Sang xâm chiếm nước ta, giặc Minh đã tàn bạo thi hành rất nhiều chính sách nhằm đồng hóa dân tộc ta, đốt phá mọi của cải văn hóa, tinh thần của người Việt Nam ta. Vì thế ta phải khẳng định rõ ràng với chúng rằng trình độ văn minh của ta không thua kém gì bọn chúng và dân tộc ta quyết tâm bảo vệ nền văn hiến ấy đến cùng. Nguyễn Trãi đặc biệt nhấn mạnh đến truyền thống văn hóa tinh thần riêng biệt của Đại Việt, độc lập với nền văn hóa Trung Quốc. Trong thư dụ hàng thành Bắc Giang ông khẳng định: “Nước An Nam ta tuy xa ở ngoài Ngũ Lĩnh mà danh tiếng là nước thi thư. Những bậc trí mưu tài thức chẳng đời nào thiếu vắng” (Thư dụ thành Bắc Giang). Ý định dập vùi mọi truyền thống tốt đẹp của nước ta thực sự chỉ là ảo tưởng của quân giặc mà thôi.
Nền văn hiến của dân tộc ta không chỉ được khẳng định qua những lời Nguyễn Trãi nói trong thư mà còn được khẳng định qua chính những gì mà nghĩa quân Lam Sơn và Nguyễn Trãi thể hiện trong suốt cuộc đấu tranh chống xâm lược. Đó chính là vẻ đẹp của những con người dũng cảm, kiên cường nhưng cũng rất khoan dung, nhân ái. Họ thông minh và cũng rất hiền hòa. Họ biết trọng chữ “tín”, biết đem tấm lòng thành thực đáp lại với thành thực, biết yêu chuộng hòa bình, biết tự hào về truyền thống đấu tranh quật cường của dân tộc.
Tấm lòng yêu nước của Nguyễn Trãi trong hoàn cảnh đất nước có giặc ngoại xâm không thể không gắn với việc tố cáo tội ác của giặc. Nguyễn Trãi đã đem đối lập giữa cái đẹp của dân tộc ta với cái xấu xa của quân địch, cái nhân nghĩa sáng ngời của ta với cái phản nhân nghĩa của chúng, cái tín nghĩa mà ta thực hiện với cái bất tín mà chúng đã làm, cái chân thành, cao thượng của ta với cái giả trá, thấp hèn của chúng…Ý nghĩa tố cáo kẻ thù nhờ thế càng thêm sắc cạnh, thêm đanh thép, thêm hùng hồn.
Ngay từ bức thư mở đầu, dưới danh nghĩa là thư xin hàng, bằng giọng văn mang tính phân trần, kể lể Nguyễn Trãi đã chất vào đó nỗi căm hờn oán giận về tội ác quân giặc gây ra đối với dân ta: “Nhữ Hốt liền báo với quan quản binh cùng nội quan Mã Kỳ, vô cớ dẫn quân đến đánh úp bọn chúng tôi, chẳng kể trẻ hay già đều bị chém giết bắt bớ. Họ hàng tôi tan tác, vợ con tôi chia lìa. Lại khai quật mồ mả cha ông tôi mà phơi bày hài cốt” (Thư xin hàng). Lời tạ tội cũng đồng thời là lời buộc tội giặc Minh từ to đến nhỏ.
Cùng với thời gian, lực lượng nghĩa quân ngày một lớn mạnh, những cuộc đối đầu với kẻ thù do họ chủ động đưa lại kết quả nhiều hơn, liên tiếp hơn, thì những lời buộc tội của Nguyễn Trãi trong thư từ gửi cho tướng giặc cũng thêm phần cứng rắn, quyết liệt hơn: “Bớ nghịch tặc Phương Chính. Kể đạo làm tướng, lấy nhân nghĩa làm gốc, lấy trí dũng làm vốn. Nay bọn bay chỉ chuộng lừa dối, bắt giết kẻ vô tội, hãm người vào chỗ chết mà không xót thương là cớ làm sao? ” (Lại thư trả lời Phương Chính)
Với Nguyễn Trãi, mỗi tên tướng tá, quan lại giặc Minh hiện ra, không phải chỉ là hình ảnh riêng của cá nhân hắn mà còn có ý nghĩa tượng trưng cho cả tập đoàn chủ tớ của đội quân xâm lăng. Nguyễn Trãi mượn tiếng chửi một tên để lên án cả bọn vua tôi nhà Minh: “Nước các ngươi trước đây nhân khi họ Hồ lỗi đạo, mượn tiếng thương dân đánh kẻ có tội, kỳ thực làm việc bạo tàn.” (Lại thư trả lời Phương Chính)
Tất nhiên, không vì yêu cầu tố cáo tội ác chung của cả bọn mà người viết bỏ quên hành vi cụ thể của từng tên. Dưới ngòi bút của Nguyễn Trãi, bộ mặt tàn ác đủ vẻ của chúng đều bị phơi bày: Phương Chính thì cực kì bất nhân, bất nghĩa, giết chóc không ghê tay, nhưng khi thất thế lại “đóng thành bền giữ như mụ già”; Vương Thông, vừa đa nghi vừa do dự, không biết giữ chữ tín, mưu kế gian trá “ngoài nói giảng hòa mà trong lại mưu kế khác”, Liễu Thăng hữu dũng vô mưu hung ác nhưng lại kiêu căng, không biết mình biết người.
Có thể nói, bao nhiêu bức thư là bấy nhiêu cách Nguyễn Trãi bêu riếu kẻ thù. Ông hạ uy thế của chúng bằng cách gieo vào lòng chúng những nghi ngờ về thực chất của tài năng, nhân cách, đạo nghĩa, lí tưởng hành động, chiến đấu… của chính chúng. Những lời tố cáo của ông rõ ràng mang tính chân thực và tính khái quát cao độ. Nó thể hiện một tinh thần yêu nước thiết tha và ý chí quyết tâm chiến đấu đến cùng để giành độc lập cho dân tộc.
2. Sự nhận thức chính xác về chiều hướng tất thắng của ta, tất bại của địch
Từ sự thấu suốt của mình đối với diễn biến của cuộc chiến, Nguyễn Trãi đã đưa ra hàng loạt những luận điểm khẳng định nhận thức đúng đắn của ông về xu thế tất thắng của ta, tất bại của địch. Đó cũng chính là điểm mấu chốt làm chỗ tựa cho Ức Trai trong hầu hết các lập luận của ông nhằm dụ hàng kẻ địch. Trong rất nhiều bức thư, ông chỉ rõ tầm quan trọng của việc nắm được thời cơ. Thời, theo Nguyễn Trãi chính là xu thế tất yếu của lịch sử, là một vấn đề của hiện thực khách quan và con người sáng suốt, thông minh là người có con mắt nhìn thấu những biến chuyển bên trong của sự vật. Nghĩa là phải “thông biến”. Để thuyết phục địch có lúc Nguyễn Trãi đứng về phía quyền lợi chính đáng của tướng Minh mà bàn bạc phải trái, vạch cho chúng con đường đi đúng đắn. Ông hay nhắc đến chữ thời và chữ thế. Viết cho Vương Thông, ông nói: “Tôi từng nghe nói Kinh Dịch có ba trăm tám mươi tư hào, mà cốt yếu ở chữ “Thời”. Cho nên người quân tử tùy theo thời thế mà ứng biến. Chữ “Thời” có ý nghĩa to tát làm sao! Ngày trước khi mới sang đánh Giao Chỉ, Tướng quân vâng mệnh đi đánh kẻ có tội, bấy giờ là một thời vậy. Ngày nay vận trời tuần hoàn, không có gì đi rồi mà không quay trở lại… Bảo là tùy thời ứng biến, chính là ở chỗ phải lo liệu từ sớm.” (Lại thư dụ Vương Thông). “Kể ra người dùng binh giỏi là ở chỗ biết rõ thời thế mà thôi. Được thời có thế thì mất biến thành còn, nhỏ hóa ra lớn; mất thời thất thế thì mạnh hóa ra yếu, yên lại chuyển nguy. Sự thay đổi ấy chỉ trong khoảnh khắc trở bàn tay mà thôi” (Lại thư dụ Vương Thông). “Tôi nghe: Cái điều đáng quý ở người tuấn kiệt là ở chỗ biết thời thế, hiểu sự biến mà thôi” (Lại thư cho Vương Thông). Phân tích thời và thế, Nguyễn Trãi nêu rõ rằng, lúc trước khác, bây giờ khác. Lúc trước quân Minh mượn danh diệt nhà Hồ là kẻ cướp ngôi, phục hồi nhà Trần là triều đại chính thống cho nên tạm thời có thể thành công. Bây giờ ở lại chiếm đóng, thống trị, vơ vét, bóc lột lại là một việc làm phi nghĩa để mất lòng dân. Cho nên nếu không sớm rút lui sẽ bị tiêu diệt. Lúc trước, quân Lam Sơn còn ở thế yếu mà quân Minh còn chẳng làm gì nổi nữa là bây giờ quân Lam Sơn đã có phần lớn đất đai. Hơn nữa, binh lính trong quân Minh lại chán nản, nhiều nơi đã đầu hàng. Nếu còn ngoan cố, trì hoãn không chịu rút quân thế tất thua to. Đó là nội dung các bức thư gửi cho Vương Thông khi viên tướng này tuy còn có nhiều quân nhưng đã nao núng. Nguyễn Trãi nhận xét tình hình và tính toán hộ tướng giặc như sau: “Nay tính hộ các ông thì có sáu điều phải thua. Nước lũ mùa hạ chảy tràn, cầu sàn, rào lũy sụp lở, củi cỏ thiếu thốn, ngựa chết quân ốm. Đó là điều phải thua thứ nhất. Xưa Đường Thái Tôn bắt Kiến Đức mà Thế Sung phải ra hàng. Nay các con đường, cửa ải xa xôi hiểm trở đều bị binh lính và voi chiến của tôi đồn giữ, nếu viện binh có đến, thì cũng muôn phần tất phải thua; viện binh đã thua, bọn các ông tất bị bắt. Đó là điều phải thua thứ hai. Quân mạnh ngựa khỏe nay đều đóng cả ở biên giới phía Bắc để phòng bị quân Nguyên, không rỗi nhìn đến miền Nam. Đó là điều phải thua thứ ba. Luôn luôn động binh đao, liên tiếp bày đánh dẹp, dân sống không yên, nhao nhao thất vọng. Đó là điều phải thua thứ tư. Gian thần chuyên chính, bạo chúa giữ ngôi, người cốt nhục hại nhau, chốn cung đình sinh biến. Đó là điều phải thua thứ năm. Nay tôi dấy nghĩa binh, trên dưới cùng lòng, anh hùng hết sức, quân sĩ càng luyện, khí giới càng tinh, vừa cày ruộng lại vừa đánh giặc. Còn quân sĩ trong thành thì đều mỏi mệt, tự chuốc bại vong. Đó là điều phải thua thứ sáu” (Lại thư dụ Vương Thông). Một mặt vạch con đường sáng cho tướng giặc, một mặt Nguyễn Trãi lại nêu cái lẽ tùy thời thông biến cho tướng giặc có thể dựa vào đó để rút quân mà bớt xấu hổ. Đó cũng là một cách thông cảm với sĩ diện của tướng sĩ “Thiên triều”. Ông viết: “Nay trộm tính giùm các ông, chẳng gì bằng cùng Thái Đô đốc đem quân về nước là hơn cả… Kinh Dịch có câu: “Cùng thì biến, biến thì thông”. Các ông không nghĩ đến điều đó, lại cứ khư khư ôm giữ cái tiểu tiết của Trương Tuần, Hứa Viễn, ta e sĩ tốt của các ông ngày đêm thiết tha mong về, lại thêm cơm cháo chẳng no, bệnh tật lây lan, dẫu ông muốn đánh với giữ, đã dễ ai theo” (Lại thư cho Vương Thông). Từ lí lẽ cho đến thái độ, những bức thư của Nguyễn Trãi đều có sức thuyết phục mạnh mẽ. Nguyễn Trãi rất chú ý đến đối tượng, đến kẻ đọc thư của mình. Đối với những tên ra mặt hung hăng như Phương Chính, Mã Kỳ thì từ cách xưng hô cho đến nội dung và lời văn thường có tính chất đả kích không thương tiếc. Trái lại đối với những hạng người có thể tranh thủ được như Thái Phúc và tướng sĩ cấp dưới, thì từ cách xưng hô cho đến nội dung và lời văn đều có tính chất ôn tồn trọng thị. Đối với hạng tướng tá cấp cao như Tổng binh Vương Thông, nếu thuyết phục được là có thể kết thúc chiến tranh, thì Nguyễn Trãi lại tỏ thái độ kiên nhẫn vừa phê phán, vừa tranh thủ. Còn lời lẽ trong các bài biểu và tấu gửi vua Minh thì lại nhún nhường. Ngay trong thư từ gửi các tướng Minh, khi nói đến vua Minh thì bao giờ cũng ra vẻ suy tôn. Đó chẳng qua chỉ là một thuật ngoại giao, thực tế không ảnh hưởng gì đến chủ quyền quốc gia cả. Nhưng điều đó lại góp phần đưa đến quan hệ hòa bình giữa nước nhỏ và nước lớn trong hoàn cảnh chế độ phong kiến. Vấn đề đối với nghĩa quân lúc bấy giờ là làm sao cho nhà Minh từ bỏ cái tham vọng chiếm đóng nước ta, đừng cho viện binh sang và chịu rút quân về.
Có khi kẻ đối thoại là đám tướng hiệu, quan viên, quân nhân ít học thì Nguyễn Trãi lại lựa một cách nói đơn giản mà hiệu quả là chính những so sánh cụ thể, gần gũi nhất với chúng, để chúng có thể dễ dàng tiếp cận với chữ “thời”: “Nếu các ngươi cho là thành cao, hào sâu, lương thực lại nhiều thì thử xem như ở các xứ Thanh Hóa, Diễn [Châu], Nghệ [An], thành không phải là không cao, hào không phải là không sâu, lương thực không phải là không nhiều, quân không phải là không mạnh, mà như Thái Đô đốc so với các ngươi chức không phải không to, trí không phải không sáng, mà còn tùy thời ứng biến để bảo toàn tính mệnh cho mấy vạn con người.” (Thư dụ thành Bắc Giang)
Nguyễn Trãi cũng đặc biệt nhấn mạnh đến tình hình rối ren trên đất nước Trung Quốc những năm 1425 – 1427 mà tình hình đó theo ông là nhân tố chính yếu của chữ “Thời”, nhìn từ góc độ nội tại của kẻ địch: “…Huống chi ở nước các ông, quốc vương liền năm tử táng, cốt nhục tàn hại lẫn nhau, giặc phương Bắc xâm lăng, các đại thần bỏ rơi không phò tá. Lại thêm nạn mất mùa liên tiếp, việc thổ mộc luôn bày, chính lệnh phiền hà, giặc cướp nổi lên như ong…” (Lại thư cho Vương Thông)
Tuy vận dụng vào từng nơi từng lúc có khác nhau nhưng chữ “thời” của Nguyễn Trãi trước sau vẫn mang những nét nhất quán, nó như mạch ngầm xuyên suốt toàn bộ tập Quân trung từ mệnh. Hơn thế nữa, cũng chính Nguyễn Trãi, nhờ thông qua thực tế chiến đấu mà tích lũy được nhiều kinh nghiệm nên nhận thức về chữ “thời” ngày càng sâu sắc, tinh tường hơn. Và dần dần, càng về cuối cuộc đấu tranh, ông có khuynh hướng quy tụ các nhân tố đã phát biểu đây đó rời rạc lại để thành một quan điểm tổng hợp hoàn chỉnh. Ông đã chỉ ra sáu điều phải thua của giặc một cách hệ thống, chính xác khiến chúng không thể chối cãi xu thế tất yếu mà chúng sắp rơi vào.
Cuộc đời Nguyễn Trãi chính là một ví dụ tiêu biểu cho việc vận dụng đúng đắn chữ “Thời ”. Ông cũng đã đem con mắt “được thời thông biến” mà ra làm việc với nhà Hồ, dù ông là cháu ngoại Trần Nguyên Đán, và chính con mắt ấy đã đưa ông đến được với khởi nghĩa Lam Sơn. Vận dụng chữ “Thời” để đánh giặc, với Ức Trai đó không chỉ là tất cả niềm tin, nhiệt tình và vốn tri thức sâu rộng mà còn là cả những kinh nghiệm vốn sống mà ông thực sự trải nghiệm và có cơ hội kiểm chứng. Nhờ đó, những bức thư của ông mang đầy sức thuyết phục bởi tính chân xác của những dẫn chứng, lập luận được tác giả đưa ra.
3. Tư tưởng nhân nghĩa
Trong Quân trung từ mệnh tập, Nguyễn Trãi đã giương cao ngọn cờ chính nghĩa của nhân dân ta trong cuộc đấu tranh chống xâm lược. Nhân dân ta lúc nào cũng noi theo nhân nghĩa, khác với giặc Minh “dối trời, lừa dân”, phản lại nhân nghĩa. Chính vì noi theo nhân nghĩa mà nhân dân ta tất thắng, chính vì phản lại nhân nghĩa mà giặc Minh thất bại. Đó là một trong những nội dung căn bản được nhắc đi nhắc lại nhiều lần như một điệp khúc trong thư từ Nguyễn Trãi gửi cho tướng giặc cũng như nhiều lệnh dụ khác của ông.
“Mưu việc lớn phải lấy nhân nghĩa làm đầu. Làm đại tướng phải lấy nhân nghĩa làm gốc”. Đó là một nguyên lí mà Nguyễn Trãi coi như bất di bất dịch. Vì chân thành nghĩ như vậy nên Nguyễn Trãi mới có thể nói về điều đó một cách hào hùng trong nhiều bức thư:
Trong thư trả lời Phương Chính có những câu như: “Bớ nghịch tặc Phương Chính. Kể đạo làm tướng, lấy nhân nghĩa làm gốc, lấy trí dũng làm vốn” (Lại thư trả lời Phương Chính), “Bớ nghịch tặc Phương Chính. Ta nghe nói các bậc làm tướng xưa đều trọng nhân nghĩa mà khinh quyền mưu. Nay các ngươi quyền mưu còn chưa đủ nói gì đến nhân nghĩa.” (Lại thư cho Phương Chính). “Phàm mưu việc lớn phải lấy nhân nghĩa làm gốc, nên công to phải lấy nhân nghĩa làm đầu. Chỉ có đủ nhân nghĩa thì công việc mới vẹn toàn.” (Lại thư trả lời Phương Chính). Quân giặc phản nhân nghĩa như thế nào thì Nguyễn Trãi lại vạch rõ: “Nước các ngươi trước đây nhân khi họ Hồ lỗi đạo, mượn tiếng thương dân đánh kẻ có tội, kỳ thực làm việc bạo tàn, lấn cướp nước ta, bóc lột nhân dân ta, thuế nặng hình phiền, vơ vét của quý, dân mọn nơi làng quê không được sống yên. Lòng nhân nghĩa mà lại thế ư?” (Lại thư trả lời Phương Chính)
Nhân nghĩa vốn là những khái niệm của Nho giáo và có nội dung đạo đức gắn liền với quyền lợi của giai cấp phong kiến. Nhưng dưới ngòi bút của Nguyễn Trãi, nhân nghĩa lại có nội dung lịch sử cụ thể: đó là bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ nhân dân, chống xâm lược, chống bóc lột. Điều đáng căm ghét là chính bọn bóc lột, bọn xâm lược lại nhân danh nhân nghĩa. Cho nên, Nguyễn Trãi đã phải đập tan luận điệu lừa bịp ấy. Bọn tướng giặc thường tự nhận mình là có văn minh, có lễ nghĩa và khinh ta là mọi rợ. Đó thực sự là một sai lầm trong nhận thức thiển cận của chúng. Bởi: “Người còn có kẻ Bắc người Nam, nhưng đạo thì chẳng thế này thế khác. Nhân nhân quân tử, đâu mà không có. Nước An Nam ta tuy xa ở ngoài Ngũ Lĩnh mà danh tiếng là nước thi thư. Những bực trí mưu tài thức chẳng đời nào thiếu vắng. Vì thế phàm những việc ta làm không bao giờ không theo lễ nghĩa, hợp với ý trời, thuận theo lòng người” (Thư dụ thành Bắc Giang). Nguyễn Trãi rất tự hào khẳng định nước ta là một nước có lễ nghĩa, dân tộc ta là một dân tộc văn minh không cần kẻ nào đến khai phá. Trái lại, bọn tự cho mình cái quyền đi “khai hóa” thực ta không có văn minh lễ nghĩa gì cả. Trong thư gửi Vương Thông, Nguyễn Trãi đã vạch rõ sáu điều tất thua của giặc, trong đó có điều thứ năm như sau: “ Ở nước ngươi gian thần chuyên chính, chúa yếu giữ ngôi, xương thịt hại nhau, gia đình sinh biến, đó là điều phải thua thứ năm” (Lại thư dụ Vương Thông). Nội bộ nhà Minh đã mục nát như thế, cương thường điên đảo như thế thì còn làm gì có nhân nghĩa mà đi ban bố cho nước khác. Giặc Minh chỉ là một bọn giả nhân, giả nghĩa mà thôi. Trong điều phải thua thứ sáu, Nguyễn Trãi đã chỉ rõ tính chất chính nghĩa làm nên sức mạnh của quân ta: “Nay tôi dấy nghĩa binh, trên dưới cùng lòng, anh hùng hết sức, quân sĩ càng luyện, khí giới càng tinh, vừa cày ruộng lại vừa đánh giặc. Còn quân sĩ trong thành thì đều mỏi mệt, tự chuốc bại vong” (Lại thư dụ Vương Thông). Nhuệ khí sắc bén, tinh thần đoàn kết vững chắc, ý chí chiến đấu bền bỉ của quân dân ta đều có nguồn gốc từ đại nghĩa dân tộc. Còn giặc Minh mang chiêu bài “điếu dân phạt tội”, “diệt Hồ, phục Trần” để cướp nước ta thì chẳng qua là một bọn lừa bịp tất phải bại vong. Đó là điều Nguyễn Trãi muốn nhấn mạnh. Lúc còn mạnh, giặc Minh đã quen thói trí trá, đến khi yếu chúng không đủ sức đe dọa áp đảo nghĩa quân nữa, cho nên đã tận dụng mọi thủ đoạn lừa dối hòng phục hồi lại tình thế cũ. Bên ta thì trái lại, danh chính ngôn thuận, không việc gì phải ăn gian nói dối. Trong Quân trung từ mệnh tập, Nguyễn Trãi đã đem đối lập thái độ đường hoàng chính đại của nghĩa quân với thái độ ám muội dối trá của quân giặc.
Trong nhiều bức thư gửi cho tướng giặc, Nguyễn Trãi đã vạch rõ bộ mặt phản tín nghĩa của chúng. Có khi là một thái độ mềm mỏng: “Tôi nghe nói: “Chữ tín là vật báu của quốc gia. Người mà không có chữ tín thì dựa vào cái gì mà làm việc…Nếu muốn rút quân thì cứ rút quân, muốn cố thủ thì cứ cố thủ, hà tất bên ngoài nói giảng hòa mà bên trong thì mưu tính khác? Đừng nên trong ngoài bất nhất như thế” (Thư gửi Vương Thông, Sơn Thọ). Có lúc lời văn trở nên nghiêm khắc phẫn nộ trước thái độ trí trá của giặc: “Trước đây bề ngoài thì giả cách giảng hòa, bên trong ngầm mưu gian trá, cứ đào hào đắp lũy, ngồi đợi viện binh, tâm tích không minh bạch, trong ngoài lại khác nhau, sao có thể khiến tôi tin tưởng mà không nghi ngờ được.” (Lại thư dụ Vương Thông). Từ khi quân giặc bị nghĩa quân vây ở thành Đông Quan và một số thành khác. Chúng tìm kế hoãn binh, giả vờ xin giảng hòa, nhưng lại thỉnh thoảng lẻn ra ngoài đánh trộm và còn cho gọi viện binh từ Trung Quốc sang. Nghĩa quân một mặt khép chặt vòng vây hơn, một mặt chuẩn bị đòn đánh viện binh. Trong khi đó thì trên mặt trận ngoại giao Nguyễn Trãi kiên quyết đấu tranh với giặc, dùng lí lẽ buộc chúng phải tuân theo lời ước cũ. Khi thì thuyết phục, khi thì đả kích, Nguyễn Trãi đã vạch cho giặc thấy rằng giữ tròn chữ tín chỉ có lợi cho chúng.
Trái với quân địch, quân ta lúc nào cũng giữ chữ tín, trước sau như một muốn thực hiện lời giao ước cho địch giảng hòa. Trong hầu hết các bức thư gửi cho tướng giặc khi chúng đã thất thế, Nguyễn Trãi đều nêu thiện ý quân ta sẵn sàng cung cấp mọi phương tiện, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho tàn quân của Vương Thông rút về nước yên ổn. Sau này ta đã thực hiện đúng như lời hứa.
Lập trường của Nguyễn Trãi lúc nói về địch và ta quả là lập trường của một người chiến sĩ: dưới ngòi bút của ông, tướng Minh hiện ra như một bọn người độc ác mà đớn hèn, trí trá mà ngu xuẩn, trái lại nghĩa quân thì khoan hồng nhưng dũng mãnh, trung thực nhưng khôn ngoan. Và điều đó quả đúng với sự thật.
Như vậy, tập Quân trung từ mệnh mà Nguyễn Trãi viết thay cho Lê Lợi bằng tất cả nhiệt huyết và trí tuệ sắc bén có giá trị như những bài văn chiến đấu góp phần chiến thắng kẻ thù xâm lược. Những nội dung mà Nguyễn Trãi đã đề cập về chủ nghĩa yêu nước, tư tưởng nhân nghĩa thực sự không chỉ có giá trị trong thời đại của ông mà còn có giá trị vững bền trong cả cuộc sống hôm nay và mai sau.
1. Tinh thần yêu nước, không đội trời chung với kẻ thù
Những bức thư mà Nguyễn Trãi viết cho kẻ địch không phải chỉ là những điều suy nghiệm thuần lí trí mà còn ẩn chứa những tình cảm cháy bỏng, tha thiết với đất nước, nhân dân Việt Nam. Dù rằng trong tập văn luận chiến, lí lẽ là chủ đạo, phương pháp lập luận là quan trọng nhưng thấm trong từng câu văn Ức Trai là một ước vọng quật ngã kẻ thù xâm lược, giành lại độc lập tự do cho đất nước.
Với Nguyễn Trãi, yêu nước trước hết là nỗi thương xót muôn dân phải chịu cảnh đọa đầy dưới sự thống trị hà khắc của quân giặc. Trong nhiều trang thư, ông đã thống thiết nói lên điều đó: “ Song không làm cho nước đã diệt được phục hưng, dòng đã tuyệt được kế nối, mà lại muốn cùng binh độc vũ, khiến người vô tội liền năm thiệt mạng dưới gươm đao, dân hiền lành liền năm dầm gan ở ngoài nội cỏ. Lẽ nào bụng dạ bực nhân nhân quân tử lại như thế ư?” (Lại thư cho Vương Thông). Những câu hỏi ông đặt ra cho người đối diện, kẻ nắm giữ biết bao sinh mạng con người như xoáy sâu vào tâm can y, khiến y không thể thờ ơ: “Nước các ngươi trước đây nhân khi họ Hồ lỗi đạo, mượn tiếng thương dân đánh kẻ có tội, kì thực làm việc bạo tàn, lấn cướp nước ta, bóc lột nhân dân ta, thuế nặng hình phiền, vơ vét của quý, dân mọn nơi làng quê không được sống yên. Lòng nhân nghĩa mà lại thế ư?” (Lại thư trả lời Phương Chính). Câu hỏi như muốn dồn kẻ đối thoại vào đường cùng của cuộc đấu trí.
Nguyễn Trãi không chỉ là một nhà quân sự, chính trị, ông còn là một nhà văn, nhà thơ, nhà văn hóa lớn. Chính vì thế, yêu nước với ông còn là niềm tự hào về giá trị văn hiến vững bền của dân tộc. Sang xâm chiếm nước ta, giặc Minh đã tàn bạo thi hành rất nhiều chính sách nhằm đồng hóa dân tộc ta, đốt phá mọi của cải văn hóa, tinh thần của người Việt Nam ta. Vì thế ta phải khẳng định rõ ràng với chúng rằng trình độ văn minh của ta không thua kém gì bọn chúng và dân tộc ta quyết tâm bảo vệ nền văn hiến ấy đến cùng. Nguyễn Trãi đặc biệt nhấn mạnh đến truyền thống văn hóa tinh thần riêng biệt của Đại Việt, độc lập với nền văn hóa Trung Quốc. Trong thư dụ hàng thành Bắc Giang ông khẳng định: “Nước An Nam ta tuy xa ở ngoài Ngũ Lĩnh mà danh tiếng là nước thi thư. Những bậc trí mưu tài thức chẳng đời nào thiếu vắng” (Thư dụ thành Bắc Giang). Ý định dập vùi mọi truyền thống tốt đẹp của nước ta thực sự chỉ là ảo tưởng của quân giặc mà thôi.
Nền văn hiến của dân tộc ta không chỉ được khẳng định qua những lời Nguyễn Trãi nói trong thư mà còn được khẳng định qua chính những gì mà nghĩa quân Lam Sơn và Nguyễn Trãi thể hiện trong suốt cuộc đấu tranh chống xâm lược. Đó chính là vẻ đẹp của những con người dũng cảm, kiên cường nhưng cũng rất khoan dung, nhân ái. Họ thông minh và cũng rất hiền hòa. Họ biết trọng chữ “tín”, biết đem tấm lòng thành thực đáp lại với thành thực, biết yêu chuộng hòa bình, biết tự hào về truyền thống đấu tranh quật cường của dân tộc.
Tấm lòng yêu nước của Nguyễn Trãi trong hoàn cảnh đất nước có giặc ngoại xâm không thể không gắn với việc tố cáo tội ác của giặc. Nguyễn Trãi đã đem đối lập giữa cái đẹp của dân tộc ta với cái xấu xa của quân địch, cái nhân nghĩa sáng ngời của ta với cái phản nhân nghĩa của chúng, cái tín nghĩa mà ta thực hiện với cái bất tín mà chúng đã làm, cái chân thành, cao thượng của ta với cái giả trá, thấp hèn của chúng…Ý nghĩa tố cáo kẻ thù nhờ thế càng thêm sắc cạnh, thêm đanh thép, thêm hùng hồn.
Ngay từ bức thư mở đầu, dưới danh nghĩa là thư xin hàng, bằng giọng văn mang tính phân trần, kể lể Nguyễn Trãi đã chất vào đó nỗi căm hờn oán giận về tội ác quân giặc gây ra đối với dân ta: “Nhữ Hốt liền báo với quan quản binh cùng nội quan Mã Kỳ, vô cớ dẫn quân đến đánh úp bọn chúng tôi, chẳng kể trẻ hay già đều bị chém giết bắt bớ. Họ hàng tôi tan tác, vợ con tôi chia lìa. Lại khai quật mồ mả cha ông tôi mà phơi bày hài cốt” (Thư xin hàng). Lời tạ tội cũng đồng thời là lời buộc tội giặc Minh từ to đến nhỏ.
Cùng với thời gian, lực lượng nghĩa quân ngày một lớn mạnh, những cuộc đối đầu với kẻ thù do họ chủ động đưa lại kết quả nhiều hơn, liên tiếp hơn, thì những lời buộc tội của Nguyễn Trãi trong thư từ gửi cho tướng giặc cũng thêm phần cứng rắn, quyết liệt hơn: “Bớ nghịch tặc Phương Chính. Kể đạo làm tướng, lấy nhân nghĩa làm gốc, lấy trí dũng làm vốn. Nay bọn bay chỉ chuộng lừa dối, bắt giết kẻ vô tội, hãm người vào chỗ chết mà không xót thương là cớ làm sao? ” (Lại thư trả lời Phương Chính)
Với Nguyễn Trãi, mỗi tên tướng tá, quan lại giặc Minh hiện ra, không phải chỉ là hình ảnh riêng của cá nhân hắn mà còn có ý nghĩa tượng trưng cho cả tập đoàn chủ tớ của đội quân xâm lăng. Nguyễn Trãi mượn tiếng chửi một tên để lên án cả bọn vua tôi nhà Minh: “Nước các ngươi trước đây nhân khi họ Hồ lỗi đạo, mượn tiếng thương dân đánh kẻ có tội, kỳ thực làm việc bạo tàn.” (Lại thư trả lời Phương Chính)
Tất nhiên, không vì yêu cầu tố cáo tội ác chung của cả bọn mà người viết bỏ quên hành vi cụ thể của từng tên. Dưới ngòi bút của Nguyễn Trãi, bộ mặt tàn ác đủ vẻ của chúng đều bị phơi bày: Phương Chính thì cực kì bất nhân, bất nghĩa, giết chóc không ghê tay, nhưng khi thất thế lại “đóng thành bền giữ như mụ già”; Vương Thông, vừa đa nghi vừa do dự, không biết giữ chữ tín, mưu kế gian trá “ngoài nói giảng hòa mà trong lại mưu kế khác”, Liễu Thăng hữu dũng vô mưu hung ác nhưng lại kiêu căng, không biết mình biết người.
Có thể nói, bao nhiêu bức thư là bấy nhiêu cách Nguyễn Trãi bêu riếu kẻ thù. Ông hạ uy thế của chúng bằng cách gieo vào lòng chúng những nghi ngờ về thực chất của tài năng, nhân cách, đạo nghĩa, lí tưởng hành động, chiến đấu… của chính chúng. Những lời tố cáo của ông rõ ràng mang tính chân thực và tính khái quát cao độ. Nó thể hiện một tinh thần yêu nước thiết tha và ý chí quyết tâm chiến đấu đến cùng để giành độc lập cho dân tộc.
2. Sự nhận thức chính xác về chiều hướng tất thắng của ta, tất bại của địch
Từ sự thấu suốt của mình đối với diễn biến của cuộc chiến, Nguyễn Trãi đã đưa ra hàng loạt những luận điểm khẳng định nhận thức đúng đắn của ông về xu thế tất thắng của ta, tất bại của địch. Đó cũng chính là điểm mấu chốt làm chỗ tựa cho Ức Trai trong hầu hết các lập luận của ông nhằm dụ hàng kẻ địch. Trong rất nhiều bức thư, ông chỉ rõ tầm quan trọng của việc nắm được thời cơ. Thời, theo Nguyễn Trãi chính là xu thế tất yếu của lịch sử, là một vấn đề của hiện thực khách quan và con người sáng suốt, thông minh là người có con mắt nhìn thấu những biến chuyển bên trong của sự vật. Nghĩa là phải “thông biến”. Để thuyết phục địch có lúc Nguyễn Trãi đứng về phía quyền lợi chính đáng của tướng Minh mà bàn bạc phải trái, vạch cho chúng con đường đi đúng đắn. Ông hay nhắc đến chữ thời và chữ thế. Viết cho Vương Thông, ông nói: “Tôi từng nghe nói Kinh Dịch có ba trăm tám mươi tư hào, mà cốt yếu ở chữ “Thời”. Cho nên người quân tử tùy theo thời thế mà ứng biến. Chữ “Thời” có ý nghĩa to tát làm sao! Ngày trước khi mới sang đánh Giao Chỉ, Tướng quân vâng mệnh đi đánh kẻ có tội, bấy giờ là một thời vậy. Ngày nay vận trời tuần hoàn, không có gì đi rồi mà không quay trở lại… Bảo là tùy thời ứng biến, chính là ở chỗ phải lo liệu từ sớm.” (Lại thư dụ Vương Thông). “Kể ra người dùng binh giỏi là ở chỗ biết rõ thời thế mà thôi. Được thời có thế thì mất biến thành còn, nhỏ hóa ra lớn; mất thời thất thế thì mạnh hóa ra yếu, yên lại chuyển nguy. Sự thay đổi ấy chỉ trong khoảnh khắc trở bàn tay mà thôi” (Lại thư dụ Vương Thông). “Tôi nghe: Cái điều đáng quý ở người tuấn kiệt là ở chỗ biết thời thế, hiểu sự biến mà thôi” (Lại thư cho Vương Thông). Phân tích thời và thế, Nguyễn Trãi nêu rõ rằng, lúc trước khác, bây giờ khác. Lúc trước quân Minh mượn danh diệt nhà Hồ là kẻ cướp ngôi, phục hồi nhà Trần là triều đại chính thống cho nên tạm thời có thể thành công. Bây giờ ở lại chiếm đóng, thống trị, vơ vét, bóc lột lại là một việc làm phi nghĩa để mất lòng dân. Cho nên nếu không sớm rút lui sẽ bị tiêu diệt. Lúc trước, quân Lam Sơn còn ở thế yếu mà quân Minh còn chẳng làm gì nổi nữa là bây giờ quân Lam Sơn đã có phần lớn đất đai. Hơn nữa, binh lính trong quân Minh lại chán nản, nhiều nơi đã đầu hàng. Nếu còn ngoan cố, trì hoãn không chịu rút quân thế tất thua to. Đó là nội dung các bức thư gửi cho Vương Thông khi viên tướng này tuy còn có nhiều quân nhưng đã nao núng. Nguyễn Trãi nhận xét tình hình và tính toán hộ tướng giặc như sau: “Nay tính hộ các ông thì có sáu điều phải thua. Nước lũ mùa hạ chảy tràn, cầu sàn, rào lũy sụp lở, củi cỏ thiếu thốn, ngựa chết quân ốm. Đó là điều phải thua thứ nhất. Xưa Đường Thái Tôn bắt Kiến Đức mà Thế Sung phải ra hàng. Nay các con đường, cửa ải xa xôi hiểm trở đều bị binh lính và voi chiến của tôi đồn giữ, nếu viện binh có đến, thì cũng muôn phần tất phải thua; viện binh đã thua, bọn các ông tất bị bắt. Đó là điều phải thua thứ hai. Quân mạnh ngựa khỏe nay đều đóng cả ở biên giới phía Bắc để phòng bị quân Nguyên, không rỗi nhìn đến miền Nam. Đó là điều phải thua thứ ba. Luôn luôn động binh đao, liên tiếp bày đánh dẹp, dân sống không yên, nhao nhao thất vọng. Đó là điều phải thua thứ tư. Gian thần chuyên chính, bạo chúa giữ ngôi, người cốt nhục hại nhau, chốn cung đình sinh biến. Đó là điều phải thua thứ năm. Nay tôi dấy nghĩa binh, trên dưới cùng lòng, anh hùng hết sức, quân sĩ càng luyện, khí giới càng tinh, vừa cày ruộng lại vừa đánh giặc. Còn quân sĩ trong thành thì đều mỏi mệt, tự chuốc bại vong. Đó là điều phải thua thứ sáu” (Lại thư dụ Vương Thông). Một mặt vạch con đường sáng cho tướng giặc, một mặt Nguyễn Trãi lại nêu cái lẽ tùy thời thông biến cho tướng giặc có thể dựa vào đó để rút quân mà bớt xấu hổ. Đó cũng là một cách thông cảm với sĩ diện của tướng sĩ “Thiên triều”. Ông viết: “Nay trộm tính giùm các ông, chẳng gì bằng cùng Thái Đô đốc đem quân về nước là hơn cả… Kinh Dịch có câu: “Cùng thì biến, biến thì thông”. Các ông không nghĩ đến điều đó, lại cứ khư khư ôm giữ cái tiểu tiết của Trương Tuần, Hứa Viễn, ta e sĩ tốt của các ông ngày đêm thiết tha mong về, lại thêm cơm cháo chẳng no, bệnh tật lây lan, dẫu ông muốn đánh với giữ, đã dễ ai theo” (Lại thư cho Vương Thông). Từ lí lẽ cho đến thái độ, những bức thư của Nguyễn Trãi đều có sức thuyết phục mạnh mẽ. Nguyễn Trãi rất chú ý đến đối tượng, đến kẻ đọc thư của mình. Đối với những tên ra mặt hung hăng như Phương Chính, Mã Kỳ thì từ cách xưng hô cho đến nội dung và lời văn thường có tính chất đả kích không thương tiếc. Trái lại đối với những hạng người có thể tranh thủ được như Thái Phúc và tướng sĩ cấp dưới, thì từ cách xưng hô cho đến nội dung và lời văn đều có tính chất ôn tồn trọng thị. Đối với hạng tướng tá cấp cao như Tổng binh Vương Thông, nếu thuyết phục được là có thể kết thúc chiến tranh, thì Nguyễn Trãi lại tỏ thái độ kiên nhẫn vừa phê phán, vừa tranh thủ. Còn lời lẽ trong các bài biểu và tấu gửi vua Minh thì lại nhún nhường. Ngay trong thư từ gửi các tướng Minh, khi nói đến vua Minh thì bao giờ cũng ra vẻ suy tôn. Đó chẳng qua chỉ là một thuật ngoại giao, thực tế không ảnh hưởng gì đến chủ quyền quốc gia cả. Nhưng điều đó lại góp phần đưa đến quan hệ hòa bình giữa nước nhỏ và nước lớn trong hoàn cảnh chế độ phong kiến. Vấn đề đối với nghĩa quân lúc bấy giờ là làm sao cho nhà Minh từ bỏ cái tham vọng chiếm đóng nước ta, đừng cho viện binh sang và chịu rút quân về.
Có khi kẻ đối thoại là đám tướng hiệu, quan viên, quân nhân ít học thì Nguyễn Trãi lại lựa một cách nói đơn giản mà hiệu quả là chính những so sánh cụ thể, gần gũi nhất với chúng, để chúng có thể dễ dàng tiếp cận với chữ “thời”: “Nếu các ngươi cho là thành cao, hào sâu, lương thực lại nhiều thì thử xem như ở các xứ Thanh Hóa, Diễn [Châu], Nghệ [An], thành không phải là không cao, hào không phải là không sâu, lương thực không phải là không nhiều, quân không phải là không mạnh, mà như Thái Đô đốc so với các ngươi chức không phải không to, trí không phải không sáng, mà còn tùy thời ứng biến để bảo toàn tính mệnh cho mấy vạn con người.” (Thư dụ thành Bắc Giang)
Nguyễn Trãi cũng đặc biệt nhấn mạnh đến tình hình rối ren trên đất nước Trung Quốc những năm 1425 – 1427 mà tình hình đó theo ông là nhân tố chính yếu của chữ “Thời”, nhìn từ góc độ nội tại của kẻ địch: “…Huống chi ở nước các ông, quốc vương liền năm tử táng, cốt nhục tàn hại lẫn nhau, giặc phương Bắc xâm lăng, các đại thần bỏ rơi không phò tá. Lại thêm nạn mất mùa liên tiếp, việc thổ mộc luôn bày, chính lệnh phiền hà, giặc cướp nổi lên như ong…” (Lại thư cho Vương Thông)
Tuy vận dụng vào từng nơi từng lúc có khác nhau nhưng chữ “thời” của Nguyễn Trãi trước sau vẫn mang những nét nhất quán, nó như mạch ngầm xuyên suốt toàn bộ tập Quân trung từ mệnh. Hơn thế nữa, cũng chính Nguyễn Trãi, nhờ thông qua thực tế chiến đấu mà tích lũy được nhiều kinh nghiệm nên nhận thức về chữ “thời” ngày càng sâu sắc, tinh tường hơn. Và dần dần, càng về cuối cuộc đấu tranh, ông có khuynh hướng quy tụ các nhân tố đã phát biểu đây đó rời rạc lại để thành một quan điểm tổng hợp hoàn chỉnh. Ông đã chỉ ra sáu điều phải thua của giặc một cách hệ thống, chính xác khiến chúng không thể chối cãi xu thế tất yếu mà chúng sắp rơi vào.
Cuộc đời Nguyễn Trãi chính là một ví dụ tiêu biểu cho việc vận dụng đúng đắn chữ “Thời ”. Ông cũng đã đem con mắt “được thời thông biến” mà ra làm việc với nhà Hồ, dù ông là cháu ngoại Trần Nguyên Đán, và chính con mắt ấy đã đưa ông đến được với khởi nghĩa Lam Sơn. Vận dụng chữ “Thời” để đánh giặc, với Ức Trai đó không chỉ là tất cả niềm tin, nhiệt tình và vốn tri thức sâu rộng mà còn là cả những kinh nghiệm vốn sống mà ông thực sự trải nghiệm và có cơ hội kiểm chứng. Nhờ đó, những bức thư của ông mang đầy sức thuyết phục bởi tính chân xác của những dẫn chứng, lập luận được tác giả đưa ra.
3. Tư tưởng nhân nghĩa
Trong Quân trung từ mệnh tập, Nguyễn Trãi đã giương cao ngọn cờ chính nghĩa của nhân dân ta trong cuộc đấu tranh chống xâm lược. Nhân dân ta lúc nào cũng noi theo nhân nghĩa, khác với giặc Minh “dối trời, lừa dân”, phản lại nhân nghĩa. Chính vì noi theo nhân nghĩa mà nhân dân ta tất thắng, chính vì phản lại nhân nghĩa mà giặc Minh thất bại. Đó là một trong những nội dung căn bản được nhắc đi nhắc lại nhiều lần như một điệp khúc trong thư từ Nguyễn Trãi gửi cho tướng giặc cũng như nhiều lệnh dụ khác của ông.
“Mưu việc lớn phải lấy nhân nghĩa làm đầu. Làm đại tướng phải lấy nhân nghĩa làm gốc”. Đó là một nguyên lí mà Nguyễn Trãi coi như bất di bất dịch. Vì chân thành nghĩ như vậy nên Nguyễn Trãi mới có thể nói về điều đó một cách hào hùng trong nhiều bức thư:
Trong thư trả lời Phương Chính có những câu như: “Bớ nghịch tặc Phương Chính. Kể đạo làm tướng, lấy nhân nghĩa làm gốc, lấy trí dũng làm vốn” (Lại thư trả lời Phương Chính), “Bớ nghịch tặc Phương Chính. Ta nghe nói các bậc làm tướng xưa đều trọng nhân nghĩa mà khinh quyền mưu. Nay các ngươi quyền mưu còn chưa đủ nói gì đến nhân nghĩa.” (Lại thư cho Phương Chính). “Phàm mưu việc lớn phải lấy nhân nghĩa làm gốc, nên công to phải lấy nhân nghĩa làm đầu. Chỉ có đủ nhân nghĩa thì công việc mới vẹn toàn.” (Lại thư trả lời Phương Chính). Quân giặc phản nhân nghĩa như thế nào thì Nguyễn Trãi lại vạch rõ: “Nước các ngươi trước đây nhân khi họ Hồ lỗi đạo, mượn tiếng thương dân đánh kẻ có tội, kỳ thực làm việc bạo tàn, lấn cướp nước ta, bóc lột nhân dân ta, thuế nặng hình phiền, vơ vét của quý, dân mọn nơi làng quê không được sống yên. Lòng nhân nghĩa mà lại thế ư?” (Lại thư trả lời Phương Chính)
Nhân nghĩa vốn là những khái niệm của Nho giáo và có nội dung đạo đức gắn liền với quyền lợi của giai cấp phong kiến. Nhưng dưới ngòi bút của Nguyễn Trãi, nhân nghĩa lại có nội dung lịch sử cụ thể: đó là bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ nhân dân, chống xâm lược, chống bóc lột. Điều đáng căm ghét là chính bọn bóc lột, bọn xâm lược lại nhân danh nhân nghĩa. Cho nên, Nguyễn Trãi đã phải đập tan luận điệu lừa bịp ấy. Bọn tướng giặc thường tự nhận mình là có văn minh, có lễ nghĩa và khinh ta là mọi rợ. Đó thực sự là một sai lầm trong nhận thức thiển cận của chúng. Bởi: “Người còn có kẻ Bắc người Nam, nhưng đạo thì chẳng thế này thế khác. Nhân nhân quân tử, đâu mà không có. Nước An Nam ta tuy xa ở ngoài Ngũ Lĩnh mà danh tiếng là nước thi thư. Những bực trí mưu tài thức chẳng đời nào thiếu vắng. Vì thế phàm những việc ta làm không bao giờ không theo lễ nghĩa, hợp với ý trời, thuận theo lòng người” (Thư dụ thành Bắc Giang). Nguyễn Trãi rất tự hào khẳng định nước ta là một nước có lễ nghĩa, dân tộc ta là một dân tộc văn minh không cần kẻ nào đến khai phá. Trái lại, bọn tự cho mình cái quyền đi “khai hóa” thực ta không có văn minh lễ nghĩa gì cả. Trong thư gửi Vương Thông, Nguyễn Trãi đã vạch rõ sáu điều tất thua của giặc, trong đó có điều thứ năm như sau: “ Ở nước ngươi gian thần chuyên chính, chúa yếu giữ ngôi, xương thịt hại nhau, gia đình sinh biến, đó là điều phải thua thứ năm” (Lại thư dụ Vương Thông). Nội bộ nhà Minh đã mục nát như thế, cương thường điên đảo như thế thì còn làm gì có nhân nghĩa mà đi ban bố cho nước khác. Giặc Minh chỉ là một bọn giả nhân, giả nghĩa mà thôi. Trong điều phải thua thứ sáu, Nguyễn Trãi đã chỉ rõ tính chất chính nghĩa làm nên sức mạnh của quân ta: “Nay tôi dấy nghĩa binh, trên dưới cùng lòng, anh hùng hết sức, quân sĩ càng luyện, khí giới càng tinh, vừa cày ruộng lại vừa đánh giặc. Còn quân sĩ trong thành thì đều mỏi mệt, tự chuốc bại vong” (Lại thư dụ Vương Thông). Nhuệ khí sắc bén, tinh thần đoàn kết vững chắc, ý chí chiến đấu bền bỉ của quân dân ta đều có nguồn gốc từ đại nghĩa dân tộc. Còn giặc Minh mang chiêu bài “điếu dân phạt tội”, “diệt Hồ, phục Trần” để cướp nước ta thì chẳng qua là một bọn lừa bịp tất phải bại vong. Đó là điều Nguyễn Trãi muốn nhấn mạnh. Lúc còn mạnh, giặc Minh đã quen thói trí trá, đến khi yếu chúng không đủ sức đe dọa áp đảo nghĩa quân nữa, cho nên đã tận dụng mọi thủ đoạn lừa dối hòng phục hồi lại tình thế cũ. Bên ta thì trái lại, danh chính ngôn thuận, không việc gì phải ăn gian nói dối. Trong Quân trung từ mệnh tập, Nguyễn Trãi đã đem đối lập thái độ đường hoàng chính đại của nghĩa quân với thái độ ám muội dối trá của quân giặc.
Trong nhiều bức thư gửi cho tướng giặc, Nguyễn Trãi đã vạch rõ bộ mặt phản tín nghĩa của chúng. Có khi là một thái độ mềm mỏng: “Tôi nghe nói: “Chữ tín là vật báu của quốc gia. Người mà không có chữ tín thì dựa vào cái gì mà làm việc…Nếu muốn rút quân thì cứ rút quân, muốn cố thủ thì cứ cố thủ, hà tất bên ngoài nói giảng hòa mà bên trong thì mưu tính khác? Đừng nên trong ngoài bất nhất như thế” (Thư gửi Vương Thông, Sơn Thọ). Có lúc lời văn trở nên nghiêm khắc phẫn nộ trước thái độ trí trá của giặc: “Trước đây bề ngoài thì giả cách giảng hòa, bên trong ngầm mưu gian trá, cứ đào hào đắp lũy, ngồi đợi viện binh, tâm tích không minh bạch, trong ngoài lại khác nhau, sao có thể khiến tôi tin tưởng mà không nghi ngờ được.” (Lại thư dụ Vương Thông). Từ khi quân giặc bị nghĩa quân vây ở thành Đông Quan và một số thành khác. Chúng tìm kế hoãn binh, giả vờ xin giảng hòa, nhưng lại thỉnh thoảng lẻn ra ngoài đánh trộm và còn cho gọi viện binh từ Trung Quốc sang. Nghĩa quân một mặt khép chặt vòng vây hơn, một mặt chuẩn bị đòn đánh viện binh. Trong khi đó thì trên mặt trận ngoại giao Nguyễn Trãi kiên quyết đấu tranh với giặc, dùng lí lẽ buộc chúng phải tuân theo lời ước cũ. Khi thì thuyết phục, khi thì đả kích, Nguyễn Trãi đã vạch cho giặc thấy rằng giữ tròn chữ tín chỉ có lợi cho chúng.
Trái với quân địch, quân ta lúc nào cũng giữ chữ tín, trước sau như một muốn thực hiện lời giao ước cho địch giảng hòa. Trong hầu hết các bức thư gửi cho tướng giặc khi chúng đã thất thế, Nguyễn Trãi đều nêu thiện ý quân ta sẵn sàng cung cấp mọi phương tiện, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho tàn quân của Vương Thông rút về nước yên ổn. Sau này ta đã thực hiện đúng như lời hứa.
Lập trường của Nguyễn Trãi lúc nói về địch và ta quả là lập trường của một người chiến sĩ: dưới ngòi bút của ông, tướng Minh hiện ra như một bọn người độc ác mà đớn hèn, trí trá mà ngu xuẩn, trái lại nghĩa quân thì khoan hồng nhưng dũng mãnh, trung thực nhưng khôn ngoan. Và điều đó quả đúng với sự thật.
Như vậy, tập Quân trung từ mệnh mà Nguyễn Trãi viết thay cho Lê Lợi bằng tất cả nhiệt huyết và trí tuệ sắc bén có giá trị như những bài văn chiến đấu góp phần chiến thắng kẻ thù xâm lược. Những nội dung mà Nguyễn Trãi đã đề cập về chủ nghĩa yêu nước, tư tưởng nhân nghĩa thực sự không chỉ có giá trị trong thời đại của ông mà còn có giá trị vững bền trong cả cuộc sống hôm nay và mai sau.