Ngọc Suka

Cộng tác viên
Hướng dẫn nói và nghe: Kể lại một trải nghiệm đáng nhớ về người thân trong gia đình. Bài viết được chia thành hai phần: phần thứ nhất định hướng và dàn ý hướng dẫn kể lại cho các bạn nghe câu chuyện mà em đã trải nghiệm và có ấn tượng sâu sắc về một người thân trong gia đình; phần hai bài nói tham khảo kể về một trải nghiệm cùng người thân trong gia đình.
Chúng ta cùng nhau tìm hiểu phần thứ nhất: Định hướng và thực hành kể lại một trải nghiệm đáng nhớ – Ngữ văn 6 (Cánh Diều).

Kể lại một trải nghiệm đáng nhớ - Ngữ văn 6 (Cánh diều) - vnkienthuc.png


Nói và nghe: Kể lại một trải nghiệm đáng nhớ

Phần 1: Định hướng cách kể lại một trải nghiệm đáng nhớ

1. Kể lại một trải nghiệm đáng nhớ
của em về người thân trong gia đình là kể về một sự việc, một hành động… của người ấy mà em đã chứng kiến và có ấn tượng sâu sắc. Trong bài nói, người kể sử dụng ngôi thứ nhất, thường xưng “tôi”.

2. Để kể lại một trải nghiệm đáng nhớ về người thân trong gia đình, các em cần:

- Xác định một sự việc, hành động, tình huống… của người thân trong gia đình (ông, bà, cha, mẹ…) mà em đã chứng kiến và để lại ấn tượng sâu sắc.
- Xác định đối tượng người nghe và thời gian em sẽ kể để có cách trình bày phù hợp.
- Tìm ý và lập dàn ý cho bài nói.
- Chuẩn bị các tư liệu, tranh ảnh liên quan đến trải nghiệm sẽ kể (nếu có).
- Nêu lên cảm xúc, suy nghĩ hoặc bài học em rút ra từ trải nghiệm đáng nhớ đó.
- Sử dụng nét mặt, ánh mắt, hành động, phù hợp với câu chuyện để tác động đến người nghe.

Phần 2: Thực hành kể lại một trải nghiệm đáng nhớ

1. Xác định đề tài, người nghe, mục đích, không gian và thời gian nói


- Đọc và xác định yêu cầu của đề bài, lựa chọn trải nghiệm mà em có ấn tượng sâu sắc về một người thân (cha, mẹ, ông hoặc bà…)
Ví dụ: Kể về những trải nghiệm cùng người thân trong gia đình: Đi du lịch, chuyển nhà...
- Nhớ lại chi tiết về trải nghiệm và cảm xúc, suy nghĩ của em qua trải nghiệm.
- Tìm các tư liệu, tranh, ảnh liên quan để minh họa cho trải nghiệm (nếu thấy cần thiết)

2. Tìm ý, lập dàn ý

Bước 1: Tìm ý cho bài kể theo gợi dẫn:

- Nêu sự việc, hành động, tình huống của người thân.
- Phát triển các ý bằng cách đặt và trả lời các câu hỏi:
+ Sự việc, tình huống đó diễn ra vào thời gian nào, ở đâu?
+ Sự việc, tình huống đó cụ thể như thế nào?
+ Em có cảm xúc, tâm trạng, suy nghĩ gì khi chứng kiến sự việc đó?
+ Em rút ra bài học gì từ sự việc, tình huống đó?...

Bước 2: Lập dàn ý kể lại một trải nghiệm (có thể bằng sơ đồ tư duy):

Mở đầu:
Chào hỏi, giới thiệu người thân và sự việc, tình huống người thân để lại ấn tượng sâu sắc trong em.
Nội dung chính: Lựa chọn và sắp xếp các ý tìm được theo một trình tự hợp lí.
Ví dụ: Với bài viết về trải nghiệm khi em bị ốm, mẹ chăm sóc em như thế nào? Em có thể triển khai theo gợi ý sau:
-Nêu lí do xuất hiện trải nghiệm: Em bị mưa ướt, cảm lạnh, người sốt…
- Trình bày diễn biến của trải nghiệm: Có thể trình bày theo gợi ý sau:

Thời gian, địa điểmSuốt đêm, mẹ ở trong phòng em, chăm sóc cho em
Ngoại hình, tâm trạngGương mặt, ánh mắt mẹ lo lắng
Hành động, cử chỉMẹ lấy thuốc, dỗ dành em ăn cháo, uống thuốc, uống nước cam…
Ngôn ngữ, thái độMẹ ân cần hỏi han, động viên em
Tình cảm, cảm xúc của em khi được mẹ chăm sócXúc động, thấy ân hận vì đã không nghe lời mẹ; thấy hạnh phúc hiểu thêm niềm yêu thương, sự quan tâm chăm sóc mà mẹ dành cho mình; thầm nhắc mình phải biết giữ gìn sức khỏe để mẹ khỏi lo lắng, vất vả…
Kết thúc:
- Phát biểu suy nghĩ của mình về tấm lòng người mẹ đối với những người con.
- Bày tỏ mong muốn nhận được sự chia sẻ từ người mẹ về trải nghiệm.

Bước 3: Người nói và người nghe

Người nói​
Người nghe​
-Kể về trải nghiệm theo dàn ý-Lắng nghe chăm chú để hiểu thông tin được chia sẻ
-Sử dụng những từ ngữ thể hiện được trình tự thời gian hoặc diễn biến của sự việc; những từ phù hợp để tả các chi tiết về sự vật, hành động…-Sử dụng cử chỉ, nét mặt, ánh mắt để khích lệ người nói.
-Nói rõ ràng, âm lượng phù hợp, kết hợp lời nói và cử chỉ, ánh mắt, điệu bộ, hình ảnh (nếu có sử dụng). Đảm bảo thời gian quy định.Nêu câu hỏi để được người nói chia sẻ thêm về trải nghiệm (nếu em có mong muốn)
-Trả lời các câu hỏi của người nghe (nếu có)

Bước 4: Kiểm tra và chỉnh sửa
Sau khi viết xong, em có thể tự chỉnh sửa bài văn của mình dựa vào bảng kiểm tra hình thức và nội dung.

Bước 5: Luyện tập và trình bày

Bước 6: Trao đổi, đánh giá

Trong bước này, em sẽ lần lượt đóng hai vai trò người nói và người nghe. Trong vai trò người nghe, em hãy trao đổi với bạn bằng cách:
- Nêu những điểm thú vị trong câu chuyện của bạn.
Ví dụ: Điều tôi thích nhất trong câu chuyện của bạn là…; Tôi học được cách kể chuyện thú vị của bạn qua…
- Nêu câu hỏi về những gì mà em chưa rõ hoặc thấy chưa hợp lí.
Ví dụ: Có thể thay đổi thứ tự các sự việc như thế này được không? Nếu như bạn miêu tả chi tiết… rõ hơn thì câu chuyện sẽ thú vị hơn!

Xem thêm bài: https://vnkienthuc.com/threads/tap-lam-tho-luc-bat-ngu-van-6-canh-dieu.88618/

Như vậy, chúng ta đã cùng nhau tìm hiểu về bài nói và nghe kể lại một trải nghiệm đáng nhớ - Ngữ văn 6 (Cánh diều). Để tham khảo bài nói kể về một trải nghiệm cùng người thân trong gia đình mời các bạn theo dõi tiếp bài viết dưới đây.

Trần Ngọc
 

Đề bài: Hãy kể lại cho các bạn nghe câu chuyện mà em đã trải nghiệm và có ấn tượng sâu sắc về một người thân trong gia đình.

Kể lại một trải nghiệm đáng nhớ - Ngữ văn 6 (Cánh diều) - vnkienthuc.png


Bài nói tham khảo kể lại một trải nghiệm

Phần 1: Chào hỏi và giới thiệu

Phần 2: Bắt đầu nội dung bài nói


Ngày hôm nay, như thường lệ, sau bữa cơm tối sum vầy, đầm ấm cùng gia đình, em lại giúp mẹ rửa bát, lau bàn ăn sạch sẽ rồi mới trở về phòng học bài. Thói quen này được em giữ cũng đã khá lâu rồi, từ một lần em phạm phải một sai lầm đến tận bây giờ vẫn còn nhớ rõ.

Hồi đó, em là một học sinh lớp 4, thường được thầy cô khen là chăm ngoan, học giỏi. Bố mẹ ai cũng tự hào về em. Và chính em cũng lấy làm vinh dự về những thành tích học tập mà mình đạt được. Những điều đó biến em trở thành một học sinh cho rằng chỉ cần học tập chăm chỉ, giỏi giang là tất cả. Chính vì thế, tự mãn với những gì đạt được, ngoài giờ học “vất vả” em dành những thời gian còn lại để vui chơi, giải trí. Dù đã học lớp 4 nhưng em chẳng khi nào động tay đến một công việc nhà nào giúp bố mẹ cả. Và một phần cũng vì bố mẹ rất thương em, chẳng bảo em làm việc gì hết, để em có thời gian học tập, vui chơi.

Điều đó cứ tiếp diễn cho đến một ngày chủ nhật nọ. Hôm đó, em đã ngủ đến tận 10 giờ trưa mới dậy vì cả tuần dậy sớm đi học. Xuống nhà, một mâm cơm ngon lành đã được bày sẵn, và một mẩu giấy nhỏ với lời nhắn của mẹ: “Nhi ơi, hôm nay bố mẹ có việc ở cơ quan nên phải đi làm, đến chiều mẹ mới về. Con ăn cơm xong thì dọn dẹp ngăn nắp nhé”. Thế nhưng, em chỉ đọc qua loa, rồi ngồi xuống ăn cơm. Xong xuôi, em vội chạy lên nhà thay áo quần rồi sang nhà bạn chơi, để lại bàn ăn lộn xộn mà không dọn dẹp. Vì em nghĩ rằng, chờ mẹ về rồi mẹ sẽ dọn dẹp mà thôi.

Chiều hôm ấy, khi em trở về nhà thì mẹ đang lúi húi dọn dẹp ở trong bếp. Đứng từ ngoài cửa nhìn vào, em thấy rõ vẻ mệt mỏi, chán chường trên khuôn mặt mẹ. Đôi bàn tay thoăn thoắt mọi ngày hôm nay cũng chậm chạp hơn. Chợt em cảm thấy mình sao vô tâm quá. Mẹ đã phải làm việc vất vả suốt ngày ở cơ quan, về nhà lại phải làm bao công việc khác. Còn em, chỉ phải đi học ở trường, về nhà thì vui chơi, nghỉ ngơi thoải mái. Nhớ lại những suy nghĩ, hành động vô tâm của mình trước đây, em thấy mình thật là một đứa con bất hiếu.

Vậy là trước ánh mắt ngạc nhiên của mẹ, em tiến vào bếp, cầm lấy chiếc khăn rồi lau bàn thật cẩn thận. Tuy chỉ là một hành động nhỏ, nhưng em thấy rõ được niềm vui trên khuôn mặt của mẹ. Nhìn nụ cười ấy, em cố nén nước mắt và chào mẹ:
- Mẹ ơi, để con phụ mẹ nhé!
- Ừ - Mẹ trả lời bằng một giọng nói vô cùng hạnh phúc.

Từ hôm đó, cứ có thời gian là em lại giúp mẹ làm các công việc nhà như quét nhà, phơi áo quần… Và đặc biệt là công việc rửa bát sau khi ăn cơm đã được em nhận là của mình, không để mẹ phải làm một lần nào nữa. Bởi em đã nhận ra được lỗi lầm của mình, và muốn bù đắp lại cho mẹ sau những hành động vô tâm của mình.

Giờ đây, em đã là một cô bé chăm chỉ và biết quan tâm đến mẹ nhiều hơn. Bây giờ, mẹ không chỉ tự hào vì em là một học sinh giỏi, mà còn tự hào vì em là đứa con ngoan, biết giúp đỡ gia đình. Điều đó, khiến em vô cùng hạnh phúc, và có thêm động lực để hoàn thiện mình hơn mỗi ngày.

Phần 3: Kết thúc bài nói

Xin cảm ơn các bạn đã chú ý lắng nghe. Rất mong nhận được sự đóng góp chân thành từ các bạn để bài nói được hoàn thiện hơn.
 

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top