Johannes Kepler

ngan trang

New member
Johannes Kepler (1571-1630), nhà Thiên văn học Ðức lừng danh, một trong những nhà sáng lập ngành Thiên văn



Ngày nay các nhà khoa học thường nói tới việc phóng các phi thuyền lên không gian để thám hiểm vũ trụ. Ý tưởng này đã được một nhà thiên văn đề cập tới hơn 300 năm trước. Nhưng vào thời bấy giờ, không ai để ý đến ý tưởng táo bạo này. Không ai giúp đỡ bậc thiên tài bất hủ này. Johannes Kepler, một vì sao sáng của Khoa Thiên Văn, đã sống trong cảnh nghèo túng và đã chết trong cảnh u buồn.
1/ Thuở trẻ của Kepler.


kepler01.jpg
Johannes Kepler sinh ngày 27/12/1571 tại Weil der Stadt (gần Stuttgart), miền Württemberg nước Đức. Cậu bé này chào đời thiếu tháng giống như Isaac Newton vì vậy ngay từ thuở nhỏ, Kepler thường đau yếu. Cha của Kepler làm lính đánh thuê và mẹ là một người đàn bà tầm thường. Khi Kepler được 2 tuổi, người Hòa Lan nổi lên chống lại quân Tây Ban Nha và cha Kepler sang dự chiến trận tại Hòa Lan. Mẹ cậu cũng sang theo, vì thế cậu Kepler được giao cho ông bà nội coi sóc. Năm lên 4 tuổi, Kepler bị bệnh đậu mùa và sau khi khỏi, căn bệnh đã để lại trên mặt cậu những đốm rỗ và khiến cho mắt của cậu kém đi.
Thuở thiếu thời của Kepler thật là bất hạnh. Trong khi những đứa trẻ khác được đi học, được ăn no mặc ấm, được sống đầy đủ trong tình thương yêu của cha mẹ thì Kepler kéo dài những ngày khốn khổ trong một quán rượu nghèo, cả ngày cậu phải rót rượu, bưng nước, chạy việc vặt. Năm 13 tuổi, Kepler làm việc trong một nông trại nhỏ. Cuộc sống mới này tuy đỡ vất vả nhưng cũng chẳng dễ chịu. Cảnh cực khổ dày vò mãi con người mảnh khảnh này và sắp sửa đưa cậu tới gặp tử thần thì Kepler được người chị gái giúp đỡ. Bà này xin chồng khi đó làm mục sư Tin Lành, để dẫn em về nuôi. Nhờ vậy Kepler được người anh rể dạy cho biết đọc, biết viết, rồi ít lâu sau, cậu được vào học trong một tu viện Tin Lành tại Maulbronn.
Lúc mới theo học, Kepler rất kém về Toán, ngoài ra môn Thần Học đã là một trở ngại đối với cậu. Nhưng bản chất thông minh của cậu đã được các thầy giáo chú ý và quý mến. Nhờ học hành tiến bộ, Kepler được theo học tại trường đại học Tübingen. Kepler quyết định trở thành một mục sư sau này nên cậu chỉ coi khoa Thiên Văn như một môn học thỏa mãn trí tò mò. Nhưng ông Möstlin, giáo sư Toán và Thiên Văn, ngay từ đầu đã nhận thấy ở Kepler một thiên tài. Ông không quản ngại chỉ dạy cặn kẽ cho cậu học trò này và cũng vì vậy trong suốt cuộc đời, Kepler bao giờ cũng nhớ ơn vị ân nhân kể trên đã mở đường khai lối cho mình tới bến vinh quang.
2/ Nghiên cứu Thiên Văn.

ptolemee1.jpg
aristarchus.jpg
copernic01.jpg
PtolemyAristarchusCopernicus

Nhờ sự tận tâm của Giáo Sư Möstlin, Kepler làm quen dần các lý thuyết của các nhà thiên văn danh tiếng như Ptolemy, Aristarchus, Copernicus... Chẳng bao lâu, Kepler say mê khoa Thiên Văn. Kepler đã có ý tưởng táo bạo như sau: Mục đích của tôi là làm thế nào chứng tỏ rằng cách xoay vần của các thiên thể giống như sự vận chuyển của một bộ máy đồng hồ, và tôi muốn chứng minh rằng tất cả chuyển động phức tạp của các thiên thể đều do một thứ lực độc nhất chi phối. Nhưng các giáo sư trường Đại Học Tübingen lại coi ý tưởng trên như một tà thuyết. Tuy bị cho là vô lý, Kepler vẫn được thầy yêu, bạn mến vì ông giỏi Toán và tiếng La Tinh, tính tình lại vui vẻ, cởi mở.
Vào năm 1593, trường Tin Lành tại Graz, nước Áo, thiếu chân giáo sư Toán. Kepler được thu nhận vào chức vụ này. Đây là thời kỳ sung sướng nhất của ông. Ông sống trong cảnh sung túc về tiền bạc và sự quý mến của học trò. Kepler lập gia đình với một người đàn bà đẹp và giầu có. Ông có đủ thời giờ nghiên cứu Thiên Văn và lập cho mình một lý thuyết vững chắc. Kepler cho xuất bản cuốn sách Vũ Trụ Huyền Bí (Mysterium Cosmographicum). Cuốn sách này tới tay Galileo và nhà bác học lỗi lạc người Ý đã hết sức thán phục những lý lẽ vững chắc của Kepler về Thiên Văn Học.
brahe01.jpg

Vào thời kỳ này, có một nhà thiên văn rất danh tiếng: ông Tycho Brahe (1546- 1601), người gốc Đan Mạch. Tycho Brahe thời bấy giờ là nhà toán học của Vua Rudolf II xứ Bohemia. Ông ta lại là một nhà thiên văn có tài. Vào giai đoạn này kính thiên văn chưa được phát minh. Trong 20 năm trường tại đài thiên văn ở Prague, ông Brahe đã quan sát bầu trời bằng mắt thường một cách rất chính xác và xác định vị trí của hàng trăm vì sao.
Tycho Brahe đã ngạc nhiên trước thiên tài của Kepler và tuy nhiều tuổi hơn, cũng không ngần ngại kết bạn với ngôi sao sáng mới này. Brahe gửi giấy mời Kepler sang giúp mình nhưng Kepler từ chối, biết đâu rằng một định mệnh khắc nghiệt đang chờ đón ông.
Thời kỳ sung sướng của Kepler rất ngắn ngủi. Một cuộc chia rẽ tôn giáo đã xẩy ra tại Graz. Người ta đã chém giết nhau vì lòng cuồng tín. Vào năm 1600, những người theo đạo Tin Lành bị trục xuất khỏi Graz. Kepler, một nhà thiên văn đúng hơn là một giáo sĩ, cũng bị lôi cuốn vào nghịch cảnh này. Vợ ông phải bán vội tất cả gia sản để lẩn trốn cùng chồng. Cuộc đời của Kepler bắt đầu đen tối đi. Trước tình trạng phá sản, Kepler đành mang gia đình đến gõ cửa nhà Tycho Brahe. Khi Kepler sang sống tại Prague, Brahe đã đối xử với người thất thế một cách tẻ nhạt và coi Kepler như là một người hạ cấp, hơn là một người cộng sự. Phải chăng lòng ghen tị vẫn là thói thường của người đời.
Kepler lãnh một chân giúp việc tại đài thiên văn. Công việc mới tuy không mang lại cho ông nhiều bổng lộc nhưng chính nhờ cơ hội này, ông đã được biết tới những bảng liệt kê vị trí các vì sao (các bảng Rudolphine) của Brahe.
Ý tưởng của Ptolemy cho rằng trái đất là trung tâm của vũ trụ không còn ngự trị trong đầu óc của những bậc trí thức vào thời đại này nữa. Nhưng không ai dám đả phá lý thuyết của Ptolemy vì nó đã ăn sâu vào tiềm thức của mọi người trong suốt 14 thế kỷ. Cũng vì thế khi Giordano Bruno xác nhận rằng trong vũ trụ còn có hàng trăm ngàn vì sao khác lớn hơn mặt trời, người ta đã mang ông ta ra thiêu sống tại Rome!
Từ trước, sở dĩ các điều hiểu biết của nhân loại bị sai lầm vì các nhà thiên văn cổ xưa tưởng rằng trái đất đứng yên, và khi quan sát thì những điều mắt thấy phải là đúng, biết đâu rằng họ đã đứng trên một nền móng chuyển động để quan sát mà không hay biết. Muốn vượt qua các trở ngại, Kepler đặt mình tại một vị trí cố định trong không gian rồi mới quan sát sự vật. Với điều kiện cốt yếu này, Kepler nghiên cứu rất tỉ mỉ vị trí của từng vì sao một. Vì quá đam mê các con số thiên văn và không muốn giòng tư tưởng bị gián đoạn bởi cuộc mưu sinh, Kepler đã không để tâm tới cảnh sống nghèo nàn của mình. Vợ ông thường phải vay nợ và lò sưởi trong nhà không có than đốt.
Năm 1601, Tycho Brahe từ trần. Kepler được bổ nhiệm làm nhà thiên văn của Hoàng Đế Đức Rudolf II với lương tháng 1.500 florins. Đây là thời kỳ nghiên cứu chuyên tâm nhất của ông. Kepler tỉ mỉ làm đi kiểm lại các bài toán thiên văn trong suốt 5 năm trường. Ông khám phá ra 2 định luật lừng danh về Khoa Thiên Văn và cho xuất bản cuốn Thiên Văn Mới (Astronomia Nova) vào năm 1609. Tác phẩm này là một trong các cuốn sách lừng danh nhất của Khoa Học, được xếp ngang hàng với cuốn Nguyên Lý (Principia) của Newton và cuốn Khảo Sát Quỹ Đạo của các Thiên Thể (De Revolutionibus Orbium Coelestium) của Copernicus.
Kepler đã đề tặng cuốn sách bất hủ kể trên cho Hoàng Đế Rudolf II trong khi vị vua này lại không hiểu được giá trị của nó. Nhà vua coi Kepler như một nhà chiêm tinh có nhiệm vụ lập ra các lá số tử vi và chuyên đoán điềm giải mộng cho mình.
Năm 1612, sự bất hạnh đến với gia đình Kepler: người con trai thứ hai của ông qua đời rồi sau đó vài tuần lễ, người vợ yêu quý cũng sang bên kia thế giới. Nhưng chưa phải là hết. Vua Rudolf II là người cấp dưỡng cho ông cũng băng hà ít lâu sau. Vị vua mới không trọng dụng nhà thiên văn nghèo nàn nữa và Kepler phải nhận một chân giáo sư toán tầm thường tại Linz. Kepler ra đi, lòng đầy sầu bi.
Kính viễn vọng (telescope) được nhà bác học Galileo phát minh vào năm 1608 và đã được dùng khắp châu Âu. Tại Linz, Kepler mượn được một kính viễn vọng, đã quan sát các vì sao mà mắt thường không nhìn tới được. Ông đã nghiên cứu Quang Học rồi phát minh ra một loại kính thiên văn mới. Tác phẩm viết về Quang Học của ông có tên là Khúc Xạ Học (Dioptrice) xuất bản vào năm 1611 đã là cuốn sách đầu tiên khảo sát về ánh sáng và các thấu kính.
Tại Linz, Kepler lập lại gia đình với một người đàn bà nghèo. Cuộc sống càng trở nên chật vật. Kepler phải nuôi ăn 7 người con trong một hoàn cảnh eo hẹp! Ông đành phải viết ra các cuốn lịch tử vi để bán lấy tiền. Đây là công việc của các nhà chiêm tinh tức là những người sống nhờ vào lòng mê tín của người khác. Đã có lần Kepler than thở một cách cay đắng: Môn chiêm tinh là con đẻ của Khoa Thiên Văn, vì vậy việc người con đứng ra nuôi sống bà mẹ sắp chết đói chẳng là hợp lý hay sao? Thật là đau khổ khi một nhà bác học chân chính phải làm một công việc phản khoa học để sống còn.
3/ Ba định luật lừng danh.


Tại Linz, Kepler đang chờ đợi một đứa con sắp chào đời thì được tin mẹ của ông bị hạ ngục tại Stuttgart. Người ta đã tố cáo mẹ ông là phù thủy. Nếu Kepler không can thiệp ngay, mẹ ông sẽ bị hành hạ và bị thiêu sống! Chính trong hoàn cảnh đau khổ này, Kepler đã cho ra đời cuốn sách Sự Hòa Hợp của Vũ Trụ (Harmonices Mundi) trong đó chứa đựng định luật lừng danh thứ ba của ông.
Khoa Thiên Văn được vững chắc chính là nhờ 3 định luật danh tiếng sau đây của Kepler: (1) Quỹ đạo của các hành tinh là các hình ellipse mà mặt trời chiếm một tiêu điểm, (2) Đường nối một hành tinh với mặt trời quét qua những diện tích bằng nhau trong những khoảng thời gian bằng nhau, (3) Bình phương chu kỳ chuyển động của các hành tinh thì tỉ lệ với lập phương bán trục lớn của quỹ đạo ellipse.
Nhờ 3 định luật của Kepler mà Newton đã tìm ra Nguyên Lý Vạn Vật Hấp Dẫn. Khi mới được xuất bản, cuốn Sự Hòa Hợp của Vũ Trụ của Kepler đã bị Giáo Hội Thiên Chúa cấm ngay tức khắc. Kepler chịu chung số phận với Galileo.
Trong khi Kepler đau khổ do số phận khắc nghiệt của mình thì trận Chiến Tranh 30 Năm, pha lẫn tôn giáo và chính trị, tràn tới nơi cư ngụ của nhà thiên văn cơ cực. Thành phố Linz bị bao vây vào mùa thu năm 1626. Vào thời gian này, Kepler bị quản thúc vì "tà thuyết" của ông. Người ta đã nguyền rủa ông và niêm phong thư viện của ông.
Trước cách ngược đãi của các người chung quanh, Kepler quyết định bỏ trốn. Trong một đêm mưa ảm đạm, Kepler mắt mờ lệ, cùng vợ đẩy chiếc xe bò chở các con nhỏ và quần áo, lánh khỏi nơi mà ông còn luyến tiếc. Lẫn lộn trong các thứ đồ vật tầm thường, Kepler đã mang theo bảng liệt kê vị trí của các vì sao để sau này ông hoàn thành Bảng Rudolphine, một trong các công trình tuyệt tác của ông.
Kepler tới cư ngụ tại Ulm, bên bờ sông Donau (Danube). Nơi đây ông sống trong nghịch cảnh nhưng thiên tài của ông đã phát triển tới cực điểm. Kepler lập nên môn Quang Hình Học, nghiên cứu các đốm đen trên mặt trời và khảo sát môn Đại Số cũng như môn Hình Học. Kepler cũng không quên lời hứa trước kia với Brahe: ông bổ túc 228 vì sao khác vào bảng liệt kê các tinh tú của Tycho Brahe. Đây là một công trình khoa học to lớn của ông. Trong suốt một thế kỷ, cuốn sách liệt kê các vì sao của Kepler đã chiếm địa vị độc tôn trong ngành Hàng Hải. Để thưởng công Kepler, Vua Ferdinand II đã tặng ông một số tiền nhỏ và cho một ngôi nhà tại Sagan, miền Schlesien (Silesia, nay thuộc Ba Lan).
Càng ngày, sức khỏe của Kepler càng suy nhược. Ông lo lắng cho bản thân và nghĩ tới tương lai của các con nhỏ. Mười mấy năm về trước, vào năm 1613 Quốc Hội tại Regensburg (Ratisbon) có mời Kepler đến để sửa lại lịch. Họ còn nợ ông 11.817 florins. Lúc này, Kepler nhớ đến món nợ cũ. Trước hoàn cảnh thiếu thốn của gia đình, ông quyết định đi ngựa tới Regensburg để đòi nốt số tiền nợ. Nhưng định mệnh thật khắt khe. Tới nơi và vì quá mệt nhọc, nhà thiên văn xuất sắc này bị một cơn sốt hành hạ. Kepler đã trút linh hồn 13 ngày sau tại Regensburg miền Bayern (Bavaria), một nơi xa lạ, không người thân yêu. Hôm đó là ngày 15/11/1630.
Tại Regensburg, những người theo đạo Tin Lành phải bị chôn bên ngoài thành phố. Kepler chịu chung số phận này. Tuy nhiên, số phận hẩm hiu của nhà thiên văn tài ba chưa phải là hết vì ba năm sau, các binh lính đã san bằng nghĩa địa, lấy các mộ chí làm ụ súng dùng trong các trận chiến diễn ra tại nơi đây. Johannes Kepler nghiên cứu Thiên Văn trong nhiều nghịch cảnh cơ cực, đã qua đời một cách cay đắng, lúc sống không được các người đương thời biết tới công trình, khi chết mộ chí cũng chẳng còn, nhưng các nhà khoa học đời sau đều ghi khắc các thành quả lớn lao của bậc vĩ nhân Kepler.
 

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top