• Chào mừng Bạn tham gia Diễn Đàn Kiến Thức tổng hợp No.1 VNKienThuc.com - Định hướng VN Kiến Thức
    -
    HÃY TẠO CHỦ ĐỀ KIẾN THỨC HỮU ÍCH VÀ CÙNG NHAU THẢO LUẬN

James, Marilyn và Audrey

  • Thread starter Thread starter hunter
  • Ngày gửi Ngày gửi

hunter

New member
Xu
0
Đoạn cuối phim, trên đường ra phi trường, Holly Golightly và anh chàng văn sĩ mầm non cãi nhau một trận tơi bời. Holly Golightly bực dọc bảo tài xế tắc-xi dừng xe, mở cửa ném con mèo vào lề đường. Mưa tầm tã. Chàng văn sĩ mắng nhiếc con điếm hạng sang một chặp rồi tất tả xuống xe, chạy tìm con mèo đáng thương. Chàng hoang mang bước vào một ngõ cụt chất đầy thùng trống của các hiệu tạp hoá, miệng không ngớt gọi tên mèo. Nước mưa đẫm ướt tóc tai, mặt mũi, áo khoác chàng văn sĩ, gây cảm giác đơn lạnh, vô vọng. Rồi, ngoài đầu ngõ, Holly Golightly xuất hiện, nét mặt dáo dác hớt hải. Từ một thùng gỗ trống, con mèo thò đầu ướt mẻm nhìn ra, kêu ‘‘meo, meo.” Nàng mừng rỡ chạy tới, ẵm mèo lên, siết vào lòng. Chàng bước lại. Hai gương mặt ướt sũng nhìn nhau giây lát. Chàng ghì lấy nàng, hôn đắm đuối. Con mèo ngóc đầu giữa hai phiến ngực, cặp mắt lem nhem. Khung cảnh được mở rộng theo tầm nhìn của chim, khúc ‘‘Moon River’’ trổi lên réo rắt, hai chữ ‘‘The End’’ hiện lớn trên màn ảnh. Đèn trong rạp sáng dần. Tiếng ghế xếp gấp lại lao xao. Tiếng người trao đổi xì xào, nhỏ nhẻ, như vẫn còn xúc động sau cơn mộng phim ảnh.

Tôi xem phim Breakfast at Tiffany tại rạp Eden ở đường Tự Do, Sài gòn, vào cuối thập niên 1960 - 1970. Lúc ấy tuổi tôi đâu chừng mười sáu, mười bảy. Tôi không còn chơi bắn đạn, tạt hình, đá dế với bạn, mà đang tập tành viết văn, làm thơ thiếu nhi. Tôi đã bắt đầu biết tư lự vẩn vơ, cảm thương cho đời kỹ nữ của nàng Holly Golightly và thấy anh chàng văn sĩ trẻ tuổi hào hoa có một cá tính cao thượng. Từ dạo ấy, tôi yêu thích Audrey Hepburn. Khuôn mặt nàng toát ra nét ngây thơ, thánh thoát hiếm thấy. Có lẽ vì đôi mắt to, nụ cười nhã nhặn và vóc dáng mảnh khảnh trai tính như người mẫu thời trang dạo ấy. Audrey không có nét gợi dục lồ lộ của Marilyn Monroe hay Brigitte Bardot. Vẻ gợi cảm của nàng không phải ở bộ ngực căng, cặp mông đầy hay đôi môi mọng ướt mời gọi, mà ở cặp mắt nai tươi sáng, khoé cười thuần hậu và ngấn cổ thiên nga đài các. Làm sao tôi quên được cảnh bắt đầu vào phim Breakfast at Tiffany. Holly Golightly mặc ắo chẽn dạ hội đen tuyền, tay mang găng cùng màu, tóc vấn cao, mắt đeo kính mát, nhàn nhã thả bộ dọc đại lộ thứ 5, nơi có hiệu kim hoàn sang trọng nhất Nữu Ước: Tiffany. Sáng sớm mùa hạ, ít người qua lại. Một tay nàng cầm ly giấy đựng cà-phê, tay kia cầm chiếc bánh sừng trâu. Bữa điểm tâm bắt đầu một ngày mới, sau một đêm trác táng.

Breakfast at Tiffany được phỏng theo một truyện ngắn thành công của Truman Capote. Qua văn chương, Capote đã lột tả được tính khí sôi nổi bất thường cũng như cách sống phóng túng, đầy náo động của nàng Holly Golightly, thì trong phim ảnh, Audrey Hepburn đã diễn đạt thành công những nữ tính phức tạp của một con điếm nhiều tham vọng, cố tìm cách chen chân vào xã hội thượng lưu. Holly Golightly là mẫu người tiêu biểu, bất kỳ phái tính và địa vị, của nhịp sống văn minh đô thị. Nàng là một kẻ đáng thương. Audrey càng khiến chúng ta thương cảm nàng hơn nữa bằng lối diễn xuất cường điệu, như lúc lãng mạn thái quá à la Hollywood qua dáng ngồi bên khung cửa sổ, vừa khảy đàn vừa hát khúc ‘‘Moon River’’; hay lúc nàng điên cuồng phá phách, vật vã trong đống chăn gối xổ lông tơi bời khi nhận được điện tín báo tin người em trai tử trận. Cường điệu là tính chất của các ngành nghệ thuật, thường được sử dụng làm đối tính gây cảm xúc.

Về sau, xem lại Breakfast at Tiffany, tôi xúc động khi tới cảnh Holly Golightly tái ngộ chồng cũ trong Central Park. Tình tiết này khiến tôi liên tưởng tới cuốn phim Paris, Texas của đạo diễn Wim Wenders đã đoạt huy chương vàng đại hội điện ảnh Cannes năm nào, với nữ tài tử chính là Nastassja Kinski. Phim kể chuyện người chồng truy lùng tông tích người vợ trẻ không dưng bỏ đi biệt tăm. Sau nhiều năm dò hỏi, theo dõi, người chồng tìm ra chỗ làm của vợ mình: một ổ điếm. Tại đấy, khách có thể chuyện vãn với gái làng chơi qua một tấm kính một chiều mà chỉ mình khách thấy được. Chuyện trò giây lát, người chồng bắt đầu kể chuyện đời mình. Thoạt tiên cô gái lắng nghe thờ ơ, nhưng càng lúc càng chú tâm, ngờ vực. Đến khi hiểu ra câu chuyện người đàn ông kể bên kia tấm gương thui chột lạnh lùng kia chính là một phần quá khứ đời mình, cô gái bật khóc, cào gương van xin tha lỗi. Khi cô gái mở cửa chạy tìm thì người đàn ông đã đi khuất... Paris, Texas không có một chung cưôc hiền hậu như Breakfast at Tiffany. Nastassja Kinski diễn xuất không tài tình như Audrey Hepburn. Trong khi Breakfast at Tiffany dâng tặng khán giả cái cảm xúc ‘‘thơ thới hân hoan’’ với ngấn lệ ngập ngừng khoé mắt và hình ảnh một Audrey Hepburn khó phai trong tâm tưởng, thì Paris, Texas để lại trong họ một khoảng trống sâu hút đầy nghi vấn. Thuở nhỏ, tôi chưa có những nghi vấn, tôi chỉ cảm thấy xao xuyến mênh mang khi hai chữ ‘‘The End’’ xuất hiện trên khung vải. Mưa vẫn rơi tầm tã. Nhạc réo rắt. Ban hợp xướng hoà giọng du dương: ‘‘Moon river, wider than a mile...’’ Màn nhung khép lại. Phim ảnh, âm nhạc, tiểu thuyết và đời sống, chao ơi, sao lại gắn bó liền lạc như những móc xính vô hình. Chúng là lưỡi dao khoắng vào những thương tích tưởng tượng. Tuổi càng cao, vết thương càng hằn sâu. Có những vết chữa hoài không lành, Tôi vẫn để mặc đó. Nhiều đêm, nằm nghe hồi ức lên tiếng, phát quang, bật bóng ảnh và màu sắc, tôi mới hay mình là kẻ may mắn vì còn đầy những thương thích.

Khi Audrey Hepburn đóng chung với Gregory Peck trong Roman Holiday, tôi không được xem, vì còn nhỏ quá. Phim đầu tiên của nàng, tôi xem là Sabrina. Năm ấy tôi đâu chừng 5 hay 6 tuổi, lứa tuổi thích xem phim hoạt hoạ, đánh kiếm hay bắn súng. Tôi còn nhớ, một trưa nắng, các chị tôi xúm xít rủ nhau đi phố. Tôi cũng nôn nao không kém, vì được biết mình được các chị dắt đi coi chiếu bóng. Rạp hát thường trực có tên Vĩnh Lợi (?), nằm cuối một hành lang ngắn, nhiều ô kính quảng cáo ở đường Lê Thánh Tôn. Tôi không biết tựa phim là gì, chỉ nhớ đó là một cuốn phim đen trắng. Bước vào rạp, đang tới đoạn một cô gái nép người trên thân cây to, cặp mắt mở tròn thèm khát, theo dõi đám người khiêu vũ bên trong biệt thự. Tôi chỉ nhớ bấy nhiêu, vì từ đó cho tới lúc đèn trong rạp bật sáng, tôi ngủ gà ngủ vịt như bị tẩm thuốc mê. Cuốn phim như một chấm sáng nằm yên dưới đáy tiềm thức tôi. Mười lăm năm sau, xa quê hương, một hôm tôi tình cờ được xem Sabrina với Audrey Hepburn, Humphrey Bogart và William Holden trong vô tuyến truyền hình. Tới cảnh cô con gái người tài xế cho dòng họ quý tộc Larrabee tì người trên thân cổ thụ, lén lút chiêm ngưỡng đám nam thanh nữ tú dìu nhau theo tiếng nhạc, tôi chợt nao nao nhớ lại. Chấm sáng quá khứ loé lên, rực rỡ như luồng bụi nhiệm mầu vẩy ra từ chiếc đũa thần của bà tiên nghệ thuật thứ bảy. Sabrina là một chuyện cổ tích tân thời. Audrey Hepburn là hiện thân của cô gái lọ lem đợt sóng mới. Tuy chuyện phim không có cảnh nàng lọ lem cuống cuồng chạy về nhà cho kịp nửa đêm, đến nỗi đánh rơi chiếc hài xinh, nhưng toàn bộ cuốn phim đầy thần thoại tính. Sabrina, cô con gái người tài xế phải lòng một trong hai người con trai của ông chủ. Người em là một ‘‘tay chơi’’ chỉ thích bỡn cợt với tình yêu. Trong khi người anh lại có cảm tình thật sự với Sabrina. Đẹp nhất, có lẽ là cảnh Sabrina hò hẹn với người em, William Holden, trong nhà vận động. Nàng mặc áo dạ hội, chờ đợi và chờ đợi. Cuối cùng, chỉ thấy người anh, Humphrey Bogart, tới mang theo lời xin lỗi của người em nhắn gởi, với chai sâm-banh và hai cái ly pha lê trong túi áo dạ phục. Sabrina ngẩng mặt lắng nghe. Chiếc cổ thiên nga ngước lên. Đôi mắt xoe tròn, hoài nghi, thất vọng. Thế nhưng nhạc vẫn trổi lên, nàng vẫn quay tròn luân vũ, hờ hững trong vòng tay người anh. Trong phim, vẻ lạnh lùng kiêu kỳ sót lại từ Casablanca của Humphrey Bogart tương phản đậm nét với điệu bộ vô tư, nhí nhảnh, nhưng ‘‘sẵn sàng liều lĩnh vì tình yêu’’ của Audrey Hepburn. Cử chỉ mềm mỏng, dáng dấp mảnh dẻ trai tính của nàng đã chinh phục hầu hết giới yêu chuộng điện ảnh. Nàng là một trong ít nữ tài tử nhận được giải Oscar lúc tuổi chỉ mới 24, khi sự nghiệp điện ảnh mới vừa khởi đầu.

Trong phim Roman Holiday, Audrey Hepburn đóng vai cô công chúa nhân chuyến công du La-mã, lén rời cung cấm, rong chơi bụi đời một phen cho thoả. Nàng gặp và ‘‘rơi vào tình yêu’’ với phóng viên một tờ báo lá cải. Chàng ta chụp hình, tính chuyện loan tin giật gân về cô công chúa đi hoang. Nhưng dần dà tình cảm nẩy mầm, hai người yêu nhau. Nhưng thấy không ‘‘môn đăng hộ đối,’’ cả hai đành để lý lấn át tình, chàng đưa nàng trở lại cung điện. Trong một buổi họp báo của cô công chúa, chàng kín đáo trao lại nàng xấp ảnh cũ. Hai mắt cô công chúa hoen lệ. Vì bổn phận, nàng đành gạt sang bên lý lẽ của trái tim.

Nếu Sabrina là một ‘‘cuộc đãu tranh giai cấp’’ giữa chủ và tớ, thì Roman Holiday là một ‘‘cuộc dấy loạn ôn hoà’’ phản đối chế độ quân chủ, một tranh chấp gay go giữa tình và lý. Cuối cùng lý thắng, để lại trong tâm tưởng hàng triệu người niềm ray rứt khó nguôi. Những ranh giới, rào cản, định kiến lúc nào, thời nào cũng rành rành nguyên vẹn đó. Chớ hòng vượt qua!

Sau khi Breakfast at Tiffany gặt hái nhiều thành công mỹ mãn, Audrey Hepburn đóng thêm The Children’s Hours, một phim có đề tài đồng tính luyến ái nữ, cặp với Shirley McLaine; Charade với Cary Grant; My Fair Lady với Rex Harrison; How to Steal a Million với Peter O’Toole; Two for the Road với Albert Finney; Wait until Dark, và một số phim không mấy đặc sắc khác.

Mọi người vẫn tưởng, My Fair Lady sẽ là cuốn phim ghi dấu tột đỉnh danh vọng của Audrey Hepburn, vì Eliza Doolittle là một vai gai góc, đòi hỏi tài diễn xuất lột xác từ một con bé bán hoa tục tằn, thô kệch trở nên một tiểu thư đài các, dòng dõi quý tộc. My Fair Lady phỏng theo một ca kịch Broadway được tán thưởng nhiệt liệt với tài ca diễn của Julie Andrews. Và Eliza Doolittle là một vai mà bất cứ nữ tài tử tài danh nào của Hồ-ly-vọng cũng đều ao ước được thủ diễn, kể cả Elizabeth Taylor. Nhưng nhà sản xuất chỉ ngắm nghé hai người: Julie Andrews và Audrey Hepburn. Cuối cùng Audrey Hepburn được chọn vì tên tuổi phim ảnh của nàng bấy giờ đang lẫy lừng thế giới. Chỉ có điều, Audrey Hepburn không có giọng hát tốt. Vì thế nàng được Marni Dixon thay giọng. Khi biết được chuyện này, Audrey Hepburn về nhà giam mình suốt ba ngày liền, doạ huỷ hợp đồng, vì nàng muốn tự ca diễn, không cần ai thay thế.

My Fair Lady thành công tốt đẹp, thu lời nhiều, phần lớn nhờ tài quảng cáo của nhà sản xuất. Về phần diễn xuất, Rex Harrison đã xuất sắc tột bực trong vai nhà ngôn ngữ học Hery Higgins, được giới phê bình điện ảnh hết lời ca ngợi. Riêng Audrey Hepburn đã không lột tả trọn vẹn vai trò Eliza Doolittle thời còn là con bé bán hoa quê mùa cục mịch. Thân hình mảnh khảnh, khuôn mặt thanh tú của nàng quý phái quá, không phù hợp với một Eliza Doolittle hạ cấp. Vì vậy nàng đã không được chọn vào chung kết tranh giải Oscar năm 1964, dù My Fair Lady đã đem lại cho nhà sản xuất tổng cộng 8 tượng vàng Oscar.

Năm đó tôi học lớp đệ ngũ tại tư thục Nguyễn Bá Tòng. Tôi và một người bạn rủ nhau đi xem phim này tại rạp Eden. Phim dài 3 tiếng đồng hồ, chiếu theo xuất. Cúng tôi mua vé trước, vì không muốn chen lấn lâu lắc. Trưa đi học về, vừa ăn cơm xong, tôi và bạn hí hửng rủ nhau đi, mỗi đứa một chiếc xe đạp. Trưa ấy trời nắng gắt. Từ Tân Định đến đường Tự Do cũng khá xa, nhưng nỗi háo hức đã át mất cái nóng cháy da. Để rồi sau đó, cuốn phim chỉ còn lại trong ký ức tôi những cảnh y trang lộng lẫy và nét mặt thanh thoát trưởng giả của Audrey Hepburn.

Thế giới phim ảnh thuở nhỏ của tôi đâu chỉ bấy nhiêu. Thần tượng của tôi lúc đó là Hayley Mills. Cô bé tóc vàng, mắt xanh và cánh mũi hếch bướng bỉnh ấy đã bầu bạn cùng tôi suốt nhiều năm thơ ấu, qua những cuốn phim thiếu nhi của hãng Walt Disney.

Trong trí tôi giờ đây vẫn còn nguyên vẹn cảnh gia đình đầu thập niên sáu mươi, thời chưa có vô tuyến truyền hình. Thỉnh thoảng, sau bữa cơm tối, anh chị em tôi phái đứa em nhỏ tới tỉ tê cùng ba má tôi, xin dẫn đi coi xi-nê. Thường thì chúng tôi đi xem tại những rạp gần nhà như Văn Hoa đường Trần Quang Khải, Mô-đẹc (Modern) đường Trần văn Thạch hay Kinh Thành đường Hai Bà Trưng. Có dạo, trước khi chiếu phim còn có phụ diễn ca nhạc. Thời đệ nhất cộng hoà, ngoài màn chào quốc kỳ quốc ca còn có màn ‘‘suy tôn Ngô tổng thống.’’ Ngoài phim chính, tôi còn thích những đoạn phim chiếu thử, thấy phim nào cũng hay, cũng đáng coi cả. Lúc ấy tôi còn nhỏ lắm, vào rạp với người lớn không phải trả tiền, cũng không được ngồi một mình, vì dễ bị lọt xuống rãnh ghế xếp hay bị người ngồi trước áng mất, mà được ngồi trong lòng ba. Gặp phim chán phèo, tôi ngả vào lòng ông, đánh một giấc ngon lành.

Đôi khi có những biến cố phim ảnh mới lạ, gia đình tôi đi xa hơn. Chẳng hạn để xem Lục Vân Tiên tại rạp Thanh Bình, đường Phạm Ngũ Lão, được quảng cáo là cuốn phim màu đầu tiên của Việt Nam, rửa cắt tại Nhật Bản. Chẳng hạn để xem phim Ấn Độ Long Phụng kỳ duyên tại rạp Nam Quang, đường Lê văn Duyệt. Phim này mở đầu cho một loạt phim nhập cảng từ xứ sở của triết học và đạo giáo huyền bí. Phim nào cũng được chuyển âm tiếng Việt. Tài tử đẹp, cốt chuyện hoang đường gần gũi với trí tưởng tượng của trẻ con. Xem được một vài phim, ba má tôi chê, riêng đám con nít chúng tôi thì thích lắm. Nhưng sau một thời gian thì nhàm, vì không có gì mới lạ. Phim nào cũng có rắn, thảm bay và vũ nữ Ấn độ múa hát, đầu lắc lư như rắn hổ mang uốn éo theo tiếng tiêu tiếng sáo. Đôi khi tới cảnh thương tâm còn được chêm vào bài vọng cổ não nuột. So ra, tôi thích phim Nhật Bản hơn, nhất là những phim có hiệp sĩ đấu kiếm. Phim Nhật có bản sắc, tạo được không khí riêng. Tôi còn nhớ, đêm nào xa xưa, tôi đã buồn bực vì không được theo ba má đi coi phim Rashomon (Lã sanh môn), vì phim cấm trẻ em dưới 18 tuổi. Tôi đã tưởng tượng, Rashomon hẳn là một phim tồi bại ghê gớm. Về sau coi được phim này, tôi mới thấy chuyện cấm đoán hay kiểm duyệt khắt khe thời ấy nhiều lúc thật vô lý. Rashomon là một cuốn phim tuyệt vời của đạo diễn lừng danh Akira Kurosawa, qua tài diễn xuất sống động của Toshiro Mifune, tài tử thượng thặng của màn ảnh Nhật bản lúc bấy giờ. Tôi thích loại y phục rườm rà, màu mè sặc sỡ của tài tử phim Nhật. Tôi thích khoé mắt một mí bí ẩn như gạch mực tàu của người Nhật. Tôi vẫn còn ghi đậm trong lòng cảnh đêm sương bàng bạc, lúc Kinh Kha chờ đò đưa sang sông trong phim Tần Thuỷ Hoàng. Màu sắc và ánh sáng trong phim Nhật là những hoạ phẩm đầy thi vị đông phương. Và nhất là không khí. Nếu không có cảnh mưa dai dẳng giữ chân vài người lỡ độ đường trong ngôi cổ tự đổ nát, thì Rashomon sẽ mất nhiều đạo vị. Mưa dễ gây cảm. Mưa hạnh phúc trong Breakfast at Tiffany. Mưa điên loạn trong L’Osédé. Mưa nghiệt ngã trong Giant...

Thời gian dần trôi. Với tuổi lớn, tôi chỉ còn thích đi chơi với bạn. Vô tuyến truyền hình du nhập vào Việt Nam. Tối tối, sau bữa cơm, má tôi nằm dài trong ghế bố coi truyền hình, còn ba tôi nhốt mình trong phòng, dán tai vào máy phát thanh, hóng chuyện thời sự. Anh chị em tôi không còn đi coi chiếu bóng chung với ba má nữa. Tôi đã được phép đi học một mình bằng xe đạp. Sở thích của tôi không còn là những tấm hình con con, những hòn bi tạp sắc, những con dế hung hăng kiêu hãnh, mà là những cuốn sách, những bài hát ngoại quốc thời thượng và phim ảnh. Tất cả trở thành những bàn tay xoa dịu tâm hồn non trẻ trong tôi sau những giờ học tại trường lớp. Nếu âm nhạc thời thượng đã mở ra cho tôi những không gian mênh mang giai điệu và tiết tấu, thì văn chương và phim ảnh đã khơi dậy trong tôi những khúc mắc đầu đời. Chúng bắt tôi thắc mắc, lý do nào đã khiến anh chàng Terence Stamp trong phim L’Osédé khơi khơi bắt cóc con gái về giấu trong nhà? Tại sao điệu thángh ca của người đàn bà da đen trong Ảo ảnh cuộc đời lại nức nở, sầu bi như một bài cầu hồn? Tại sao nàng Brigitte Bardot trong Vie Privée giàu sang danh vọng ngần ấy, lại chán đời, leo lên mái nhà, thản nhiên nhảy xuống?... Và tôi không thể không nghĩ tới Marilyn Moroe.

Thuở ấy tôi không thích sắc đẹp lồ lộ của Marilyn Moroe, nên ít xem phim nàng đóng. Trưởng thành, tôi mới có dịp xem River of No Return, đóng chúng với Robert Mitchum; Some Like It Hot với Tony Curtis và Jack Lemon... Thật ra, Marilyn chưa đóng và có lẽ không thể đóng được một cuốn phim có tầm vóc. Nàng chỉ có thể ‘‘xuất thần’’ trong những phim đại loại Some Like It Hot. Marilyn Monroe múa không hay, hát không giỏi, nhưng thân hình và khuôn mặt của nàng đã bù đắp tất cả. Nàng là ‘‘nữ thần nhục thể,’’ ‘‘quả bom tình dục,’’ ‘‘ngọn núi lửa’’ của nam giới. Từ những cuốn phim đầu, The Asphalt Jungle, All About Eve, cho tới cuốn phim cuối The Misfits, Marilyn chỉ đóng toàn những vai gái tơ khờ khạo, háo danh, mê vật chất, là biểu tượng của dục vọng. Cái tên Marilyn đã gắn liền với những cá tính tầm thường, hạ cấp; là tấm bản kẽm hằn chết quan niệm nhân sinh thấp kém. Nhưng, Marilyn là một hiện tượng hiếm thấy. Cái tài của nàng đã bị cái sắc đè nặng, để cuối cùng, dù đã từng đóng cặp với những tên tuổi Hồ-ly-vọng thượng thặng như Laurence Olivier, Bette Davis, Robert Mitchum, Tony Curtis hay Clark Gable, nàng vẫn chỉ là một thứ đào lẳng ngoại hạng, hiểu theo nghĩa không nghiêm chỉnh. Marilyn là một người đáng thương, vì thật ra tất cả chỉ là một thứ ‘‘bản sắc tự tạo,’’ một image cần có trong ngành nghệ thuật thứ bảy. Hãy tìm hiểu một chút về thời thơ ấu của nàng.

Nếu tuổi thơ của Audrey Hepburn đã bị cái lưỡi lửa thời thế chiến thứ hai liếm nám những chương sách thần tiên của dòng dõi quý tộc xứ Hoà-lan, thì tuổi thơ của Marilyn Monroe là những trang giấy bẩn thỉu nhất. Nàng là đứa con không cha, mang huyết thống điên loạn bên dòng họ mẹ. Từ nhỏ, cô bé Norma Jean Baker đã được chuyền tay từ cha mẹ nuôi này đến cha mẹ nuôi khác, vì mẹ nàng bị đưa vào dưỡng trí viện, sau khi dùng dao đâm người bạn gái thân thiết nhất của bà. Ấu thời của Marilyn Monroe là trường hợp điển hình trong xấp hồ sơ của sở Thanh thiếu niên thành phố. Không những nàng thiếu sự đùm bọc, chăm sóc mà một đứa trẻ cần có, nàng còn bị lợi dụng tính dục. Vừa lên 9, nàng bị người chia chung nhà cưỡng hiếp. Đến tuổi đi học, chớm dậy thì, nàng đã là đối tượng dục cảm của người khác phái. Marilyn Monroe chấp nhận điều đó, như tuổi thơ nàng đã chấp nhận những nghịch cảnh.

Trong những cuốn sách viết về đời tư và sự nghiệp của Marilyn Moroe, bản tính nàng được mô tả như của một người không bình thường, nhiều mâu thuẫn. Có thể đó chỉ là những nhận xét chủ quan, được phóng đại hoặc thêu dệt thêm. Nhưng trong nhãn quan của đa số ký giả cũng như đồng nghiệp có một điểm chung, Marilyn là một nữ diễn viên tầm thường, không thể đóng những vai cần tài năng diễn xuất. Marilyn Monroe đã cố gắng tháo bỏ mặc cảm nghề nghiệp này bằng cách theo học những khoá diễn xuất danh tiếng ở Nữu Ước. Nhưng ước mơ được thủ diễn những vai nghiêm túc như Grischenka trong The Brothers Karamazov phỏng theo tiểu thuyết lừng danh của Dostojewski, hay Sadie Thompson trong Rain từ một truyện ngắn của Maugham, cuối cùng vẫn chỉ là mơ ước, vì lý do này hay lý do khác. Thay vào đó là những vai lẳng lơ khêu gợi trong How to Marry a Millionaire, There’s No Business Like Show Business, The Seven-Year Itch, The Prince and The Show Girl... Ngoài ra Marilyn còn mang mặc cảm học thức kém. Nhưng hành động mang sách văn chương vào phòng thu hình, tới chỗ họp báo cũng như những phát biểu của nàng về văn học nghệ thuật chỉ là những đề tài cho phóng viên nhà báo châm biếm. Nhiều người đã so sánh nàng với một ả làng chơi hạng sang, đua đòi học thói trí thức, thích và hay phô trương sở thích đọc sách. Các tác giả ưa chuộng của nàng là Arthur Miller, Thomas Wolfe, Antoine de Saint-Exupéry, Leo Tolstoi. Arthur Miller, tác giả nhiều quyển sách và kịch bản có tiếng bấy giờ, về sau là người chồng thứ ba và sau cùng của Marilyn Monroe. Lại thêm một con bé lọ lem của lò sản xuất phim ảnh Hồ-ly-vọng đạt được ước nguyện. Nhưng lọ lem Marilyn Monroe vẫn không thể bôi xoá được hình bóng Norma Jean cơ cực thuở nào. Nàng tìm quên bằng men rượu, ma tuý và thuốc an thần. Những vai trò của Marilyn Monroe đã được các nhà phê bình phim ảnh coi như là những biểu tượng ám ảnh và hậu quả của việc lạm dụng phóng đãng này. Phim Don’t Bother to Knock nói về nỗi sợ hãi bị quẫn trí của nàng. Phim Some Like It Hot nhắc tới tính nghiện rượu của nàng. Trong The Seven-Year Itch, nàng đóng một vai không tên gọi, là một ‘‘cô gái’’ ngốc nghếch, hành động thiếu suy xét. Tuy vậy, trong phim này, Marilyn đã lưu lại hậu thế một ấn tượng khó phai, cảnh nàng đứng trên tấm lưới sắt một đường xe điện ngầm, gió thốc tung váy, nàng lấy tay chặn lại, mặt nghiêng sang bên, cực kỳ khoan khoái. Khoé cười, chuôi mắt, thế đứng, cách ngồi... Tất cả đều là ‘‘bản sắc tự tạo,’’ được Marilyn Monroe tập tành kỹ lưỡng khi đứng trước đám đông, lúc gặp nhiếp ảnh viên. Nàng có thể tự đánh lừa bằng chiếc mặt nạ đĩ thoã, nhưng ánh mắt nàng là tấm gương trung thực chiếu rọi tâm tư cũng như cuộc đời nàng: chúng buồn rười rượi.

Marilyn uống thuốc ngủ tự vận ngày 5.8.1962. Lúc ấy tôi mới 11 tuổi, nào biết gì tới cái chết đã và vẫn còn gây xúc động cho nhiều người. Theo các bài báo, trước khi chết, Marilyn có điện thoại cầu cứu vị bác sị tâm lý thân tín. Ông ta khuyên nàng ‘‘lái xe dạo một vòng cho khuây khoả.’’ Sau đó nàng còn trò chuyện qua điện thoại với một ‘‘viên chức cao cấp.’’ Cho đến nay, cảnh sát tịch thu và giữ kín cuộn băng thâu âm mẩu đối thoại nói trên. Nhiều nghi vấn, huyền thoại đã được dựng lên quanh cái chết của nàng, nhất là khi tên nàng có dính líu tới anh em dòng họ Kennedy. Dẫu quyên sinh hay bị ám sát, chính tay Marilyn Monroe đã kết liễu phần số hẩm hiu của con bé Norma Jean.

Trường hợp Marilyn Monroe là một sự kiện đáng thương của thế giới điện ảnh vào giữa thế kỷ 20. Trong hai thập niên 50, 60 Hồ-ly-vọng đã sản xuất nhiều mẫu tài tử phá thể để thay thế lớp tiền phong đang trên đà cùn tài mất sắc. Bên nữ, Audrey Hepburn, Elizabeth Taylor, Marilyn Monroe... đang tung hoàng lấn lướt những Greta Garbo, Marlène Dietrich, Bette Davis, Joan Crawford, Ingrid Bergmann... Bên nam, Marlon Brando, Rock Hudson, Paul Newman, Gregory Peck... đang tranh giành ảnh hưởng với những Errol Flynn, Clark Gable, Humphrey Bogart, Gary Cooper... trong lòng khán giả ái mộ. Một ngôi sao trẻ, đầy triển vọng, cũng vừa loé lên vòm trời điện ảnh: James Dean.

Sau đệ nhị thế chiến, giới trẻ tây phương phát động phong trào tân lãng mạn, yêu cuồng sống vội, chuộng những vai trò thử thách khác thường. Phong trào mon men tới Việt nam, nẩy sinh những nhân dáng thanh niên với con trai tóc thoa mỡ láng lẩy, chải dợn sóng, quần ống túm, nghếch vélo-solex ngắm nữ sinh trước cổng trường hay lái vespa lượn phố Bô-na những chiều chủ nhật; và con gái với áo chẽn, đầm xoè, tóc rối kiểu Brigitte Bardot hay cũn cỡn à la garçon kiểu Jean Seberg trong Bonjour Tristesse. Anh chị tôi cũng không ngoài trường hợp đó. Anh ba tôi là con trai đầu nên được ba má tôi một mực nuông chiều. Tính anh hào sảng, ăn tiêu phóng khoáng, tươi vui như chim sẻ. Anh nhảy đầm hay mà học hành cũng giỏi, nên đòi gì, ba má tôi cũng cho. Xin vélo-solex, được ngay. Muốn vespa, có liền. Trong mắt tôi thuở đó, anh là biểu tượng khoẻ mạnh của đời sống. Nét mặt và cử chỉ anh tràn trề sinh lực. Giọng nói tiếng cười anh đầy sảng khoái. Tôi không sao quên được những ngày hè Sài gòn oi ả, sau giấc ngủ trưa, đám trẻ con chúng tôi soãi lưng trên nền nhà lót gạch bông mát lạnh, nghe anh vặn nhạc. Anh nâng niu lắp dĩa nhựa 45 vòng vào trục xoay, khẽ nhấc cần, thận trọng thả đầu kim xuống rãnh âm thanh. Giọng Connie Francis cất lên trong vắt như nắng sớm. Giọng Pat Boone du dương, mềm ấm. Giọng Elvis Presley khoẻ khoắn, nhộn nhàng như gió lộng. Anh tôi là con muỗi háo động đã truyền vào mạch máu tôi những vi khuẩn tây phương mới lạ. Tôi đón lấy hội chứng từ từ bột phát những tư tưởng phóng đãng.

Thật ra tôi chỉ là một đứa trẻ thập thò bên rào lưới, nhìn vào thế giới rộn ràng sinh động và màu sắc của anh tôi. Tôi và anh cách nhau gần chục tuổi. Anh háo động, còn tôi nhu mì, ít nói. Chính vì tính năng động của anh, mà tâm trí tôi vẫn đậm đà những kỷ niệm êm đềm thuở nhỏ. Anh tôi vắng nhà luôn. Anh chỉ có mặt trong những bữa cơm gia đình, lúc tới giờ đi ngủ hay trong khoảng thời gian học thi. Ít khi ba má tôi trách mắng anh chuyện gì. Một lần anh đi chơi về khuya không cho biết trước, má tôi rầy rà vài câu rồi bật khóc. Anh vào phòng, đóng cửa lại. Lát sau anh bước ra, xin má tha lỗi và hứa sẽ không tái phạm. Có hôm, tới mùa xoài tượng, không hiểu từ đâu có, anh lái xe vespa tạt ngang nhà, quăng vô sân cỏ trái xoài to bằng bắp chuối người lớn. Chúng tôi hớn hở lượm vào, lăng xăng sửa soạn nước mắm đường. Rồi cả nhà ngồi ăn chùm nhum trong sân xi-măng nhà sau, dưới bóng mát tàn mận chua. Bóng nắng rắc đốm lên sân nhà. Tia mắt trẻ con hau háu lướt theo đường dao cứa ngọt từng miếng xoài mỏng. Tiếng chặc lưỡi hít hà vì chất chua quắn lưỡi. Ngũ quan hoạt động cùng lượt, kích thích tuyến nước bọt dâng trào không ngơi, làm rịn mồ hôi trán, ứa quanh mép môi và tuôn dòng từ đỉnh đầu xuống gáy. Đã đời!

Thuở ấy tôi đâu đã biết gì tới James Dean và những phong trào của thanh niên tây phương. Sau này nghĩ lại, tôi thấy ra anh tôi đúng là một James Dean giả hiệu, làm tại Chợ Lớn. Từ kiểu tóc bồng bềnh, lối mặc áo sơ-mi phanh ngực, cho tới phong cách bất cần đời, anh đều rập khuôn bản sắc James Dean. Hay James Dean đã là mẫu người đại diện cho giới trẻ của thập niên 50, đưa ra một nhân sinh quan vượt ngoài những lề lối thông thường?

Tuổi thơ của James Dean, tuy không bất hạnh như ấu thời của Marilyn Monroe, cũng không mấy đằm thắm. Anh mất mẹ sớm, sống với cha một khoảng thời gian rồi về ở với cô chú trong môt nông trại vùng Indianapolis. Lúc còn đi học, sở thích của anh là kịch nghệ và đua xe. Cuốn phim đầu tiên anh thủ vai chính là East of Eden, phỏng theo một truyện dài của John Steinbeck. Truyện viết về một thảm cảnh gia đình, đặc biệt là những liên hệ giữa người cha và hai đứa con trai. Vai trò của người mẹ, tuy ít xuất hiện và mờ nhạt, nhưng đã là đầu mối cho những gút mắc tâm lý của ba người đàn ông. Trong phim này, James Dean đã chứng tỏ tài diễn xuất của anh bằng điệu bộ đôi lúc tươi trẻ, đầy sức sống, đôi lúc tuyệt vọng, hoài nghi đau đớn. Có lẽ, tương tự trường hợp của Marilyn Monroe, James Dean muốn mượn vai Cal Trash để nói lên niềm khao khát tình phụ mẫu mất mát của chính anh. Trong khi Marilyn phản ứng bằng cách tìm quên trong men rượu và thuốc an thần thì James Dean vùng lên nổi loạn, phá phách. Vai trò của anh trong Rebel without a Cause đã tô đậm bản tính này. Anh đã lên tiếng giùm thế hệ trẻ đang khát sống, cần sự cảm thông tuyệt đối, bất chấp những quy tắc xã hội, cũng như luân lý và đạo đức. Đóng chung với anh trong phim này là hai tài năng đang lên: Natalie Wood và Sal Mineo. Cho đến nay, Rebel without a Cause vẫn được coi như một cuốn phim được giới trẻ tôn thờ, dính liền với cái tên thần tượng James Dean. Phim này ra đời đem lại nhiều hậu vận xấu, vì sau đó ba diễn viên chính lần lượt tử nạn thảm khốc. Đặc biệt là cái chết của James Dean vào năm 1955, vài ngày sau khi đóng xong Giant, một trường thiên phim với hai tài tử sáng giá của Hồ-ly-vọng thời đó: Rock Hudson và Elisabeth Taylor. Giant chỉ thích hợp với James Dean trong nửa đoạn đầu, lúc Jett Rink chưa tìm thấy dầu hoả, còn là ‘‘tá điền’’ của địa chủ Bick Benedict. Nửa đoạn sau, khi Jett Rink trở thành tỷ phú, kênh kiệu và trác táng, đã không được James Dean lột tả đúng mức. James Dean không thể lả một nhà tư bản vô tâm, hành động thiếu ý thức trước những tranh chấp chủng tộc. Anh chỉ có thể là một Jett Rink nghèo nhưng không hèn, sống hoang đàng như một con ngựa hoang, biết chia sẻ với những tá điền lỡ vận là đám dân Mễ-tây-cơ bị những di dân da trắng cướp đoạt lãnh thổ. Dù vậy, Giant cũng là một thành công lớn trong sự nghiệp điện ảnh ngắn ngủi của James Dean. Hai ngay sau khi phim này hoàn tất, James Dean lái thử chiếc xe đua Porsche 550 Spyder mới tậu. Tai nạn xảy ra vào chiều ngày 30-9-1955, kết thúc cuộc đời một tài tử tài hoa nhưng đoản mệnh.

Tuy di sản điện ảnh của James Dean chỉ vỏn vẹn ba cuốn phim do anh thủ vai chính, nhưng nhân dáng anh đã bất tử trong lòng giới mộ điệu. Hẳn là sẽ không có ai đủ khả năng cũng như may mắn hưởng được cái tài thiên phú của James Dean. Tương tự như diện mạo của Marilyn Monroe, nhưng rõ rệt hơn, James Dean có một ánh mắt đầy u ẩn. Tia nhìn sâu thẳm nghi hoặc, mông lung cảm giác đau đớn không thể giải thích ấy đã báo trước số mệnh không may của James Dean. Anh là một Jim Morrison của nhạc Rock, một Mozart của nhạc cổ điển, một Exupéry của văn chương. Anh là đứa con mang chứng háo động của lịch sử điện ảnh Hồ-ly-vọng. Trước đó và sau này, không có ai được như vậy.

So ra, cuối đời của Audrey Herpburn vẫn toàn vẹn và có ý nghĩa hơn. Sau thử nghiệm trở lại phim trường trong phim Robin and Marian, đóng cặp với Sean Connery, không mang lại thành quả như ý, Audrey góp mặt trong vài cuốn phim nữa rồi vĩnh viễn giã từ thế giới nghệ thuật thứ bảy. Nàng trở thành sứ giả của UNICEF, cơ quan cứu trợ nhi đồng của Liên hiệp quốc. Từ vai trò Holly Golightly ngây thơ ngổ ngáo, nhiều ham muốn vật chất bước sang vai trò một nhà từ thiện phân phát bánh mì và sữa cho trẻ con nghèo đói thuộc thế giới thứ ba, quả là một biến đổi tuyệt diệu khó ngờ. Lòng từ ái này gợi nhớ tới The Nun’s Story, một cuốn phim độc đáo khác của Audrey Hepburn. Người nữ tu trong phim về sau từ bỏ áo dòng, nhưng chắc chắn sẽ không ngừng rao giảng phúc âm bằng những công tác từ thiện. Audrey ngoài đời không đi tu, không khước từ áo dòng, nàng chỉ lặng lẽ giã biệt phim trường để dâng hiến phần đời còn lại cho những thiếu nhi kém may mắn. Audrey đã chiếm ngự trọn vẹn cảm tình của mọi người, từ khi còn là minh tinh điện ảnh, cho đến lúc nhận lãnh vai trò sứ giả của UNICEF.

Ngày 20.1.1993, Audrey Hepburn qua đời vì bệnh ung thư trong vòng tay san sẻ của Robert Wolders, người bạn đời thứ ba của nàng. Và tôi cũng dần dà mất đi những người bạn ấu thơ thường kéo tôi vào những ước mộng cao xa trên khung vải. Nhưng tôi không phải là đứa trẻ giống như cô bé Hayley Mills sững sờ chúng kiến một vụ án mạng trong Đôi mắt nhân chứng, mà tôi đã bình thản nhận ra những kết cuộc không giống nhau của kiếp người. Tai nạn bi thảm của James. Vụ tự sát nhiều bí ẩn của Marilyn. Cái chết vì bệnh nan y của Audrey. Tuy đã ra đi, nhưng họ mãi mãi là những vì sao không bao giờ tắt trên đỉnh trời điện ảnh. Lò sản xuất những giấc mộng Hồ-ly-vọng thời nay, tuy vẫn còn dàn dựng những huyền thoại đẹp, gây xúc động trong lòng mọi người. Như Out of Africa với Meryl Streep và Robert Redfort, Rain Man với Dustin Hofmann và Tom Cruise, Philadelphia và Forrest Gump với Tom Hanks, Nell với Jodie Foster... Nhưng làm sao tôi quên được ánh mắt buốt xoáy mê hoảng của Terence Stamp trong L’Obsédé, hay điệu kèn ai oán của đứa con gái lạc loài bất hạnh trong La Strada... Để đôi lúc đêm về, tâm hồn phơi phới lãng mạn, tôi lại nghe mơ hồ đâu đấy tiếng đàn ghi-ta rụt rè và giọng hát mỏng mảnh, yếu đuối cất lên: ‘‘Moon rivwer, wider than a mile...’’ Dòng sông trăng xanh mát soi lên tâm hồn tôi trải dài mềm mại bờ cát dại. Tôi biết, James, Marilyn và Audrey sẽ là những chiếc bóng lẽo đẽo theo tôi đến cuối đời.


(tháng 3. 1995)
Tác giả: Ngô Nguyên Dũng
 

Chủ đề mới

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top