Điều ước nhỏ của cô nữ sinh "làm mẹ" từ tuổi 15

ButNghien

Học tập suốt đời!
Thành viên BQT
Xu
46
Kiều Anh cúi đầu khi nói với tôi mong ước của mình: “Giờ đây em không dám ước mẹ có thể sống lại, em chỉ mong mệ và chị được mạnh khỏe, các em học giỏi, cả nhà luôn sum vầy bên nhau” - cô nữ sinh Trường THPT Gio Linh, Quảng Trị tâm sự.

5 tuổi, vừa làm cha vừa làm mẹ

Bố Kiều Anh là thầy giáo Nguyễn Đức Em, mất do tai nạn giao thông trong một lần đi dạy học. Bố mất khi các em của Kiều Anh còn rất nhỏ (bé Ánh chỉ hơn 1 tuổi, còn em Nhật mới lên 5 tuổi). “Lúc ấy em cũng chỉ có 8 tuổi. Mấy em còn nhỏ nên không biết gì. Nhà em vẫn còn một tấm ảnh chụp mấy anh em đưa tang cho bố, có đứa còn cười”, cô bé Nguyễn Thị Kiều Anh kể về ngày đưa tang bố.

Kieu%20Anh10302010.jpg

Kiều Anh luôn phải dậy từ rất sớm phụ giúp bà ngoại và thay thế vị trí một người mẹ chăm lo cho hai người em và một người chị tật nguyền.

Bố mất, gia đình lâm vào hoàn cảnh khó khăn nên hằng ngày cô bé phải đi làm cùng mẹ kiếm tiền nuôi người chị tật nguyền và các em ăn học. “Em nhớ ngày đó mẹ có một chiếc xe giàng (xe đạp chuyên dùng để thồ và có một chiếc ghế nhỏ đằng trước để trẻ con ngồi), mẹ vẫn thường đèo em đi mót mủ cao su trên đường 9, nhiều lần chạy trốn bảo vệ vì họ đuổi”, cô bé nhớ lại.

Vất vả nhọc nhằn như bám lấy cuộc sống của mấy mẹ con nhưng số phận vẫn không buông tha cho gia đình cô bé. Khi Kiều Anh 15 tuổi, mẹ em lâm bệnh nặng. Tất cả công việc nhà đổ lên vai cô bé khi bà đưa mẹ vào Nam chữa bệnh. Hai em Quang Nhật (13 tuổi), Quang Ánh (8 tuổi) thì đi học, còn Kiều Anh, trong khi kỳ thi chuyển cấp đang đến gần, cô bé đã quyết định nghỉ học ở nhà. Ban ngày em chăm mấy sào mía và đàn lợn để có tiền gửi vào chữa bệnh cho mẹ. Đêm đến em mới có thời gian mượn vở của bạn bè về để chép lại.

Khi còn chưa đầy một tháng nữa là đến kỳ thi chuyển cấp, mẹ cô bé từ Sài Gòn trở về. Nghe người ta bảo mẹ bị ung thư dạ dày, cô bé kể: “Lúc đó em khóc òa lên, ai dỗ cũng không nín. Em không nghĩ mẹ bị ung thư, cứ nghĩ mẹ hết bệnh rồi sẽ trở về thôi”.

Từ hôm đó trở đi cô bé cũng không còn thời gian để khóc. Bà ngoại thì mệt do sức yếu và đi một quãng đường quá dài, cô bé 15 tuổi nghiễm nhiên trở thành trụ cột duy nhất trong gia đình. Bà ngoại của Kiều Anh kể trong nước mắt: “Mẹ nó cứ 30 phút lại phải ăn một muỗng cháo, 10 phút lại phải uống ba viên tảo. 17 đêm liên tục không đêm nào là con bé thẳng giấc, hễ mẹ nó trở mình là con bé tỉnh. Hằng ngày con bé ngủ với mẹ để tiện chăm sóc, nó đã phải lập một thời khóa biểu cho công việc mỗi ngày...”.

dong%20vai03102010.jpg


Không chỉ đóng vai trò làm cha, làm mẹ, Kiều Anh còn là cô giáo cho các em mình.

Kiều Anh cũng nhớ như in 17 đêm chăm sóc bên giường bệnh của mẹ. Cô bé nhìn xuống bàn tay vẫn đang còn những vết chai do giã gừng ngâm nước nóng rồi nói: “Giờ em nhớ lại vẫn thấy sợ. Mẹ khóc và gầy đi nhiều lắm. Mẹ cũng sợ mẹ chết đi, không có ai lo cho bọn em, đêm nào em cũng đắp gừng và rượu lên bụng cho mẹ nhưng mẹ vẫn không bớt đau”.

Bác Nguyễn Thị Tưởng, 64 tuổi là hàng xóm của gia đình của Kiều Anh, cho biết: “Mấy anh em con bé đều ngoan ngoãn học giỏi, mỗi đứa đầu do bại não là không làm được gì, chứ mấy đứa em đều phụ giúp Kiều Anh và bà ngoại việc nhà, chỉ mong sao ông trời thương mấy đứa nhỏ mồ côi”.

Mơ gia đình luôn được sum vầy bên nhau

Hiện mấy chị em Kiều Anh đang sống cùng bà ngoại. Bà cho biết: “Hôm đưa tang mẹ nó, cả làng ai cũng khóc mỗi mình nó (Kiều Anh) là không. Nó như dại đi từ khi nhận được tin mẹ nó bị ung thư". Cô bé không khóc vì ngây thơ tin người ta nói: “Nếu con khóc thì quỷ thần sẽ đưa mệ (bà ngoại - PV) hoặc chị đi mất...”.

Gạt nước mắt bà kể tiếp: “Ai cũng bảo con bé đừng thi chuyển cấp nữa, để qua năm rồi thi, vì có học hành được gì đâu mà thi, rồi lại thi không đạt thì con bé sống chi nổi”. Không có thời gian ôn thi nhưng cô bé vẫn vượt qua kỳ thi với số điểm khá cao 19,5 điểm. Vào THPT, do có thành tích cao trong cấp 2 nên cô bé đã được tuyển vào ban A lớp 10A1 - Trường THPT Gio Linh.

Mỗi tối cô bé thường ôm đứa em Quang Ánh để ngủ cùng, Kiều Anh nói: “Quang Ánh còn nhỏ nên không biết gì, Ánh chỉ thích chơi điện tử thôi, cũng may hai đứa em con cũng không bị đau ốm nhiều”. Không ai ngoài bà ngoại của Kiều Anh biết rằng cô bé vẫn thường khó ngủ và hay khóc mỗi khi nhớ mẹ. “Mỗi lần thằng Ánh trở mình thì con bé cũng tỉnh giấc, nó nhớ mẹ nó...”.

mong%20uoc10032010.jpg


Cô bé chỉ có mong ước nhỏ nhoi: "Mệ và chị được mạnh khỏe, các em học giỏi, cả nhà luôn sum vầy bên nhau".

Mặt dù gặp bao bất hạnh và công việc bận rộn trong kỳ 1 năm học lớp 10 tổng kết các môn học của Kiều Anh đều đạt thành tích cao như môn Lý: 7,2; Địa: 7,8; Văn: 7,2; Sử: 8,2; Hóa: 7,0...

Những ngày cuối năm, khi những người bạn cùng trang lứa sum vầy cùng cha mẹ, sắm sửa quần áo mới thì cô bé Kiều Anh phải lo sắm sửa đồ đạc, cùng bà ngoại chuẩn bị cái tết không có mẹ và cha. “Em chỉ chuẩn bị đồ để lo thờ mẹ, ba. Ngày tết em chỉ đi thăm các chú, các bác bên hàng xóm rồi về, vả lại nhà cũng không có ai trông, rồi còn mệ, chị và các em nữa”.
Cô giáo Nguyễn Thị Thu Thủy, giáo viên dạy môn vật lý đồng thời cũng là giáo viên chủ nhiệm của Kiều Anh. nói: “Ở lớp Kiều Anh luôn là một học sinh gương mẫu và chăm chỉ, học lực khá nên em vẫn thường giúp đỡ các bạn trong học tập”.

Cô cũng cho biết thêm mặc dù các bạn cũng như cô giáo chủ nhiệm luôn tạo điều kiện giúp Kiều Anh nghỉ các buổi lao động tại trường nhưng không một buổi sinh hoạt tập thể hay lao động nào lại vắng mặt Kiều Anh. Tại lớp, Kiều Anh luôn hòa nhã với bạn bè nhưng em vẫn trầm tính và sống khép mình.

Kiều Anh cúi đầu khi nói với tôi mong ước của mình: “Giờ đây em không dám ước mẹ có thể sống lại, em chỉ mong mệ và chị được mạnh khỏe, các em học giỏi, cả nhà luôn sum vầy bên nhau”.


Theo VTC.
 

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top