Tớ nhớ cậu
New member
- Xu
- 0
Điều gì chưa ổn ở đề thi, đáp án và cách học môn Sử hiện nay?
(GDVN) - Tiếp tục chia sẻ với Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, các nhà khoa học Lịch sử khẳng định Đáp án môn Lịch sử khối C ở Đại học là chưa chính xác.
Thắc mắc ở Câu 2 phần Lịch sử Việt Nam (Đề hỏi: Khi bước vào Đông- Xuân 1953-1954, Pháp – Mĩ có âm mưu và kế hoạch gì ở Đông Dương? Trước tình hình đó, Bộ Chính trị Ban chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam đề ra phương án chiến lược như thế nào?), PGS. TS Quang Bích (Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam) (*) cho biết, đây là câu hỏi không tường minh (không rõ ràng).
Câu hỏi không tường minh
Nhận định của PGS. TS Quang Bích, với câu hỏi này có thêm chữ “Khi” khiến thí sinh khó hình dung, vì “Khi” là một thời điểm rất cụ thể và cần phải xác định “Đông – Xuân 1953-1954” là bắt đầu từ lúc nào? Nếu câu hỏi này có chữ “Trước khi...” thì phù hợp với Đáp án hiện nay của bộ hơn, hoặc nói như PGS Quang Bích cũng có thể nói là “Trong Hè – Thu năm 1953...” mới chính xác.
Lập luận của PGS. TS Quang Bích cho rằng, nếu nói tới Đông - Xuân 1953-1954 thời gian thường tính giữa mùa đông (khoảng tháng 11), đó là lúc địch thay đổi kế hoạch Nava từ chỗ tiến công hai bước chuyển sang tập trung xây dựng Điện Biên Phủ, biến Điện Biên Phủ thành tập đoàn cứ điểm mạnh nhất Đông Dương.
“Cả Pháp và Mĩ đều đánh giá Điện Biên Phủ là pháo đài bất khả xâm phạm, là con Nhím, là cái bẫy để thu hút chủ lực Việt Minh. Tóm lại địch điều chỉnh kế hoạch Nava” PGS Quang Bích nêu vấn đề.
Cũng theo PGS. TS Quang Bích, về phía ta, trước tình hình địch chiếm đóng Điện Biên Phủ, lúc này Điện Biên Phủ đã trở thành trung tâm điểm, chủ trương của ta là đánh Điện Biên Phủ được thông qua tại Hội nghị Bộ Chính trị tháng 12/1953 (thuộc vào mục II chứ không phải I, trong khi Đáp án của Bộ GD&ĐT hiện nay là I trong SGK ), đây là chuyện giữa mùa hè và mùa thu, không hề sang mùa đông vì Kế hoạch Nava được vạch ra trong mùa hè. Theo kế hoạch này bắt đầu từ Thu- Đông năm 1953 đã tiến hành kế hoạch, chứ không như bước vào Đông –Xuân 1953-1954 mà đề của bộ đã ra.
“Nếu so với câu như vậy mà hiểu chữ “Khi” trong đề ở thời điểm tháng 11 thì đáp án không phù hợp. Ở câu này cả thầy và thí sinh có thể nhầm, nếu đề của bộ dùng chữ “Khi” thì nên hỏi thẳng là: “Vào Hè – Thu năm 1953...” hoặc là “Trước khi bước vào Đông – Xuân năm 1953-1954...” PGS Quang Bích nêu quan điểm.
Tuy nhiên, nhận định ban đầu của PGS. TS Quang Bích mặc dù câu hỏi và đáp án chưa đúng nhưng sẽ vẫn có người hiểu đúng theo câu hỏi. Theo PGS Quang Bích, nếu giữ nguyên câu hỏi đó thì đáp án phải khác ( lúc này đáp án phải là: Âm mưu của địch trong việc chiếm đóng Điện Biên Phủ và điều chỉnh kế hoạch Nava).
Tiếp tục chỉ ra những mâu thuẫn trong đề và đáp ản của bộ, PGS. TS Quang Bích nói tiếp, ở Câu 4b (phần lịch sử thế giới), đây là câu hỏi bao trùm nhưng đáp án chỉ lấy bài trong “chiến tranh lạnh” làm đáp án mà quên mất bài “Sự hình thành hệ thống, trong đó có những sự kiện liên qua đến sự mở rộng hệ thống XHCN sau chiến tranh như các nước Đông Âu, Cách mạng Trung Quốc thành công, và tiếp tục tới năm 1955 là chiến thắng Điện Biên Phủ của Việt Nam nữa.
“Như vậy mới tạo ra trật tự của “hai phe”, phe chủ nghĩa không có trình bày trong đáp án là thiếu” PGS. TS Quang Bích cho biết.
Đề Sử không có tính phân loại cao
Trái ngược với khẳng định của Bộ GD&ĐT rằng, các đề thi Đại học, Cao đẳng năm nay ở các môn đều có tính phân loại cao. PGS. TS Quang Bích lại khẳng định đề Sử năm nay vẫn ra theo dạng để cho học sinh học thuộc bài, không có câu nào đỏi hỏi phải phân tích, so sánh, đánh giá.
Theo PGS. TS Quang Bích, từ dạy học đến kiểm tra, đánh giá là một quy trình, những năm trước đề Sử thường rất khó và mỗi năm điểm kém nhiều, Hội đồng đề phải chịu sức ép rất lớn từ dư luận xã hội, đụng đến các em lại bị thiệt thòi về điểm.
“Chúng ta không biết rằng sự “thiệt” đó là do đâu mà luôn luôn đổ tại đề. Có ai đi tìm nguyên nhân học sinh học Sử như thế nào đâu? Tôi nghĩ do chịu sức ép nên đề năm nay “hạ nhiệt” xuống rất dữ dội, nhưng lại hạ nhiều quá, do vậy chủ yếu đề năm nay là hỏi thuộc bài. Hỏi thuộc bài dẫn đến tâm lí cứ SGK học thuộc lòng là có thể làm được bài.
Do vậy, không có mục tiêu đòi hỏi sự so sánh, đánh giá, nhận xét, vẫn bắt học sinh học thuộc. Học thuộc thì không một cái đầu của nhà sử học nào có thể thuộc hết được sự kiện lịch sử” PGS. TS Quang Bích thẳng thắn.
PGS. TS Quang Bích cho rằng, cách ra đề như năm nay không có tác dụng tích cực đối với việc khuyến khích không gian sáng tạo của người học, vì đề không có chỗ để sáng tạo, không có câu hỏi mở. Với đề Sử năm nay chỉ mang tính chất kiểm tra kiến thức cơ bản, gần với đề tốt nghiệp và không mang tính phân loại cao. Nhận định của PGS. TS Quang Bích , có chăng chỉ phân loại giữa người học thuộc và người không học thuộc, sự phân biệt đâu là học sinh giỏi, đâu là học sinh trung bình chưa rõ ràng.
PGS. TS Quang Bích cho rằng, đề thi tuyển sinh Đại học phải đòi hỏi tính phân loại cao, nếu chỉ phân loại theo khả năng thuộc bài thì chúng ta sẽ bị bệnh đi vòng trở lại, không đáp ứng được yêu cầu học Sử (học cái gì để phát triển năng lực). Ở đây là năng lực suy nghĩ, năng lực tư duy.
“Người đi thi Đại học khác với tốt nghiệp, tốt nghiệp là kiểm tra kiến thức cơ bản, còn người thi Đại học là phân loại để chọn ra được học sinh khá, giỏi. Với đề này nếu học sinh giỏi mà không thuộc chi tiết thì chưa chắc đã bằng học sinh trung bình mà thuộc lòng. Học sinh giỏi không có cơ hội để thể hiện” PGS. TS Quang Bích khẳng định.
Đề Sử nên dành 20% cho học sinh giỏi thể hiện
Thông quan Báo Giáo dục Việt Nam, PGS. TS Quang Bích chia sẻ, trong những năm tới đề Sử cần ra theo hướng phát triển năng lực tư duy của học sinh, lúc đó mới chọn được người giỏi thực sự.
“Theo tôi những năm tới không nên ra đề khó quá, cũng không nên dễ quá, nên dành 50% cho những ai có học thì làm được (đương nhiên không thể có những câu dành cho người không học), 30% dành cho học sinh khá và 20% chỉ có học sinh giỏi mới làm được, ít nhất phải có 1 câu thật khó chỉ có học sinh giỏi mới làm được. Như vậy ai làm được câu khó thì biết ngay đó là học sinh giỏi, chứ như đề hiện nay cả hai điểm 8 nhưng không biết ai giỏi, ai trung bình. Cho nên người vào Đại học điểm cao chưa chắc đã là người giỏi” PGS. TS Quang Bích đề nghị.
Mặt khác, lâu nay chúng ta đã chỉ rõ tầm quan trọng của việc học sử, vì vị thế của môn Lịch sử có tính khách quan, nó là nền tảng để xây dựng con người Việt Nam, dựa trên nền tảng của những tri thức lịch sử.
“Muốn nói con người Việt Nam kiểu gì thì đều dựa trên nền tảng đó. Ở đây không phải chúng ta thích cho môn Lịch sử là quan trọng thì nó quan trọng, mà tự nó có cai trò quan trọng. Không thể xây dựng bất cứ một con người Việt Nam nào nếu không dựa trên nền tảng tri thức lịch sử dân tộc, nên vị thế của môn học mang tính khách quan” PGS. TS Quang Bích khẳng định.
Và, theo ông, việc chúng ta có nhận thức được tầm quan trọng và có đặt nó đúng vị trí của môn học không thì đó lại do ý thức chủ quạn của con người. Mỗi môn khoa học đều có vị trí riêng nhưng đối với môn Lịch sử nó mang tính nền tảng, không phụ thuộc vào chúng ta muốn hay không muốn.
(*) Tên nhân vật phỏng vấn đã được thay đổi.
(*) Sưu tấm