ĐIỂN CỐ VĂN HỌC VẦN "B"
1. Ba cây:
Tiếng Hán: tam mộc
Theo Hán thư, tam mộc chỉ ba thứ hình cụ bằng gỗ thời xưa, tức cái gông cổ, cái kẹp tay và cái cùm chân.
Dạy rằng cứ phép gia hình
Ba cây chập lại một cành mẫu đơn
(Nguyễn Du)
2. Ba cõi:
Tiếng Hán: tam giới
Sách nhà Phật cho rằng có ba cõi trời hay ba cõi thế giới là: dục giới tức cõi dục, sắc giới tức cõi sắc, vô sắc giới tức cõi vô sắc. ở cõi dục thì người ta ai cũng có tình cảm dục vọng; ở cõi sắc thì người ta còn có hình sắc nhưng không có tình dục nữa; ở cõi vô sắc thi đến cả hình sắc cũng không còn nữa và đạt đến cảnh yên vui hơn hết.
Tranh đổ thập cúng treo bày,
Lòng đi ba cõi hương bay chính trời.
(Quan Âm Thị Kính)
3. Ba dương
Tiếng Hán: tam dương
Người xưa cho rằng âm cực thì dương sinh. Mùa đông tháng mười là tháng lục âm (sáu âm), khí âm đã cực thịnh rồi nên bắt đầu từ tháng mười một thì khí dương bắt đầu sinh dần. Tháng mười một là nhất dương (một dương) sinh, tháng chạp là nhị dương sinh, tháng giêng là tam dương sinh. Quẻ Thái trong Kinh Dịch có ba hào dương ở dưới, mà tháng giêng là tháng tâm dương, người ta thường viết bốn chữ "Tam dương khai thái" (Ba dương mở đầu cho một vận thái: tức vận tốt), dán trong nhà đề cầu sự tốt lành trong năm mới.
Ba dương đã gặp thuở thời vần,
Bốn bể đều mừng một chúa xuân.
(Hồng Đức quốc âm thi tập)
4. Ba điều sợ
Tiếng Hán : tam úy
Luận ngữ: "Quân tử hữu tam úy, úy thiên mệnh, úy đại nhân, úy thánh nhân chi ngôn" (Người quân tử có ba điều sợ, sợ mệnh trời, sợ bậc đại nhân, sợ lời nói của bậc thánh nhân).
Nho gia ngày trước thường lấy ba điều sợ kể trên để tự răn mình.
Dương Quan Tây còn sợ bốn hay,
Khổng Phu Tử những dạy ba điều sợ.
(Nguyễn Cư Trinh)
5. Ba mươi sáu chước:
Theo Nam sử, Vương Kính Tắc có nói: "Trong ba mươi sáu chước của Đàn Công, chạy là kể cao hơn cả". Ý nói chẳng còn cách nào hay hơn là bỏ chạy, chạy trốn.
Thừa cơ lẻn bước ra đi,
Ba mươi sáu chước, chước gì là hơn.
(Nguyễn Du)
Bàn thầm mọi lẽ thấp cao,
Ba mươi sáu chước, chước đào là hơn.
(Quan Âm Thị Kính)
6. Ba ngàn
Tức: ba ngàn thế giới
Theo giáo lý đạo Phật, hợp một ngàn thế giới lại thì thành tiểu thiên thế giới, hợp một ngàn tiểu thiên thế giới lại thì thành trung thiên thế giới, hợp một ngàn trung thiên thế giới lại thì thành đại thiên thế giới, gọi chung là tam thiên thế giới (ba ngàn thế giới). Ở trên tam thiên thế giới lại có hoa nghiêm thế giới...
Ý nói là vô lượng, vô biên, không tưởng tượng được.
Trong ba ngàn, Sãi vui để một bầu; ngoài sáu đạo, Sãi vui thông tam giới
(Nguyễn Cư Trinh)
7. ba quân
Theo binh chế nhà Chu ở trung Quốc thì quân là tên một đơn vị gồm một vạn hai nghìn năm trăm bình sĩ. Vua nhà Chu có sáu quân, nước chư hầu hớn có ba quân
về sau từ ba quân được dùng để chỉ quân đội nói chung.
Ba quân chủ ngọn cờ đào,
Đạo ra Vô Tích, đạo vào Lâm Truy.
(Nguyễn Du)
8. Ba sinh
Theo giáo lý đạo Phật, người ta chết đi rồi lại sống kiếp khác, cứ như thế mãi, không thoát khỏi vòng sống chết. Ba sinh là ba kiếp sống liên tiếp: kiếp trước, kiếp này và kiếp sau.
Trong văn học cổ, ba sinh thường được dùng khi muốn nói đến mối duyên nợ ràng buộc hai người, mối duyên nợ từ kiếp trước truyền lại.
Ví chăng duyên nợ ba sinh,
Làm chi những thói khuynh thành trêu ngươi.
(Nguyễn Du)
9. ba tài
Tiếng Hán: tam tài
Theo Kinh Dịch, tam tài là trời, đất và người
ba tài chỉ vũ trụ và con người ở trong đó.
Kiền khôn riêng quảy một bầu,
Ngoài thâu tám cõi trong thâuba tài.
(Đào Duy Từ)
10. Ba thân
Các kinh sách của nhà Phật giải thích không giống nhau về ba thân. Đại để quan niệm về ba thân là pháp thân (chỉ bản chất của con người), báo thân (chỉ trí tuệ), hóa thân (chỉ sự biến hóa, ứng dụng, hành trạng).
Ba thân chỉ qoàn bộ con người. Ba thân lại còn có nghĩa là ba đời quá khứ, hiện tại và vị lai, như ba sinh. Xem Ba sinh.
Ba thân ohú quý nhờ ơn nước,
Đôi chữ khanh tương dõi phúc trời.
(Lâm tuyền kì ngộ)
Tài vận gặp phong vân hội cả,
Thề ba thân hương hỏa có duyên.
(Hoàng Sĩ Khải)
(còn nữa)
Theo Điển cố văn học - Đinh Gia Khánh chủ biên (NXB Hà Nội 1977)