Địa lý Nông nghiệp-Ngành Lâm nghiệp

Bút Nghiên

ButNghien.com
ĐỊA LÍ LÂM NGHIỆP

1. Vai trò của rừng

Rừng có vai trò quan trọng trong nền kinh tế quốc dân, trong đời sống xã hội và việc bảo vệ môi trường sinh thái. Vai trò to lớn này được thể hiện ở một số điểm chính sau đây:

a) Rừng có tác dụng trong việc bảo vệ môi trường sinh thái

- Rừng có khả năng sinh thuỷ cho đầu nguồn sông, suối, hồ nước, vùng dân cư, điều hoà lượng nước trên bề mặt Trái đất.

- Rừng có khả năng hạn chế gió bão, lũ lụt, phòng chống hạn hán và sa mạc hoá, chống ô nhiễm môi trường nước mặt.

- Rừng là lá phổi xanh của hành tinh, nhờ khả năng hấp thụ bức xạ, thoát hơi nước của cây. Ngoài ra, nó còn có tác dụng điều hoà khí hậu, làm trong sạch môi trường không khí, đảm bảo sự cân bằng sinh thái.

- Rừng góp phần to lớn vào việc hình thành và bảo vệ đất, chống xói mòn, đồng thời cũng là nguồn gen quí giá của nhân loại.

b) Rừng cung cấp nhiều loại lâm sản nhằm thoả mãn nhu cầu của sản xuất và đời sống

- Rừng cung cấp gỗ cho công nghiệp, xây dựng và dân sinh.

- Rừng cung cấp nguyên liệu làm giấy, diêm.

- Từ lâm sản, người ta chế biến ra các loại đặc sản thoả mãn nhu cầu tiêu dùng của con người.

- Rừng còn cho các dược liệu quí có tác dụng chữa bệnh và nâng cao sức khoẻ của con người.

- Rừng đáp ứng nhu cầu giải trí, du lịch của con người (du lịch sinh thái...).

2. Ngành khai thác rừng

a) Tài nguyên rừng

Sự phát triển của ngành này gắn liền với nguồn tài nguyên rừng hiện có. Trên thế giới, tài nguyên rừng có sự biến động mạnh cả về số lượng và chất lượng, cả về mặt không gian và thời gian. Đã từng có thời kì rừng che phủ tới 7,2 tỷ ha của thế giới. Song đáng tiếc, rừng đang bị thu hẹp nhanh chóng. Hơn 3 thế kỉ qua, gần 1/2 diện tích rừng đã bị biến mất, trong đó 2/3 là rừng nhiệt đới. Như vậy, trung bình mỗi năm trên thế giới có khoảng 9,5 triệu ha rừng bị phá huỷ. Cùng với sự gia tăng dân số, kết quả là diện tích rừng tính bình quân theo đầu người bị giảm mạnh.

Độ che phủ rừng thấp nhất ở châu á và châu Phi, còn tốc độ mất rừng nhanh nhất là châu Phi (0,78%/năm), sau đó đến Nam Mỹ (0,41%/năm) và châu á (0,22%/năm). Nguyên nhân chính là do qui mô dân số đông, gia tăng dân số nhanh kết hợp với sự bùng nổ của quá trình đô thị hoá, công nghiệp hoá cùng với nhu cầu ngày càng tăng về đất trồng và nguồn nguyên liệu gỗ. Rừng ở các khu vực này đều là các cánh rừng nhiệt đới. Việc khai thác gỗ bừa bãi, hoặc phá rừng để phát triển nông nghiệp chỉ đem lại chút lợi trước mắt chứ không phải là cách sử dụng tối ưu nhất. Ngoài các nguyên nhân nói trên, việc phá rừng nhiệt đới còn do nhu cầu của thị trường và cả việc chính quyền địa phương và người dân có xu hướng chỉ đơn thuần chú ý đến mặt kinh tế, mà chưa quan tâm tới giá trị bảo vệ môi trường sinh thái của rừng.

Các nước còn nhiều rừng nhất trên thế giới là LB Nga, Braxin, Canađa, Hoa Kỳ, Trung Quốc, Ôxtrâylia, CHDC Cônggô, Inđônêxia, Ăngôla và Pêru.

b) Khai thác rừng

Sản lượng khai thác gỗ tròn trong hơn thập kỉ vừa qua tương đối ổn định, ở mức trên dưới 3,3 tỉ m3. Các nước đứng đầu về sản lượng gỗ tròn là Hoa Kỳ (481 triệu m3), Trung Quốc (287,5 triệu m3), Braxin (236,4 triệu m3), Canada (176,7 triệu m3), ấn Độ (164,5 triệu m3), LB Nga (162,3 triệu m3), Inđônêxia (117 triệu m3), Nigiêria (69,1 triệu m3), Thuỵ Điển (64,9 triệu m3) và Phần Lan (52,2 triệu m3)...

Sản lượng khai thác gỗ hàng năm trên thế giới đang có xu hướng giảm dần, nhất là ở các nước phát triển. Việc khai thác và kinh doanh rừng cần phải kết hợp với trồng rừng để tái tạo nguồn tài nguyên quí giá này và bảo vệ môi trường.

3. Ngành trồng rừng

Việc đẩy mạnh trồng rừng có ý nghĩa to lớn về mặt kinh tế, xã hội và môi trường. Nó không chỉ cung cấp nguyên liệu ổn định cho gỗ trụ mỏ, công nghiệp bột giấy, chế biến gỗ, sản xuất đồ dùng mỹ nghệ, nâng cao giá trị sản phẩm rừng, mà còn có tác dụng phòng hộ và bảo vệ môi trường.
Theo kết quả đánh giá của FAO về tài nguyên rừng năm 2000, diện tích rừng trồng của thế giới tăng khá nhanh, từ 17,8 triệu ha năm 1980 lên 43,6 triệu ha năm 1990 và đạt mức 187 triệu ha năm 2000. Như vậy, trung bình mỗi năm trồng mới được khoảng 8,4 triệu ha, trong đó châu á chiếm khoảng 62%.

Mặc dù chỉ chiếm gần 5% diện tích rừng toàn cầu, song rừng trồng đã cung cấp khoảng 35% tổng sản lượng gỗ tròn của thế giới.

Rừng được trồng có nhiều mục đích khác nhau như phục vụ công nghiệp, lấy củi, phòng hộ, bảo tồn đa dạng sinh học và các mục đích khác. Diện tích rừng trồng cho mục đích công nghiệp chiếm gần 48%, cho phòng hộ và bảo tồn gần 26%, dùng làm củi và các mục đích khác hơn 26%. Mười quốc gia có diện tích rừng trồng lớn nhất là Trung Quốc (45 triệu ha), ấn Độ (32,6 triệu ha), LB Nga (17,3 triệu ha), Hoa Kỳ (16,2 triệu ha), Nhật Bản (10,7 triệu ha), Inđônêxia (9,9 triệu ha), Braxin (5 triệu ha), Thái Lan (4,9 triệu ha), Ucraina (4,4 triệu ha) và Iran (2,3 triệu ha).

- Rừng ở Việt Nam có đặc trưng cơ bản là rừng nhiệt đới, rất phong phú về loài, có giá trị sinh khối và đa dạng sinh học cao. Song tài nguyên rừng của nước ta đã bị suy giảm nghiêm trọng.

Trong vòng gần 50 năm, từ năm 1943 đến năm 1990, trung bình mỗi năm nước ta mất đi từ 160 đến 200 nghìn ha rừng, độ che phủ giảm từ 43% xuống còn 27,7%. Sau năm 1990, các chính sách và biện pháp bảo vệ rừng và trồng mới của Nhà nước đã đem lại kết quả tích cực: độ che phủ rừng tăng lên 28,1% năm 1995 và 35,1% năm 2002, vốn rừng được giữ vững và phát triển. Sản lượng gỗ khai thác không tăng nhiều do thực hiện chủ trương đóng cửa rừng, bình quân 2,4 triệu m3/năm. Đáng chú ý là cơ cấu sản lượng gỗ đã chuyển từ khai thác rừng tự nhiên sang khai thác rừng trồng (chủ yếu là rừng nguyên liệu giấy).

Nguồn: ĐHSP ĐT
 

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top