Địa lý công nghiệp-Những vấn đề lí luận chung

Bút Nghiên

ButNghien.com
ĐỊA LÍ CÔNG NGHIỆP - NHỮNG VẤN ĐỀ LÍ LUẬN CHUNG

1. Vai trò của công nghiệp đối với sự phát triển kinh tế- xã hội


Công nghiệp là bộ phận hợp thành của nền kinh tế quốc dân. Nó tạo ra tư liệu sản xuất, tiến hành khai thác tài nguyên và chế biến chúng thành sản phẩm phục vụ cho sản xuất và đời sống.

Theo quan niệm của Liên Hợp Quốc, công nghiệp là một tập hợp các hoạt động sản xuất với những đặc điểm nhất định thông qua các quá trình công nghệ để tạo ra sản phẩm. Hoạt động công nghiệp bao gồm cả 3 loại hình: công nghiệp khai thác tài nguyên, công nghiệp chế biến và các dịch vụ sản xuất theo sau nó.

Công nghiệp có vai trò to lớn đối với quá trình phát triển nền kinh tế quốc dân, đặc biệt trong sự nghiệp công nghiệp hoá của các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam.

1.1. Công nghiệp có vai trò chủ đạo trong nền kinh tế quốc dân, đóng góp vào sự tăng trưởng kinh tế

- Là ngành sản xuất vật chất tạo ra khối lượng sản phẩm rất lớn cho xã hội, công nghiệp làm ra các máy móc, thiết bị, tư liệu sản xuất cho các ngành kinh tế mà không ngành nào có thể thay thế được cũng như các công cụ và đồ dùng sinh hoạt phục vụ đời sống con người.

- Công nghiệp là ngành có năng suất lao động cao, giá trị gia tăng lớn (đặc biệt là các ngành công nghệ cao). Hơn nữa so với nông nghiệp, điều kiện phát triển của công nghiệp ít bị hạn chế bởi các yếu tố tự nhiên nên thường có tốc độ tăng trưởng cao, góp phần thúc đẩy nhịp độ tăng trưởng chung của cả nền kinh tế.

Năm 2003, tốc độ tăng trưởng GDP của Trung Quốc là 8,5%, riêng tốc độ tăng trưởng công nghiệp là 17,3%. Còn ở Việt Nam, cũng trong năm này, tốc độ tăng trưởng của công nghiệp đạt 16%, trong khi tốc độ tăng trưởng GDP là 7,2%.

- Đối với các nước đang phát triển, trong quá trình công nghiệp hoá, công nghiệp ngày càng chiếm tỷ trọng lớn trong tổng thu nhập quốc nội. Chẳng hạn năm 2003, ngành công nghiệp chiếm 31% GDP của toàn thế giới, trong đó các nước đang phát triển 36% và các nước phát triển 30%. Riêng Việt Nam, tỷ trọng công nghiệp là 36,7% GDP của cả nước.

1.2. Công nghiệp thúc đẩy nông nghiệp và dịch vụ phát triển theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá

- Công nghiệp có tác động trực tiếp và là chiếc chìa khoá để thúc đẩy các ngành kinh tế khác như nông nghiệp, giao thông vận tải, thông tin liên lạc, thương mại, dịch vụ.

- Đối với các nước đang phát triển, công nghiệp có vai trò đặc biệt quan trọng để thực hiện công nghiệp hoá nông nghiệp và nông thôn. Công nghiệp vừa tạo ra thị trường, vừa tạo ra những điều kiện cần thiết cho nông nghiệp phát triển.

Công nghiệp trực tiếp chế biến các sản phẩm nông nghiệp, nâng cao giá trị của chúng và mở ra nhiều khả năng tiêu thụ các sản phẩm này ở trong nước và xuất khẩu.

Công nghiệp cung cấp các yếu tố đầu vào cần thiết cho nông nghiệp, góp phần nâng cao trình độ công nghệ trong sản xuất, nhờ đó làm tăng năng suất lao động, hạ giá thành, nâng cao chất lượng và năng lực cạnh tranh của các sản phẩm nông nghiệp.

Phát triển nông nghiệp có tác dụng sử dụng hợp lý lao động dư thừa trong chính ngành này, góp phần tổ chức và phân công lại lao động ở nông thôn và nâng cao thu nhập của người lao động.

1.3. Công nghiệp góp phần đắc lực vào việc thay đổi phương pháp tổ chức, phương pháp quản lý sản xuất và nâng cao hiệu quả kinh tế- xã hội

- Khác với các ngành khác, công nghiệp là một ngành hết sức nhạy cảm với những tiến bộ khoa học kỹ thuật. Nó không chỉ sử dụng các trang thiết bị hiện đại, mà còn có các phương pháp tổ chức, quản lý sản xuất tiên tiến nhằm tạo ra sản phẩm có chất lượng cao, giá thành hạ thông qua việc sản xuất theo dây chuyền và hàng loạt. Nhiều ngành kinh tế khác đã áp dụng phương pháp tổ chức, quản lý kiểu công nghiệp và đều đạt được kết quả tốt đẹp.

- Ngay chính bản thân người công nhân được rèn luyện trong sản xuất cũng có tác phong riêng- tác phong công nghiệp, khác hẳn với nông nghiệp.

1.4. Công nghiệp tạo điều kiện khai thác có hiệu quả các nguồn tài nguyên thiên nhiên, làm thay đổi sự phân công lao động và giảm mức độ chênh lệch về trình độ phát triển giữa các vùng

- Công nghiệp phát triển tạo điều kiện khai thác có hiệu quả tài nguyên ở khắp mọi nơi từ trên mặt đất, dưới lòng đất, kể cả dưới đáy biển. Nhờ làm tốt công tác thăm dò, khai thác và chế biến tài nguyên mà danh mục các điều kiện tự nhiên trở thành tài nguyên thiên nhiên phục vụ công nghiệp ngày càng thêm phong phú. Công nghiệp với sự hiện diện của mình đã góp phần rút ngắn khoảng cách về trình độ phát triển kinh tế giữa các vùng.

- Công nghiệp làm thay đổi sự phân công lao động vì dưới tác động của nó, không gian kinh tế đã bị biến đổi sâu sắc. Nơi diễn ra hoạt động công nghiệp cần có các hoạt động dịch vụ phục vụ cho nó như nhu cầu lương thực thực phẩm, nơi ăn chốn ở của công nhân, đường giao thông, cơ sở chế biến. Công nghiệp cũng tạo điều kiện hình thành các đô thị hoặc chuyển hoá chức năng của chúng, đồng thời là hạt nhân phát triển các không gian kinh tế.

- Hoạt động công nghiệp làm giảm bớt sự chênh lệch về trình độ phát triển giữa thành thị và nông thôn. Chính công nghiệp đã làm thay đổi bộ mặt kinh tế của nông thôn, làm cho nông thôn nhanh chóng bắt nhịp được với đời sống đô thị.

1.5. Công nghiệp có khả năng tạo ra nhiều sản phẩm mới mà không ngành sản xuất vật chất nào sánh được đồng thời góp phần vào việc mở rộng sản xuất, thị trường lao động và giải quyết việc làm

Cùng với tiến bộ về khoa học và công nghệ, danh mục các sản phẩm do công nghiệp tạo ra ngày càng nhiều thêm. Công nghiệp cũng đóng vai trò quan trọng vào việc mở rộng tái sản xuất.

Sự phát triển công nghiệp còn là điều kiện để thu hút đông đảo lao động trực tiếp và gián tiếp tạo thêm nhiều việc làm mới ở các ngành có liên quan. Tuy nhiên, điều đó phụ thuộc nhiều vào tốc độ tăng trưởng và định hướng phát triển của công nghiệp. Thường thì các ngành công nghiệp sử dụng nhiều lao động, ít vốn, có tốc độ tăng trưởng cao sẽ tạo ra số việc làm nhiều hơn so với những ngành sử dụng nhiều vốn, ít lao động.

1.6. Công nghiệp đóng góp vào tích luỹ của nền kinh tế và nâng cao đời sống nhân dân

- Nhờ năng suất lao động và tốc độ tăng trưởng cao, ngành công nghiệp góp phần tích cực vào việc tăng nguồn thu ngân sách cho nhà nước, tăng tích luỹ cho các doanh nghiệp và thu nhập cho nhân dân.

- Quá trình phát triển công nghiệp trong điều kiện kinh tế thị trường cũng là quá trình tích luỹ năng lực khoa học và công nghệ của đất nước. Phát triển công nghiệp góp phần đào tạo, rèn luyện và nâng cao chất lượng nguồn lao động, đội ngũ chuyên gia khoa học và công nghệ, đội ngũ lãnh đạo, quản lí kinh doanh công nghiệp.

Như vậy, công nghiệp góp phần tích luỹ cho nền kinh tế, bao gồm nguồn tài chính, nhân lực và trình độ khoa học công nghệ, những nhân tố cơ bản của sự phát triển.

- Sự phát triển công nghiệp là thước đo trình độ phát triển, biểu thị sự vững mạnh của nền kinh tế ở một quốc gia. Công nghiệp hoá là con đường tất yếu của lịch sử mà bất kì một nước nào muốn phát triển đều phải trải qua. Đối với các nước đang phát triển, chỉ có thực hiện công nghiệp hoá, hiện đại hoá mới có thể thoát khỏi tình trạng nghèo nàn, lạc hậu. Phát triển công nghiệp là điều kiện quyết định để thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hoá và hiện đại hoá

2. Đặc điểm của sản xuất công nghiệp

2.1. Tính chất hai giai đoạn của quá trình sản xuất


Quá trình sản xuất công nghiệp thường được chia thành 2 giai đoạn: giai đoạn tác động vào đối tượng lao động (môi trường tự nhiên) để tạo ra nguyên liệu (từ việc khai thác khoáng sản, khai thác gỗ, đánh cá...) và giai đoạn chế biến các nguyên liệu thành tư liệu sản xuất hoặc sản phẩm tiêu dùng (máy móc, đồ dùng, thực phẩm...).

Tất nhiên, trong mỗi giai đoạn lại bao gồm nhiều công đoạn sản xuất phức tạp và chúng có mối liên hệ chặt chẽ với nhau.

Tính chất hai giai đoạn của quá trình sản xuất công nghiệp là do đối tượng lao động của nó đa phần không phải sinh vật sống, mà là các vật thể của tự nhiên, thí dụ như khoáng sản nằm sâu trong lòng đất hay dưới đáy biển. Con người phải khai thác chúng để tạo ra nguyên liệu, rồi chế biến nguyên liệu đó để tạo nên sản phẩm.

Hai giai đoạn của sản xuất công nghiệp không phải theo trình tự bắt buộc như nông nghiệp, mà có thể tiến hành đồng thời và thậm chí cách xa nhau về mặt không gian. Bởi vì sản xuất công nghiệp chủ yếu là quá trình tác động cơ, lý, hoá trực tiếp vào giới tự nhiên để lấy ra và biến đổi các vật thể tự nhiên thành các sản phẩm cuối cùng phục vụ cho nhân loại.

2.2. Sản xuất công nghiệp có tính chất tập trung cao độ

Trừ ngành khai khoáng, khai thác rừng và đánh cá, nhìn chung sản xuất công nghiệp không đòi hỏi những không gian rộng lớn. Tính tập trung của công nghiệp thể hiện ở việc tập trung tư liệu sản xuất, tập trung nhân công và tập trung sản phẩm. Trên một diện tích không rộng, có thể xây dựng nhiều xí nghiệp thuộc các ngành công nghiệp khác nhau với hàng vạn công nhân và sản xuất ra một khối lượng sản phẩm lớn, gấp nhiều lần so với sản xuất nông nghiệp.

Từ đặc điểm này, trong phân bố công nghiệp cần phải chọn những địa điểm thích hợp sao cho trên đó có thể hình thành các xí nghiệp có mối liên hệ mật thiết với nhau về các mặt công nghệ, nguyên liệu, sản xuất, lao động...

2.3. Sản xuất công nghiệp bao gồm nhiều phân ngành phức tạp, nhưng được phân công tỷ mỉ và có sự phối hợp chặt chẽ với nhau để tạo ra sản phẩm cuối cùng

Công nghiệp là tập hợp của hệ thống các phân ngành như khai khoáng, điện lực, luyện kim, cơ khí, hoá chất, thực phẩm... Các phân ngành này không hoàn toàn tách rời nhau, mà có liên quan với nhau trong quá trình sản xuất để tạo ra sản phẩm. Tuy nhiên, quy trình sản xuất trong mỗi phân ngành, thậm chí mỗi xí nghiệp, lại hết sức tỷ mỉ và chặt chẽ. Chính vì vậy, chuyên môn hoá, hợp tác hoá và liên hợp hoá có vai trò đặc biệt quan trọng trong sản xuất công nghiệp.

Công nghiệp bao gồm nhiều ngành sản xuất có mối liên hệ chặt chẽ với nhau. Một trong những cách phân loại ngành công nghiệp phổ biến nhất hiện nay là dựa vào công dụng kinh tế của sản phẩm. Theo cách này, sản xuất công nghiệp được chia thành hai nhóm: công nghiệp nặng (nhóm A) gồm các ngành công nghiệp năng lượng, luyện kim, chế tạo máy, điện tử- tin học, hoá chất, vật liệu xây dựng... và công nghiệp nhẹ (nhóm B) gồm công nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng và công nghiệp thực phẩm.

3. Các nhân tố ảnh hưởng tới sự phát triển và phân bố công nghiệp

Công nghiệp là ngành kinh tế cơ bản có vai trò to lớn đối với mọi lĩnh vực hoạt động sản xuất, quốc phòng và đời sống của toàn xã hội. Việc phát triển và phân bố công nghiệp chịu tác động của nhiều nhân tố. Vị trí địa lí, điều kiện tự nhiên và tài nguyên thiên nhiên là tiền đề vật chất không thể thiếu được, nhưng quan trọng hàng đầu lại là các nhân tố kinh tế- xã hội.

a) Vị trí địa lí

Vị trí địa lí bao gồm vị trí tự nhiên, vị trí kinh tế, giao thông, chính trị. Vị trí địa lí tác động rất lớn tới việc lựa chọn địa điểm xây dựng xí nghiệp cũng như phân bố các ngành công nghiệp và các hình thức tổ chức lãnh thổ công nghiệp.

- Nhìn chung, vị trí địa lí có ảnh hưởng rõ rệt đến việc hình thành cơ cấu ngành công nghiệp và xu hướng chuyển dịch cơ cấu ngành trong điều kiện tăng cường mở rộng các mối quan hệ kinh tế quốc tế và hội nhập vào đời sống kinh tế khu vực và thế giới.

Sự hình thành và phát triển của các xí nghiệp, các ngành công nghiệp phụ thuộc rất nhiều vào vị trí địa lí. Có thể thấy rõ hầu hết các cơ sở công nghiệp ở các quốc gia trên thế giới đều được bố trí ở những khu vực có vị trí thuận lợi như gần các trục đường giao thông huyết mạch, gần sân bay, bến cảng, gần nguồn nước, khu vực tập trung đông dân cư.

- Vị trí địa lí thuận lợi hay không thuận lợi tác động mạnh tới việc tổ chức lãnh thổ công nghiệp, bố trí không gian các khu vực tập trung công nghiệp. Vị trí địa lí càng thuận lợi thì mức độ tập trung công nghiệp càng cao, các hình thức tổ chức lãnh thổ công nghiệp càng đa dạng và phức tạp. Ngược lại, những khu vực có vị trí địa lí kém thuận lợi sẽ gây trở ngại cho việc xây dựng và phát triển công nghiệp cũng như việc kêu gọi vốn đầu tư ở trong và ngoài nước.

Thực tiễn chỉ ra rằng, sự thành công của các khu công nghiệp tập trung và khu chế xuất trên thế giới thường gắn liền với sự thuận lợi về vị trí địa lí. Khu chế xuất Cao Hùng (Đài Loan), một trong các khu chế xuất đạt được kết quả tốt nhất, có vị trí địa lí lí tưởng, gần cả đường bộ, đường biển và đường hàng không. Nó nằm trên cầu cảng Cao Hùng, cách sân bay quốc tế khoảng 20 phút đi bằng ô tô và thông ra đường cao tốc. Hàng hoá ra vào khu chế xuất rất thuận lợi và nhanh chóng, vừa đỡ tốn thời gian, vừa giảm được chi phí vận tải.

Ở nước ta, trên số hơn 100 địa điểm có thể xây dựng được các khu công nghiệp tập trung thì có trên dưới 40 nơi thực sự hấp dẫn các nhà đầu tư trong và ngoài nước do có thuận lợi về vị trí địa lí.

b) Điều kiện tự nhiên và tài nguyên thiên nhiên

Điều kiện tự nhiên và tài nguyên thiên nhiên được coi là tiền đề vật chất không thể thiếu được để phát triển và phân bố công nghiệp. Nó ảnh hưởng rõ rệt đến việc hình thành và xác định cơ cấu ngành công nghiệp. Một số ngành công nghiệp như khai khoáng, luyện kim, vật liệu xây dựng, công nghiệp chế biến nông- lâm- thuỷ hải sản phụ thuộc nhiều vào tài nguyên thiên nhiên. Số lượng, chất lượng, phân bố và sự kết hợp của chúng trên lãnh thổ có ảnh hưởng rõ rệt đến tình hình phát triển và phân bố của nhiều ngành công nghiệp.

- Khoáng sản

Khoáng sản là một trong những nguồn tài nguyên thiên nhiên có ý nghĩa hàng đầu đối với việc phát triển và phân bố công nghiệp. Khoáng sản được coi là “bánh mì” cho các ngành công nghiệp. Số lượng, chủng loại, trữ lượng, chất lượng khoáng sản và sự kết hợp các loại khoáng sản trên lãnh thổ sẽ chi phối qui mô, cơ cấu và tổ chức các xí nghiệp công nghiệp.
Sự phân bố khoáng sản trên thế giới là không đồng đều. Có những nước giàu tài nguyên khoáng sản như Hoa Kỳ, Canađa, Ôxtrâylia, LB Nga, Trung Quốc, ấn Độ, Braxin, Nam Phi, Inđônêxia… Có những nước chỉ nổi tiếng với một vài loại khoáng sản như Chi Lê (đồng); Cô oét, Arập Xêút, Irắc (dầu mỏ); Ghinê (bôxít)…. Nhiều nước Tây Âu và Nhật Bản nghèo khoáng sản. Do nhu cầu phát triển công nghiệp mà nhiều nước phải nhập khẩu khoáng sản. Chẳng hạn như ở Nhật Bản, giá trị nhập khẩu khoáng sản chiếm 50% tổng giá trị nhập khẩu. Ngược lại, ở nhiều nước khoáng sản chiếm tỷ trọng rất lớn trong tổng giá trị xuất khẩu. Ví dụ như ở Inđônêxia, khoáng sản xuất khẩu chiếm gần 70% tổng kim ngạch xuất khẩu, là nước xuất khẩu đứng hàng thứ 3 thế giới về thiếc, thứ 5 về niken và thứ 10 về dầu khí…

Nước ta có một số khoáng sản có giá trị như than, dầu khí, bôxit, thiếc, sắt, apatit, vật liệu xây dựng. Đây là cơ sở quan trọng để phát triển công nghiệp. Tuy nhiên, khoáng sản là tài nguyên không thể tái tạo được. Do vậy cần phải có chiến lược đúng đắn cho việc khai thác và sử dụng hợp lý, hiệu quả tài nguyên khoáng sản để đảm bảo sự phát triển bền vững.

- Khí hậu và nguồn nước

+ Nguồn nước có ý nghĩa rất lớn đối với các ngành công nghiệp. Mức độ thuận lợi hay khó khăn về nguồn cung cấp hoặc thoát nước là điều kiện quan trọng để định vị các xí nghiệp công nghiệp. Nhiều ngành công nghiệp thường được phân bố gần nguồn nước như công nghiệp luyện kim (đen và màu), công nghiệp dệt, công nghiệp giấy, hoá chất và chế biến thực phẩm… Những vùng có mạng lưới sông ngòi dày đặc, lại chảy trên những địa hình khác nhau tạo nên nhiều tiềm năng cho công nghiệp thuỷ điện. Tuy nhiên, do sự phân bố không đồng đều của nguồn nước theo thời gian và không gian đã gây nên tình trạng mất cân đối giữa nguồn cung cấp và nhu cầu về nước để phát triển công nghiệp.

+ Khí hậu cũng có ảnh hưởng nhất định đến sự phân bố công nghiệp. Đặc điểm của khí hậu và thời tiết tác động không nhỏ đến hoạt động của các ngành công nghiệp khai khoáng. Trong một số trường hợp, nó chi phối cả việc lựa chọn kỹ thuật và công nghệ sản xuất. Chẳng hạn, khí hậu nhiệt đới ẩm gió mùa làm cho máy móc dễ bị hư hỏng. Điều đó đòi hỏi lại phải nhiệt đới hoá trang thiết bị sản xuất. Ngoài ra, khí hậu đa dạng và phức tạp làm xuất hiện những tập đoàn cây trồng vật nuôi đặc thù. Đó là cơ sở để phát triển các ngành công nghiệp chế biến lương thực- thực phẩm.

- Các nhân tố tự nhiên khác có tác động tới sự phát triển và phân bố công nghiệp như đất đai, tài nguyên sinh vật biển.

+ Về mặt tự nhiên, đất ít có giá trị đối với công nghiệp. Suy cho cùng, đây chỉ là nơi để xây dựng các xí nghiệp công nghiệp, các khu vực tập trung công nghiệp. Quỹ đất dành cho công nghiệp và các điều kiện về địa chất công trình ít nhiều có ảnh hưởng tới qui mô hoạt động và vốn kiến thiết cơ bản.

+ Tài nguyên sinh vật và tài nguyên biển cũng có tác động tới sản xuất công nghiệp. Rừng và hoạt động lâm nghiệp là cơ sở cung cấp vật liệu xây dựng (gỗ, tre, nứa…), nguyên liệu cho các ngành công nghiệp giấy, chế biến gỗ và các ngành tiểu thủ công nghiệp (tre, song, mây, giang, trúc…), dược liệu cho công nghiệp dược phẩm. Sự phong phú của nguồn thuỷ, hải sản với nhiều loại động, thực vật dưới nước có giá trị kinh tế là cơ sở để phát triển ngành công nghiệp chế biến thuỷ hải sản.

c) Các nhân tố kinh tế- xã hội

- Dân cư và nguồn lao động

Dân cư và nguồn lao động là nhân tố quan trọng hàng đầu cho sự phát triển và phân bố công nghiệp, được xem xét dưới hai góc độ sản xuất và tiêu thụ.

+ Nơi nào có nguồn lao động dồi dào thì ở đó có khả năng để phân bố và phát triển các ngành công nghiệp sử dụng nhiều lao động như dệt- may, giày- da, công nghiệp thực phẩm. Những nơi có đội ngũ lao động kỹ thuật cao và đông đảo công nhân lành nghề thường gắn với các ngành công nghiệp hiện đại, đòi hỏi hàm lượng công nghệ và chất xám cao trong sản phẩm như kỹ thuật điện, điện tử- tin học, cơ khí chính xác… Nguồn lao động với trình độ chuyên môn kỹ thuật và khả năng tiếp thu khoa học kỹ thuật mới là cơ sở quan trọng để phát triển các ngành công nghệ cao và nâng cao hiệu quả sản xuất trong các ngành công nghiệp khác. Ngoài ra, ở những địa phương có truyền thống về tiểu thủ công nghiệp với sự hiện diện của nhiều nghệ nhân thì sự phát triển ngành nghề này không chỉ thu hút lao động, mà còn tạo ra nhiều sản phẩm độc đáo, mang bản sắc dân tộc, được ưa chuộng trên thị trường trong và ngoài nước.

+ Quy mô, cơ cấu và thu nhập của dân cư có ảnh hưởng lớn đến quy mô và cơ cấu của nhu cầu tiêu dùng. Đó cũng là cơ sở để phát triển các ngành công nghiệp. Khi tập quán và nhu cầu tiêu dùng thay đổi sẽ làm biến đổi về quy mô và hướng chuyên môn hoá của các ngành và xí nghiệp công nghiệp. Từ đó dẫn đến sự mở rộng hay thu hẹp của không gian công nghiệp cũng như cơ cấu ngành của nó.

- Tiến bộ khoa học- công nghệ

Tiến bộ khoa học- công nghệ không chỉ tạo ra những khả năng mới về sản xuất, đẩy nhanh tốc độ phát triển một số ngành, làm tăng tỉ trọng của chúng trong tổng thể toàn ngành công nghiệp, làm cho việc khai thác, sử dụng tài nguyên và phân bố các ngành công nghiệp trở nên hợp lý, có hiệu quả và kéo theo những thay đổi về quy luật phân bố sản xuất, mà còn làm nảy sinh những nhu cầu mới, đòi hỏi xuất hiện một số ngành công nghiệp với công nghệ tiên tiến và mở ra triển vọng phát triển của công nghiệp trong tương lai.

Có thể dẫn ra nhiều ví dụ về vai trò quan trọng của tiến bộ khoa học- công nghệ đối với việc phát triển và phân bố công nghiệp. Nhờ phương pháp khí hoá than, người ta đã khai thác được những mỏ than nằm ở sâu trong lòng đất mà trước đây chưa thể khai thác được. Với việc áp dụng phương pháp điện luyện hoặc lò thổi ôxi, vấn đề phân bố các xí nghiệp luyện kim đen đã được thay đổi và không nhất thiết phải gắn với vùng than...

- Thị trường

Thị trường (bao gồm thị trường trong nước và quốc tế) đóng vai trò như chiếc đòn bẩy đối với sự phát triển, phân bố và cả sự thay đổi cơ cấu ngành công nghiệp. Nó có tác động mạnh mẽ tới việc lựa chọn vị trí xí nghiệp, hướng chuyên môn hoá sản xuất. Sự phát triển công nghiệp ở bất kỳ quốc gia nào cũng đều nhằm thoả mãn nhu cầu trong nước và hội nhập với thị trường thế giới. Trong điều kiện của nền kinh tế thị trường, sự cạnh tranh quyết liệt trên thị trường trong nước và quốc tế giữa các sản phẩm đòi hỏi các nhà sản xuất phải có chiến lược thị trường. Đó là việc cải tiến mẫu mã, nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm giá thành, đổi mới công nghệ và cả thay đổi cơ cấu sản phẩm.

- Cơ sở hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ công nghiệp

Cơ sở hạ tầng và cơ sở vật chất- kỹ thuật phục vụ công nghiệp có ý nghĩa nhất định đối với sự phân bố công nghiệp. Nó có thể là tiền đề thuận lợi hoặc cản trở sự phát triển công nghiệp. Số lượng và chất lượng của cơ sở hạ tầng (giao thông vận tải, thông tin liên lạc, cung cấp điện, nước…) góp phần đảm bảo các mối liên hệ sản xuất, kinh tế, kỹ thuật giữa vùng nguyên liệu với nơi sản xuất, giữa các nơi sản xuất với nhau và giữa nơi sản xuất với địa bàn tiêu thụ sản phẩm.
Hiện nay trong quá trình công nghiệp hoá ở các nước đang phát triển, việc tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng trên một lãnh thổ đã tạo tiền đề cho sự hình thành các khu công nghiệp tập trung và khu chế xuất.

- Đường lối phát triển công nghiệp

Đường lối phát triển công nghiệp ở mỗi quốc gia qua các thời kỳ lịch sử có ảnh hưởng to lớn và lâu dài tới sự phát triển và phân bố công nghiệp, tới định hướng đầu tư và xây dựng cơ cấu ngành công nghiệp. ở nước ta, Đại hội Đảng lần thứ IV (1976) chủ trương ưu tiên phát triển công nghiệp nặng một cách hợp lí… Sau đó Đại hội VII (1991) đã xác định rõ phải đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hoá và hiện đại hoá đất nước…

Phù hợp với xu thế mở cửa và hội nhập, chúng ta đã xây dựng các ngành công nghiệp mũi nhọn dựa vào lợi thế so sánh như công nghiệp năng lượng (dầu khí, điện năng), công nghiệp chế biến nông lâm thủy sản (dựa trên thế mạnh về nguyên liệu), công nghiệp nhẹ gia công xuất khẩu sử dụng nhiều lao động, công nghiệp cơ khí, điện tử, công nghệ thông tin và một số ngành sản xuất nguyên liệu cơ bản... Cơ cấu công nghiệp theo ngành và theo lãnh thổ đã có những chuyển biến rõ rệt theo hướng công nghiệp hoá và hiện đại hoá.

Nguồn: ĐHSP ĐT
 
Bổ sung cho chị 1 tí nè

Vai trò và đặc điểm của công nghiệp

1. Vai trò

Công nghiệp là ngành sản xuất ra một khối lượng của cải vật chất rất lớn cho xã hội, có vai trò chủ đạo trong nền kinh tế quốc dân. Công nghiệp không những cung cấp hầu hết các tư liệu sản xuất, xây dựng cơ sở vật chất, kỹ thuật cho tất cả các ngành kinh tế mà còn tạo ra các sản phẩm tiêu dùng có giá trị, góp phần phát triển nền kinh tế và nâng cao trình độ văn minh của toàn xã hội.

Công nghiệp còn có tác dụng thúc đẩy sự phát triển của nhiều ngành kinh tế khác như nông nghiệp, giao thông vận tải, thương mại, dịch vụ và củng cố an ninh quốc phòng. Không một ngành kinh tế nào lại không sử dụng các sản phẩm của công nghiệp.

Công nghiệp tạo điều kiện khai thác có hiệu quả các nguồn tài nguyên thiên nhiên ở các vùng khác nhau, làm thay đổi sự phân công lao động và giảm mức độ chênh lệch về trình độ phát triển giữa các vùng lãnh thổ.

Công nghiệp ngày càng sản xuất ra nhiều sản phẩm mới mà không ngành sản xuất vật chất nào sánh được với nó vì thế tạo khả năng mở rộng sản xuất, mở rộng thị trường lao động, tạo ra nhiều việc làm mới và tăng thu nhập.

Ngày nay, một nước muốn có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao và đảm bảo sự phát triển ổn định về kinh tế - xã hội, cần thiết phải có một hệ thống các ngành công nghiệp hiện đại và đa dạng, trong đó các ngành công nghiệp mũi nhọn phải được chú ý thích đáng. Quá trình một xã hội chuyển dịch từ một nền kinh tế chủ yếu dựa trên cơ sở nông nghiệp sang một nền kinh tế về cơ bản dựa vào sản xuất công nghiệp được gọi là quá trình công nghiệp hoá.


2. Đặc điểm

Công nghiệp là một tập hợp các hoạt động sản xuất với những đặc điểm nhất định, thông qua các quá trình công nghệ để tạo ra sản phẩm.

a) Sản xuất công nghiệp bao gồm hai giai đoạn.

Quá trình sản xuất công nghiệp thường được chia thành hai giai đoạn: giai đoạn tác động vào đối tượng lao động là môi trường tự nhiên để tạo ra nguyên liệu (khai thác than, dầu mỏ, quặng kim loại, khai thác gỗ…) và giai đoạn chế biến các nguyên liệu đó thành tư liệu sản xuất và vật phẩm tiêu dùng (sản xuất máy móc, chế biến gỗ, chế biến thực phẩm…). Trong mỗi giai đoạn lại bao gồm nhiều công đoạn sản xuất phức tạp nhưng có mối liên hệ chặt chẽ với nhau.
b) Sản xuất công nghiệp có tính chất tập trung cao độ

Nhìn chung, sản xuất công nghiệp (trừ các ngành công nghiệp khai thác khoáng sản, khai thác gỗ…) không đòi hỏi những không gian rộng lớn. Tính chất tập trung thể hiện rõ ở việc tập trung tư liệu sản xuất, nhân công và sản phẩm. Trên một diện tích nhất định, có thể xây dựng nhiều xí nghiệp, thu hút nhiều lao động và tạo ra một khối lượng lớn sản phẩm.

c) Sản xuất công nghiệp bao gồm nhiều ngành phức tạp, được phân công tỉ mỉ và có sự phối hợp chặt chẽ để tạo ra sản phẩm cuối cùng.

Công nghiệp là tập hợp của hệ thống nhiều ngành như khai thác (than, dầu mỏ…), điện lực, luyện kim, chế tạo máy, hoá chất, thực phẩm… Các ngành này kết hợp chặt chẽ với nhau trong quá trình sản xuất để tạo ra sản phẩm. Trong từng ngành công nghiệp, quy trình sản xuất cũng hết sức chi tiết, chặt chẽ. Chính vì vậy các hình thức chuyên môn hoá, hợp tác hoá, liên hợp hoá có vai trò đặc biệt trong sản xuất công nghiệp.

Hiện nay có nhiều cách phân loại ngành công nghiệp. Cách phân loại phổ biến nhất là dựa vào tính chất tác động đến đối tượng lao động. Theo cách này, sản xuất công nghiệp được chia thành hai nhóm chính là công nghiệp khai thác và công nghiệp chế biến. Còn dựa vào công dụng kinh tế của sản phẩm, thì sản xuất công nghiệp được chia thành hai nhóm: công nghiệp nặng (nhóm A) và công nghiệp nhẹ (nhóm B).

nguồn opera
 

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top