Địa lý Công nghiệp hóa chất, sản xuất hàng tiêu dùng, thực phẩm

Bút Nghiên

ButNghien.com
ĐỊA LÍ CÔNG NGHIỆP HÓA CHẤT, SẢN XUẤT HÀNG TIÊU DÙNG, THỰC PHẨM

I.Công nghiệp hoá chất

1. Vai trò


- Công nghiệp hoá chất là một ngành công nghiệp nặng tương đối trẻ, phát triển nhanh từ cuối thế kỉ XIX do nhu cầu cung cấp nguyên liệu cho các ngành kinh tế và do sự phát triển mạnh mẽ của khoa học kĩ thuật. Hiện nay công nghiệp hoá chất được coi là ngành mũi nhọn trong hệ thống các ngành công nghiệp trên thế giới.

- Công nghiệp hoá chất sử dụng tổng hợp các nguồn nguyên vật liệu tự nhiên, các phế liệu và chất thải của các ngành sản xuất và đời sống để tạo ra nhiều sản phẩm mới mà các đặc tính của chúng nhiều khi lại không có trong tự nhiên, góp phần vừa bổ sung cho các nguồn nguyên liệu tự nhiên, vừa có giá trị sử dụng cao trong đời sống xã hội trên cơ sở sử dụng tài nguyên hợp lý và tiết kiệm hơn.

- Công nghiệp hoá chất có vai trò quan trọng trong nền kinh tế cũng như trong đời sống của nhân dân. Nó cung cấp nguyên liệu ban đầu hoặc bán thành phẩm phục vụ cho nhiều ngành công nghiệp, đặc biệt là công nghiệp nhẹ. Đối với nông nghiệp, công nghiệp hoá chất là đòn bẩy để thực hiện quá trình hoá học hoá, góp phần tăng trưởng sản xuất với năng suất cao, chất lượng sản phẩm tốt. Công nghiệp hoá chất cung cấp những vật tư chiến lược cho nông nghiệp như phân hoá học, thuốc trừ sâu, các loại thuốc chống dịch bệnh, kích thích sự tăng trưởng và phát triển của cây trồng, vật nuôi…

2. Đặc điểm kinh tế- kỹ thuật

- Công nghiệp hoá chất sử dụng nhiều loại nguyên liệu, khoáng sản, kể cả phế liệu của các ngành sản xuất khác để chế tạo ra nhiều loại hoá phẩm. Chẳng hạn như từ muối ăn có thể sản xuất xút và clo, từ vôi và than đá chế tạo ra cacbua canxi, từ apatít, phôtphoric sản xuất ra phân lân, tận dụng xỉ lò cao để sản xuất benzen, phênol, hay từ cành, ngọn cây có thể chế ra rượu…

Do vậy, ngành công nghiệp hoá chất thường được phân bố ở nhiều nơi.

- Công nghiệp hoá chất có nhu cầu rất lớn về nhiên liệu, năng lượng và nguồn nước.

Ví dụ để sản xuất ra 1 tấn sợi nhân tạo, phải cần từ 7 đến 10 tấn nhiên liệu, 8.000 đến 15.000 kwh điện và từ 1.200 đến 2.000 m3 nước. Việc sản xuất cao su nhân tạo, amôniắc cũng tương tự như thế.

Đối với những ngành trên, thông thường các xí nghiệp được xây dựng gần nguồn nhiên liệu, điện và nước.

- Một số sản phẩm của ngành công nghiệp hoá chất là những chất độc hại, chuyên chở xa nguy hiểm và bất tiện (như H2SO4, xút, clo) thì cần được phân bố ngay tại vùng tiêu thụ. Bên cạnh đó, ngành công nghiệp hoá chất thường được phân bố gần các trung tâm công nghiệp cơ khí, công nghiệp nhẹ vì một số ngành này tiêu thụ nhiều hoá phẩm.

- Các xí nghiệp công nghiệp hoá chất có mối liên hệ rất khăng khít với nhau trong việc sử dụng thành phẩm và sản phẩm phụ của nhau. Ví dụ như nhà máy phân lân sử dụng H2SO4 của nhà máy sản xuất H2SO4; nhà máy sơn sử dụng xỉ quặng pyrit của nhà máy phân lân… Trong nhiều trường hợp, các nhà máy hoá chất này sử dụng hoá phẩm của các nhà máy hoá chất khác để sản xuất ra hàng trăm sản phẩm mới.

Vì đặc điểm trên, xu hướng phân bố các nhà máy hoá chất là thành từng cụm để có điều kiện sử dụng tổng hợp nguyên liệu.

- Một số ngành công nghiệp hoá chất đòi hỏi quy trình kĩ thuật phức tạp, công nghệ hiện đại, vốn đầu tư lớn (hoá dầu, tổng hợp hữu cơ…) thường chỉ tập trung ở các nước phát triển.

- Các xí nghiệp hoá chất nói chung, ít nhiều đều gây ô nhiễm và độc hại cho môi trường (không khí, nguồn nước…). Vì vậy, khi xây dựng các nhà máy cần chú ý hệ thống xử lí các chất độc hại để bảo đảm vệ sinh, sức khoẻ cho cộng đồng dân cư.

3. Tình hình sản xuất và phân bố

Công nghiệp hoá chất là tập hợp của nhiều phân ngành mà quy trình công nghệ chủ yếu dựa trên các phản ứng hoá học phân tích và tổng hợp. Nó bao gồm 3 phân ngành chính với rất nhiều các sản phẩm khác nhau.

a. Phân ngành hoá chất cơ bản với các sản phẩm chủ yếu là các axit vô cơ (H2SO4, HCl, HNO3…), các muối, kiềm và clo; thuốc nhuộm, các chất tẩy rửa (được sử dụng rộng rãi trong các ngành công nghiệp, nhất là công nghiệp dệt); phân bón, hoá chất bảo vệ thực vật được phân bố ở cả các nước phát triển và đang phát triển.

Sản lượng phân hoá học của thế giới hiện nay khoảng 150 triệu tấn.

b. Phân ngành hoá tổng hợp hữu cơ bao gồm các sản phẩm chính là sợi hoá học, cao su tổng hợp, các chất dẻo, nhựa PVC, các chất thơm, phim ảnh… Sợi hoá học được sử dụng nhiều trong công nghiệp dệt để thay thế một phần nguyên liệu sợi tự nhiên. Cao su tổng hợp chủ yếu để sản xuất săm lốp xe máy, ô tô, máy bay… Về sản xuất cao su tổng hợp, so với sản lượng của thế giới (9,5 triệu tấn), Hoa Kỳ chiếm 25%, Nhật 16,7%, Nga 7,8%, Trung Quốc 7,7%, CHLB Đức 7,6%… Việc sản xuất chất dẻo đạt được nhiều tiến bộ với tính năng ngày càng cao nhờ cải tiến phương pháp chế biến. Hiện nay trên thế giới, nhiều nước đã tạo ra các loại chất dẻo có độ xốp cao để làm màn lọc, các chất dẻo không thấm để bao gói hàng hoá, các chất dẻo có tính năng giữ nước tốt để lót các hệ thống làm ẩm trong sa mạc, các vật liệu tương hợp sinh học để làm các bộ phận giả của cơ thể con người. Vật liệu composit, một dạng của vật liệu chất dẻo có độ bền cơ học cao, đang được sử dụng ngày càng phổ biến trong các ngành công nghiệp, giao thông vận tải và xây dựng.

Phân ngành hóa tổng hợp hữu cơ tập trung ở các nước công nghiệp phát triển và một số nước công nghiệp mới (Braxin, Ấn Độ, Trung Quốc…).

c. Phân ngành hoá dầu bao gồm các sản phẩm hoá lọc dầu từ dầu thô như xăng, dầu hoả, dầu bôi trơn; các loại dược phẩm, mỹ phẩm. Nói chung phân ngành này tập trung chủ yếu ở các nước phát triển có trình độ kỹ thuật công nghệ cao và có vốn đầu tư lớn như Hoa Kỳ, Nhật, LB Nga, Anh, Pháp, CHLB Đức…

4. Ở nước ta, ngành hoá chất được coi là một trong những ngành công nghiệp mũi nhọn cho giai đoạn đến năm 2010 với tỉ trọng 8,1% tổng giá trị sản xuất của toàn ngành công nghiệp. Cơ cấu của ngành là hoá chất cơ bản, cao su, thuốc chữa bệnh dựa trên các thế mạnh về nguyên liệu, cơ sở vật chất- kỹ thuật, nhu cầu thị trường trong nước và khả năng liên doanh với nước ngoài. Năm 2003, nước ta đã sản xuất gần 1,3 triệu tấn phân hoá học, gần 400 nghìn tấn xà phòng giặt, trên 18 nghìn tấn thuốc trừ sâu, gần 44 nghìn tấn H2SO4, trên 80 nghìn tấn xút (NaOH)…

II.Công nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng

1. Vai trò


Nhóm ngành công nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng bao gồm nhiều ngành khác nhau, đa dạng về sản phẩm và phức tạp về qui trình công nghệ. Đáng chú ý hơn cả là các ngành dệt- may, da- giày, giấy- in, văn phòng phẩm, nhựa, sành- sứ- thuỷ tinh. Hoạt động của chúng chủ yếu dựa vào nguồn lao động dồi dào và thị trường tiêu thụ rộng lớn cả trong và ngoài nước. ở nhiều nước, nhóm ngành này phát triển mạnh trên cơ sở phát huy khả năng của mọi thành phần kinh tế, với nhiều hình thức, quy mô và công nghệ thích hợp, tận dụng nguồn nguyên liệu tại chỗ nhằm thoả mãn nhu cầu về các loại hàng hóa thông thường, thay thế nhập khẩu, góp phần đẩy mạnh xuất khẩu.

Công nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng là một ngành quan trọng, không thể thiếu được trong hệ thống các ngành công nghiệp của mọi quốc gia bởi vì đã tạo ra được nhiều loại hàng hoá thông dụng phục vụ trước hết cho cuộc sống thường nhật của mọi tầng lớp nhân dân. Hơn nữa nó còn có giá trị xuất khẩu nếu như sản phẩm thoả mãn yêu cầu của thị trường bên ngoài.

2. Đặc điểm kinh tế- kĩ thuật

- So với các ngành công nghiệp nặng, công nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng sử dụng nhiên liệu, điện năng và chi phí vận tải ít hơn, song lại chịu ảnh hưởng lớn hơn về nguồn lao động, thị trường tiêu thụ và nguồn nguyên liệu.

Nhìn chung, các ngành công nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng sử dụng nguồn nguyên liệu phong phú từ nông nghiệp (sợi bông, đay, tơ tằm, lông cừu, da lông thú…) cho đến các vật liệu tổng hợp và nhân tạo (sợi tổng hợp, da nhân tạo, chất dẻo, cao su tổng hợp…). ở giai đoạn sơ chế nguyên liệu, các xí nghiệp (cán bông, ươm tơ, sơ chế lanh, đay…) bị thu hút mạnh về phía vùng nguyên liệu nông nghiệp.

- Công nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng gắn bó mật thiết với nhiều ngành công nghiệp nặng, nhất là công nghiệp cơ khí và hoá chất, bởi vì chúng thường xuyên nhận các thiết bị, sợi hoá học, thuốc tẩy rửa, thuốc nhuộm… từ các ngành công nghiệp này. Trong khi đó, nguồn lao động chủ yếu cho các ngành công nghiệp nặng lại là nam giới.

Vì vậy, sự kết hợp lãnh thổ giữa công nghiệp nặng và công nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng là hợp lí và có hiệu quả, nhất là góp phần sử dụng hợp lí nguồn lao động (lao động nữ).

- So với công nghiệp nặng, ngành công nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng đòi hỏi vốn đầu tư ít, thời gian xây dựng tương đối ngắn, quy trình sản xuất khá đơn giản, thời gian hoàn vốn nhanh, thu được lợi nhuận tương đối dễ dàng, có nhiều khả năng xuất khẩu. Vì thế các quốc gia trên thế giới, kể cả các nước phát triển và đang phát triển đều chú trọng đẩy mạnh công nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng tuỳ theo thế mạnh và truyền thống của mỗi nước để đáp ứng nhu cầu cuộc sống, giải quyết việc làm, góp phần cho xuất khẩu và nâng cao thu nhập.

3. Tình hình sản xuất và phân bố

- Công nghiệp dệt- may là một trong những ngành chủ đạo và quan trọng của công nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng.

Sự ra đời của máy dệt ở nước Anh năm 1764 là khúc dạo đầu cho cuộc cách mạng công nghiệp đầu tiên trên thế giới và từ đó, vai trò của ngành này ngày càng được nâng cao. Ngành dệt- may giải quyết nhu cầu về may mặc, sinh hoạt cho hơn 6 tỉ người trên Trái đất và một phần nguyên liệu cho nhiều ngành công nghiệp khác. Công nghiệp dệt- may có tác dụng thúc đẩy sự phát triển nông nghiệp và các ngành công nghiệp nặng, đặc biệt là công nghiệp hoá chất, đồng thời còn góp phần giải quyết việc làm cho người lao động, nhất là lao động nữ với những đức tính cần cù, chăm chỉ, tỉ mỉ, khéo tay. Ngành dệt- may ít gây ô nhiễm môi trường, sử dụng điện ở mức độ vừa phải, vốn đầu tư không lớn.
Chính vì vậy, ngành dệt- may được phát triển mạnh mẽ ở tất cả các nước trên thế giới và thường được phân bố ở xung quanh các thành phố lớn, nơi có lực lượng lao động dồi dào, có kĩ thuật, lại có thị trường tiêu thụ rộng lớn. Nhờ những tiến bộ vượt bậc của công nghệ chế tạo sợi dệt như tạo ra các vi sợi (microfibres) từ nhiều loại nguyên liệu khác nhau (sợi bông, sợi gai, lanh, len, visco từ gỗ, sợi tổng hợp từ công nghiệp hoá dầu…), trang bị kỹ thuật và máy móc hiện đại, mẫu mã, kiểu dáng luôn thay đổi mà ngành dệt- may đã phát triển mạnh mẽ.

- Nhiều nước có ngành dệt- may phát triển đồng thời cũng là thị trường nhập khẩu và tiêu thụ hàng dệt- may lớn:

+ Các nước trong EU (Pháp, Đức, Anh…) có mức tiêu thụ sản phẩm hàng dệt- may rất cao (18 kg/người/năm). Hàng năm các nước EU nhập khẩu 63 tỉ USD với yêu cầu chất lượng và hàm lượng chất xám trong sản phẩm rất cao.

+ Thị trường Hoa Kỳ có mức tiêu thụ hàng dệt- may cao gấp rưỡi EU (27 kg/người/năm) với giá trị nhập khẩu 50 tỉ USD.

+ Thị trường Nhật Bản nhập khẩu hàng dệt may khoảng 30 tỉ USD, trong đó riêng quần áo chiếm 67%.

- Những nước có ngành dệt- may phát triển và là thị trường xuất khẩu chủ yếu là Trung Quốc, Hàn Quốc, Thái Lan, Inđônêxia, ấn Độ…

Công nghiệp dệt- may ở nước ta là một trong các ngành công nghiệp trọng điểm, chiếm 8,2% giá trị sản xuất của toàn ngành công nghiệp (năm 2002), đứng thứ 3 sau công nghiệp thực phẩm và đồ uống (21,0%) và công nghiệp khai thác dầu (10,3%). Các sản phẩm chủ yếu là sợi dệt (253,3 nghìn tấn), vải lụa (487 triệu m2), khăn mặt (588 triệu cái), quần áo may sẵn (619 triệu chiếc), sản phẩm dệt kim (72 triệu chiếc)…

Về kim ngạch xuất khẩu, hàng dệt- may tăng từ 850 triệu USD năm 1995 lên 1,9 tỉ USD năm 2000 và đạt 3,7 tỉ USD năm 2003 vàtrở thành một trong những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của nước ta.

III.Công nghiệp thực phẩm

1.Vai trò

- Công nghiệp thực phẩm cung cấp các sản phẩm nhằm đáp ứng nhu cầu hàng ngày về ăn, uống của con người. Nguyên liệu chủ yếu của nó là các sản phẩm từ nông nghiệp (trồng trọt, chăn nuôi) và từ ngành thuỷ sản (khai thác và nuôi trồng). Vì vậy, ngành này tạo điều kiện để tiêu thụ sản phẩm và thúc đẩy nông nghiệp phát triển. Hơn thế nữa, thông qua việc chế biến, công nghiệp thực phẩm còn làm tăng thêm chất lượng và giá trị của sản phẩm nông nghiệp vừa dễ bảo quản, vừa thuận tiện cho việc chuyên chở, tạo ra nhiều mặt hàng xuất khẩu, tích lũy vốn, góp phần cải thiện đời sống.

- Trong đời sống xã hội, ngành công nghiệp thực phẩm có tầm quan trọng đặc biệt. Đồ ăn cho xã hội, nhất là xã hội công nghiệp hiện đại cần đủ dinh dưỡng giúp con người phục hồi nhanh sức lao động và phải thuận tiện cho sinh hoạt. Ngoài ra, nó còn giải phóng cho những người nội trợ thoát khỏi cảnh phụ thuộc và tốn nhiều thời gian vào công việc bếp núc cổ truyền.

- Đối với các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam, vai trò của công nghiệp thực phẩm rất to lớn, nhất là ở các vùng nông nghiệp và nông thôn. Với sự hỗ trợ của những thành tựu về khoa học công nghệ và của hệ thống máy móc thiết bị, các xí nghiệp công nghiệp thực phẩm có thể phân bố tại các vùng nông thôn, tạo điều kiện mở mang ngành nghề mới, góp phần giải quyết việc làm và thúc đẩy phân công lao động xã hội. Bên cạnh đó, nó còn tăng cường việc sản xuất hàng hoá trong nông nghiệp và làm chuyển dịch cơ cấu kinh tế- xã hội ở các vùng nông thôn.

2. Đặc điểm kinh tế- kĩ thuật

- Việc xây dựng các xí nghiệp công nghiệp thực phẩm đòi hỏi vốn đầu tư ít hơn nhiều so với các ngành công nghiệp nặng, vốn quay vòng tương đối nhanh, tăng khả năng tích luỹ cho nền kinh tế quốc dân.

- Ngành công nghiệp thực phẩm được phân bố tương đối linh hoạt. Nó có mặt ở mọi quốc gia, tuỳ thuộc vào tính chất của nguồn nguyên liệu và thị trường tiêu thụ. Các xí nghiệp sơ chế thường hướng về vùng nguyên liệu (rượu, đường, hoa quả, thịt sữa…), các xí nghiệp chế biến thành phẩm (bia, đồ hộp, bánh kẹo…) phục vụ cho nhu cầu tiêu dùng trực tiếp của dân cư hay vận chuyển sản phẩm đi xa không đảm bảo chất lượng, chóng hỏng thì thường phân bố ở các trung tâm tiêu thụ, các điểm dân cư, kể cả những ngành dựa vào nguyên liệu nhập.

3. Tình hình sản xuất và phân bố

Sản phẩm của công nghiệp thực phẩm rất phong phú, đa dạng và tập trung vào ba nhóm ngành chính: chế biến sản phẩm trồng trọt, chế biến sản phẩm chăn nuôi và chế biến thuỷ hải sản.

- Công nghiệp chế biến sản phẩm trồng trọt bao gồm xay xát, chế biến sản phẩm từ lương thực; công nghiệp đường, bánh kẹo; công nghiệp rượu, bia, nước ngọt; công nghiệp chế biến chè, cà phê, thuốc lá; công nghiệp chế biến dầu thực vật và đồ hộp rau quả…

- Công nghiệp chế biến sản phẩm chăn nuôi gồm có công nghiệp chế biến sữa và các sản phẩm từ sữa, công nghiệp chế biến thịt và các sản phẩm từ thịt như xúc xích, dăm bông, lạp xường, giò…

- Công nghiệp chế biến thuỷ hải sản cung cấp nguồn đạm động vật từ sông, biển bao gồm công nghiệp chế biến tôm, cá (sấy khô và đông lạnh) và các sản phẩm khác từ sông, biển, công nghiệp chế biến và đóng hộp, công nghiệp làm muối và nước mắm…

Công nghiệp thực phẩm có mặt ở mọi quốc gia trên thế giới. Các nước phát triển thường tiêu thụ rất nhiều thực phẩm chế biến,. Họ chú trọng sản xuất các sản phẩm có chất lượng cao, mẫu mã đẹp và tiện lợi khi sử dụng. Các công ty chế biến thực phẩm hàng đầu thế giới là Coca- cola, Pepsi, Foremost, Heineken, Carlsberg, Ajinomoto… ở nhiều nước đang phát triển, ngành thực phẩm đóng vai trò chủ đạo trong cơ cấu và giá trị sản xuất công nghiệp.

Nước ta có nhiều thế mạnh để phát triển công nghiệp thực phẩm. Đó là nguồn nguyên liệu tại chỗ đa dạng, phong phú và thị trường tiêu thụ rộng lớn. Ngành công nghiệp thực phẩm có vị trí quan trọng trong cơ cấu công nghiệp, chiếm 21,1% giá trị sản xuất công nghiệp và 40% giá trị kim ngạch xuất khẩu (năm 2003). Các sản phẩm chủ yếu (năm 2003) là xay xát gạo ngô (30,9 triệu tấn), đường luyện (835 nghìn tấn), bia (1.050 triệu lít), rượu (151 triệu lít), sữa hộp đặc có đường (289 triệu hộp), dầu thực vật (330 nghìn tấn), hoa quả hộp (31,8 nghìn tấn), chè (105 nghìn tấn), nước mắm (193 triệu lít), muối (1,28 triệu tấn)…
Giá trị hàng xuất khẩu của ngành công nghiệp thực phẩm cũng tăng nhanh, như hàng thuỷ sản từ 621,4 triệu USD năm 1995 lên gần 2,2 tỉ USD năm 2003, thịt chế biến từ 12,1 triệu USD năm 1995 lên 27,3 tỉ USD năm 2002, rau quả hộp từ 56,1 triệu USD năm 1995 lên 151 triệu USD năm 2003…

Nguồn: ĐHSP ĐT
 

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top