ĐỊA LÝ TỈNH THÁI BÌNH - ĐỊA LÍ THÁI BÌNH
Bản đồ hành chính tỉnh Thái Bình
Vị trí địa lý: là một tỉnh ven biển, thuộc khu vực đồng bằng sông Hồng, nằm trong vùng ảnh hưởng trực tiếp của tam giác tăng trưởng kinh tế: Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh. Tọa độ địa lý khoảng 20,17 - 20,44 độ vĩ bắc; 106,06 - 106,39 độ kinh đông. Phía bắc giáp tỉnh Hưng Yên, Hải Dương và Thành phố Hải Phòng. Phía tây và tây nam giáp tỉnh Nam Định và Hà Nam. Phía đông giáp vịnh Bắc Bộ.
Diện tích tự nhiên: 1.545,4 km2 chiếm 0,5% diện tích đất đai của cả nước. Từ Tây sang Đông dài 54 km, từ Bắc xuống Nam dài 49 km.
Dân số Thái Bình năm 2005 là 1860,6 nghìn người.
Đơn vị hành chính: Tỉnh có 7 huyện (Đông Hưng, Hưng Hà, Kiến Xương, Quỳnh Phụ, Tiền Hải, Thái Thụy, Vũ Thư) và 01 thành phố (Thành phố Thái Bình) trong đó có 284 xã, phường, thị trấn.
Khí hậu: Thái Bình nằm trong vùng nhiệt đới gió mùa. Nhiệt độ trung bình hàng năm là 23-24oC (thấp nhất là 4oC, cao nhất là 38oC). Lượng mưa trung bình 1.400mm - 1.800mm. Số giờ nắng trong năm khoảng 1.600 - 1.800 giờ. Độ ẩm trung bình vào khoảng 85-90%.
Địa hình: Thái Bình là một tỉnh đồng bằng có địa hình tương đối bằng phẳng với độ dốc nhỏ hơn 1%; cao trình biến thiên phổ biến từ 1-2m so với mực nước biển, thấp dần từ tây bắc xuống đông nam.
Thủy văn: Thái Bình được bao bọc bởi hệ thống sông, biển khép kín. Bờ biẻnsông, biển khép kín. Bờ biển dài trên 50 km và 4 sông lớn chảy qua địa phận của tỉnh: Phía bắc và đông bắc có sông Hóa, phía bắc và tây bắc có sông Luộc, phía tây và nam là đoạn hạ lưu của sông Hồng, sông Trà Lý chảy qua giữa tỉnh từ tây sang đông dài 65 km. Đồng thời có 5 cửa sông lớn (Lân, Văn Úc, Diêm Điền, Ba Lạt, Trà Lý). Các sông này đều chịu ảnh hưởng của chế độ thủy triều, mùa hè mức nước dâng nhanh, lưu lượng lớn, hàm lượng phù sa cao. Mùa đông lưu lượng giảm nhiều, lượng phù sa không đáng kể. Nước mặn ảnh hưởng sâu vào đất liền (15-20 km).
Tài nguyên thiên nhiên:
Tài nguyên đất: đất đai Thái Bình phì nhiêu màu mỡ do được bồi tụ bởi hệ thống sông Hồng và sông Thái Bình. Tổng diện tích tự nhiên 153.596 ha. Trong đó: Diện tích cây hàng năm: 94.187 ha; Ao hồ đã đưa vào sử dụng: 6.018 ha. Hầu hết đất đai đã được cải tạo hàng năm có thể cấy trồng được 3-4 vụ, diện tích có khả năng làm vụ đông khoảng 40.000 ha.
Tài nguyên nước: Nguồn nước ngọt cho nhu cầu dân sinh và công nghiệp tương đối dồi dào, chủ yếu là nguồn nước mặt của các sông lớn. Tổng diện tích có khả năng nuôi thủy sản là 9.256 ha. Ngoài ra còn có trên 3.000 ha vùng lúa ruộng trũng cấy 1 vụ năng suất thấp có thể chuyển sang nuôi thủy sản. Nước mặn chiếm khoảng 17km2 chủ yếu dành cho hoạt động khai thác khoáng sản với tổng trữ lượng hải sản vùng ven biển khoảng 26.000 tấn. Vùng nước lợ có các nguồn phù du sinh vật, các loại tảo thực vật, thủy sinh phong phú làm thức ăn tự nhiên cho nuôi trồng thủy sản. Vùng này có khoảng 20.705 ha, trong đó diện tích có khả năng phát triển nuôi trồng thủy sản nước lợ là 5.453 ha.
Tài nguyên rừng: Thái Bình có các cồn cát ven biển như: Cồn Vành, Cồn Thủ, Cồn Đen và vùng đất ngập mặn rất thích hợp trồng tập trung cây sú vẹt, bần. Hiện tại có gần 5.000 ha rừng vừa giữ đất, chắn sóng, vừa tạo môi trường sinh thái và cảnh quan thiên nhiên du lịch ven biển.
Tài nguyên khoáng sản: khoáng sản Thái Bình chủ yếu là khí đốt và nước khoáng (cả 2 đều tập trung chủ yếu ở Tiền Hải) và than nâu thuộc bể than nâu vùng đồng bằng sông Hồng.
ST