Địa lí tỉnh Hà Nam

ButNghien

Học tập suốt đời!
Thành viên BQT
Xu
46


Đất đai, địa hình tỉnh Hà Nam


Hà Nam là một tỉnh đồng bằng giáp núi nên địa hình có sự tương phản giữa địa hình đồng bằng và địa hình đồi núi. Mật độ và độ sâu chia cắt địa hình so với các vùng núi khác trong cả nước hầu như không đáng kể. Hướng địa hình đơn giản, duy nhất chỉ có hướng tây bắc-đông nam, phù hợp với hướng phổ biến nhất của núi, sông Việt Nam. Hướng dốc của địa hình cũng là hướng tây bắc-đông nam theo thung lũng lũng sông Hồng, sông Đáy và dãy núi đá vôi Hòa Bình-Ninh Bình, phản ánh tính chất đơn giản của cấu trúc địa chất.

tc11_doi_kimbang.jpg
Vùng đồi ở Kim Bảng

Phía tây của tỉnh (chiếm khoảng 10-15% diện tích lãnh thổ tỉnh Hà Nam) là vùng đồi núi bán sơn địa với các dãy núi đá vôi, núi đất và đồi rừng, nhiều nơi có địa hình dốc. Vùng núi đá vôi ở đây là một bộ phận của dãy núi đá vôi Hòa Bình-Ninh Bình, có mật độ chia cắt lớn tạo nên nhiều hang động có thạch nhũ hình dáng kỳ thú. Xuôi về phía đông là những giải đồi đất thấp, xen lẫn núi đá và những thung lũng ruộng. Phần lớn đất đai trong vùng đồi núi bán sơn địa là đất nâu vàng trên phù sa cổ, đất đỏ vàng trên phiến đá sét, đất nâu đỏ trên đá bazơ và đất đỏ nâu trên đá vôi, thích hợp với các loại cây lâm nghiệp, cây ăn quả và cây công nghiệp. Với những hang động và các di tích lịch sử-văn hóa, vùng này còn có tiềm năng lớn để phát triển các khu du lịch.


tc11_canhdong_binhluc.jpg
Cánh đồng lúa ở Bình Lục

Phía đông là vùng đồng bằng do phù sa bồi tụ từ các dòng sông lớn (chiếm khoảng 85-90% lãnh thổ tỉnh Hà Nam), đất đai màu mỡ, thích hợp cho canh tác lúa nước, rau màu và các loại cây công nghiệp ngắn ngày như mía, dâu, đỗ tương, lạc và một số loại cây ăn quả. Phần lớn đất đai ở vùng này bị chia cắt bởi hệ thống sông ngòi khá dày đặc. Vì vậy ở đây có diện tích mặt nước ao, hồ, đầm, phá, ruộng trũng và sông ngòi khá lớn thuận lợi cho việc nuôi trồng, đánh bắt thủy sản và chăn nuôi gia cầm dưới nước.

Khí hậu, thủy văn tỉnh Hà Nam
a. Khí hậu

Hà Nam có điều kiện thời tiết, khí hậu mang đặc trưng của khí hậu nhiệt đới gió mùa, nóng và ẩm ướt.
Nhiệt độ trung bình hàng năm vào khoảng 23-24oC, số giờ nắng trung bình khoảng 1300-1500giờ/năm. Trong năm thường có 8-9 tháng có nhiệt độ trung bình trên 20oC (trong đó có 5 tháng có nhiệt độ trung bình trên 25oC) và chỉ có 3 tháng nhiệt độ trung bình dưói 20oC, nhưng không có tháng nào nhiệt độ dưới 16oC.

Hai mùa chính trong năm (mùa hạ, mùa đông) với các hướng gió thịnh hành: về mùa hạ gió nam, tây nam và đông nam; mùa đông gió bắc, đông và đông bắc.
Lượng mưa trung bình khoảng 1900mm, năm có lượng mưa cao nhất tới 3176mm (năm 1994), năm có lượng mưa thấp nhất cũng là 1265,3mm (năm 1998).
Độ ẩm trung bình hàng năm là 85%, không có tháng nào có độ ẩm trung bình dưới 77%. Tháng có độ ẩm trung bình cao nhất trong năm là tháng 3 (95,5%), tháng có độ ẩm trung bình thấp nhất trong năm là tháng 11 (82,5%).

Khí hậu có sự phân hóa theo chế độ nhiệt với hai mùa tương phản nhau là mùa hạ và mùa đông cùng với hai thời kỳ chuyển tiếp tương đối là mùa xuân và mùa thu. Mùa hạ thường kéo dài từ tháng 5 đến tháng 9, mùa đông thường kéo dài từ giữa tháng 11 đến giữa tháng 3; mùa xuân thường kéo dài từ giữa tháng 3 đến hết tháng 4 và mùa thu thường kéo dài từ tháng 10 đến giữa tháng 11.

b. Thủy văn
tc12_songhong.jpg


Sông Hồng mang phù sa cho vùng bãi

Hà Nam có lượng mưa trung bình cho khối lượng tài nguyên nước rơi khoảng 1,602 tỷ m3. Dòng chảy mặt từ sông Hồng, sông Đáy, sông Nhuệ hàng năm đưa vào lãnh thổ khoảng 14,050 tỷ m3 nước. Dòng chảy ngầm chuyển qua lãnh thổ cũng giúp cho Hà Nam luôn luôn được bổ sung nước ngầm từ các vùng khác. Nước ngầm ở Hà Nam tồn tại trong nhiều tầng và chất lượng tốt, đủ đáp ứng cho nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội. Chảy qua lãnh thổ Hà Nam là các sông lớn như sông Hồng, sông Đáy, sông Châu và các sông do con người đào đắp như sông Nhuệ, sông Sắt, Nông Giang, v.v.
Sông Hồng là ranh giới phía đông của tỉnh với các tỉnh Hưng Yên và Thái Bình. Trên lãnh thổ tỉnh, sông có chiều dài 38,6 km. Sông Hồng có vai trò tưới tiêu quan trọng và tạo nên những bãi bồi màu mỡ với diện tích gần 10.000 ha.

tc12_song_day.jpg
Một đoạn sông Đáy

Sông Đáy là một nhánh của sông Hồng bắt nguồn từ Phú Thọ chảy vào lãnh thổ Hà Nam. Sông Đáy còn là ranh giới giữa Hà Nam và Ninh Bình. Trên lãnh thổ Hà Nam sông Đáy có chiều dài 47,6 km. Sông Nhuệ là sông đào dẫn nước sông Hồng từ Thụy Phương, Từ Liêm, Hà Nội và đi vào Hà Nam với chiều dài 14,5 km, sau đó đổ vào sông Đáy ở Phủ Lý.

Sông Châu khởi nguồn trong lãnh thổ Hà Nam. Tại Tiên Phong (Duy Tiên) sông chia thành hai nhánh, một nhánh làm ranh giới giữa huyện Lý Nhân và Bình Lục và một nhánh làm ranh giới giữa huyện Duy Tiên và Bình Lục. Sông Sắt là chi lưu của sông Châu Giang trên lãnh thổ huyện Bình Lục.

tc12_song_chau.jpg

Sông Châu

Điều kiện khí hậu, thủy văn trên đây rất thuận lợi cho phát triển một nền nông nghiệp sinh thái đa dạng, với nhiều loại động thực vật nhiệt đới, á nhiệt đới và ôn đới. Mùa hạ có nắng và mưa nhiều, nhiệt độ và độ ẩm cao, thích hợp với các loại vật nuôi cây trồng nhiệt đới, các loại cây vụ đông có giá trị hàng hóa cao và xuất khẩu như cà chua, dưa chuột,…. Điều kiện thời tiết khí hậu cũng thuận lợi cho phát triển các ngành công nghiệp, thương mại, du lịch, dịch vụ cũng như cho các hoạt động văn hóa xã hội và đời sống sinh hoạt của dân cư. Vào mùa xuân và mùa hạ có nhiều ngày thời tiết mát mẻ, cây cối cảnh vật tốt tươi rất thích hợp cho các hoạt động lễ hội du lịch.



ST
 

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top