Địa lí tỉnh Cà Mau - Địa lý tỉnh Cà Mau
Diện tích : 5.201,5 km2 (năm 2003)
Dân số : 1.219,4 nghìn người (năm 2005)
Tỉnh lị : thành phố Cà Mau
Mã điện thoại : 0780
Biển số xe : 69
Vị trí địa lý: Cà Mau là tỉnh tận cùng phía Nam của nước Việt Nam, nằm ở 8030’ đến 9033’ vĩ độ Bắc và 104043’ đến 105024 kinh độ Đông. Hình dạng Cà Mau giống chữ V, có 3 mặt tiếp giáp với biển. Phía Bắc giáp tỉnh Kiên Giang, phía Đông Bắc giáp tỉnh Bạc Liêu, phía Đông và Đông Nam giáp với biển Đông, phía Tây giáp với vịnh Thái Lan. Bờ biển dài 254 km.
Diện tích tự nhiên toàn tỉnh là 5.201,5 km2. Ngoài vùng đất liền, Cà Mau còn có các đảo Hòn Khoai, Hòn Chuối, Hòn Bương và hòn Đá Bạc, diện tích các đảo xấp xỉ 5 km2.
Dân số Cà Mau năm 2005 là 1.219,4 nghìn người, mật độ 234 người/km2. Có 20 dân tộc khác nhau sinh sống trên địa bàn, trong đó người Kinh chiếm 97,16%, người Kh’mer chiếm 1,86%, còn lại là người Hoa và các dân tộc ít người khác.
Địa hình toàn tỉnh thuần nhất là đồng bằng, có nhiều sông rạch. Độ cao bình quân 0,5m so với mặt nước biển. Hàng năm ở vùng mũi Cà mau bồi ra biển trên 50m; bờ biển phía đông từ cửa sông Gành Hào đến vùng cửa sông Rạch Gốc bị xói lở, có nơi mỗi năm trên 20m.
Đơn vị hành chính tỉnh Cà Mau gồm 8 huyện và 1 thành phố trực thuộc tỉnh. Thành phố Cà Mau là trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa của tỉnh, cách thành phố Hồ Chí Minh 370 km về hướng Tây Nam.
Khí hậu ở Cà Mau mang đặc trưng của khí hậu nhiệt đới gió mùa cận xích đạo, chia 2 mùa rõ rệt là mùa mưa và mùa khô. Mùa mưa từ tháng 5 đến tháng 11, mùa khô từ tháng 12 đến tháng 4 năm sau. Nhiệt độ trung bình 26,5 độ C. Thời gian nắng trung bình 2.200 giờ/năm. Lượng mưa trung bình khoảng 2.360mm. Chế độ gió thịnh hành theo mùa. Mùa mưa gió thịnh hành theo hướng Tây – Nam hoặc Tây. Mùa khô gió thịnh hành theo hướng Đông Bắc và Đông. Cà Mau nằm ngoài vùng ảnh hưởng của lũ lụt ở hệ thống sông Cửu Long, đồng thời ít bị ảnh hưởng của bão.
Thủy văn: chế độ thủy văn của hệ thống sông rạch chịu ảnh hưởng trực tiếp triều quanh năm, với nhiều cửa sông rộng thông ra biển. Phía ngoài cửa sông, ảnh hưởng của thủy triều mạnh, càng vào sâu trong nội địa biên độ triều càng giảm, vận tốc lan triều trên sông rạch nhỏ dần. Thông qua hệ thống sông ngòi, kênh rạch nối liền nhau tạo thành những dòng chảy đan xen trong nội địa, hình thành nên những vùng đất ngập nước và môi sinh rất đặc trưng, phù hợp cho nuôi trồng thủy sản.
Tài nguyên thiên nhiên:
Tổng quỹ đất ở Cà Mau là 520.175 ha. Trong đó đất sử dụng vào mục đích nông nghiệp chiếm 64,92%, đất lâm nghiệp chiếm 23,36%, đất chuyên dùng chiếm 3,61%, đất ở chiếm 1,1%, đất chưa sử dụng và sông rạch chiếm 1,97%. Đất ở Cà Mau được chia thành 3 nhóm chính là: đất nhiễm mặn, đất phèn và đất than bùn.
Nước mưa là nguồn nước chủ yếu cung cấp cho nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản nước ngọt, nước lợ và một phần cho sinh hoạt. Nguồn nước ngầm phân chia thành 7 tầng chứa. Nước ngầm từ tầng II đến tầng VI thuộc nhóm nước mềm không bị nhiễm mặn. Nguồn nước mặn là tài nguyên và lợi thế của tỉnh để phát triển nuôi tôm, cá nước mặn, nước lợ và hệ sinh vật sinh thái ven biển.
Cà Mau có bờ biển dài 254 km. Vùng biển và thềm lục địa thuộc chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam do tỉnh Cà Mau quản lý có diện tích rộng 71.000 km2. Vùng biển Cà Mau là 1 trong 4 ngư trường trọng điểm của cả nước, có trữ lượng lớn và đa dạng các loài hải sản, nhiều loại có giá trị kinh tế cao như tôm, mực, ghẹ, cá hồng, cá sạo, cá thu, cá chim, cá mú… Vùng mặt nước ven biển có khả năng nuôi các loại thủy sản như nghêu, sò huyết, tôm nước mặn có giá trị xuất khẩu cao.
Theo kết quả điều tra năm 2004, diện tích đất có rừng ở Cà Mau là 97.187 ha, bao gồm: rừng phòng hộ, rừng đặc dụng và rừng sản xuất. Rừng Cà Mau là loại rừng ngập nước gồm rừng ngập mặn và rừng ngập lợ. Hệ sinh thái rừng có nhiều loại động thực vật quý hiếm, năng suất sinh học cao, có giá trị nghiên cứu khoa học và có ý nghĩa cân bằng sinh thái cho khu vực.
Tài nguyên khoáng sản ở Cà Mau không nhiều, chỉ có 2 loại có trữ lượng lớn là dầu khí và than bùn.
ST