Bút Nghiên
ButNghien.com
- Xu
- 552
ĐỊA LÍ NGƯ NGHIỆP
1. Vai trò
Thủy sản (bao gồm cả nguồn lợi nước ngọt, nước lợ và nước mặn) là nguồn cung cấp đạm động vật bổ dưỡng cho con người. Các chất đạm từ cá, tôm, cua dễ tiêu hoá, không gây béo phì và nhất là chúng cung cấp các nguyên tố vi lượng có từ biển như iốt, canxi, brôm, natri, sắt, mangan, phốt pho... rất dễ hấp thụ và có lợi cho sức khoẻ của con người.
Việc phát triển ngành thuỷ sản còn là nguồn cung cấp nguyên liệu cho công nghiệp thực phẩm và là mặt hàng xuất khẩu có giá trị.
Ngành này còn có những đóng góp đáng kể cho sự tăng trưởng kinh tế và chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn của nhiều nước. Ngành thuỷ sản gồm hai lĩnh vực chủ yếu: khai thác và nuôi trồng.
2. Ngành khai thác thuỷ sản
- Biển bao phủ 71% bề mặt Trái đất với diện tích 361 triệu km2, là nơi sinh sống của khoảng 2 vạn loài thực vật, hơn 400 loài cá có giá trị kinh tế cao, trên 70 loài tảo biển cùng vô số các loài khác... Sức sản xuất nguyên khai của biển khoảng 500 tỷ tấn/năm và sản lượng khai thác hàng năm đạt tối đa 600 triệu tấn. Đây là tiềm năng rất lớn đối với ngành khai thác thủy sản của thế giới.
- Khai thác thủy sản là hoạt động đánh bắt từ hồ ao, sông ngòi, biển và đại dương các loài thuỷ sản khác nhau trong đó cá chiếm đến 85- 90% sản lượng. Sản lượng thuỷ sản đánh bắt được chủ yếu là từ biển và đại dương.
Theo thống kê của FAO, hiện nay toàn thế giới có hơn 160 quốc gia làm kinh tế thuỷ sản, trong đó 21 quốc gia có sản lượng đánh bắt cá biển trên 1 triệu tấn/năm thuộc châu á, châu Âu và châu Mỹ.
Các ngư trường khai thác thủy sản chủ yếu trên thế giới là Biển Bắc, Đông Bắc Đại Tây Dương, Tây Bắc Đại Tây Dương, Trung tâm Tây Đại Tây Dương, Tây Nam Đại Tây Dương, Bắc Địa Trung Hải, Đông ấn Độ Dương, Tây Bắc Thái Bình Dương, Đông và Đông Bắc Thái Bình Dương và Tây Nam Thái Bình Dương (xem bản đồ các ngư trường chính và sản lượng khai thác và nuôi trồng thuỷ sản).
- Sản lượng khai thác thuỷ sản từ nửa sau thế kỉ XX cho đến nay ngày càng tăng nhanh.
Các nước có sản lượng đánh bắt thuỷ sản lớn nhất thế giới là Trung Quốc (gần 18 triệu tấn), Pêru (gần 8 triệu tấn), Hoa Kỳ (5 triệu tấn), Nhật Bản (4,8 triệu tấn), Inđônêxia (4,3 triệu tấn), Chi Lê (4 triệu tấn), ấn Độ (3,9 triệu tấn), LB Nga (3,7 triệu tấn), Thái Lan (2,9 triệu tấn) và Nauy (2,8 triệu tấn).
Ngành khai thác thuỷ sản đòi hỏi phải có cơ sở vật chất kỹ thuật đồng bộ. Đó là các đội tàu đánh cá lớn với tàu chế biến đi kèm, lưới tốt, thiết bị hiện đại thăm dò luồng cá hiện đại, các cảng cá, xí nghiệp sửa chữa tàu, chế tạo ngư cụ, các cơ sở hậu cần dịch vụ...
Việc khai thác thuỷ sản quá mức ảnh hưởng lớn tới nguồn lợi thuỷ sản. Vì vậy, vấn đề khai thác hợp lý kết hợp với bảo vệ và phát triển nguồn tài nguyên thuỷ sản có ý nghĩa to lớn.
3. Ngành nuôi trồng thuỷ sản
- Tuy việc đánh bắt từ biển và đại dương vẫn còn cung cấp cho thế giới tới 2/3 sản lượng thuỷ sản, song ngành nuôi trồng đã và đang phát triển nhanh với vị thế ngày càng cao. Rõ ràng, nguồn tài nguyên biển là có giới hạn, lại đang bị con người khai thác quá mức. Để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của thế giới, việc phát triển nuôi trồng thuỷ sản có ý nghĩa đặc biệt quan trọng.
Sản lượng thuỷ sản nuôi trồng của thế giới từ năm 1950 đến nay tăng gấp 3 lần, đạt trên 48 triệu tấn. Các loài thuỷ sản được nuôi không chỉ trong ao, hồ, sông ngòi nước ngọt, mà còn ngày càng phổ biến ở các vùng nước lợ và nước mặn. Nhiều loài có giá trị cao về thực phẩm, về kinh tế đã trở thành đối tượng nuôi trồng để xuất khẩu như tôm (tôm sú, tôm hùm...), cua, cá (cá song, thu, ngừ...), đồi mồi, trai ngọc, sò huyết và cả rong tảo biển (rong câu...).
Ngành nuôi trồng thuỷ sản phát triển mạnh ở các nước châu á như Trung Quốc (34,5 triệu tấn, chiếm 71,3% sản lượng nuôi trồng của thế giới), ấn Độ (2,2 triệu tấn), Nhật Bản (1,3 triệu tấn), Philippin (1,2 triệu tấn), Inđônêxia (1,1 triệu tấn), Thái Lan và Việt Nam (cùng 0,7 triệu tấn). Ngoài ra, còn có các nước khác như Bănglađét, Hàn Quốc, Chi Lê...
- Việt Nam có đường bờ biển dài 3.260 km với nhiều ngư trường lớn ở vịnh Bắc Bộ và vịnh Thái Lan (Hải Phòng- Quảng Ninh, Ninh Thuận, Bình Thuận, Bà Rịa- Vũng Tàu, Cà Mau- Kiên Giang...). Trên đất liền lại có nhiều ao, hồ, đầm, phá. Đây là những điều kiện thuận lợi để phát triển ngành thuỷ sản. Sản lượng thuỷ sản của nước ta tăng lên nhanh chóng, từ 890,6 nghìn tấn năm 1990 (trong đó khai thác 728,5 nghìn tấnvà nuôi trồng 162,1 nghìn tấn) đã tăng lên gấp hơn 3 lần, đạt 2.794,6 nghìn tấn (khai thác 1.828,5 nghìn tấn và nuôi trồng 966,1 nghìn tấn) năm 2003. Việt Nam nằm trong số 21 nước có sản lượng đánh bắt cá biển trên 1 triệu tấn/năm. Ngành thuỷ sản phát triển mạnh và tập trung ở các vùng như là đồng bằng sông Cửu Long, Đông Nam Bộ, Duyên hải Nam Trung Bộ và đồng bằng sông Hồng.
Vấn đề nảy sinh hiện nay là ở nhiều nơi do thiếu qui hoạch và quản lí, việc phá rừng ngập mặn để lấy diện tích nuôi tôm đã làm ô nhiễm môi trường nước và phá huỷ môi trường sinh thái. Việc đánh bắt quá mức ở vùng ven bờ cũng dẫn đến cạn kiệt nguồn lợi thuỷ sản.
Nguồn: ĐHSP ĐT