Bút Nghiên
ButNghien.com
- Xu
- 552
Địa lí ngành trồng trọt
1) Vai trò
Trồng trọt là ngành quan trọng nhất trong nông nghiệp nhằm khai thác và sử dụng đất đai để tạo ra các sản phẩm thực vật. Trồng trọt là nền tảng của sản xuất nông nghiệp với chức năng cung cấp lương thực, thực phẩm cho con người, nguyên liệu cho các ngành công nghiệp chế biến, là cơ sở để phát triển chăn nuôi và cũng là nguồn hàng xuất khẩu có giá trị.
2) Trung tâm phát sinh cây trồng
Cây trồng ngày nay do con người thuần hoá, chọn lọc và cải tạo từ cây hoang dại mà có. Lịch sử cây trồng gắn liền với lịch sử phát triển của xã hội loài người. Hiện nay, trên thế giới có khoảng 1.500 loài cây trồng.
Trên cơ sở xác lập mối quan hệ giữa cây trồng với các loài hoang dại cũng như nghiên cứu các tài liệu lịch sử và khảo cổ học, đến nay người ta đã xác định 10 trung tâm phát sinh cây trồng. Trong số này có 6 trung tâm nằm hoàn toàn trong vòng đai nhiệt đới (Trung Mỹ, Nam Mỹ, Tây Xu Đăng, Ấn Độ, Êtiôpia, Đông Nam Á), 2 trung tâm nằm trong vòng đai cận nhiệt (Địa Trung Hải và Tây Á), 2 trung tầm nằm ở vòng đai cận nhiệt và một phần ở vòng đai ôn đới (Trung Quốc và Trung Á).
3) Phân loại cây trồng
Trên thế giới có rất nhiều loại cây trồng. Để phân loại, người ta đã dựa vào một số dấu hiệu nhất định. Dựa vào điều kiện sinh thái, cây trồng được chia thành 4 nhóm: cây trồng xích đạo, nhiệt đới, cận nhiệt đới và ôn đới. Dựa vào thời gian sinh trưởng và phát triển có nhóm cây trồng ngắn ngày và dài ngày, hay nhóm cây trồng lâu năm và hàng năm. Dựa vào giá trị sử dụng kinh tế, cách phân loại quan trọng và phổ biến nhất, cây trồng được phân chia thành các nhóm:
- Nhóm cây lương thực (lúa, ngô, khoai, sắn...);
- Nhóm cây thực phẩm (rau, đậu, cây ăn quả);
- Nhóm cây công nghiệp (cây lấy đường, cây lấy dầu, cây lấy nhựa, cây lấy chất kích thích, cây lấy sợi, cây lấy tinh dầu, cây làm thuốc);
- Nhóm cây làm thức ăn cho gia súc (cỏ Ghinê, cỏ voi, cỏ Pangalô, cỏ Xu Đăng...);
- Nhóm cây lấy gỗ (xoan, bạch đàn, thông, tếch, sồi...);
- Nhóm cây cảnh, cây hoa (uất kim cương, trắc bách diệp, vạn tuế, phong lan, hoa hồng...).
4 Địa lí một số cây trồng quan trọng trên thế giới
4.1Địa lí cây lương thực
4.1.1Khái quát chung
- Cây lương thực là nguồn chủ yếu cung cấp tinh bột cho người và gia súc; cung cấp nguyên liệu cho ngành công nghiệp chế biến lương thực, thực phẩm (rượu, bia, bánh, kẹo...) và là mặt hàng xuất khẩu có giá trị.
- Theo Tổ chức lương thực và nông nghiệp của Liên Hợp Quốc (FAO), các loại lương thực truyền thống chủ yếu được sản xuất và tiêu thụ trên thế giới bao gồm 5 loại: lúa gạo (Rice), lúa mì (Wheat), ngô (Maize), kê (Sorghum), lúa mạch (Barly). Năm loại lương thực có hạt này gọi chung là ngũ cốc. Riêng lúa mạch còn được chia ra mạch đen, kiều mạch và đại mạch. Ngoài ra, lương thực còn bao gồm những cây có củ, phổ biến là khoai lang, sắn.
- Trong số ngũ cốc kể trên, quan trọng hơn cả là lúa mì, lúa gạo và ngô. Theo thống kê của FAO, năm 2003 toàn thế giới sản xuất được 2.021 triệu tấn ngũ cốc với cơ cấu như sau:
Lúa mì đạt : 557,3 triệu tấn, chiếm: 27,6%
Lúa gạo : 585,0 triệu tấn, : 29,0%
Ngô : 635,7 triệu tấn, : 31,4%
Các loại khác : 243,0 triệu tấn, : 12,0%
- Do vai trò to lớn của cây lương thực và khả năng bảo quản lâu dài của nó, nên 1/2 diện tích đất canh tác trên thế giới được dành để trồng các loại cây này. Việc sử dụng lương thực có sự khác nhau rõ rệt giữa các khu vực. ở các nước kinh tế phát triển chỉ có 1/4 sản lượng dùng làm lương thực cho người, còn 3/4 dành cho chăn nuôi. Trong khi đó, ở các nước đang phát triển, 3/4 sản lượng dành cho con người. Nếu như ngô, kê chủ yếu dành cho chăn nuôi, đại mạch vừa dùng cho chăn nuôi ngựa, vừa để nấu rượu, bia ở các nước phát triển thì ở các nước châu Phi, châu Mỹ Latinh, ngô và kê lại là cây lương thực chính.
- Sản lượng lương thực bình quân theo đầu người tăng đều qua các năm, tuy có sự khác biệt giữa các nước, các khu vực và châu lục.
Những nước có sản lượng lương thực lớn nhất thế giới năm 2002 là Trung Quốc 401,8 triệu tấn (19,8% sản lượng lương thực thế giới), Hoa Kỳ 299,1 triệu tấn (14,7%), ấn Độ 222,8 triệu tấn (11,0%), LB Nga 84,4 triệu tấn (4,2%), Pháp 69,1 triệu tấn (3,4%), Inđônêxia 57,9 triệu tấn (2,9%), Braxin 50,7 triệu tấn (2,5%), CHLB Đức 43,3 triệu tấn (2,1%), Bănglađet 40,7 triệu tấn (2,0%) và Việt Nam 36,7 triệu tấn (1,8%). 10 nước trên chiếm tới 2/3 tổng sản lượng lương thực của toàn thế giới.
Đến nay, nhiều nước đang phát triển, nhất là ở châu Phi và cả châu á vẫn còn thiếu lương thực. Gần 800 triệu người (chiếm 17% dân số) ở trong tình trạng thiếu ăn. Nếu như toàn thế giới, bình quân lương thực đầu người là 327 kg/người, thì ở châu Mỹ là 535 kg/người, châu Âu 459 kg/người, trong khi đó ở châu á là 268 kg/người, châu Phi 143 kg/người.
Có những nước bình quân lương thực trên 1000kg/người như Đan Mạch (1.755), Hungari (1.500), Canađa (1.427), Hoa Kỳ (1.138) và Achentina (1.024). Ngược lại, có nhiều quốc gia của châu Phi bình quân chưa đến 50 kg/người như Libi, Ruanđa, Xômali, CHDC Côngô, Gabông...
- Tập quán ăn uống của các dân tộc trên thế giới có sự khác nhau rõ rệt. Điều đó dĩ nhiên ảnh hưởng không nhỏ đến địa lý sản xuất và buôn bán lương thực trên thế giới. Bức tranh phân bố ngũ cốc trên thế giới hiện nay thể hiện rõ rệt theo các vùng. Lúa mì là cây của miền rừng lá rộng, rừng thảo nguyên và thảo nguyên. Lúa gạo là cây của miền cận nhiệt đới và nhiệt đới. Ngô là cây của miền rừng thảo nguyên và thảo nguyên. Kê và cao lương là cây của miền đồng cỏ và nửa hoang mạc. Lúa mạch (mạch đen, kiều mạch, đại mạch) là các cây của miền rừng taiga, lan rộng lên phía Bắc và các vùng núi cao.
4.1.2.Lúa gạo
- Nguồn gốc
Cây lúa gạo là một cây lương thực cổ nhất của nhân loại. Lúa hiện nay là loại cây một năm, nhưng có nguồn gốc từ một thứ cây dại nhiều năm, cao cây, mọc ở các hồ nước nông của vùng Đông Nam á, châu Phi và ở quần đảo Ăngti lớn. Tuy nhiên, khu vực Đông Nam á là nơi đã thuần hoá và tạo ra được cây lúa gạo đầu tiên và trở thành quê hương của cây lúa và nghề trồng lúa.
Cây lúa được trồng ở miền Đông ấn Độ, gần sông Hằng, sau đó lan sang bán đảo Đông Dương và Nam Trung Quốc hiện nay. Giống lúa này cao cây, mọc nổi, gần với giống lúa dại, hiện nay còn thấy cả ở Bănglađet, Thái Lan và miền Nam Việt Nam. Từ Đông Nam á, cây lúa lan sang Bắc Trung Quốc, Triều Tiên, Nhật Bản, Inđônêxia, Philippin và về phía tây tới Iran. Qua các dân tộc có nền văn minh ảrập, cây lúa đi vào miền Tiền á và Địa Trung Hải. Qua các thuỷ thủ Malaixia và người Âu, cây lúa tới Mađagaxca, Malaixia và quần đảo Pôlinêzi. Người Tây Ban Nha đã đưa cây lúa tới châu Mỹ. Người Nêgrôit trồng một loại giống lúa nổi, cao cây ở trung và thượng lưu sông Nigiê. Sau này, người Bồ Đào Nha mang giống lúa châu á tới đây. Kết quả là giống lúa châu Phi hiện nay là giống lai với giống lúa châu á.
- Điều kiện sinh thái
Lúa gạo là cây lương thực của xứ nóng thuộc miền nhiệt đới và cận nhiệt. Cây lúa ưa khí hậu nóng, ẩm với nhiệt độ trung bình các tháng từ 20 - 300C. Nhiệt độ thấp nhất vào đầu thời kỳ sinh trưởng là 12 - 150C, tổng nhiệt độ trong thời kỳ sinh trưởng 2.200 - 3.2000C. Trong quá trình sinh trưởng, lúa gạo sống trong các chân ruộng ngập nước và cần nhiều công chăm sóc.
Ngày nay, cây lúa gạo được trồng ở toàn bộ miền nhiệt đới và miền cận nhiệt (tới giáp miền ôn đới). ở Bắc bán cầu, giới hạn trồng lúa gạo có thể lên tới vĩ tuyến 420B ở Bồ Đào Nha, 450B ở Nhật, 490B ở Hoa Kỳ. ở Nam bán cầu, giới hạn có thể xuống tới vĩ tuyến 260N ở Môzămbich, 350N ở australia. Về độ cao, cây lúa có thể trồng được ở độ cao 2.600 - 2.700m so với mặt biển (ví dụ, vùng núi Tây Nam Trung Quốc).
Vùng trồng lúa gạo quan trọng nhất hiện nay là vùng châu á gió mùa. Đó là một vùng rộng lớn kéo dài từ Nhật Bản, Viễn Đông (Liên Bang Nga), Triều Tiên, Đông Trung Quốc, Đông Nam á, Bănglađet, ấn Độ và Xrilanca.
- Tình hình sản xuất
Sản lượng lúa gạo trên thế giới tăng lên hàng năm, nhưng không ổn định.
Nhìn chung, từ sản lượng lúa gạo toàn cầu trong những năm qua (1980- 2003), có thể rút ra một số nhận xét chính sau đây:
+ Tổng sản lượng lúa gạo toàn cầu trong thời gian qua thể hiện rõ xu hướng tăng lên hàng năm.
+ Trong từng năm cụ thể, mức tăng không ổn định vì tình hình canh tác của các nước phụ thuộc nhiều vào biến động của thiên tai như lũ lụt, hạn hán, sâu bệnh...
+ Tốc độ tăng trưởng sản lượng lúa gạo trên thế giới ở đầu thập kỷ 90 không đáp ứng đủ nhu cầu lương thực của các nước đang phát triển trước sự bùng nổ dân số. Theo FAO, muốn đảm bảo an ninh lương thực trong điều kiện đó, sản lượng lúa gạo phải tăng tương ứng 3,0- 3,5%/ năm. Do tình hình sản xuất lúa còn nhiều hạn chế nên nạn đói vẫn xảy ra nghiêm trọng ở nhiều nước trên thế giới.
+ Theo khu vực địa lý, sản lượng lúa gạo tập trung hầu hết ở khu vực châu á, chiếm 91,5%. Mọi biến động lớn trong sản xuất lúa gạo ở châu á đã chi phối trực tiếp đến tình hình thị trường gạo toàn cầu.
Ngoài châu á, sản lượng lúa gạo của các khu vực còn lại chỉ chiếm 8,5%. Trong số này, trước hết phải kể đến châu Mỹ, khu vực sản xuất lúa gạo lớn thứ 2 và chiếm 5,2% tổng sản lượng lúa gạo toàn cầu, nhưng tập trung phần lớn ở châu Mỹ Latinh. Sản xuất lúa gạo của châu Phi đứng thứ 3 trên thế giới, chiếm tỷ trọng 2,7% và tập trung chủ yếu ở vùng hạ sa mạc Xahara. Sau cùng, châu Âu và châu Đại Dương có sản lượng lúa gạo không đáng kể, với tỷ trọng 0,5% và 0,1% tổng sản lượng lúa gạo toàn cầu.
Đại bộ phận lúa gạo trên thế giới (96,4%) được sản xuất ở các nước đang phát triển. Điều này diễn ra ngược lại với tình hình sản xuất và xuất khẩu lúa mì, tập trung phần lớn ở các nước phát triển. Có thể nói, toàn bộ sản lượng lúa gạo của tất cả các nước phát triển cộng lại hiện chỉ tương đương với sản lượng lúa của Việt Nam.
Các nước trồng nhiều lúa gạo đều rất đông dân với tập quán lâu đời tiêu dùng gạo. Vì thế lúa gạo sản xuất ra chủ yếu để tiêu dùng trong nước, còn lượng gạo xuất khẩu hàng năm rất nhỏ (trên dưới 4,5%; khoảng 23 đến 28 triệu tấn).
Có thể thấy việc xuất khẩu lúa gạo tập trung hầu hết vào các nước đang phát triển (80% tổng lượng xuất khẩu gạo toàn cầu), nhất là ở châu á (70%).
4.1.3.Lúa mì
- Nguồn gốc
Lúa mì là một trong những cây trồng cổ nhất của các dân tộc thuộc đại chủng Ơrôpêôit, sống ở vùng từ Địa Trung Hải tới Tây Bắc ấn Độ. Cây lúa mì đã được trồng cách đây trên 1 vạn năm, ở vùng Lưỡng Hà, từ đó lan sang châu Âu, châu Mỹ và châu úc.
Đến thế kỷ XVI, lúa mì đã trở thành cây lương thực chủ yếu của thế giới.
- Đặc điểm sinh thái
Lúa mì là cây của miền ôn đới và cận nhiệt. Lúa mì ưa khí hậu ấm khô, cần nhiệt độ thấp nhất vào đầu thời kỳ sinh trưởng là 4 - 50C, tổng nhiệt độ trong thời kỳ sinh trưởng là từ 1.150 - 1.7000C; đòi hỏi các loại đất đai màu mỡ và cần nhiều phân bón.
Lúa mì được trồng đến 67030’ Bắc vĩ ở Bắc bán cầu và 46030’ Nam vĩ ở Nam bán cầu. ở phía tây của Bắc Mỹ, nó lên tới 55°Bắc vĩ, ở Nga là 63°Bắc vĩ dọc theo sông Lêna, ở Achentina là 45°Nam vĩ. Cây trồng này có thể phát triển trên độ cao 3.700 đến 4.000m so với mặt biển. ở miền cận nhiệt và nhiệt đới, lúa mì được trồng ở vùng núi có khí hậu mát mẻ.
Ngày nay, lúa mì đã được trồng ở tất cả các quốc gia thuộc vùng ôn đới và cận nhiệt (nhiều nhất là ở các nước châu Âu, Bắc Mỹ, Bắc Trung Quốc, Tây Bắc ấn Độ, Pakixtan, Thổ Nhĩ Kỳ...). ở Việt Nam không trồng lúa mì.
Do phân bố rộng rãi như vậy, nên quanh năm không tháng nào là không có nước thu hoạch lúa mì và thị trường lúa mì thế giới tương đối nhộn nhịp.
Hiện nay trên thế giới có khoảng 30.000 giống lúa mì khác nhau. Tuy nhiên, căn cứ vào cấu tạo và đặc điểm sinh thái, có thể nêu lên hai loại tiêu biểu là lúa mì mềm và lúa mì cứng.
+ Lúa mì mềm là loại lúa mì được trồng phổ biến trên thế giới, phát sinh từ Tiền á. Loại này có đặc điểm là chín nhanh qua mùa đông và chịu hạn. Trong công nghệ làm bánh mỳ, bột của lúa mì mềm là loại thượng hạng mà không có loại bột nào có thể thay thế được. Lúa mì mềm thích nghi nhất với khí hậu ôn hoà và cận nhiệt. Nó được phân bố ở vùng ôn đới, các đới thảo nguyên và thảo nguyên rừng ở Nga, Nam Phi, Nam Mỹ và Ôxtrâylia. Giới hạn về độ cao có thể lên đến 4.000m (Pêru).
+ Lúa mì cứng được trồng nhiều ở khu vực ven Địa Trung Hải thuộc châu Âu. ở châu á nó được phân bố ở bờ tây bán đảo ảrập, ở Iran, ấn Độ, Trung Quốc. Ngoài ra còn có thể thấy cả ở Bắc Phi, Bắc Mỹ. Lúa mì cứng có chứa nhiều đạm, cất giữ được lâu, nhưng bánh mì từ bột mì cứng không trắng bằng bột mì mềm.
- Tình hình sản xuất
Sản lượng lúa mì trên thế giới có xu hướng tăng lên, nhưng không ổn định.
Ngược lại với lúa gạo, đại bộ phận lúa mì được trồng ở các nước phát triển. Những nước có sản lượng lúa mì lớn nhất là các nước công nghiệp thuộc vành đai ôn đới.
Sản lượng lúa mì của 10 nước trên đã chiếm tới 70% sản lượng lúa mì của thế giới.
Nếu như lúa gạo chỉ có một phần nhỏ được xuất khẩu thì lúa mì là loại hàng hoá ngũ cốc quan trọng nhất trên thị trường quốc tế. Gần 1/2 sản lượng ngũ cốc xuất khẩu thuộc về lúa mì. Khoảng 20% sản lượng lúa mì thế giới dành cho xuất khẩu. Có nước sản xuất ra chủ yếu để xuất khẩu. Chẳng hạn, Canada năm 2001 xuất khẩu trên 85% sản lượng lúa mì, Hoa Kỳ gần 50%, Ôxtrâylia 70%...
Lúa mì được dùng làm lương thực chủ yếu ở châu Âu và châu Mỹ tuy lượng bột mỳ trong khẩu phần ăn hàng ngày không nhiều. ở những nước này, qui mô dân số không đông, tỷ suất gia tăng dân số rất thấp trong khi sản lượng lúa mì lại rất nhiều. Đó là lý do vì sao lúa mì trở thành mặt hàng lương thực chính trên thị trường lương thực thế giới.
4.1.4.Cây ngô
- Nguồn gốc
Ngô (còn được gọi là bắp hoặc bẹ), là một trong ba cây lương thực quan trọng nhất của thế giới. Cây ngô thuộc họ lúa, thân đặc, cao từ 1,5m đến 2- 3m và có giống tới 4m. Đây là cây lương thực cổ xưa của người thổ dân châu Mỹ.
Cách đây 7000- 8000 năm, cây ngô được người da đỏ trồng ở vùng Mêhicô và Goatêmala. Đến cuối thế kỷ XV, người Tây Ban Nha đem ngô về trồng ở miền Địa Trung Hải, còn người Bồ Đào Nha đưa ngô vào Đông Nam á. Vào thế kỷ XVI, ngô được trồng ở các thuộc địa của Bồ Đào Nha, tại châu Phi nhiệt đới, rồi được nhập nội vào các đảo của châu Đại Dương. Cho tới giữa thế kỷ XX, cây ngô đã lan tới phần Bắc của miền Patagôni ở Nam Mỹ, sau đó tới phía Nam Niu Dilân. ở Bắc Mỹ, cây ngô phát triển tới vùng Bắc Ngũ Hồ, nhưng diện tích tập trung chủ yếu ở lưu vực sông Mixuri và thượng lưu sông Mixixipi, tạo nên "vành đai ngô" nổi tiếng thế giới.
- Đặc điểm sinh thái
Sinh ra ở vùng nhiệt đới, ngô là cây ưa nóng, phát triển tốt trên đất ẩm, nhiều mùn, dễ thoát nước với điều kiện nhiệt độ trung bình từ 20 - 300C. Ngô là cây dễ tính, dễ thích nghi với các dao động về khí hậu. Vì thế, cây ngô tới nay đã được trồng ở khắp các lục địa.
Ngô có diện phân bố khá rộng. Nó được trồng phổ biến không những ở miền nhiệt đới, cận nhiệt đới, mà còn sang cả ôn đới nóng. ở Bắc bán cầu, ngô được trồng tới vĩ tuyến 550B (châu Âu), còn ở Nam bán cầu xuống đến vĩ tuyến 400N (Nam Mỹ). Trên vùng núi, ngô có khả năng trồng ở độ cao lớn hơn nhiều so với lúa. ở Pêru, người ta trồng ngô trên độ cao 4.200m. Trên thế giới hiện có khoảng 8.500 giống ngô.
- Tình hình sản xuất
So với lúa gạo và lúa mì, sản lượng ngô trên thế giới tăng nhanh liên tục và ổn định hơn. Trong thời gian trên 20 năm, sản lượng ngô đã tăng 1,6 lần; từ 394 triệu tấn năm 1980 lên gần 636 triệu tấn năm 2003.
Ngô được trồng nhiều với năng suất cao và sản lượng lớn tại các nước có ngành chăn nuôi phát triển mạnh. Chỉ riêng Hoa Kỳ đã chiếm 40% sản lượng ngô toàn thế giới.
- Sản lượng ngô của 10 nước này chiếm trên 80% tổng sản lượng ngô của toàn thế giới. Ngô sản xuất ra chủ yếu dành cho chăn nuôi. Tuy nhiên ở nhiều nước đang phát triển, ngô vẫn là lương thực chính cho con người. Việt Nam trồng nhiều ngô ở các vùng Đông Bắc, Đông Nam Bộ với sản lượng 2,9 triệu tấn (2003), đứng thứ 30 trong tổng số 157 nước có trồng ngô.
Ngô cũng là một mặt hàng buôn bán trên thị trường lương thực thế giới. Những nước xuất khẩu ngô nhiều nhất năm 2002 là Hoa Kỳ (48 triệu tấn), Achentina (11 triệu tấn), Pháp (7,0 triệu tấn), Trung Quốc (6,0 triệu tấn)... Những nước nhập khẩu ngô là Nhật Bản, Hàn Quốc, Mêhicô, Ai Cập, Canada...
Lúa mạch
- Lúa mạch là tên gọi chung cho một số cây lương thực ôn đới gồm có đại mạch, kiều mạch, mạch đen và yến mạch. Lúa mạch được trồng nhiều ở các nước công nghiệp phát triển xứ lạnh.
Lúa mạch được sử dụng chủ yếu làm nguyên liệu cho công nghiệp thực phẩm như sản xuất chế rượu bia (đại mạch), làm bánh ngọt (kiều mạch) và làm thức ăn cho gia súc (gà, vịt , lợn, ngựa).
- Lúa mạch là cây lương thực ngắn ngày (thời gian sinh trưởng trung bình 85- 100 ngày), chịu lạnh giỏi, không kén đất như lúa mì.
- Sản lượng lúa mạch trên thế giới có xu hướng giảm đi do nhu cầu hạn chế của thị trường thế giới. Ngày nay, lúa mạch ít được sử dụng làm lương thực.
Trong cơ cấu sản lượng lúa mạch của thế giới, đại mạch chiếm ưu thế tuyệt đối (khoảng trên 80%), vì đây là nguyên liệu chủ yếu để sản xuất bia cho thị trường đồ uống thế giới.
Những nước trồng nhiều lúa mạch là LB Nga (22,6 triệu tấn năm 2003), Ucraina (8,7 triệu tấn), Canada (12,3 triệu tấn), Đức (13 triệu tấn), Pháp (10 triệu tấn)...
Nhờ là nguyên liệu để nấu bia mà lúa mạch (chủ yếu là đại mạch) được xuất khẩu nhiều từ thị trường Âu- Mỹ sang thị trường Trung Quốc, Nhật Bản, ả Rập Xêut, Iran...
Ngoài các cây lương thực kể trên, bổ sung vào nguồn lương thực cho người và gia súc còn có cao lương và kê.
4.1.5.Cao lương
• Cao lương (còn gọi là lúa miến) có nguồn gốc từ châu Phi, sau đó đem trồng ở ấn Độ, Mianma, Philippin, Trung Quốc... Đây là loại cây ưa nóng, chịu được hạn, thích hợp với các vùng xa van và thảo nguyên. Hạt cao lương dùng làm thức ăn cho gia súc và gia cầm. Chỉ ở những nước nghèo thuộc châu á, châu Phi, hạt cao lương mới dùng làm lương thực. Sản lượng cao lương của thế giới đạt trung bình khoảng 60 triệu tấn năm. Trung Quốc, ấn Độ và các nước châu Phi trồng nhiều cao lương.
• Kê có nguồn gốc ở Trung Quốc, rồi từ đây lan sang Trung á, Nam Âu và Tây á. Hạt kê chủ yếu dùng làm thức ăn cho gia cầm. Kê là cây lương thực của vùng khô hạn và được trồng nhiều nhất ở các vùng thảo nguyên khô của LB Nga, Trung Quốc, các vùng khô hạn của ấn Độ, Nigiêria, Nigiê, Xuđăng, Uganđa... Sản lượng kê của thế giới dao động khoảng 26- 29 triệu tấn năm.
Nguồn: ĐHSP ĐT