Bút Nghiên
ButNghien.com
- Xu
- 552
NGÀNH THÔNG TIN LIÊN LẠC
1. Vai trò ngành thông tin liên lạc
a) Nếu ngành giao thông vận tải đảm nhiệm việc chuyên chở hành khách và hàng hoá, thì ngành thông tin liên lạc đảm nhiệm sự vận chuyển các tin tức một cách nhanh chóng và kịp thời, góp phần thực hiện các mối giao lưu giữa các địa phương và các nước. Trong đời sống kinh tế, xã hội hiện đại không thể thiếu được các phương tiện thông tin liên lạc, thậm chí người ta coi nó như là thước đo của nền văn minh.
b) Thông tin liên lạc đã tiến bộ không ngừng trong lịch sử phát triển của xã hội loài người, nhất là ngày nay, đã cho phép con người sống trong xã hội thông tin.
Vào thời kì sơ khai con người chuyển thông tin bằng nhiều cách, ví dụ như dùng các ám hiệu (như đốt lửa, đánh trống, thổi tù và...), hoặc dùng các phương tiện vận tải thông thường. Sự phát minh ra giấy viết đã cho phép con người lưu giữ và truyền thông tin chính xác hơn. Và việc vận chuyển thư tín đã làm ra đời ngành bưu chính.
Ngày nay, việc đảm bảo thông tin liên lạc trên khoảng cách xa được tiến hành bằng nhiều phương tiện và phương thức khác nhau: như điện thoại, điện báo, telex, fax, internet, các phương tiện thông tin đại chúng như đài phát thanh (rađiô), vô tuyến truyền hình...
Có thể thấy một số mốc quan trọng trong sự phát triển ngành thông tin liên lạc:
1837: Xamuen Moocxơ (Samuel F. B. Morse) người Mĩ phát minh ra máy điện báo, và năm 1844, điện báo mang tính thương mại bắt đầu được đưa vào sử dụng.
1876: Alêxanđơ Graham Ben (Alexander Graham Bell) phát minh ra máy điện thoại, và đường dây điện thoại thương mại đầu tiên được lắp đặt năm 1877 ở Bôxtơn, bang Matxasuxet
1895: Gugliênmô Maccôni (Guglielmo Marconi) người Italia đã truyền tín hiệu điện báo Mooc-xơ bằng rađiô, mở ra cuộc cách mạng về điện báo không dây và sau này là ngành truyền thanh. Tạp chí Khoa học Mĩ (Scientific American) từ năm 1902 đến 1903 đã ghi lại các cuộc truyền và nhận tín hiệu rađiô thành công đầu tiên của Maccôni qua Đại Tây Dương.
1936: Buổi phát truyền hình cho công chúng đầu tiên diễn ra ở Luân Đôn (Lơnđơn), nước Anh. Các chương trình phát truyền hình đều đặn ở Mĩ bắt đầu từ năm 1939, nhưng sau đó bị dừng do Chiến tranh thế giới lần thứ hai. Việc phát sóng truyền hình ở Mĩ tăng vọt từ năm 1946, và ngành công nghiệp này phát triển nhanh chóng. Năm 1951, truyền hình màu được phát lần đầu tiên, và đến năm 1953 thì ti-vi màu đã tương thích được với ti-vi đen trắng và việc phát chương trình TV màu được tiếp tục từ năm 1954.
1958: Telex (Hệ thống cho phép truyền các thông điệp bằng máy in từ xa, sử dụng đường điện thoại quay số trực tiếp) được đưa vào sử dụng.
Các vệ tinh thông tin đầu tiên được đưa lên quỹ đạo hoạt động từ cuối thập kỉ 50, đầu 60 của thế kỉ XX như vệ tinh Score, được phóng lên từ Mĩ năm 1958 là vệ tinh thông tin hoạt động đầu tiên. Intelsat 1, có tên là Early Bird, được phóng lên năm 1965, là vệ tinh thông tin thương mại đầu tiên. Đến cuối thập kỉ 90, Intelsat đã có 19 vệ tinh trên quỹ đạo, cung cấp hệ thống thông tin trải rộng nhất thế giới. Các hệ thống khác cũng cung cấp dịch vụ viễn thông toàn cầu, cạnh tranh với Intelsat, như Telstar, Galaxy, chương trình Spacenet của Hoa Kì, và hệ thống Eutelsat và Telecom của châu Âu.
1973: Hệ thống định vị toàn cầu (GPS - Global Positioning System) được ra đời. Đây là hệ thống thông tin vô tuyến dẫn đường trong hàng hải, hàng không và hiện nay đang được ứng dụng rộng rãi, ngay cả trong giao thông ở các thành phố lớn trên thế giới. GPS cung cấp cho người sử dụng thông tin chính xác về vị trí, tốc độ chuyển động và cả thời gian, vào bất cứ lúc nào, ở bất cứ địa điểm nào và trong mọi điều kiện thời tiết.
Internet: được nghiên cứu từ cuối thập kỉ 60. Đến năm 1989, ra đời mạng toàn cầu (www: World Wide Web) đánh dấu bước ngoặt trong sự phát triển Internet. Mạng toàn cầu WWW bao gồm các chương trình, các chuẩn mực và các giao thức cho phép tạo ra, hiển thị các tệp tin đa phương tiện (multimedia) gồm cả chữ, ảnh, đồ họa, viđêô và âm thanh) trên mạng. Internet bao gồm mạng toàn cầu WWW, các thiết bị phần cứng (máy tính, siêu máy tính, mạng truyền dẫn). Internet mở ra kỉ nguyên mới cho ngành viễn thông hiện đại. Ngày càng nhiều các dịch vụ được phát triển trên nền của Internet.
c) Những tiến bộ của ngành thông tin liên lạc đã góp phần quan trọng làm thay đổi cách tổ chức nền kinh tế trên thế giới, nhiều hình thức tổ chức lãnh thổ sản xuất mới có thể tồn tại và phát triển, thúc đẩy quá trình toàn cầu hoá. Nó cũng đang làm thay đổi mạnh mẽ cuộc sống của từng người, từng gia đình.
Sự phát triển của thông tin liên lạc làm thay đổi mạnh mẽ quan niệm của con người về không gian (người ta nói: với viễn thông, thì thế giới trong lòng bàn tay bạn). Nó góp phần quan trọng làm thay đổi các nhân tố phân bố sản xuất. Có thể làm tăng cường mạnh mẽ quá trình phi tập trung hóa trong hoạt động của các cơ sở kinh tế, văn hóa... nhưng lại tăng cường khả năng phối hợp hành động của con người ở những nơi rất xa nhau trên Trái Đất.
2 Ngành viễn thông
a) Trong quan niệm hiện đại, viễn thông được hiểu là một ngành kinh tế kĩ thuật, sử dụng các thiết bị cho phép truyền các thông tin điện tử đi các khoảng cách xa trên Trái Đất. Nhờ có mạng lưới viễn thông, mà con người từ các vùng khác nhau trên Trái Đất có thể liên lạc với nhau ngay tức thì. Các thiết bị viễn thông gồm các thiết bị thu và phát. Các thiết bị này sẽ chuyển các tín hiệu thông tin khác nhau như âm thanh và hình ảnh thành các tín hiệu điện tử rồi truyền đi đến các thiết bị thu nhận. Tại nơi nhận, các thiết bị nhận tin lại chuyển các tín hiệu điện tử này thành các thông tin mà con người hiểu được, thành âm thanh và hình ảnh, có thể hiện lên trên các màn hình TV hay màn hình của máy vi tính.
Thường người ta hay phân ra các dịch vụ điện thoại và phi thoại (như điện báo, telex, fax, truyền số liệu...). Tuy nhiên, sự phát triển của ngành viễn thông hiện đại đang xoá nhoà ranh giới giữa các loại dịch vụ này.
b) Các dịch vụ viễn thông chủ yếu
- Điện báo là hệ thống phi thoại ra đời từ năm 1844. Hiện nay, điện báo còn được sử dụng rộng rãi để các tầu đang đi trên đại dương hay các máy bay có thể liên lạc thường xuyên với các trạm mặt đất.
- Điện thoại dùng để chuyển tín hiệu âm thanh giữa con người với con người, nhưng hiện nay, việc truyền dữ liệu giữa các máy tính cũng được thực hiện qua đường dây điện thoại, nhờ thiết bị gọi là mođem (modem). Việc thực hiện truyền tín hiệu số đã cho phép thực hiện nhiều cuộc gọi hơn trên quãng đường dài. Các trạm vệ tinh thông tin được các mạng lưới điện thoại sử dụng để truyền các cuộc gọi viễn thông, đến các vùng xa xôi, vượt các đại dương. Hiện nay, việc sử dụng điện thoại không dây đang ngày càng phổ biến ở các nước.
Bình quân số máy điện thoại trên 1000 dân đã được coi là một chỉ tiêu để so sánh sự phát triển của ngành thông tin liên lạc giữa các nước, các vùng.
- Telex, Fax
Telex là một loại thiết bị điện báo hiện đại, được sử dụng từ năm 1958. Hệ thống này cho phép các thuê bao có thể truyền tin nhắn và số liệu trực tiếp với nhau, và cũng có thể thông qua những trung tâm thông tin đặc biệt để chuyển các tin nhắn và số liệu tới người không thuê bao dưới dạng các bức điện tín.
Fax (Facsimile) là thiết bị viễn thông cho phép truyền văn bản và hình đồ hoạ đi xa một cách dễ ràng và rẻ tiền. Các máy Fax có thiết bị quét quang học. Các tín hiệu văn bản và đồ hoạ được số hoá, được mã hoá và truyền đi bằng đường điện thoại. Máy fax nhận tin lại chuyển ngược trở lại các tín hiệu đã mã hoá thành văn bản và đồ hoạ, in ra bắng máy in gắn trong máy fax.
Trên bản đồ thế giới, mật độ máy fax tính trên 1000 dân tập trung cao nhất ở các nước Bắc Mĩ (Hoa Kì và Canađa), các nước Tây Âu và Bắc Âu, Nhật Bản và Ôxtrâylia. Nhật bản đứng đầu thế giới với mật độ 126,8 máy/1000 dân, vượt xa hai nước kế tiếp là Đức (79,1) và Hoa Kì (78,4 máy/1000 dân).
- Radio, vô tuyến truyền hình là các hệ thống thông tin đại chúng. Trong thông tin liên lạc trong nhiều trường hợp người ta cũng dùng radio để liên lạc hai chiều giữa các cá nhân. Việc thu phát sóng radiô cá nhân như vậy thường chỉ trên khoảng cách ngắn (vài km). Vô tuyến truyền hình trong một số trường hợp có thể phục vụ cho việc hội thảo từ xa (teleconferencing)...
- Máy tính cá nhân và Internet
Máy tính cá nhân đã trở thành một thiết bị đa phương tiện (multimedia), khi nối vào các mạng thông tin liên lạc có thể thực hiện gửi đi và nhận về các tín hiệu âm thanh, văn bản, hình ảnh động, các phần mềm, các loại dữ liệu khác nhau. Khi hệ thống điện thoại sử dụng công nghệ truyền tín hiệu số, thì viễn thông máy tính đã có được ưu thế vượt trội. Hiện nay ở một số nước đã sử dụng mạng số dịch vụ tích hợp (ISDN - Integrated Services Digital Network) cho phép tích hợp sử dụng nhiều loại dịch vụ thông tin khác nhau. Sự phát triển của thư điện tử (E-mail) đã tiến đến chỗ người ta có thể trao đổi trên mạng bằng Chat, rồi trò chuyện (Voice Chat) và có thể truyền trực tiếp các hình ảnh ở hai đầu dây. Internet đã và đang xâm nhập vào cuộc sống dưới nhiều hình thức khác nhau, và đang hình thành E-business (thương mại, dịch vụ điện tử), thậm chí một số dịch vụ công cũng từng bước được thực hiện qua mạng.
Việc so sánh lược đồ Hình IX.13 và hình IX.14 cho thấy đặc điểm phân bố máy tính cá nhân trên thế giới rất đồng điệu với đặc điểm phân bố điện thoại thuê bao cố định. Điều này cũng phản ánh một thực tế là ở các nước có ngành viễn thông phát triển, hầu hết máy tính cá nhân được kết nối internet qua mạng điện thoại.
Nguồn: ĐHSP ĐT