• Chào mừng Bạn tham gia Diễn Đàn Kiến Thức tổng hợp No.1 VNKienThuc.com - Định hướng VN Kiến Thức
    -
    HÃY TẠO CHỦ ĐỀ KIẾN THỨC HỮU ÍCH VÀ CÙNG NHAU THẢO LUẬN

Địa lí dân cư Bắc Trung Bộ

Tongthieugia

New member
Xu
0
BẮC TRUNG BỘ VÀ TÌNH HÌNH DÂN CƯ SINH SỐNG

Trên bản đồ địa lý Việt Nam, Bắc Trung Bộ là 1 trong 7 vùng kinh tế - xã hội của cả nước, có vị trí trung gian giữa miền Bắc và miền Nam. Nằm trên dải đất miền Trung, Bắc Trung Bộ tựa vào sườn đông của dãy Trường Sơn Bắc, chạy dài trên nhiều vĩ độ. Tọa độ địa lý phần đất liền kéo dài từ 16000’B đến 20050’B và từ 103050’Đ đến 107013’Đ, từ Bắc Thanh Hóa đến ranh giới đường chia nước của khối núi Bạch Mã đâm ra biển. Theo hướng từ Bắc vào Nam, về mặt hành chính, Bắc Trung Bộ gồm các tỉnh: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên – Huế, với tổng diện tích là 51.524,6 km2 (chiếm 15,5% diện tích tự nhiên cả nước), chưa tính diện tích phần nội thủy và lãnh hải thuộc chủ quyền trên vịnh Bắc Bộ và biển Đông).

Bắc Trung Bộ được biết tới như một vùng lãnh thổ hẹp ngang (nơi hẹp nhất tại Quảng Bình là 50 km, nơi rộng nhất là Nghệ An cũng chỉ hơn 200 km). Phía Tây là sườn Đông Trường Sơn, giáp với nước CHDCND Lào có đường biên giới là 1.294 km; phía Đông hướng ra biển Đông với tuyến đường bộ ven biển dài 700 km từ Nga Sơn (Thanh Hóa) đến tận phía Nam Lăng Cô ở mũi Chân Mây (chân đèo Hải Vân).

Bắc Trung Bộ nằm trên trục giao thông xuyên Việt (kể cả đường bộ, đường sắt và nhiều tuyến đường ngang Đông Tây từ cảng biển đến nước bạn Lào như đường 7, đường 8, đường 9 và đường 12). Nơi đây có hệ thống đô thị ven biển (như Thanh Hóa, Vinh, Đồng Hới, Đông Hà, Cố đô Huế) gắn liền với các khu, cụm công nghiệp, các trung tâm thương mại, dịch vụ du lịch và các cảng biển hoặc trong phạm vi ảnh hưởng của chúng (như cảng Nghi Sơn, Cửa Lò, Cửa Hội, Vũng Áng, Hòn La, Cửa Việt, Cửa Gianh, Cửa Thuận An, Chân Mây). Nhờ ở vị trí gần đường hàng hải quốc tế và đường biển quốc gia trong vùng vịnh Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ có lợi thế giao lưu kinh tế trực tiếp với các vùng phát triển năng động của đất nước và với cả khu vực châu Á – Thái Bình Dương.

Trong Chương trình Hợp tác phát triển Tiểu vùng sông Mê Kông, Bắc Trung Bộ là một đầu cầu của Hành lang Đông – Tây, nối các nước láng giềng bên kia dãy Trường Sơn Bắc, qua biển Đông với các nước trong khu vực và thế giới. Đặc biệt khi đường 9 được chọn là một trong các đường xuyên ASEAN và Lao Bảo trở thành khu vực trọng điểm phát triển kinh tế, thương mại, nhiều khả năng hợp tác phát triển kinh tế, xã hội đã mở ra cho vùng Bắc Trung Bộ.

Với vị trí địa lý và phạm vi hành chính như vậy đã đặt ra cho khu vực Bắc Trung Bộ nhiều cơ hội trong sự phát triển, hợp tác về kinh tế, xã hội, an ninh quốc phòng nhưng bên cạnh đó cũng tồn tại không ít những thách thức. Thách thức đến từ những yếu tố tự nhiên kết hợp với cả yếu tố xã hội. Ở đây chúng ta đề cập đến vấn đề biến đổi khí hậu và sự ứng phó của con người ở khu vực Bắc Trung Bộ.

Bắc Trung Bộ mang sắc thái chung của khí hậu nhiệt đới gió mùa. Đây là vùng đất có khí hậu khắc nghiệt nhất trong cả nước, hàng năm hứng chịu nhiều thiên tai như bão, lũ lụt, hạn hán, gió phơn Tây Nam (gió Lào)... Gần đây, hiện tượng biến đổi khí hậu đã gia tăng hơn nữa tình trạng bão lũ ở miền Trung mà Bắc Trung Bộ được ví như một cái “rốn” hứng chịu sự “nổi giận” của thiên nhiên. Sự thay đổi mạnh mẽ của thời tiết đã ảnh hưởng sâu sắc tới đời sống kinh tế, xã hội của cộng đồng dân cư trong vùng, và hơn thế nữa cũng có nhiều tác động tới hoạt động quân sự của lực lượng quốc phòng thuộc Quân khu IV. Sự biến đổi khí hậu đã trở thành nguy cơ tiềm ẩn gây ra những xáo trộn trong thiên nhiên, thậm chí làm biến đổi quy luật của tự nhiên. Theo báo cáo mới nhất của Liên Hợp Quốc, nguyên nhân của hiện tượng biến đổi khí hậu 90% do con người gây ra, 10% là do tự nhiên.

Vì vậy, có thể khẳng định rằng, một trong những nhân tố động lực, có vai trò quyết định đến sự thay đổi bức tranh phân hóa của vùng Bắc Trung Bộ đồng thời cũng là nhân tố tác động mạnh mẽ đến sự biến đổi khí hậu đó chính là nhân tố dân cư và lao động.
Bắc Trung Bộ là một trong những cái nôi của dân tộc Việt Nam với những di chỉ Núi Đọ, Đa Bút, văn hóa Đông Sơn. Trong lịch sử, Bắc Trung Bộ là vùng đất trải qua nhiều giai đoạn biến động phức tạp và để lại nhiều dấu ấn trên lãnh thổ “phên dậu” này. Sông Gianh đã từng là ranh giới giữa Đàng Trong và Đàng Ngoài trong thời kỳ Trịnh – Nguyễn phân tranh. Sông Bến Hải một thời là nỗi nhức nhối của nhân dân ta trong suốt hai thập kỷ. Đây cũng chính là quê hương của phong trào Cần Vương và Xô viết Nghệ Tĩnh, là vùng đất thép trong suốt hai cuộc kháng chiến trường kỳ chống Pháp và chống Mỹ.
Quá trình hình thành lịch sử lâu dài và chống chọi với thiên nhiên khắc nghiệt đã tạo nên tính cách và bản sắc của con người Bắc Trung Bộ với những phẩm chất đặc trưng như kiên cường, khảng khái, thông minh, cần kiệm, giàu lòng vị tha, yêu nước, thương nòi... Đây cũng là vùng đất đã sản sinh ra nhiều nhân tài cho đất nước, nơi có đóng góp to lớn về sức người, sức của trong công cuộc đấu tranh bảo vệ tổ quốc.
Những nhân tố địa - lịch sử, địa - nhân văn đó đã tạo nên nền tảng quan trọng trong lịch sử phát triển văn hóa – xã hội của vùng Bắc Trung Bộ và cũng tác động ít nhiều tới tình hình dân cư ở vùng đất này.

1. Phân bố dân cư
* Quy mô dân số:
Dân số của khu vực Bắc Trung Bộ nói riêng, khu vực miền Trung nói chung có xu hướng tăng nhanh qua các năm. Theo số liệu của Tổng điều tra dân số và nhà ở quốc gia năm 2009, tổng dân số của khu vực Bắc Trung Bộ vào năm 2009 là trên 10,0 triệu người (chiếm 11,7% dân số cả nước). Nếu nằm trong cả vùng với duyên hải miền Trung (tổng cả hai vùng là 18.835.485 người), dân số ở đây đông xếp thứ hai cả nước, sau vùng đồng bằng sông Hồng (19.577.944 người). Nếu so sánh với vùng có số dân ít nhất là Tây Nguyên, gồm 5 tỉnh với dân số 5.107.437 người thì chúng ta thấy độ chênh lệch dân số là quá lớn.
Các tỉnh trong khu vực Bắc Trung Bộ có quy mô dân số khác nhau. Thanh Hóa là tỉnh có quy mô dân số lớn nhất vùng, năm 2010 đạt hơn 3,4 triệu người, thấp nhất là tỉnh Quảng Trị với con số cùng năm là hơn 600 nghìn người.
* Gia tăng dân số:
Nếu tính tăng bình quân theo chu kỳ 1 thập kỷ, dân số Bắc Trung Bộ trong 10 năm từ 1989 đến 1999 tăng mạnh, mỗi năm tăng 132,89 nghìn người, trong thập kỷ đầu thế kỷ XXI, mỗi năm tăng trung bình 88,7 nghìn người. Điều này còn được thể hiện trong tỷ lệ sinh thô và tỷ lệ chết thô của khu vực Bắc Trung Bộ so với tỷ lệ của cả nước. Nếu như trong các thập kỷ 80, 90 cuối thế kỷ XX, Bắc Trung Bộ là vùng đất có tỷ lệ sinh và chết khá cao so với cả nước thì đến nay, tỷ lệ đó có phần giảm đáng kể. Nếu như ở năm 1999, mức sinh thô của vùng Bắc Trung Bộ là 21,4%0, tỷ lệ chết thô là 6,7%0, thì 10 năm sau tỷ lệ đó đã có những thay đổi, đặc biệt là tỷ lệ sinh. Năm 2010, tỷ lệ sinh thô của Bắc Trung Bộ là 16,9%0 (giảm so với tỷ lệ 17,1%0 của cả nước), còn tỷ lệ chết thô thì cao hơn một ít so với cả nước, (7,1%0 so với 6,8 %0).

Nhìn chung, mức tăng dân số tự nhiên của vùng đã có xu hướng giảm nhiều, điều đó là một tín hiệu tốt, giảm đi sức ép dân số đối với sự phát triển kinh tế, xã hội và đảm bảo an ninh quốc phòng. Theo số liệu thống kê, đến năm 2009 và 2010, tỷ lệ tăng dân số tự nhiên của Bắc Trung Bộ đã giảm còn 9,8%0 và 9,9%0 (so với tỷ lệ 10,8%0 và 10,3 %0 trong hai năm tương ứng của cả nước). Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, mức sinh của Việt Nam đã giảm trong 10 năm qua. Tổng tỷ suất sinh duy trì dưới mức sinh thay thế, đạt 2,03 con trên 1 phụ nữ. Tuy nhiên, vẫn có sự khác biệt về mức sinh giữa các vùng, miền. Khu vực thành thị là 1,80 con trên một phụ nữ, khu vực nông thôn là 2,15.

Trong nhiều thập kỷ qua, Bắc Trung Bộ là vùng xuất cư. Thời kỳ thập kỷ 90 của thế kỷ XX, đây là vùng xuất cư dân số lớn thứ hai so với cả nước và có tỷ suất di cư thuần tới -30,2%0. Nguyên nhân chủ yếu là do Bắc Trung Bộ là một vùng kinh tế có nhiều khó khăn, lại thường xuyên có thiên tai, mức thu nhập thấp vào bậc nhất trong cả nước. Sự phát triển của công nghiệp của vùng Bắc Trung Bộ cũng hạn chế nên dòng người chuyển đến có quy mô nhỏ nhất so với các vùng khác. Đến nay tỷ suất đó có phần giảm đi đáng kể. Năm 2010, tỷ suất xuất cư của khu vực Bắc Trung Bộ là 8,8%0 (giảm so với tỷ suất của cả nước là 9,7%0), tỷ suất di cư thuần của Bắc Trung Bộ cũng thấp hơn, con số cụ thể là -5,7%0. Các luồng xuất cư chủ yếu từ Bắc Trung Bộ đến hai khu vực là Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Hồng (phần lớn là lực lượng lao động phổ thông và lao động được đào tạo).

* Phân bố dân cư:
Cũng như tỉnh hình chung của cả nước, dân cư Bắc Trung Bộ phân bố không đều. Theo xu hướng tăng của tổng dân số, mật độ dân số cũng có những xê dịch. Năm 2009, mật độ dân số của vùng Bắc Trung Bộ là 196 người/km2, thấp hơn mật độ dân số trung bình của cả nước là 64 người/km2 (260 người/km2), (con số này vào năm 2010 là 197 người/km2 của Bắc Trung Bộ so với cả nước là 263 người/km2). Trong 6 tỉnh của khu vực, Thanh Hóa là tỉnh có mật độ dân số cao nhất (306 người/km2) còn Quảng Bình có mật độ dân số thấp nhất (105 người/km2). Sự phân bố không đều của dân cư còn thể hiện ở sự khác biệt giữa vùng đồng bằng duyên hải phía đông và vùng gò đồi phía tây.

Phần lớn dân cư trong vùng tập trung ở dọc quốc lộ 1 và dải đồng bằng ven biển phía đông. Khu vực này chiếm hơn 70% dân số của vùng và có mật độ dân số cao hơn rất nhiều mức trung bình của cả vùng, như thành phố Thanh Hóa (hơn 3.000 người /km2), thành phố Vinh (hơn 3.300 người/km2), thành phố Huế (hơn 4.100 người/km2),... Khu vực gò đồi và núi ở phía tây chiếm 60% diện tích nhưng dân số chỉ chiếm khoảng 30% dân số của cả vùng. Do đó, mật độ trung bình ở đây chỉ khoảng 10-50 người/km2.

* Cơ cấu dân số theo độ tuổi và giới tính:

Nếu xét theo độ tuổi, khu vực Bắc Trung Bộ có dân số tương đối trẻ hơn so với cả nước và các vùng kinh tế khác. Trong mấy năm gần đây, tỉ trọng trẻ em trong độ tuổi từ 0 đến 14 tuổi trong tổng dân số của vùng đã giảm đáng kể, từ khoảng 35,6% năm 1999 xuống còn 28% năm 2007, song vẫn còn cao hơn so với mức trung bình của cả nước (25,6%). Tỉ trọng nhóm tuổi trên 60 đã tăng từ 9,2% năm 1999 lên 11,2% năm 2007 nhưng vẫn còn thấp hơn mức trung bình của cả nước trong cùng thời kỳ. Thời kỳ này chỉ diễn ra 1 lần trong một thế hệ, thường chỉ kéo dài trong vòng 15 - 30 năm hoặc 40 năm (tùy thuộc vào việc kiềm chế mức sinh).

Theo kết quả điều tra, Việt Nam đang trong thời kỳ “cơ cấu dân số vàng”, thời kỳ các nhóm trong độ tuổi lao động cao gấp đôi nhóm dân số trong độ tuổi phụ thuộc. Hiện nay, nước ta cũng bắt đầu bước vào thời kỳ già hóa dân số. Chỉ số già hóa (biểu thị bằng số người từ 60 tuổi trở lên trên 100 người dưới 15 tuổi) đã tăng 11,4 điểm phần trăm sau 10 năm (từ 24,5% năm 1999 lên 35,9% năm 2009).

Chỉ số già hóa của Việt Nam hiện nay cao hơn mức trung bình của khu vực Đông Nam Á (30%), tương đương mức già hóa của Indonesia, Philippine nhưng thấp hơn Singapore (85%), và ThaiLand (52%). Như vậy, trong thời kỳ “dân số vàng” này, Việt Nam cũng cần có những chính sách phù hợp với sự già hóa dân số để đảm bảo an sinh xã hội cho người già, vì nhóm dân số già dễ bị tổn thương trước những khó khăn trong cuộc sống.
Nằm trong mức chung của cả nước, năm 2009, tuổi kết hôn trung bình lần đầu của nam là 26,2 và của nữ là 22,8. So với cuộc tổng điều tra năm 1999, tuổi kết hôn của cả nam và nữ không có sự thay đổi. Cùng với mức chết giảm, tuổi thọ trung bình tính từ lúc sinh của người Việt Nam đã tăng lên. Sau 10 năm, tuổi thọ trung bình của người Việt Nam tăng 3,7 tuổi lên 72,8 tuổi (nam đạt 70,2 tuổi, nữ đạt 75,6 tuổi).

Xét theo giới tính, cơ cấu giới tính dân số Bắc Trung Bộ khá cân bằng và tương đương với mức trung bình của cả nước. Năm 2010, trong tổng số 10.092,9 nghìn người thì dân số nam 5.000,5 nghìn người, số nữ là 5.092,4 nghìn người. Như vậy, trong cơ cấu giới tính của Bắc Trung Bộ, nam chiếm khoảng 49,53%, nữ chiếm 50,47%.
Tuy nhiên, nếu xét ở lứa tuổi sơ sinh, hiện nay khu vực Bắc Trung Bộ có sự chênh lệch giới tính tăng cao rõ rệt. Tỷ số giới tính khi sinh của khu vực Bắc Trung Bộ tương đối cao, đứng thứ 2 trong cả nước (sau đồng bằng sông Hồng). Năm 2010, trong khi tỷ lệ bé trai trên 100 bé gái của cả nước là 111,2/100 thì ở khu vực này, tỷ lệ đó là 114,3/100 (đồng bằng sông Hồng là 116,2/100, cao nhất là tỉnh Hưng Yên với con số là 131 bé trai trên 100 bé gái). Số liệu này cho thấy những quan ngại về tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh ở Việt Nam nói chung và các tỉnh thuộc Bắc Trung Bộ nói riêng.

* Cơ cấu dân số theo thành phần dân tộc:
Bắc Trung Bộ có cơ cấu dân tộc khá phong phú, hiện nay có khoảng 14 tộc người/54 tộc người trong cộng đồng quốc gia Việt Nam cùng sinh sống tại các tỉnh. Về cơ bản các dân tộc này thuộc các nhóm ngữ hệ :
+ Việt - Mường bao gồm các tiểu nhóm thuộc dân tộc Chứt (như Sách, Mã Liềng, Mày, Rục, A rem ) cùng sinh sống tập trung ở một số vùng miền núi Quảng Bình.
+ Môn - Kh’mer bao gồm các dân tộc Tà Ôi, Bru-Vân kiều, Cơ Tu (ở Quảng Trị, Thừa Thiên – Huế).
Trong đó, dân tộc Kinh chiếm số đông, phần lớn cư trú ở vùng duyên hải và đô thị ven biển. Vùng đồi gò và miền núi phía tây là địa bàn các dân tộc ít người như Thái, Mường, Mông,... Nơi đây còn có các dân tộc ít người như Thổ, Khơ Mú, Bru – Vân Kiều, Chứt, Ơ Đu...


Theo số liệu Tổng điều tra dân số và nhà ở quốc gia năm 2009, phân bố dân cư theo thành phần dân tộc được thể hiện cụ thể ở các tỉnh ở Bắc Trung Bộ như sau:
Người Kinh: có mặt ở tất cả 63 tỉnh, thành trong cả nước, trong đó có tất cả các tỉnh thuộc khu vực Bắc Trung Bộ.
Người Thái còn được gọi là Tày Khao (Thái Trắng), Tày Đăm (Thái Đen), Tày Mười, Tày Thanh (Man Thanh), Hàng Tổng (Tày Mường), Pu Thay, Thổ Đà Bắc. Theo Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2009, người Thái ở Việt Nam có dân số 1.550.423 người, là dân tộc có dân số đứng thứ 3 tại Việt Nam, có mặt trên tất cả 63 tỉnh, thành phố. Nghệ An có khoảng 295.132 người (chiếm 10,1 % dân số toàn tỉnh và 19,0 % tổng số người Thái tại Việt Nam), Thanh Hóa có 225.336 người (chiếm 6,6 % dân số toàn tỉnh và 14,5 % tổng số người Thái tại Việt Nam).
Các nhóm Tày Thanh (Man Thanh), Tày Mười, Tày Khăng ở miền Tây Thanh Hóa, Nghệ An di cư từ mạn Tây Bắc chuyển xuống cách đây vài ba trăm năm và bị ảnh hưởng bởi văn hóa và nhân chủng của cư dân địa phương và Lào. Nhóm Tày Thanh từ Mường Thanh (Điện Biên) đi qua Lào vào Thanh Hóa và tới Nghệ An định cư cách đây hai, ba trăm năm, nhóm này gần gũi với nhóm Thái Yên Châu (Sơn La) và chịu ảnh hưởng văn hóa Lào.

Nhóm Thái Đỏ, gồm nhiều nhóm khác nhau cư trú chủ yếu ở một số huyện miền núi như Bá Thước (Thanh Hóa) và Quỳ Châu, Quỳ Hợp, Con Cuông, Tương Dương (Nghệ An).
Một số nhóm có dân số ít hoặc chưa được phân định rõ ràng như Tày Mười (Thái Quỳ Châu) có khoảng 300 người (2002), Tày Mường (Thái Hàng Tổng) có khoảng 10.000 người (2002), Tày Thanh có khoảng 20.000 người (2002).
Người Chứt: Theo Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2009, người Chứt ở Việt Nam có khoảng 6.022 người, cư trú tại 23 trên tổng số 63 tỉnh, thành phố. Người Chứt cư trú tập trung tại các tỉnh: Quảng Bình (5.095 người, chiếm 84,6 % tổng số người Chứt tại Việt Nam), Hà Tĩnh (156 người).

Tộc người Rục được một tiểu đội Công an Quảng Bình phát hiện vào ngày 12/8/1959 trong hang sâu tại vùng hang động Phong Nha - Kẻ Bàng thuộc xã Thượng Hóa huyện Minh Hóa (Quảng Bình) gồm 11 hộ với 34 người. Người Rục có tập quán rất lạc hậu, quen ở hang sâu, săn bắt, hái lượm nhưng họ cũng có một cuộc sống tinh thần phong phú với những nhạc cụ núi rừng như đàn trơ bon, đàn môi, sáo dọc và làn điệu cà lưm, cà lềnh. Do tập quán lạc hậu, sống trong hang đá, săn bắt, hái lượm tận rừng sâu, người Rục có nguy cơ suy giảm dân số hết sức nghiêm trọng. Đến cuối năm 2006, nhân khẩu đã lên đến 414 người và được phân bố trong bốn bản Phú Minh, Ón, Yên Hợp và Mò O - Ồ Ồ thuộc xã Thượng Hóa, ở xen với các tộc như Sách, Mày, Kinh. Vào năm 2009 số lượng nhân khẩu có khoảng 600 người.

Người Khơ Mú sống tập trung chủ yếu ở các tỉnh phía Bắc và Bắc Trung Bộ như Nghệ An, Sơn La, Lai Châu, Lào Cai, Yên Bái. Theo Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2009, người Khơ Mú ở Việt Nam có dân số 72.929 người, cư trú tại 44 trên tổng số 63 tỉnh, thành phố. Ở Bắc Trung Bộ, người Khơ Mú cư trú tập trung tại các tỉnh: Nghệ An (35.670 người, chiếm 48,9 % tổng số người Khơ Mú tại Việt Nam), Thanh Hóa (781 người).
Người Mường còn gọi là người Mol, Mual, Moi, Moi bi, Au tá, Ao tá, là một dân tộc sống ở khu vực miền núi phía Bắc Việt Nam, tập trung đông nhất ở tỉnh Hòa Bình và các huyện miền núi tỉnh Thanh Hóa.
Họ rất gần với người Kinh, một số nhà dân tộc học đưa ra giả thuyết người Mường về mặt sắc tộc chính là người Kinh nhưng vì cư trú ở miền núi nên họ ít chịu ảnh hưởng của người Trung Quốc. Năm 2009, tổng dân số người Mường là 1.268.963 người, có mặt hầu như tất cả 63 tỉnh, thành phố. Tại khu vực Bắc Trung Bộ, đông nhất là tỉnh Thanh Hóa (có 340.000 người, chiếm 10,0 % dân số toàn tỉnh và 26,9 % tổng số người Mường tại Việt Nam).

Người Thổ có các tên gọi khác như Kẹo, Mọn, Cuối, Họ, Đan Lai, Ly Hà, Tày Pọng, Con Kha, Xá Lá Vàng... Theo Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2009, người Thổ ở Việt Nam có dân số 74.458 người, có mặt tại 60 trên tổng số 63 tỉnh, thành phố. Người Thổ cư trú tập trung tại tỉnh Nghệ An (59.579 người, chiếm 80,0 % tổng số người Thổ tại Việt Nam), Thanh Hóa (9.652 người, chiếm 13,0 % tổng số người Thổ tại Việt Nam).
Trước năm 1973, người Thổ được xem như là một nhóm của dân tộc Mường. Từ tháng 12/1973, thể theo đề nghị và căn cứ vào những phong tục tập quán, sinh hoạt… tộc danh Thổ được Nhà nước chính thức công nhận là một dân tộc riêng biệt nằm trong đại gia đình các dân tộc Việt Nam. Người Thổ có nhiều dòng họ, trong đó họ Trương là một họ lớn chiếm số đông trong cộng đồng, tiếp đến là các họ Lê, họ Nguyễn, họ Phạm…

Người Cơ Tu, năm 2009 có dân số là 61.588 người, cư trú tại 38 trên tổng số 63 tỉnh, thành phố. Tại khu vực Bắc Trung Bộ, dân tộc này chủ yếu sống tại tỉnh Thừa Thiên – Huế (14.629 người, chiếm 23,8 % tổng số người Cơ Tu tại Việt Nam).

Dân tộc Pa Cô sinh sống chủ yếu tại huyện miền núi A Lưới (tỉnh Thừa Thiên – Huế), hiện có trên 27.000 người, sống cùng các dân tộc anh em như Vân Kiều, Cơ Tu, Pa Hi, Kinh, chiếm hơn 2/3 tổng số người Pa Cô của cả nước.

Dân tộc Tà Ôi, theo Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2009, người Tà Ôi ở Việt Nam có dân số là 43.886 người, có mặt tại 39 trên tổng số 63 tỉnh, thành phố. Người Tà Ôi cư trú tập trung tại các tỉnh: Thừa Thiên - Huế (29.558 người, chiếm 67,35 % tổng số người Tà Ôi tại Việt Nam), Quảng Trị (13.961 người, chiếm 31,81 % tổng số người Tà Ôi tại Việt Nam), Thanh Hóa (37 người).

Dân tộc H’Mông, theo Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2009, dân tộc H’Mông ở Việt Nam có dân số 1.068.189 người, đứng hàng thứ 8 trong bảng danh sách các dân tộc ở Việt Nam, cư trú tại 62 trên tổng số 63 tỉnh, thành phố. Tại Bắc Trung Bộ, người H’Mông cư trú tập trung tại các tỉnh: Nghệ An (28.992 người), Thanh Hóa (14.799 người)

Trên thực tế cho thấy các cư dân Mông ở Việt Nam vẫn có quan hệ với các cư dân đồng tộc ở các nưóc khác, đặc biệt là những địa bàn sát biên giới giữa Việt Nam với Trung Quốc và Lào.

Người Dao được thống kê Theo Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2009: toàn quốc có khoảng 751.067 người, cư trú tại 61 trên tổng số 63 tỉnh, thành phố. Người Dao có mặt ở các huyện thuộc Thanh Hóa như Ngọc Lặc, Cẩm Thủy, Thạch Thành, Bá Thước...

Dân tộc Bru – Vân Kiều trong thực tế còn có các tên gọi như Vân Kiều, Măng Coong, Trì, Khùa, Bru dùng để chỉ các nhóm khác nhau trong tộc người này. Theo Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2009, người Bru-Vân Kiều ở Việt Nam có dân số 227.716 người, cư trú tại 39 trên tổng số 63 tỉnh, thành phố. Tại Bắc Trung Bộ, người Bru - Vân Kiều cư trú tập trung tại các tỉnh: Quảng Trị (55.079 người, chiếm 73,9 % tổng số người Bru-Vân Kiều tại Việt Nam), Quảng Bình (14.631 người, chiếm 19,6 % tổng số người Bru-Vân Kiều tại Việt Nam), Thừa Thiên-Huế (1.114 người), Thanh Hóa (38 người).

Lào: dân tộc Lào là một trong số 54 dân tộc của Việt Nam. Họ còn có các gọi tên khác là Lào Bốc hoặc Lào Nọi. Dân tộc Lào sử dụng ngôn ngữ thuộc nhóm ngôn ngữ Tày-Thái.

Người dân tộc Lào tại Việt Nam cư trú chủ yếu tập trung tại các tỉnh miền núi phía Bắc. Ở khu vực Bắc Trung Bộ, tỉnh Hà Tĩnh có khoảng 433 người, chủ yếu sống ở các huyện sát biên giới Việt – Lào.

Người Tày là một tộc người khá phổ biến. Theo Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2009, người Tày ở Việt Nam có dân số là 1.626.392 người, là dân tộc có dân số đứng thứ 2 tại Việt Nam, có mặt trên tất cả 63 tỉnh, thành phố. Tại Bắc Trung Bộ, người Tày sống rải rác trên vùng núi cao.
Về địa bàn cư trú, trong khi người Kinh sống trên địa bàn toàn khu vực, tập trung ở đô thị và vùng đồng bằng thì các tộc người còn lại sống chủ yếu ở miền núi phía Tây của các tỉnh giáp biên giới với Cộng hoà dân chủ nhân dân Lào.

Trong sinh cảnh núi đồi trùng điệp, nhiều sườn dốc, núi đá hiểm trở, vùng cư trú của các nhóm tộc ít người là những thung lũng nhỏ hẹp, giữa lưng chừng núi cao, hay trong rừng sâu của dãy Trường Sơn. Điều này đã hạn chế không nhỏ đến quá trình di cư cũng như giao lưu, đồng thời tạo nên các vùng và phân vùng cư trú của các nhóm tộc người từ lâu đời một cách ổn định. Khi đó, sự lan toả, di cư, mở rộng địa bàn cư trú hay giao lưu văn hoá, trao đổi mua bán chỉ có thể thực hiện thuận lợi hơn giữa miền xuôi và miền ngược theo chiều Đông – Tây bởi mạng lưới đường mòn ven chân núi và hệ thuỷ lộ (sông ngòi từ dải Trường sơn xuống biển).

Theo hệ thống phân vùng địa lí Việt Nam, Bắc Trung Bộ là khu vực chuyển tiếp giữa Bắc Bộ và Nam Trung Bộ. Lịch sử cho thấy cư dân nơi đây có nguồn gốc chủ yếu là người Thanh - Nghệ - Tĩnh thiên di vào Bình Trị Thiên từ thời Lý - Trần - Lê. Do đó, mối quan hệ của người Việt nơi đây có nhiều liên quan, gắn bó với các sinh hoạt văn hoá dân gian nói chung.

* Đô thị hóa:

Mức độ đô thị hóa của vùng Bắc Trung Bộ nhìn chung còn ở mức thấp. Tỉ lệ dân thành thị của vùng tăng rất chậm trong thời gian qua. Từ năm 1995 đến năm 2007, dân thành thị của vùng chỉ tăng thêm được 3% (từ 11% lên 14%), thấp hơn nhiều so với tỉ lệ và tốc độ trung bình chung của cả nước. Theo tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2009, con số đó có sự xê dịch nhưng không đáng kể. Năm 2009, tổng dân số thành thị ở Bắc Trung Bộ là 1.621 nghìn người còn tổng số dân ở nông thôn là 8.491 nghìn người, năm 2010 sơ bộ con số ở thành thị tăng lên 1.666 nghìn người còn nông thôn giảm xuống còn 8.461 nghìn người.

Như vậy, xu hướng dân cư di chuyển tới những đô thị, thành phố là hợp quy luật phát triển của xã hội hiện đại. Tuy nhiên, đô thị ở khu vực Bắc Trung Bộ nhìn chung vẫn chưa phát triển mạnh, do vậy tốc độ đô thị hóa ở khu vực này chưa nhanh bằng các trung tâm đô thị lớn ở đồng bằng sông Hồng và Đông Nam Bộ. Điều đó đã phản ảnh sự yếu kém về phát triển công nghiệp hóa và đô thi hóa nói riêng cũng như trình độ phát triển kinh tế - xã hội của vùng nói chung.

Tuy nhiên, khu vực Bắc Trung Bộ cũng có một hệ thống đô thị phân bố khá hợp lý trong không gian địa lý của vùng. Hệ thống đô thị của vùng qua các giai đoạn lịch sử được hình thành và gắn liền với quá trình khai thác và phát triển kinh tế - xã hội của vùng, tạo thành một không gian tuyến, điểm, từ bắc xuống nam dọc theo bờ Biển Đông và từ tây sang đông dọc theo các trục chính đông – tây và theo các lưu vực sông.


* Quần cư:
Cho đến thời điểm hiện tại, khu vực Bắc Trung Bộ có 6 thành phố trực thuộc tỉnh, 7 thị xã, 61 huyện. Trong đó, thành phố Huế đang được xây dựng, phấn đấu thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2015.
Trong thời kỳ chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, hầu hết các thành phố, thị xã, thị trấn ở miền Trung đều bị tàn phá nặng nề. Đến nay hầu hết đều được quy hoạch xây dựng mới theo các tiêu chuẩn đô thị quốc gia. Các đô thị công nghiệp có hướng chuyên môn hóa rõ nét như là thành phố Thanh Hóa, thành phố Vinh, thành phố Đồng Hới, thành phố Đông Hà, thành phố Huế... đều phát triển thành các trung tâm công – thương nghiệp và dịch vụ. Trong xu thế kinh tế mở cửa, các cửa khẩu quốc tế ở biên giới Việt – Lào được quy hoạch khang trang. Đặc biệt, cửa khẩu Lao Bảo đã được quy hoạch thành vùng kinh tế mở.

Trong hành trình di sản văn hóa miền Trung, các đô thị đều đứng trước cơ hội lớn của các hoạt động du lịch nghỉ mát, thăm thú các thắng cảnh thiên nhiên, các di sản văn hóa. Vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng được UNESCO công nhận là di sản thiên nhiên thế giới (2003), Cố đô Huế được công nhận là di sản văn hóa thế giới (1993) và là thành phố Festival của Việt Nam.
Quần cư nông thôn ở Bắc Trung Bộ tuy đa dạng nhưng có thể quy về hai loại hình chủ yếu: quần cư nông thôn truyền thống và quần cư nông thôn thời kỳ đổi mới.

Quần cư nông thôn truyền thống phản ánh đặc điểm văn hóa cư trú của cộng đồng các dân tộc. Nhìn chung đồng bào các dân tộc thiểu số thường sống ở vùng gò đồi phía tây, thường cư trú thành các bản dựa theo địa hình sườn núi có nguồn nước và đồng bằng thung lũng. Một số dân tộc sống ở phía tây và phía nam còn gặp nhiều khó khăn. Nhà cửa còn quá sơ sài, thường là nhà sàn hoặc nhà trệt, phân bố rải rác theo gò đồi hoặc dọc theo các dòng sông, con suối. Đời sống nhìn chung còn nhiều khó khăn, lạc hậu.

Quần cư nông thôn thời đổi mới ở vùng đồng bằng ven biển có nhiều thay đổi, khang trang hơn do đời sống được nâng cao. Cơ sở hạ tầng nông thôn ngày một cải thiện đáng kể. Hầu hết làng xã đều có điện, đường sá được bê tông hóa tận các xóm dân cư, nông thôn bắt đầu được sắp xếp lại có đường nét hơn. Đặc biệt hiện nay, quy hoạch xây dựng nông thôn mới đã được các tỉnh triển khai tận từng xã, huyện đã làm “thay da đổi thịt” bộ mặt của nông thôn. Mô hình kinh tế nông lâm kết hợp làm cơ sở kinh tế sinh thái cho các trang trại bắt đầu phát triển mạnh. Kinh tế hộ gia đình ở nhiều địa phương đã được quy hoạch theo mô hình RVAC.

Khó khăn nhất đối với dân cư trong vùng là thiên tai hàng năm thường phá hoại các thành tựu đạt được của nhân dân. Trong vòng luẩn quẩn như vậy, việc tìm ra những giải pháp để ứng phó với biến đổi khí hậu để tìm ra nhừn mô hình kinh tế và mô hình quần cư chủ động “chung sống” với thiên nhiên là vấn đề bức xúc của Nhà nước và các địa phương.

2. Nguồn lao động
* Về số lượng:
Trong xu thế phát triển kinh tế - xã hội của thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, dân số trong độ tuổi lao động của khu vực Bắc Trung Bộ vẫn tiếp tục tăng trong thập kỷ đầu thế kỷ XXI. Tốc độ trung bình được ước tính khoảng 3,4 – 3,5% trên năm (cả nước là 2,8%). Năm 2010, tổng số lao động từ 15 tuổi trở lên ở khu vực Bắc Trung Bộ được ước tính khoảng 6 triệu người, chiếm 11,9% so với tổng số lao động cả nước (năm 2009 là 5.744 nghìn người, chiếm 11,6% cả nước). Nguồn lao động của vùng tăng lên do cơ cấu dân số trẻ. Trong đó, tỉnh Thanh Hóa có số dân trong độ tuổi lao động là đông nhất (2.172,2 nghìn người) còn Quảng Trị là tỉnh có lực lượng lao động ít nhất (323,9 nghìn người).

* Về chất lượng:
Nhằm nâng cao chất lượng của lao động, trong những năm gần đây, các tỉnh thuộc khu vực Bắc Trung Bộ đã mở rộng hơn nữa quy mô đào tạo nghề cho lực lượng lao động. Vì thế, nhìn chung, trình độ học vấn của lực lượng lao động trong toàn vùng đạt tương đương hoặc cao hơn mức trung bình của cả nước, đặc biệt là từ tốt nghiệp cấp trung học cơ sở trở lên. Về đào tạo nghề, năm 2010, tỷ lệ lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên đang làm việc trong nền kinh tế đã được đào tạo của khu vực Bắc Trung Bộ chiếm 12,7% (cả nước có tỷ lệ là 14,6%).
Nếu so với các khu vực khác như đồng bằng sông Hồng, Đông Nam Bộ thì lực lượng lao động của vùng Bắc Trung Bộ còn thua về trình độ nghề. Tuy nhiên, lao động của khu vực Bắc Trung Bộ có các phẩm chất tốt như siêng năng, cần cù, năng động, có khả năng tiếp thu khoa học kỹ thuật. Việc hình thành các trung tâm đào tạo nghề và nâng cao trình độ cho đội ngũ lao động, thu hút đầu tư phát triển kinh tế - xã hội trong vùng sẽ tạo sức hút lực lượng lao động có tay nghề trở về phục vụ quê hương. Bắc Trung Bộ sẽ hứa hẹn là vùng có tiềm năng phát triển nhờ vào nguồn lực này.

* Về cơ cấu và sự thay đổi trong cơ cấu:
Lao động làm việc trong nền kinh tế và sự chuyển dịch cơ cấu lao động trong các ngành kinh tế thể hiện trình độ và chất lượng nguồn lao động có tiến bộ đáng kể. Trước hết, con số về lực lượng lao động tăng nhanh trong những năm gần đây ở khu vực Bắc Trung Bộ đã thể hiện điều đó.
Hơn thế nữa, quá trình chuyển dịch cơ cấu lao động giữa các ngành diễn ra tương đối nhanh, tỉ trọng lao động khu vực công nghiệp – xây dựng và dịch vụ tăng nhanh. Tỉ trọng lao động nông – lâm – ngư nghiệp giảm dần. Sự chuyển dịch cơ cấu lao động của vùng trong thời gian qua, mặc dù theo hướng tiến bộ nhưng nhìn chung vẫn còn rất chậm. Lao động vẫn tập trung trong ngành nông – lâm – ngư nghiệp là chủ yếu. Năm 2006, khu vực này chiếm 65,8%; khu vực công nghiệp – xây dựng chiếm 14,7%; khu vực dịch vụ là 19,5% (chênh so với cơ cấu của cả nước tương ứng là 55,7%, 19,1% và 25,2%).
Mặc dù vậy, tỉ lệ thất nghiệp của lực lượng lao động ở khu vực Bắc Trung Bộ là cao nhất trong cả nước. Năm 2009, tỉ lệ thất nghiệp của khu vực này là 5,54% (so với cả nước là 4,6%), đến 2010 sơ bộ tỷ lệ đó là 5,01% (trong khi cả nước là 4,29%). Con số này đã phản ánh được sự phát triển chậm của các ngành kinh tế trong khu vực. Các địa phương cần có những chính sách mang tính đột phá để thúc đẩy các ngành kinh tế phát triển, thu hút và sử dụng hết tiềm năng lao động dồi dào.

3. Một số nét đặc trưng về văn hóa của cộng đồng cư dân khu vực Bắc Trung Bộ
* Với tộc người Kinh: lịch sử cho thấy cư dân nơi đây có nguồn gốc chủ yếu là người Thanh - Nghệ - Tĩnh thiên di vào Bình Trị Thiên từ thời Lý- Trần - Lê. Do đó, mối quan hệ của người Việt nơi đây liên quan, gắn bó với các sinh hoạt văn hoá dân gian nói chung. Ảnh hưởng từ các yếu tố tự nhiên là núi non, biển, sông ngòi, các đầm và đồng bằng vào trong các thành tố văn hoá vùng. Thể hiện qua các loại hình văn hóa, tập tục xã hội nói chung và cuộc sống trong các làng, xã đồng bằng ven biển nói riêng. Các làng nghề nông nghiệp, ngư nghiệp, thủ công nghiệp có hoạt động đan xen, hỗ trợ nhau. Điển hình là các ngày lễ cúng đình của làng nghề nông nghiệp và đồng thời là lễ cúng cá ông của làng nghề đánh cá. Địa hình tự nhiên của vùng Bắc Trung Bộ gồm có những tiểu đồng bằng nhỏ hẹp, bám sát vào các chân núi ven biển. Đó chính là yếu tố làm nổi bật nét văn hóa đặc trưng của cộng đồng dân cư ở đây là “văn hoá sông - biển”

Dãy Trường Sơn Bắc kéo dài từ thượng nguồn sông Cả (tây Nghệ An) vào đến sơn khối Ngọc Linh (tây Quảng Nam), với nhiều nhánh núi chạy theo hướng Tây Bắc - Đông Nam. Dần về phía nam, dãy Trường Sơn càng ra sát biển, nhiều dãy núi đâm ngang thẳng ra biển như Hoành Sơn (giữa Hà Tĩnh và Quảng Bình) và Bạch Mã (giữa Thừa Thiên - Huế và Quảng Nam). Về cấu tạo địa hình, sườn phía đông dốc, sườn phía tây thoai thoải; cao độ trung bình của dãy Trường Sơn Bắc khoảng 2.000m, thỉnh thoảng có những đỉnh cao trên 2.500m. Từ dãy núi Phía Tây (Trường Sơn) là thượng nguồn của rất nhiều con sông lớn đổ về sườn Đông ( và cả Tây – bên Lào).

Sườn Đông của vùng Bắc Trung Bộ có các con sông lớn như sông Mã (Thanh Hoá), sông Cả (Nghệ An), sông Gianh (Quảng Bình), sông Bến Hải, Thạch Hãn (Quảng Trị), Tả Trạch, Hữu Trạch (Huế). Chính vì thế, chất sông - liền biển bắt đầu đậm dần trong đời sống cư dân từ Thanh Hoá trở vào. Không chỉ là hình ảnh biển xanh - cát trắng “sống trong cát, chết vùi trong cát” (Mẹ Tơm - Tố Hữu ) ở Thanh Hoá mà xuyên từ những cồn cát Nghi Lộc, Nghi Xuân, Thạch Hà, Kỳ Anh qua “chang chang cồn cát nắng trưa Quảng Bình” ( Mẹ Suốt - Tố Hữu )... vào tiếp tục những Truông nhà Hồ, Phá Tam Giang (Quảng Trị , Thừa Thiên - Huế ). Để từ đó nét văn hóa tự nhiên đặc trưng này nối tiếp vào hết dải đất Trung, Nam Trung Bộ.
Cũng bắt đầu từ Bắc Miền Trung, xuất hiện những điệu Hò sông nước Bắc Trung Bộ (mà miền Bắc không có) được xem là sản phẩm tinh thần, biểu hiện sự cố kết của cộng đồng người Việt. Những làn điệu hò đặc trưng của vùng này là:

Hò sông Mã (Thanh Hoá)
Hò ví dặm Nghệ Tĩnh
Hò khoan Quảng Bình
Hò mái nhì Quảng Trị
Hò mái nhì Trị Thiên và hò Huế
Rồi khúc “ra khơi vào lộng” chỉ riêng người Việt ở khu vực miền Trung mới có, khác với cư dân Bắc Bộ gắn với biển nhiều hơn.
Văn hoá này đặc biệt quan trọng với Văn hoá Việt Nam - một quốc gia có diện tích đại dương lớn nhất trong các nước ở Bán đảo Đông Dương. Và chính yếu tố này đã trở thành một yếu tố đặc biệt quan trọng trong tiến trình khai thác, bảo vệ chủ quyền trên biển đảo của cha ông ta. Điều đó càng được lưu ý hơn trong quá trình tiếp xúc, giao lưu kinh tế, văn hoá của thời kỳ hội nhập mở cửa mà Bắc Miền Trung là dải đất có những cửa biển quan trọng như Cửa Bang, Cửa Cơn, Cửa Hội...

* Với các tộc người khác: quan sát trên bảng phân bố các tộc người hiện nay ở miền núi Bắc Trung bộ cho thấy:
- Vùng cư trú bắc Trường Sơn khá ổn định, với sự hiện diện của các nhóm tộc người Môn – Kh’mer và Việt Mường.
- Có sự phân cư theo vùng bắc và nam Trường Sơn của nhóm Môn –Kh’mer mà tộc người Ca Tu là nhóm đóng vai trò bản lề.

- Vùng phía Nam có sự đan xen giữa các nhóm thuộc ngữ hệ Nam Á và Nam Đảo của các nhóm thuộc ngữ tộc Môn – Kh’mer và Malayo-Polinesia.
Trên địa bàn Bắc Trung Bộ mẫu số chung của nhóm các dân tộc này là gì? Và, đâu là sắc thái văn hoá của từng dân tộc? Mối quan hệ nguồn gốc và quan hệ chi phối (do đan xen và giao thoa) với người Việt trong lịch sử và hiện tại như thế nào? Có hay không tình trạng áp đặt hiện tượng văn hoá vốn dĩ phổ biến của nhiều dân tộc cho một dân tộc nào đó và coi đó là bản sắc của họ, mỗi khi vì một lý do nào đó không tìm thấy sự trao truyền và bảo tồn các giá trị văn hoá ấy trong thời kỳ đương đại ở các cộng đồng khác trong khu vực. Cái gốc là cái bản chất để từ đó nói lên sắc thái văn hoá các dân tộc ít người ở khu vực Bắc Trung Bộ song hành với việc nghiên cứu tiến trình lịch sử và quá trình tộc người. Trong văn hoá truyền thống của các tộc người miền núi đặc biệt chú ý tâm thức sau đây :

- Phản ảnh về cội nguồn tộc người:
Hệ thống hoá các câu chuyện về nguồn gốc tộc người các dân tộc có gốc ở Bắc Trung Bộ thấy có 3 chủ đề chính:
- Chủ đề 1: Gồm các chuyện kể phản ánh mối quan hệ huyết thống giữa các tộc người thiểu số với tộc người đa số - Việt (Kinh). Trong hệ thống này, truyền thuyết và nguồn gốc phát sinh các dân tộc xoay quanh câu chuyện về trái bầu. Nội dung đáng lưu ý trong hệ thống chuyện kể này là sự ra đời của người Việt ở đồng bằng và các tộc người ở vùng cao

- Chủ đề 2: Gồm các chuyện kể về dấu ấn, kỷ niệm của một thời xa xưa cư trú trên miền gò đồi và vùng ven biển. Nhiều mẩu chuyện trong hệ thống này có kết cấu xoay quanh trục chủ đề về các đợt di trú lớn của tổ tiên họ từ đồng bằng lên miền núi, từ chân đồi lên rừng sâu, từ hạ lưu lên đầu nguồn bởi những tai hoạ khủng khiếp nào đó (hạn, lũ lụt…).

- Chủ đề 3: Gồm tập hợp các câu chuyện kể phản ánh mối quan hệ kinh tế, văn hoá, hôn nhân, gia đình… giữa các tộc người ở miền xuôi và miền ngược. Hệ thống này là những câu chuyện kể, truyền thuyết có nội dung lý giải quá trình sinh tồn và phát triển các cộng đồng dân tộc ở đây. Trong đó, chuỗi nội dung cốt chuyện đáng lưu ý nhất là [1] quan hệ hôn nhân giữa người và thú, [2] sinh ra con người, một trai một gái; [3] sau đó vì sinh tồn đã phải chia tay nhau, kẻ lên rừng người xuống biển; [4] nhưng cuối cùng họ lại phải lấy nhau để duy trì sự sống, giống nòi. Chủ đề này phản ánh về một mối quan hệ vừa máu mủ, vừa bằng hữu, vừa hôn nhân cũng như sự giao lưu giữa hai miền văn hoá miền núi và miền xuôi.

- Với rừng:
Với các tộc ít người Bắc Trung Bộ, từ xa xưa trong văn hoá ứng xử với môi trường nổi bật là văn hoá với Rừng. Đơn cử trường hợp người Cơ Tu, Tà Ôi ở huyện Nam Đông, A Lưới, tỉnh Thừa Thiên - Huế sống dựa vào rừng, gắn bó mật thiết với rừng không chỉ về mặt vật chất mà còn cả những giá trị tinh thần, tâm linh. Đối với đồng bào, rừng là “một phần bản nguyên của con người”, đó không chỉ là không gian mà còn là thời gian; là sự vĩnh hằng, là cõi vô cùng . “Sống rừng nuôi, chết rừng chôn”, bởi vậy họ sống với rừng bằng tất cả cuộc đời họ có, và bằng sự biết ơn, đoạt lấy rừng bằng rìu và lửa, nhưng không lãng phí cũng chẳng tàn phá, vừa đủ để sinh tồn. Đối với người Cơ Tu, Tà Ôi, rừng tâm linh là kho dự trữ nguồn lương thực dồi dào (rừng đầu nguồn), là nơi họ thể hiện sự thành kính của mình với các đấng thần linh/Yàng, là nơi cấm mọi người nếu không có phận sự thì không được đến (rừng cấm) và còn là nơi họ chôn người chết, trả linh hồn người chết về với rừng (rừng ma)... Chính niềm tin tín ngưỡng, tôn giáo của người Cơ Tu, Tà Ôi đối với rừng tâm linh đã giúp họ bảo tồn và phát triển những khu rừng tâm linh trong quá trình lịch sử tộc người.

Đặc biệt là việc bảo tồn và phát triển những cánh rừng tự nhiên nguyên sinh cuối cùng còn sót lại. Rừng tâm linh - đó cũng chính là quan niệm về vạn vật hữu linh (mọi vật đều có linh hồn) tồn tại sâu đậm và dai dẳng của người Cơ Tu, Tà Ôi trong suốt chiều dài lịch sử tộc người. Quan niệm về vũ trụ, vạn vật hữu linh là nguồn gốc ra đời của rừng thiêng, rừng ma (rừng tâm linh) - loại chấp hành mọi quy định/chế tài được cha ông đúc kết thông qua luật tục. Đó cũng là cơ sở để làng quản lý “rừng cộng đồng” một cách hiệu quả, nhất là rừng tâm linh. Mặt khác, trong các loại đất công, rừng tâm linh là một loại đất công đặc thù, vì nó không những chịu sự sở hữu, quản lý của cộng đồng làng, mà cao hơn thế, là sự sở hữu, quản lý của Yàng. Nó là “không gian xã hội” đặc biệt, là những đám rừng nguyên sinh tự nhiên cuối cùng còn sót lại của làng miền núi, là nơi con người không được vào khai thác tài nguyên, thậm chí không được/không dám bước chân vào khi chưa có sự đồng ý của Yàng

Một cánh rừng tâm linh của người Cơ Tu, Tà Ôi ở Thừa Thiên Huế nói riêng, của các dân tộc thiểu số khác ở Việt Nam nói chung không chỉ có ý nghĩa về mặt kinh tế (ở phương diện khai thác, sử dụng các nguồn tài nguyên); về mặt văn hóa, xã hội (ở khía cạnh duy trì và tạo ra các môi trường diễn xướng mang tính lễ hội, lễ nghi tín ngưỡng, gắn với các phong tục tập quán, các kiêng cữ trong sinh hoạt, sản xuất, ứng xử) mà còn có ý nghĩa về mặt môi trường và quản lý tài nguyên (ở việc giữ gìn hệ sinh thái rừng tự nhiên). “Rừng là cội nguồn của đời sống tâm linh, cội nguồn của văn hóa, tức phần sâu xa nhất trong con người và cộng đồng người, mất rừng thì con người và cộng đồng mất đi cái nền rộng lớn, bền chặt, sâu thẳm nhất của mình, trở nên bơ vơ, “tha hóa”, mất gốc, mất cội nguồn “văn hóa chỉ còn lại cái xác

Nét văn hóa đặc sắc này của các tộc người miền núi, cho đến hôm nay vẫn còn là bài học về cách ứng xử của con người với môi trường tự nhiên.

* Bắc Trung Bộ là một trong những trung tâm văn hóa quan trọng của Việt Nam.
Trên dải đất Bắc miền Trung này, không chỉ có những vùng đất, những địa danh là tài nguyên thiên nhiên ban tặng mà còn có những địa chỉ in đậm tính nhân văn mà lịch sử cha ông đã để lại.
Bãi biển Sầm Sơn thuộc thị xã Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hóa, do người Pháp khai thác từ năm 1906 và đã nhanh chóng trở thành nơi nghỉ mát nổi tiếng của Ðông Dương.
Bãi biển Cửa Lò thuộc thị xã Cửa Lò, tỉnh Nghệ An - là một trong những bãi tắm đẹp của Việt Nam, nằm giữa quần thể du lịch - văn hóa của xứ Nghệ.

Ngã ba Đồng Lộc nằm ở giao điểm của tỉnh lộ số 5 và quốc lộ 15, thuộc địa phận huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh. Trong những năm chiến tranh, ngã ba Ðồng Lộc là cửa ngõ giao thông từ miền Bắc và đường mòn Hồ Chí Minh.
Thiên Cầm nằm ở huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh. Từ đầu thế kỷ 20, người Pháp đã cho xây dựng Thiên Cầm thành một khu nghỉ mát.
Phong Nha - Kẻ Bàng thuộc huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình. Đây là một phần của khu vực núi đá vôi cổ nhất ở châu Á được tạo lập từ hơn 400 triệu năm trước.

Địa đạo Vịnh Mốc thuộc huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị. Địa đạo Vịnh Mốc được đào trong vòng 2 năm. Hệ thống đường hầm có tổng chiều dài gần 2km, chia thành 3 tầng. Địa đạo được thiết kế như một làng dưới mặt đất với 94 căn hộ gia đình, có giếng nước ngọt, hội trường, nhà hộ sinh, phòng phẫu thuật, bếp Hoàng Cầm.

Kinh thành Huế nằm ở bờ bắc sông Hương và thuộc địa phận thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên - Huế.
Trong số những địa danh này có 3 di sản thế giới: Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng (năm 2003, Phong Nha - Kẻ Bàng được UNESCO công nhận là Di sản Thế giới), quần thể di tích cố đô Huế, Nhã nhạc cung đình Huế. Đó là sản phẩm của quá trình tự nhiên và lịch sử mà vùng đất Bắc Trung Bộ đã được ban tặng.

Bắc Trung Bộ là nơi sinh ra nhiều danh nhân văn hóa, chính trị, anh hùng hào kiệt của dân tộc Việt Nam.
Nói như cách nói của một nhà thơ, bỏ qua Bắc Trung Bộ không thể thành Miền Trung, bởi “ Không gian với nửa anh hùng, thế gian bớt mất một vùng thơ văn”. Anh hùng và nghệ sỹ - hai phẩm chất đó của con người Việt Nam như kết tinh lại trên mảnh đất Băc Miền Trung. Từ những anh hùng dân tộc như Bà Triệu, Mai Thúc Loan, Lê Lợi, Phan Bội Châu, Nguyễn Ái Quốc... cho đến những danh nhân, danh tướng như Phan Đình Phùng, Võ Nguyên Giáp..., và có cả những thi nhân làm rạng rỡ một vùng văn hóa như Nguyễn Du, Nguyễn Công Trứ...

Có thể nói, cộng đồng cư dân Bắc Trung Bộ có những nét bản sắc văn hóa riêng, mang tính vùng miền. Trong dòng chảy của thời đại, những giá trị cội nguồn sẽ mãi là mạch sống, đưa đến những giá trị nhân văn cao đẹp, cân bằng mọi sự phát triển.


Thank you các bạn đã quan tâm!
 
Nói về lao động

* Về chất lượng:
Nhằm nâng cao chất lượng của lao động, trong những năm gần đây, các tỉnh thuộc khu vực Bắc Trung Bộ đã mở rộng hơn nữa quy mô đào tạo nghề cho lực lượng lao động. Vì thế, nhìn chung, trình độ học vấn của lực lượng lao động trong toàn vùng đạt tương đương hoặc cao hơn mức trung bình của cả nước, đặc biệt là từ tốt nghiệp cấp trung học cơ sở trở lên. Về đào tạo nghề, năm 2010, tỷ lệ lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên đang làm việc trong nền kinh tế đã được đào tạo của khu vực Bắc Trung Bộ chiếm 12,7% (cả nước có tỷ lệ là 14,6%).

Nếu so với chất lượng ở vùng miền khác như Sông Hồng, Song cửu Long thì ra sao?

 
Nói về lao động

* Về chất lượng:
Nhằm nâng cao chất lượng của lao động, trong những năm gần đây, các tỉnh thuộc khu vực Bắc Trung Bộ đã mở rộng hơn nữa quy mô đào tạo nghề cho lực lượng lao động. Vì thế, nhìn chung, trình độ học vấn của lực lượng lao động trong toàn vùng đạt tương đương hoặc cao hơn mức trung bình của cả nước, đặc biệt là từ tốt nghiệp cấp trung học cơ sở trở lên. Về đào tạo nghề, năm 2010, tỷ lệ lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên đang làm việc trong nền kinh tế đã được đào tạo của khu vực Bắc Trung Bộ chiếm 12,7% (cả nước có tỷ lệ là 14,6%).

Nếu so với chất lượng ở vùng miền khác như Sông Hồng, Song cửu Long thì ra sao?

Nếu so với các khu vực khác như đồng bằng sông Hồng, Đông Nam Bộ thì lực lượng lao động của vùng Bắc Trung Bộ còn thua về trình độ nghề. Tuy nhiên, lao động của khu vực Bắc Trung Bộ có các phẩm chất tốt như siêng năng, cần cù, năng động, có khả năng tiếp thu khoa học kỹ thuật. Việc hình thành các trung tâm đào tạo nghề và nâng cao trình độ cho đội ngũ lao động, thu hút đầu tư phát triển kinh tế - xã hội trong vùng sẽ tạo sức hút lực lượng lao động có tay nghề trở về phục vụ quê hương. Bắc Trung Bộ sẽ hứa hẹn là vùng có tiềm năng phát triển nhờ vào nguồn lực này.

Đây pạn, đọc kỹ đi có so sánh rồi đấy thôi
 
Có thể nói, cộng đồng cư dân Bắc Trung Bộ có những nét bản sắc văn hóa riêng, mang tính vùng miền. Trong dòng chảy của thời đại, những giá trị cội nguồn sẽ mãi là mạch sống, đưa đến những giá trị nhân văn cao đẹp, cân bằng mọi sự phát triển. Đó là nhận định chính xác!
 
Điều ít ai để ý ở khu vực này đó là khí hậu và tác động của khí hậu
Bắc Trung Bộ mang sắc thái chung của khí hậu nhiệt đới gió mùa. Đây là vùng đất có khí hậu khắc nghiệt nhất trong cả nước, hàng năm hứng chịu nhiều thiên tai như bão, lũ lụt, hạn hán, gió phơn Tây Nam (gió Lào)... Gần đây, hiện tượng biến đổi khí hậu đã gia tăng hơn nữa tình trạng bão lũ ở miền Trung mà Bắc Trung Bộ được ví như một cái “rốn” hứng chịu sự “nổi giận” của thiên nhiên. Sự thay đổi mạnh mẽ của thời tiết đã ảnh hưởng sâu sắc tới đời sống kinh tế, xã hội của cộng đồng dân cư trong vùng, và hơn thế nữa cũng có nhiều tác động tới hoạt động quân sự của lực lượng quốc phòng thuộc Quân khu IV. Sự biến đổi khí hậu đã trở thành nguy cơ tiềm ẩn gây ra những xáo trộn trong thiên nhiên, thậm chí làm biến đổi quy luật của tự nhiên. Theo báo cáo mới nhất của Liên Hợp Quốc, nguyên nhân của hiện tượng biến đổi khí hậu 90% do con người gây ra, 10% là do tự nhiên



 
Dân số của khu vực Bắc Trung Bộ nói riêng, khu vực miền Trung nói chung có xu hướng tăng nhanh qua các năm. Theo số liệu của Tổng điều tra dân số và nhà ở quốc gia năm 2009, tổng dân số của khu vực Bắc Trung Bộ vào năm 2009 là trên 10,0 triệu người (chiếm 11,7% dân số cả nước). Nếu nằm trong cả vùng với duyên hải miền Trung (tổng cả hai vùng là 18.835.485 người), dân số ở đây đông xếp thứ hai cả nước, sau vùng đồng bằng sông Hồng (19.577.944 người). Nếu so sánh với vùng có số dân ít nhất là Tây Nguyên, gồm 5 tỉnh với dân số 5.107.437 người thì chúng ta thấy độ chênh lệch dân số là quá lớn.
Các tỉnh trong khu vực Bắc Trung Bộ có quy mô dân số khác nhau. Thanh Hóa là tỉnh có quy mô dân số lớn nhất vùng, năm 2010 đạt hơn 3,4 triệu người, thấp nhất là tỉnh Quảng Trị với con số cùng năm là hơn 600 nghìn người.

Bắc Trung Bộ đang thay đổi về nhiều mặt
 

Chủ đề mới

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top