• Chào mừng Bạn tham gia Diễn Đàn Kiến Thức tổng hợp No.1 VNKienThuc.com - Định hướng VN Kiến Thức
    -
    HÃY TẠO CHỦ ĐỀ KIẾN THỨC HỮU ÍCH VÀ CÙNG NHAU THẢO LUẬN

Địa lí Công nghiệp-Ngành cơ khí

Bút Nghiên

Smod Trùm ^^
ĐỊA LÍ CÔNG NGHIỆP-NGÀNH CƠ KHÍ

1. Vai trò

- Công nghiệp cơ khí có vai trò quan trọng trong hệ thống các ngành công nghiệp. Nó không chỉ là “quả tim” của công nghiệp nặng, mà còn là “máy cái” của nền sản xuất xã hội. Công nghiệp cơ khí cung cấp máy công cụ, máy động lực, thiết bị toàn bộ... cho tất cả các ngành kinh tế và hàng tiêu dùng cho nhu cầu của con người.

- Sự ra đời của công nghiệp cơ khí tạo ra bước nhảy vọt về công cụ lao động góp phần vào việc chuyển từ lao động cơ bắp sang lao động bằng máy móc. Công nghiệp cơ khí góp phần thực hiện nội dung cơ bản của cách mạng khoa học kĩ thuật về công cụ lao động. Nhờ vậy, người lao động được giải phóng khỏi điều kiện nặng nhọc hoặc có tính chất độc hại, làm ảnh hưởng đến sức khoẻ (nhiệt độ cao, có chất độc...), khối lượng sản phẩm sản xuất ra tăng lên nhanh chóng, tiết kiệm chi phí sản xuất. Công nghiệp cơ khí còn có tác dụng thúc đẩy việc thực hiện điện khí hoá, hoá học hoá quá trình sản xuất, phân công lao động trong công nghiệp nói riêng và nền sản xuất xã hội nói chung.

- Công nghiệp cơ khí với hệ thống các máy móc, thiết bị có vai trò tích cực vào quá trình cải tạo và sử dụng tự nhiên, nâng cao mức sống cho con người.

Đây có thể coi là ngành chủ chốt không chỉ về giá trị sản xuất, mà cả về số lượng đông đảo công nhân trong toàn bộ ngành công nghiệp.

- Đối với các nước đang phát triển, trước yêu cầu phải chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá, công nghiệp cơ khí phải đủ sức mạnh để thực hiện các nội dung của cuộc cách mạng công nghiệp, để đổi mới công nghệ cho các ngành kinh tế. Công nghiệp cơ khí góp phần từng bước biến nền sản xuất với kỹ thuật lạc hậu thành nền sản xuất với kỹ thuật tiên tiến, hiện đại, có năng suất lao động cao, góp phần đẩy mạnh tốc độ tăng trưởng kinh tế.

2. Đặc điểm kinh tế- kỹ thuật

- Công nghiệp cơ khí tạo ra hàng loạt sản phẩm rất đa dạng, nhưng lại có đặc điểm chung về quy trình công nghệ. Đó là từ kim loại (và các vật liệu khác) chế tạo ra các bộ phận (chi tiết) riêng, sau đó được lắp ráp lại thành sản phẩm hoàn chỉnh (máy thành phẩm, ô tô, máy bay...).

+ Phân ngành cơ khí thiết bị toàn bộ (sản xuất ra các máy cái: máy tiện, máy phay, máy bào, đột dập…; máy phục vụ cho các ngành giao thông, năng lượng, nông nghiệp…) sử dụng nhiều kim loại, đòi hỏi trình độ kỹ thuật cao, lao động lành nghề, thường tập trung ở các vùng luyện kim tại các nước công nghiệp phát triển.

+ Phân ngành cơ khí máy công cụ (cho giao thông: ô tô, mô tô, ca nô; cho nông nghiệp: máy bơm, xay sát…; cho công nghiệp: máy dệt, may…) có mặt ở hầu hết các nước phát triển và các nước đang phát triển với mức độ khác nhau.

+ Phân ngành cơ khí hàng tiêu dùng (cơ khí dân dụng: máy giặt, tủ lạnh…, máy phát điện và động cơ điện loại nhỏ…) có hai xu hướng phát triển và phân bố: các sản phẩm có chất lượng cao được tập trung ở các nước công nghiệp phát triển, còn sản xuất theo mẫu có sẵn, sửa chữa, lắp ráp tập trung nhiều tại các nước đang phát triển.

+ Phân ngành cơ khí chính xác (thiết bị y tế, quang học, thiết bị nghiên cứu, kỹ thuật điện, chi tiết máy của ngành hàng không, vũ trụ…) chỉ có ở các nước công nghiệp phát triển vì đòi hỏi sự đầu tư lớn về khoa học công nghệ, vốn, lao động kỹ thuật.

- Các xí nghiệp của ngành chế tạo cơ khí có sự liên kết chặt chẽ với nhau và với các xí nghiệp của các ngành công nghiệp khác. Vì thế, ngành này có khả năng phát triển rộng rãi hình thức chuyên môn hoá và hợp tác hoá với xu hướng tập trung thành từng cụm và trung tâm công nghiệp gồm nhiều nhà máy có sự phân công và hợp tác sản xuất các bộ phận, chi tiết, thiết bị.

- Ngoài nhiệm vụ chế tạo, ngành công nghiệp cơ khí còn sửa chữa các máy móc, thiết bị cho tất cả các ngành công nghiệp. Vì thế cùng với xu hướng phân bố tập trung, nó còn có xu hướng phân bố phân tán khắp các vùng để đáp ứng nhu cầu sửa chữa.

3. Tình hình sản xuất và phân bố

Ngành công nghiệp cơ khí trên thế giới chế tạo ra đủ loại sản phẩm phục vụ cho sản xuất và tiêu dùng. Các nước kinh tế phát triển như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Đức, Anh, Pháp, Nga đi đầu trong lĩnh vực này bởi vì nó đã được phát triển và hoàn thiện qua hai cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ nhất và lần thứ hai. Trình độ phát triển và công nghệ ở các quốc gia trên đã đạt tới đỉnh cao gắn với các ngành công nghiệp kỹ thuật điện, máy móc, thiết bị chính xác, công nghiệp hàng không, vũ trụ.

Các sản phẩm của ngành công nghiệp cơ khí rất phong phú và đa dạng. Trong số này, quan trọng nhất là các máy công cụ, các máy đo lường chính xác dùng trong công nghiệp và nghiên cứu khoa học, các máy móc và thiết bị phục vụ cho nhu cầu đời sống con người.

Ởmột số nước phát triển, công nghiệp cơ khí chiếm từ 30 đến 40% giá trị sản xuất công nghiệp như CHLB Đức (40%), Nhật Bản (40%), Hàn Quốc (30%)…

Trên thế giới các vùng và trung tâm công nghiệp cơ khí thường gắn liền với công nghiệp luyện kim, như vùng Đông Bắc Hoa Kỳ với trung tâm Đitơroi và Chicagô, vùng Rua ở CHLB Đức, vùng Đoong- kec và Loren ở Pháp, vùng Uran và vùng Trung tâm ở Liên bang Nga, vùng ven biển phía Đông đảo Hôn su với các trung tâm Tôkiô, Iôcôhama, Nagôia, vùng Đông Bắc Trung Quốc và duyên hải phía Đông với các trung tâm Thiên Tân, Bắc Kinh, Thượng Hải, vùng Tây Bắc ấn Độ với trung tâm Mumbai.

4. Đối với nước ta, công nghiệp cơ khí được coi là ngành then chốt.

Nếu không có ngành này thì không thể nào tiến hành công nghiệp hoá, hiện đại hoá nền kinh tế, không đủ sức mạnh để thực hiện các nội dung của cuộc cách mạng công nghiệp, để đổi mới công nghệ. Về tỉ trọng, nó chiếm 10,6% giá trị sản xuất của toàn ngành công nghiệp. (2003).

Cho đến nay, ngành công nghiệp cơ khí của Việt Nam đã đủ sức chế tạo nhiều loại máy công cụ (loại vừa và nhỏ) và các thiết bị chuyên ngành (thiết bị điện, thiết bị khai khoáng, máy kéo, máy bơm các loại). Bên cạnh đó, cả nước đã có đội ngũ thợ lắp ráp lành nghề, đạt trình độ cao, đủ sức lắp ráp các máy móc, thiết bị kỹ thuật hiện đại (như thiết bị thuỷ điện, nhiệt điện lớn, lắp ráp xe hơi, xe máy, , các thiết bị điện tử vi mạch phức tạp…).

Một số sản phẩm chủ yếu của ngành công nghiệp cơ khí năm 2003 là máy kéo và xe vận chuyển (3.205 cái), máy tuốt lúa có động cơ (13.200 cái), máy công cụ (650 cái), động cơ điezen (55,7 nghìn cái), động cơ điện (74,1 nghìn cái), máy biến thế (17,3 nghìn cái), lắp ráp ô tô (40,9 nghìn cái), lắp ráp xe máy (957,1 nghìn cái), lắp ráp ti vi (gần 2,1 triệu cái)…

Nguồn: ĐHSP Đồng Tháp
 

Chủ đề mới

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top