Lợi thế và tiềm năng
Vùng Đồng Bằng Sông Cửu Long có diện tích tự nhiên khoảng 39.747 km2, chiếm 12% diện tích cả nước, diện tích vùng biển đặc quyền kinh tế rộng khoảng 360.000 km2, chiếm 37% tổng diện tích vùng đặc quyền kinh tế của cả nước và hàng trăm đảo lớn nhỏ thuộc hai ngư trường trọng điểm là đông và tây Nam bộ.
Toàn vùng có khoảng 750 km chiều dài bờ biển ( chiếm khoảng 23% tổng chiều dài bờ biển toàn quốc ) với 22 cửa sông, cửa lạch và hơn 800.000 ha bãi triều ( 70 - 80% là bãi triều cao ). Mùa khô độ mặn nước biển ven bờ cao 20 - 30%, mùa mưa 5 - 20%, thâm nhập mặn theo các sông nhánh vào nội đồng nhiều nơi đến 40 - 60km.
Điều kiện như vậy đã tạo nên những vùng đất ngập nước qui mô lớn với bản chất lầy mặn và đa dạng về kiểu môi trường sinh thái ( mặn, lợ, ngọt ), cũng như các hệ thống canh tác tương đối đồng nhất, đôi khi không phân biệt được bằng địa giới hành chính, như: vùng tứ giác Long Xuyên, Đồng Tháp Mười, bán đảo Cà Mau.... Điều kiện giao thoa mặn, lợ, ngọt cũng đã tạo nên một vùng sinh thái đặc thù, hiếm thấy trên thế giới, rất thuận lợi cho phát triển sản xuất thủy sản hàng hoá tập trung.
Đặc biệt ưu thế vẫn là nuôi nước lợ, mà chủ yếu là nuôi tôm nước lợ và nuôi cá da trơn nước ngọt ( cá tra, basa ). Ngoài ra, còn có tiềm năng môi trường nuôi các loài nhuyễn thể, các loài thủy sản nước lợ khác, các loài thủy sản ưa nước ấm, các loài thủy sản có thể chịu được môi trường phèn đục như các loài cá đen ( cá lóc, cá rô, cá da trơn, lươn… ).
Trên thực tế, nuôi trồng thủy sản ở Đồng Bằng Sông Cửu Long đã trở thành một nghề truyền thống và không ngừng thay đổi. Theo tính toán, tổng diện tích có khả năng nuôi trồng thủy sản ở Đồng Bằng Sông Cửu Long hơn 1.200.000 ha, bằng gần 60% của cả nước. Trong đó, diện tích có khả năng nuôi trồng thủy sản vùng triều khoảng 750.300 ha, chiếm trên 26% tổng diện tích đất tự nhiên của 8 tỉnh ven biển của vùng và chiếm 74% tổng diện tích có khả năng nuôi trồng thủy sản trên vùng triều toàn quốc.
Vùng bán đảo Cà Mau có diện tích tiềm năng cho phát triển nuôi trồng thủy sản mặn lợ rất lớn ( trên 630.000 ha ), Khu vực ven sông Hậu và sông Tiền có diện tích vùng triều ít hơn (trên 123.000 ha). Diện tích có khả năng nuôi thuỷ sản nước ngọt cũng rất phong phú với trên 500.000 ha được xác định là có điều kiện rất thuận lợi và phân bố chủ yếu ở các tỉnh : Tiền Giang, Long An, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang, An Giang, Đồng Tháp, Cần Thơ và Vĩnh Long.
Trữ lượng cá biển ở 2 ngư trường Đông và Tây Nam bộ khoảng 2.582.568 tấn, chiếm 62% của cả nước. Khả năng cho phép khai thác tối đa khoảng trên 1.000.000 tấn, trong đó cá đáy khoảng 700.000 tấn, cá nổi trên 300.000 tấn. Nguồn lợi hải sản phong phú với khả năng khai thác đáng kể so với cả nước: cá 62%, tôm sú và tôm he - 66%, tôm sắt và tôm chì - 61%, mực ống - 69% và mực nang - 76%.
Tính theo đầu người khả năng cá biển có thể khai thác là 61kg/năm, trong khi cả nước chỉ có 21kg/năm. Ngoài ra, vùng biển ven bờ của Đồng Bằng Sông Cửu Long còn có tiềm năng bảo tồn khá cao kéo theo khả năng phát triển một số ngành nghề thủy sản mới để chuyển đổi nghề nghiệp cho ngư dân, như : nuôi thích nghi, câu/đánh cá giải trí gắn với du lịch sinh thái....
Trong bối cảnh của nền kinh tế mở định hướng thị trường, với xu thế ngày càng tăng nhu cầu tiêu thụ sản phẩm thủy sản thì việc đẩy mạnh phát triển thủy sản ở vùng Đồng Bằng Sông Cửu Long và vùng biển ven bờ Đông - Tây Nam bộ là một hướng đi đúng, mang tầm chiến lược. Thủy sản là nguồn sinh kế cực kỳ quan trọng của khoảng 17 triệu dân sống ở 13 tỉnh và thành phố ( chiếm 21% dân số cả nước ) trong vùng này. Kinh tế thuỷ sản không chỉ góp phần tăng trưởng kinh tế vùng, mà còn đóng góp quan trọng cho nền kinh tế quốc dân, cho TP. Hồ Chí Minh và vùng kinh tể trọng điểm phía Nam.
Thành tựu
Thời gian qua, nuôi trồng và khai thác thủy hải sản ở vùng Đồng Bằng Sông Cửu Long được khẳng định là những nghề sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế và xã hội cao, góp phần thay đổi cơ cấu kinh tế ở các vùng ven biển và nông thôn. Nuôi thủy sản hàng hoá xuất khẩu phát triển đã tác động rất mạnh đến việc chuyển dịch cơ cấu sản xuất ở vùng Đồng Bằng Sông Cửu Long. Tổng diện tích chuyển đổi sang nuôi trồng thủy sản ở vùng này khoảng trên 312.000 ha, bằng khoảng 83% diện tích chuyển đổi trong cả nước, trong đó từ đất trồng lúa khoảng 298.000 ha.
Nhìn chung, doanh thu bình quân trên cùng đơn vị canh tác sau chuyển đổi sang nuôi trồng thủy sản tăng gấp 4 - 7 lần, khẳng định ưu thế cạnh tranh của kinh tế thủy sản trong vùng. Điều đáng nói là, mặc dù diện tích nuôi thủy sản ở Đồng Bằng Sông Cửu Long tăng nhanh, nhưng nhờ những tiến bộ trong công tác thủy lợi và canh tác nông nghiệp nên sản lượng lúa ở Đồng Bằng Sông Cửu Long không ngừng gia tăng, an ninh lương thực được giữ vững, sản lượng gạo xuất khẩu những năm qua không giảm.
Năm 2006, sản lượng nuôi trồng thủy sản vùng Đồng Bằng Sông Cửu Long đạt khoảng 1.200.000 tấn, bằng trên 70% sản lượng nuôi trồng thủy sản toàn quốc. Cùng với nuôi trồng thủy sản, hoạt động khai thác thủy sản cũng đạt được kết quả quan trọng, sản lượng khai thác không ngừng tăng. Năm 2006, sản lượng khai thác của vùng Đồng Bằng Sông Cửu Long đạt khoảng 850.000 tấn, bằng khoảng 40% tổng sản lượng khai thác cả nước, trong đó trên 80% khai thác từ biển.
Trong 13 tỉnh Đồng Bằng Sông Cửu Long, có 8 tỉnh tham gia Chương trình vay vốn đóng tàu khai thác hải sản xa bờ ( Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Long An, Cà Mau, Bạc Liêu, Kiên Giang ). Bên cạnh sự hỗ trợ tín dụng của Nhà nước, ngư dân đã tích cực bỏ vốn tự đầu tư, tiếp tục đóng, sửa, cải hoán tàu cá và tổ chức đánh bắt hiệu quả.
Các nhà máy chế biến đã được xây dựng gắn với các vùng nguyên liệu, đa số nhà máy được xây mới và được đầu tư nâng cấp, đổi mới trang thiết bị, sản xuất các mặt hàng đáp ứng yêu cầu chất lượng vệ sinh, an toàn thực phẩm của EU.
Công nghệ mới trong chế biến đã được áp dụng nhằm sản xuất các mặt hàng chất lượng cao theo tiêu chuẩn quốc tế, gắn với việc kiểm soát chất lượng theo HACCP, đảm bảo các tiêu chuẩn an toàn vệ sinh, không có kháng sinh hoặc hóa chất cấm sử dụng.
Trong số các doanh nghiệp đạt tiêu chuẩn EU đã có khoảng 50% doanh nghiệp ở Đồng Bằng Sông Cửu Long. Nhiều doanh nghiệp và doanh nhân trong vùng có những nỗ lực và rất năng động, linh hoạt trong thương mại mở rộng và tăng thị phần trên các thị trường.
Nhờ đó, tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu thủy sản năm 2006 các địa phương trong vùng Đồng Bằng Sông Cửu Long đạt khoảng 2 tỷ USD, bằng 60% giá trị kim ngạch xuất khẩu thủy sản của cả nước. Riêng tỉnh Cà Mau đạt giá trị kim ngạch xuất khẩu thủy sản gần 580 triệu USD.
Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của chế biến xuất khẩu thủy sản, chế biến và tiêu thụ nội địa cũng là thế mạnh của Đồng Bằng Sông Cửu Long. Nơi đây chính là “vựa cá” lớn nhất cung cấp sản phẩm thủy sản cho TP. Hồ Chí Minh, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước.
Bên cạnh các sản phẩm thủy sản tươi sống, các sản phẩm chế biến tiêu thụ nội địa trong vùng đã phát triển mạnh trong những năm qua. Điển hình là nước mắm Phú Quốc đã đăng ký tên gọi xuất xứ và bảo hộ bản quyền, nên đã bước vào sân chơi thương mại quốc tế.
Các sản phẩm cá tra, basa đã bung mạnh trên thị trường nội địa với hơn 60 chủng loại mặt hàng hấp dẫn. Phát triển thị trường thủy sản nội địa là hướng đi đầy hứa hẹn ở Đồng Bằng Sông Cửu Long trong thời gian tới.
Mặc dù đồng bằng sông Cửu Long có rất nhiều tiềm năng và thế mạnh cho phát triển thuỷ sản, song do nhiều hạn chế và khó khăn tiềm năng đó chưa được phát huy tương xứng. Những hạn chế đó có thể thấy rõ từ việc phát triển nuôi trồng, khai thác thuỷ hải sản một cách tự phát quá nóng, thiếu đồng bộ; đầu tư cho phát triển còn thấp, chậm; cơ sở hạ tầng yếu kém.... Vì vậy đòi hỏi phải có một chiến lược phát triển trên cơ sở đảm bảo tính bền vững.
Định hướng phát triển đến năm 2020
Trong bối cảnh vùng, tiếp tục phát triển thủy sản nhanh trên cơ sở đảm bảo tính bền vững trong chính hoạt động sản xuất thủy sản và của toàn vùng Đồng Bằng Sông Cửu Long. Tiếp tục chuyển dịch cơ cấu các ngành nghề sản suất, kinh doanh, gắn sản xuất với chế biến, tiêu thụ sản phẩm thủy sản, với bảo vệ môi trường sinh thái. Bảo đảm cân bằng lợi ích giữa ba mảng phúc lợi: kinh tế, xã hội và sinh thái môi trường trong quá trình phát triển thủy sản. Cụ thể là:
- Phát triển thủy sản vùng Đồng Bằng Sông Cửu Long thành một ngành kinh tế sản xuất hàng hoá lớn; có năng suất, chất lượng và tạo ra các sản phẩm thủy sản có tính cạnh tranh cao thông qua ứng dụng các thành tựu khoa học công nghệ tiên tiến, đặc biệt công nghệ sinh học và công nghệ sau thu hoạch.
Đa dạng hóa cơ cấu sản phẩm thủy sản nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng thủy sản ngày càng tăng trong nước và hướng mạnh vào xuất khẩu. Tiếp tục giữ vững vị trí vùng kinh tế thủy sản trọng điểm quốc gia, khẳng định lợi thế cạnh tranh của kinh tế thủy sản trong vùng Đồng Bằng Sông Cửu Long. Mở rộng và ổn định thị trường hàng hoá thủy sản, duy trì một số thị trường thủy sản truyền thống.
- Phát triển thủy sản vùng Đồng Bằng Sông Cửu Long trên cơ sở đảm bảo an ninh lương thực, an toàn thực phẩm và cuộc sống cho ngư dân trong quá trình sản xuất. Phát huy bản sắc văn hoá ‘làng cá’, tiến tới xây dựng các ‘đô thị nghề cá’ và cải thiện sinh kế của người dân địa phương.
- Ở Đồng Bằng Sông Cửu Long có ba kiểu sinh thái đặc trưng là : vùng đất nhiễm mặn và sinh thái nhiễm mặn, vùng đất phèn và sinh thái đất phèn, vùng ngập lũ theo mùa và sinh thái ngập nước theo mùa. Cho nên, phát triển nuôi trồng thủy sản phải thích nghi với các kiểu sinh thái đặc trưng, bảo tồn rừng ngập mặn và các hệ sinh thái đất ngập nước quan trọng khác trong vùng Đồng Bằng Sông Cửu Long.
Phát triển ổn định một hệ thống thuỷ lợi phục vụ nuôi trồng thủy sản ( thuỷ ngư ) ở vùng Đồng Bằng Sông Cửu Long, trước hết xử lý và tách riêng kênh tiêu thoát nước thải với kênh cấp nước cho các vùng nuôi trồng thủy sản tập trung. Giảm thiểu tác động của các hoạt động sản xuất thủy sản đến nguồn nước ngầm và môi trường xung quanh, đặc biệt ở bán đảo Cà Mau.
Bảo vệ và phục hồi vốn rừng ngập mặn, các khu vực rừng tràm, đồng thời chú trọng phát triển nuôi sinh thái : xen vụ lúa - tôm, con tôm ôm cây lúa… để duy trì độ che phủ cho đất đai. Chú trọng phát triển nghề cá cộng đồng để tận dụng các diện tích nhỏ lẻ, phân tán và sinh thái mùa nước nổi đặc thù ở Đồng Bằng Sông Cửu Long.
- Quy hoạch phát triển nuôi trồng thủy sản theo 3 tuyến ở Đồng Bằng Sông Cửu Long phù hợp với các đối tượng, phương pháp, hệ thống sản xuất và mục đích nuôi trồng khác nhau, như : (1) Tuyến biển sát bờ ( giới hạn từ bờ đến vùng biển có độ sâu 6 - 10 m ): chủ yếu phát triển nuôi bãi triều, các khu tương đối lặng sóng có thể nuôi dàn treo và lồng bè.
Đối tượng nuôi là cá, ngao, nghêu, sò huyết và hàu.... Xây dựng các khu bảo tồn nguồn lợi và các khu bảo tồn bãi giống tự nhiên, như: khu bảo tồn nghêu, các khu bảo tồn rừng ngập mặn.… Kết hợp nuôi trồng thủy sản với bảo vệ cảnh quan để phát triển du lịch sinh thái; (2) Tuyến ven biển ( nuôi thuần nước lợ ), nằm chuyển tiếp phía trong tuyến ven bờ vào sâu đất liền đến đường đẳng mặn 4% ( phù hợp với phân tuyến thuỷ lợi và nông nghiệp ) : nuôi trồng thủy sản nước lợ như tôm, cua, các loài cá, nhuyễn thể và trồng rong câu.
Tùy theo mùa và khả năng ngọt hóa theo thời gian mà kết hợp canh tác một vụ lúa, một vụ nuôi trồng thủy sản nước lợ; (3) Tuyến nội đồng ( nuôi thủy sản nước ngọt ): nuôi chủ yếu các loài thủy sản nước ngọt có giá trị thương phẩm cao ( cá tra, basa ) và các đối tượng nuôi truyền thống phục vụ thị trường tại chỗ.
Có thể phát triển nuôi trồng thủy sản dọc theo triền các sông, các kênh rạch lớn, các khu ruộng trũng, nơi có khả năng cấp và tiêu nước dễ dàng cho các ao nuôi quanh năm hoặc một thời gian dài trong năm. Tuyến này cũng có một số diện tích nước ngọt ít được trao đổi, nhất là vào mùa khô như ở chân rừng tràm. Những nơi này có thể phát triển các loài cá đen thích ứng với loại môi trường và hệ thống ao nuôi ít thay nước như cá lóc, cá rô đồng, lươn, chạch, cá sặc,...
- Sắp xếp lại cơ cấu đội tàu và nghề khai thác hải sản nhằm giảm bớt cường lực khai thác, duy trì sản xuất bền vững. Cấm hẳn những loại nghề khai thác hải sản gần bờ có tính hủy diệt hoặc gây ảnh hưởng đến nguồn lợi hải sản.
Phân chia vùng biển theo tuyến và phân cấp quản lý để nâng cao tinh thần trách nhiệm và ý thức tự chủ của từng cấp quản lý theo tinh thần Nghị định 123-2006/NĐ-CP. Từng bước phục hồi môi trường sống gần bờ của các loài hải sản ở các vùng bãi ngang, vùng cửa sông, ven các đảo và các hệ sinh thái rừng ngập mặn, thảm san hô, thảm cỏ biển,…ưu tiên khai thác hải sản xa bờ nhằm giảm áp lực khai thác vùng biển gần bờ, góp phần bảo đảm an ninh quốc phòng.
- Đẩy mạnh chế biến theo cả hai phương thức: chế biến nội địa ( bột cá, thức ăn, chế phẩm... ) và chế biến xuất khẩu ( các mặt hàng thuỷ sản xuất khẩu ) đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng và ngày càng cao của thị trường thuỷ sản.
Đổi mới công nghệ và đa dạng hoá các mặt hàng chế biến thủy sản, tăng tính cạnh tranh của hàng hoá thủy sản, chủ động tạo ra các sản phẩm mới đối với thị trường thủy sản quốc tế và khu vực. Phát triển sản xuất sạch hơn trong tất cả cơ sở công nghiệp chế biến thủy sản trong vùng Đồng Bằng Sông Cửu Long.
Vài thập kỷ tới, thị trường trong nước và thế giới có xu hướng mở rộng phát triển hàng hoá thủy sản với các đối tượng nuôi có giá trị cao. Đây là một cơ hội cho ngành thủy sản Việt Nam nói chung và vùng Đồng Bằng Sông Cửu Long - một trong số ít vùng có lợi thế đối với nuôi trồng thủy sản - nói riêng phát triển.
Nắm chắc cơ hội, tập trung chỉ đạo, phát huy cao trí tuệ và huy động các nguồn lực để phát triển nuôi trồng thủy sản và khai thác thủy sản ở vùng Đồng Bằng Sông Cửu Long theo các định hướng chiến lược nói trên là một hướng đi đúng nhằm khai thác hiệu quả và bền vững vùng sinh thái đặc thù của đất nước, đáp ứng nguyện vọng của hàng triệu dân lao động vùng này.