ĐI QUA MÙA GIÓ
Gió về.
Gió đánh dấu sự xuất hiện của mình bằng một thoáng lay động xao xác trên mấy tàu đu đủ vàng héo rũ sau một đợt ngâm nước lũ dài dằng dặc từ tháng trước. Gió chiếm lĩnh không gian chiều bàng bạc bằng cái lướt mình băng băng, xô đẩy mấy cụm mây hồng ngã đè lên nhau thành những lớp vảy chồng chất như vảy cá. Gió tràn qua mái ngói đỏ dừ, rải tá lả một lớp bụi nâu nâu cũ xỉn lên cái sân xi măng lổ chổ vết nứt và vết phân gà trắng mốc meo.
Đang ngồi kết lại hột nút sổ chỉ trên áo bé Bo, nghe tiếng gió hờ qua khe cửa, cây kim bé xíu trên tay chị bất giác đi lệch đường đâm vào tay nhói buốt. Một giọt máu đỏ hồng rất nhanh tứa ra trên đầu ngón tay như một hạt đậu tí hon tròn trĩnh. Bo tinh ý trông thấy vội chộp lấy tay mẹ cho vào cái miệng nóng hổi. Chị thấy đôi môi nhỏ chúm chím của con quắp chặt lấy ngón tay mình. Cảm giác cái lưỡi hồng mềm mại, xinh xẻo của con bé ve vuốt trên vết xước lẫn vết chai không biết từ lúc nào gồ lên như một cái gò nổi trên đầu ngón tay chị. Chút nhoi nhói vừa đến bỗng trở nên nhẹ hẫng rồi biến mất, cũng nhanh giống như khi nó xuất hiện .
“Hư! Dơ nè!”- Chị rút nhanh ngón tay ra khỏi miệng con .
”A! Con biết rồi máu có vị mặn mặn!” Con bé reo lên, mắt hấp háy vui như kiểu người vừa phát kiến ra điều gì thật vĩ đại. “ Sao máu lại mặn thế mẹ? Vì mẹ ăn nhiều muối đúng không?”
Chị xoa cái đầu tròn ủm của đứa con gái lên sáu, cười không ra tiếng. Ở cái tuổi này ngày xưa chắc chị luôn vẫn theo chân rầy rà mẹ mình với những câu hỏi vì sao như con bé bây giờ. Không biết mẹ có bực mình lên mà gắt um như chị đôi lúc vẫn làm với bé Bo không nhỉ? Chị không nhớ nữa. Những mảng ký ức tuổi thơ xinh xẻo trong chị lẫn đâu đó trong cái vũng lớn ngổn ngang những điều cần nhớ, cần làm: Qua nhà bác Hai xin rơm về lót ổ cho máy con gà mái. Cạp lại mấy chỗ rách trên tấm sáo che trước sân. Kiếm vải vụn nhét mấy cái lỗ thông gió trên khung cửa. Đan cho bé Bo thêm cái áo len…Bao nhiêu là việc cần làm để mẹ con chị đi qua mùa gió. Cái mùa mà chị luôn ghét nhất trong năm.
Nhà nằm ngay họng gió. Suốt cả thời thơ bé rồi thời thiếu nữ, chị không biết mình đã từng nguyền rủa gió bấy nhiêu lần. Gió làm con diều duy nhất ba làm cho chị đứt dây bay mất, gió tung tập sách chị xuống mương nước sau nhà, gió ghì tay lái để chiếc xe chị đạp mỗi chiều đi học về nặng trịch những vòng quay, xô chị loạng choạng gần sắp ngã. Gió làm xơ xác mái tóc dài, làm xù xì làn da con gái. Gió gợi chị nhớ về một trưa nắng nhạt nhòa, mẹ chị chạy ngược gió theo cái dáng gần mờ khuất của ba nơi cuối con dốc dài dằng dặc. Chị nách đứa em trai còn thò lò mũi dãi đợi mẹ trên đầu dốc, thấy vỡ ra trong cái bóng liêu xiêu trở về của mẹ những sợi gió đeo dính nỗi đau. Mẹ không một lần nhắc về ba từ sau buổi trưa ấy đến cuối cuộc đời mình. Chị cũng không nhắc. Sợ sẽ lại thấy những sợi gió mang vết thương ngỡ cũ nhưng chưa hề khép miệng.
Vết thương đó chẳng bao giờ khép miệng. Chị biết điều đó vào cái ngày mẹ mất. Khi em trai chị ôm di ảnh mẹ, chống cái gậy đầu bịt vải trắng, lạnh lùng đi qua một ông già mắt ướt bàng hoàng run rẩy trên đôi chân vừa trải qua cuộc hành trình dài. Đi sau nó, chị cố giữ cho ánh mắt mình đừng rớt lại. Ngôi nhà chị em chị đã quen rồi chỗ trống của một người cha. Sự trở về muộn màng không cứu vãn được những gì đã bị thổi tung đi trong mùa gió tràn năm cũ. Ông già một mình lóc cóc xuôi dốc. Chị gục đầu xuống gối nghe tiếng đứa em vọng vào ngực mình tưng tức, nghèn nghẹn:
“ Mình không nhận ổng có ác lắm không Hai?”.
Cảm giác lúc đó sao mà y như cái lúc nó bỏ mặc cái xe dừng ngã chỏng chơ ngoài sân, sầm sập tuôn vào nhà như một cơn gió chướng:
“ Hai làm vầy mà coi được hả Hai? Hai không nghĩ cho Hai, cho em thì cũng phải nghĩ cho đứa nhỏ sau này chứ? Hai làm chi rồi đời Hai khổ, nó khổ, em cũng khổ! ”
Người ta nói trẻ con khôn là khôn từ trong bụng mẹ. Ở trong nơi tưởng chừng như đen đặc và khép kín đó, trẻ vẫn nghe, vẫn cảm nhận được hết những gì xảy ra ở thế giới bên ngoài. Không biết có phải vì lúc đó nghe cậu Ba rầy mẹ, biết cậu làm mẹ buồn, mẹ khóc hay không. Mà từ khi rời bụng mẹ cho đến tận ba bốn tuổi, mỗi lần cậu về chơi vừa nhác thấy mặt là Bo ré lên khóc lóc, ấm a ấm ức, dỗ mãi không chịu nín cho. Một đợt cậu làm lì, cứ xáng lại bế bổng lấy, Bo ta biết quẫy đạp không xong liền cắn cho cậu một phát rõ đau vào bắp tay. Tối cậu giơ ra cho mẹ xem dấu mấy cái răng sữa nhỏ xíu vẫn còn hằn đỏ lừ trên da, cười buồn:
“ Chắc hồi xưa em kêu Hai bỏ nó nên giờ nó ghét em, cắn cái nào ra cái đó. Thấy chưa?”.
Nhưng đó là cái thời Bo chưa biết chuyện. Bo nằm trong bụng mẹ thấy mẹ buồn mà giận cậu, chứ đâu hiểu cậu thương mẹ đến nhường nào.
Cậu dạy trên phố, quen cô giáo chung trường. Ngày ra mắt, ba cô giáo nói kháy một câu: “Nghe đâu chị Hai cậu sắp lên chức? Hôm nào dẫn anh rể sang nhậu chơi!”. Cậu tái mặt trong cơn giận. Dứt cái phựt sợi dây tơ hồng vướng víu sắp xe xong. Đau nhưng không nói một lời với mẹ. Trừ cái đêm cậu chân thấp chân cao trở về, người nồng khê mùi rượu. Lúc đó Bo còn đang ngủ trong nôi trên nhà nên không biết. Nếu biết chắc Bo sẽ chẳng còn ghét cậu lâu như thế. Nếu biết chắc Bo cũng sà vào lòng mẹ mà khóc ròng như cậu. Cậu khóc to, tức tưởi và thổn thức. Như đứa trẻ bị người ta buộc phải từ bỏ một món đồ chơi mình yêu thích nhất.
“Người ta khinh em, em chịu. Nhưng người ta khinh Hai, em nhịn không nổi, Hai ơi!”. Và nếu có mặt lúc đó, chắc Bo sẽ nhìn thấy từ bên khóe mắt mẹ thi nhau tuôn ra những giọt nước trong vắt và mặn chát. Mặn hơn cả máu.
Chị cũng không nhớ rõ khi nào bé Bo thôi không khóc khi thoáng thấy cậu Ba của bé. Hình như…(vẫn là cái trí nhớ có quá nhiều việc để nhớ khiến chị cứ lơ mơ, man mán). Hình như đó cũng là một ngày gió. Hình như hôm ấy trường cậu Ba bé nghỉ hè. Cả buổi chiều chị thấy em trai loay hoay trong gian bếp cắt cắt dán dán một thứ gì đó. Sáng đi chợ về nghe tiếng gió reo ngoài bãi trống sau nhà, đang nôn nao tiêng tiếc một cách kỳ lạ về một cánh diều tuổi nhỏ đứt dây bay mất, chị bỗng nghe tiếng bé Bo bi bô vui sướng lẫn trong âm thanh vi vu ngọt ngào trong gió: “ Bay…bay ao quá … ậu ơi!...”
Thò đầu qua cửa sổ, cái cười toét miệng của đứa con gái lên năm đang ngồi vắt vẻo trên vai cậu nó thả diều làm vỡ òa trong chị một niềm vui sướng rộn ràng. Chị nghe mắt mình cay cay, xon xót. Chị cứ đứng lặng người như thế mãi, mặt hồng lên trong nắng. Tóc mai quyện vào gió bay bay…
“Hay là… Hai tìm cho con bé một người ba!”
Em trai chị đã ngập ngừng nói thế vào cái đêm chị giúp nó xếp lại cơi trầu mai mang sang nhà gái. Em cưới vợ. Không phải cô giáo làm nó phải khóc vùi trong lòng chị. Dù chị biết, với nó, người con gái đó cũng là một vết thương sẽ chẳng bao giờ khép miệng. Cô dâu của em không cha, không gia thế, để người ta không nhìn vào ngôi nhà chòng chành của hai chị em bằng một con mắt khác.
Bo có cần một người ba không? Nhiều đêm trong căn phòng huyếch trống hoắc, lạnh vắng hơi người, nằm nghe gió vật đùa nhau ngoài khung cửa, chị đau đáu riêng mình câu hỏi đó. Ôm chặt con hơn trong tay, chị mượn hơi thở thơm mùi sữa cùng cái đầu tóc mềm hăng hắc của con để giằng xuống cảm giác cồn cào, bứt rứt như kim châm trên da thịt. Để rồi, giữa chập chờn mộng mị khi vòng tay ôm con lơi bớt, chị thấy gió mơn man da thịt mình bằng những ngón tay dài mỏng manh tham lam. Thấy gió giật tung cúc áo, xộc vào chị bằng một thứ đê mê đến choáng váng và ngây ngất. Cảm giác đó chị đã từng có trước đây. Dù chỉ có một lần nhưng vĩnh viễn chẳng thể nào quên được.
Rồi chị sẽ nói gì với con khi bé hỏi chị về một người ba? Nói rằng: mẹ uống nước giếng Ngọc Bà có thai rồi sinh ra Bo từ trong nách. Hay nói rằng: mẹ đi rừng nhặt được trứng phượng hoàng về ấp nở ra Bo. Con bé tinh khôn ấy chắc chẳng bao giờ tin đâu, chị biết. Mà dù có tin, thì khi Bo đủ lớn để hiểu rằng một đứa trẻ không thể được tạo nên bởi một mình người mẹ, thì chị sẽ nói gì với con. Nói rằng ba con đã mất từ rất lâu rồi ư…
Không. Làm sao chị có thể nói rằng người ta đã chết. Người ta đâu có tội tình gì. Chính chị mới là người có lỗi. Chính khát khao làm mẹ mãnh liệt trong chị mới khiến người ta chẳng đặng đừng mà neo lại cái bến cuộc đời cô độc của chị một lần.
Người ta đến rồi đi khi mùa gió vừa mới chớm. Để những dư âm hạnh phúc ngọt ngào chị xới lên tràn trụa cả một mùa, loang cả đến những mùa sau. Rồi những mùa sau nữa…- những mùa gió chị đi qua trong chỉ một mình. Chị ơn người ta ban bé Bo cho chị không hết, thế thì đành nào trù người ta chết này chết nọ với con. Biết người ta có hiểu cho lòng chị không mà hôm ẵm Bo xuống trạm xá chích thuốc, người ta nhác thấy hai mẹ con mặt tái không còn hột máu, đâm kim sai để mẹ mấy đứa nhỏ la rần rần. Phải biết hôm đó có ca trực của người ta chị đã chẳng đến, để người ta khỏi bận lòng này nọ.
Chắc người ta không biết mình nào phải là một cơn gió dữ thông thốc đi qua cuộc đời hanh hao của chị. Người ta là một làn gió dìu dịu. Dù thoáng qua thôi cũng để cho chị ngọt mát đến cả đời.
Chắc chị cũng chẳng cần tìm cho Bo một người ba. Biết đâu rồi cũng như mẹ, để vệt buồn kéo lê cái đuôi dài nặng trịch quét đến hết cuộc đời mình, quét sang cả cuộc đời con. Bo khôn lanh như thế, sau này nhất định con sẽ hiểu. Hiểu rằng trên đời này có thứ mặn hơn máu. Đó là nước mắt. Vết thương không khép miệng máu nhỏ ra ngoài, nhưng nước mắt lại chảy vào trong. Cái đau nào mới làm nát nhừ, bục vỡ mảnh hồn người.
Bo đã ngủ. Đôi mi dày rợp ngoan ngoãn chồng khít lên nhau, mấy sợi tóc tơ bay phất phơ theo nhịp võng. Chị cúi xuống hôn lên đôi má núng nính hồng thơm lựng của con. Bị mẹ làm nhột, con bé đang say giấc khẽ chau cái mày nhỏ mỏng mảnh, phụng phịu gì đó trong giấc ngủ rồi lại đều đều nhịp thở. Chị rời con, với tay tắt ngọn đèn trên nóc tủ, bước ra ngoài. Gió đang trằn người trên những ngọn cây cao tít giờ chỉ còn là những vệt mờ ảo trong đêm. Gió trào qua những tấm mành che, rạo rực lồng lên trong tóc chị, sờ soạng, vuốt ve. Chị mím chặt môi, bất chợt buông một tiếng thở dài rồi bước vội vào nhà, khép cửa. Thớ gỗ mỏng run lên bần bật. Bên ngoài, gió vẫn đang đập cửa bằng những bàn tay khao khát, tham lam…
Gió về.
Đang ngồi kết lại hột nút sổ chỉ trên áo bé Bo, nghe tiếng gió hờ qua khe cửa, cây kim bé xíu trên tay chị bất giác đi lệch đường đâm vào tay nhói buốt. Một giọt máu đỏ hồng rất nhanh tứa ra trên đầu ngón tay như một hạt đậu tí hon tròn trĩnh. Bo tinh ý trông thấy vội chộp lấy tay mẹ cho vào cái miệng nóng hổi. Chị thấy đôi môi nhỏ chúm chím của con quắp chặt lấy ngón tay mình. Cảm giác cái lưỡi hồng mềm mại, xinh xẻo của con bé ve vuốt trên vết xước lẫn vết chai không biết từ lúc nào gồ lên như một cái gò nổi trên đầu ngón tay chị. Chút nhoi nhói vừa đến bỗng trở nên nhẹ hẫng rồi biến mất, cũng nhanh giống như khi nó xuất hiện .
“Hư! Dơ nè!”- Chị rút nhanh ngón tay ra khỏi miệng con .
”A! Con biết rồi máu có vị mặn mặn!” Con bé reo lên, mắt hấp háy vui như kiểu người vừa phát kiến ra điều gì thật vĩ đại. “ Sao máu lại mặn thế mẹ? Vì mẹ ăn nhiều muối đúng không?”
Chị xoa cái đầu tròn ủm của đứa con gái lên sáu, cười không ra tiếng. Ở cái tuổi này ngày xưa chắc chị luôn vẫn theo chân rầy rà mẹ mình với những câu hỏi vì sao như con bé bây giờ. Không biết mẹ có bực mình lên mà gắt um như chị đôi lúc vẫn làm với bé Bo không nhỉ? Chị không nhớ nữa. Những mảng ký ức tuổi thơ xinh xẻo trong chị lẫn đâu đó trong cái vũng lớn ngổn ngang những điều cần nhớ, cần làm: Qua nhà bác Hai xin rơm về lót ổ cho máy con gà mái. Cạp lại mấy chỗ rách trên tấm sáo che trước sân. Kiếm vải vụn nhét mấy cái lỗ thông gió trên khung cửa. Đan cho bé Bo thêm cái áo len…Bao nhiêu là việc cần làm để mẹ con chị đi qua mùa gió. Cái mùa mà chị luôn ghét nhất trong năm.
Nhà nằm ngay họng gió. Suốt cả thời thơ bé rồi thời thiếu nữ, chị không biết mình đã từng nguyền rủa gió bấy nhiêu lần. Gió làm con diều duy nhất ba làm cho chị đứt dây bay mất, gió tung tập sách chị xuống mương nước sau nhà, gió ghì tay lái để chiếc xe chị đạp mỗi chiều đi học về nặng trịch những vòng quay, xô chị loạng choạng gần sắp ngã. Gió làm xơ xác mái tóc dài, làm xù xì làn da con gái. Gió gợi chị nhớ về một trưa nắng nhạt nhòa, mẹ chị chạy ngược gió theo cái dáng gần mờ khuất của ba nơi cuối con dốc dài dằng dặc. Chị nách đứa em trai còn thò lò mũi dãi đợi mẹ trên đầu dốc, thấy vỡ ra trong cái bóng liêu xiêu trở về của mẹ những sợi gió đeo dính nỗi đau. Mẹ không một lần nhắc về ba từ sau buổi trưa ấy đến cuối cuộc đời mình. Chị cũng không nhắc. Sợ sẽ lại thấy những sợi gió mang vết thương ngỡ cũ nhưng chưa hề khép miệng.
Vết thương đó chẳng bao giờ khép miệng. Chị biết điều đó vào cái ngày mẹ mất. Khi em trai chị ôm di ảnh mẹ, chống cái gậy đầu bịt vải trắng, lạnh lùng đi qua một ông già mắt ướt bàng hoàng run rẩy trên đôi chân vừa trải qua cuộc hành trình dài. Đi sau nó, chị cố giữ cho ánh mắt mình đừng rớt lại. Ngôi nhà chị em chị đã quen rồi chỗ trống của một người cha. Sự trở về muộn màng không cứu vãn được những gì đã bị thổi tung đi trong mùa gió tràn năm cũ. Ông già một mình lóc cóc xuôi dốc. Chị gục đầu xuống gối nghe tiếng đứa em vọng vào ngực mình tưng tức, nghèn nghẹn:
“ Mình không nhận ổng có ác lắm không Hai?”.
Cảm giác lúc đó sao mà y như cái lúc nó bỏ mặc cái xe dừng ngã chỏng chơ ngoài sân, sầm sập tuôn vào nhà như một cơn gió chướng:
“ Hai làm vầy mà coi được hả Hai? Hai không nghĩ cho Hai, cho em thì cũng phải nghĩ cho đứa nhỏ sau này chứ? Hai làm chi rồi đời Hai khổ, nó khổ, em cũng khổ! ”
Người ta nói trẻ con khôn là khôn từ trong bụng mẹ. Ở trong nơi tưởng chừng như đen đặc và khép kín đó, trẻ vẫn nghe, vẫn cảm nhận được hết những gì xảy ra ở thế giới bên ngoài. Không biết có phải vì lúc đó nghe cậu Ba rầy mẹ, biết cậu làm mẹ buồn, mẹ khóc hay không. Mà từ khi rời bụng mẹ cho đến tận ba bốn tuổi, mỗi lần cậu về chơi vừa nhác thấy mặt là Bo ré lên khóc lóc, ấm a ấm ức, dỗ mãi không chịu nín cho. Một đợt cậu làm lì, cứ xáng lại bế bổng lấy, Bo ta biết quẫy đạp không xong liền cắn cho cậu một phát rõ đau vào bắp tay. Tối cậu giơ ra cho mẹ xem dấu mấy cái răng sữa nhỏ xíu vẫn còn hằn đỏ lừ trên da, cười buồn:
“ Chắc hồi xưa em kêu Hai bỏ nó nên giờ nó ghét em, cắn cái nào ra cái đó. Thấy chưa?”.
Nhưng đó là cái thời Bo chưa biết chuyện. Bo nằm trong bụng mẹ thấy mẹ buồn mà giận cậu, chứ đâu hiểu cậu thương mẹ đến nhường nào.
Cậu dạy trên phố, quen cô giáo chung trường. Ngày ra mắt, ba cô giáo nói kháy một câu: “Nghe đâu chị Hai cậu sắp lên chức? Hôm nào dẫn anh rể sang nhậu chơi!”. Cậu tái mặt trong cơn giận. Dứt cái phựt sợi dây tơ hồng vướng víu sắp xe xong. Đau nhưng không nói một lời với mẹ. Trừ cái đêm cậu chân thấp chân cao trở về, người nồng khê mùi rượu. Lúc đó Bo còn đang ngủ trong nôi trên nhà nên không biết. Nếu biết chắc Bo sẽ chẳng còn ghét cậu lâu như thế. Nếu biết chắc Bo cũng sà vào lòng mẹ mà khóc ròng như cậu. Cậu khóc to, tức tưởi và thổn thức. Như đứa trẻ bị người ta buộc phải từ bỏ một món đồ chơi mình yêu thích nhất.
“Người ta khinh em, em chịu. Nhưng người ta khinh Hai, em nhịn không nổi, Hai ơi!”. Và nếu có mặt lúc đó, chắc Bo sẽ nhìn thấy từ bên khóe mắt mẹ thi nhau tuôn ra những giọt nước trong vắt và mặn chát. Mặn hơn cả máu.
Chị cũng không nhớ rõ khi nào bé Bo thôi không khóc khi thoáng thấy cậu Ba của bé. Hình như…(vẫn là cái trí nhớ có quá nhiều việc để nhớ khiến chị cứ lơ mơ, man mán). Hình như đó cũng là một ngày gió. Hình như hôm ấy trường cậu Ba bé nghỉ hè. Cả buổi chiều chị thấy em trai loay hoay trong gian bếp cắt cắt dán dán một thứ gì đó. Sáng đi chợ về nghe tiếng gió reo ngoài bãi trống sau nhà, đang nôn nao tiêng tiếc một cách kỳ lạ về một cánh diều tuổi nhỏ đứt dây bay mất, chị bỗng nghe tiếng bé Bo bi bô vui sướng lẫn trong âm thanh vi vu ngọt ngào trong gió: “ Bay…bay ao quá … ậu ơi!...”
Thò đầu qua cửa sổ, cái cười toét miệng của đứa con gái lên năm đang ngồi vắt vẻo trên vai cậu nó thả diều làm vỡ òa trong chị một niềm vui sướng rộn ràng. Chị nghe mắt mình cay cay, xon xót. Chị cứ đứng lặng người như thế mãi, mặt hồng lên trong nắng. Tóc mai quyện vào gió bay bay…
“Hay là… Hai tìm cho con bé một người ba!”
Em trai chị đã ngập ngừng nói thế vào cái đêm chị giúp nó xếp lại cơi trầu mai mang sang nhà gái. Em cưới vợ. Không phải cô giáo làm nó phải khóc vùi trong lòng chị. Dù chị biết, với nó, người con gái đó cũng là một vết thương sẽ chẳng bao giờ khép miệng. Cô dâu của em không cha, không gia thế, để người ta không nhìn vào ngôi nhà chòng chành của hai chị em bằng một con mắt khác.
Bo có cần một người ba không? Nhiều đêm trong căn phòng huyếch trống hoắc, lạnh vắng hơi người, nằm nghe gió vật đùa nhau ngoài khung cửa, chị đau đáu riêng mình câu hỏi đó. Ôm chặt con hơn trong tay, chị mượn hơi thở thơm mùi sữa cùng cái đầu tóc mềm hăng hắc của con để giằng xuống cảm giác cồn cào, bứt rứt như kim châm trên da thịt. Để rồi, giữa chập chờn mộng mị khi vòng tay ôm con lơi bớt, chị thấy gió mơn man da thịt mình bằng những ngón tay dài mỏng manh tham lam. Thấy gió giật tung cúc áo, xộc vào chị bằng một thứ đê mê đến choáng váng và ngây ngất. Cảm giác đó chị đã từng có trước đây. Dù chỉ có một lần nhưng vĩnh viễn chẳng thể nào quên được.
Rồi chị sẽ nói gì với con khi bé hỏi chị về một người ba? Nói rằng: mẹ uống nước giếng Ngọc Bà có thai rồi sinh ra Bo từ trong nách. Hay nói rằng: mẹ đi rừng nhặt được trứng phượng hoàng về ấp nở ra Bo. Con bé tinh khôn ấy chắc chẳng bao giờ tin đâu, chị biết. Mà dù có tin, thì khi Bo đủ lớn để hiểu rằng một đứa trẻ không thể được tạo nên bởi một mình người mẹ, thì chị sẽ nói gì với con. Nói rằng ba con đã mất từ rất lâu rồi ư…
Không. Làm sao chị có thể nói rằng người ta đã chết. Người ta đâu có tội tình gì. Chính chị mới là người có lỗi. Chính khát khao làm mẹ mãnh liệt trong chị mới khiến người ta chẳng đặng đừng mà neo lại cái bến cuộc đời cô độc của chị một lần.
Người ta đến rồi đi khi mùa gió vừa mới chớm. Để những dư âm hạnh phúc ngọt ngào chị xới lên tràn trụa cả một mùa, loang cả đến những mùa sau. Rồi những mùa sau nữa…- những mùa gió chị đi qua trong chỉ một mình. Chị ơn người ta ban bé Bo cho chị không hết, thế thì đành nào trù người ta chết này chết nọ với con. Biết người ta có hiểu cho lòng chị không mà hôm ẵm Bo xuống trạm xá chích thuốc, người ta nhác thấy hai mẹ con mặt tái không còn hột máu, đâm kim sai để mẹ mấy đứa nhỏ la rần rần. Phải biết hôm đó có ca trực của người ta chị đã chẳng đến, để người ta khỏi bận lòng này nọ.
Chắc người ta không biết mình nào phải là một cơn gió dữ thông thốc đi qua cuộc đời hanh hao của chị. Người ta là một làn gió dìu dịu. Dù thoáng qua thôi cũng để cho chị ngọt mát đến cả đời.
Chắc chị cũng chẳng cần tìm cho Bo một người ba. Biết đâu rồi cũng như mẹ, để vệt buồn kéo lê cái đuôi dài nặng trịch quét đến hết cuộc đời mình, quét sang cả cuộc đời con. Bo khôn lanh như thế, sau này nhất định con sẽ hiểu. Hiểu rằng trên đời này có thứ mặn hơn máu. Đó là nước mắt. Vết thương không khép miệng máu nhỏ ra ngoài, nhưng nước mắt lại chảy vào trong. Cái đau nào mới làm nát nhừ, bục vỡ mảnh hồn người.
Bo đã ngủ. Đôi mi dày rợp ngoan ngoãn chồng khít lên nhau, mấy sợi tóc tơ bay phất phơ theo nhịp võng. Chị cúi xuống hôn lên đôi má núng nính hồng thơm lựng của con. Bị mẹ làm nhột, con bé đang say giấc khẽ chau cái mày nhỏ mỏng mảnh, phụng phịu gì đó trong giấc ngủ rồi lại đều đều nhịp thở. Chị rời con, với tay tắt ngọn đèn trên nóc tủ, bước ra ngoài. Gió đang trằn người trên những ngọn cây cao tít giờ chỉ còn là những vệt mờ ảo trong đêm. Gió trào qua những tấm mành che, rạo rực lồng lên trong tóc chị, sờ soạng, vuốt ve. Chị mím chặt môi, bất chợt buông một tiếng thở dài rồi bước vội vào nhà, khép cửa. Thớ gỗ mỏng run lên bần bật. Bên ngoài, gió vẫn đang đập cửa bằng những bàn tay khao khát, tham lam…
N.T.K.H