Huyền thoại tennis - thảm họa Titanic
Bước qua bóng tối của thảm họa Titanic, hai huyền thoại của làng banh nỉ đã vượt qua được thời khắc cận kề lưỡi hái tử thần để trở lại với tennis.Trên con tàu Titanic
Hai người Mỹ Karl Howell Behr và Richard Norris Williams II, cũng giống như khoảng 2,200 hành khách trên con tàu xấu số Titanic, đã cố bám trụ trên thân tàu Titanic đắm dần trong nước biển để níu kéo cuộc sống. Và họ chỉ là hai trong số 700 con người còn sống sót sau thảm họa khủng khiếp nhất trong ngành hàng hải thế giới thế kỷ XX.
View attachment 7961
Behr có mặt trên con tàu Titanic, ở cabin C-148, với mục đích theo đuổi tình yêu với Helen Newsom, một người bạn của em gái Behr. Khi đó, ông không phải là một tay vợt chuyên nghiệp và công việc chính là một doanh nhân thành đạt trong lĩnh vực ngân hàng. Khi con tàu lật úp, khi gia đình Helen được đưa xuống thuyền cứu sinh chỉ dành cho “phụ nữ và trẻ em”, Behr vẫn kiên trì bám theo dù sau này mặc cảm tội lỗi vẫn đi theo người đàn ông sinh ở New York tới cuối cuộc đời. Nhưng hẳn đó cũng là bản năng sinh tồn trong mỗi con người, và Behr, người không dám hi sinh thân mình trong thảm họa Titanic, đã chuộc lỗi khi trở thành một trong những thành viên cứu hộ tích cực nhất những người gặp nạn trên con tàu khổng lồ.
Số phận của Williams là một câu chuyện có thể dựng thành phim. Chàng trai Williams cùng người cha Charles Duane có mặt trên con tàu Titanic với giấc mơ phát triển sự nghiệp quần vợt tại Ivy League (giải đấu của 8 trường Đại học hàng đầu Bắc Mỹ).
Khi Titanic chìm dần trong biển nước, Williams và cha đã ở lại trên tàu để phá những chướng ngại vật giúp những hành khách khác. Nhưng khi con tàu gần như không còn nổi trên mặt nước, ông Charles đã không thể thoát khỏi bị chiếc chân vịt khổng lồ của Titanic cán nát khi nhảy xuống nước. Còn Williams may mắn hơn, bám hàng giờ trên chiếc phao cứu sinh đã được cứu sống bởi đội cứu hộ sau đó.
Các bác sỹ đã định cắt bỏ đôi chân bị dầm trong nước lạnh và gần như mất cảm giác của Williams nhưng khát khao cháy bỏng trở thành tay vợt vĩ đại như ước muốn của người cha đã giúp ông hồi sinh. Cả ngày sau đó Williams lê bước trên tàu cứu nạn để tìm lại cảm giác của đôi chân với hy vọng nhỏ nhoi có thể hồi phục.
*Trở lại với tennis
View attachment 7962
Và như số mệnh sắp đặt, nếu không có sức mạnh của tình yêu và ý chí, nước Mỹ có lẽ sẽ không có hai tay vợt vĩ đại Karl Howell Behr và Richard Norris Williams II. Sau thảm họa Titanic, Behr đã cưới ý trung nhân Helen Newsom vào năm 1913 và theo đuổi sự nghiệp tennis. Lọt tới chung kết đôi Wimbledon và US Open giúp Behr vươn lên vị trí số 3 quần vợt nước Mỹ sau đó.
Sự nghiệp của Williams là cả một câu chuyện kỳ lạ.
Chỉ sau “Titanic” hai năm, ông đã là nhà vô địch US Open 1914 và một lần nữa đăng quang tại Grand Slam trên sân nhà hai năm sau đó, đáng nhớ nhất là chiếc HCV Olympic 1924, dù thi đấu với mắt cá bị bong gân. Trở thành thành viên của đội tuyển tennis trường Đại học Havard cũng như là tay vợt số 1 của quần vợt nước Mỹ, đó giống như những gì người cha Charles đã muốn Williams thực hiện trên chuyến đi định mệnh cùng Titanic.
Số phận cũng giúp Karl Behr và Richard Williams có dịp trở thành đồng đội của nhau trong đội tuyển Davis Cup nước Mỹ năm 1914, trước khi họ có vài lần đụng độ trên sân đấu ở những giải cá nhân, đáng nhớ nhất chính là trận tứ kết US Open 1914, khi Williams vượt qua Behr 6-2, 6-2, 7-5 trên đường chinh phục danh hiệu vô địch. Nhưng mỗi lần hội ngộ, đó là lúc cả hai tay vợt cùng sống lại những khoảnh khắc bi thương cùng con tàu Titanic.
Richard Norris Williams II gia nhập Ngôi nhà các huyền thoại (Hall of Fame) vào năm 1957 và Karl Howell Behr vào năm 1969, 20 năm sau khi ông mất.
Kỷ niệm tròn 100 năm thảm họa Titanic (15/4/1912- 15/4/2012), tại trụ sở của Ngôi nhà các huyền thoại ở Newport sẽ khai trương một phòng trưng bày kỷ vật của hai tay vợt sống sót sau “Titanic”. Một bộ phim có tựa đề “Night to Remember” sản xuất năm 1958 sẽ được công chiếu để làm sống lại những hình ảnh của hai nhân vật từng đi qua “cái chết” và sau này trở thành hai tên tuổi lớn của làng banh nỉ.
Ông Doug Stark, Giám đốc Bảo tàng tại Ngôi nhà các huyền thoại cho biết: “Cuộc triển lãm “Tennis & thảm họa Titanic” đặc biệt trong ngày kỷ niệm sẽ giúp chúng ta làm sáng tỏ cuộc sống thú vị của hai người đàn ông từng vượt qua những giây phút tử thần.”
(theo: phong lan)