Huy động vốn từ vựng trong giao tiếp
Trong việc rèn luyện các kỹ năng Tiếng Anh, hầu như ai học ngoại ngữ nào cũng đều thừa nhận rằng kỹ năng nói là một kỹ năng phức tạp và khó luyện tập. Bởi vì có rất nhiều bạn gặp khó khăn khi huy động vốn từ vựng trong giao tiếp. Vậy làm thế nào để khắc phục được vấn đề này?
Sở dĩ bạn gặp khó khăn trong khi lựa chọn cách diễn đạt là do bạn học từ mới một cách bị động. Điều đó có nghĩa là vốn từ vựng của bạn bị “đông cứng” hay nói cách khác chúng không được dùng một cách tích cực. Đa số học viên đều học từ mới theo một cách rất đơn giản. Đó là học thuộc chúng một cách máy móc. Kết quả là sau một thời gian nhất định chúng ta quên dần các từ chúng ta từng dày công học tập.
Một nguyên tắc thông thường trong ghi nhớ đó là chúng ta cần phải tạo ra những dấu mốc để ghi nhớ. Do đó, thay vì kiểm tra từ điển ngay sau khi bắt gặp từ mới nào đó, bạn phải dành chút ít thời gian tập đoán nghĩa của từ ấy thông qua ngữ cảnh của câu trước. Sau đó bạn hãy kiểm tra phán đoán của mình bằng cách tra từ điển.
Tuy nhiên bạn cũng cần lưu ý cách tra từ điển sao cho thật hiệu quả. Đó là bạn hãy viết từ mới ấy ra một tờ giấy hay một cuốn sổ nhỏ trong đó bao gồm các từ cùng họ với từ mới ấy cũng như cách phát âm của chúng. Sau đó bạn hãy phát âm to từ đó và tập đặt câu với chúng. Bạn có thể sử dụng ngữ cảnh sẵn có của câu hoặc các nét nghĩa khác của từ mới đó để vận dụng vào đặt câu. Chính sự chuẩn bị cần thiết này là yếu tố giúp vốn từ vựng của chúng ta trở nên chủ động và dễ huy động hơn.
Một cách học từ mới khá hiệu quả khác đó là học theo mô hình cây gia đình. Chẳng hạn bạn cần học từ “grandfather” thì thay vì học một từ mới riêng lẻ này bạn hãy liệt kê các thành viên khác của gia đình như các từ mới chỉ “cô, dì, chú, bác…” Cách học này thực sự giúp bạn huy động nhiều từ cùng một lúc và do đó vốn từ vựng của bạn ngày càng được cải thiện và trở nên động hơn.
Một cách học từ mới khác cũng không kém phần hiệu quả. Đó là học từ mới thông qua các từ đồng nghĩa hay trái nghĩa với chúng. Cách trau dồi mớI kiểu này sẽ giúp bạn phát triển tư duy lô gíc và do đó bạn sẽ nhớ từ mới lâu hơn.
Ngoài ra trong quá trình học từ mới bạn nên thực hiện quá trình kiểm tra chéo tức là tìm từ Tiếng Việt tương đương cho một từ Tiếng Anh hoặc ngược lại. Hoạt động này giúp bạn đẩy nhanh quá trình lựa chọn từ trong khi giao tiếp.
Những phương pháp trên chỉ là gợi ý nhỏ cho bạn có cách huy động vốn từ vựng hiệu quả nhất.
Bạn hãy lựa chọn cách học nào phù hợp nhất bạn nhé.
Sưu tầm