Nghẹn ngào cảnh trường ngày nước rút…
Chạy vội đến trường và nghẹn ngào trước cảnh trường học ngập ngụa trong bùn lầy. “Nhà em bị trôi hết rồi, em đến trường hy vọng tìm lại được sách vở. Không lấy chi mà học”, em Hán Thị Thu (lớp 4A) trường Hương Lộc (Hương Khê) tay chân lấm lem bùn đất, nói.
Em Hán Thị Thu tìm lại những điểm 10
Trường học đổ nát
Khi nước bắt đầu rút, cô Thái Thị Thanh Xuân, Hiệu trưởng trường tiểu học Hương Lộc, xã Lộc Yên không cầm nổi nước mắt khi chứng kiến toàn bộ dụng cụ dạy - học đã ngập ngụa trong bùn lầy. Hàng rào đổ nát, bàn ghế bị trôi gần hết và tài liệu của nhà trường cùng chung số phận.
Trường Tiểu học Hương Lộc sau lũ
Học sinh của nhà trường bới bùn tìm sách vở, dụng cụ học tập
Đối diện với trường tiểu học là trường Mầm non Lộc Yên. Trận lũ trước đã “cướp” đi nhiều cơ sở vật chất của trường. Trận lũ này lớn hơn, bùn bủa vây dày cộp, đồ chơi học sinh tan theo lũ, các căn phòng toàn rác với rác là cảnh tượng mà ai chứng kiến cũng mủi lòng đau xót. Cô giáo Võ Thị Thuận, Hiệu trưởng nhà trường ngậm ngùi: “Sáng nay có nhiều cháu đòi mẹ đưa đến trường để vui chơi nhưng trường tan nát thế này làm sao học được. Rõ tội các cháu”.
Sân trường Mần non Lộc Yên may mắn còn sót lại con ngựa sắt cho trẻ vui chơi nhưng đã gãy gục hoàn toàn
Sách vở, tài liệu chìm trong bùn lầy
Chiều ngày 23/10, trực tiếp thị sát tình hình thiệt hại do trận lũ lịch sử gây ra ở huyện Hương Khê, ông Trần Minh Kỳ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh đã chia sẻ với những mất mát của người dân, động viên nhân dân gắng sức vượt qua thiên tai và tỉnh sẽ kiến quyết chỉ đạo các cấp, các ngành sẽ cùng vào cuộc chung sức với nhân dân để sớm khắc phục hậu quả của trận lũ, ổn định đời sống, sản xuất cho nhân dân và đảm bảo tiếp sức cho học sinh đến trường sớm nhất.
Cơ sở hạ tầng cũng tiêu tan
Dân nghèo trắng tay
Cảnh trường học ngày nước rút đã hoang tàn, nghẹn lòng thì cảnh sống của người dân sau lũ, đặc biệt là cảnh ở hai xóm Hưng Bình và Trung Thượng của xã Lộc Yên ở thượng nguồn sông Ngàn Sâu cũng khiến người có mặt không khỏi nghĩ suy. Người ta nói đây là nơi gối đầu hứng lũ. Hai làng nằm ở khúc ngoặt tả ngạn của dòng sông, khi nước lũ dâng lên ào ào đổ về như thác, đâm thẳng dòng chảy hung dữ vào xóm, khiến tất cả đều bị cuốn phăng tan nát.
Những bụi tre cao vút cũng phủ đặc quánh một màu vàng nâu của bùn non và rác rến, như muốn đánh dấu một mức nước lụt “kỉ lục”. Những rặng tre ngà hàng trăm năm tuổi, những gốc mít cổ thụ già nua, những cây bạch đàn trăm tuổi… đều bật gốc. Để đi vào được nhà của những hộ dân trong xóm, chúng tôi phải vượt qua những đống rác rêu bị lũ cuốn về chắn lối, bốc mùi hôi thối của bùn và xác động vật chết.
Xóm làng tan hoang
Tại xóm Trung Thượng, hộ bà Nguyễn Thị Hoát bị cuốn trôi mất nhà bếp. Căn nhà chính cũng chỉ còn lại bộ “sườn” xiêu vẹo. “Mất trắng hết còn chi nữa mô” - bà Khoát xót xa.
Những gì bà Khoát còn lại sau lũ
Bà Khoát kiệt sức, ông Khoát hoảng loạn sau khi cơn lũ đi qua
Rời xóm Trung Thượng, chúng tôi đến với xóm Hưng Bình. Cả đoạn kè bờ sông dài chừng 3km bảo vệ hai xóm đã bị lũ băm nát; đá sỏi chảy tràn vào ruộng vườn của dân.
Kè sông bị lũ xói tan tành
Rác thay của cải.
Nhà dân bị cuốn trôi tan nát còn mắc lại dưới những rặng tre
Theo Dân trí