• Chào mừng Bạn tham gia Diễn Đàn Kiến Thức tổng hợp No.1 VNKienThuc.com - Định hướng VN Kiến Thức
    -
    HÃY TẠO CHỦ ĐỀ KIẾN THỨC HỮU ÍCH VÀ CÙNG NHAU THẢO LUẬN

Hướng Dẫn Ôn Thi Tốt Nghiệp THPT Phần 3: Địa Lý Các Ngành Kinh Tế

ngan trang

New member
Hướng Dẫn Ôn Thi Tốt Nghiệp THPT Phần 3: Địa Lý Các Ngành Kinh Tế


I - Chuyển dịch cơ cấu ngành kinh tế :


Yêu cầu của phần này là sau khi học các bạn cần phân tích được sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế: theo ngành, theo thành phần kinh tế và lãnh thổ; trình bày được ý nghĩa của chuyển dịch cơ cấu kinh tế đối với sự phát triển kinh té nước ta. Về phần kỹ năng cần phải vẽ và phân tích biểu đồ, bảng số liệu liên quan đến sự chuyển dịch.



1. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa:


a. Chuyển dịch cơ cấu ngành:
- Tăng tỷ trọng khu vực II, giảm tỷ trong khu vực I. Khu vực III chiếm tỷ trọng cao nhưng chưa ổn định. Năm 2005, lần lượt các khu vực I, II, III có tỷ trọng là: 21,0%; 41,0%; 38,0%.
- Xu hướng chuyển dịch là tích cực, nhưng vẫn còn chậm, chưa đáp ứng yêu cầu giai đoạn mới.
- Trong từng ngành có sự chuyển dịch riêng.+ Khu vực I: giảm tỷ trọng ngành nông nghiệp, tăng tỷ trọng ngành thuỷ sản. Trong nông nghiệp, tỷ trọng ngành trồng trọt giảm, ngành chăn nuôi tăng.
+ Khu vực II: công nghiệp chế biến có tỷ trọng tăng, công nghiệp khai thác có tỷ trọng giảm. Đa dạng hóa các sản phẩm đáp ứng yêu cầu thị trường, nhất là các sản phẩm cao cấp, có chất lượng và có sức cạnh tranh.
+ Khu vực III: tăng nhanh các lĩnh vực liên quan đến kết cấu hạ tầng, phát triển đô thị và các dịch vụ mới.
- Nguyên nhân:+ Phát huy thế mạnh của đất nước.
+ Do thực hiện quá trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước.

b. Chuyển dịch cơ cấu thành phần kinh tế

- Khu vực kinh tế Nhà nước giảm tỷ trọng nhưng vẫn giữ vai trò chủ đạo
- Tỷ trọng của kinh tế tư nhân ngày càng tăng.
- Thành phấn kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài tăng nhanh, đặc biệt từ khi nước ta gia nhập WTO.
- Nguyên nhân:+ Nước ta phát triển nền kinh tế hàng hóa vận hành theo cơ chế thị trường có sự quản lý của nhà nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa.
+ Nước ta đang gia nhập vào nền kinh tế thế giới

c. Chuyển dịch theo cơ cấu lãnh thổ kinh tế

- Hình thành các vùng động lực phát triển kinh tế, vùng chuyên canh và các khu công nghiệp tập trung, khu chế xuất có quy mô lớn.
- Việc phát huy thế mạnh của từng vùng đã dẫn tới sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế và phân hóa sản xuất giữa các vùng.
- Cả nước đã hình thành 3 vùng kinh tế trọng điểm:+ Vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc
+ Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung
+ Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam

2 Ý nghĩa, nguyên nhân và hạn chế:

* Ý nghĩa :
Có tầm quan trọng trong các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội : tạo tiền đề đẩy mạnh xuất khẩu, giải quyết việc làm, xoá đói giảm nghèo…
* Nguyên nhân : Thực hiện công cuộc đổi mới đất nước theo xu hướng công nghiệp hóa - hiện đại hóa, mở rộng thị trường theo xu hướng toàn cầu hoá.
* Hạn chế : Nền kinh tế phát triển chủ yếu theo chiều rộng, chưa đảm bảo sự phát triển bền vững, hiệu quả kinh tế mang lại còn thấp, sức cạnh tranh kinh tế còn yếu.
 
II - Một số vấn đề phát triển và phân bố nông nghiệp:

II.1. Phát triển nền nông nghiệp nhiệt đới:

Ở phần này cần chứng minh và giải thích được các đặc điểm chính của nền nông nghiệp nước ta. Yêu cầu kỹ năng: sử dụng bản đồ hoặc Atlat Việt Nam để nhận xét sự phân bố nông nghiệp. Vẽ và phân tích biểu đồ, số liệu thống kê về sự thay đổi trong sản xuất nông nghiệp



1. Nền nông nghiệp nhiệt đới:


a. Điều kiện tự nhiên và tài nguyên thiên nhiên cho phép nước ta phát triển một nền nông nghiệp nhiệt đới
* Thuận lợi:
- Khí hậu nhiệt đới ẩm gió mùa, sự phân hoá rõ rệt (Bắc - Nam, độ cao) có ảnh hưởng rất căn bản đến cơ cấu mùa vụ và cơ cấu sản phẩm nông nghiệp.
- Địa hình và đất trồng cho phép áp dụng các hệ thống canh tác khác nhau giữa các vùng. Đồng bằng thế mạnh là cây hàng năm, nuôi trồng thuỷ sản; miền núi thế mạnh cây lâu năm, chăn nuôi gia súc lớn.
* Khó khăn: Tính chất nhiệt đới gió mùa của thiên nhiên nước ta làm cho việc phòng chống thiên tai, sâu bệnh hại cây trồng, dịch bệnh đối với vật nuôi luôn luôn là nhiệm vụ quan trọng.

b. Nước ta đang khai thác ngày càng có hiệu quả đặc điểm của nền nông nghiệp nhiệt đới.
- Các tập đoàn cây trồng và vật nuôi được phân bố phù hợp hơn với các vùng sinh thái
- Cơ cấu mùa vụ, giống có nhiều thay đổi.
- Tính mùa vụ được khai thác tốt hơn.
- Đẩy mạnh xuất khẩu các sản phẩm của nền nông nghiệp nhiệt đới

2. Phát triển nền nông nghiệp hiện đại sản xuất hàng hóa góp phần nâng cao hiệu quả của nông nghiệp nhiệt đới:

- Nền nông nghiệp nước ta hiện nay tồn tại song song nền nông nghiệp cổ truyền và nền nông nghiệp hàng hóa.
- Nền nông nghiệp nước ta phát triển theo hướng sản xuất hàng hoá.
Nền nông nghiệp cổ truyền - Sản xuất nhỏ, công cụ thủ công, sử dụng nhiều sức người, năng suất lao động thấp.
- Nền nông nghiệp tiểu nông mang tính chất tự cấp, tự túc.
- Còn phổ biến ở nhiều vùng lãnh thổ nước ta.
Nền nông nghiệp hiện đại - Mục đích sản xuất quan trọng là tạo nhiều lợi nhuận.
- Sản xuất theo hướng nông nghiệp hàng hóa, đẩy mạnh sản xuất thâm canh, chuyên môn hóa, sử dụng ngày càng nhiều máy móc, vật tư nông nghiệp, công nghệ mới, nông nghiệp gắn liền với công ngjhiệp chế biến và dịch vụ nông nghiệp.
- Ngày càng phát triển, đặc biệt ở những vùng có điều kiện thuận lợi như ở các vùng có truyền thống sản xuất hàng hóa, các vùng gần trục giao thông, các thành phố lớn.

II.2. Chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp :

Ở phần này cần hiểu và trình bàyđược cơ cấu của ngành nông nghiệp; chứng minh được xu hướng chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp. Về yêu cầu kỹ năng sử dụng Atlat địa lý Việt Nam để trình bày được cơ cấu nông nghiệp phân bố cây trồng vật nuôi chủ yếu.


1. Trình bày cơ cấu của ngành nông nghiệp:

1.1 Trồng trọt : chiếm 75% giá trị sản lượng nông nghiệp (2005).
Cơ cấu : Đa dạng nhiều loại cây trong đó có cây lương thực chiêm tỉ trọng cao nhất.
Đang có xu hướng chuyển dịch tích cực: tăng tỉ lệ cây công nhiệp, rau đậu và giảm cây lương thực, cây ăn quả và các loại cây khác.

a. Sản xuất lương thực: chiếm 59,2% giá trị sản xuất ngành trồng trọt (2005).
- Tình hình sản xuất lương thực:+ Diện tích gieo trồng lúa tăng mạnh: 5,6 triệu ha (1980) lên 7,3 triệu ha (2005).
+ Cơ cấu mùa vụ có nhiều thay đổi
+ Năng suất tăng mạnh => đạt 4,9 tấn/ha(2005) => nhờ áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật.
+ Sản lượng lương thực quy thóc tăng nhanh: 11,6 triệu tấn (1980) lên 36 triệu tấn (2005). Bình quân lương thực đạt trên 470 kg/người/năm. => Việt Nam xuất khẩu gạo thứ 2 thế giới.
+ Diện tích và sản lượng hoa màu cũng tăng nhanh.
- Phân bố: đồng bằng Sông Cửu Long là vùng sản xuất lương thực lớn nhất nước, chiếm trên 50% diện tích, 50% sản lượng lúa cả nước. Đồng bằng Sông Hồng là vùng sản xuất lúa lớn thứ hai và là vùng có năng suất lúa cao nhất cả nước.

b. Sản xuất cây thực phẩm
Rau đậu trồng tập trung ven các thành phố lớn(Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh, Hải Phòng…). Diện tích rau cả nước là trên 500.000 ha, nhiều nhất ở Đồng bằng Sông Hồng, đồng bằng Sông Cửu Long. Diện tích đậu các loại trên 200.000 ha, nhiều nhất ở Đông Nam Bộ và Tây Nguyên.

c. Sản xuất cây công nghiệp và cây ăn quả:
* Cây công nghiệp: chiếm 23,7% giá trị sản xuất ngành trồng trọt (2005) và có xu hướng tăng.
-Tình hình phát triển:+ Nước ta chủ yếu trồng cây công nghiệp có nguồn gốc nhiệt đới, ngoài ra còn có một số cây có nguồn gốc cận nhiệt.
+ Tổng diện tích gieo trồng năm 2005 khoảng 2500 ha, trong đó cây lâu năm là hơn 11.600 ha (65%)
- Các cây công nghiệp hàng năm chủ yếu:+ Cà phê: chủ yếu ở Tây Nguyên, ngoài ra ở Đông Nam Bộ, Bắc Trung Bộ cà phê chè mới được trồng nhiều ở Tây Bắc.
+ Cao su: chủ yếu ở Đông Nam Bộ, ngoài ra ở Tây Nguyên, một số tỉnh ở duyên hải Nam Trung bộ
+ Hồ tiêu: Chủ yếu Tây Nguyên, Đông Nam Bộ và duyên hải miền Trung
+ Điều: Đông Nam Bộ
+ Dừa: đồng bằng Sông Cửu Long
+ Chè: Trung Du và miền núi Bắc Bộ, Tây Nguyên
- Các cây công nghiệp hàng năm:
+ Mía: các vùng chuyên canh được phát triển ở đồng bằng Sông Cửu Long, Đông Nam Bộ và duyên hải miền Trung.
+ Lạc: Trồng nhiều ở các đồng bằng Thanh - Nghệ - Tĩnh, trên đất xám bạc màu ở Đông Nam Bộ và ở Đăk Lăk
+ Đậu tương: Được trồng nhiều ở Trung Du và miền núi Bắc bộ, gần đây được phát triển mạnh ở Đăk Lăk, Hà Tây và Đồng Tháp.
+ Đay: đồng bằng Sông Hồng
+ Cói: ven biển các tỉnh Ninh Bình, Thanh Hóa.
- Cây ăn quả: chuối, cam, xoài, nhãn, vải…Vùng trồng cây ăn quả lớn nhất là đồng bằng Sông Cửu Long, Đông Nam Bộ.

1.2.Ngành chăn nuôi: chiếm 24,7% giá trị sản lượng nông nghiệp
- Tỷ trọng ngành chăn nuôi còn nhỏ (so với trồng trọt) nhưng đang có xu hướng tăng.
- Xu hướng phát triển của ngành chăn nuôi hiện nay:+ Ngành chăn nuôi tiến mạnh lên sản xuất hàng hoá
+ Chăn nuôi trang trại theo hình thức công nghiệp
+ Các sản phẩm không qua giết mổ (trứng, sữa) chiếm tỷ trọng ngày càng cao.
- Điều kiện phát triển ngành chăn nuôi nước ta:+ Thuận lợi (cơ sở thức ăn được đảm bảo tốt hơn, dịch vụ giống, thú y có nhiều tiến bộ...)
+ Khó khăn (giống gia súc, gia cầm năng suất thấp, dịch bệnh...)
a. Chăn nuôi lợn và gia cầm
- Đàn lợn hơn 27 triệu con (2005), cung cấp hơn ¾ sản lượng thịt các loại.
- Gia cầm với tổng đàn trên 250 triệu con (2003).
Chăn nuôi lợn và gia cầm tập trung nhiều nhất ở đồng bằng Sông Hồng, đồng bằng Sông Cửu Long.

b. Chăn nuôi gia súc ăn cỏ
- Đàn trâu: 2,9 triệu con=> nuôi nhiều ở Trung Du miền núi phía Bắc, Bắc Trung Bộ
- Đàn bò: 5,5 triệu con=> Bắc Trung Bộ, Nam Trung Bộ, Tây Nguyên. Chăn nuôi bò sữa phát triển mạnh ở Tp. Hồ Chí Minh, Hà Nội…
- Dê, cừu: 1,3 triệu con.
 
III - Vấn đề phát triển thuỷ sản và lâm nghiệp:

Ở phần này yêu cầu các bạn cần hiểu, trình bày được điều kiện, tình hình phát triển, phân bố ngành thuỷ sản và một số phương hướng phát triển ngành thuỷ sản nước ta; hiểu và trình bày được vai trò, tình hình phát triển và phân bố lâm nghiệp, một số vấn đề phát triển lâm nghiệp. Về kỹ năng yêu cầu các bạn phân tích biểu đồ nông – lâm – ngư nghiệp, dùng Atlat địa lý Việt Nam xác định các khu vực sản xuất, khai thác lớn; vẽ và phân tích biểu đồ,số liệu thống kê về lâm, ngư nghiệp.

1.Trình bày được điều kiện, tình hình phát triển, phân bố ngành thuỷ sản và một số phương hướng phát triển ngành thuỷ sản nước ta.

1.1. Những điều kiện thuận lợi và khó khăn để phát triển thủy sản.

a. Thuận lợi:
- Nước ta có đường bờ biển dài 3260km và vùng đặc quyền kinh tế rộng lớn khoảng 1 triệu km[SUP]2[/SUP].
- Có 4 ngư trường lớn: Cà mau – Kiên Giang, Ninh Thuận - Bình Thuận - Bà Rịa Vũng Tàu, Hải Phòng - Quảng Ninh, quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
- Nguồn lợi hải sản rất phong phú: Tổng trữ lượng hải sản khoảng 3,9 – 4,0 triệu tấn, cho phép khai thác hàng năm 1,9 triệu tấn, có hơn 2000 loài cá, 1674 loài giáp xác, 70 loài tôm, có hơn 2500 loài nhuyễn thể, 600 loài rong biển… Ngoài ra còn nhiều loài đặc sản khác.
- Dọc bờ biển có nhiều vũng, vịnh, đầm phá, các cánh rừng ngập mặn có khả năng nuôi trồng hải sản.
- Nước ta có nhiều sông, suối, kênh rạch… có thể nuôi thả cá, tôm nước ngọt, trong đó 45% thuộc Cà Mau, Bạc Liêu.
- Nhà nước có nhiều chính sách khuyến khích phát triển, nhân dân có kinh nghiệm nuôi trồng và đánh bắt. Các phương tiện đánh bắt được trang bị tốt hơn; các dịch vụ thuỷ sản và công nghiệp chế biến cũng phát triển mạnh.
- Thị trường tiêu thụ được mở rộng trong và ngoài nước.

b. Khó khăn:
- Thiên tai: bão, gió mùa đông bắc thường xuyên xảy ra.
- Tàu thuyền và phương tiện đánh bắt còn chậm đổi mới, năng suất lao động còn thấp, việc chế biến và chất lượng sản phẩm còn nhiều hạn chế.
- Môi trường bị suy thoái và nguồn lợi thuỷ sản bị suy giảm.
- Việc chế biến thủy sản, nâng cao chất lượng thương phẩm cũng còn nhiều hạn chế.

1.2. Sự phát triển và phân bố ngành thủy sản: Trong những năm gần đây có những bước phát triển đột phá: sản lượng thủy sản năm 2005 là hơn 3,4 triệu tấn, sản lượng bình quân đạt 42 kg/người/năm.
*Khai thác thủy sản:
- Sản lượng khai thác liên tục tăng, đạt 1,79 triệu tấn (2005), trong đó cá biển 1,36 triệu tấn, sản luâọng khai thác nội địa 220 – 240 nghìn tấn.
- Các tỉnh giáp biển đều đẩy mạnh đánh bắt hải sản, nhất là các tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ và Nam Bộ. Dẫn đầu về sản lượng đánh bắt: Kiên Giang, Bà Rịa-Vũng Tàu, Bình Định, Bình Thuận, Cà Mau.
*Nuôi trồng thủy sản: chiếm tỷ trọng ngày càng cao trong cơ cấu sản xuất và giá trị sản lượng thủy sản.
- Tiềm năng nuôi trồng thủy sản còn nhiều, diện tích mặt nước để nuôi trồng thuỷ sản là gần 1 triệu ha, trong đó đồng bằng Sông Cửu Long chiếm hơn 70%.
- Nghề nuôi tôm phát triển mạnh với hình thức bán thâm canh và thâm canh công nghiệp => tập trung ở đồng bằng Sông Cửu Long. Tính đến 2005 sản lượng tôm nuôi đạt327 194 tấn, riêng đồng bằng Sông Cửu Long là 265 761 tấn (chiếm 81,2%).
- Nghề nuôi cá nước ngọt cũng phát triển, đặc biệt ở đồng bằng Sông Cửu Long và đồng bằng Sông Hồng, nhất là ở An Giang nổi tiếng về nuôi cá tra, cá basa. Tính đến 2005 sản lượng đạt 971 179 tấn, riêng đồng bằng Sông Cửu Long đạt 652 262 tấn (chiếm 67,1%).

2. Trình bày được vai trò, tình hình phát triển và phân bố lâm nghiệp, 1 số vấn đề phát triển lâm nghiệp

a. Ngành lâm nghiệp có vai trò quan trọng về mặt kinh tế và sinh thái.
- Kinh tế:+ Tạo việc làm cho đông bào dân tộc ít người
+ Bảo vệ các hồ thủy điện, thủy lợi
+ Tạo nguồn nguyên liệu cho một số ngành công nghiệp.
+ Bảo vệ an toàn cho nhân dân cả ở trong vùng núi, trung du và vùng hạ du.
- Sinh thái:+ Chống xói mòn đất
+ Bảo vệ các loài động vật, thực vật quí hiếm
+ Điều hòa dòng chảy sông ngòi, chống lũ lụt và khô hạn
+ Đảm bảo cân bằng sinh thái và cân bằng nước.
b. Tài nguyên rừng nước ta vốn giàu có nhưng đã bị suy thoái nhiều:
- Tổng diện tích rừng năm 1943 là 14,3 triệu ha, độ che phủ là 40%, đến năm 1983 diện tích còn 7,2 triệu ha, độ che phủ 22,0%. Đến năm 2006, nhờ công tác trồng rừng và bảo vệ rừng, diện tích đạt 12,9 triệu ha, độ che phủ 39%. Mặc dù tổng diện tích rừng đang tăng lên, nhưng tài nguyên rừng vẫn bị suy thoái, vì chất lượng rừng không ngừng giảm sút.
- Nguyên nhân chủ yếu nhất dẫn đến suy thoái là khai thác rừng bừa bãi, phá rừng.
Có 3 loại rừng:
- Rừng phòng hộ: gần 7 triệu ha, có tác dụng lớn đối với việc điều hòa dòng chảy, chống lũ, chống xói mòn, ở duyên hải miền Trung còn chắn cát bay.
- Rừng đặc dụng: bảo tồn ĐTV quý hiếm, phát triển du lịch, cân bằng sinh thái…
- Rừng sản xuất: 5,4 triệu ha, tạo ra nhiều giá trị kinh tế.

c. Sự phát triển và phân bố lâm nghiệp
- Trồng rừng: có 2,5 triệu ha rừng trồng tập trung, chủ yếu là rừng làm nguyên liệu giấy, rừng gỗ trụ mỏ,…rừng phòng hộ. Hàng năm trồng khoảng 200.000 ha rừng tập trung.
- Khai thác, chế biến gỗ và lâm sản: khai thác hàng năm khoảng 2,5 triệu m[SUP]3[/SUP] gỗ, 120 triệu cây tre, 100 triệu cây nứa.
- Các sản phẩm gỗ: gỗ tròn, gỗ xẻ, đồ gỗ…công nghiệp bột giấy và giấy đang được phát triển, lớn nhất là nhà máy giấy Bãi Bằng (Phú Thọ) và Liên hợp giấy Tân Mai (Đồng Nai).
- Các vùng có diện tích rừng lớn: Tây Nguyên, Bắc Trung Bộ,…
- Rừng còn được khai thác cung cấp gỗ củi, than củi.
 
IV - Tổ chức lãnh thổ nông nghiệp (TCLTNN):

Ở phần này yêu cầu các bạn cần phải phân tích được các nhân tố ảnh hưởng tới TCLTNN nước ta; hiểu và trình bày được 7 vùng nông nghiệp nước ta; trình bày được xu hướng thay đổi trong TCLTNN. Về kỹ năng yêu cầu sử dụng bản đồ hoặc Atlat địa lý Việt Nam trình bày sự phân bố 1 số ngành sx nông nghiệp, vùng chuyên canh lớn. Phân tích bảng thống kê và biểu đồ để thấy rõ xu hướng thay đổi trong TCLTNN Việt Nam.


1. Các nhân tố ảnh hưởng tới TCLTNN nước ta:

- Sự tác động tổng hợp của nhiều nhân tố tự nhiên, kinh tế xã hội, kĩ thuật lịch sử… lên các hoạt động nông nghiệp trên các vùng lãnh thổ khác nhau của nước ta là cơ sở cho tổ chức lãnh thổ nông nghiệp.
- Sự phân hóa các điều kiện tự nhiên và tài nguyên thiên nhiên tạo ra cái nền chung của sự phân hóa lãnh thổ nông nghiệp. Trên nền chung ấy, các nhân tố kinh tế - xã hội, kĩ thuật, lịch sử…tác động. VD: ở trung du và miền núi: phát triển mô hình nông – lâm nghiệp, cây công nghiệp lâu năm, chăn nuôi gia súc lớn; ở đồng bằng phát triển cây lương thực, cây ngắn ngày, chăn nuôi gia súc nhỏ, gia cầm.
- Trong điều kiện của nền kinh tế tự cung tự cấp, sản xuất nhỏ thì sự phân hóa lãnh thổ nông nghiệp bị chi phối chủ bởi các điều kiện tự nhiên. Khi nông nghiệp trở thành nền sản xuất hàng hóa thì các nhân tố kinh tế – xã hội tác động rất mạnh làm cho tổ chức nông nghiệp chuyển biến.
- Có 7 vùng nông nghiệp chính ở nước ta :+ Trung du và miền núi Bắc bộ
+ Đồng bằng Sông Hồng
+ Bắc Trung Bộ
+ Duyên hải Nam Trung Bộ
+ Tây Nguyên
+ Đông Nam Bộ
+ Đồng bằng Sông Cửu Long
(Xem thêm Những đặc điểm nổi bật của 7 vùng nông nghiệp nước ta)

2. Những thay đổi trong tổ chức lãnh thổ nông nghiệp ở nước ta:

* Tổ chức lãnh thổ nông nghiệp của nước ta trong những năm qua thay đổi theo hai xu hướng chính:
- Tăng cường chuyên môn hoá sản xuất, phát triển các vùng chuyên canh quy mô lớn đối với các sản phẩm nông nghiệp chủ yếu => đồng bằng Sông Cửu Long, Đông Nam Bộ, Tây Nguyên,…
- Đẩy mạnh đa dạng hoá nông nghiệp, đa dạng hoá kinh tế nông thôn => Khai thác hợp lý nguồn tài nguyên.
* Kinh tế trang trại có bước phát triển mới, thúc đẩy sản xuất nông lâm nghiệp và thuỷ sản theo hướng sàn xuất hàng hoá.
Trang trại phát triển về số lượng và loại hình => sản xuất nông nghiệp hàng hoá.
 
V - Một số vấn đề phát triển và phân bố công nghiệp :

V.1. Cơ cấu ngành công nghiệp và vấn đề phát triển một số ngành công nghiệp trọng điểm :

Ở phần này yêu cầu các bạn cần trình bày và nhận xét được cơ cấu công nghiệp phân theo ngành, theo thành phần kinh tế và theo lãnh thổ. Nêu một số nguyên nhân dẫn đến sự thay đổi này; hiểu và trình bày được tình hình phát triển và phân bố của 1 số ngành công nghiệp trọng điểm ở nước ta. Về kỹ năng yêu cầu vẽ và phân tích biểu đồ, số liệu thống kê, sơ đồ về các ngành công nghiệp; sử dụng bản đồ hoặc Atlat để phân tích cơ cấu ngành của một số trung tâm công nghiệp và phân bố các ngành công nghiệp trọng điểm.



1. Cơ cấu công nghiệp theo ngành:

- Cơ cấu ngành công nghiệp nước ta tương đối đa dạng thuộc 3 nhóm chính: công nghiệp khai thác; công nghiệp chế biến; công nghiệp sản xuất, phân phối điện, khí đốt, nước; với 29 ngành khác nhau.
- Hiện nay đang nổi lên một số ngành công nghiệp trọng điểm: là những ngành có thế mạnh lâu dài, mang lại hiệu quả kinh tế cao, và có tác động mạnh mẽ đến việc phát triển các ngành kinh tế khác.
- Cơ cấu ngành công nghiệp nước ta có sự chuyển dịch rõ rệt:+ Tăng tỉ trọng nhóm ngành công nghiệp chế biến.
+ Giảm tỉ trọng nhóm ngành công nghiệp khai thác và công nghiệp sản xuất, phân phối điện, khí đốt, nước.
- Các hướng hoàn thiện cơ cấu ngành công nghiệp:+ Xây dựng cơ cấu linh hoạt, phù hợp với điều kiện Việt Nam, thích ứng với nền kinh tế thế giới
+ Đẩy mạnh các ngành mũi nhọn và trọng điểm, đưa công nghiệp điện năng đi trước một bước.
+ Đầu tư theo chiều sâu, đổi mới thiết bị, công nghệ
2. Cơ cấu công nghiệp theo lãnh thổ:

a. Hoạt động công nghiệp tập trung chủ yếu ở một số khu vực:
- Đồng bằng Sông Hồng và vùng phụ cận có mức độ tập trung công nghiệp theo lãnh thổ cao nhất nước. Từ Hà Nội toả theo các hướng với các cụm chuyên môn hoá:+ Hải Phòng - Hạ Long - Cẩm Phả: khai thác than , cơ khí.
+ Đáp Cầu - Bắc Giang: phân hoá học, vật liệu xây dựng.
+ Đông Anh - Thái Nguyên: luyện kim ,cơ khí.
+ Việt Trì - Lâm Thao - Phú Thọ: hoá chất, giấy.
+ Hoà Bình - Sơn La: thuỷ điện.
+ Nam Định - Ninh Bình - Thanh Hoá: dệt, xi-măng, điện.
- Ở Nam Bộ: hình thành một dải công nghiệp với các trung tâm công nghiệp trọng điểm: Tp.Hồ Chí Minh, Biên Hoà, Vũng Tàu, có các ngành: khai thác dầu ,khí, thực phẩm, luyện kim, điện tử => Tp. Hồ Chí Minh là trung tâm công nghiệp lớn nhất cả nước.
- Duyên hải Miền Trung: Huế, Đà Nẵng, Vinh, với các ngành: cơ khí, thực phẩm, điện => Đà Nẵng là trung tâm công nghiệp lớn nhất vùng.
- Vùng núi: công nghiệp chậm phát triển, phân bố phân tán, rời rạc.

*Sự phân hóa trên là kết quả tác động của nhiều yếu tố: vị trí địa lý, tài nguyên thiên nhiên, nguồn lao động có tay nghề, thị trường tiêu thụ, kết cấu hạ tầng, chính sách phát triển công nghiệp, thu hút đầu tư nước ngoài.
-Khu vực trung du - miền núi còn hạn chế là do thiếu đồng bộ các nhân tố trên, nhất là giao thông vận tải kém phát triển.
*Những vùng có giá trị công nghiệp lớn: Đông Nam Bộ, đồng bằng Sông Hồng, đồng bằng Sông Cửu Long => Đông Nam Bộ chiếm 55,6% giá trị sản xuất công nghiệp cả nước.

3. Cơ cấu công nghiệp theo thành phần kinh tế:
- Cơ cấu công nghiệp theo thành phần kinh tế đã có những thay đổi sâu sắc: khu vực Nhà nước, khu vực ngoài Nhà nước và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài.
- Các thành phần kinh tế tham gia vào hoạt động công nghiệp ngày càng được mở rộng.
- Xu hướng chung: giảm tỷ trọng khu vực Nhà nước, tăng tỷ trọng khu vực ngoài Nhà nước và đặc biệt là khu vực có vốn đầu tư nước ngoài

4. Tình hình phát triển và phân bố của một số ngành công nghiệp trọng điểm ở nước ta:

4.1. Khái niêm công nghiệp trọng điểm: là ngành có thế mạnh lâu dài, mang lại hậu quả kinh tế cao, tác động mạnh mẽ đến sự phát triển các ngành kinh tế khác.

4.2. Công nghiệp năng lượng:


4.2.1 Công nghiệp khai thác nguyên nhiên liệu:

a. Công nghiệp khai thác than:

- Than antraxít tập trung ở Quảng Ninh với trữ lượng hơn 3 tỷ tấn, chiếm hơn 90% trữ lượng than cả nước, ngoài ra còn có than mỡ ở Thái Nguyên, than nâu ở đồng bằng Sông Hồng, than bùn ở Cà Mau…
- Than được khai thức dưới hình thức lộ thiên và hầm lò. Năm 2005, sản lượng than đạt 34,1 triệu tấn, tiêu thụ trong và ngoài nước.

b.Công nghiệp khai thác dầu khí:
- Tập trung ở các bể trầm tích ngoài thềm lục địa: bể trầm tích sông Hồng, Trung Bộ, Cửu Long, Nam Côn Sơn, Thổ Chu - Mã Lai, với trữ lượng vài tỷ tấn dầu, hàng trăm tỷ m[SUP]3[/SUP] khí.
- Năm 1986, bắt đầu khai thác đến năm 2005, sản lượng dầu đạt 18,5 triệu tấn. (Năm 2009, đưa vào họat động nhà máy lọc dầu Dung Quất, Quảng Ngãi).
- Khí đốt còn được đưa vào phục vụ cho các ngành công nghiệp điện lực, sản xuất phân bón như: nhà máy nhiệt điện và sản xuất phân đạm Phú Mỹ, Cà Mau.

4.2.2. Công nghiệp điện lực :

a. Tình hình phát triển và cơ cấu:
- Đến nay, sản lượng điện tăng rất nhanh đạt 52,1 tỷ kwh (2005)(từ 5,2 tỉ kwh năm 1985).
- Cơ cấu sản lượng điện: Giai đoạn 1991-1996, thủy điện luôn chiếm 70% đến năm 2005, sản xuất điện từ than và khí chiếm 70%.
- Đường dây 500 kv được xây dựng từ Hoà Bình đi Phú Lâm (Tp. Hồ Chí Minh) dài 1488km đã đưa vào hoạt động.

b. Thủy điện:
- Tiềm năng rất lớn, khoảng 30 triệu KW, tập trung ở hệ thống sông Hồng (37%) và sông Đồng Nai (19%).
- Hàng loạt các nhà máy thủy điện công suất lớn đang hoạt động: Hòa Bình (1900 MW), Yaly (700MW), Trị An (400 MW)…
- Nhiều nhà máy đang triển khai xây dựng: Sơn La (2400 MW), Tuyên Quang (340 MW)

c. Nhiệt điện:
- Nhiên liệu dồi dào: than, dầu khí; nguồn nhiên liệu tiềm tàng: năng lượng mặt trời, sức gió…
- Các nhà máy nhiệt điện phía bắc chủ yếu dựa vào than ở Quảng Ninh, các nhà máy nhiệt điện ở miền Trung và miền Nam chủ yếu dựa vào dầu, khí.
- Hàng loạt nhà máy nhiệt điện có công suất lớn đi vào hoạt động: Phả Lại 1 và 2 (trên 1000 MW), Uông Bí và Uông Bí mở rộng (450 MW), Phú Mỹ 1, 2, 3, 4 (4100 MW), Cà Mau 1, 2 (1500 MW)…

4.2.3. Công nghiệp chế biến lương thực, thực phẩm: có nhiều tiềm năng phát triển: nguồn nguyên liệu tại chỗ, phong phú; thị trường tiêu thụ lớn…

a. Công nghiệp chế biến sản phẩm trồng trọt:
- Công nghiệp xay xát phát triển mạnh, sản lượng gạo, ngô xay xát đạt 39,0 triệu tấn (2005) => phân bố tập trung Tp. Hồ Chí Minh, Hà Nội, đồng bằng Sông Hồng, đồng bằng Sông Cửu Long.
- Công nghiệp đường mía: sản lượng đường kính đạt 1,0 triệu tấn (2005) => phân bố tập trung ở đồng bằng Sông Cửu long, Đông Nam Bộ, duyên hải miền Trung,...
- Công nghiệp chế biến cafe, chè, thuốc lá phát triển mạnh: chế biến chè chủ yếu ở trung du - miền núi Bắc Bộ, Tây Nguyên sản lượng đạt 127.000 tấn; chế biến cafe chủ yếu ở Tây Nguyên, Đông Nam Bộ, Bắc Trung Bộ sản lượng đạt 840.000 tấn cafe nhân;
- Công nghiệp rượu, bia, nước giải khát phát triển nhanh. Hàng năm sx 160-220 triệu lít rượu, 1,4 tỷ lít bia => tập trung nhất ở Tp. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng,...

b. Công nghiệp chế biến sản phẩm chăn nuôi:
- Chưa phát triển mạnh do cơ sở nguyên liệu cho ngành còn hạn chế.
- Các cơ sở chế biến sữa và các sản phẩm từ sữa tập trung ở một số đô thị lớn. Sản lượng sữa đặc trung bình hàng năm đạt 300-350 triệu hộp.
- Thịt và sản phẩm từ thịt => Hà Nội, Tp. Hồ Chí Minh.

c. Công nghiệp chế biến thuỷ, hải sản:
- Nghề làm nước mắm nổi tiếng ở Cát Hải (Hải Phòng), Phan Thiết (Bình Thuận), Phú Quốc (Kiên Giang). Sản lượng hàng năm đạt 190-200 triệu lít.
- Chế biến tôm, cá và một số sản phẩm khác: tăng trưởng nhanh đáp ứng nhu cầu trong và ngoài nước => phát triển tập trung ở đồng bằng Sông Cửu Long.
 
V.2 Vấn đề tổ chức lãnh thổ công nghiệp(TCLTCN) :

Ở phần này các bạn cần trình bày được khái niệm TCLTCN, phân tich ảnh hưởg sâu sắc của các nhân tố tới TCLTCN ở nước ta; phân biệt một số hình thức TCLTCN. Về kỹ năng yêu cầu sử dụng bản đồ hoặc Atlat nhận xét TCLTCN nước ta.



1. Khái niệm:


Tổ chức lãnh thổ công nghiệp là sự sắp xếp, phối hợp giữa các quá trình và cơ sở sx công nghiệp trên một lãnh thổ nhất định để sử dụng hợp lý nguồn lực sẵn có để đạt hiệu quả cao về kinh tế, xã hội và môi trường.

2. Các nhân tố chủ yếu ảnh hưởng đến các hình thức tổ chức lãnh thổ công nghiệp

- Bên trong:+ Vị trí địa lý
+ Tài nguyên thiên nhiên: khoáng sản, nguồn nước, tài nguyên khác
+ Điều kiện kinh tế - xã hội: dân cư và lao động, trung tâm kinh tế và mạng lưới đô thị…
- Bên ngoài: Thị trường, hợp tác quốc tế: Vốn, công nghệ, tổ chức quản lý

3. So sánh một số hình thức TCLTCN:

Điểm công nghiệp - Đồng nhất với 1 điểm dân cư
- Gồm từ 1-2 xí nghiệp nằm gần khu nguyên nhiên liệu công nghiệp hoặc nguyên liệu nông sản
- Không có mối liên hệ với các xí nghiệp khác.
- Điểm công nghiệp ở nước ta : nhà máy mì, đường,….

Khu công nghiệp - Có ranh giới địa lý xác định, có vị trí địa lý thuận lợi.
- Chuyên sản xuất công nghiệp và thực hiện các dịch vụ hổ trợ sản xuất công nghiệp.
- Không có dân cư sinh sống.
nước ta hinh thành từ những năm 90(TK XX) có khoảng 150 KCN, khu chế xuất
- Phân bố không đều: tập trung ở Đông Nam Bộ, đồng bằng Sông Hồng, đồng bằng Sông Cửu Long, duyên hải miền Trung các vùng khác hạn chế

Trung tâm công nghiệp - Gần với đô thị vừa và lớn có vị trí địa lý thuận lợi.
- Bao gồm khu công nghiệp, điểm công nghiệp, và nhiều xí nghiệp công nghiệp có mối quan hệ chặt chẽ về sản và kinh tế.
- Có các xí nghiệp hạt nhân, xí nghiệp bổ trợ
- Phân loai:
+ Dụa vào phân công lao động gồm: trung tan công nghiệp quốc gia, vùng, địa phương.
+Dựa vào giá trị sản xuất gồm : trung tâm công nghiệp rất lớn, lớn, trung bình.

Vùng công nghiệp Nước ta được chia thành 6 vung công nghiệp chính.
 
VI - Một số vấn đề phát triển và phân bố các ngành dịch vụ :

VI.1. Vấn đề phát triển và phân bố ngành giao thông vận tải và thông tin liên lạc:

Ở phần này các bạn cần phải trình bày được đặc điểm giao thông vận tải và thông tin liên lạc ở nước ta. Về kỹ năng yêu cầu các bạn vẽ và phân tích biểu đồ, bảng số liệu về tình hình phát triển giao thông vận tải và thông tin liên lạc, sử dụng bản đồ hoặc Atlat địa lý Việt Nam trình bày sự phân bố của một số tuyến giao thông vận tải, đầu mối giao thông, thông tin liên lạc quan trọng.

1. Trình bày được đặc điểm giao thông vận tải và thông tin liên lạc ở nước ta.

1.1 Giao thông vận tải :

* Tình hình phát triển: phát triển cả về chất và lượng với nhiều loại hình: đường ô tô, đường sắt, đường thuỷ, hàng không…
a. Đường bộ:
- Sự phát triển: Mạng lưới đường bộ đã được mở rộng và hiện đại hóa. Về cơ bản mạng lưới đường ôtô đã phủ kín các vùng.
- Các tuyến đường chính: quốc lộ 1A dài 2300km, đường Hồ Chí Minh, một số tuyến đường bộ quan trọng theo hướng Đông – Tây, trong quá trình hội nhập quốc tế, các tuyến đường bộ xuyên Á, hệ thông đường bộ nước ta đang được kết nối vào hệ thống đường bộ trong khu vực.

b. Đường sắt:
- Tổng chiều dài đường sắt là 3142,69km.
- Các tuyến đường sắt chính: Đường sắt Thống Nhất dài 1726km là trục giao thông quan trọng theo hướng Bắc – Nam; các tuyến đường chính khác: Hà Nội - Hải Phòng, Hà nội – Lào Cai, Hà Nội – Thái Nguyên, Hà Nội - Đồng Đăng, Lưu xá – Kép – Uông Bí – Bãi Cháy; các tuyến đường thuộc mạng đường sắt xuyên Á trên lãnh thổ Việt Nam.

c. Đường sông:
- Chiều dài giao thông 11 000 km
- Các tuyến chính:+ Hệ thông sông Hồng – Thái Bình
+ Hệ thống sông Mê Kông - Đồng Nai
+ Một số sông lớn ở miền Trung.
d. Đường biển:
- Thuận lợi: Đường bờ biển dài 3260km, nhiều vũng, vịnh rộng, kín gió và nhiều đảo, quần đảo ven bờ, nằm trên đường hàng hải quốc tế.
- Các tuyến đường biển ven bờ chủ yếu theo hướng Bắc – Nam. Quan trọng nhất là tuyến Hải Phòng – TP.HCM, dài 1500 km.
- Các cảng biển và cụm cảng biển quan trọng: Hải Phòng, Cái Lân, Đà Nẵng – Liên Chiểu – Chân Mây, Sài Gòn – Vũng Tàu - Thị Vải.

e. Đường hàng không:
- Tình hình phát triển: Là ngành non trẻ nhưng có bước tiến nhanh, đầu năm 2007, cả nước có 19 sân bay, trong đố có 5 sân bay quốc tế (hiện nay 6).
- Các tuyến đường bay trong nước được khai thác trên cơ sở 3 đầu mối chủ yếu: Hà Nội, TP.HCM và Đà Nẵng. Ngoài ra, có các đường bay đến nhiều nuếoc trong khu vực và trên thế giới.


1.2 Thông tin liên lạc:

* Tình hình phát triển: phát triển cả về chất và lượng với nhiều loại hình:mạng điện thoại, phi điện thoại, viba, cáp quang…
a. Bưu chính:
- Có tính phục vụ cao, mạng lưới rộng khắp.
- Toàn bộ mạng lưới bưu chính viễn thông có hơn 200 bưu cục với bán kính phục vụ là 5,58km, khoảng 1800 điểm phục vụ với mật đọ bình quân 2,3 km/điểm và hơn 8000 điểm bưu điện văn hóa xã.
- Hạn chế: Mạng lưới phân bố chưa đều, công nghệ nhìn chung còn lạc hậu, quy trình nghiệp vụ ở địa phương vẫn còn mang tính thủ công, thiếu lao động có trình độ cao….
- Hướng phát triển: cơ giới hóa, tự động hóa, tin học háo; bên cạnh các hoạt động công ích, đẩy mạnh các hoạt động kinh doanh.

b. Viễn thông:
- Tốc độ nhanh vượt bậc và đón đầu các thành tựu kĩ thuật hiện đại cao.
- Trước thời kỳ đổi mới, mạng lưới và thiết bị viễn thông cũ kĩ lạc hậu; các dịch vụ viễn thông nghèo nàn.
- Những năm gần đây, viễn thông Việt Nam phát triển với tốc độ cao, đạt mức trung binh 30%/năm. 2005 đạt 19 thuê bao/100 dân. Điện thoại đến hầu hết các xã trong toàn quốc.
- Công tác nghiên cứu, ứng dụng các thành tựu khoa học – kĩ thuật, công nghệ mới, hiện đại đang đang được chú trọng đầu tư. Sử dụng mạng kĩ thuật số, tự động hóa và đa dịch vụ.
- Mạng lưới viễn thông ở nước ta tương đối đa dạng và không ngừng phát triển: Mạng điện thoại, phi điện thoại, mạng truyền dẫn.
- Mạng lưới viễn thông quốc tế ngày càng phát triển mạnh, hội nhập với thế giới thông qua thông tin vệ tinh và cáp biển. Năm 2005 có khoảng 7,5 triệu người Việt Nam sử dụng Intenet.

VI.2. Vấn đề phát triên và phân bố thương mại, du lịch:

Ở phần này yêu cầu các bạn cần phân tích được vai trò, tình hình phát triển và sự thay đổi trong cơ cấu thương mại; phân tích được các tài nguyên du lịch ở nước ta: tài nguyên nhân văn và tài nguyên tự nhiên; hiểu và trình bày tình hình phát triển ngành du lịch, sự phân bố cua các trung tâm du lịch chính, mối quan hệ giữa du lịch và môi trường. Về kỹ năng câu cầu vẽ và phân tích biểu đồ, dựa vào Atlat để nhận biết sự phân bố các trung tâm thương mại và du lịch.

1. Thương mại:

1.1. Nội thương:

a. Tình hình phát triển:

-Sau khi thống nhất đất nước đến nay, đã hình thành thị trường thống nhất đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của nhân dân.

b. Cơ cấu theo thành phần kinh tế:
- Cơ cấu tổng mức bán lẽ hàng hóa và doanh thu dịch vụ phân theo thành phần kinh tế có sự thay đổi theo hương tiến bộ. Tổng mức bán lẽ hàng hóa và doanh thu dịch vụ năm 2005 theo thành phần kinh tế: khu vực ngoài Nhà nước chiếm 83,3%, khu vực Nhà nước chiếm 12,9%, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài chiếm 3,8%.

1.2. Ngoại thương:

a. Tình hình:
- Hoạt động xuất nhập khẩu có nhiều chuyển biến rõ rệt; năm 1992, lần đầu tiên cán cân xuất nhập khẩu tiến tới cân đối; từ năm 1993 tiếp tục nhập siêu, nhưng bản chất nhập siêu khác xa với nhập siêu trước thời kì đổi mới.
- Thị trường mua bán ngày càng mở rộng theo hướng đa dạng hóa, đa phương hóa. Tháng 1/2007, Việt Nam chính thức trở thành thành viên thứ 150 của WTO, tạo ra nhiều cơ hội và thách thức.
- Tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2005 tăng hơn 13 lần so với năm 1990.

b. Xuất khẩu:
- Xuất khẩu liên tục tăng: 1990 đạt 2,4 tỷ USD tăng lên 32,4 tỷ USD vào năm 2005.
- Các mặt hàng xuất khẩu ngày càng phong phú: hàng công nghiệp nặng và khoáng sản, hàng công nghiệp nhẹ và tiểu thủ công nghiệp, hàng nông, lâm, thuỷ sản.
- Thị trường xuất khẩu lớn nhất hiện nay là Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc.
*Hạn chế: hàng gia công vẫn còn chiếm tỷ trọng lớn (90-95% hàng dệt may) hoặc phải nhập nguyên liệu (60% đ/v da giày).

c.Nhập khẩu:
- Tăng khá mạnh: 1990 đạt 2,8 tỷ USD tăng lên 36,8 tỷ USD vào năm 2005 =>nhập siêu
- Các mặt hàng nhập: Chủ yếu là nguyên liêu, tư liệu sản xuất (máy móc, thiết bị, nguyên nhiên vật liệu) và một phần nhỏ là hàng tiêu dùng.
- Thị trường nhập khẩu chủ yếu là khu vực châu Á-Thái Bình Dương và châu Âu.

2. Du lịch:

2.1. Tài nguyên du lịch: Gồm 2 nhóm : tài nguyên tự nhiên và nhân văn

a. Tài nguyên du lịch tự nhiên:
phong phú và đa dạng, gồm: địa hình, khí hậu, nước, sinh vật.
- Về địa hình có nhiều cảnh quan đẹp như: đồi núi, đồng bằng, bờ biển, hải đảo. Địa hình Caxtơ với hơn 200 hang động, nhiều thắng cảnh nổi tiếng như: vịnh Hạ Long, Phong Nha-Kẻ Bàng, có khoang 125 bãi biển lớn nhỏ dọc bờ biển.
- Sự đa dạng của khí hậu thuận lợi cho phát triển du lịch, nhất là phân hóa theo độ cao, theo mùa, theo vĩ độ tạo nên sự đa dạng cho du lịch. Tuy nhiên cũng bị ảnh hưởng như thiên tai, sự phân mùa của khí hậu.
- Nhiều vùng sông nước trở thành các điểm tham quan du lịch như: hệ thống sông Cửu Long, các hồ tự nhiên (Ba Bể) và nhân tạo (Hoà Bình, Dầu Tiếng). Ngoài ra còn có nguồn nước khoáng thiên nhiên có sức hút cao đối với du khách.
-Tài nguyên sinh vật có nhiều giá trị: nước ta có hơn 30 vườn quốc gia.

b. Tài nguyên du lịch nhân văn: gồm di tích, lễ hội, tài nguyên khác…
- Các di tích văn hóa - lịch sử có giá trị hàng đầu. Cả nước có 2.600 di tích được Nhà nước xếp hạng, các di tích được công nhận là di sản văn hóa thế giới như: Cố đô Huế, Phố cổ Hội An, Di tích Mỹ Sơn; di sản phi vật thể như: Nhã nhạc cung đình Huế, Không gian văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên, ca trù, quan họ Bắc Ninh.
- Các lễ hội diễn ra khắp cả nước, có ý nghĩa quốc gia là lễ hội đền Hùng, kéo dài nhất là lễ hội Chùa Hương…
- Tiềm năng về văn hóa dân tộc, văn nghệ dân gian và hàng loạt làng nghề truyền thống và các sản phẩm đặc sắc khác có khả năng phục vụ mục đích du lịch.

2.2. Tình hình phát triển du lịch và các trung tâm du lịch chủ yếu:

a. Tình hình phát triển:
- Phát triển mạnh từ đầu thập kỷ 90 (TK XX) đến nay, nhờ có chính sách Đổi mới:
b. Sự phân hóa lãnh thổ:
- Nước ta chia làm 3 vùng du lịch: vùng du lịch Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ, Nam Trung Bộ và Nam Bộ.
- Tập trung ở 2 tam giác tăng trưởng du lịch: Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh, Tp. Hồ Chí Minh - Nha Trang - Đà Lạt.
- Các trung tâm du lịch lớn: Hà Nội, Tp. Hồ Chí Minh, Huế - Đà Nẵng, Hạ Long, Vũng Tàu, Cần Thơ…

2.3. Phát triển du lịch bền vững:
- Là mục tiêu quan trọng hàng đầu của ngành du lịch => bền vững về kinh tế, xã hội,tài nguyên - môi trường.
- Cần có nhiều giải pháp đồng bộ như: tạo ra các sản phẩm du lịch độc đáo, tôn tạo và bảo vệ tài nguyên - môi trường gắn với lợi ích cộng đồng, tổ chức thực hiện theo quy hoạch, giáo dục - đào tạo về du lịch.

ST Tuoitrebentre
 
Sửa lần cuối bởi điều hành viên:

Chủ đề mới

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top