• Chào mừng Bạn tham gia Diễn Đàn Kiến Thức tổng hợp No.1 VNKienThuc.com - Định hướng VN Kiến Thức
    -
    HÃY TẠO CHỦ ĐỀ KIẾN THỨC HỮU ÍCH VÀ CÙNG NHAU THẢO LUẬN

Hơn 71% phụ huynh “chạy” trường

ButNghien

Học tập suốt đời!
Thành viên BQT
Xu
46
Ba vấn đề nổi cộm nhất trong dư luận xã hội là: chạy trường, dạy thêm và lạm thu.

Hơn 52% phụ huynh thừa nhận việc học thêm làm con em khá mệt mỏi, tốn kém. Trên 40% số hộ gia đình chi từ 10% trở lên trong tổng thu nhập cho khoản học thêm.

Lần đầu tiên Thanh tra Chính phủ đã vào cuộc khảo sát tình trạng tham nhũng trong giáo dục. Các nhà tài trợ quốc tế nhìn nhận sao về tình trạng tham nhũng trong giáo dục tại Việt Nam? Tất cả đã được làm rõ tại cuộc đối thoại về phòng, chống tham nhũng trong lĩnh vực giáo dục lần thứ bảy do Thanh tra Chính phủ, Bộ GD&ĐT phối hợp Đại sứ quán Thụy Điển tổ chức ngày 28-5, tại Hà Nội.

Một lớp có 83% học sinh trái tuyến

Kết quả khảo sát cho thấy Hà Nội là TP có nhiều học sinh học trường trái tuyến nhất. Có lớp tới 83% học sinh trái tuyến. Hơn 71% phụ huynh được khảo sát cho biết sẵn sàng chi tiền để “nhờ vả”, 23% thừa nhận việc “xin xỏ” này rất tốn kém và mất thời gian. Những người được hỏi cũng cho hay phần lớn người quen của họ sẵn sàng bỏ rất nhiều chi phí để xin học cho con.

Lại nữa, mặc dù Bộ GD&ĐT đã ban hành quy định các trường không được thực hiện dạy thêm, học thêm nhưng thanh tra Chính phủ vẫn “tìm thấy” thông tin từ 300 học sinh: 50% học sinh đang theo học thêm ở ngoài do chính cô giáo trong trường dạy. Giải thích lý do, nhiều giáo viên cho rằng vì học sinh quá đông, chương trình quá nặng nên giờ chính thống trên lớp không đủ các học sinh nắm vững kiến thức cơ bản.

Tuy vậy, theo ông Ngô Mạnh Hùng, Phó Cục trưởng Cục Chống tham nhũng (Thanh tra Chính phủ), kết quả giữa học sinh học thêm và không học thêm không chênh là bao. Ví dụ, hơn 42% học sinh đạt loại giỏi chỉ học ở trường, trong khi số học ở ngoài do thầy cô dạy riêng là 48,5%... “Các dạng tham nhũng trên là tham nhũng “nhỏ” nhưng ảnh hưởng gần như tới mọi gia đình, đặc biệt là các hộ nghèo” - ông Hùng lưu ý.

4-chot.jpg

Chạy trường, một hình thức tham nhũng trong giáo dục. Trong ảnh: Phụ huynh nộp hồ sơ cho con vào lớp đầu cấp tại TP.HCM. Ảnh minh họa: HTD

Chưa chống xuể

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Trần Quang Quý thừa nhận các kết quả khảo sát trên chính là những bất cập, hạn chế đang tồn tại trong ngành giáo dục hiện nay. Thứ trưởng cũng “điểm” thêm các hành vi tham nhũng khác: Tự đặt ra các khoản thu đầu năm, đầu cấp; cắt giảm chương trình chính khóa theo quy định để đưa vào dạy thêm; bắt ép học sinh phải học thêm để vụ lợi. Hay như trong công tác tuyển sinh, đó là hành vi gian lận về hồ sơ, tiêu cực trong tuyển sinh, gian lận về các điều kiện xét tuyển…

Ông Quý chỉ ra nguyên nhân: Việc thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng và Chương trình phòng, chống tham nhũng chưa đáp ứng yêu cầu, chưa tạo được ý thức chủ động, tự giác của các tập thể, cá nhân. Hơn nữa, chính một bộ phận nhà giáo, cán bộ trong ngành trình độ quản lý còn hạn chế, cuộc sống khó khăn. Ngoài ra, đó cũng là còn thiếu sự phối hợp giữa Bộ với các ngành trong quản lý các cơ sở giáo dục…

Cũng theo ông Quý, từ đầu năm đến nay, Bộ GD&ĐT đã thanh tra được 10 đơn vị và hàng chục thanh tra chuyên ngành. “Những hành vi tham nhũng trong giáo dục tuy không thiệt hại về kinh tế nhiều nhưng gây ra nhiều hậu quả, nhất là giảm sút lòng tin của nhân dân đối với giáo dục” - ông Quý nói.

Cần cam kết thật sự

Những con số, nhận xét trên dường như là những điều mà đại diện các tổ chức nước ngoài có mặt tại cuộc đối thoại lưu tâm.

Ông Rolf Bergman, Đại sứ quán Thụy Điển tại Hà Nội, khẳng định: Mặc dù VN có cả một hệ thống luật pháp, song những cam kết chỉ mới thực hiện trên giấy tờ. Và theo ông Rolf, cam kết thực sự của Chính phủ chỉ có thể tiên lượng được khi mọi công dân được bảo đảm rằng tiếng nói của họ phải được lắng nghe.. Ông Rolf cũng tiên lượng lần đối thoại này có thể gây mất lòng tin trong xã hội, thế nhưng “sinh viên không thể tự do suy nghĩ, có ý tưởng mới nếu như điểm thi mua được bằng tiền; không ai muốn giảng viên là người dùng đồng tiền để mua nghề dạy; không gia đình nào muốn bỏ tiền để chi trả cho các dịch vụ học hành mà lẽ ra con em họ phải được cung cấp miễn phí”.

Đại diện Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) nhận xét: Chúng ta đừng bao giờ nhìn vào con số màu xanh của chứng khoán, tiền tệ mà nói rằng đã thoát nghèo, thoát tham nhũng. Đại diện Đại sứ quán Đan Mạch thẳng thắn: Văn hóa phong bì đã rất phổ biến ở khu vực công. Tại đây, người dân phải trả tiền để được những quyền lợi mà đáng lẽ ra họ không phải mất phí.

Tổng thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền công nhận những con số về hành vi tham nhũng trong giáo dục nêu trên, thậm chí ngày càng nghiêm trọng. Từ nay đến hết năm, Bộ Nội vụ sẽ trình Chính phủ xem xét văn bản khen thưởng và bảo vệ những người có hành động tích cực chống tham nhũng, trong đó có lĩnh vực giáo dục. Đây sẽ là căn cứ để xử lý nếu họ bị trả thù, trù dập.

Mất lòng tin?

Việc phụ huynh chấp nhận việc trả phí thêm để có thể có chỗ cho con trong trường học tốt phần nào phản ánh sự không tin tưởng vào hệ thống giáo dục. Sự mất tin tưởng là đáng sợ, là điều hệ trọng. Bạn không biết tin tưởng vào đâu, vậy những điều giáo dục đã làm được là gì?

Trong một hệ thống, người ta chấp nhận việc cha mẹ phải bỏ tiền cho con học thêm để có kết quả tốt hơn và thầy cô giáo chấp nhận việc dạy thêm để có thu nhập. Thậm chí, các thầy, cô cảm thấy đó là công việc khá tốt cho cuộc sống của họ. Thật khó để thay đổi thái độ vì hai nhóm này đều cảm thấy hài lòng về điều họ làm. Điều này cho thấy một phần hệ thống giáo dục vận hành như thế nào.

Trong một xã hội phát triển, thái độ đó rất cần phải thay đổi. Những gia đình có thu nhập thấp, nghèo hơn, sẽ không thể có cơ hội chi trả. Họ sẽ thiệt thòi hơn về cơ hội…

Một nghiên cứu của Tổ chức Hướng tới minh bạch đã chỉ ra rằng lương thấp không phải là lý do duy nhất dẫn đến tham nhũng trong giáo dục.

… Tôi nghĩ không thể đổ lỗi cho phụ huynh bởi bất cứ cha mẹ nào cũng luôn muốn những điều kiện tốt nhất dành cho con mình, nhất là những cơ hội về học hành. Nhưng nếu bọn trẻ biết cha mẹ chúng phải trả những khoản phí dục giáo không chính thức, chúng có thể sẽ không tin tưởng vào xã hội. Thái độ này còn khó thay đổi hơn sự sửa đổi pháp luật.
Phó Đại sứ Thụy Điển MARIE OTTOSSON (Theo VNN) .

Chín hình thức tham nhũng trong giáo dục

Tháng 12-2007, tại đối thoại về phòng chống tham nhũng do Thanh tra Chính phủ phối hợp với Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng và Đại sứ quán Thụy Điển tổ chức, PGS-TS Nguyễn Đình Cử, Viện Dân số và các vấn đề xã hội, Đại học Kinh tế quốc dân, đã chỉ ra chín hình thức tham nhũng trong hệ thống giáo dục phổ thông:

- Chạy trường (năm 2006, muốn vào học Trường PTTH Lê Quý Đôn, TP.HCM: tốn mất 2.000 USD).

- Chạy điểm.
- Tham nhũng qua dạy thêm.
- Lạm thu phí giáo dục.
- Độc quyền xuất bản sách giáo khoa.
- Tham nhũng trong tuyển dụng, đề bạt và luân chuyển giáo viên.
- Rút ruột các công trình xây dựng.
- Xà xẻo khi mua thiết bị dạy học.
- Xà xẻo kinh phí dự án giáo dục.


Theo PLTP.
 

Chủ đề mới

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top