Hỏi về Luật hiến pháp Việt Nam

Cơ chế giám sát hiến pháp tại Việt Nam:

Đại hội lần thứ X - Đại hội gần đây nhất đã xác định nghĩa vụ “Xây dựng, hoàn thiện cơ chế kiểm tra, giám sát tính hợp hiến, hợp pháp của các hoạt động và quyết định của các cơ quan công quyền; “xây dựng cơ chế phán quyết về những vi phạm Hiến pháp trong hoạt động lập pháp, hành pháp, tư pháp”.

Nguyên tắc pháp chế xã hội chủ nghĩa được xác định là một trong những nguyên tắc hàng đầu của việc tổ chức đời sống xã hội. Điều 12 của Hiến pháp 1992 (sửa đổi) đã ghi nhận rằng: “Nhà nước quản lý xã hội bằng pháp luật, không ngừng tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa. Các cơ quan Nhà nước, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội, đơn vị vũ trang và mọi công dân phải nghiêm chỉnh chấp hành Hiến pháp, pháp luật, đấu tranh phong ngừa và chống các tội phạm, các vi phạm Hiến pháp và pháp luật”. Ngoài ra, nhà nước pháp quyền đòi hỏi quán triệt và tuân thủ nguyên tắc tính tối cao và bất khả xâm phạm của Hiến pháp.

Điều 146 Hiến pháp 1992 đã sửa đổi bổ sung quy định: “Hiến pháp nước Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Việt Nam là luật cơ bản của Nhà nước, có hiệu lực pháp lý cao nhất. Mọi văn bản pháp luật khác phải phù hợp với Hiến pháp.” Như vậy, Hiến pháp là văn bản pháp lý cao nhất, đạo luật cơ bản và quan trọng nhất trong Hệ thống pháp luật của mỗi quốc gia. Hiến pháp là “luật mẹ”, thiêng liêng bất khả xâm phạm, còn được gọi là “thần linh pháp quyền”. Hiến pháp xác lập chế độ chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, khẳng định quyền lực nhà nước và chủ quyền thuộc về nhân dân, ghi nhận và bảo vệ các quyền cơ bản của con người. Vì tính chất quan trọng đó nên phải xây dựng cơ chế bảo hiến.

Trong tư tưởng lập hiến hiện đại tính tối cao của Hiến pháp bắt nguồn tư những ý tưởng coi Hiến pháp là khế ước của nhân dân, là văn bản pháp lý thể hiện chủ quyền và sự đồng thuận của nhân dân. Do đó, Hiến pháp có tính ràng buộc đối với nhà nước và chính vì thế là cơ sở để xem xét mọi văn bản, mọi quyết định của cơ quan nhà nước, bao gồm các cơ quan lập pháp, hành pháp, tư pháp.
Các hình thức giám sát quyền lực còn tỏ ra thiếu đồng bộ, thiếu thường xuyên và do đó tính hiệu quả giám sát vẫn còn thấp. Số lượng vi phạm Hiến pháp không ít nhưng đã không được xử lý triệt để. Do đó, hoàn thiện và nâng cao hiệu quả kiểm tra tính hợp hiến là điều có ý nghĩa cốt lõi để tiến tới nhà nước pháp quyền với sự đề cao vị trí tối thượng của Hiến pháp.

Cơ chế giám sát Hiến pháp tuy có nhiều nhưng thiếu nhất quán và nhất là thiếu một cơ chế trách nhiệm rõ ràng. Hiến pháp giao cho Quốc hội quyền ban hành và sửa đổi Hiến pháp, các đạo luật, giám sát việc thực hiện Hiến pháp và pháp luật. Tuy nhiên, cả Hiến pháp và pháp luật đều không quy định trách nhiệm phát sinh từ các văn bản pháp luật vi hiến1 mà Quốc hội ban hành hay có sai sót trong quá trình biểu quyết thông qua. Vị trí quyền lực tối cao thuộc về Quốc hội là không thể thay đổi. Vị trí đó bắt nguồn từ việc Quốc hội là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất, cơ quan lập pháp cao nhất, cơ quan giám sát cao nhất. Tuy nhiên, điều cần nói ở đây là sự chưa rõ ràng giữa quyền lực của Quốc hội với quyền lực của Hiến pháp.

Bên cạnh đó, hình thức kiến nghị thông qua các cơ quan của Quốc hội chưa hiệu quả. Ngoài ra, hoạt động giám sát của Quốc hội ít có hiệu quả vì các đại biểu Quốc hội không phải là các chuyên gia pháp luật, đa số đại biểu Quốc hội kiêm nhiệm, Quốc hội làm việc theo chế độ kiêm nhiệm và quyết định theo đa số.

Quốc hội phát hiện ra văn bản quy phạm pháp luật trái với Hiến pháp thì cơ chế đình chỉ, hủy bỏ lại do Quốc hội, dẫn đến sự không phù hợp vì đây là hoạt động mang tính tài phán2 thì phải do cơ quan tài phán quyết định. Mặt khác, cơ cấu của Quốc hội không giống cơ cấu của cơ quan tài phán vì thế không phù hợp với hoạt động tài phán.

Hiến pháp là văn bản pháp lý cao nhất nhưng trong thực tế sự nhận thức rõ hơn, đầy đủ hơn về hiệu lực áp dụng trực tiếp của Hiến pháp thì chưa phải đã có trong tư duy và trong hành động của công dân, của cán bộ nhà nước. Khi quyền hiến định3 của mình bị vi phạm thì công dân chưa có tư duy kiện ra trước Tòa án hay các cơ quan nhà nước có thẩm quyền với lý lẽ là quyền đó đã được quy định trong Hiến pháp. Khi giải quyết các khiếu kiện của dân kể cả khi xét xử hay trả lời khiếu nại, Tòa án và cơ quan nhà nước không lấy quy định của Hiến pháp làm căn cứ mà chỉ xem các vấn đề này có được quy định trong văn bản nào không và được quy định như thế nào?

Quốc hội là cơ quan duy nhất có quyền lập pháp, do đó Quốc hội có thể ban hành bất kỳ đạo luật nào mà Quốc hội cho là phù hợp. Thêm vào đó, quyền giải thích Hiến pháp thuộc về Ủy ban thường vụ Quốc hội - là cơ quan của Quốc hội. Như vậy, nếu ai đó cho rằng một đạo luật đó là vi hiến thì Quốc hội cũng có thể làm cho nó hợp hiến bằng cách giải thích luật thay vì sửa đổi hay bãi bỏ luật. Và quyền sửa đổi Hiến pháp, luật cũng là quyền chỉ thuộc về Quốc hội, thế nên Quốc hội có thể sửa đổi Hiến pháp cho phù hợp với luật để đảm bảo tính hợp hiến của đạo luật. Chúng ta gọi đó là việc “đẽo chân cho vừa giày”. Với cơ chế đó, sự vi hiến của một đạo luật chỉ còn có thể là một giả định và việc xem xét tính hợp hiến dưới bất kỳ hình thức nào cũng trở nên cần thiết hay vô nghĩa, trừ khi Quốc hội chủ động thực hiện giám sát và phát hiện sự vi hiến.

Nhiều quy định của Hiến pháp chưa được áp dụng trực tiếp, nhiều quy định của Hiến pháp chưa được cụ thể hóa đầy đủ bởi hệ thống pháp luật, sự điều chính của pháp luật còn tỏ ra bất cập so với yêu cầu của Hiến pháp.Do đó, các cơ quan chức năng chồng chéo, mâu thuẫn làm giảm hiệu lực hoạt động của các cơ quan đó, tình trạng đặt ra các khoản thu bất hợp pháp đối với công dân vẫn còn phổ biến, tình hình lấn quyền, lợi dụng quyền lực vào lợi ích cá nhân và cục bộ dẫn đến tình trạng tham nhũng vẫn còn đáng kể, việc xâm phạm các quyền lợi hợp pháp và thiếu tôn trọng các nhu cầu và đòi hỏi chính đáng của người dân vẫn diễn ra khá nghiêm trọng ở nhiều địa phương.

Cơ chế giám sát Hiến pháp theo quy định của pháp luật hiện hành

Việc giám sát tuân thủ Hiến pháp theo cơ chế phân công phân nhiệm từ Quốc hội xuống Chủ tịch nước, Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát tối cao cho đến Hội đồng nhân dân các cấp trong đó Quốc hội giữa vai trò giám sát chính (có sự phân công, phân nhiệm cho các cơ quan Quốc hội và các cơ quan nhà nước cấp cao khác). Do đó, mô hình giám sát Hiến pháp ở Việt Nam là giám sát bởi Quốc hội.

Nhiều văn bản pháp luật quy định về vấn đề giám sát Hiến pháp: Hiến pháp 1992 sửa đổi, bổ sung năm 2001; Luật tổ chức Quốc hội năm 2001; Luật hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2004; Luật tổ chức Chính phủ năm 2001; Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 1996 (đã được sửa đổi, bổ sung năm 2002); Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân năm 2004; Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân năm 2003; Quy chế hoạt động của Ủy ban thường vụ Quốc hội; quy chế hoạt động của Hội đồng dân tộc và các ủy ban của Quốc hội…đã quy định tương đối đầy đủ và toàn diện về hoạt động kiểm tra, giám sát việc tuân theo Hiến pháp và pháp luật như:

Điều 83, 84 Hiến pháp năm 1992 quy định “Quốc hội thực hiện quyền giám sát tối cao đối với toàn bộ hoạt động của Nhà nước”, “thực hiện quyền giám sát tối cao việc tuân theo Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội”. Đó là, Quốc hội thực hiện quyền giám sát tối cao đối với văn bản quy phạm pháp luật của Ủy ban thường vụ Quốc hội, chủ tịch nước, Chính phủ, Thủ tướng chính phủ, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, văn bản quy phạm liên tịch giữa cơ quan nhà nước có thẩm quyền ở Trung ương với cơ quan trung ương của tổ chức chính trị - xã hội, văn bản quy phạm của Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân.

Ủy ban thường vụ Quốc hội giám sát văn bản quy phạm pháp luật của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.

Hội đồng dân tộc và Ủy ban Quốc hội giám sát văn bản quy phạm pháp luật của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, văn bản quy phạm liên tịch giữa cơ quan nhà nước có thẩm quyền ở Trung ương với cơ quan trung ương của tổ chức chính trị - xã hội thuộc lĩnh vực mà Hội đồng và các Ủy ban phụ trách.
Chủ tịch nước cũng thực hiện vai trò giám sát đối với Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Tòa án nhân dân và Viện kiểm sát nhân dân.

Chính phủ kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh. Như Thủ tướng chính phủ có quyền “đình chỉ việc thi hành hoặc bãi bỏ những quyết định, chỉ thị, thông tư của bộ trưởng, các thành viên khác của Chính phủ, quyết định, chỉ thị của Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trái với Hiến pháp, luật và các văn bản của cơ quan nhà nước cấp trên”, đình chỉ việc thi hành những nghị quyết cảu Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trái với Hiến pháp, luật và các văn bản cảu cơ quan nhà nước cấp trên, đồng thời đề nghị Ủy ban thường vụ Quốc hội bãi bỏ. (Điều 114 Hiến pháp năm 1992).

Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật các Bộ, cơ quan ngang Bộ, Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh về những nội dung có liên quan đến ngành, lĩnh vực mà mình phụ trách.

Tòa án nhân dân khi xét xử các vụ án hình sự, dân sự, kinh tế, hành chính mà phát hiện các văn bản quy phạm pháp luật sai trái là nguyên nhân gây ra vụ án thì có quyền đề nghị cơ quan có thẩm quyền sửa chữa, bãi bỏ.

Viện kiểm sát nhân dân từ Hiến pháp năm 1959 đến Hiến pháp năm 1992 thực hiện việc giám sát đối với cơ quan hành chính nhà nước từ cấp bộ trở xuống, các tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội, đơn vị vũ trang và công dân với tính cách như là một hình thức giám sát của Quốc hội. Nhưng đến năm 2001 Quốc hội đã ban hành Nghị quyết về sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 1992 đã bãi bỏ chức năng này của Viện kiểm sát nhưng vẫn giữ lại quyền kiểm sát hoạt động tư pháp.

Hội đồng nhân dân, thường trực Hội đồng nhân dân, đại biểu Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình giám sát, kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân cấp dưới trực tiếp, Hội đồng nhân dân giám sát văn bản của Ủy ban nhân dân cùng cấp. Như là Hội đồng nhân dân bãi bỏ những quyết định sai trái của Ủy ban nhân dân cùng cấp, những nghị quyết sai trái của Hội đồng nhân dân cấp dưới trực tiếp.

Tóm lại, việc bảo vệ Hiến pháp theo cơ chế hiện hành đã có sự lẫn lộn giữa quyền lập hiến và quyền tài phán4. Mặt khác, giám sát tối cao của Quốc hội lại phụ thuộc vào cơ quan của Quốc hội nên không tránh khỏi sự dựa dẫm, ỷ lại trong việc thực hiện nhiệm vụ bảo hiến.

có thể nói, Giám sát việc thi hành Hiến pháp, bảo đảm tính tối cao của Hiến pháp trong hệ thống pháp luật cũng chính là bảo vệ một trong những nguyên tắc cơ bản của Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam của nhân dân, do dân và vì nhân dân. Nhiều tham luận của các nhà nghiên cứu khoa học đã phân tích rõ việc giám sát bảo vệ hiến pháp ở Việt Nam khác với nhiều nước trên thế giới là không giao cho một cơ quan chuyên trách có chức năng giám sát và bảo vệ hiến pháp (như Tòa án Hiến pháp, Hội đồng Bảo hiến...) mà được giao cho nhiều cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Ở Việt Nam đã hình thành một cơ chế bảo hiến với thiết chế và nội dung giám sát Hiến pháp tương đối cụ thể, trong đó vấn đề quan trọng nhất là giám sát và bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp của các văn bản quy phạm pháp luật. Tuy nhiên, ở nước ta chưa có một cơ chế nào để giám sát chính hoạt động của Quốc hội và giám sát tính hợp hiến của các đạo luật, nghị quyết do Quốc hội ban hành. Vì vậy, việc nghiên cứu để đề xuất giải pháp hữu hiệu phục vụ việc tiếp tục hoàn thiện cơ chế giám sát và bảo vệ Hiến pháp ở Việt Nam đặt ra như một yêu cầu cấp thiết.
 

VnKienthuc lúc này

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top