- Xu
- 458
Ở Việt Nam, đã có rất nhiều học giả nghiên cứu và dịch thơ Đỗ Phủ: Tản Đà, Ngô Tất Tố, Trần Trọng Kim, Nhượng Tống, Hoàng Duy Từ, Hoàng Trung Thông, Nam Trân, Trương Chính,Trần Trọng San, Lê Nguyễn Lưu, Nguyễn Hà, Ngô Văn Phú …; tôi chủ yếu là một thầy giáo có trách nhiệm và cơ hội được sử dụng thành quả đó cú để chuyển tới các thế hệ học sinh, sinh viên và một phần các độc giả, thính giả yêu thơ ca cổ điển ở Việt Nam những tinh hoa của vị “thánh thơ” qua thể nghiệm của một người tự học. Tôi đã được giao trách nhiệm viết phần Đỗ Phủ trong các sách giáo khoa (SGK) cấp Trung học cơ sở (được sử dụng từ 1989 đến 2002), cấp Trung học phổ thông (được sử dụng từ 1990 đến 2006), trong SGK Trung học cơ sở và Trung học phổ thông (hệ Nâng cao) hiện hành, trong Giáo trình được duyệt làm Sách dùng chung của các trường Đại học Sư phạm (in năm 1987), trong Giáo trình Cao đẳng Sư phạm (ở cuốn Lịch sử Văn học thế giới Tập I), tôi cũng đã hướng dẫn một luận án Tiến sĩ về đề tài Thơ Đỗ Phủ. Ngoài SGK và Giáo trình, tôi còn viết nhiều bài bình giảng về thơ Đỗ Phủ, không ít bài nghiên cứu về thơ Đường, giảng Chuyên đề Thi pháp Thơ Đường ở Trường viết văn Nguyễn Du và cho các lớp đào tạo Sau đại học và Trên đại học, nói chuyện 7 buổi về thơ Đường ở Đài Phát thanh tiếng nói Việt Nam, trong đó sử dụng rất nhiều tư liệu về thơ Đỗ Phủ, đề cập nhiều vấn đề liên quan đến nội dung và nghệ thuật của thơ Đỗ Phủ.
Với tôi, kỉ niệm 1300 năm năm sinh của Đỗ Phủ là cơ hội quý báu ghi lại những hồi ức và kỉ niệm ấm lòng về vị thánh thơ mà tôi vô cùng khâm phục và hàm ơn; khâm phục là dĩ nhiên vì đúng như cuốn Từ điển Bách khoa Mĩ nổi tiếng nhất đã nhận định, Đỗ Phủ là “Nhà thơ Trung Quốc thường được xem là vĩ đại nhất của mọi thời” (Chinese poet, often considered the greatest of all time” (Britanica CONCISE Encyclopedia 2006, trang 890); hàm ơn là vì trong giảng dạy, hoạt động cũng như trước không ít tình huống đa dạng trong cuộc sống, cuộc đời cũng như tác phẩm của vị thánh thơ có khi bất chợt đã giúp tôi vượt qua một cách nhẹ nhàng. Người ta bói Kiều có lẽ vì trước hết mọi tình huống và giải pháp (có khi chỉ ở dạng tiềm năng hoặc mang tính chất ảo tưởng) hầu như đã có đủ trong Truyện Kiều; Thơ Đỗ Phủ cũng vậy. Cứ mỗi lần gặp khó khăn, thường là trong truyền đạt kiến thức hoặc diễn đạt một ý tưởng tế nhị hoặc phức tạp là tôi lại nghĩ tới Đỗ Phủ bằng lời nhủ thầm ít nhiều pha chút hài hước và trịch thượng: “Đỗ Phủ đâu rồi mau cứu tớ?”...
Cơ duyên đến với Đỗ Phủ
Điều lý thú là con nhà khoa bảng, có 14 anh chị em thì 13 đã hoạt động trong 3 ngành giáo dục, y tế và giao thông, nhưng người đầu tiên tạo cơ duyên cho tôi tiếp xúc với Đỗ Phủ lại là bà chị Phương Thảo, người suốt đời hoạt động đoàn thể! Năm 1944, lúc mới 10 tuổi, tình cờ tôi đọc được một bài văn của chị tôi bấy giờ đang học lớp đệ tam niên Trường Nữ học Đồng Khánh – Huế bình luận về ý kiến “Càng cùng khốn thì thơ càng hay” của Âu Dương Tu đời Tống. Đầu óc non nớt bấy giờ chưa cho phép tôi hiểu hết những lập luận của bài văn nhưng tôi vẫn còn nhớ chị tôi đã dùng hàng loạt dẫn chứng để minh họa, trong đó dừng lại khá lâu ở cuộc đời của nhà thơ Khuất Nguyên với tác phẩm Li Tao và Thơ Đỗ Phủ. Ba năm sau, sau Cách mạng Tháng Tám, chị tôi được cử đi học một lớp quân sự 6 tháng ở Quảng Ngãi. Kết thúc khóa học, khi chị về thăm nhà, điều làm tôi ngạc nhiên nhất là trong túi xách của chị có một khẩu súng lục rất xinh mà chị gọi là “browning” (sau này tôi mới biết Browning là tên người đã sáng chế ra loại súng này năm 1906). Một hôm, tôi thấy chị chọn ra tất cả các cuốn sách dày nhất trong tủ sách của gia đình và đem khẩu súng ra ướm thử về kích cỡ . Cuối cùng, chị đã chọn được một cuốn vừa ý, đóng bìa cứng rất đẹp, đó chính là tập thơ Đỗ Phủ do Nhượng Tống dịch. Sau khi chọn một cây dao thật sắc khoét dần ruột sách cho vừa chỗ đặt gọn khẩu súng vào trong, chị đã gập bìa lại, cầm cuốn sách đi đi lại lại mấy vòng, sung sướng khoái trá một cách hồn nhiên. Chẳng ngờ ông anh Khắc Dương - sau này tốt nghiệp trường Đại học Sorbonne và làm chủ nhiệm Khoa Văn - Triết Đại học Đà Lạt từ 1965 đến 1975 - từ ngoài bước vào, thấy vậy, mắng cho một trận nên thân. Cụt hứng và tính vốn hiếu thắng, chị tôi cãi lại. Thế là phụ thân tôi phải đứng ra dàn xếp. Câu chuyện này, chú Khắc Phê đã kể lại trong cuốn tiểu thuyết vừa được giải thưởng Biết đâu địa ngục thiên đường, nhưng có sửa lại một chút: cuốn Thơ Đỗ Phủ đã được thay bằng cuốn Từ điển Larousse! Từ đó cho đến những năm đầu học Đại học, tôi không hề có cơ hội tiếp xúc với Đỗ Phủ. Năm thứ ba, tôi và 3 bạn sinh viên Miền Nam từ khu học xá ở Trung Quốc về tự động tổ chức thành một nhóm học Trung văn. Giáo trình là Bộ sách Chức công thức tự khóa bản, lớp học là các toa tàu điện và hè phố từ Khu học xá Bạch Mai đến giảng đường Lê Thánh Tông! Chúng tôi ghi những chữ mới vào mẫu giấy nhỏ bỏ vào hộp diêm rút ra đố nhau trên đường đi học! Giữa học kì hai năm thứ ba, mỗi chúng tôi “tự kiểm tra” bằng cách chọn một tư liệu để dịch. Tôi chọn bài Đỗ Phủ nghiên cứu của nhà Đỗ Phủ học nổi tiếng Tiêu Địch Phi đăng trên Tạp chí Văn-Sử-Triết của Trường Đại học Sơn Đông. Năm đó, thơ Đường nằm trong phạm vi ôn thi tốt nghiệp nên bản dịch đã trở thành một tư liệu tham khảo rất bổ ích cho cả lớp. Tốt nghiệp, tôi được giữ lại trường và được GS. Đặng Thai Mai phân vào Tổ Văn học Trung Quốc. Việc đầu tiên tôi được giao là dịch một số thơ ca Lục Triều và Thơ Đường để làm Tư liệu tham khảo cho sinh viên. Tôi đã dịch một vài bài của Đào Tiềm, một số bài dân ca Nam Bắc triều, một số bài thơ của Lí Bạch và Bạch Cư Dị. Mặc dầu rất yêu Đỗ Phủ nhưng không dám nhận dịch. Tôi đem điều này tâm sự với anh Khương Hữu Dụng, nhà thơ - dịch giả lão thành. Anh Dụng cười bảo: “cậu chưa dịch được thơ Đỗ Phủ là đúng thôi, vì muốn dịch được thơ Đỗ Phủ, không chỉ đòi hỏi học vấn uyên thâm, năng lực dịch thuật mà còn phải có vốn sống sâu rộng. Cậu nên nhớ là mình phải trăn trở cả buổi mới tìm ra được chữ “trơ” để dịch chữ “tại” trong câu “Quốc phá sơn hà tại” trong bài Xuân vọng của Đỗ Phủ. Ngay chữ “phá” mà dịch là “mất” cũng chưa đạt. “Vong” mới là “mất”, còn “phá” giàu tính hình tượng hơn, nó làm cho ta nghĩ tới bức “Dư đồ rách” của Tản Đà, song chả lẽ lại dịch là Nước rách trơ sông núi!”. Nói cho rõ đặc điểm thơ Đỗ Phủ vậy thôi chứ dịch thơ văn các cây đại thụ của nước ngoài, nhất là đối với những người tự học như chúng tôi bấy giờ, không chỉ bao giờ cũng khó mà còn là có phần mạo hiểm! Song việc được giao thì phải làm và quyết tâm tự học dể làm cho tốt. Các cán bộ giảng dạy văn học Trung Quốc của Việt Nam ở các trường Đại học cũng như các giáo viên dạy phần Thơ Đường ở phổ thông, trong nửa thế kỉ qua, đã vượt qua nhiều lực cản để tiếp cận thơ Đường, thơ Đỗ Phủ tốt hơn và cũng đã truyền thụ tốt hơn những tinh hoa của thơ Đỗ Phủ. Đất nước Việt Nam đã từng trải qua nhiều cuộc chiến tranh gian khổ, cuộc sống của nhân dân cũng từng trải qua những giai đoạn điêu đứng lầm than, dân tộc Việt Nam có một truyền thống thơ ca lâu đời, một tinh thần nhân ái bao la, những nhà văn hóa lớn của Việt Nam đều am hiểu và yêu mến thơ ca cổ điển Trung Quốc, ngôn ngữ Việt Nam và ngôn ngữ Trung Quốc có một số điểm tương đồng…, đó là những điều kiện làm cho nhân dân Việt Nam có thể dễ thâm nhập vào thế giới thơ ca cổ điển Trung Hoa, trước hết là những nhà thơ tiêu biểu: Khuất Nguyên, Đào Tiềm, Lí Bạch, Đỗ Phủ, Bạch Cư Dị, Vương Duy, Tô Thức, Lục Du… Sự am hiểu thơ ca Trung Quốc trong không ít trường hợp có thể giúp hiểu thơ ca cổ điển Việt Nam sâu hơn, toàn diện hơn, có lúc còn giúp làm sáng tỏ hơn một số vấn đề lí luận, đặc biệt là những vấn đề có tính đặc thù của phương Đông.
Thâm nhập và truyền đạt tinh hoa Đỗ Phủ
Hiểu Đỗ Phủ, chúng ta có thể thấm thía hơn những dằn vặt về đạo lí “xuất xử” trong tâm sự của Nguyễn Trãi qua hai câu thơ:
Đầu tiếc đội mòn khăn Đỗ Phủ
Tay còn lựa hái cúc Uyên Minh
Chất hiện thực trong thơ chữ Hán của Nguyễn Du (trong đó có rất nhiều bài thơ làm trong thời gian đi sứ ở Trung Quốc, miêu tả những bất công, những cảnh đời bất hạnh ở chính nước sở tại) có một mối liên hệ sâu sắc với những vần thơ từng được gọi là “thi sử” của Đỗ Phủ. Không phải ngẫu nhiên mà Nguyễn Du đã ca ngợi Đỗ Phủ là “bậc thầy nghìn đời của văn chương nghìn đời” (Thiên cổ văn chương thiên cổ sư), thâm nhập thơ Đỗ Phủ tới mức “Ban đêm mộng hồn thường gửi vào thơ Đỗ Thiếu Lăng” (Mộng hồn dạ nhập Thiếu Lăng thi)
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đánh giá Đỗ Phủ là “nhà thơ rất nổi tiếng” và cũng không phải ngẫu nhiên Đỗ Phủ là một trong ba danh nhân quốc tế được Người nhắc tới trong Di chúc.
Cuộc sống hiện đại diễn tiến như vũ bão nhưng những vấn đề mà Đỗ Phủ đặt ra (chiến tranh - hòa bình, khoảng cách giàu nghèo, quan tham lại nhũng…) vẫn còn giữ nguyên ý nghĩa thời sự.
Đỗ Phủ đã viết nên hàng loạt câu thơ có tính kinh điển để:
+ Nói lên sự đối lập giàu nghèo đến ghê gớm trong xã hội: “Cửa son rượu thịt ôi, Ngoài đường xương chết rét” (Chu môn tửu nhục xú, Lộ hữu đống tử cốt), từ đó ước mơ một xã hội không có đối lập sang-hèn, giàu- nghèo: “Vô quý, tiện bất bi, Vô phú, bần diệc túc”.
+ Tố cáo chủ trương gây chiến tranh xâm lược của triều đình:
“Biên cương máu chảy thành biển cả, Mở cõi nhà vua ý chưa bỏ” (Biên đình lưu huyết thành hải thủy, Vũ hoàng khai biên ý vị dĩ)
“Đất vua đà rộng lắm, Sao mở cõi không thôi?” (Quân dĩ phú thổ cảnh, Khai biên nhất hà đa?), từ đó nêu lên một quan niệm tiến bộ về lãnh thổ: Liệt quốc tự hữu cương (Các nước đều có biên cương của mình) và thổ lộ khát vọng hòa bình mãnh liệt: “Ước có tráng sĩ kéo giòng Ngân, Rửa sạch khí giới mãi không dùng” (An đắc tráng sĩ vãn Thiên hà, Tịnh tẩy giáp binh trường bất dụng) .
Dưới cái nhìn sắc sảo của Đỗ Phủ, trong xã hội đương thời, chiến tranh xâm lược và áp bức bóc lột là hai hiện tượng gắn bó chặt chẽ với nhau:
“Nghèo đến xương còn lo thuế khóa
Lệ đầm khăn những tủi can qua!”
(Dĩ tố trưng cầu bần đáo cốt, Chính tư nhung mã lệ doanh cân) Lại gửi Ngô lang -Hựu trình Ngô lang
Do đó, ước mơ hòa bình ở Đỗ Phủ luôn gắn liền với ước mơ xóa bỏ nền chính trị hà khắc:
“ Ước được cày bừa, hết chiến chinh
Khắp trời không quan cướp tiền dân!”
(Mộng ngày - Trú mộng)
Nếu xóa bỏ chiến tranh còn là giấc mơ xa vời thì “Khắp trời không còn quan lại ngang nhiên vòi tiền dân” (Phổ thiên vô lại hoành sách tiền) là một mơ ước gần gũi hơn, vì có thể và đã trở thành hiện thực ở những nơi, những lúc đã diệt trừ được cơ bản tệ tham nhũng.
+ Khẳng định những lí tưởng sống tốt đẹp, những phẩm chất cao quý của con người:
“Quanh năm lo cho dân đen
Thở than nóng cháy cả gan ruột”
(Cùng niên ưu lê nguyên, Thán tức trường nội nhiệt)
“Tùng non hận chẳng cao nghìn thước
Trúc xấu cần nên chém vạn cây!”
(Tân tùng hận bất cao thiên xích, Ác trúc ưng tu trảm vạn can).
Trong sự nghiệp sáng tác của Đỗ Phủ, bên cạnh mảng thơ có giá trị như một tập “thi sử với những bài thơ hết sức nổi tiếng như Binh xa hành, Lệ nhân hành, Từ Kinh qua Phụng Tiên vịnh hoài năm trăm chữ, Bắc chinh, hai chùm thơ Tam lại, Tam biệt…, những vần thơ trữ tình chất chứa tình cảm riêng tư với những bài thơ đặc sắc nhưNguyệt dạ, Xuân vọng, Đăng cao, 8 bài Thu hứng, 5 bài Vịnh hoài cổ tích, Đăng Nhạc Dương lâu, Giang Hán, Giang Nam phùng Lí Quy Niên…, đều đặc biệt có giá trị. Do cuộc đời của tác giả ở nhiều thời kì như “hạt bụi hòn than” lăn lóc khắp các nẻo đường đất nước, do tình cảm của nhà thơ ngày càng gắn bó sâu nặng với dân chúngnên những vần thơ nói lên cảnh ngộ cá nhân, tình cảm riêng tư cũng có ý nghĩa xã hội sâu sắc, vì “Lời rằng bạc mệnh cũng là lời chung”, dẫu rằng cho đến những giờ phút sống cực kì gian khổ cuối đời, ông vẫn chưa thể thành một “nhà thơ dân đen” thực thụ. Bên cạnh những vần thơ trữ tình phong cảnh thấm đẫm không khí đau thương của thời đại, lại có những vần thơ miêu tả phong cảnh thiên nhiên rất mực tươi sáng, đặc biệt là hàng chục chùm thơ tuyệt cú sáng tác trong thời kì cuối đời tác giả sống ở Thành Đô. Trong SGK phổ thông, chúng tôi đã cho học sinh học hoặc đọc thêm những bài như vậy. Học sinh rất thích vì dễ hiểu, tình cảm tươi sáng, đặc biệt là bài tuyệt cú Đi bộ một mình tìm hoa ven sông (Giang bạn độc bộ tầm hoa):
Phiên âm:
Hoàng Tứ nương gia hoa mãn khê
Thiên đa vạn đa áp chi đê.
Lưu liên hí điệp thời thời vũ
Tự tại kiều oanh kháp kháp đề.
Tạm dịch:
Quanh nhà cô Tứ hoa đầy lối
Ngàn đóa muôn bông ép trĩu cành.
Lưu luyến tung tăng vờn lũ bướm
Thung dung thánh thót hót hoàng oanh.
Theo nhiều nhà nghiên cứu, thiên tài của Đỗ Phủ thâu tóm ở chữ “gộp”. “Gộp”, theo nhà nghiên cứu Phan Ngọc, “tức là thơ Đỗ Phủ thâu tóm được toàn bộ các thể loại ở mức cao nhất với ngôn ngữ trau chuốt nhất, đa dạng nhất và kỉ luật chặt chẽ nhất” (Đỗ Phủ - Nhà thơ thánh với hơn một nghìn bài thơ. NXB Văn hóa Thông tin. Trung tâm văn hóa ngôn ngữ Đông Tây. H, 2001, tr.757). Chính do tính chất “gộp” đó, nên khi giảng chuyên đề Thi pháp thơ Đường, chúng tôi thường ưu tiên chọn dẫn chứng ở thơ Đỗ Phủ. Dĩ nhiên, “ưu tiên” không phải là “chỉ”, vì thơ Đường muôn màu vẻ, mỗi nhà thơ lớn đều có thế mạnh riêng. Lí Bạch viết về “trăng” nhiều nhất nhưng bài thơ viết về “trăng” hay nhất phải là bài “Đêm trăng trên sông xuân” của Trương Nhược Hư. Nói về thơ tình, trước tiên phải kể đến Lí Thương Ẩn. Đỗ Phủ rất mạnh về thơ bát cú Đường luật và cổ thể chứ không phải là người làm thơ tuyệt cú hay nhất mặc dầu có một số bài tuyệt cú của Đỗ Phủ cũng có thể gọi là tuyệt tác. Trong chuyên đề Thi pháp Thơ Đường, chúng tôi không ngần ngại nêu ra những ý kiến khác nhau về thơ tuyệt cú của vị thánh thơ để cho sinh viên trao đổi. Đã có không ít người chê thơ tứ tuyệt của Đỗ Phủ. Theo họ, thơ tứ tuyệt của Đỗ Phủ nhìn chung có 3 nhược điểm lớn: một là “thực” quá, mà thơ, nhất là thơ tứ tuyệt, có lung linh huyền ảo mới hay: hai là “trực” (thẳng)quá, mà thơ tứ tuyệt có “quanh co khúc khuỷu” mới hay, nói như Viên Mai trong Tùy Viên thi thoại, “không cong chẳng nên văn”; nhược điểm thứ ba, hệ quả của hai nhược điểm trên là “trọng” (nặng) quá. (Xem: Trần Bang Viêm: Thử bàn về chỗ hay dở trong thơ tuyệt cú Đỗ Phủ trong sách Đường nhân tuyệt cú giám thương tập, Bắc Nhạc Văn nghệ xuất bản xã, Sơn Tây, 1990, tr.220 - 224). Dĩ nhiên, cũng có ý kiến ngược lại, cho rằng thơ tuyệt cú của Đỗ Phủ đã đánh dấu một bước quan trọng trong quá trình phát triển của thơ tứ tuyệt đời Đường.
Để nói lên niêm luật chăt chẽ của thơ Đường luật, không gì tốt hơn là dựa vào thơ Đỗ Phủ. Tuy nhiên, chúng tôi cũng cho sinh viên biết những “ảo cú” (những câu không đúng luật đọc lên nghe không thuận tai), thậm chí những bài “ảo luât”. (cả bài có nhiều câu không theo luật) trong sáng tác của Đỗ Phủ. Chẳng hạn như ở câu thứ hai trong bài Đi bộ một mình tìm hoa ven sông vừa dẫn, để làm nổi bật hình ảnh muôn hoa ép trĩu cành, Đỗ Phủ đã sử dụng điệp ngữ “đóa” và đặt 2 tiếng có thanh trắc ở vị trí chữ thứ hai và thứ tư của câu: Thiên đa vạn đa áp chi đê. Dịch thành “ngàn đa muôn bông” nghe thuận tai vì đúng luật song thực ra là không trung thành với thanh điệu của nguyên bản. Thậm chí có lúc, do yêu cầu tối cao của sáng tác thơ là không được “để cho từ làm hại ý”, Đỗ phủ đã viết những câu thơ toàn thanh “bằng” như câu đầu trong bài thơ thứ nhất của chùm thơ Mười bài tuyệt cú Quỳ Châu ca: Trung Ba chi đông Ba Đông sơn.(Núi Ba Đông phía đông vùng Trung Ba - Khi Lưu Chương chiếm cứ đất Thục, đã chia miền đất này thành 3 vùng: Trung Ba, Tây Ba, Đông Ba).
Người ta thường nói đến bố cục “đề, thực, luận, kết” trong một bài bát cú Đường luật và hướng triển khai ý thơ theo mô hình “khai, thừa, chuyển, hợp” của một bài tuyệt cú Đường luật; người ta cũng thường nói đến mô hình ngắt nhịp 4/3 ở thơ thất ngôn và 2/3 ở thơ ngũ ngôn, song khảo sát tác phẩm Đỗ Phủ, ta thấy hoàn toàn không phải như vậy. Luật thơ là sự tổng kết của thực tiễn sáng tác thơ, song sự tổng kết ấy có quá trình diễn biến, và dù khi luật đã tương đối ổn định, cũng cần phân biệt mô hình và sự trình diễn, vận dụng mô hình nhiều khi mang rất đậm các yếu tố sáng tạo của cá nhân. Phân tích hầu hết những bài thơ bát cú Đường luật tiêu biểu của Đỗ Phủ, nếu theo mô hình “đề, thực, luận, kết” thì sẽ không phù hợp: với những bài này, mô hình thích hợp hơn là 4/4 như Kim Thánh Thán đã đề xướng. Người ta cũng thường nói đến kết cấu chặt chẽ trong thơ Đường, đặc biệt là thơ Đỗ Phủ, song cần thấy sự chặt chẽ đó thường không phải đọc qua là thấy. Như ở bài Nguyệt dạ, đang nói về vợ bỗng đột ngột chuyển qua nói về con, tưởng như lạc đề nhưng thực ra là đi sâu hơn vào chủ đề. Tô Triệt, em của Tô Thức đời Tống, gọi kiểu kết cấu như vậy ở thơ Đỗ Phủ là “núi liền, đỉnh đứt” (“liên sơn đoạn lĩnh”). “Tuy (đỉnh) cách nhau cực xa nhưng cảnh tượng liên thông với nhau, người xem vẫn biết cái lòng mạch là một”.(Tuy tương khứ tuyệt viễn nhi khí tượng liên lạc, quan giả tri kì mạch lí chi vi nhất dã. Thi bệnh ngũ sự.) “Đỉnh đứt” là cách nói hình ảnh chỉ “chỗ trống” (không bạch) trong thi họa cổ điển Trung Hoa. “Đỉnh đứt” là một loại tín hiệu thẩm mĩ độc đáo, đó là chỗ cho nhà nghiên cứu, người thưởng thức tìm tòi, suy ngẫm để phát hiện ra cái “mạch liền”, tính chỉnh thể của tác phẩm. Một số giáo viên nói đoạn trích “Những trò lố hay là Va- ren và Phan Bội Châu” trong SGK cực hay nhưng khó phân tích. Trong một cuốn sách tham khảo, chúng tôi đã so sánh kết cấu đoạn trích này với kết cấu bài Thạch Hào lại của Đỗ Phủ. Tên đề thơ là Thạch Hào lại nhưng Đỗ Phủ không cho tên lại nói câu nào mà chỉ để bà lão dốc bầu tâm sự nhưng người đọc vẫn thấy rõ hai “chỗ trống”, hai chỗ “đứt” trong chuỗi lời của bà, từ đó hiện lên một cách sinh động tiếng quát tháo, thái độ hống hách của tên nha lại. Cũng vậy, ở đoạn trích của Nguyễn ái Quốc, tác giả không để cho Phan Bội Châu phát ngôn – nói đúng hơn, Phan Bội Châu không thèm nói, cũng không thèm nghe, không thèm nhìn Va- ren, người đang nói– mà chỉ để cho Va- ren thao thao bất tuyệt, nhưng qua chuỗi lời của y, vẫn lộ ra hai chỗ “trống”, hai chỗ “đứt”, từ đó hiện lên một cách rõ nét phẩm chất cao thượng của Phan Bội Châu, thái độ khinh bỉ đối với tên toàn quyền Va-ren. Nhiều giáo viên đã tỏ ra rất tâm đắc với sự so sánh bất ngờ và thú vị nói trên. Dĩ nhiên, cũng có thể tiếp cận Thạch Hào lại của Đỗ Phủ và đoạn trích của Nguyễn Ái Quốc bằng phương pháp lí giải “lượt lời” của “hành động nói” theo ngôn ngữ học hiện đại.
Nói về tính chất cô đọng, súc tích của thơ Đường, dẫn chứng tiêu biểu nhất vẫn là những câu thơ đã trở thành kinh điển của Đỗ Phủ, nhà thơ chủ trương phải trau chuốt ngôn từ tới mức “Tự bất kinh nhân tử bất hưu” (Chữ chửa kinh người chết chửa thôi). Để làm nổi bật cái thần của mùa xuân thời loạn ở Thủ đô Trường An, Đỗ Phủ chỉ cần dùng 5 chữ: Thành xuân, thảo mộc thâm. Tả cảnh Thủ đô mà chỉ nói “thảo mộc”, chứng tỏ mọi thứ đã bị tàn phá; cây cối mọc lên um tùm, loạn xạ nên không thể dùng chữ “vinh” (tươi tốt) hoặc “thanh” (xanh). “Thâm” là một chữ rất khó dịch vì quá cô đọng, hàm súc, một chữ mà nói được cả 2 ý: mùa xuân, thời loạn, lại là mùa xuân thời loạn ở một thành phố lớn!
Hiểu sâu Thơ Đỗ Phủ, ta có thể nắm được hầu như mọi đặc trưng của Thơ Đường và hơn thế, có thể hiểu sâu hơn nhiều vấn đề của thơ ca Trung đaki và cả thể loại thơ nói chung.
Đỗ Phủ trong tôi
Tôi xin dành phần cuối nhắc lại một cách tản mạn vài kỉ niệm thật sự có tính chất riêng tư để khẳng định rằng Thơ Đỗ Phủ quả đã gây nên một âm vang sâu lắng, thường xuyên trong tâm hồn tôi.
Tôi vốn không có năng khiếu thơ, nhưng do yêu cầu của nghề nghiệp, phải thường xuyên dịch thơ nên rồi dần dà cũng làm một vài bài. Không có năng khiếu thì bước đầu phải học lỏm, nói cho sang một chút là bắt chước các cụ xưa làm theo lối “tập cổ”.
“Nhân sinh thất thập cổ lai hi” trong bài Khúc giang của Đỗ Phủ là mô-tip tôi thường sử dụng mà không ngại trùng lặp. Năm ông anh cả là Nguyễn Khắc Viện thọ 70 tuổi, tôi đã làm một bài thơ thất ngôn bỏt cỳ tặng anh:
Với người là tuổi cổ lai hi
Với Bác phải chăng tuổi diệu kì?
“Thân thể phát phu” tuy tổn thất
“ Đạo nhà liêm chính” chẳng suy di…
Tôi viết 2 câu đầu như thế là vì lúc ở Pháp bị lao phổi, anh đã phải cắt một phổi rưỡi và 7 xương sườn, lần mổ thứ 7, giáo sư Pháp nói anh tối đa chỉ sống được 3 năm, song nhờ luyện tập khí công, anh còn sống thêm được gần nửa thế kỉ! Đọc đến 2 câu tiếp, vô cùng kinh ngạc, anh hỏi tôi: Vì sao chú viết được 2 câu này? Tôi đáp: “Năm 1949, anh gửi thư về nhà, Thầy (tức thân phụ tôi) có cho em xem, em còn nhớ như in mấy dòng thư sau: “Một làn da một sợi tóc bố mẹ trao cho mà không giữ được nguyên vẹn thật là bất hiếu, song đạo nhà cần kiệm liêm chính thì không bao giờ suy suyển!” (Câu nói của người xưa: “Thân thể phát phu, phụ mẫu thụ chi, bất khả hủy thương”). Anh Viện rất thích bài thơ của tôi nên lại “tập cổ” thơ tôi, tức gián tiếp “tập cổ” Đỗ Phủ, làm một bài thơ họa lại và kết thúc một cách hài hước: “Bao giờ lão mới chịu “ra đi”?. Đến năm tôi 70 tuổi, tôi lại dùng mô tip ấy viết bài tự họa:
Thuở xưa là tuổi cổ lai hi
Bảy chục đời nay đã thấm gì?
Tính nết lắm bà còn đỏng đảnh,
Thân hình nhiều cụ vẫn phương phi!...
Dĩ nhiên là theo bố cục 4/4, 4 câu sau tôi nói về mình.
Khi SGK, trong đó có sách môn Ngữ văn bị nhiều người góp ý, tôi cũng lại dùng công thức ấy để biểu bạch tâm sự:
Giáo khoa toàn bích cổ lai hi
Nên chuyện khen chê có lạ gì!
Cốt ở vấn đề sai hoặc đúng
Sá gì thái độ thị cùng phi!....
Nhắc đến bài Khúc giang, tôi không thể không nhớ lại một sự kiện đau lòng trong lần tôi vào dạy Đại học Cần Thơ năm 1977. Tôi vừa đến trường thì nghe một tin buồn: em N.T.A.Đ, sinh viên lớp tôi sẽ dạy, một sinh viên xinh đẹp, ngoan ngoãn, học giỏi, làm thơ hay, vừa qua đời vì một căn bệnh hiểm nghèo. Sáng hôm sau lên lớp, tôi cảm thấy bối rối vì không biết mở đầu bài giảng như thế nào. Chả lẽ lại bắt đầu bằng một lời chia buồn? Chả lẽ lại thờ ơ vô cảm? Trong giây lát, một câu thơ trong một bài thơ khác của chùm thơ Khúc giang vụt qua trong đầu. Thế là tôi đã mở đầu buổi lên lớp đầu tiên bằng những lời sau: “Trên đời có những sự vật nhỏ nhoi, bình thường nhưng chúng ta không thấy giá trị của nó. Đến khi không còn nữa, thì mới biết nó quý giá chừng nào. Trong chùm thơ Khúc giang của nhà thơ Đỗ Phủ, ngoài câu thơ mà Bác Hồ dẫn trong Di chúc, còn có một câu thơ nữa rất hay được mọi người truyền tụng:Nhất phiến hoa phi giảm khước xuân (một cánh hoa rơi làm cho vẻ xuân kém đi). Tôi chưa kịp bình luận và cũng chưa biết bình luận ra sao thì hầu như cả lớp không nén nổi xúc động, không ít em nước mắt đã ràn rụa hoặc khóc thút thít, một lúc sau tôi mới có thể đi vào nội dung bài giảng.
Trong những năm giảng dạy phần thơ Đường ở các trường đại học, tôi thường tổ chức Câu lạc bộ thơ Đường để tạo điều kiện cho sinh viên phát huy tinh thần chủ động sáng tạo trong học tập, đồng thời qua đó, có thể kiểm nghiệm kết quả giảng dạy của mình qua những bản dịch thơ Đường của sinh viên, những bài viết về các đề tài nhỏ do sinh viên tự chọn, những sáng tác thơ, thậm chí cả sáng tác nhạc quanh những chủ đề liên quan tới thơ Đường, và dĩ nhiên trong số đó, có những bài viết về Đỗ Phủ mà tôi hiện còn lưu giữ. Ngay sau khi đọc bài viết đầu tay trên ghế trường đại học của Chu Văn Sơn về bài Binh xa hành của Đỗ Phủ, tôi đó khẳng định ngay tài năng “điều khiển” chữ nghĩa của cậu sinh viên trẻ này, điều mà Tiến sĩ Sơn sau này đó nhắc lại trong một bài viết ở Tạp chí Văn học và Tuổi trẻ. Bài bình tác phẩm Đăng cao của Vũ Tuyết Nhung ở Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 đã làm cho tôi thực sự kinh ngạc và sau đó không lâu tôi đó sử dụng nguyên vẹn bài viết đó trong một cuốn Tư liệu tham khảo Văn học lớp 10. Tôi cũng thuộc nhập tâm ngay bài Đọc thơ Đỗ Phủ của sinh viên Nguyễn Lâm Điền trong buổi Câu lạc bộ về thơ Đường ở Đại học Sư phạm Vinh năm 1975. Đây là một bài thơ họa song Nguyễn Lâm Điền vẫn làm nổi bật được những nét nhất về Đỗ Phủ và hơn thế, còn chỉ ra thái độ, phương pháp cần có khi tiếp nhận thơ Đỗ Phủ:
Đọc thơ Đỗ Phủ ngẫm từng trang
Từng chữ, từng câu nghĩa đá vàng.
Ngàn áng thơ ca tràn nhựa sống
Một bầu nhiệt huyết tỏa hào quang.
Nước, dân hai chữ hằng ôm ấp
Trung, hiếu đi bên vẫn rõ ràng.
Nhòa lệ luống thương người thuở trước
Dòng Tương nuốt hận kiếp lang thang!
Càng nghiên cứu Thơ Đỗ Phủ, tôi càng thấm thía lời nhận xét của nhà thơ Khương Hữu Dụng: muốn hiểu sâu thơ của Đỗ Phủ phải có vốn sống sâu rộng. Mặt khác, vì thơ Đỗ Phủ bắt nguồn một cách sâu sắc từ cuộc sống, nên nhiều khi trước một tình huống cụ thể, một bài thơ nào đó, một tứ thơ hoặc một đoạn thơ, câu thơ nào đó vẫn có tiềm năng gợi cho ta nhiều liên tưởng bất ngờ, thú vị.
Sau khi đế quốc Mĩ thực hiện cuộc chiến tranh phá hoại ném bom Miền Bắc một thời gian, do hoàn cảnh gia đình, anh Lương Duy Thứ xin chuyển ra Đại học Sư phạm Việt Bắc ở Thái Nguyên, vợ anh, chị Vũ Thị Yến, tạm thời phải chuyển về Hải Phòng sống với bố mẹ. Chiến tranh phá hoại ngày càng lan rộng, Thái Nguyên, Hải Phòng đều nằm trong diện đánh phá ác liệtnên anh chị có rất ít cơ hội gặp nhau. Một lần tôi về Hải Phòng thăm người thân, Yến gặp tôi nói: “Khi thầy giảng 2 câu thơ Phong hỏa liên tam nguyệt, Gia thư để vạn kim (Khói lửa liền ba tháng, Thư nhà đáng bạc muôn) trong bài Xuân vọng, em chưa thấy hay nhưng bây giờ thì không những đã thấy hay mà còn thấy vô cùng thấm thía”. Tôi bảo: “Đó chưa phải là câu thơ hay nhất của Đỗ Phủ viết về chiến tranh đâu! Chiến tranh có lẽ còn kéo dài, đến lúc đó, chắc Yến sẽ thấy những câu thơ này hay hơn, thấm thía hơn: Từ gửi một phong thư, Nay đã mười tháng đủ, Lại sợ thư trả lời, Nỗi lòng sao thế hử?” (Thuật hoài). Tôi khẳng định được thế, vì trong những ngày giảng dạy ở Đại học Sư phạm Vinh, tôi đã từng chứng kiến nhiều sinh viên, đặc biệt là những em quê ở Quảng Bình, Vĩnh Linh lên văn phòng Khoa nhận thư nhà mà tay run bần bật vì không biết trong đó chứa tin lành hay dữ! Đầu năm 1968, tôi được mời lên dạy văn học Trung Quốc ở ĐHSP Việt Bắc. Phần giảng của tôi kết thúc ở bài Thơ Đường, đúng lúc gần đến Tết Mậu Thân. 1967 là năm quân ta đã thu được nhiều chiến thắng vang dội. Không biết có phải là do trực cảm hay không, mà tôi đã mở đầu phân tích bài Văn quan quân thu phục Hà Nam, Hà Bắc của Đỗ Phủ như sau: “Muốn thấy được hết cái hay của bài thơ này về tất cả mọi mặt, cần phải đặt mình vào tâm cảnh của người cán bộ Miền Nam tập kết khi nghe tin Huế, Sài Gòn… được giải phóng…”. Từ Đại Từ về Phú Lương, nơi sơ tán của cơ quan vợ tôi, chỉ 5 ngày sau, đêm giao thừa tết Mậu Thân, tức đêm 30, rạng ngày 31 – 1 năm 1968, tôi đã được nghe tin loan báo cuộc tập kích chiến lược đã diễn ra, không phải chỉ 2 địa điểm như trong bài thơ Đỗ Phủ, mà là đồng loạt ở 36 trong 44 tỉnh của Miền Nam Việt Nam! Năm 1976, tôi được chuyển ra Hà Nội. Năm đó, Khoa Văn ĐHSP Vinh đề nghị tôi chọn một bài bình giảng để đưa vào cuốn Giảng văn sắp xuất bản. Tôi đã chọn ngay bài phân tích tác phẩm Nguyệt dạ của Đỗ Phủ. Anh Phan Trọng Luận cho đó là bài viết hay nhất của tập sách và hỏi tôi: “Vì sao cậu viết có hồn thế?”. Tôi trả lời ngay: “Vì Đỗ Phủ đã nói thay cảnh ngộ, tâm sự, tình cảm của tôi trong thời chiến. Trong sự biến An Lộc Sơn, gia đình Đỗ Phủ sơ tán về Phu Châu, còn Đỗ Phủ thì bị giam lỏng ở Thủ đô Trường An, tình thế rất nguy hiểm. Thế nhưng qua Nguyệt dạ, Đỗ Phủ không hề nghĩ tới mình mà chỉ nghĩ về vợ và con ở nơi an toàn hơn… Tôi không bị ai “giam lỏng” nhưng ở Nghệ An vào những ngày tháng đó cũng thật là gian khổ. Thế nhưng quả là nhiều khi tôi cũng quên cả mình mà chỉ nghĩ tới vợ và những đứa con thơ dại. Nếu thay chữ “Phu Châu” bằng “Thăng Long” và “Trường An” bằng “Nghệ An” thì có thể ghi tên tôi là tác giả của bài thơ đấy. Anh thấy có đúng không?”
Gần đây, trong những lần đi công tác tại Trung Quốc, tôi có thử làm một số bài thơ chữ Hán, trong đó có 2 bài trực tiếp hoặc gián tiếp có liên quan tới Thơ Đỗ Phủ. Năm 1999, tôi có dịp đến thăm Nhà Kỉ niệm Đỗ Phủ ở Thành Đô. Tràn ngập cảm xúc, tôi viết ngay một bài thơ tứ tuyệt vào sổ lưu niệm:
Phiên âm:
Đỗ Thiếu Lăng Thảo đường tiền cảm tác
Thử xứ tằng ngâm “sở phá ca”
Kim thiên “quảng hạ” mãn sơn hà.
Ná tri trung đại Đường thi bá
Hoàn thị Tiên tri đệ nhất gia!
Dịch nghĩa:
Cảm tác trước ngôi nhà cỏ của Đỗ Thiếu Lăng
Nơi đây (nhà thơ) đã từng làm “Bài ca nhà tranh bị gió thu phá”
Ngày nay “nhà cao rộng” tràn ngập núi sông!
Nào có biết thi hào đời Đường thời Trung đại
Còn là nhà tiên tri số Một!
Năm 2003, tôi, anh Trần Đình Sử và một số chuyên viên của Bộ Giáo dục & Đo tạo đến thăm Viện Khoa học Giáo dục Thượng Hải. Khi biết một vị lãnh đạo Viện là Giáo thụ ngành Ngữ văn, tôi đã chép tặng bài thơ nói trên. Vị ấy rất khen và nói: “Nhân dân Trung Quốc và nhân dân thế giới đã tặng cho Đỗ Phủ nhiều danh hiệu nhưng có lẽ ngài là người đầu tiên tặng cho Đỗ Phủ danh hiệu Nhà tiên tri!”
Năm 2010, Đoàn cán bộ NXB Giáo dục Việt Nam sang công tác tại NXB Đại học Vân Nam để bàn bạc việc hợp tác biên soạn và xuất bản Bộ sách học tiếng Trung Quốc. Khi biết ông Giám đốc kiêm Tổng biên tập là Giáo thụ ngành Ngữ văn, là một chuyên gia văn học Trung đại, tôi yêu cầu cô Chánh văn phòng cho một tờ giấy trắng. Các bạn không biết tôi định làm gì. Khi thấy tôi viết dòng chữ Sơ đo Vân Nam cảm tác(Cảm tác lúc mới đến Vân Nam) thì các bạn tỏ vẻ hơi ngạc nhiên vì không ngờ trong Đoàn có người biết làm thơ chữ Hán. Tôi mở đầu bài thơ bằng công thức: “ức tích” (nhớ xưa...), một vài bạn nhìn lướt qua song không tỏ thái độ gì, song khi thấy tôi viết tiếp Điền Nam (tên cũ của Vân Nam) thì hình như đã làm bạn chú ý, bạn càng chú ý hơn khi tôi kết thúc câu thơ đầu bằng 3 chữ chướng khí đa (lắm chướng khí). Câu thơ tiếp theo lại gây được sự chú ý nhiều hơn nữa: Đường binh đo thử bán tiêu ma(Quân đội nhà Đường đến đây đã hao mòn một nửa). Câu thơ này là sự kết hợp giữa một ý thơ trong bài Binh xa hành của Đỗ Phủ, cách diễn đạt của Hạ Tri Chương trong câu thứ hai của bài Hồi hương ngẫu thư thứ hai và nhận xét của sử gia Tư Mã Quang đời Tống về cuộc chiến tranh hao người tốn của do Đường Huyền Tông tiến hành ở Vân Nam. Thật ra nói vậy là còn nhẹ hơn nhận định của Tư Mã Quang. Nhà sử học cho biết (tất nhiên có thể có phần phóng đại) là khi quân nhà Đường đến Vân Nam, do quá nhiều chướng khí, trước khi khi giao chiến, mười phần đã chết bảy! Sợ bạn nghĩ mình có ý gì khác, viết xong 2 câu này, tôi giải thích: “Tôi biết là trong Chương trình Ngữ văn cao trung hiện hành, các bạn vẫn còn cho học sinh học bài Binh xa hành của Đỗ Phủ nên mới viết như thế. Làm 2 câu thơ này xong, tôi viết tiếp 2 câu còn lại để làm nổi bất sự thay đổi nhanh chóng của Vân Nam. Cả bài thơ như sau :
Phiên âm: Sơ đo Vân Nam cảm tác
Ưc tích Điền Nam chướng khí đa
Đường binh đáo thử bán tiêu ma.
Nhi kim các tộc giai huynh đệ?
Hạo khí xung thiên, địa mãn hoa!
Hai câu cuối ai đọc cũng hiểu, chỉ có điều cần nói thêm là thực ra, đây là lần thứ hai tôi đến Vân Nam, bốn năm về trước tôi đã đến đây trước khi lên Thành Đô. Chính vì đến lần thứ hai nên tôi mới thấy rõ được sự phát triển nhanh chóng của Vân Nam.
Dùng thơ Đỗ Phủ để nói chuyện đời, chuyện văn chương có thể coi là một kiểu “dùng điển”. Có lúc có thể và cần nói ra nguồn gốc của điển tích nhưng có khi không “để lộ nguồn” lại hay hơn vì đúng như lời dặn của Viên Mai, “Dùng điển như hòa muối vào trong nước, làm sao chỉ thấy vị muối mà không thấy chất muối”. Có lúc tôi cũng gắng thực hiện phương châm ấy. Năm 1995, đến tuổi, tôi được thôi giữ chức vụ Tổng biên tập NXB Giáo dục và chuyển sang làm chuyên viên giúp việc các anh lãnh đạo mới. Trong buổi họp mặt cơ quan thông báo quyết định này, tôi đã nói một câu làm cho mọi người thú vị nhưng có lẽ rất ít người biết là tôi đó dùng điển trong thơ Đỗ Phủ: “Tôi sẵn sàng làm con ngựa già cho anh An – Giám đốc mới và anh Ý - Tổng biên tập mới”. Chuyện Ngựa già biết đường (“lão mã thức đồ”) trong sách Hàn Phi tử kể rằng: Khi Tề Hoàn công ánh nước Cô Trúc trở về, bị lạc đường, tiếp thu ý kiến “có thể dùng cái trí của con ngựa già” (lão mã chi trí khả dụng) của Quản Trọng, Tề Hoàn công đã thả cho con ngựa già nhất đi trước rồi cả đoàn quân đi theo và quả nhiên cuối cùng đã “kiếm ra được đường” (đắc đạo). Đỗ Phủ đó sử dụng điển tích ấy một cách sinh động trong bài Giang Hán làm năm 768, chỉ 2 năm trước lúc nhà thơ qua đời. Mở đầu bài, nhà thơ tự xưng là “hủ nho”, nhưng cuối bài, đó kết thúc bằng một câu thơ đầy tự tin, lạc quan, chứng tỏ cho đến những ngày sống lưu lạc, điêu linh khốn khổ ở vùng Giang Hán, tráng chí của nhà thơ vẫn chưa bao giờ bị dập tắt:
Cổ lai tồn lão mã
Bất tất thủ trường đồ.
(Xưa nay người ta giữ lại con ngựa già bất tất là để dùng vào việc chạy đường trường)
Hôm đó, giá như tôi kể lại chuyện Tề Hoàn công và đọc câu thơ Đỗ Phủ dẫn trên thì chắc hẳn không ít người cho là tôi quá tự phụ, nhưng tôi không để lộ xuất xứ nên có lẽ không ít người lại cho tôi là cực kì khiêm tốn!
Có thể nói lần tôi lấy làm tâm đắc nhất trong việc vận dụng thơ Đỗ Phủ là khi tôi được giao nhiệm vụ viết lời giới thiệu cho một cuốn sách của Anh hùng lao động – Giáo sư Vật lí Dương Trọng Bái. Tôi đã bỏ khá nhiều công sức để dựng lên được cái thần của chân dung Dương Trọng Bái, nhưng kết thúc bài viết thế nào đây, và nhất là làm thế nào để bạn đọc biết người viết là một giáo sư văn học (để ít nhất có sai sót nhỏ nào đó về khoa học tự nhiên cũng dễ được lượng thứ!), lại là văn học Trung Quốc? Một lần nữa, Đỗ Phủ lại xuất hiện và vị thi thánh đã giúp tôi viết được một lời kết thúc “có cánh” như sau:
“Gương mặt mọi anh hùng đều đẹp song mỗi gương mặt đều có dáng vẻ riêng; phẩm chất mọi anh hùng đều có sức cảm hóa, chinh phục song kiểu cảm hóa, chinh phục ở mỗi người một khác. Giáo sư không thích nói về mình, cũng không muốn ai nói về mình. Chính phẩm chất cao quý đó đã tác động một cách sâu sắc tới các bạn đồng nghiệp, đến các thế hệ học trò. Thánh thơ Đỗ Phủ từng viết hai câu thơ rất hay tả mưa đêm xuân: “Tùy phong tiềm nhập dạ, Nhuận vật tế vô thanh” (Theo gió kín đáo về trong đêm, Từng giọt nhỏ âm thầm thấm vào muôn vật). Đỗ Phủ không thể ngờ rằng hơn một nghìn hai trăm năm sau, ở Trung Quốc, hai câu thơ đó đã được nâng lên thành một phương châm quan trọng trong việc cảm hóa, thuyết phục quần chúng! Đặc trưng phẩm chất anh hùng của Giáo sư Dương Trọng Bái thểhiện qua ba phần của cuốn sách này cũng như mọi ứng xử đời thường gợi cho tôi liên tưởng tới vẻ đẹp thầm lặng, sức lan tỏa nhẹ nhàng, sâu rộng của những giọt mưa đêm xuân mà nhà thơ lớn đời Đường đã khắc họa” (Dương Trọng Bái – con người và sự nghiệp giáo dục. NXB Giáo dục. 2006, Hà Nội, trang 19).
Qua thể nghiệm của bản thân, tôi nghĩ rằng hồi ức và kỉ niệm về Đỗ Phủ của nhiều vị tham dự hội thảo này còn phong phú hơn nhiều. Ngoài những nét tương đồng, những kỉ niệm và hồi ức về Đỗ Phủ hẳn có những nét riêng. Nhà nghiên cứu Phan Ngọc, sau khi đã chữa nhan đề của công trình nghiên cứu trước đây mà không ít người cho là không ổn – Đỗ Phủ, nhà thơ dân đen, trong công trình mới đ?ợc bổ sung và hoàn chỉnh vẫn mạnh dạn tặng cho nhà thơ nhiều danh hiệu mới và kết thúc bài viết của mình bằng bài thơ Kính dâng thi hào Đỗ Tử Mĩ dài đến 50 câu. Nhắc đến hiện tượng này, tôi lại bùi ngùi nhớ tới chị Bội Trâm, người bạn học cùng lớp ở đại học đã bỏ học nửa chừng do sự cố xẩy ra đối với chồng, đã tặng tôi tập Thơ Phùng Quán (NXB Văn học, H, 2003) trong có bài thơ Đêm Nghi Tàm đọc Đỗ Phủ cho vợ nghe dài đến 92 câu, một bài thơ có thể nói là đầm huyết lệ.
Trong một bài thơ sáng tác cuối đời, nhà thơ từng trăn trở:
Bách niên ca tự khổ
Vị kiến hữu tri âm!
(Nam chinh)
Song, như ta đã thấy, những nghệ sĩ lớn của nhân loại, có thể là “đương niên khô cảo” (khô héo lúc sinh thời) nhưng nhất định trước sau “danh dương vạn thế? (danh tiếng sẽ được nêu cho muôn đời). Những nhận xét của hậu thế về nhà thơ đàn anh Lí Bạch nói trên hẳn cũng chính xác với cả chính Đỗ Phủ và những cuộc hội thảo khoa học về thơ Đỗ Phủ là một bằng chứng hùng hồn nói rằng Đỗ Phủ không bao giờ thiếu những kẻ “tri âm”!
Theo Nguyễn Khắc Phi*
Sửa lần cuối bởi điều hành viên: