• Chào mừng Bạn tham gia Diễn Đàn Kiến Thức tổng hợp No.1 VNKienThuc.com - Định hướng VN Kiến Thức
    -
    HÃY TẠO CHỦ ĐỀ KIẾN THỨC HỮU ÍCH VÀ CÙNG NHAU THẢO LUẬN

[Hỏi] Phân tích những bất cập và hạn chế về điều kiện ly hôn. Giải pháp hoàn thiện.

[Hỏi] Phân tích những bất cập và hạn chế về điều kiện ly hôn. Giải pháp hoàn thiện.

Cảm ơn các bạn.

Mình cần nhiều tài liệu làm bài tiểu luận. Cảm ơn sự chia sẻ và giúp đỡ!
 
Góp ý

Gia đình là tế bào của xã hội, là cái nôi nuôi dưỡng con người, là môi trường quan trọng hình thành và giáo dục nhân cách, góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Gia đình tốt thì xã hội mới tốt, xã hội tốt thì gia đình càng tốt.

Ở nước ta, Luật Hôn nhân và gia đình đã được ban hành từ năm 1959 và chỉ được áp dụng ở miền Bắc xã hội chủ nghĩa, sau ngày hòa bình lập lại đã được Quốc hội điều chỉnh lại và thay thế từ năm 1986. Luật Hôn nhân và gia đình năm 1986 đã góp phần rất lớn trong việc xóa bỏ những phong tục tập quán lạc hậu về hôn nhân và gia đình. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển của xã hội, kinh tế ở nước ta, Luật Hôn nhân và gia đình năm 1986 đã bộc lộ nhiều vấn đề không còn phù hợp; vì vậy ngày 9 tháng 6 năm 2000, Quốc hội khóa X kỳ họp thứ 7 đã ban hành Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 thay thế cho Luật Hôn nhân và Gia đình năm 1986. Luật có 13 chương 110 điều và có hiệu lực từ ngày 01 tháng 01 năm 2001. Qua 12 năm thực hiện, Luật Hôn nhân và gia đình đã chứng tỏ được nhiều ưu điểm tích cực, góp phần phát huy vai trò trong việc xây dựng gia đình hạnh phúc, tiến bộ. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện Luật vẫn còn một số hạn chế bất cập, không phù hợp với thực tiễn như sau:
1. Vấn đề áp dụng tập quán trong quan hệ hôn nhân và gia đình

Tại khoản 1 Điều 3 Luật Hôn nhân và gia đình quy định trách nhiệm của Nhà nước và xã hội: “Vận động nhân dân xoá bỏ phong tục, tập quán lạc hậu về hôn nhân và gia đình, phát huy truyền thống, phong tục tập quán tốt đẹp thể hiện bản sắc của mỗi dân tộc; xây dựng quan hệ hôn nhân và gia đình tiến bộ”, và Điều 6 Luật đã khẳng định: “Trong quan hệ hôn nhân và gia đình, những phong tục, tập quán thể hiện bản sắc của mỗi dân tộc mà không trái với những nguyên tắc quy định tại Luật thì được tôn trọng và phát huy”. Tuy nhiên, trên thực tế việc áp dụng phong tục, tập quán để giải quyết vẫn còn nhiều kẻ hở, hiệu quả chưa cao, còn nhiều bất cập trong việc áp dụng phong tục tập quán trong quá trình xét xử giữa các Tòa án với nhau; chưa có quy định thống nhất về quan điểm, về các nguyên tắc và điều kiện đặt ra trong áp dụng phong tục, tập quán

2. Quy định về điều kiện kết hôn (điều kiện về tuổi kết hôn, về sự tự nguyện trong kết hôn và các trường hợp cấm kết hôn)
Theo khoản 1 Điều 9 Luật Hôn nhân và gia đình quy định độ tuổi kết hôn đối với nam từ hai mươi tuổi trở lên, đối với nữ từ mười tám tuổi trở lên. Như vậy, theo quy định này thì chỉ cần nam bước sang tuổi hai mươi, nữ bước sang tuổi 18 là đủ tuổi kết hôn. Việc quy định độ tuổi kết hôn trong Luật là chưa thống nhất với Bộ luật Dân sự, Bộ luật Tố tụng dân sự.

Theo quy định của Bộ luật Dân sự thì người chưa đủ 18 tuổi là người chưa thành niên. Người từ đủ mười sáu tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi khi xác lập, thực hiện giao dịch dân sự phải được người đại diện theo pháp luật đồng ý, trừ giao dịch nhằm phục vụ nhu cầu sinh hoạt hàng ngày phù hợp với lứa tuổi hoặc pháp luật có quy định khác. Đồng thời, theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự thì đương sự là người từ đủ mười tám tuổi trở lên mới có đầy đủ năng lực hành vi tố tụng dân sự. Như vậy, nếu cho phép người chưa đủ 18 tuổi kết hôn không những tạo ra sự thiếu thống nhất, đồng bộ trong hệ thống văn bản pháp luật mà còn hạn chế một số quyền của người nữ khi xác lập các giao dịch, hạn chế quyền yêu cầu ly hôn (phải có người đại diện).

3. Quy định về căn cứ xác định tài sản chung của vợ chồng, tài sản riêng của vợ hoặc chồng, quyền và nghĩa vụ của vợ chồng đối với tài sản chung và tài sản riêng, quyền của các bên trong giao dịch có đối tượng là tài sản chung của vợ chồng, tài sản riêng của vợ hoặc chồng.

- Luật Hôn nhân và gia đình quy định chưa rõ ràng về chế độ sở hữu của vợ chồng, thiếu cơ chế công khai minh bạch về tài sản chung, tài sản riêng. Sự không minh bạch này gây hậu quả không an toàn cho các giao dịch dân sự liên quan đến người thứ ba. Luật chủ yếu đề cập đến vấn đề đất đai, còn các tài sản khác như chứng khoán, tài sản trong doanh nghiệp thì chưa được đề cập tới, gây khó khăn trong quá trình giải quyết tranh chấp.

- Điều 25 Luật Hôn nhân và gia đình quy định vợ hoặc chồng phải chịu trách nhiệm liên đới đối với giao dịch dân sự hợp pháp do một trong hai người thực hiện nhằm đáp ứng nhu cầu sinh hoạt thiết yếu của gia đình. Quy định này chưa đảm bảo về quyền lợi của người thứ ba. Trên thực tế phát sinh nhiều giao dịch do một bên vợ hoặc chồng thực hiện, không phải thực hiện nhu cầu sinh hoạt thiết yếu của gia đình nhưng lợi ích thu được cũng phục vụ cho nhu cầu chung của gia đình như: tiền thu được từ chơi hụi (họ) được dùng để mua nhà, đất cho gia đình.

4. Quy định về quyền, nghĩa vụ về nhân thân và tài sản giữa cha mẹ và con, giữa các thành viên trong gia đình

- Theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình thì ông bà, cha mẹ có nghĩa vụ và quyền thương yêu, chăm sóc, nuôi dưỡng. Con cháu có bổn phận yêu quý, kính trọng, biết ơn, hiếu thảo với ông bà, cha mẹ. Mặc dù các chế định này được quy định trong nhiều văn bản khác nhau nhưng trong thực tế không ít trường hợp ông bà, cha mẹ ngược đãi con cháu và ngược lại nhưng lại không có chế tài đủ mạnh để đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật trong vấn đề này. Do đó, đề nghị nên có quy định xử phạt mang tính nghiêm khắc hơn để điều chỉnh vấn đề này.

- Luật Hôn nhân và gia đình chưa phân định rõ đâu là quyền đâu là nghĩa vụ giữa cha mẹ và con, giữa các thành viên trong gia đình. Việc quy định như trong Luật là chưa chặt chẽ, khó có thể xác định nghĩa vụ bắt buộc cần phải thực hiện.

5. Quy định về căn cứ xác lập quan hệ cha mẹ con (dựa trên sự kiện sinh và nhận nuôi con nuôi), vấn đề mang thai hộ

- Khi người phụ nữ yêu cầu xác định cha cho con; về nguyên tắc họ phải chứng minh một người đàn ông nào đó là cha của đứa bé, họ có nghĩa vụ phải cung cấp chứng cứ, nếu cần thiết có thể yêu cầu giám định gen và họ phải chịu chi phí giám định gen. Quy định này chưa thật sự phù hợp, chưa đảm bảo nguyên tắc bình đẳng giới. Bởi khi sinh con ngoài giá thú, người phụ nữ đã chịu rất nhiều sự thiệt thòi từ khi mang thai, sinh con và nuôi con một mình, bên cạnh đó là sự trốn tránh trách nhiệm của người cha đứa trẻ. Việc họ yêu cầu xác định cha cho con là một quyền chính đáng. Nếu họ không xuất trình được đầy đủ chứng cứ để chứng minh quan hệ cha con và phải yêu cầu giám định gen, trong trường hợp này nếu người đàn ông nào đó được xác định là cha của đứa trẻ thì người đó phải trả chi phí giám định hoặc ít nhất thì là một phần chi phí giám định vì đó là trách nhiệm chung của hai người với tư cách là cha, là mẹ của đứa trẻ.

- Trong trường hợp cặp vợ chồng vô sinh đã đồng ý bằng văn bản là nhận tinh trùng của người khác để người vợ sinh con thì sau này người chồng đương nhiên là cha của đứa trẻ mà họ không được quyền yêu cầu xác định đứa trẻ đó không phải là con mình. Quy định này cần được quy định cụ thể trong Luật hoặc các văn bản hướng dẫn thi hành nhằm đảm bảo quyền lợi của người vợ và con.

- Vấn đề mang thai hộ: Pháp luật nước ta chưa công nhận việc mang thai hộ. Tuy nhiên, trên thực tế vấn đề mang thai hộ đã diễn ra. Xét về mặt pháp lý, thỏa thuận giữa người nhờ và người nhận mang thai hộ là loại thỏa thuận gì? Những thỏa thuận này có trái với quan niệm đạo đức truyền thống không? Biện pháp pháp lý ràng buộc các bên và chế tài pháp lý trong trường hợp không thực hiện hoặc thực hiện không đúng thỏa thuận? Chưa có quy định nào điều chỉnh vấn đề này.

6. Quy định về ly hôn (căn cứ ly hôn, đường lối giải quyết các trường hợp ly hôn, hậu quả pháp lý của ly hôn)

- Điều 86 Luật Hôn nhân và gia đình quy định khuyến khích việc hòa giải ở cơ sở khi vợ, chồng có yêu cầu ly hôn. Tuy nhiên, thực tế hiện nay tình trạng ly hôn xảy ra ngày càng nhiều gây ảnh hưởng lớn đến gia đình và xã hội. Đồng thời, việc hòa giải ở cơ sở cũng góp phần hạn chế tình trạng ly hôn. Do đó, thủ tục hòa giải ở cơ sở nên là thủ tục bắt buộc khi ly hôn.

7. Quy định về hôn nhân có yếu tố nước ngoài (đặc biệt quy định về kết hôn có yếu tố nước ngoài)

- Để bảo vệ quyền lợi của người phụ nữ cần có quy định về cơ chế bảo vệ các cô dâu Việt Nam ở nước ngoài. Đồng thời, quy định thêm vai trò, trách nhiệm của các đoàn thể, tổ chức xã hội, vai trò của gia đình, quy định về trang bị kiến thức cơ bản cho các cô gái kết hôn với người nước ngoài.

Mặt khác, hoạt động kinh doanh môi giới kết hôn nhằm mục đích trục lợi của một số tổ chức, cá nhân diễn ra dưới nhiều hình thức trá hình tinh vi. Nhiều trường hợp môi giới kết hôn đã hạ thấp phẩm hạnh của người phụ nữ Việt Nam, xâm phạm nghiêm trọng thuần phong, mỹ tục của dân tộc, ảnh hưởng đến uy tín quốc gia. Phần lớn những người phụ nữ Việt Nam trước khi ra nước ngoài sống cùng chồng đều chưa được tư vấn đầy đủ, thiếu những hiểu biết cần thiết về pháp luật, ngôn ngữ, phong tục tập quán của nước sở tại. Do đó, cần có những chế tài mạnh để xử lý nghiêm những trường hợp kinh doanh môi giới kết hôn nhằm mục đích trục lợi của một số tổ chức, cá nhân.

- Vấn đề công nhận việc kết hôn được đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền của nước ngoài trong thời gian qua khá nhiều, đặc biệt là các trường hợp kết hôn tại cơ quan có thẩm quyền của Hàn Quốc. Thực tế trong quá trình giải quyết hồ sơ, qua phỏng vấn hai bên nam nữ yêu cầu công nhận việc kết hôn không giao tiếp được với nhau bằng một ngôn ngữ chung, không biết gì về hoàn cảnh của nhau, thậm chí mới gặp gỡ một lần... Qua đó cho thấy việc kết hôn còn gượng ép, chưa nhằm mục đích xây dựng gia đình nhưng không có cơ sở từ chối do chưa có căn cứ pháp lý để từ chối không ghi chú kết hôn.

- Về thủ tục đăng ký kết hôn: Theo quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 13 Nghị định số 68/2002/NĐ-CP ngày 10 tháng 7 năm 2002 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài (được sửa đổi tại khoản 3 Điều 1 của Nghị định số 69/2006/NĐ-CP) thì đối với người kết hôn là công dân Việt Nam đang định cư tại nước ngoài thì giấy tờ chứng minh còn độc thân là xác nhận tình trạng hôn nhân do cơ quan có thẩm quyền mà người xin kết hôn đang cư trú cấp. Như vậy, trong trường hợp trước khi xuất cảnh họ đã đủ tuổi kết hôn, thì pháp luật hiện hành không có quy định người đăng ký kết hôn cần phải có xác nhận tình trạng hôn nhân tại Ủy ban nhân dân cấp xã nơi họ có hộ khẩu thường trú trước khi xuất cảnh. Do đó, thực tế đã có trường hợp họ đã kết hôn trước khi xuất cảnh, hay có hôn nhân thực tế, sau đó quay về tuyên thệ là chưa kết hôn để tiếp tục kết hôn. Do đó, cần phải có quy định đối với trường hợp kết hôn là công dân Việt Nam đang định cư tại nước ngoài trước khi xuất cảnh đã đủ tuổi kết hôn thì phải có xác nhận tình trạng hôn nhân tại Ủy ban nhân dân cấp xã nơi họ có hộ khẩu thường trú. Trường hợp xác lập quan hệ vợ chồng trước ngày 3 tháng 01 năm 1987 ở Việt Nam thì phải có giấy tờ chứng minh đã chấm dứt quan hệ hôn nhân đó bằng bản án hay quyết định ly hôn đã có có hiệu lực pháp luật (nếu đã ly hôn) hoặc Giấy chứng tử (nếu vợ hoặc chồng của họ đã chết).

Từ những bất cập trong việc thực hiện Luật như trên, Luật Hôn nhân và gia đình cần sớm được tiến hành sửa đổi, bổ sung nhằm khắc phục những hạn chế chưa phù hợp, tạo cơ sở pháp lý quan trọng cho việc phát triển gia đình Việt Nam sau này./
 

Chủ đề mới

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top