Hội chứng... “Xuân tóc đỏ”

ButNghien

Học tập suốt đời!
Thành viên BQT
Xu
46
Đúng vào dịp kỷ niệm 70 năm ngày mất nhà văn Vũ Trọng Phụng, thời gian gần đây lại rộ lên thông tin trên các trang báo về việc một người có tên Vũ Trọng Khanh tự xưng là con trai duy nhất của nhà văn còn sống tại nước ngoài.

Sự kiện này đã làm cho ông Nghiêm Xuân Sơn là chồng của bà Vũ Mỵ Hằng - con gái độc nhất của nhà văn Vũ Trọng Phụng hết sức tức giận và trưng ra nhiều chứng cứ chi tiết, để chứng tỏ thông tin trên là không đúng sự thật. Một vài nhà nghiên cứu văn học cũng vào cuộc, ngỏ ý sang tận nước Mỹ để làm rõ trắng đen.

Thế nhưng, bình tĩnh mà nói, câu chuyện về “người con trai” Vũ Trọng Phụng không có gì mới mẻ. Bởi, đây có thể được xem là một hội chứng xã hội - khi mà xung quanh chúng ta còn có rất nhiều “Xuân tóc đỏ” vẫn còn không ngừng tiếp tục lây lan...

Còn nhớ, năm 1970, nhà văn Vũ Bằng có bài viết kể về “người con trai độc nhất” của nhà văn Vũ Trọng Phụng sống cầu bơ cầu bất trên mảnh đất Sài Gòn. Câu chuyện như sau: “Ông bạn tôi ghiền á phiện. Trong những ngày ra vào tiệm hút ông có gặp một thanh niên chừng hai mươi lăm, hai mươi sáu cũng ghiền, mặt mũi phương phi, lúc hút tạm đủ rồi thường nằm bắt chân chữ ngũ ngâm thơ chửi đời... Gạn hỏi thì người thanh niên cho biết, anh chửi như thế là do truyền thống của bố anh để lại cho, mà bố anh là ai? - Thế mà các cậu không biết sao? Các cậu quê một cục. Cả Sài Gòn này, còn ai không biết tôi là con trai Vũ Trọng Phụng...”. Nghe câu chuyện, người bạn đã vô cùng xúc động, tìm gặp Vũ Bằng để trách, vì sao đã thờ ơ với hoàn cảnh “người con trai độc nhất” của một nhà văn tài năng như vậy.

Thế nhưng, Vũ Bằng chẳng những là bạn chơi thân với Vũ Trọng Phụng từ thuở nhỏ, mà ông còn là người có mặt bên cạnh nhà văn khi hấp hối, “thấy quanh đi quẩn lại không có ai ngoài người vợ hiền và đứa con gái còn nhỏ tuổi...”. Do đó, khi nghe câu chuyện, Vũ Bằng biết ngay là một tên bịp để làm chuyện xấu xa. Ông hẹn gặp mặt “người con trai độc nhất” của nhà văn Vũ Trọng Phụng. Khi vừa nghe ông nói toạc ra sự thật và những ý nghĩ giận dữ không kìm chế được, thì người thanh niên này lập tức biến mất.

Lần thứ hai, theo nhà văn Hoàng Hải Thuỷ, vào những năm đầu tiên sau ngày đất nước thống nhất, có lần, Phù Hư - một người bạn văn nghệ ghé nhà ông nói: “Anh có muốn gặp con trai ông Vũ Trọng Phụng không? Anh ta mới ở Hà Nội vào. Muốn gặp thì sáng mai đi với tôi”.
Tại một tiệm cà phê trên vỉa hè, đúng giờ hẹn, người tự nhận là con trai của nhà văn Vũ Trọng Phụng đến. Người thanh niên trắng trẻo, đẹp trai, mặt mũi sáng sủa, bận bộ đồ bà ba đen mới may. Nhìn qua, Hoàng Hải Thuỷ đoán biết, chắc anh không phải là dân Sài Gòn. Ông nói với anh thanh niên: “Tôi tưởng ông Vũ Trọng Phụng không có con trai?”. Rất lễ phép, và có vẻ đầy đủ thẩm quyền, anh ta nói: “Thưa bác... Bố cháu có cháu và em gái cháu. Tên cháu là Vũ Trọng Khanh”. Sau ly cà phê, vài điếu thuốc lá, rồi chia tay với Vũ Trọng Khanh, Hoàng Hải Thuỷ chỉ nhận xét: “Ngoài việc xưng là con trai nhà văn Vũ Trọng Phụng, người nói tên mình là Vũ Trọng Khanh không ba hoa chích chòe khoe khoang, không nói lời gì với ý định lừa gạt hay lợi dụng. Anh cũng không hỏi nhà chúng tôi, không nói chỗ anh ở, công tác anh làm, không hẹn gặp lại. Từ đấy tôi không gặp lại anh, tôi cũng không nghe ai nói đến anh”. Tuy nhiên, Hoàng Hải Thuỷ cũng chú ý một điều: “Năm 1975, 1976 tôi 40 tuổi, người tự nhận là Vũ Trọng Khanh, con trai nhà văn Vũ Trọng Phụng, trạc 30 tuổi. Nếu anh là con ông Vũ, anh phải ra đời trước năm 1939 là năm ông Vũ từ trần, ít nhất anh phải ra đời trong những năm 1934, 1935, năm 1975 anh phải gần 40 tuổi, anh phải già, phải via tông-keng bằng tôi, anh không thể trẻ đến như thế. Tôi không tin anh là con nhà văn Vũ Trọng Phụng nhưng tôi chẳng bắt bẻ anh làm gì...”.

Lần thứ ba, về trường hợp của ông Vũ Trọng Khanh đang được dư luận bàn tán hiện nay, cũng chính Hoàng Hải Thủy đang ở hải ngoại cho biết: “Những năm 2000, 2001, tôi nghe nói: Ở San José có người nhận là con trai Nhà văn Vũ Trọng Phụng, tên là Vũ Trọng Khanh. Tôi nghe qua rồi bỏ. Tự nhiên tôi không tin nhân vật Vũ Trọng Khanh San José 2000 là nhân vật Vũ Trọng Khanh tôi gặp năm 1975, 1976 trên vỉa hè đường Gia Long, Sài Gòn”.

Đến tháng 2.2008, Hoàng Hải Thuỷ lại nghe nói nhiều đến ông Vũ Trọng Khanh. Song trên màn ảnh truyền hình SBTN năm 2008 không phải là anh thanh niên Bắc Kỳ đẹp trai Vũ Trọng Khanh mà ông đã gặp ở Sài Gòn đầu năm 1976. Ông nói: “Trước sau, trong vòng 40 năm, tôi thấy cuộc đời này có hai ông Vũ Trọng Khanh. Ông Vũ Trọng Khanh thứ nhất tôi được gặp, được nói chuyện ở Sài Gòn sau năm 1975 không có chức vụ, không cấp bậc gì cả, ông Vũ Trọng Khanh thứ hai tôi chỉ được nhìn thấy dung nhan trên màn hình Internet trong cuộc phỏng vấn của hệ thống Truyền thông SBTN được giới thiệu là Vũ Lăng và có cấp bậc trong quân đội”.
Cùng với việc giới thiệu sai về trật tự thời gian từ nhà thơ Nguyễn Bính cho đến nhiều nhân vật khác thì việc Vũ Trọng Khanh tự giới thiệu về mình với nhiều chi tiết không thể tin được thì cũng đủ biết ông là ai. Vậy thì có nên bàn nữa chăng về cái gia thế “người con trai độc nhất” mới
toanh của Vũ Trọng Phụng? Hay chỉ nên nói rằng: “Biết rồi, khổ lắm, nói mãi!”.

Số đỏ là một tiểu thuyết văn học của nhà văn Vũ Trọng Phụng, đăng ở Hà Nội báo từ số 40 ngày 7 tháng 10 1936 và được in thành sách lần đầu vào năm 1938. Nhiều nhân vật và câu nói trong tác phẩm đã đi vào cuộc sống đời thường và tác phẩm đã được dựng thành kịch, phim. Nhân vật chính của Số đỏ là Xuân - biệt danh là Xuân tóc đỏ, từ chỗ là một kẻ bị coi là hạ lưu, bỗng nhảy lên tầng lớp danh giá của xã hội nhờ trào lưu Âu hóa của giới tiểu tư sản Hà Nội khi đó.

Số đỏ với ấn bản tiếng Anh mang tên Dumb Luck do giáo sư Nguyễn Nguyệt Cầm và TS Zinoman dịch đã xuất hiện từ năm 2002, nằm trong danh sách 50 quyển sách hay nhất năm 2003 tại Mỹ.

Theo VH.vn
 

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top