Học trò 'rối như canh hẹ' với tư vấn tuyển sinh

ButNghien

Học tập suốt đời!
Thành viên BQT
Xu
46
Còn không tới 10 ngày nữa sẽ kết thúc thời hạn nộp hồ sơ đăng ký dự thi ĐH, CĐ (ngày 17/4) song nhiều thí sinh hiện rất vẫn mơ hồ thông tin chọn trường, chọn ngành. Thí sinh thực sự bị “ngợp” và bối rối trước việc có quá nhiều “kênh” tư vấn hướng nghiệp.

Từ tháng 2 đến nay, rất nhiều hoạt động tư vấn được tổ chức bởi các đơn vị khác nhau, chưa kể những buổi tư vấn do các THPT tự tổ chức. Một số ĐH, CĐ còn tư vấn trực tuyến trên trang web của trường. Thêm vào đó, hàng loạt “cẩm nang” mùa thi, sách viết về học hành, thi cử, ngành nghề cũng nở rộ tại các nhà sách, sạp báo.

Mù mờ thông tin

Những tưởng rằng như vậy, học sinh sẽ được cập nhật đầy đủ thông tin để đưa ra những lựa chọn chính xác, nhưng thực tế nhiều người vẫn “khát” thông tin. Tại điểm thu nhận hồ sơ của Sở GD-ĐT TP HCM, Trần Lệ Thùy, quê Tây Ninh lật đi lật lại quyển Những điều cần biết về tuyển sinh ĐH, CĐ 2010 mà vẫn chưa xác định nên chọn ngành nào.

“Em muốn thi ngành Chế biến lâm sản. Nhưng tham dự nhiều chương trình tư vấn tuyển sinh chỉ thấy chủ yếu giải đáp cho ngành tài chính, ngân hàng, công nghệ”, Thùy nói. Còn Minh Khang, Trường THPT Cần Thạnh, huyện Cần Giờ, TP.HCM than thở: “Các chương trình tư vấn hầu hết diễn ra trong thành phố. Chúng em ở vùng sâu, vùng xa thì ít được tư vấn tại chỗ”.


gd84baiAin.jpg


Thí sinh nộp hồ sơ đăng ký dự thi ĐH, CĐ năm 2010 ở cơ quan đại diện Bộ GD- ĐT tại TP HCM. Ảnh: Anh Dũng

Một số chuyên gia tư vấn cũng nhận định: thực tế các chương trình tư vấn tuyển sinh chưa thật sự đồng đều, không ít chương trình chỉ đơn thuần giới thiệu, quảng bá tên tuổi cho đơn vị tổ chức. Bên cạnh đó, khách mời ở từng chương trình giới hạn ở một vài trường cụ thể, nên hầu hết câu hỏi chỉ ưu tiên cho trường đó.

Theo dự báo của Bộ NN-PT-NT, nguồn nhân lực các ngành nhóm nông lâm có nguy cơ thiếu trầm trọng trong thời gian tới. Do đó, để vực dậy nhóm ngành nông lâm, bộ dự kiến sẽ đề nghị Chính phủ hỗ trợ học phí, học bổng cho sinh viên nhóm ngành này như đối với sinh viên ngành sư phạm.

Thậm chí, theo ghi nhận của chúng tôi qua một vài chương trình tư vấn được truyền hình trực tiếp, đại diện nhiều trường chỉ giới thiệu chung chung, không tư vấn cặn kẽ được những ngành nghề chủ lực, dễ tìm việc … Tham dự những chương trình như vậy, thí sinh càng thêm mù mờ và dễ bị rối thông tin.

Chênh lệch đăng ký ngành nghề

Việc tổ chức tư vấn tuyển sinh không định hướng dẫn đến mất cân đối giữa các trường, các ngành nghề.

Ông Nguyễn Quốc Cường, chuyên viên tuyển sinh Cơ quan đại diện Bộ GD-ĐT tại TP HCM, cho biết trong số hơn 2.000 hồ sơ đã nhận năm nay tập trung nhiều cho nhóm ngành kinh tế - tài chính, trong khi nhóm ngành kỹ thuật - công nghệ thưa thớt. Nhóm ngành sư phạm, xã hội - nhân văn, nông lâm cũng giảm nhiều so với năm ngoái. Điểm thu nhận hồ sơ của Sở GD-ĐT TP HCM với hơn 500 hồ sơ phần nhiều cũng thuộc về nhóm ngành kinh tế - tài chính. Tại một số THPT ở TP HCM như Nguyễn Thị Minh Khai, Nguyễn Thượng Hiền, Trần Phú, Mạc Đĩnh Chi… cũng rơi vào tình trạng tương tự.

Theo Thạc sĩ Trần Đình Lý, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ sinh viên và quan hệ doanh nghiệp ĐH Nông lâm TP HCM, hệ lụy của việc chọn ngành nghề theo trào lưu nhiều năm qua dẫn đến tình trạng thiếu người, thừa việc. “Sinh viên các ngành Chế biến thủy sản, Chế biến lâm sản, Cơ khí nông lâm… chưa ra trường đã có việc làm. Thậm chí khi làm đề tài tốt nghiệp tại các công ty, sinh viên vẫn được trả lương, nhưng vẫn ít thí sinh lựa chọn”, ông Lý cho hay.

Ông Nguyễn Văn Sang, Phó giám đốc Trung tâm Giới thiệu việc làm Thanh Niên (Thành đoàn TP HCM) cũng cho biết, các hồ sơ xin việc tồn đọng tại trung tâm nhiều nhất là các ngành thuộc khối kinh tế.

Theo Đất Việt.
 

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top