Học sinh Trung Quốc chọn du học để 'né' thi ĐH

ButNghien

Học tập suốt đời!
Thành viên BQT
Xu
46
Thi ĐH ở Trung Quốc vốn nổi tiếng bởi tính khắc nghiệt, tỷ lệ cạnh tranh cao cùng những áp lực từ phía gia đình và nhà trường. Đó là lý do tại sao ngày càng nhiều học sinh Trung Quốc chọn cách du học thay vì 'đâm đầu' vào kỳ thi này.

Hai tháng trước, khi các bạn cùng trang lứa lao vào học để chuẩn bị cho kỳ thi CĐ, ĐH “khốc liệt” ở Trung Quốc, “cạnh tranh” để có được chỗ ngồi trên hàng ghế đấu với mong muốn tiếp thu kiến thức từ thầy cô tốt hơn, thì Wang Xiao lại bình thản xuống ngồi cuối lớp. “Tôi nhường cho các bạn cùng lớp bởi thi vào ĐH chỉ là một thử nghiệm chứ không phải là một kỳ thi đối với tôi”, Wang trả lời China Daily.

Du học là ‘thượng sách’

Cậu học sinh 18 tuổi này đã cầm chắc trong tay một suất học ngân hàng và tài chính ở một trường CĐ ở Anh. Tuy nhiên, cậu vẫn quyết định tham gia kỳ thi quan trọng kéo dài hai ngày này. “Tôi không muốn vắng mặt trong một ngày trọng đại mà tôi đã chuẩn bị suốt ba năm qua, kể từ khi tôi mới bước chân vào cấp 3”, Wang cho biết.

Ước mơ của cậu là vào học quản lý và kinh tế ở ĐH Tsinghua, Bắc Kinh. “Nếu tôi đủ điểm đỗ, tôi có thể từ chối suất học ở Anh. Còn nếu giấc mơ Tsinghua của tôi không thành sự thực thì tôi cũng tự tin rằng mình có thể vượt qua mọi áp lực trong quá trình du học nước ngoài”, Wang khẳng định.

Ở các thành phố lớn tại Trung Quốc, ngày càng có nhiều học sinh PTTH tìm cách du học nước ngoài như một phương án thứ hai cho kỳ thi ĐH, vốn được miêu tả là “hàng triệu người chen chân trên một con tàu nhỏ để vượt sông”.


du-hoc-2-in.jpg


Học sinh Trung Quốc căng thẳng trong kỳ thi đầu vào ĐH. Ảnh: Xinhua

Bên cạnh việc né tránh sự khốc liệt của kỳ thi ĐH, nhiều bậc phu huynh còn phàn nàn về chất lượng kém cỏi của hệ thống giáo dục ĐH và sau ĐH ở Trung Quốc. Zhang Xiuqin, Giám đốc phòng hợp tác và trao đổi quốc tế thuộc Bộ Giáo dục Trung Quốc, cho biết năm ngoái, có tới 229.000 học sinh Trung Quốc chọn đi học ở nước ngoài, tăng 27,5% so với con số kỷ lục năm 2008. Trong đó, 210.000 học sinh đi theo diện tự túc, tăng 30% so với năm 2008.

Dai Jiagan, giám đốc trung tâm khảo thí thuộc Bộ Giáo dục, cho biết, khoảng 10,2 triệu học sinh đăng ký thi ĐH vào năm 2009, giảm 650.000 so với năm trước đó. Thậm chí, một số trường PTTH còn thành lập các lớp học đặc biệt dành riêng cho học sinh có ý định du học nước ngoài.

Ví dụ như, trường PTTH số 4 Bắc Kinh, nổi tiếng với tỷ lệ thi đỗ vào các trường ĐH hàng đầu Trung Quốc như ĐH Peking và ĐH Tsinghua, lần đầu tiên đã “thiết kế” những chương trình học riêng cho số lượng học sinh quyết định du học ngày càng tăng của trường.

‘Cơn sốt’ Havard

Những ngày đầu tháng 6/2010, nhiều bậc phụ huynh và học sinh Trung Quốc bàn tán trước “hiện tượng” Chang Shui, cô bé 17 tuổi ở Thượng Hải nhận được thông báo nhập học của trường ĐH danh tiếng Havard của Mỹ.

Nhiều tờ báo liên tục đăng bài viết về Chang Shui, tờ Shanghai Evening Post còn chạy tít bài Cô gái màu nhiệm ‘nhảy múa’ đến Harvard; thậm chí một nhà xuất bản còn tiếp cận gia đình cô bé để đề nghị viết một cuốn sách có nội dung là một cặp vợ chồng Thượng Hải chuẩn bị cho con gái cạnh tranh thành công với những học sinh giỏi nhất nước Mỹ.

Trường Trung học Qibao nơi Chang đang học năm cuối cấp cũng đưa tin này lên bảng điện tử lớn trước cổng trường. Ngày cô bé nhận được thông báo của Harvard, bằng email lúc 5h sáng ngày 2/4, các giáo viên của trường vây quanh em để cùng chụp ảnh. “Em ấy là một người nổi tiếng,” cô giáo Xiong Gongping, cô giáo đầu tiên của Chang, nói một cách kiêu hãnh.

“Em không thật sự là người nổi tiếng nhưng đúng là có nhiều học sinh khác hỏi em cách để được nhận vào trường ĐH ở Mỹ. Còn đối với các bậc phụ huynh, giấc mơ của họ là gửi con tới học tại Harvard hay Yale”, Chang bày tỏ ý kiến.

Với nhiều học sinh và các bậc cha mẹ ở Trung Quốc, Harvard là mong ước số một. Cái tên này có thể tìm thấy khắp nơi trên đất nước đông dân này, như nhà trẻ Harvard, trường đồ họa Harvard, trường thẩm mỹ Harvard. Đối với những ai muốn Harvard thật sự, có gần nửa tá đầu sách bằng tiếng Trung cho họ như Bạn cũng có thể tới Harvard: Bí quyết để vào học các trường ĐH Mỹ danh tiếng và cuốn sách bán chạy xuất bản năm 2000 Cô gái Harvard (bản dịch tiếng Việt là Em phải đến Harvard học kinh tế).

du-hoc-3-in.jpg


Nhiều bậc phụ huynh muốn gửi con sang Mỹ du học. Ảnh: Xinhua

“Ngày càng nhiều các gia đình Trung Quốc giàu có muốn gửi con sang Mỹ học và họ muốn con mình học những trường tốt nhất,” Zhou Jun, sang lập viên và giám đốc Học viện Kỹ năng Lãnh đạo, một trong số những công ty tư vấn du học, cho biết.

Khao khát được học tại những trường hàng đầu ở Mỹ không chỉ vì danh tiếng, học sinh Trung Quốc còn muốn được tiếp xúc với nhiều khía cạnh của giáo dục ĐH Mỹ như cơ hội được khám phá nhiều môn trước khi chọn chuyên ngành, tương tác với các giáo sư và những cuộc thảo luận trí tuệ cởi mở.

“Bạn không thật sự học được nhiều từ các trường ĐH ở Trung Quốc. Đỗ ĐH rất khó, nhưng khi đỗ rồi mọi việc sẽ thoải mái hơn. Em nghĩ nhiều học sinh bọn em nếu có tiền sẽ thích đi học ở Mỹ”, Zhang Haosheng, bạn cùng lớp của Chang, nói.

Hiện tại ở Harvard có 36 sinh viên Trung Quốc theo học bậc ĐH. Trong số 2.110 sinh viên được nhận cho năm học tới, có ít nhất 9 sinh viên đến từ Trung Quốc.

Học kiểu ‘phương Tây’ ở ‘phương Đông’

Đối với học sinh PTTH trên khắp Trung Quốc, ba năm chuẩn bị cho kỳ thi ĐH “sống còn” luôn luôn có nghĩa là vòng quay đồng hồ với những kỳ kiểm tra không dứt, nội quy nghiêm ngặt và áp lực về tinh thần cho cả học sinh, phụ huynh và giáo viên.

Còn đối với Chang, con đường tới Harvard bắt đầu khi em còn đi mẫu giáo và học múa. “Chúng tôi muốn cháu có một năng khiếu để phát triển nhân cách,” ông Chang Zhitao, bố cô bé và là một doanh nhân, trả lời phỏng vấn báo chí Thượng Hải.

Ông cho biết gia đình đã áp dụng phương pháp giáo dục khác biệt cho cô con gái độc nhất của họ, không dùng các phương pháp “khắc nghiệt” của nhiều phụ huynh tham vọng khác. “Chúng tôi muốn cháu phát triển ý thức về trách nhiệm và từ trách nhiệm cháu được tự do”, bố Chang nói.

du-hoc-1-in.jpg


Cô bé Chang được cha mẹ dạy theo "kiểu Tây" từ nhỏ.

Trong cuốn sách nổi tiếng Cô gái Harvard, tác giả viết rằng cha mẹ cô bắt đầu dạy chữ khi cô mới được 15 ngày tuổi và khi 10 tuổi cô luyện kỷ luật bằng cách giữ một cục đá trong tay.

Còn tuổi thơ của Chang được cô bé kể lại: “Em lớn lên khác với các bạn cùng lớp. Em dành nhiều thời gian học múa và các hoạt động ngoại khoá. Em cũng dành nhiều thời gian để học tiếng Anh”.

Ở trường trung học năng khiếu Qibao, Chang là một trong 10 học sinh đứng đầu nhưng không phải học sinh được chọn để đọc diễn văn trong lễ tốt nghiệp. Cuối tuần em thường đi biểu diễn các điệu múa truyền thống Trung Quốc với nhóm múa, thỉnh thoảng đi du lịch tới Pháp, Australia và Triều Tiên.

Tháng trước, Chang đã gặp một số bạn sẽ học cùng lớp ĐH tại một sự kiện do Câu lạc bộ Harvard tại Thượng Hải tổ chức. Giống như Chang, bạn nào cũng có tài năng đặc biệt, một em là vận động viên, một em là lãnh đạo hội học sinh và em khác rất giỏi làm trắc nghiệm.


Theo Đất việt.
 

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top