Định hướng cuộc sống, kỹ năng kiềm chế cảm xúc trước áp lực công việc, nghi thức xã giao, nghệ thuật thuyết trình, thương lượng, cách ăn, mặc, đi đứng... là những chương trình học giúp con người trở nên lịch lãm, hòa nhã đang thu hút giới doanh nhân, viên chức và nhiều bạn trẻ
Những kỹ năng cần cho đời sống
Hiện nay, nhiều cơ quan, doanh nghiệp đã nhận ra hiệu quả mang lại từ chương trình đào tạo kỹ năng sống. Lãnh đạo các đơn vị đã rót một khoản kinh phí không nhỏ đầu tư cho nhân viên theo học. Hệ thống công ty, tập đoàn bảo hiểm là những đơn vị tiên phong. Bên cạnh đó, các bệnh viện- nơi áp lực công việc rất cao - cũng mời các “bác sĩ tinh thần” về chẩn bệnh và kê toa cho nhân viên của mình. Bệnh viện Chợ Rẫy đang có chương trình hợp tác với Trường Đào tạo kỹ năng giao tiếp và Hoàn thiện nhân cách (John Robert Power Việt Nam) cho 400 bác sĩ, điều dưỡng; huấn luyện kỹ năng kiềm chế cảm xúc trước áp lực công việc và áp lực giao tiếp; kỹ năng gây thiện cảm với bệnh nhân, thân nhân người bệnh...
Nhiều giám đốc doanh nghiệp cũng đi học để hiểu được tâm lý thuộc cấp, khách hàng nhằm nâng cao hiệu quả kinh doanh. Bà Nguyễn Thị Nhàn, 45 tuổi, Giám đốc Công ty Nhàn ở Tây Ninh, đã dành 2 ngày cuối tuần và vượt đường xa hơn 100 km lên học ở Trường Đào tạo kỹ năng giao tiếp và Hoàn thiện nhân cách (khu đô thị Phú Mỹ Hưng). Bà tâm sự: “Tôi là dân quê, đi kháng chiến về. Nhà nghèo quá, cứ lao đầu vào công việc với suy nghĩ có tiền là có tất cả. Nhưng khi xây dựng được cơ ngơi, ngồi vào ghế lãnh đạo mới nhận ra mình thiếu hụt quá nhiều thứ. Từ kỹ năng giao tiếp, ăn mặc, trang điểm... cho đến cách ứng xử hằng ngày”.
Theo bà Nhàn, sau khi trải qua 3 cấp độ học, đến nay bà đã thực sự có cuộc “lột xác” từ phong cách ăn mặc, trang điểm cho đến giao tiếp, ứng xử...
Không chỉ học cách kiềm chế cảm xúc, các học viên đến lớp còn được đào tạo một kỹ năng đơn giản mà không phải ai cũng hiểu và làm được, đó là kỹ năng lắng nghe. Bạn Lê Ngọc Hạnh, sinh viên năm cuối Khoa Ngoại ngữ Đại học Mở - Bán công, cho biết: “Tuổi trẻ nặng cái tôi, tâm lý chung là muốn thể hiện mình, muốn giành phần thắng trong mọi tình huống. Điều đó khiến mình lúc nào cũng chịu áp lực và vô tình gây tổn thương cho người khác. Mình cũng đã nhiều lần thất bại trong các mối quan hệ mà không tìm ra nguyên nhân. Từ khi theo học, suy nghĩ của mình được cải thiện theo hướng tích cực, biết lắng nghe, chia sẻ. Và khắc phục thói quen cố tìm kiếm điểm yếu, hạ gục người khác để giành phần thắng”.
Anh Hoàng Thế Việt, phụ trách huấn luyện nhân viên của Công ty Bảo hiểm Prudential, cho biết: “Nóng nảy sẽ phá hỏng mọi thứ. Áp lực công việc càng nhiều con người càng dễ cáu bẳn. Và khi rèn luyện được kỹ năng kiềm chế sự giận dữ, đời sống tinh thần sẽ dễ chịu hơn, dễ cảm thông hơn khi thấy người khác nổi nóng”.
Học cả những điều bình dị
Đất nước mở cửa, nhiều cơ hội hợp tác mở ra, sự giao lưu văn hóa đòi hỏi phải học để thích ứng. Ăn uống, nói năng, đi đứng, thậm chí... bắt tay vẫn diễn ra hằng ngày trong cuộc sống. Thế nhưng, tất cả những điều ấy cũng phải qua trường lớp huấn luyện nếu không rất dễ bị coi là “lúa” trong mắt đối tác.
Có theo các học viên vào lớp, có chứng kiến cách luyện giọng để phát âm tròn, truyền cảm và diễn đạt lưu loát; kỹ năng dự tiệc, ly rượu nên cầm như thế nào, tư thế ngồi, khăn ăn, muỗng, nĩa, dao... sử dụng ra sao, hay cách chọn trang phục, cách chăm chút vẻ ngoài cho phù hợp với từng hoàn cảnh... mới thấy để trở thành người văn minh không phải dễ.
Học để tự tin, học để trang bị những kỹ năng xử lý tình huống, và điều cơ bản là học để khẳng định tư thế trong mắt sếp, khẳng định phong cách nhân viên thời... toàn cầu hóa. Bạn Quỳnh Chi, trợ lý giám đốc một công ty liên doanh, cho biết: “Mình bị... hố trong một lần bắt tay với đối tác của công ty, khi lên xe bị sếp “nhắc khéo” nên mình quyết tâm thu xếp thời gian theo học”.
Bên cạnh đó, một nhu cầu rất lớn của các “quý bà” là học để trở thành người vợ hoàn hảo, từ ăn mặc, nói năng, dáng vẻ, trang phục đến lối điều hành buổi tiệc chiêu đãi đối tác hay đồng nghiệp của chồng.
Sưu tầm