Hoàng Sa quần đảo vàng bị xâm chiếm

  • Thread starter Thread starter HTA
  • Ngày gửi Ngày gửi

HTA

New member
Xu
67
Hoàng SA quần đảo Vàng bị xâm chiếm

Quần đảo Hoàng Sa quần đảo giàu tài nguyên bị giặc Trung xâm chiếm năm 1974, chúng đã đẩy mạnh các hoạt động quân sự, và khai thác, uy hiếp nền an ninh tổ quốc, và vừa đây chúng còn diễu võ dương oai bằng việc tổ chức 30 năm ngày giải phóng Hoàng Sa thực chất là ngày xâm lựơc Hoàng Sa



Quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa được thể hiện trong Đại Nam nhất thống toàn đồ năm 1838.

Về chủ quyền của Việt Nam tại quần đảo Hoàng Sa: Luận điểm, luận cứ, luận chứng pháp lý quốc tế


Vào đầu thế kỷ XVII đến đầu thế kỷ XX, năm 1909 khi người Trung Hoa bấy giờ bắt đầu có ý đồ xâm phạm chủ quyền của Việt Nam ở Hoàng Sa mà họ gọi là Tây Sa, bằng hành động thám sát lần đầu tiên vì cho rằng quần đảo này là vô chủ, các nhà nước ở Đại Việt hay Việt Nam đã chiếm hữu thật sự, hòa bình và thực thi liên tục theo đúng nguyên tắc pháp lý quốc tế thời bấy giờ, với những chứng cứ sau đây:


Một là, với tính cách nhà nước, đội Hoàng Sa, một tổ chức bán quân sự đã được giao nhiệm vụ, riêng một mình kiểm soát qua chức năng kiêm quản đội Bắc Hải hoạt động ở phía nam biển Đông và nhiệm vụ trực tiếp khai thác định kỳ, liên tục và hòa bình các hải sản quý cùng các sản vật kể cả súng ống của các tàu đắm tại các đảo Hoàng Sa suốt thời Đại Việt, trong thời các chúa Nguyễn và thời Tây Sơn, tức từ đầu thế kỷ XVII đến năm 1801 và sau đó là thời Việt Nam thống nhất, trong buổi đầu triều Nguyễn từ 1802 đến trước 1815. Từ năm 1816, đội Hoàng Sa phải phối hợp với thủy quân. Hằng năm, đội Hoàng Sa hoạt động trong 6 tháng, từ tháng 3 đến tháng 8 âm lịch (tháng 4 đến tháng 9 dương lịch) để phù hợp với điều kiện thời tiết ở vùng biển của quần đảo Hoàng Sa.


Hai là, suốt thời nhà Nguyễn, bắt đầu từ 1816, thủy quân được giao trọng trách liên tục xác lập chủ quyền, kiểm soát, bảo vệ quần đảo Hoàng Sa.


Ba là, về mặt quản lý hành chánh, liên tục suốt trong 4 thế kỷ, từ thế kỷ XVII đến năm 1974, quần đảo Hoàng Sa được các chính quyền qua các thời đại ở Việt Nam thể hiện quyền lực tối thiểu của mình, đặt dưới sự quản lý hành chánh của Quảng Ngãi (khi là phủ hoặc là trấn hay tỉnh qua từng thời kỳ lịch sử) hoặc của tỉnh Thừa Thiên (thời Pháp thuộc) hoặc của tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng (thời chia cắt Nam Bắc) rồi đến TP Đà Nẵng (thời thống nhất đất nước). Việc xác định sự quản hạt này hoặc được ghi rất rõ trong các sách địa lý của Nhà nước biên soạn như bộ Hoàng Việt Địa Dư Chí hoặc Đại Nam Nhất Thống Chí của quốc sử quán dưới triều Nguyễn, hoặc do chính hoàng đế hay triều đình (Bộ Công) như thời vua Minh Mạng khẳng định, hoặc bằng các dụ, sắc lệnh, quyết định của chính quyền ở Việt Nam như dụ của Bảo Đại, triều đình Huế, Toàn quyền Đông Dương ở thời Pháp thuộc, hoặc tổng thống, tổng trưởng trong thời kỳ Việt Nam bị chia cắt, hoặc quyết định, nghị quyết của Nhà nước, Quốc hội thời độc lập thống nhất. Điều này khác với người Trung Hoa, chỉ xác định sự quản lý hành chánh sau năm 1909, tức vào năm 1921 và rồi vào năm 1947... có nghĩa là sau Việt Nam hơn 3 thế kỷ. Còn tất cả chỉ là suy diễn không có bằng chứng cụ thể rõ ràng.


Bốn là, bất cứ dưới thời đại nào, các nhà nước ở Việt Nam cũng có những hành động tiếp tục khẳng định và thực thi chủ quyền hằng năm như đo đạc thủy trình, để vẽ bản đồ do đội Hoàng Sa cuối thời chúa Nguyễn hay do thủy quân từ năm 1816 dưới triều Nguyễn (bộ Đại Nam Thực Lục Tiền Biên, Đại Nam Thực Lục Chính Biên hoặc Đại Nam Hội Điển Sự Lệ của Nội các, hoặc Châu bản triều Nguyễn đã ghi rất rõ). Sau này, từ đầu thế kỷ XX cho đến năm 1974, Việt Nam cũng tiếp tục tổ chức các đoàn thám sát, đo đạc, vẽ bản đồ.


Năm là, trước thời kỳ bị xâm phạm, dưới triều Nguyễn, nhất là từ năm 1836 trở thành lệ, hằng năm đều luôn luôn tổ chức xây dựng bia chủ quyền từng hòn đảo. Trong thời bị xâm phạm cũng thế, các chính quyền ở Việt Nam luôn tiếp tục cho dựng bia chủ quyền thay thế bia bị hư hỏng.


(Còn tiếp)


Tiến sĩ sử học Nguyễn Nhã


Sáu là, trước thời kỳ bị xâm phạm, các triều đại Việt Nam, nhất là thời vua Minh Mạng của triều Nguyễn đã cho dựng miếu thờ làm bằng nhà đá (đá san hô), đào giếng... Riêng tại đảo Phú Lâm, tài liệu Trung Quốc ghi có miếu ghi rõ Hoàng Sa Tự của Việt Nam.




Bảy là, dưới triều Nguyễn nhất là thời vua Minh Mạng đã cho trồng cây tại các đảo để cho thuyền bè ở đằng xa nhận thấy, tránh bị nạn. Và các nhà nghiên cứu thực vật như La Fontaine cũng thừa nhận các thực vật cây cối ở Hoàng Sa phần lớn có nguồn gốc ở miền Trung Việt Nam.


Tám là, dưới triều Gia Long như tài liệu của Gutzlaff viết trong The Journal of The Geographical Society of London, vol 19. 1849, trang 97 đã cho biết Việt Nam đã thiết lập trại binh nhỏ và một điểm thu thuế ở Hoàng Sa. Đến thời kỳ bị xâm phạm từ năm 1909, các chính quyền Việt Nam lại là chính quyền sớm nhất đã tổ chức các trại lính đồn trú ở đảo Hoàng Sa (Patlle).


Chín là, chính quyền ở Việt Nam đã cho xây trạm khí tượng đầu tiên tại đảo Hoàng Sa vào năm 1938 hoạt động trong thời gian dài cho đến năm 1974.


Mười là, trước thời kỳ bị xâm phạm, tức năm 1909, chính các hoàng đế Việt Nam như vua Minh Mạng và triều đình, cụ thể là Bộ Công đã lên tiếng khẳng định Hoàng Sa là nơi hiểm yếu trong vùng biển của Việt Nam, nằm trong cương vực của Quảng Ngãi.


Mười một là, trước khi bị xâm phạm, chưa có một hải đảo nào được nhiều tài liệu chính thức của Nhà nước, từ chính sử địa lý của Quốc sử quán triều Nguyễn như Đại Nam thực lục tiền biên, Đại Nam thực lục chính biên, hoặc địa dư như Hoàng Việt dư địa chí, Đại Nam nhất thống chí, hoặc sách hội điển, một loại pháp chế ghi những điển chương pháp chế của triều đình như Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ. Cũng chưa có một hải đảo nào tại Việt Nam lại được những nhà sử học lớn của nước Việt Nam đề cập đến như Lê Quý Đôn trong Phủ biên tạp lục (1776). Phan Huy Chú (1821) trong Lịch triều hiến chương loại chí, Dư địa chí, hay Nguyễn Thông trong Việt sử cương giám khảo lược. Đặc biệt việc xác nhận chủ quyền của Việt Nam trên quần đảo Hoàng Sa lại còn do sách của chính người Trung Hoa viết như Hải ngoại ký sự của Thích Đại Sán viết năm 1696. Đó là chưa kể nhiều tác giả Tây phương như là Le Poivre (1749), J.Chaigneau (1816 - 1819), Taberd (1833), Gutzlaff (1849)... cũng đã khẳng định rõ ràng Hoàng Sa thuộc chủ quyền Việt Nam.


Mười hai là, bản đồ An Nam đại quốc họa đồ của Giám mục Taberd trong cuốn Tự điển Việt - Latinh, nhan đề Latino - Anamiticum xuất bản năm 1838 đã ghi rõ: Paracel Seu Cát Vàng ở biển Đông. Trong khi bản đồ "An Nam” này chỉ vẽ có Paracel Seu Cát Vàng, lại không có vẽ Hải Nam của Trung Quốc trong biển Đông. Rõ ràng bản đồ An Nam đại quốc họa đồ đã minh chứng Cát Vàng (tức Hoàng Sa) chính là Paracel nằm trong vùng biển của Việt Nam.


Như thế với chức năng kiểm soát sự khai thác các sản vật ở biển Đông và những hành động cụ thể trực tiếp khai thác các sản vật của Đội Hoàng Sa, một tổ chức dân binh liên tục gần hai thế kỷ suốt từ đầu thế kỷ 17 cho đến năm 1816 cùng những hành động xác lập và thực thi chủ quyền rất cụ thể như cột mốc, dựng bia, xây miếu, trồng cây, đo đạc thủy trình vẽ bản đồ của thủy quân Việt Nam từ năm 1816 dưới sự chỉ đạo trực tiếp của vua và triều đình cũng như những lời tuyên bố của vua, triều đình nhà Nguyễn và sự quản hạt hành chính vào Quảng Ngãi từ đầu thế kỷ 17 đến đầu thế kỷ 20, tất cả là những bằng chứng hiển nhiên, bất khả tranh nghị về chủ quyền của Việt Nam tại quần đảo Hoàng Sa.


Tiến sĩ sử học Nguyễn Nhã
 

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top