HOÀNG HẠC LÂU, BÀI THƠ CUỐN HÚT NHIỀU NHÀ THƠ DANH TIẾNG.
Bài thơ Hoàng Hạc Lâu của Thôi Hiệu, là một trong những bài thơ hay trong hàng trăm vạn bài thơ Đường . Hoàng Hạc lâu, hay đến nỗi tài thơ như Lý Bạch, đến Hoàng Hạc lâu, thấy thơ của Thôi Hiệu đề trên vách, liền vứt bút, không dám đề thơ nữa . Giai thoại là thế, Lý Bạch là thi tiên của đời Đường, là người uống một đấu rượu làm một nghìn bài thơ (Lý Bạch, đấu tửu thi bách thiên) vậy mà phải vứt bút . Bài thơ Hoàng Hạc Lâu có ma lực, và cái hồn của nó hay đến nhường nào vậy ? Hoàng Hạc Lâu của Thôi Hiệu nguyên văn như sau:
Hoàng Hạc Lâu
Tích nhân dĩ thừa hoàng hạc khứ
Thử địa không dư Hoàng Hạc Lâu
Hoàng hạc nhất khứ bất phục phản,
Bạch vân thiên tải không du du
Tình xuyên lịch lịch Hán Dương thụ
Phương thảo thê thê Anh Vũ châu
Nhật mộ hương quan hà xứ thị ?
Yên ba giang thượng sử nhân sầu.
Dịch Nghĩa:
Lầu Hoàng Hạc
Người xưa đã cưỡi hạc vàng bay đi mất rồi
Lầu hạc vàng còn trơ lại đây
Hạc vàng một khi đã bay đi, không trở lại nữa
Mây trắng nghìn thu lởn vởn hoài ...
Mặt sông, lúc trời tạnh, phản chiếu cây cối Hán Dương rõ mồn một
Cỏ thơm trên bãi Anh Vũ mơn mởn xanh tươi
Trời tối rồi đâu là quê hương mình
Trên sóng khói tỏa, sóng gợn, khiến người sinh buồn.
Lầu Hoàng Hạc ở góc tây nam thành Vũ Xương tỉnh Hồ Bắc là một nơi sông núi kỳ vĩ, vời vợi, thời Thôi Hiệu làm thơ cũng là một nơi gần với cõi tiên hơn là cõi trần . Truyền thuyết cho rằng Phí Văn Vi tu luyên thành tiên, thường cưỡi hạc về nghỉ ở lầu Hoàng Hạc .Đó là nơi người trần thế đến bỗng thấy chênh vênh giữa cõi tiên và cõi tục . Bài thơ Thôi Hiệu ghi được nỗi cảm hoài của một kẻ lãng du, lãng tử, phiêu diêu giang hồ xa quê hương, muốn tìm đến một nơi cách biệt với cõi đời, nhưng cõi tiên nào thấy . Tiên chỉ còn lại trong truyền thuyết, trong nỗi khát khao . Trời đất tự nhiên đẹp đến mênh mang, hồn hậu ... Lúc đó chính là lúc lòng nhớ quê bổng trở nên da diết nhất, và một nỗi buồn trẩm lặng thăm thẳng cứ ngày một đậm đà thêm ...
Bài thơ còn hay về sự hồn hậu tự nhiên của tình cảm, từ dáng lầu không, mây trắng phủ lòa xoà, từ con sông tạnh phía xa xa, bãi cỏ thơm xanh rởn phía trước . Và âm nhạc, điệp từ trong bài thơ tạo ra một nỗi buồn sâu lắng, không sao dứt nổi .
Tản Đà đã dịch và bài dịch cho đến nay vẫn được coi là hay nhất :
Lầu Hoàng Hạc
Hạc vàng ai cưỡi đi đâu,
Mà nay Hoàng Hạc riêng lầu còn trơ.
Hạc vàng đi mất từ xưa,
Ngàn năm mây trắng bây giờ còn bay.
Hán Dương sông tạnh cây bày,
Bãi xa Anh Vũ xanh đầy cỏ non.
Quê hương khuất bóng hoàng hôn,
Trên sông khói sóng cho buồn lòng ai.
Đã có rất nhiều bản dịch thơ bài này, xin giới thiệu 2 bản dịch chọn lọc sau đây:
Người xưa cưỡi hạc bay đi mất,
Riêng lầu Hoàng Hạc vẫn còn đây.
Hạc đã một đi không trở lại,
Man mác muôn đời mây trắng bay.
Hán Dương sông tạnh, cây in thắm,
Anh Vũ bờ thơm, cỏ biếc dày.
Chiều tối, quê nhà đâu chẳng thấy ;
Trên sông khói sóng gợi buồn ai.
Bản dịch của Trần Trọng San
Cưỡi hạc người xưa đi đã lâu,
Còn đấy Hoàng Hạc chỉ trơ lầu.
Hạc vàng biền biệt từ xưa ấy,
Mây trắng lững lờ đứng mãi sau.
Sông tạnh Hán Dương cây lắng bóng,
Bãi thơm Anh Vũ cỏ tươi màu.
Chiều buồn quê cũ nơi nào nhỉ,
Khói sóng trên sông giục khách sầu.
Bản dịch của Nguyễn Khuê
Khi đi sứ nhà Thanh, Nguyễn Du cũng qua lầu Hoàng Hạc . Hẳn là ông có biết giai thoại Lý Bạch từng vứt bút không làm thơ ở đây . Nhưng Nguyễn Du, trước lầu Hoàng Hạc, lại có cảm nghĩ khác . Ông viết :
Hoàng Hạc Lâu
Hà xứ thần tiên kinh kỷ thì
Do lưu tiên tích thử giang mi
Kim lai cổ vãng Lư sinh mộng,
Hạc khứ, lâu không Thôi Hiệu thi
Hạm ngoại yên ba không diểu diểu
Nhỡn trung thảo thụ thượng y y
Trụng tình vô hạn bằng thùy tố
Minh nguyệt thanh phong dã bất tri ...
(Bắc Hành Thi Tập -Bài 64)
Dịch Thơ
Lầu Hoàng Hạc
Đâu chốn thần tiên trải mấy thì ?
Dấu tiên, bờ bến dấu còn ghi
Xưa qua, nay lại Lư sinh mộng,
Hạc cũ, lầu không Thôi Hiệu thi
Khói sóng ngoài hiên còn ngát ngút
Cỏ cây trước mắt vẫn nguyên y
Lấy ai bầy tỏ tình chan chứa
Gió mát trăng trong có biết gì!
Bản dịch của Ngô Văn Phú
Bài thơ của Nguyễn Du tỉnh hơn, nhưng đã bổ sung cùng Hoàng Hạc Lâu của Thôi Hiệu , một nỗi buồn khác . Một nỗi buồn không da diết bằng, tỉnh táo hơn, lạnh lùng hơn, nhưng sự chán nản với cuộc đòi xem ra lại đậm đặc hơn :
Xưa qua, nay lại Lư sinh mộng,
Hạc cũ, lầu không Thôi Hiệu thi.
Cảnh lầu Hoàng Hạc vẫn cứ mênh mang, vẫn cứ đẹp như thời Thôi Hiệu, mà nỗi cô đơn của Nguyễn Du, xem ra cũng đã tận cùng đỗi :
Lấy ai bầy tỏ tình chan chứa
Gió mát trăng trong có biết gì!
Buồn đến nỗi sông tạnh, cỏ thơm, trăng trong, gió mát cũng không hay biết nữa ...
Ngô Văn Phú
Nguồn: Sưu tầm