Hoàn thành thống nhất đất nước, mở rộng quan hệ quốc tế và đấu tranh bảo vệ Tổ quốc (1975-1979)

Bút Nghiên

ButNghien.com
HOÀN THÀNH THỐNG NHẤT ĐẤT NƯỚC - MỞ RỘNG QUAN HỆ QUỐC TẾ VÀ ĐẤU TRANH BẢO VỆ TỔ QUỐC (1975 – 1979)

1. Hoàn thành thống nhất đất nước

Sau đại thắng mùa xuân 1975, đất nước đã thống nhất về mặt lãnh thổ. Song, mỗi miền vẫn còn tồn tại một hình thức nhà nước khác nhau, làm cho nhiệm vụ thống nhất đất nước về mặt nhà nước vẫn chưa hoàn thành.

Xuất phát từ thực tế đó, Hội nghị BCH Trung ương Đảng lần 24 đã đề ra chủ trương đẩy mạnh việc thống nhất đất nước về mặt nhà nước.
Từ ngày 15 đến 21 tháng 11 năm 1975, Hội nghị hiệp thương giữa 2 miền Bắc Nam đã nhất trí tán thành chủ trương thống nhất của hội nghị TW lần thứ 24.

Ngày 25/4/1976, cuộc tổng tuyển cử bầu Quốc hội chung được tiến hành trong cả nước. Hơn 23 triệu cử tri đi bầu và đã bầu ra 492 đại biểu.
Cuối tháng 6, đầu tháng 7 Quốc hội mới (khóa VI) họp kì thứ nhất tại Hà Nội và quyết định:

+ Lấy tên nước là Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam, thủ đô là Hà Nội. Quyết định quốc huy, quốc kì, quốc ca và đổi tên Tp. Sài Gòn thành Tp. Hồ Chí Minh.

+ Bầu các chức vụ lãnh đạo cao cấp: Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng, Thủ tướng Phạm Văn Đồng, Chủ tịch UB thường vụ quốc hội Trường Chinh.
Như vậy, công việc thống nhất đất nước về mặt nhà nước đã hoàn thành.

Ngày 31/01/1977, tại Tp. Hồ Chí Minh, mặt trận dân tộc ở cả hai miền đã họp và thống nhất thành mặt trận tổ quốc Việt Nam.

Ngày 18/12/1980, hiến pháp nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam được Quốc hội thông qua.

2. Mở rộng quan hệ quốc tế

Việt Nam hòa bình thống nhất đã tạo điều kiện cho việc mở rộng quan hệ với các nước trên thế giới: tính đến ngày 2/7/1976, ta đặt quan hệ với 94 nước, đến 31/12/1980 tăng lên 106 nước và đến 31/12/1989 là 114 nước.

Ngày 20/9/1977, Việt Nam chính thức trở thành thành viên thứ 149 của Liên Hiệp Quốc và là thành viên của 20 tổ chức quốc tế khác.

Bên cạnh những thuận lợi đó, hoạt động đối ngoại của Việt Nam trong giai đoạn này cũng vấp phải khó khăn, thách thức lớn do chính sách bao vây cấm vận, chống phá của Mĩ và các thế lực thù địch cùng với chính sách “đóng cửa” của ta.

3. Đấu tranh bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ tổ quốc

3.1. Đấu tranh bảo vệ biên giới Tây Nam


Do có âm mưu từ trước, nên ngay sau khi giành được độc lập, tập đoàn Pôn-pốt (Khơme đỏ) ở Campuchia đã quay súng bắn vào nhân dân ta: Ngày 03/5/1975, chúng đánh chiếm Phú Quốc, ngày 10/5/1975, chúng đánh chiếm đảo Thổ Chu.

Ngày 22/12/1978, chúng huy động 19/23 sư đoàn bộ binh cùng nhiều đơn vị pháo binh, xe tăng tiến đánh Tây Ninh nhằm tiến sâu vào lãnh thổ nước ta.

Để tự vệ, ta đã tổ chức phản công và tiến công mạnh, tiêu diệt cánh quân xâm lược của địch, truy kích đến tận sào huyệt của chúng, làm tan rã đại bộ phận chủ lực của Khơme đỏ, lập lại hòa bình trên tuyến biên giới Tây Nam.

3.2. Đấu tranh bảo vệ biên giới phía Bắc

Lấy cớ Việt Nam đưa quân sang Campuchia, từ năm 1978, Trung Quốc đã cắt viên trợ, rút chuyên gia về nước và đưa quân áp sát biên giới Việt – Trung khiêu khích ta.

Sáng 17/2/1979, Trung Quốc cho 32 sư đoàn mở cuộc tiến công xâm lược 6 tỉnh biên giới phía Bắc nước ta (Từ Móng Cái đến Lai Châu).
Để bảo vệ lãnh thổ tổ quốc, quân dân ta đã chiến đấu chống kẻ thù xâm lược.

Trước sự phản công của ta và sự lên án mạnh mẽ của dư luận quốc tế cũng như nhân dân Trung Quốc, chính quyền Trung Quốc buộc phải rút quân khỏi nước ta từ ngày 05 đến 18/3/1979.

(Sưu tầm)
 

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top