Trang Dimple
New member
- Xu
- 38
Hòa ước 25-8-1883 (Hiệp ước Hác - Măng)
Trong tình hình rối loạn của triều đình sau khi vua Tự Đức chết, trong tình hình thất bại ở Thuận An dồn dập đến, triều đình Huế bị áp lực của súng đồng phải làm hòa ước mới. Giữa lúc đó tin thắng trận ở ngoại thành Hà Nội không làm triều đình phấn khởi chút nào. Triều đình sai Trần Đình Túc và Nguyễn Trọng Hợp làm chính và phó toàn quyền đến quán sứ Pháp, nói thương thuyết, chớ kì thật là đến nhận điều kiện của Hác Măng.
Theo hòa ước này thì triều đình Huế hoàn toàn thừa nhận sự đô hộ của Pháp. Tỉnh Bình Thuận bị sát nhập vào Nam Kì lục tỉnh (thuộc địa). Quân Pháp vĩnh viễn chiếm đóng phòng tuyến Thuận An và các pháo đài ở cửa sông Hương. Triều đình thừa nhận Pháp đặt ở mỗi tỉnh Bắc Kì và Thanh Hóa, Nghệ An, một viên công sự, có một đội quân Pháp trợ uy (ý định của Pháp từ nay đã tỏ rõ chia cắt Việt Nam ra làm ba, Nghệ Tĩnh trở ra Bình Thuận trở vào là thuộc địa, triều đình Huế còn lại một số tỉnh nghèo nàn, ít dân thì bị “bảo hộ”, mở cảng Xuân Đài và Đà Nẵng. Tất cả thuế thương chính của toàn bộ Việt Nam về tay Pháp quản trị. Pháp có quyền lập dây thép từ Sài Gòn đến Hà Nội qua các tỉnh. Ở Huế có một khâm sứ giám sát mọi việc của triều đình. Vua phải trực tiếp với Khâm sứ. Triều đình giao tỉnh Bình Thuận nhập vào Nam Kì thì khỏi phải trả chiến phí. Nhưng ít ra thì mỗi năm, nhà vua được lĩnh lương 2 triệu lấy trong số tiền thuế và chính thương ở Bắc Kì. Sứ giả Pháp không quên ông Bầu của sự xâm lăng: tiền của nhà băng Đông Dương đã lưu hành Nam Kì nay được lưu hành cả nước Việt Nam
Hác Măng liền trở ra Bắc Kì để tiếp tục chiến tranh. Trước khi đi, hắn xin pháp gắn huân chương cho vua Hiệp Hòa và giao cho hai sứ giả của triều đình và Trần Đình Túc và Nguyễn Trọng Hiệp (bộ trưởng bộ nội vụ và bộ trưởng ngoại giao), xin gắn huân chương cho cố Cát-pa – những kẻ “có công” với Pháp trong việc lập hòa ước nô lệ 1883 (cũng gọi là hiệp ước Hác Măng)
Hòa ước này chứng tỏ thái độ đầu hàng của phần đông bọn cầm quyền ở Huế, trừ số đông của cánh cửa quan muốn đánh. Hòa ước này không khỏi làm nhụt một phần chí khí chiến đấu của quan quân và nhân dân ở các nơi. Tuy nhiên quân dân ngoài Bắc vẫn quyết tâm đánh giặc và nhân dân Trung Nam, mặc dù không lệnh khởi nghĩa, đã tụ hợp nhau để ứng phó làm cho hòa ước Hắc Măng không được thực hiện đầy đủ (ví như ở Bình Thuận ở Thanh Nghệ Pháp không đặt công sứ được)
[Trần Văn Giàu, 2001, Chống Xâm lăng, tr 432 -433]