Hồ Xuân Hương với những khát vọng sống cá nhân

Bút Nghiên

ButNghien.com
Hồ Xuân Hương với những khát vọng sống cá nhân

Chúng tôi xin phép được tiếp cận một cách cởi mở và thăng hoa về các suy tư và cảm xúc của nữ nhà thơ Việt Nam Hồ Xuân Hương, người đã sống vào cuối thế kỷ XVIII và đầu thế kỷ XIX qua những bài thơ của bà...

Hiện tại, không ai biết được chính xác bao nhiêu bài thơ mà Hồ Xuân Hương đã viết. Mặc dù bà viết ra hàng chục bài nhưng đủ để người đọc cảm nhận biết đó là một thế giới thơ mạnh mẽ và nguyên bản, thơ bà xứng đáng được xếp vào hàng đầu của nền thi ca Việt Nam. Chính vì lẽ đó nên thơ bà đã chu du khắp thế giới.

Ở Rumani, một tập thơ được in song ngữ: Tiếng Rumani và tiếng Việt với 70 bài thơ được xuất bản năm 2006 bởi Nhà xuất bản Qilin. Đây là tập thơ đầu tiên của Hồ Xuân Hương được dịch ra tiếng Rumani, tập thơ thật sự đã mang lại niềm vui cho công chúng độc giả. Tập thơ đã đến với nhiều thư viện, nhiều cửa hàng sách để đến tay bạn đọc.

Những cảm xúc trữ tình, lãng mạn của Hồ Xuân Hương đã được tìm thấy sau những ngôn từ Rumani, đó là những vần thơ giàu thế giới nội tâm, những rung cảm của một tâm hồn lớn và của một trái tim đa cảm. Thơ của bà không giống với những gì đang hiện hữu trước đó, không sao chép lại cuộc sống, thiên nhiên mà thơ bà kiến tạo một thế giới khác, tự nhiên và đẹp đẽ hơn.

Nhà thơ giống như một nhà phù thuỷ có khả năng xuyên thấu các tri thức bí ẩn của sự tồn tại. Bà đã ghi chép lại bằng những cảm nhận và khuếch tán nó ra khắp vũ trụ để tiếp cận tới những giá trị siêu việt nhất. Về phương diện này, thơ của bà đã nâng tầm tư tưởng, hiện thực được thêu dệt thành những giấc mơ, hình ảnh trở thành biểu tượng, chuyện thường ngày trở thành huyền thoại và siêu thoát...

Thơ của bà luôn thể hiện biết bao những trạng thái của tri thức, luôn bám sát mọi chuyển động phong phú của cuộc sống; trong thơ bà người đọc cảm nhận được biết bao sự bùng nổ được dồn nén, những suy tư bất ngờ và căng thẳng và sự dâng trào từ bên trong luôn va xiết với từng bước đi của cuộc sống.

Người đọc cảm nhận được trong nhiều vần thơ của bà không chỉ được viết bằng những cảm xúc trữ tình, đầy mỹ cảm và có giá trị tư tưởng. Thơ của bà không chỉ cụ thể hoá những định hướng nghệ thuật mà vượt lên tất cả, hướng đến những nội dung xúc cảm rộng lớn, siêu thoát chứ không chỉ dừng lại ở những suy nghĩ riêng tư.

Những gì người đọc tìm thấy trong tác phẩm của Hồ Xuân Hương đó là cuộc sống, là sự tôn vinh sự sống. Bà đã khám phá ra nó và thế giới nhằm tìm kiếm sự hoàn thiện. Bà không đi trên con đường mòn có sẵn mà bà luôn tìm kiếm những câu trả lời tại những nơi mà con người cần đến để tìm được câu trả lời đúng lúc.

Thơ của bà có thể đọc như một cuốn nhật ký bằng thơ, một cuốn nhật ký được viết với một tâm hồn với những xúc cảm chân thành, không vụ lợi; đôi khi thơ của bà còn xen lẫn cả sự đau đớn...
Chủ đề quen thuộc trong thơ của bà đó là tình yêu, những giấc mơ trong sự tuôn chảy của thời gian và cuộc sống. Tôi gọi những vần thơ của nữ thi sĩ Hồ Xuân Hương đó là những sự sáng tạo bởi nỗi khát khao được sống của từng cá thể con người.

Bởi chất sống của tinh thần nữ tính đó nên bà được nhiều chuyên gia xếp bà vào hàng số 1 của nền thi ca Việt Nam. Đặc biệt, đã xuất hiện một số tài liệu trong đó cho thấy xuất hiện nhiều giai thoại lưu truyền xung quanh thơ bà...

Bà có quan hệ thân thiết với Phạm Đình Hổ (1768-1831); bố mẹ bà sinh ra tại Nghệ An, còn bà sinh ra tại Hà Nội. Bà sớm mồ côi, từ bé bà đã sớm có năng khiếu văn chương, sự say mê văn chương đã đeo đuổi bà suốt cả cuộc đời. Bà sinh ra trong một giai đoạn mà sách vở rất hiếm, bà đã say mê tìm hiểu văn học cổ Trung Quốc và Việt Nam để từ đó chắt lọc cho mình những cách viết riêng. Bà là một phụ nữ thông minh và nhạy cảm.

Bà đã hai lần kết hôn, trong đó một lần làm vợ lẽ; vì không được là vợ cả nên bà đã thể hiện sự nổi loạn bằng những vần thơ:

Chém cha cái kiếp lấy chồng chung

Hồ Xuân Hương đã sống trong một thời điểm căng thẳng về chính trị và xã hội. Đó là thời đại mà Việt Nam đang bị phân tranh bởi nội chiến: Chúa Trịnh ở phía Bắc và Chúa Nguyễn ở phía Nam...

Đó là thời đại mà các giá trị đạo đức Nho giáo không còn thiêng liêng như trước đó. Các tầng lớp trong xã hội: nông dân, tiểu thủ công, tiểu thương đều đổ xô đi tìm kiếm chức tước thông qua thi cử. Đang hình thành khuynh hướng tiểu thị dân chi phối đời sống xã hội: Bắt đầu hình thành sự nhận thức về quyền con người và hạnh phúc cá nhân. Bà làm rất nhiều thơ bằng chữ Nôm...

Hồ Xuân Hương viết trực tiếp bằng thể loại thơ thất ngôn bát cú. Ngôn ngữ thơ của bà giản dị, thể hiện trong sáng nhưng đa nghĩa.

Với sự trừu tượng của ngôn từ đã cho phép bà trình bày những khát vọng đích thực của phụ nữ, những suy nghĩ chân thành, tình yêu tự do, những rung cảm về hạnh phúc, kể cả những đòi hỏi của những ham muốn của thể xác, ham muốn về tình dục là những điều mà văn học và nghệ thuật đã đề cập xuyên suốt hàng thế kỷ nay. Với bất kể đề tài nào, thơ bà đều đạt tới sự tuyệt mỹ của nghệ thuật ngôn từ và cảm xúc.

Khi đề cập tới tình yêu, bà đã viết một cách nhẹ nhàng và lạnh lùng, hình như chính bà là người đứng ngoài cuộc chứng kiến những cặp tình nhân đang yêu nhau. Với cách tiếp cận này, thơ của bà đã trở nên trực diện hơn so với những thi sĩ cùng thời với bà, đề cập tới được những vấn đề mang tính nhân loại. Thơ của bà có thể so sánh với thơ của Francois Rabelais (1494-1553), nhà thơ Pháp thời Phục hưng. Bà đã nhìn thấy và giúp người đọc cảm nhận được đây đó, qua công việc hàng ngày, qua cảnh vật xung quanh mà làm nổi lên sự hiện hữu mang tên "phép mầu" phụ nữ; phép màu đã làm gia tăng vẻ đẹp, sự bất tử của những khát vọng khôn cùng, chính những cái đó làm nên chiếc chìa khoá của sự sống:

Trời đất sinh ra đá một chòm
Nứt ra hai mảnh hỏm hòm hom...

Nguồn cảm hứng sáng tạo của nhà thơ được hình thành từ trên mặt đất, với những suy tư sâu sắc, bà không tìm kiếm những ý tưởng từ ngoài hành tinh mà ngay trên mảnh đất mà bà đang sống, trong thế giới của những người sống xung quanh.

Thơ của bà thật hiện đại, thơ của bà không chỉ dành cho chúng ta ngày hôm nay, những con người sống cách xa bà chừng ấy năm; với sự thông tuệ, bà đã dâng tặng một vé khứ hồi của cuộc sống có lý tưởng, một cuộc sống nhằm vượt lên cái hiện thực đáng chán, đáng buồn.

Bà đặt chân lên mặt đất nhưng lại tìm cách thoát khỏi thế giới thường nhật; những tiên nghiệm của nhà thơ được cụ thể hóa qua ngôn ngữ hình thể để khiến cho tất cả mọi người đều có thể cảm nhận được. Bà luôn có mặt giữa mọi người, bà luôn có mặt khắp nơi, bà hiện diện cùng lúc với mọi biến cố và mọi ngóc ngách của đất nước.

Trong những bài thơ vịnh cảnh của bà, người đọc luôn ám ảnh bởi những hình ảnh trừu tượng. Đó là hình thức thể hiện trong thơ xuất hiện trong nửa đầu thế kỷ XX. Với cách tiếp cận đó, nhà thơ đã quay về và xuyên thấu được chân trời tiềm thức hoang sơ, những suy nghĩ nguyên sơ của những con người đang sống trong thời đại của bà; chính điều đó đã làm cho thơ bà trở nên vô cùng giá trị.

Trước một thế giới kỳ lạ của một thời gian bất định, thời gian trong thơ của Hồ Xuân Hương mang lại cho người đọc cảm giác cuộc sống đang bị đóng băng, mọi thứ đều bị tận diệt kể cả ý thức và tình cảm của con người. Còn không gian thì bị bó buộc, cầm cố đến mức không thể bứt xé ra một lối thoát nhỏ nào. Đặc điểm này chúng ta có thể tìm thấy trong những bài thơ đầu tiên của bà, những bài thơ cho thấy đó là loại thời gian kỳ lạ, thứ thời gian đẩy con người ta đến những nỗi tuyệt vọng trong một xã hội buộc con người ta phải sống.

Trong những bài thơ bao hàm những âm hưởng sâu lắng, với những điểm nhấn bí hiểm, tạo nên những khoảng tĩnh lặng của cảm xúc đã khiến cho những hình ảnh trong thơ của bà trở nên gần gũi.

Hồ Xuân Hương muốn phô bày khát vọng sống của mình, bà làm cho nó trở nên nổi bật với một bút pháp diệu nghệ, nguyên bản; điều đó đã làm cho thơ của bà luôn trở nên mới mẻ đối với người đọc, tự nhiên và giản dị. Thơ bà gây sốc người đọc bởi bà luôn dùng những ngôn từ thông tục hàng ngày, dân giã để góp phần diễn giải những ý tưởng sâu xa, mầu nhiệm.

Tóm lại, với bút pháp này đã làm cho thơ bà mang được bản sắc riêng, hàm súc về cuộc sống của chính tác giả; cộng với sự soi chiếu thông qua những hình ảnh riêng tư mầu nhiệm. Người đọc luôn bắt gặp sự chồng lấn giữa thơ và đời, giữa nhà thơ và công chuyện hàng ngày; sự nhào lộn giữa sự náo động của tâm hồn của một phụ nữ với cái được tôn vinh như là thứ cao cả nhất: Đó là tình yêu.

Trong thơ của Hồ Xuân Hương, người đọc nhận thấy đó không chỉ là những ý tưởng mang cảm thức phụ nữ, những ý tưởng của cuộc sống mà của cả thế giới đàn ông điều đó đã làm cho thơ của bà trở nên ngọt ngào.

Nhà thơ luôn hướng ngọn bút của mình đến những miền hoài cảm và hoài cổ với những gì bản chất nhất được cài cắm trong một khung cảnh tương thích, với một sự dàn cảnh bởi những yếu tố tiêu biểu của thiên nhiên và cuộc sống. Bởi nhà thơ đã có biệt tài sử dụng phép ẩn dụ nên đã làm thơ của bà ẩn giấu nhiều ý nghĩa. Thơ của bà sáng tạo nên bởi một khung cảnh ẩn dụ mang tầm vũ trụ, thơ của bà diễn tả được những gì thuộc về bản chất nhất của cuộc sống được trình bày qua những diễn biến tâm lý, chính điều đó đã làm cho thơ bà tạo nên sự cộng hưởng vang xa trong lòng người đọc. Điều đó đã làm nên một trạng thái và giá trị nguyên bản trong từng bài thơ thất ngôn, bát cú.

Như vậy, tọa độ của các giá trị thơ của Hồ Xuân Hương được đánh giá và xem xét trong bối cảnh xã hội thiên nhiên của đất nước của bà; nói cách khác, nhiệm vụ của bà là du ngoạn trong đất nước của mình để tìm cảm xúc thơ và sáng tạo ra thơ.

Qua những phân tích kể trên, qua những nhận thức triết học về thiên nhiên và cảm xúc thẩm mỹ, Hồ Xuân Hương đã nâng tầm của các suy nghĩ và cảm xúc của cá nhân bà. Chính vì vậy mà bà không chỉ là một nhà thơ lớn của Việt Nam mà bà đã chứng minh được là một trong những nhà thơ lớn của nhân loại.

Hồ Xuân Hương, nhà thơ trữ tình với những vần thơ được sáng tạo chân thành đã nâng tầm cao thẩm mỹ hướng tới những ý tưởng trong sạch.

Hồ Xuân Hương đã tự tìm cho mình một con đường riêng, với những sáng tạo rất riêng đã đạt tới đỉnh cao sáng tạo...

Hồ Xuân Hương được ghi nhận như một nhà nhân đạo chủ nghĩa, bà nhận biết được những điều được coi là bản chất nhất của cuộc sống, bà cảm nhận và chia sẻ niềm vui và nỗi đau đớn của nhân dân và những điều đó đã trở thành hạt giống ẩn dụ nghệ thuật trong thơ của bà. Bằng một bút pháp nhất quán, với sự thấu hiểu cuộc sống của con người bà đã chuyển tải trọn vẹn trong thơ của mình.

Những bài thơ của Hồ Xuân Hương thật sự mang lại cho bà niềm vinh quang vô tận, trong nhiều thế hệ, thời đại, không chỉ ở Việt Nam mà của thế giới.

CONSTANTIN LUPEANU (Rumani)
Phạm Viết Đào dịch
Nguồn: Tạp chí Nhà văn VN​
 

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top