Hồ Chủ tịch với trí thức dân chủ trong cách mạng tháng 8

  • Thread starter Thread starter Butchi
  • Ngày gửi Ngày gửi

Butchi

VPP Sơn Ca
Xu
92
Hồ Chủ tịch với trí thức dân chủ trong cách mạng tháng 8


VŨ ĐÌNH HÒE

Trích đoạn trong cuốn Hồi ký "Pháp quyền - Nhân nghĩa Hồ Chí Minh".

Ngay từ cuối tháng chín đầu tháng mười năm 1945, thực dân Pháp lăm le tái xâm lược Nam Bộ rồi toàn cõi Việt Nam. Chúng ráo riết lùng tìm số người Việt xưa làm việc cho chính quyền thuộc địa, mua chuộc lôi kéo để đặt lại bộ máy cai trị trên những miếng đất chúng mới chiếm lại được.

Trung ương Đảng Dân chủ vừa ra công khai sau Cách mạng tháng Tám (cuối tháng 9-1945) với những ủy viên mới bổ sung, vạch ngay kế hoạch xây dựng phát triển đảng, để tăng cường lực lượng trong trí thức và các tầng lớp trên ở thành thị. Trung ương Đảng Cộng sản trong chỉ thị "Kháng chiến ngày 15/11/1945" đã vạch cho các cấp ủy đảng mình: "Giúp cho Việt Nam Dân chủ đảng thống nhất" và phát triển để thu hút vào Mặt trận những tầng lớp tư sản, địa chủ yêu nước và tiến bộ".

Chủ trương của cả hai Trung ương (Dân chủ và Cộng sản) là cần thiết và hợp thời. Về phía thực dân Pháp, thì chúng đã cho người nhảy dù xuống ở nhiều nơi để liên lạc với những nhân vật trí thức Việt Nam có tiếng tăm; (Bác sĩ Nguyễn Văn Luyện ở Hà Nội chẳng hạn; ông này đã được cán bộ dân chủ vận động vào Đảng Dân chủ và đưa vào Trung ương). Đặc biệt, cùng với việc ký Hiệp định sơ bộ (6-3-1945) với Chính phủ Việt Nam, chúng đã tính đến việc lập "nước Nam Kỳ tự trị", lợi dụng trong Hiệp định có điều nói về Liên bang Đông Dương và xứ tự trị?" Thế là ngày 12 tháng 3 năm 1946, Hội đồng tư vấn Nam Kỳ mà thực dân Pháp đã tái lập ở Sài Gòn, hợp nhau lại thông qua bản đề nghị gửi cho Ủy viên Cộng hòa Pháp Cédille xin để cho Nam Kỳ hoàn toàn tự trị. Đứng đầu Chính phủ Nam Kỳ tự trị là Bác sĩ Nguyễn Văn Thinh.

Tám tháng sau, thấy mình bị thực dân lừa gạt, đẩy ra làm việc phi nghĩa, Nguyễn Văn Thinh tự tử. Thật ra duyên do sự thể là vì đa số thành viên Chính phủ của ông đã được Thành bộ Dân chủ Sài Gòn vận động từ chức, Thinh bị cô lập, lại bị dư luận trong giới trí thức khinh bỉ (theo báo cáo của Bí thư Kỳ ủy Dân chủ Nguyễn Việt Nam hồi đó). Anh em Dân chủ trước, trong và sau những ngày Tổng khởi nghĩa hoạt động mạnh trong phòng trào Thanh niên Tiền phong, tuy mang tên Thanh niên nhưng bao gồm nhiều thành phần xã hội, đặc biệt là thuộc giới trí thức lớn nhỏ, già trẻ ở thành thị. Trưng cờ màu vàng hoa đỏ, họ rất hăng hái, xông vào các cơ quan ngụy, báo chí, trường học, nhà máy xưởng thợ, các cấp hội Truyền bá quốc ngữ, tuyên truyền cho Chính phủ Hồ Chí Minh, vận động lập lực lượng bán võ trang gìn giữ trị an cho các phố phường, mở rộng các trại thanh niên xa thành phố tập luyện quân sự, diễn kịch, ca hát khêu gợi lòng yêu nước.

Ở miền Bắc, từ sau Hiệp định 6/3, cuộc đấu tranh chống sự lấn lướt gây hấn nhiều lần của quân đội Le Clerc (thay chân quân đội Tưởng) chiến đóng một số điểm, thật gian khổ, có lúc quyết liệt, gần như đổ vỡ hết. Vào khoảng cuối năm, mấy ngày sau cuộc Pháp gây hấn tại Hải Phòng, chiếm cảng, ngăn cản hải quan ta làm việc, bắn giết hàng trăm tự vệ, du kích cùng dân thường ta, Trung ương Dân chủ uất giận, cử đoàn đại biểu của mình do Hoàng Văn Đức dẫn đầu lên yết kiến Hồ Chủ tịch, đề nghị Cụ cho phép nhân dân, bất cứ ở đâu quân Pháp lộng hành, thì đều được phản ứng tự vệ, đảng viên Dân chủ và Thanh niên cứu quốc đi đầu. Chúng tôi vào tận phòng Cụ đang nằm nghỉ; không đủ ghế, chúng tôi ngồi ghé trên mép giường như lũ con cháu vào thăm cha, ông ốm. Trình bày nỗi căm tức và cái cực khổ của dồng bào, có người nghẹn ngào bật khóc. Ông Cụ ngồi nhổm dậy, nắm lấy tay anh Đức và một chị (không biết có phải chị Diệu Hồng hay không) ôn tồn nói: "Mình hiểu nỗi khổ tâm của các cô các chú phải nhìn trực tiếp thấy cảnh đau lòng của đồng bào. Nhưng làm sao được?... Phải tính rằng một ngày dân ta nhắm mắt, bấm bụng ăn "dơ" thì dân ra rèn thêm được bao nhiêu dao, vót thêm được bao nhiêu tầm vông, mài được bao nhiêu giác mác, đào được bao nhiêu hố, đắp được bao nhiêu ụ. Hiểu rồi chứ? Thế thì gắng sức mà an ủi, động viên đồng bào. Cái khỏe của ta là ở đấy!... Có chị sụt sịt: "Chỉ lo Bác ốm" - "Không lo. Cứ yên tâm và luyện chí cho bền. Nhớ chăm sóc tốt những đồng bào bị nạn".

Ngay sau khi ký Hiệp đính sơ bộ, ta cần tranh thủ sự đồng tình dư luận Pháp. Quốc hội ta cử một Phái đoàn thân thiện do đồng chí Phạm Văn Đồng dẫn đầu sang thăm các đoàn thể và nhân sĩ Pháp chân chính dân chủ. Anh Đỗ Đức Dục tự nguyện xin thôi chức Thứ trưởng Giáo dục để thay mặt cho Đảng Dân chủ Việt Nam tham gia phái đoàn. Khi Đoàn tạm dừng chân ở Mạc Tư Khoa mấy ngày, anh chăm chú nhìn, nghe, hỏi, dự định khi về sẽ viết cảm tưởng trước cảnh tượng sôi nổi tái kiến thiết kinh tế, xã hội của dân chúng Liên Xô trên mình còn mang đầy vết thương chiến tranh. Sang đến Pháp, anh "xung phong" xin được cử đi thăm mấy trại "ONS" (2) Việt Nam và trại tù binh cũ của Đức Hitler để về sẽ giới thiệu cho độc giả báo Độc Lập về tinh thần nhân ái và tình yêu nước trong hai dân tộc khác nhau (Pháp và Đức, Pháp và Việt Nam).

Cũng vào cuối năm ấy, Đảng Dân chủ họp Đại hội lần thứ nhất. Đại hội gồm 235 đại biểu thuộc 42 đảng bộ tỉnh, thành phố và hơn 10 chi bộ trực thuộc Trung ương. Chủ trương họp Đại hội trong lúc này - từ 15 đến 20 tháng 10 năm 1946 - là rất kịp thời. Chính phủ Pháp đã phản bội Hiệp định sơ bộ 6-3, phe phái cực đoan trong Việt Quốc, Việt Cách ra sức phá hoại, những người tốt trong họ thì đã phải rút đi hoặc nằm im.Thực dân Pháp tìm kiếm tay sai ráo riết, dân chúng nhiều vùng còn chưa thoát khỏi nạn đói kém khủng khiếp của năm trước nên e ngại chiến sự lan rộng, v.v... Ban Cháp hành Trung ương Dân chủ lâm thời thấy trách nhiệm của đảng mình phải nhanh chóng củng cố hàng ngũ, phát triển tổ chức để cùng với các đoàn thể Việt Minh, Liên Việt đẩy mạnh cuộc vận động kháng chiến, vận động sản xuất phòng đói cứu đói, xóa nạn mù chữ.

Đại hội được tiến hành ở trụ sở Hội Tam điểm xưa, đại lộ Gambetta (nay là đường Trần Hưng Đạo) gần ga Hà Nội, được các bạn Cộng sản tận tình ủng hộ. Ngoài việc được thông tin về sự đóng góp của Trung ương Dân chủ vào cuộc đấu tranh chính trị, quân sự với Pháp và các đảng hải ngoại mới về để tranh thủ sự hợp tác của các nhóm yêu nước trong họ, Đại hội đặc biệt hoan nghênh sáng kiến của đồng chí Hoàng Văn Đức gây phòng trào rầm rộ trồng rau màu cứu đói năm qua và phòng đói năm nay, hoan nghênh việc ra báo Tấc Đất do đồng chí chủ trì phục vụ cho phong trào sản xuất nông nghiệp. Đại hội cũng hoan nghênh kế hoạch của Bộ Giáo dục, với sáng kiến của đồng chí Vũ Đình Hòe về Bình dân học vụ, đang mạnh dạn thực hiện yêu cầu tha thiết của Hồ Chủ tịch trừ diệt giặc dốt cho đồng bào nghèo. Ở đây nên nhắc lại ý kiến phát biểu của đồng chí Phạm Tuấn Khánh mà đa số tán thành là đề nghị Đại hội biểu dương tinh thần tận tụy và sự đóng góp cao trong một năm qua của các đồng chí trí thức trong Trung ương Đảng, đồng chí Khánh đánh giá các cố gắng đó là xứng đáng với lòng tin cậy của toàn dân. Tôi nghe có anh em nói là sau lời phát biểu của đồng chí Khánh, có lời xì xào, chê là anh đã quá đề cao vai trò của trí thức. Đồng chí Khánh là một đảng viên Cộng sản hoạt động trong Đảng Dân chủ, sau này sẽ thay thế đồng chí Hoàng Minh Chính làm Bí thư đảng đoàn (bí mật) của Đảng Cộng sản trong Đảng Dân chủ.

Đại hội đã bầu vào Trung ương đồng chí Giáo sư Ca Văn Thỉnh, đại diện Đảng bộ Dân chủ Nam Bộ vừa từ tuyến lửa ra làm việc với Trung ương Đảng Dân chủ và Chính phủ.

Kết thúc hoạt động của Đảng Dân chủ trong năm 1946, cần nói đến cuộc họp thứ hai lịch sử của Quốc hội ta vào hai ngày 8 và 9 tháng 11 năm 1946 để thảo luận và thông qua Hiếp pháp. Trước đó Quốc hội nghe bản báo cáo của Chính phủ tổng kết công tác trong hơn một năm hoạt động. Tôi có tham gia xây dựng bản báo cáo ấy, và được Hồ Chủ tịch cử thay mặt Chính phủ đọc tại phiên họp Quốc hội. Bản báo cáo ấy có tiếng vang trong chính giới và dư luận Pháp.

Buổi họp cuối cùng của Đại hội lần thứ nhất Đảng dân chủ, tôi mời được Hồ Chủ tịch đến dự, động viên anh em Dân chủ mình. Cụ nhận lơì tuy rằng mới ở Pháp về, còn mệt, mà tình hình thì căng thẳng do sự phá phách của quân Le Clerc. Tôi báo cáo sơ sơ với Bác về biến diễn của Đại hội Dân chủ.

Cụ đến bất thình lình làm anh em sửng sốt một cách sung sướng, nhất là các đại biểu Dân chủ ở địa phương. Cụ bước lên diễn đàn tươi cười, chào bằng cả hai cánh tay dang rộng, trong tiếng sóng hoan hô vang dậy, nhiều anh chị em trẻ nước mắt giàn giụa. Bác ra hiệu ngồi xuống. Rồi:

"Các vị, các anh chị em bảo tôi nói gì nào?... à,à - Chuyện đi Pháp về? Xin hẹn một khi khác. Nói thì dài. Chỉ báo tin các bạn là có chút kết quả. Báo đã đăng... ít quá hả?... Không sao. Cứ bình tĩnh. Giành chính quyền đã khó thì giữ được nó càng khó. Tất nhiên, toàn dân quyết tâm thì chẳng khó nào mà không vượt nổi. Các vị, các anh chị em đồng ý không? (ầm ầm nổi lên: Có, có ạ). Được, được... Vậy nên tôi đến là để hoan nghênh những thành tích lớn lao của Đảng Dân chủ, của các vị, các chú, các cô trong hơn một năm nay đã tham gia chiến đấu, chuẩn bị chiến đấu và xây dựng lực lượng vật chất, tinh thần. Nhưng nói thực xin phép chê vài điều nhé? Ví dụ, một là: Đảng Dân chủ phát triển số lượng chưa đều, chất lượng đôi nơi chưa cao, vì quá ồ ạt "đánh trống ghi tên". Có không nào? (tiếng hô: có, có đấy ạ!) Vậy phải sửa sai sót. Điều tối quan trọng là tăng cường đoàn kết. Đoàn kết là sức mạnh (Bác làm hiệu bằng đôi tay muốn bẻ một bó đũa). Nội bộ phải thật đoàn kết. Nói có sách, mách có chứng. Tôi không nói vu vơ... Trong buổi họp hôm qua sao lại có người xì xào chê anh Phạm Tuấn Khánh khi đồng chí Khánh nhấn mạnh đến thành tích của mấy đồng chí trí thức tiêu biểu Dân chủ trong các chiến dịch chống đói, chống mù chữ: không biết rằng "giặc" đói, "giặc" dốt còn nguy hiểm hơn giặc ngoại xâm à?

- Chống được hai thằng giặc ấy thì mới có sức để đánh thắng giặc ngoại xâm chứ, phải không? (trả lời dậy lên: thưa đúng, đúng ạ). Mà muốn chống được giặc đói, giặc dốt thì cần đến trí thức lắm chứ. Cộng sản, dân chủ phải đoàn kết thật chặt chẽ, chân thành: lại cũng đúng, chứ gì? Đúng, thì phải làm nữa, nhiều hơn nữa, tốt hơn nữa. Đảng Dân chủ có kho dự trữ chất xám nhiều lắm đấy: "trí thức khoa học, kỹ thuật chuyên môn, chuyên nghiệp"... Hồ Chủ tịch nói tiếp:

- Thiếu sót thứ hai là gì?

Là trong các cuộc vận động bầu cử Hội đồng nhân dân các cấp, có nơi Dân chủ chưa ra tay mạnh: thành phần trí thức trong chính quyền còn yếu, cả về số, cả về chất. Có đủ chất xám trong bộ máy chính quyền thì mới tăng được sức bật, sức bền của Khối xi măng cốt sắt đại đoàn kết toàn dân bảo vệ và xây dựng Tổ quốc..."

Trên đây tôi có tóm đại ý bài nói chuyện của Bác, nhất là cố diễn tả nhiệt huyết của Người mà Người muốn tiêm vào máu những người Dân chủ chúng tôi. Chúng tôi đã cố ra sức phấn đấu nhưng chưa đủ trước yêu cầu cầm súng và xây dựng "Bệ phóng" cho Tổ quốc lâm nguy đến nơi rồi.

Sáng sớm 20 tháng Chạp năm 1946, Bác kêu gọi thống nhất toàn dân xông lên diệt thù bằng súng gươm, bằng cuốc xẻng, gậy gộc! Giặc Pháp đã bắt đầu nổ súng ở Thủ đô đêm 19 tháng Chạp.


Đầu 1947.

Đêm 30 Tết Hội đồng Chính phủ họp tại thôn Sài Sơn, sát nách chùa Thầy, phủ Quốc Oai, tỉnh Sơn Tây (cũ), trong một miếu thờ thần trước hang Thánh Hóa. Cũng là đúng hai tháng sau cái đêm lịch sử, mấy cỗ "thần công" cạnh chùa Láng nhả đạn vào trại lính Cột cờ, giữa Thủ đô Hà Nội - nơi đó, Chính phủ ta đã tạm giao cho quân đội Pháp đóng, căn cứ Hiệp định sơ bộ 6 tháng 3 (1946).

Đã gây hấn đêm19-12, tướng Pháp Morlière được tiếp viện quy mô từ chính quốc, bèn chọc thủng lưới chìm Trung đoàn thủ đô, và rón rén rọc thử mấy mũi ra ngoại thành.

Tôi được giấy báo đến trước một tiếng trước giờ họp...

Còn đang tần ngần trước cửa hang thì đã thấy một "lão nông" men đường hẻm sau núi bước ra. Cụ quàng khăn bông đầy cổ, chống gậy tre vì đường trơn sau mấy ngày liên miên mưa dầm. Hồ Chủ tịch! Tôi cúi đầu chào. Cụ nắm tay tôi, vào đề luôn: "Trung ương Dân chủ hiện đóng ở đâu? Tôi nghe tin các chú ngưng sinh hoạt, bảo hòa mình vào Việt Minh là ý tứ thề nào?" Tôi thưa với Cụ rằng anh em Dân chủ chúng tôi nghĩ lúc này dân thành phố tản cư gần hết, công thương và trí thức tiêu biểu không còn ai ở lại, Tổng bí thư xung phong ra tuyến lửa thì đảng Dân chủ nên tự lồng vào các cấp Mặt trận địa phương, tỏa ra khắp nơi, tuyên truyền vận động đồng bào kháng chiến, là hợp lý hơn cả. Cụ vỗ vai tôi, ân cần: "Chỉ hợp lý một nửa thôi! Tôi hỏi chú nhé: - Thế ngộ có nhà công thương nào, nhà trí thức nào muốn tìm Trung ương Dân chủ hỏi về chuyện gì đó, thì chú nghĩ sao?... Chú hiểu ý tôi nói chứ?"

Cụ hỏi thăm về gia đình bác sĩ Nguyễn Văn Luyện. Anh Luyện đã chiến đấu hy sinh ngay đêm đầu tiên kháng chiến tại Thủ đô. Hồi đó, sau CMT8 thành công, lợi dụng cơ hội Đồng minh thắng trận và quân đội Nhật còn đóng ở sân bay Gia Lâm, thực dân Pháp cho phái viên nhảy dù xuống sân bay, chắc mẩm sẽ liên hệ được với những cơ sở xã hội của chúng ở Hà Nội. Bác sĩ Nguyễn Văn Luyện, chủ báo Tin Mới, mau lẹ viết và cho in một cuốn sách nhỏ, lên án chính sách thuộc địa mới của Chính phủ De Gaulle và phanh phui thủ đoạn phỉnh phờ lôi kéo giới trí thức Việt Nam.

Biết chắc chúng sẽ trả thù, Bác sĩ Luyện phòng thủ nhà riêng (tại trước mặt Tòa án, bây giờ là Sứ quán Cuba như một lô cốt, có súng máy bảo về. Đêm 19-12, anh ở lại. Bị Pháp tấn công, ba bố con anh chống trả kịch liệt, nhưng hết đạn thì bị chúng xông vào hạ sát! Chắc Cụ Hồ nhớ lại sự kiện ấy. Thấy vẻ mặt bui ngùi của ông Cụ, tôi báo cáo việc Trung ương Dân chủ vừa cử người đại diện về quê thăm, chúc Tết chị Luyện. Bà đang công tác trong Hội Bà mẹ chiến sĩ Huyện, các con gái dạy giúp lớp Bình dân học vụ ở xã... Cụ vui vui.

Rồi Cụ rút ở túi vải đeo trên vai, trao cho tôi bài thơ mừng năm mới gởi đến Trung ương Dân chủ, mà cụ vừa tự tay đánh máy: "Chú chuyển cho anh Đỗ Đức Dục để đăng báo Độc Lập càng sớm càng tốt. Tiếp tục hỏi han, cụ hỏi câu này: Canh, Nhổn là nguy hiểm đấy". Tôi trả lời số đông công nhân và tòa soạn đã đi. Các máy lớn đã dỡ. "Thưa Bác, anh em gánh khiêng vác từng mảnh ra khỏi làng rồi ạ". Cụ gật đầu "lo xa thế là tốt".

Giữa lúc ấy một chiếc ô-tô con dừng lại. Anh Văn (Võ Nguyên Giáp) bước xuống mời Cụ lên xe. Với tay kéo tôi cùng lên. Xe nổ máy từ từ leo lên đê sông Đáy, lăn chậm theo hướng ngã tư Phùng. Qua một trạm gác. Anh em dân quân chặn lại. Chú lái xe chìa giấy. Không ổn rồi: Thiếu dấu. Ủy ban xã! Một anh khác giật lấy mảnh giấy, lao xuống lùm cây dưới chân đê. Đi hỏi thượng cấp - tôi nghĩ. Quả thật mấy phút sau anh chạy lên, ra hiệu cho xe đi tiếp.

Đến Đồn Phùng, anh Văn cho xe rẽ vào một nhà dân, nồi bánh chưng đang sôi sục trong bếp. Chủ nhà mời ngồi chơi đợi nếm hương vị tất niên. Khách xin lỗi. Vội lắm. Chỉ đủ thời giờ cho vị Tổng chỉ huy Vệ quốc đoàn thì thầm đôi chuyện gì gấp với ai đó vừa xuất hiện. Hồi chiều, một tốp xe tăng địch đã tiến đến cầu. Diễn, bắn lung tung sang hai bên vệ đường rồi quay đầu cút thẳng.

Bóng tối dầy đặc như đêm 30 bao phủ cả vùng. Mưa phùn nặng hạt. Súng nổ ran từ phía Thủ đô. Những chùm tia sáng vọt lên, làm rực đỏ cả một góc trời. Những vệt đèn pha tắt, lóe tắt lóe...

Chúng tôi cho xe phóng một tua đến tận dốc Láng, rồi quay lại đê Phùng. Bỗng xe tụt xuống một hố bùn. Chú lái dận ga hết cỡ. Bánh xe xoay tít tại chỗ làm bùn bắn tóe mà xe hơi không nhúc nhích. Thoát nạn nhờ được tốp dân quân xoay đâu ra tấm ván cứu hộ, hè nhau vào lôi, đẩy...

Mãi hơn 10 giờ đêm hội nghị mới khai mạc. Họp chớp nhoáng. Đồng chí Tổng chỉ huy báo cáo tình hình chiến sự chắc sẽ đột biến. Theo đề nghị của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Hội đồng Chính phủ quyết định chuyển các cơ quan Trung Ương lên chiến khu Tuyên Quang.

V.Đ.H
(139/09-00)


-----------------------------------------
(1) Có vấn đề thống nhất vì ở Nam Bộ Đảng Dân Chủ chỉ mang tên Tân Dân Chủ Đảng và có những chủ trương công tác không thống nhất với Trung Ương Dân chủ.
(2) Ouvriers nonspécialisés: lính hậu cần các xứ Đông Dương phục vụ trong quân đội Pháp hồi Đại chiến thế giới thứ nhất.


Theo Tapchisonghuong.com.vn

 

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top