Hồ Chí Minh - Hiền nhân cách mạng

nvtho_ph

New member
Xu
0
Dân tộc nào cũng có những người anh hùng của mình, những người không tiếc thời gian và tính mạng đấu tranh cho cái đẹp của sự sống. Có những anh hùng không chỉ lưu danh thiên sử ở đất nước mình mà còn được vinh phong danh nhân ở tầm nhân loại nhờ những đóng góp nhân văn to lớn có ích chung cho sự phát triển của cả thế giới.


Ở Việt Nam ta dẫu nhiều thời "tuấn kiệt như sao buổi sớm, nhân tài như lá mùa thu" (Bình Ngô Đại cáo - Nguyễn Trãi) nhưng hàng nghìn năm lịch sử đấu tranh và xây dựng cũng đã cống hiến cho nhân loại những danh nhân văn hóa, những anh hùng giải phóng dân tộc.

Trong quá khứ xa xôi đó là Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn và Ức Trai Nguyễn Trãi "tâm thượng quang khuê tảo" (lòng sáng tựa sao Khuê - lời vua Lê Thánh Tông)...

Còn trong thời hiện đại, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được cả thế giới tôn vinh như tấm bảng trên bảo tàng sống ở Paris, thủ đô nước Pháp đã ghi: "Con người chi phối thế kỷ XX". Năm 1990, nhân kỷ niệm lần thứ 100 ngày sinh của Người, Tổ chức Hợp tác Khoa học và văn hóa quốc tế UNESCO đã ghi nhận về Bác Hồ như sau: "Những lý tưởng của Người là biểu tượng khát vọng của các dân tộc".

Không chỉ là một người chiến sĩ "giàu sang không làm cho say đắm, nghèo hèn không làm cho đổi dời, uy vũ không làm cho khiếp sợ" (lời Khổng Tử bàn về các bậc chính nhân quân tử), Hồ Chí Minh còn là một người hiền đã tạo dựng nên cả một hệ tư tưởng cách mạng có thể làm ngọn đèn soi đường chỉ lối cho dân tộc vượt qua mọi phong ba bão táp cả trong các cuộc chiến tranh giải phóng đất nước, bảo vệ điều quý giá nhất là nền tự do độc lập lẫn trên hành trình gian khó xây dựng một nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh và nhân hậu.

Bác Hồ của chúng ta luôn được trân trọng nhắc tới như một tấm gương sáng của thời đại đầy bão tố và sóng gió trong thế kỷ XX: một con người có công lao lớn trong việc giành lại độc lập tự do cho tổ quốc mình và gìn giữ được những tinh hoa đạo lý truyền thống của Việt Nam và phương Đông, tạo nên một căn bản tư tưởng ích nước, lợi dân, hòa đồng cùng nhân loại.

Giữa bề bộn các trào lưu tư tưởng và chủ nghĩa chính trị hồi đầu thế kỷ, bằng sự nhạy cảm thiên bẩm của một trái tim yêu nước thương nòi hơn hết cả, anh thanh niên Nguyễn Ái Quốc đã linh cảm đúng con đường mà nước Việt cần đi, không bị lóa mắt bởi bất cứ một lý thuyết nào dù hấp dẫn đến mấy nhưng không đặt sự giải phóng dân tộc lên trên hết. Sự lựa chọn của Bác Hồ cũng chính là sự lựa chọn của nhân dân các dân tộc Việt Nam, của nhân dân nhiều dân tộc trên thế giới.

Hồ Chí Minh là người hiền cách mạng đi từ lũy tre Kim Liên tới hội nhập cùng đại dương nhân loại, không những không đánh mất bản thân mình mà còn làm giầu có thêm kho báu tinh thần nhân loại. Từ Làng Sen, Bác đã tới được cùng thế giới.

Những năm cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, Việt Nam nói riêng và Đông Dương nói chung chìm đắm dưới ách đô hộ hà khắc của thực dân Pháp. Chính Nguyễn Ái Quốc đã từng viết trong bài báo "Vấn đề dân bản xứ" như sau:

"Từ khi bị Pháp chiếm, đất nước chúng tôi hầu như luôn luôn sống lay lắt ngày này qua ngày khác, không hề biết chính quyền dẫn mình đi đến đâu, - chính quyền này khi thì nói về chính sách đồng hóa, khi thì nói về chính sách liên hiệp hoặc gì khác nữa, nhưng thật ra chẳng áp dụng một chính sách nào cả.

Tình hình đích thực là như sau: nay cũng như trước kia, kẻ chinh phục và nhân dân bị chinh phục đều sống mặt đối mặt, trong một không khí nghi kị lẫn nhau...

Về tâm lý, ở phía bên kia là thái độ hiềm nghi và khinh miệt; còn phía bên này là tâm trạng bực dọc và tuyệt vọng. Các ấn phẩm sách báo thực dân đều đầy rẫy những đòn đả kích hung bạo đánh vào nhân dân bị chinh phục, đều tràn ngập những lời chửi rủa phun thẳng vào mặt họ với dũng khí ngày càng hung hăng vì tác giả biết trước là họ chẳng thể nào trả miếng lại được và họ chỉ đành phải nghiến răng mà nuốt lấy...

Về hành chính và pháp lý: cả một vực thẳm cách biệt người Âu với người bản xứ. Người Âu hưởng mọi tự do và ngự trị như người chủ tuyệt đối, còn người bản xứ thì bị bịt mõm và bị buộc dây dắt đi, chỉ có quyền phải phục tùng, không được kêu ca; vì nếu anh ta dám phản đối thì anh ta liền bị tuyên bố là kẻ phản nghịch hoặc là một tên cách mạng và bị đối xử đúng với tội trạng ấy.

Càng khốn khổ hơn cho người bản xứ nào xuất ngoại để thoát khỏi cái chế độ "dịu hiền" ấy: gia đình anh bị hành hạ; bản thân anh ta, nếu bị bắt, thì bị tù khổ sai hoặc bị đẩy lên máy chém. Thậm chí để đi lại trong nước, từ địa phương này tới địa phương khác theo luật, người bản xứ cũng phải mang theo giấy phép.

Còn công lý, đối với người bản xứ, nó tồn tại thế này đây: người Âu nào đã giết chết, tàn sát hoặc cưỡng dâm người bản xứ, thì trong trường hợp vụ án không thể được ỉm hoàn toàn, anh ta chắc mẩm mình được tòa án tha bổng, mình ra tòa chẳng qua chỉ là chuyện hình thức...".

Trong không khí u ám ấy, những khẩu hiệu quen thuộc của nền dân chủ châu Âu có lẽ chỉ gợi nên những cảm giác hài hước "cười ra nước mắt" hoặc lạc quan lắm thì cũng là ngạc nhiên. Có thể hiểu được thái độ của anh thanh niên Nguyễn Tất Thành khi lần đầu tiên nhìn thấy những khẩu hiệu đầy tính dân tuý bằng tiếng Pháp in ở trên tường Trường Quốc học Huế: "Khi tôi 13 tuổi, lần đầu tiên tôi được nghe ba chữ Pháp: Tự do - Bình đẳng - Bác ái". Từ thuở ấy, tôi muốn làm quen với nền văn minh Pháp, muốn tìm xem những gì ẩn giấu đàng sau những chữ ấy".

Khẩu hiệu "Tự do - Bình đẳng - Bác ái" sinh ra trong máu của cách mạng Pháp năm 1789, khi ngục Bastille bị phá vỡ. Sang tới thuộc địa Đông Dương, khẩu hiệu này chỉ gợi nên những nụ cười mai mỉa. Và thế là Nguyễn Ái Quốc đã quyết định xuất ngoại để xem nền văn minh Pháp trong hình dạng nguyên bản của nó có yếu tố gì hữu ích cho việc giải phóng đất nước và dân tộc của người Việt Nam hay không.

Jean Saiteny (1907-1978), nhà hoạt động chính trị Pháp rất gắn bó với Đông Dương, về sau nhận xét: "Hành động sáng tạo đầu tiên của Chủ tịch Hồ Chí Minh là sang tận sào huyệt của chủ nghĩa thực dân để chống lại chủ nghĩa thực dân". Tháng 6-1911, tàu Đô đốc Latouche Treville rời bến Nhà Rồng chở theo một người đầu bếp mới tên Ba... Đó là Nguyễn Tất Thành, Nguyễn Ái Quốc…

Tại Paris và không chỉ dừng lại ở Paris, Nguyễn Ái Quốc làm đủ thứ việc, đọc đủ thứ sách và đi khắp mọi nơi có thể... Đơn thương độc mã, chỉ có trái tim nồng nàn yêu nước và một trí tuệ sắc bén đầy hăm hở mang theo, anh Nguyễn đã tới thủ đô và bến cảng của rất nhiều nước ở nhiều châu lục: Pháp, Anh, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Algierie, Tunisia, Congo, Senegal… rồi New York, Boston, Rio De Janeyro, Buenos Aires... Làm gì, đọc gì, tới đâu, anh Nguyễn cũng chăm chăm tìm xem trào lưu chính trị nào, lực lượng nào, hệ tư tưởng quan tâm tới các vấn đề thuộc địa. Xuất phát điểm của Nguyễn Ái Quốc, cũng như của một số nhà cách mạng và cách tân tiền bối chân chính, luôn là lợi quyền thiết thân của dân tộc Việt Nam.

Như thực tế cho thấy, không phải lúc nào hướng đi của phong trào cách mạng quốc tế cũng nhất nhất trùng khít với những nhiệm vụ chiến thuật và chiến lược của chúng ta nhưng nếu có cách hành xử tỉnh táo và hữu lý, chúng ta luôn có thể tận dụng được những xung lực có lợi cho đất nước mình và tránh đi những phản lực không cần thiết.

Chiều ngày 26/12/1920, Nguyễn Ái Quốc đứng lên phát biểu tại Đại hội toàn quốc lần thứ XVIII Đảng Xã hội Pháp cũng đơn giản chỉ từ nhận thức rằng Đảng này với việc gia nhập Quốc tế thứ ba có nghĩa là đã "hứa một cách cụ thể rằng, từ nay Đảng sẽ đánh giá đúng tầm quan trọng của vấn đề thuộc địa" và có thể mai này "phái một đồng chí của Đảng để nghiên cứu tại chỗ những vấn đề Đông Dương và đề xuất những hoạt động cần phải tiến hành".

Và trong nếp tư duy ấy, cũng tại Đại hội trên, Nguyễn Ái Quốc đã nhấn mạnh: "Nhân danh toàn thể loài người, nhân danh tất cả các đảng viên xã hội, cả phái hữu lẫn phái tả, chúng tôi kêu gọi: Các đồng chí, hãy cứu chúng tôi!".

Sự thành tâm và thẳng thắn đối với vận mệnh của quốc gia mình mà Bác Hồ thể hiện trong Đại hội trên đã khiến những người con yêu nước chân chính của các quốc gia khác cảm thấy tương đồng và khâm phục. Những tràng vỗ tay hoan hô lời kêu gọi của Nguyễn Ái Quốc hôm đó, đúng như lời Chủ tịch Đại hội là ông Êmin Guđơ nhận xét: "Có thể cho thấy rằng toàn thể Đảng Xã hội đứng về phía đồng chí để phản đối tội ác của giai cấp tư sản".
Nguồn : Công an nhân dân online
 

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top